TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 80/2019/KDTM-PT NGÀY 24/12/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ VÀ YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT
Ngày 24 tháng 12 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 38/2019/TLPT-KDTM ngày 21 tháng 6 năm 2019 về việc tranh chấp “Tranh chấp quyền Sở hữu trí tuệ và yêu cầu hủy Quyết định cá biệt”. Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 1530/2018/KDTM-ST ngày 03 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 930/2019/QĐPT ngày 20 tháng 5 năm 2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty TNHH Một thành viên K.
Địa chỉ: Ấp 1B, xã A, huyện Th, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Cao Thảo Quỳnh A (theo giấy ủy quyền ngày 12/12/2019) (có mặt)
Bị đơn: Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí Xây dựng S.
Địa chỉ: Số 1 Nguyễn Văn L, phường L, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Đại L (theo giấy ủy quyền ngày 16/8/2018) (có mặt).
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Cục Sở hữu trí tuệ Địa chỉ: 384-386 Nguyễn Tr, quận Th, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Nguyễn Thanh H (theo giấy ủy quyền ngày 14/8/2018) (có mặt)
Người kháng cáo: Nguyên đơn Công ty TNHH MTV K.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện ngày 25/7/2014, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của nguyên đơn – Công ty TNHH Một thành viên K là bà Cao Thảo Quỳnh A trình bày:
Ngày 26/8/2003, Công ty Herdgraph Pty, Ltd (gọi tắt là Hergraph) nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu “Aardwolf” số 4-2003-07360 (có ngày ưu tiên là ngày Hergraph đã nộp đơn tại Úc 26/02/2003) tại Cục Sở hữu trí tuệ (gọi tắt là Cục SHTT) thông qua Đại diện sở hữu công nghiệp là Công ty A.M.B.Y.S (gọi tắt là AMBYS);
Sau khi nộp đơn tại Việt Nam, Hergraph được biết vào ngày 24/02/2003, Chi nhánh Công ty TNHH Cơ khí – Xây dựng S (gọi tắt là Chi nhánh S) đã tiến hành nộp đơn đăng ký Nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 tại Cục SHTT thông qua Đại diện sở hữu công nghiệp là Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ thương mại và sở hữu công nghiệp Song Ngọc (gọi tắt là Song Ngọc) vào ngày 24/02/2003;
Vào ngày 26/9/2005, AMBYS, được ủy nhiệm của Hergraph nộp Công văn số 98-05/AM-CV ngày 22/9/2005 phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho đơn đăng ký Nhãn hiệu hàng hóa số 4-2003-01139 nộp ngày 24/02/2003 của Chi nhánh S với lý do người nộp đơn đã có biểu hiện không trung thực khi tiến hành nộp đơn.
Ngày 23/10/2012, tại văn bản số 8433/SHTT-NH2, Cục SHTT đề nghị trong vòng ba tháng Hergraph phải khởi kiện việc phản đối Đơn ra Tòa giải quyết và báo kết quả xử lý của Toà lại cho Cục SHTT. Ngày 23/01/2013, tại công văn số 0108/NH-PĐ, Ambys đã trả lời Cục SHTT là không đồng ý với yêu cầu này và đề nghị Cục SHTT đưa ra kết quả giải quyết.
Sau đó, phía Hergraph có sự thay đổi Đại diện Sở hữu công nghiệp và Người tiến hành phản đối Đơn số 4-2003-01139. Cụ thể như sau:
- Thay đổi Đại diện Sở hữu công nghiệp từ Ambys sang Văn phòng Luật sư A Hòa (gọi tắt là A Hòa).
- Thay đổi Người tiến hành phản đối Đơn số 4-2003-01139 từ Hergraph sang Công ty TNHH Một thành viên K (gọi tắt là K).
Ngày 01/10/2013, tại Thông báo số 8409/SHTT-NH2, Cục SHTT đã thông báo cho A Hòa là “Yêu cầu chuyển giao Đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu số 4-2003-07360 đã được ghi nhận chuyển giao từ bên chuyển giao là Hergraph Pty. Ltd đến Bên nhận chuyển giao là công ty TNHH MTV K”. Như vậy, kể từ ngày 01/10/2013 các quyền và nghĩa vụ liên quan đến Đơn yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu số 4-2003-07360 nộp ngày 26/8/2003 bao gồm cả quyền phản đối đơn của Hergraph đã được chuyển giao hợp lệ từ Hergraph sang K.
Ngày 20/01/2014, Cục SHTT gửi Công văn số 478/SHTT-NH2 cho A Hòa với nội dung “… Đến thời điểm hiện tại, Cục Sở hữu trí tuệ không nhận được thông báo về việc bên phản đối đã nộp đơn cho Tòa án nên đề nghị không cấp Giấy chứng nhận cho đơn nêu trên của bên phản đối coi như được rút bỏ.” Ngày 21/02/2014, A Hòa đã gửi đơn khiếu nại đến Cục SHTT đề nghị tiếp tục xem xét việc phản đối đơn và không cấp văn bằng cho Chi nhánh S tại Công văn số 0108/NH-PĐ/BS3 ngày 19/02/2014.
