TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 80/2017/HSPT NGÀY 22/09/2017 VỀ TỘI CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN
Trong các ngày 16, 22/9/2017, tại Trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 41/2017/HSPT ngày 12/5/2017 đối với bị cáo Lữ Mạnh H. Do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2017/HSST ngày 27/3/2017 của Toà án nhân dân thị xã P, tỉnh Bình Phước.
1. Bị cáo có kháng cáo: Lữ Mạnh H, sinh năm 1977; Nơi cư trú: ấp S, xã T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước; Chỗ ở: Khu phố T, phường T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước; Trình độ văn hoá: 11/12; Nghề nghiệp: Kinh doanh; Con ông Lữ Văn T và bà Lương Thanh X; Bị cáo có vợ là Đỗ Thị Trúc H1 và 02 người con, lớn sinh năm 2006, nhỏ sinh năm 2013; Tiền án, tiền sự: không; Bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 20/11/2013 đến ngày 27/01/2014 được thay thế bằng biện pháp Bảo lĩnh (Có mặt).
2. Người bị hại có kháng cáo: Bà Phí Thị T1, sinh năm: 1967; Nơi cư trú: Khu phố 3, phường L, thị xã P, tỉnh Bình Phước.
3. Người đại diện theo ủy quyền của người bị hại: Ông Hoàng Kim V; Địa chỉ: Khu phố P, phường T, TX. Đ, tỉnh Bình Phước.
4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
4.1 Bà Nguyễn Thị Hoàng Y, sinh năm: 1977; Địa chỉ: Khu phố P, phường T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước.
4.2 Anh Lê Tuấn T2, sinh năm: 1989; Địa chỉ : Tổ 6, thôn T, xã T, huyện Đ, tỉnh Bình Phước.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thị xã P và bản án hình sự sơ thẩm của Toà án nhân dân thị xã P thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Lữ Mạnh H và bà Phí Thị T1 quen biết nhau từ năm 2011. Đến tháng 10 năm 2013, H biết T1 đang chuẩn bị trả số tiền 3.960.000.000 đồng cho ngân hàng Á Châu ACB, chi nhánh Bình Phước để chuyển qua vay vốn tại ngân hàng khác nên bị cáo H đã giới thiệu người tên Hoài (Không xác định được nhân thân lai lịch) cho bà T1 vay số tiền nêu trên và yêu cầu bà T1 đưa hồ sơ vay vốn phô tô gồm: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép kinh doanh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân mang tên Phí Thị T1 để bị cáo đi liên hệ ngân hàng khác vay vốn cho bà T1.
Ngày 01/11/2013, do nhu cầu vay vốn nên bị cáo hẹn gặp Nguyễn Minh H là cán bộ Ngân hàng Sacombank để đưa hồ sơ vay vốn của H cho H. Trong lúc gặp H, bị cáo nói cho H biết có khách hàng tên Phí Thị T1 muốn vay vốn tại Ngân hàng Sacombank và H đưa hồ sơ vay vốn phô tô cùng số điện thoại của bà T1 cho anh H, sau đó anh H đã gọi điện thoại liên lạc với bà T1 và được bà T1 cho biết là đang có nhu cầu vay vốn. Ngày 03/11/2013, đoàn thẩm định của Ngân hàng Sacombank do ông Dương Ngọc H2 là Giám đốc chi nhánh Ngân hàng cùng anh H đến nhà bà T1 để thẩm định tài sản cho vay.
Sau khi thẩm định tài sản, Ngân hàng đồng ý cho bà T1 vay vốn với số tiền là 5.400.000.000 đồng, ngày 16/11/2013 giải ngân cho bà T1 vay số tiền là 1.200.000.000 đồng, ngày 19/11/2013 tiếp tục giải ngân cho bà T1 vay số tiền 4.200.000.000 đồng.