Tại công văn số 0108/NH-PĐ/BS4 ngày 02/4/2014, A Hòa tiếp tục khiếu nại Cục SHTT đề nghị tạm thời chưa cấp văn bằng cho Chi nhánh S và thông báo K sẽ khởi kiện hành chính Thông báo số 478/SHTT-NH2 ngày 20/01/2014. Tuy nhiên, Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương không thụ lý và trả lại Đơn khởi kiện cho K.
Do vậy, ngày 25/7/2014 K nộp đơn khởi kiện S tại Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh với yêu cầu: Buộc Công ty TNHH MTV Cơ khí Xây dựng S rút Đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003-1139 đã nộp tại Cục SHTT ngày 24/02/2003 với lý do S đã có biểu hiện không trung thực khi tiến hành nộp đơn số 4-2003-01139.
Trong quá trình tòa án đang thụ lý giải quyết tranh chấp, ngày 11/3/2015 Cục SHTT ban hành Quyết định số 15003/QĐ-SHTT cấp văn bằng bảo hộ số 241401 cho Chi nhánh S và sau đó đến ngày 04/9/2015 Cục SHTT lại tiếp tục ban hành Quyết định số 54480/QĐ-SHTT về việc sửa đổi tên chủ GCN ĐKNH số 241401 từ “Chi nhánh Công ty TNHH Cơ khí - Xây dựng S” thành “Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí - Xây dựng S”. Nhận thấy các quyết định nêu trên của Cục SHTT là trái pháp luật nên ngày 17/6/2016 nguyên đơn đã yêu cầu tòa xem xét và hủy quyết định số 15003/QĐ-SHTT ngày 11/3/2015 của Cục SHTT về việc cấp văn bằng bảo hộ số 241401 cho Chi nhánh S và Quyết định sửa đổi số 54480/QĐ-SHTT ngày 04/9/2015 của Cục SHTT.
Sau đó, ngày 18/9/2017 Cục SHTT ra quyết định số 3071/QĐ-SHTT về việc thu hồi quyết định cấp và quyết định sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 24101 và đến ngày 29/12/2017 Cục SHTT ban hành Quyết định số 93658/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “Aardwolf, hình” cho S. Do đó, tại phiên hòa giải ngày 01/02/2018 nguyên đơn xác định xin rút lại yêu cầu hủy Quyết định số 15003/QĐ-SHTT ngày 11/3/2015 về việc cấp văn bằng bảo hộ số 241401 cho Chi nhánh S và Quyết định sửa đổi số 54480/QĐ-SHTT ngày 04/9/2015 do các Quyết định này đã bị Cục SHTT thu hồi. Cụ thể nguyên đơn xác định thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện như sau:
1.Yêu cầu Tòa án buộc Công ty S rút Đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003- 1139 đã nộp tại Cục SHTT ngày 24/02/2003 với lý do S đã có biểu hiện không trung thực khi tiến hành nộp đơn số 04-2003-1139.
2. Nguyên đơn yêu cầu bổ sung nội dung khởi kiện đề nghị hủy Quyết định số 93658/QĐ-SHTT của Cục SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “Aardwolf , hình” cho Công ty S.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông Phạm Đại Lợi – Người đại diện hợp pháp của bị đơn – Công ty TNHH MTV Cơ khí Xây dựng S trình bày:
Ông Nguyễn Nhơn Hòa (chủ sở hữu S) và ông James Edmund Corbett thành lập Công ty Abaco Machines tại Úc vào năm 1995 và công ty này đã đăng ký nhãn hiệu “Abaco Machines” tại Úc, Mỹ và Việt Nam. Đến năm 2001, ông James bán toàn bộ cổ phần trong Công ty Abaco Machines cho Ông H và kể từ đó hai bên trở thành đối thủ cạnh tranh. Đến năm 2002, ông James thành lập công ty riêng lấy tên là Công ty Abaco Equipment nhằm cạnh tranh trực tiếp với Công ty Abaco Machines của ông H. Để phòng thương hiệu Abaco Machines bị ảnh hưởng bởi hành vi “cạnh tranh không lành mạnh” từ phía ông James, ông H đã lựa chọn và đăng ký nhãn hiệu khác có tên là “Aardwolf” tại Việt Nam. Việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 của Công ty S tại Việt Nam là tuân thủ đúng các quy định tại các Điểm (a), (b), (c) và (d) Khoản 2 Điều 14, Điều 15 và phù hợp với Điều 16 về “Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên” của Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996. Cụ thể: “Nếu có từ hai chủ thể trở lên đều nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ với cùng một sáng chế, một giải pháp hữu ích, một kiểu dáng công nghiệp, một nhãn hiệu hàng hóa dùng cho cùng một loại sản phẩm, dịch vụ thì khi được cấp, Văn bằng bảo hộ được cấp cho người nộp đơn sớm nhất trong số những người nộp đơn đó”. Công ty S đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 có ngày nộp đơn và ngày ưu tiên là ngày 24/02/2003 và trước đó không có đơn nhãn hiệu nào khác có ngày ưu tiên sớm hơn nên Công ty S phải là người được cấp văn bằng bảo hộ do đó việc Cục SHTT cấp văn bằng cho S là đúng qui định pháp luật. Công ty S không có bất kỳ dấu hiệu nào là không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 nói trên. Nguyên đơn cho rằng tên kinh doanh “Aardwolf” đã được ông James đăng ký trước tại Úc và vì ông H có quan hệ làm ăn trước đó với ông James nên cho rằng Công ty S “không trung thực” khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” là suy diễn thiếu căn cứ vì quan hệ giữa ông James và ông H đã kết thúc từ năm 2001, trong khi mãi đến năm 2003 nhãn hiệu “Aardwolf” mới xuất hiện. Tên kinh doanh “Aardwolf” đăng ký tại Úc của ông James (nếu có) không phải là đối tượng được hưởng quyền ưu tiên để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Ngoài ra, không có tài liệu nào chứng minh Công ty S biết đến tên kinh doanh của ông James đã đăng ký tại Úc, cũng như nguyên đơn không chứng minh được ông James có sử dụng nhãn hiệu “Aardwolf” tại Việt Nam trước ngày 24/02/2003 (tức trước ngày nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 của Công ty S). Mặt khác “Aardwolf” là một từ tiếng Anh có nghĩa “Chó sói đất”, không phải là một từ ngữ do ông James tự đặt ra, nên ai cũng có thể biết và có thể đăng ký để làm nhãn hiệu riêng cho mình.
Công ty K là nguyên đơn trong vụ án này được thành lập năm 2007 tại Việt Nam (sau rất lâu kể từ thời điểm Công ty S đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf”) nhận chuyển giao đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” số 4-2003-07360 tại Việt Nam từ Công ty Herdgraph. Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng chuyển giao đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” số 4-2003-07360 giữa Hergraph và K chỉ thể hiện việc chuyển giao đơn nhãn hiệu “Aardwolf” số 4-2003-07360 từ Herdgraph cho K, không đề cập đến các quyền và nghĩa vụ khác. Do đó, nguyên đơn chỉ là người kế thừa các quyền và nghĩa vụ của chủ đơn đối với đơn nhãn hiệu số 4- 2003-07360 của Herdgraph, chứ không phải là người kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của ông James. Vì thế K không thể sử dụng các chứng cứ về mối quan hệ cá nhân diễn ra của hai chủ thể khác (ông James và ông H) để cho rằng S có hành vi không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu vì mối quan hệ đó không phải mối quan hệ trực tiếp giữa nguyên đơn (Công ty K) và bị đơn (Công ty S). Lập luận của nguyên đơn về hành vi “không trung thực” khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” của Công ty S là không có cơ sở nên đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyên đơn.
Ông Nguyễn Thanh H– Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Cục Sở hữu trí tuệ trình bày:
Ngày 24/02/2003, Chi nhánh Công ty S nộp Đơn số 4-2003-01139 đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” cho các sản phẩm “Nhóm 08: Công cụ và dụng cụ cầm tay thao tác thủ công như: máy cưa, máy cắt gạch, đánh bóng gạch, máy gắp đá, dao cắt ni lông dùng để bao gói”.
Ngày 22/3/2004, Cục SHTT có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn nêu trên, với quá trình như sau:
Ngày 07/4/2003, đại diện của chủ đơn có đơn đề nghị điều chỉnh lại danh mục yêu cầu đăng ký như sau: “Nhóm 08: Công cụ và dụng cụ cầm tay như: máy cưa, máy cắt gạch, đánh bóng gạch, máy gắp đá, dao cắt ni lông dùng để bao gói”.
Ngày 09/6/2003, Cục SHTT có công văn thông báo kết quả thẩm định hình thức đối với đơn trên. Theo nội dung công văn, đơn chưa được chấp nhận hợp lệ vì danh mục sản phẩm có một phần chưa phù hợp với phạm vi kinh doanh và kết quả phân loại chưa chính xác.
Trên cơ sở đơn trả lời của chủ đơn, Cục SHTT có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đối với đơn nêu trên với danh mục sản phẩm sau khi điều chỉnh là: “Nhóm 07: máy cưa, máy cắt gạch, đánh bóng gạch, máy gắp đá”.
Ngày 26/3/2004, chủ đơn có đơn đề nghị loại bỏ hình bản đồ ra khỏi mẫu nhãn hiệu và bổ sung 15 mẫu nhãn hiệu mới không còn hình bản đồ.