Sau khi biết bà T1 vay vốn được, Bị cáo H yêu cầu bà T1 phải trả tiền công tìm ngân hàng cho bị cáo với số tiền 162.000.000 đồng tương đương 3% trên tổng số tiền vay được nhưng bà T1 không đồng ý trả tiền. Bị cáo H biết hoàn cảnh gia đình bà T1 có 02 mẹ con, bà T1 ở nhà còn con gái đi học trên thành phố Hồ Chí Minh, H gọi điện thoại cho bà T1 đe dọa nếu bà T1 không trả tiền công tìm ngân hàng cho bị cáo H thì bị cáo sẽ bắt cóc con gái bà T1 và tìm bà T1 để xử lý. Sau nhiều lần bị cáo gọi điện cho bà T1 đe dọa, ngày 20/11/2013, bị cáo H cùng bà Nguyễn Thị Hoàng Y, Anh Lê Tuấn T2, anh Mai Quang T3, anh Đoàn Thanh V1 đi xe ô tô biển kiểm soát 93A – 01961 đến nhà bà T1 lấy tiền nhưng không có bà T1 ở nhà, bị cáo và bà Y gọi điện thoại cho bà T1 về nhà để đưa tiền. Đến khoảng 13 giờ cùng ngày, bà T1 về nhà đưa số tiền 124.000.000 đồng cho bị cáo H, sau khi đã trừ số tiền 38.000.000 đồng bị cáo nợ bà T1 trước đó, bị cáo cầm số tiền 124.000.000 đồng đưa cho bà Y giữ, lúc này Cơ quan Công an thị xã P kết hợp Công an phường L bắt quả tang.
Tang vật thu giữ: Số tiền 124.000.000 đồng; 01 điện thoại di động Nokia X7 màu đen; 01 điện thoại C2 màu đen; 01 điện thoại Nokia Lumia, màu đen có vỏ bọc màu trắng; 01 xe ô tô hiệu Lifan màu đỏ; biển số: 93A – 01961.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2017/HSST ngày 27/3/2017, Toà án nhân dân thị xã P đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Lữ Mạnh H phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135; điểm g, khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33, 45 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt bị cáo Lữ Mạnh H 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 04/4/2017, bị cáo Lữ Mạnh H có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội “cưỡng đoạt tài sản”.
Ngày 06/4/2017, người bị hại Phí Thị T1 có đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo Lữ Mạnh H vì mức hình phạt 03 năm tù cho hưởng án treo đối với bị cáo H là nhẹ.
Tại phiên tòa bị cáo Lữ Mạnh H và người bị hại Phí Thị T1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm trình bày quan điểm giải quyết vụ án: Nhận thấy, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135, điểm g, khoản 1, 2 Điều 46, Điều 33, Điều 45, Điều 60 Bộ luật hình sự tuyên phạt bị cáo 03 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm là phù hợp với tính chất hành vi và nhân thân của bị cáo. Người bị hại không chứng minh thêm được tình tiết tăng nặng đặc biệt nào khác. Từ những cơ sở trên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng cáo của Người bị hại đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, giữ nguyên Bản án hình sơ thẩm số 15/2017/HSST ngày 27/3/2017 của Tòa án nhân dân thị xã P.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Lữ Mạnh H phát biểu: Về tố tụng Thì Cơ quan công an khi làm việc đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Khi biên bản không được lập tại hiện trường, không ghi địa điểm lập Biên bản bắt quả tang là ở tại Cơ quan điều tra mà ghi tại một nơi khác là tại tổ 2, khu phố 3, phường L, thị xã P. Đến tận 02 giờ sáng hôm sau thì bị cáo H mới ký vào Biên bản bắt quả tang. Như vậy Biên bản bắt quả tang của Cơ quan điều tra đã vi phạm về thời gian, địa điểm theo quy định tại Điều 82, Điều 84 Bộ luật tố tụng hình sự.
Về nội dung: Việc giao dịch giữa bà T1 và bị cáo H là có căn cứ. Nhưng tại Cơ quan điều tra bà T1 lại nói H đòi 10%. Giữa bị cáo H và bà T1 có thỏa thuận với nhau về phần phí dịch vụ, chính Bản cáo trạng đều thừa nhận hai bên có quan hệ vay đáo hạn với nhau và có thỏa thuận vay 3% đó chỉ là quan hệ dân sự. Quá trình điều tra không thu giữ được các lời đe dọa của bị cáo H đối với bà T1. Lời khai của bà T1 và nhân chứng do bà T1 cung cấp không thống nhất có mâu thuẫn. Quá trình xét xử thì bị cáo H nhiều lần kêu oan nói rằng bà T1 phải trả phí dịch vụ chứ không phải là có hành vi đe dọa bà T1 để lấy tiền. Việc bà T1 cho rằng bị cáo H có hành vi đe dọa để cưỡng đoạt tài sản bà T1, nhưng tại sao bà T1 đưa hồ sơ cho bị cáo để làm thủ tục vay vốn. Việc Viện kiểm sát cho rằng lợi dụng mẹ con bà T1 neo đơn nên đã có hành vi đe dọa, nhưng tại thời điểm bị cáo H lên thì tại đó có rất nhiều người. Nếu bị cáo H cưỡng đoạt tài sản tại sao không cưỡng đoạt luôn 10% mà lại cưỡng đoạt có 3%. Đặc biệt Biên bản bắt quả tang là chứng cứ quan trọng nhất để kết tội một người nhưng lại không đúng trình tự thủ tục tố tụng. Do đó, không có căn cứ để buộc tội bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội cưỡng đoạt tài sản.
Ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của người bị hại: Về tội danh thì đồng ý với đại diện Viện kiểm sát. Về phần hình phạt thì tại cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo là nhẹ, không tương xứng với tính chất và hành vi của bị cáo gây ra. Việc bị cáo nói bà T1 thất hứa và không đưa tiền hoa hồng cho bị cáo là không có căn cứ vì việc thỏa thuận giữa bà T1 và bị cáo H không có giấy tờ chứng minh. Còn việc bị cáo suy luận rằng khi đến nhà bà T1 có đông người thì không phải hành vi cưỡng đoạt tài sản là không phù hợp. Vì tội cưỡng đoạt tài sản được cấu thành từ lúc bị cáo H gọi điện thoại đe dọa và đã chiếm đoạt được số tiền của bà T1. Bị cáo được Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là không phù hợp, vì trong thực tế đã lấy số tiền 162.000.000 đồng là đã có hậu quả rồi. Bị cáo đến giờ vẫn chưa nhận tội hỏi bị cáo đã ăn năn chưa? Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo một mức hình phạt nhằm đủ sức răn đe.
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được xét hỏi tại phiên toà phúc thẩm; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Xét lời khai của bị cáo cơ bản phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng về thời gian, địa điểm, hành vi phạm tội đồng thời phù hợp với kết luận của đại diện Viện kiểm sát và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án cùng các chứng cứ được xét hỏi công khai tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận:
Do có quen biết với nhau từ năm 2011 nên vào cuối tháng 10/2013 bà T1 có điện thoại nhờ bị cáo H tìm người cho bà T1 vay vốn để đáo hạn ngân hàng. Ngày 01/11/2013 bị cáo nói cho Nguyễn Minh H là cán bộ của Ngân hàng Sacombank biết có khách hàng là Phí Thị T1 đang có nhu cầu vay vốn sau đó anh H trực tiếp liên hệ với bà T1 để làm thủ tục. Sau khi hoàn tất các thủ tục vay vốn ngày 16/11/2013 thì Ngân hàng Sacombank giải ngân cho bà T1 vay số tiền 1.200.000.000 đồng. đến ngày 18/11/2013 tiếp tục giải ngân cho bà T1 vay số tiền 4.200.000.000 đồng
Sau khi biết bà T1 vay được tền từ ngân hàng bị cáo H yêu cầu bà T1 phải trả cho bị cáo số tiền 162.000.000 đồng tương đương với 3% tiền trên tổng số tiền vay được nhưng bà T1 không đồng ý. Biết hoàn cảnh gia đình bà T1 có 02 mẹ con, con gái bà T1 đang đi học tại Tp. Hồ Chí Minh nên bị cáo H gọi điện thoại cho bà T1 đe dọa nếu bà T1 không trả tiền công tìm Ngân hàng cho vay thì mẹ con bà T1 sẽ không xong với bị cáo H.
Ngày 19/11/2013 bị cáo H đã nhiều lần đe dọa nên bà T1 lo sợ đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc. Đến ngày 20/11/2013 bị cáo H đến nhà bà T1 lấy tiền, sau khi nhận tiền của bà T1 thì bị cáo H bị Cơ quan Công an bắt quả tang.