Ngày 16/8/2005, Cục SHTT nhận được đơn của Công ty Herdgraph Pty, Ltd phản đối cấp GCN ĐKNH đối với đơn trên vì cho rằng ông Nguyễn Nhơn Hòa, giám đốc Công ty S đã không trung thực khi nộp đơn.
Sau một thời gian dài xem xét nhưng vẫn không thể xác định ý kiến của bên phản đối có cơ sở hay không và do tính chất phức tạp của vụ việc, đặc biệt là về quan hệ dân sự giữa các cá nhân có liên quan trước thời điểm nộp đơn nên Cục SHTT đã đề nghị Herdgraph Pty, Ltd (Công ty TNHH Ambys là đại diện) nộp đơn cho Tòa án giải quyết tại Công văn số 8433/SHTT-NH2 ngày 23/10/2012.
Sau khi chờ đợi quá thời hạn nêu trong công văn trên nhưng bên phản đối không có thông tin về việc nộp đơn đề nghị Tòa án giải quyết, Cục SHTT có Công văn số 478/SHTT-NH2 ngày 20/01/2014 thông báo cho các bên về đề nghị không cấp GCN ĐKNH cho đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003-01139 (phản đối đơn) bị coi như rút bỏ. Trình tự nêu trên được thực hiện đúng theo quy định tại Điểm 6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Ngày 23/01/2014, Cục SHTT có Thông báo số 2207/SHTT-NH2 về dự định cấp văn bằng bảo hộ và nộp lệ phí gửi cho bên nộp đơn đăng ký nhãn hiệu xác định nhãn hiệu theo đơn số 4-2003-01139 đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.
Ngày 10/3/2014, đại diện của Chi nhánh Công ty S đã nộp lệ phí cấp văn bằng bảo hộ.
Ngày 11/3/2015, Cục SHTT ra Quyết định số 15003/QĐ-SHTT cấp GCN ĐKNH số 241401 cho đơn số 4-2003-01139.
Trên cơ sở yêu cầu sửa đổi văn bằng bảo hộ số SB4-2015-0557 ngày 08/4/2015 của đại diện Công ty S và các tài liệu pháp lý được nộp kèm theo, ngày 04/9/2015 Cục SHTT đã có Quyết định số 54480/QĐ-SHTT về việc sửa đổi tên chủ GCN ĐKNH số 241401 từ “Chi nhánh Công ty TNHH Cơ khí - Xây dựng S” thành “Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí - Xây dựng S”.
Ngày 18/9/2017, Cục SHTT ra Quyết định số 3071/QĐ-SHTT ngày 18/9/2017 thu hồi Quyết định cấp và Quyết định sửa đổi GCN ĐKNH số 241401. Lý do để thu hồi Quyết định số 15003/QĐ-SHTT ngày 11/3/2015 là do cấp GCNĐKNH cho một chủ thể không còn tồn tại (việc thu hồi Quyết định số 54480/QĐ-SHTT chỉ là hệ quả). Theo quy định chung trong quản lý hành chính là nếu cơ quan quản lý hành chính nhà nước phát hiện đã ban hành quyết định không phù hợp thì phải thu hồi, sửa đối... để khắc phục các nội dung đó.
Khi đã thu hồi Quyết định số 15003/QĐ-SHTT thì Cục SHTT lại phải xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003-01139, tuy nhiên quá trình xử lý này phải căn cứ với lý do thu hồi, tức là xác định chủ sở hữu nhãn hiệu “Aardwolf” của đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003-01139 theo quy định pháp luật khi mà Chi nhánh Công ty S đã giải thể. Sau khi xem xét Cục SHTT đã xác định Công ty S là có quyền sở hữu đối với nhãn hiệu “Aardwolf” theo đơn đăng ký nhãn hiệu số 4- 2003-01139 nên Cục SHTT đã ban hành Quyết định số 93658/QĐ-SHTT ngày 29/12/2017 về việc cấp Giấy chứng nhận ĐKNH số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “Aardwolf” cho Công ty S theo đề nghị của đại diện Công ty S.
Việc Chi nhánh Công ty S nộp đơn số 4-2003-01139 (thông qua tổ chức dịch vụ đại diện SHCN Song Ngọc) đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” là phù hợp với quy định tại Mục 3.3 Chương I Thông tư 3055/1997/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ khoa học công nghệ và môi trường hướng dẫn thi hành các quy định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Nguyên đơn nêu việc điều chỉnh đơn của S được xem là phải đăng ký mới vì nhãn hiệu theo đơn đã được sửa chữa và việc sửa chữa này đã làm thay đổi bản chất đối tượng khi S đã thay mẫu nhãn hiệu trong Đơn Đăng Ký bằng một mẫu nhãn hiệu khác cũng như thay đổi nhóm hàng hóa là không đúng vì:
Việc sửa nhóm hàng hóa: theo quy định tại Điểm 13 Thông tư 3055 việc phân nhóm thiếu chính xác của người nộp đơn nhãn hiệu được coi là thiếu sót và Cục SHTT có trách nhiệm thông báo về thiếu sót đó cho người nộp đơn. Người nộp đơn có thể chấp nhận quan điểm của Cục SHTT để đơn tiếp tục được thẩm định hoặc khiếu nại nếu không đồng ý. Trong trường hợp đơn số 4-2003-01139 đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” thì người nộp đơn đồng ý với quan điểm của Cục SHTT (thay đổi từ nhóm 8 sang 7 và thu hẹp danh mục sản phẩm cụ thể đã có từ trước ). Theo quy định, việc phân loại danh mục sản phẩm, dịch vụ phải phù hợp với Bảng phân loại quốc tế Ni-xơ, trong trường hợp việc phân loại danh mục không phù hợp, chủ đơn phải có văn bản đề nghị điều chỉnh hoặc Cục SHTT yêu cầu chủ đơn điều chỉnh phân loại phù hợp với Bảng phân loại quốc tế Ni-xơ. Do đó, việc điều chỉnh danh mục các sản phẩm như nêu ở trên của đơn đăng ký trên là đúng theo quy định.
Việc sửa đổi mẫu nhãn hiệu: Mẫu nhãn hiệu theo đơn số 4-2003-01139 đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” ban đầu có hình bản đồ nước Úc, dấu hiệu này là dấu hiệu không được bảo hộ do có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu và người nộp đơn đã đề nghị sửa đổi bằng cách nộp mẫu nhãn hiệu mới không còn hình bản đồ (các dấu hiệu khác và chữ “Aardwolf” vẫn giữ nguyên như ban đầu) do vậy không thể coi đây là mẫu nhãn hiệu hoàn toàn khác như ý kiến của nguyên đơn và việc Cục SHTT chấp nhận là phù hợp quy định. Trong trường hợp người nộp đơn không sửa mẫu nhãn hiệu thì nhãn hiệu “Aardwolf” theo đơn số 4-2003-01139 vẫn được bảo hộ nhưng dấu hiệu hình bản đồ nước Úc sẽ bị loại trừ (bảo hộ tổng thể).
Cục SHTT đã ra Quyết định số 15003/QĐ-SHTT cấp GCN ĐKNH số 241401 ngày 11/3/2015 cho đơn số 4-2003-01139, tuy nhiên vào thời điểm đó, Cục SHTT không có thông tin chính thức về đơn khởi kiện của nguyên đơn đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thụ lý. Hơn nữa, khi Herdgraph Pty, Ltd (Công ty TNHH Ambys là đại diện) được Cục SHTT khuyến cáo nộp đơn ra Tòa để làm rõ quan hệ với người nộp đơn số 4-2003-01139 và Cục SHTT sẽ tạm dừng việc xét đơn vừa nêu (công văn số 8433/SHTT-NH2 ngày 23/10/2012) để chờ phán quyết của Tòa thì Công ty này đã không thực hiện. Do vậy, Cục SHTT có công văn số 478/SHTT-NH2 ngày 20/01/2014 thông báo cho các bên về đề nghị không cấp GCN ĐKNH cho đơn đăng ký nhãn hiệu số 4- 2003-01139 (phản đối đơn) bị coi như rút bỏ. Như vậy, kể từ sau thời điểm trên việc phản đối đơn đăng ký số 4-2003-01139 (với lý do người nộp đơn không trung thực) đã chấm dứt và việc K nộp đơn khởi kiện với lý do nêu trên ra Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không còn thuộc phạm vi thực hiện quy định tại Điểm 6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ như đã nêu trong công văn số 8433/SHTT-NH2 ngày 23/10/2012.