[2] Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Hội đồng xét xử nhận định: Mặc dù lời khai của người bị hại và bị cáo chưa hoàn toàn thống nhất nhưng cơ bản phù hợp với các lời khai của người làm chứng, lời khai của bị cáo tại bản tự khai ngày 20/11/2013 và các biên bản ghi lời khai vào lúc 16 giờ 00 ngày 20/11/2013 và 22 giờ 00 ngày 20/11/2013, ngày 23/11/2013 của bị cáo Lữ Mạnh H đều thừa nhận hành vi nhiều lần dùng điện thoại đe dọa bà T1, với mục đích làm cho bà T1 sợ để trả cho bị cáo số tiền 162.000.000 đồng. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 20/11/2013. Mặc dù tại biên bản bắt người phạm tội quả tang cán bộ điều tra có sai sót khi không đưa cho người bị hại, bị cáo ký ngay vào biên bản bắt người, biên bản không được lập tại hiện trường. Tuy nhiên, nội dung biên bản thể hiện đúng địa điểm lập biên bản, đúng nội dung của sự việc, vật chứng đã thu giữ, người tham gia bắt và lập biên bản là đúng thành phần việc vi phạm tố tụng trên không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bị cáo, không làm thay đổi sự thật khách quan của vụ án nên biên bản bắt người phạm tội quả tang ngày 20/11/2013 vẫn có giá trị pháp lý và được Hội đồng xét xử xem xét như là chứng cứ của vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm bị cáo cho rằng bị cáo bị Điều tra viên mớm cung và ép buộc bị cáo ký tên vào các biên bản ghi lời khai. Xét thấy, bị cáo là người đã trưởng thành, bị cáo có trình độ văn hóa 10/12 bị cáo biết chữ và được đọc lại biên bản ghi lời khai trước khi ký vào biên bản. Ngoài ra, tại bản tự khai ngày 20/11/2013 do chính tay bị cáo viết cũng đã thừa nhận “có gọi điện thoại hù dọa bà T1 và con bà T1 với mục đích để bà T1 sợ để bà T1 trả số tiền bà T1 đã hứa”. Tại phiên tòa bị cáo không đưa ra được các tài liệu chứng cứ chứng minh cho việc bị cáo bị mớm cung và bị ép buộc ký vào biên bản nên lời trình bày của bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Bị cáo cho rằng sự việc bị cáo đòi tiền của bà Phí Thị T1 chỉ là quan hệ dân sự nhưng không có căn cứ. Bị cáo có hành vi dùng điện thoại di động gọi cho bà T1 và dùng lời lẽ đe dọa bà T1 yêu cầu bà T1 phải trả tiền cho bị cáo đã đủ căn cứ cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Lữ Mạnh H phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản” với các tình tiết định khung là “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng” theo điểm d khoản 2 Điều 135 Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Vì vậy, kháng cáo kêu oan của bị cáo không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3] Xét kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo chuyển từ hình phạt tù cho hưởng án treo sang hình phạt tù giam của bị hại Phí Thị T1, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Xét bị cáo không có tình tiết tăng nặng nào, bị cáo là lao động chính trong gia đình đang nuôi con nhỏ, bản thân bị cáo chưa có tiền án tiền sự. Cha của bị cáo là người có công với cách mạng được nhà nước tặng thưởng huân chương đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 và điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015. Hành vi, của bị cáo trên thực tế đã chiếm đoạt được số tiền 162.000.000 đồng tại cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự là có căn cứ bởi là số tiền 162.000.000 đồng là căn cứ để xác định bị cáo có hành vi đe dọa người bị hại để chiếm đoạt số tiền 162.000.000 đồng. Tuy nhiên, về việc nhận định bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là chưa chính xác. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức hình phạt 03 năm tù, cho hưởng án treo là đã xem xét hết các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ vì vậy hình phạt là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tại cấp phúc thẩm Người bị hại kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt chuyển từ hình phạt tù cho hưởng án treo sang hình phạt tù giam nhưng không đưa ra được các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Do đó, kháng cáo đề nghị tăng nặng hình phạt chuyển từ hình phạt tù cho hưởng án treo sang hình phạt tù có thời hạn của của người bị hại không được chấp nhận.
[4] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa: Là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
Quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo: Không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không được chấp nhận.
Quan điểm của người đại diện theo ủy quyền của người bị hại: Là phù hợp một phần với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận một phần.
[5] Các phần khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[6] Án phí hình sự phúc thẩm người bị hại phải chịu theo quy định pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
[1] Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự, Không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lữ Mạnh H.
Không chấp nhận kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt của người bị hại bà Phí Thị T1.
Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 15/2017/HSST ngày 27/3/2017 của Toà án nhân dân thị xã P, tỉnh Bình Phước.
Tuyên bố bị cáo Lữ Mạnh H phạm tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Áp dụng Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017.
Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135; điểm g, khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 33, 45 của Bộ luật Hình sự. Điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.
Xử phạt bị cáo Lữ Mạnh H 03 (ba) năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án.
Giao bị cáo Lữ Mạnh H cho Ủy Ban nhân dân xã T, thị xã Đ, tỉnh Bình Phước. Là nơi bị cáo thường trú để giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo Lữ Mạnh H thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật thi hành án hình sự.
[2] Án phí hình sự phúc thẩm: Người bị hại Phí Thị T1 phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo Lữ Mạnh H phải chịu 200.000 đồng tiền án phí hình sự phúc thẩm.
[3] Các phần quyết định khác của bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 80/2017/HSPT ngày 22/09/2017 về tội cưỡng đoạt tài sản
Số hiệu: | 80/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về