Nguyên đơn cho rằng Công ty S không có quyền nộp Đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003-1139 đã nộp tại Cục SHTT ngày 24/02/2003 với lý do Công ty S đã có biểu hiện không trung thực là không có cơ sở. Cục SHTT xin lưu ý rằng: Nguyên đơn không phải là cá nhân ông James, ông này không nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” tại Úc và Việt Nam và nguyên đơn cũng không cung cấp được văn bản chứng tỏ ông James đã cho phép nguyên đơn - Công TNHH K - được dùng các quyền liên quan đến quá trình sử dụng nhãn hiệu “Aardwolf” của cá nhân ông (nếu có) để biện hộ trong vụ việc này. Văn bản chuyển giao đơn nhãn hiệu số 4-2003-07360 giữa K – bên nhận và Herdgraph Pty, Ltd – bên giao (bản lưu tại Cục SHTT) chỉ đề cập đến chuyển giao đơn này mà không gồm bất kỳ nội dung nào khác.Vậy nguyên đơn không thể sử dụng các thông tin của ông James để cho rằng Công ty S không trung thực trong việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu. Do đó, đề nghị Tòa giữ nguyên hiệu lực của Quyết định số 93658/QĐ- SHTT ngày 29/12/2017 về việc cấp GCN ĐKNH số 293941 và không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 530/2018/KDTM-ST ngày 03 tháng 5 năm 2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:
1. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của nguyên đơn đề nghị hủy quyết định cá biệt số 15003/QĐ-SHTT ngày 11/3/2015 và Quyết định sửa đổi số 54480/QĐ-SHTT ngày 04/9/2015 của Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty TNHH Một thành viên K yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí xây dựng S rút đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ ngày 24/2/2003 với lý do cho rằng Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí xây dựng S có biểu hiện không trung thực khi tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty TNHH Một thành viên K yêu cầu hủy Quyết định số 93658/QĐ-SHTT ngày 29/12/2017 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “AARDWOLF, hình” cho Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí xây dựng S.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 08/5/2018 nguyên đơn công ty TNHH K kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm Tại phiên tòa phúc thẩm:
Phía nguyên đơn cho rằng ông James đăng ký sử dụng nhãn hiệu Aardwolf tại Úc ngày 26/8/2003 được hưởng quyền ưu tiên 6 tháng trước là ngày 26/2/2003. Giữa ông James và ông H có mối quan hệ hợp tác làm ăn trước đây sau đó tách ra thành quan hệ cạnh tranh. Ông H biết ông James đăng ký nhãn hiệu tại Úc nên cũng đi đăng ký nhãn hiệu Aardwolf tại Việt Nam nhưng từ ngày đăng ký đến nay đã hơn 16 năm mà không hề sử dụng. Điều đó cho thấy ông H không trung thực khi đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra, phía nguyên đơn còn cho rằng chi nhánh công ty TNHH Cơ khí xây dựng S (viết tắt chi nhánh S) không có quyền đăng ký nhãn hiệu nhưng cục Sở hữu trí tuệ lại nhận đơn và sau đó cấp Quyết định 93658/QĐ-SHTT ngày 29/12/2017 về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “Aardwolf, hình” cho Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí xây dựng S. Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Bị đơn cho rằng ông James đăng ký kinh doanh tại Úc là tên hộ kinh doanh không phải tên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là “Aardwolf, hình”. Mối quan hệ giữa hai bên chấm dứt từ năm 2001 khi ông James chuyển toàn bộ cổ phần cho ông H. Từ khi đăng ký nhãn hiệu năm 2003 nhưng đến năm 2017 mới được cấp đến nay chỉ được 2 năm. Trong thời gian đó bên công ty S có sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp người được cấp vi phạm thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Việc cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu nói trên cho bị đơn là hoàn toàn đúng quy định pháp luật do trước đó không có đơn nào nộp yêu cầu cấp bảo hộ sớm hơn.
Cục sở hữu trí tuệ cho rằng Cục cấp bảo hộ nhãn hiệu cho công ty S là đúng pháp luật. Khi cấp cục sở hữu trí tuệ không xét đến nhãn hiệu ở nước ngoài trừ trường hợp được quyền ưu tiên. Nhưng phía nguyên đơn nộp sau bị đơn 2 ngày (sau khi đã trừ quyền ưu tiên 6 tháng). Về việc nộp đơn bảo hộ nhãn hiệu “Aardwolf, hình” thì thực tế ông James không nộp mà công ty Herdgraph nộp và sau khi cấp bảo hộ nhãn hiệu Cục sở hữu trí tuệ không quản lý quá trình sử dụng.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu: Về tố tụng: Việc tiến hành tố tụng của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng; các đương sự chấp hành đúng quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung: Nguyên đơn kháng cáo không đưa ra chứng cứ, tình tiết mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình nên đề nghị bác kháng cáo nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào lời trình bày của đương sự và kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
Đơn kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH Một thành viên K nộp trong thời hạn quy định của pháp luật nên hợp lệ.
Về quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết đã được Tòa án cấp sơ thẩm xác định và thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
[2] Về nội dung :
[2.1] Xét trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn tự nguyện xin rút lại yêu cầu hủy quyết định số 15003/QĐ-SHTT ngày 11/3/2015 về việc cấp văn bằng bảo hộ số 241401 cho Chi nhánh S và Quyết định sửa đổi số 54480/QĐ- SHTT ngày 04/9/2015 do các Quyết định này đã được Cục SHTT thu hồi theo Quyết định số 3701/QĐ-SHTT ngày 18/9/2017. Căn cứ khoản 2 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử sơ thẩm đình chỉ xét xử sơ thẩm đối với phần yêu cầu của nguyên đơn đã rút là có căn cứ. Nhưng tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn lại nêu vấn đề này ra nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.
[2.2] Về yêu cầu tòa tuyên bố buộc công ty S rút đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 đã nộp tại Cục SHTT ngày 24/2/2003 vì cho rằng Công ty S có biểu hiện không trung thực khi tiến hành nộp đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Khi tại thời điểm Công ty S nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 thì quyền nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996. Việc S nộp đơn đăng ký được Cục SHTT xác định có ngày nộp đơn và ngày ưu tiên là ngày 24/02/2003 cho Công ty S bởi lẽ trước đó không có đơn đăng ký nhãn hiệu nào khác có ngày ưu tiên sớm hơn nên được hưởng “Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên” qui định tại Điều 16 của Nghị định 63/CP.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn thừa nhận có ngày nộp đơn sau ngày nộp đơn của S nhưng lập luận ba lý do để chứng minh S có hành vi không trung thực khi tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” là: Ông James Edmund Corbett đã đăng ký tên kinh doanh “Aardwolf” tại Úc vào ngày 28/01/2003 (trước thời điểm Công ty S đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” tại Việt Nam); Nhãn hiệu “Aardwolf” của nguyên đơn đã được đăng ký bảo hộ tại Mỹ, Cộng đồng chung Châu Âu, Canada và Công ty S không sử dụng nhãn hiệu “Aardwolf” trong kinh doanh.
Hội đồng xét xử nhận thấy án sơ thẩm đã nhận định: Công ước Paris thì tên kinh doanh “Aardwolf” do cá nhân ông James đăng ký tại Úc không phải là đối tượng được hưởng quyền ưu tiên để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam. Công ước Paris quy định chỉ có đơn đăng ký nhãn hiệu mới được hưởng quyền ưu tiên khi đăng ký nhãn hiệu tại một quốc gia thành viên khác và đơn nộp sau đó được coi như nộp cùng ngày với đơn đầu tiên với điều kiện chủ đơn đăng ký nhãn hiệu phải nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó tại Việt Nam trong thời hạn 06 tháng. Công ty Hergraph đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” số 4-2003-07360 tại Việt Nam vào ngày 26/08/2003 và đơn này đã được hưởng ngày ưu tiên 26/02/2003 do Hergraph nộp trước đó tại Úc nhưng vẫn sau ngày nộp đơn của Công ty S. Quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn không xuất trình được chứng cứ chứng minh đã sử dụng nhãn hiệu “Aardwolf” tại Việt Nam trước thời điểm Công ty S đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf”, cũng như không xuất trình được chứng cứ chứng minh Công ty S biết việc ông James Edmund Corbett đã đăng ký tên kinh doanh tại Úc nên thực hiện việc nộp đơn trước tại Việt Nam để cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định tại Điều 10bis Công ước Paris. Theo hồ sơ vụ án thể hiện Công ty Hergraph chuyển giao đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” số 4- 2003-07360 tại Việt Nam cho Công ty K vào năm 2013 và được Cục SHTT ghi nhận việc chuyển giao đơn này theo Thông báo số 8409/SHTT-NH2 ngày 01/10/2013. Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng chuyển giao giữa Công ty Hergraph và Công ty K chỉ thể hiện việc chuyển giao đơn số 4-2003-0736, nên lời trình bày của người đại diện Cục SHTT tại tòa xác định nguyên đơn chỉ là người kế thừa các quyền và nghĩa vụ của chủ đơn đối với đơn nhãn hiệu số 4- 2003-07360, không phải là người kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ của Công ty Hergraph hoặc của ông James Edmund Corbett là có cơ sở, do đó Hội đồng xét xử xét thấy nguyên đơn không thể căn cứ vào mối quan hệ của cá nhân ông James Edmund Corbett và ông Nguyễn Nhơn Hòa để cho rằng Công ty S có hành vi “không trung thực” khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là có căn cứ.
Tại phiên tòa chính ông James Edmund Corbett (là người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn) đã thừa nhận các đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf” của Nguyên đơn tại Hoa Kỳ, Cộng đồng chung Châu Âu và Canada đều có ngày nộp đơn sau ngày S nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003- 01139 tại Việt Nam, do đó việc nguyên đơn đã được cấp đăng ký bảo hộ tại các nước nêu trên không có giá trị chứng minh nguyên đơn đã sử dụng nhãn hiệu “Aardwolf” trước tại Việt Nam. Mặt khác, Điểm a Khoản 2 Điều 14 Nghị định 63/CP cho phép chủ thể đăng ký nhãn hiệu có thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu mà mình lựa chọn để hưởng ngày ưu tiên trước khi tiến hành sản xuất kinh doanh sản phẩm mang nhãn hiệu xin đăng ký, do đó cho dù Công ty S chưa sử dụng nhãn hiệu “Aardwolf” nhưng đã nộp đơn xin đăng ký nhãn hiệu trước khi sử dụng vẫn phù hợp qui định pháp luật.
[2.3] Xét yêu cầu của nguyên đơn yêu cầu hủy Quyết định số 93658/QĐ- SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “AARDWOLF, hình” cho Công ty S, Hội đồng xét xử nhận thấy: Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền ban hành Quyết định số 93658/QĐ-SHTT ngày 29/12/2017: Đây là quyết định hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, quyết định này được ban hành đúng trình tự, thủ tục và đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 23 của Nghị định số 63/1996/ NĐ-CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về Sở hữu Công nghiệp và Điều 36 của Nghị định số 103/2006/NĐ- CP ngày 22/9/2006 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp. Do đó, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của nguyên đơn là đúng pháp luật.
[2.4] Nguyên đơn cho rằng Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ số 15003/QĐ- SHTT ngày 11/3/2015 cho bị đơn và sau đó lại tiếp tục ban hành Quyết định 93658/QĐ-SHTT để cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 cho S là không phù hợp. Hội đồng xét xử nhận thấy tại phiên tòa nguyên đơn không chứng minh được Cục SHTT biết việc nguyên đơn đã khởi kiện vụ án và đã được Tòa án thụ lý giải quyết. Tại tòa nguyên đơn cũng thừa nhận đã nhận được Công văn số 8433/SHTT-NH2 ngày 23/10/2012 của Cục SHTT nhưng nguyên đơn không thực hiện và cũng không thông báo cho Cục SHTT biết về việc có thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án hay không. Xét Cục SHTT đã thực hiện đúng qui định tại Điểm 6 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ, ấn định cho bên phản đối đơn thời hạn 3 tháng để nộp đơn yêu cầu tòa giải quyết nhưng nguyên đơn không thực hiện trong thời hạn qui định do đó lời trình bày của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.
Với những phân tích trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc Công ty TNHH MTV Cơ khí Xây dựng S rút Đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2003-1139 đã nộp tại Cục SHTT ngày 24/02/2003 với lý do Công ty S đã có biểu hiện không trung thực và yêu cầu hủy Quyết định số 93658/QĐ-SHTT ngày 29/12/2017 của Cục SHTT về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “Aardwolf, hình” cho Công ty S là không có cơ sở, nên Hội đồng xét xử sơ thẩm không chấp nhận là phù hợp quy định pháp luật.
Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất với quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phúc thẩm, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn Công ty TNHH MTV K, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[3] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Công ty TNHH MTV K phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của công ty TNHH Một thành viên K; Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 30, Điều 34, điểm a Khoản 1 Điều 37, điểm a Khoản 3 Điều 38, điểm a Khoản 1 Điều 39, Khoản 2 Điều 244, Điều 259, Điều 273 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015;
Căn cứ Khoản 2 Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 23 Nghị định số 63/1996/NĐ-CP ngày 24/10/1996 quy định chi tiết về Sở hữu Công nghiệp;
Điều 36 của Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Căn cứ Mục 3 chương I Thông tư 3055/1997/TT-SHCN ngày 31/12/1996 của Bộ Khoa học, Công nghệ và môi trường về việc hướng dẫn thi hành các qui định về thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Căn cứ Điểm a Khoản 3 Mục I Phần A của Thông tư liên tịch số 02/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BVHTT&DL-BKH&CN-BTP ngày 03/4/2008 của Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ văn hóa, thể thao và du lịch - Bộ khoa học và công nghệ - Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền Sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân.
Căn cứ Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ.
Căn cứ Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2014.
Căn cứ Khoản 3 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án và Khoản 1 Mục I Danh mục mức án phí, lệ phí toà án (ban hành kèm theo Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27 tháng 02 năm 2009);
1. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của nguyên đơn đề nghị hủy quyết định cá biệt số 15003/QĐ-SHTT ngày 11/3/2015 và Quyết định sửa đổi số 54480/QĐ-SHTT ngày 04/9/2015 của Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty TNHH Một thành viên K yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí xây dựng S rút đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139 đã nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ ngày 24/2/2003 với lý do cho rằng Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí xây dựng S có biểu hiện không trung thực khi tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Aardwolf, hình” số 4-2003-01139.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn - Công ty TNHH Một thành viên K yêu cầu hủy Quyết định số 93658/QĐ-SHTT ngày 29/12/2017 của Cục Sở hữu trí tuệ về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 293941 bảo hộ nhãn hiệu “AARDWOLF, hình” cho Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí xây dựng S.
* Án phí kinh doanh thương mại:
Án phí sơ thẩm: Công ty TNHH Một thành viên K phải chịu 2.000.000 đồng (hai triệu đồng). Được trừ vào số tiền tạm ứng án phí KDTM sơ thẩm 2.000.000 đồng mà Công ty TNHH Một thành viên K đã nộp theo Biên lai thu số AG/2010/07800 ngày 13 tháng 11 năm 2014 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty TNHH Một thành viên K đã nộp đủ án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Án phí phúc thẩm: Công ty TNHH Một thành viên K phải chịu 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) được trừ vào tiền tạm ứng án phí kháng cáo đã nộp theo biên lai thu số 0044694 ngày 04/6/2018 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 80/2019/KDTM-PT về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu hủy quyết định cá biệt
Số hiệu: | 80/2019/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 24/12/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về