TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ NINH HÒA, TỈNH KHÁNH HÒA
BẢN ÁN 78/2017/DS-ST NGÀY 22/09/2017 VỀV TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 22 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 130/2017/TLST-DS ngày 21 tháng 6 năm 2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 102/2017/QĐXX-ST ngày 06/9/2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn T. T. M – Sinh năm 1958
Cư trú tại: 97A Lê T. P, phường 8, thành phố T, tỉnh Phú Yên. Vắng mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Lê V.T.
Địa chỉ: 67 đường H, tổ dân phố L, phường N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa.
Có mặt.
- Bị đơn: Ông Trần V. T (T) – sinh năm 1971
Cư trú tại: thôn T, xã N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn bà Nguyễn T. T. M trình bày:
Vào ngày 04/02/2013, ông Trần V. T (tên thường gọi là T) có mượn của bà 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu đồng) có viết giấy mượn tiền ký tên. Đến nay, bà đã nhiều lần yêu cầu thanh toán nhưng ông T cố tình lẩn tránh không chịu trả. Vì vậy, bà M yêu cầu ông T trả số tiền đã mượn là 25.000.000đ vào một lần và yêu cầu tính lãi suất 1.2%/tháng từ tháng 02/2013 đến tháng 6/2017 là 52 tháng với số tiền 15.600.000đ trả một lần.
Theo bản tự khai và tại phiên tòa bị đơn ông Trần V. T (T) trình bày:
Ông có làm ăn mua bán với bà Nguyễn T. T. M vào năm 2013, và thừa nhận có viết giấy mượn của bà M số tiền 25.000.000đ. Nguồn gốc của việc viết giấy mượn số tiền là do bà M đầu tư cho ông 30 bao phân bón tương đương mỗi bao giá trị 833.000đ. Trong quá trình từ năm 2013 đến nay thì ông đã trả cho bà M 14.830.000đ cụ thể chuyển khoản cho con gái bà M tên H số tiền 5.000.000đ vào năm 2015, cấn trừ cho bà Châu T. S 10 bao phân tương đương 8.330.000đ vào năm 2013 và trả cho con trai của bà M tên là P số tiền 1.500.000đ. Các khoản nêu trên chỉ đưa tay không có viết giấy tờ và cũng không có chứng cứ nào khác. Do vậy, ông chỉ thừa nhận hiện nay còn nợ bà M số tiền 10.170.000đ và xin trả dần. Đối với yêu cầu tính lãi suất của bà M, ông không đồng ý vì cho rằng không có việc thỏa thuận lãi suất.
Ý kiến của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:
Vào ngày 04/02/2013, giữa nguyên đơn và Trần V. T (tên thường gọi là T) có viết giấy mượn tiền mượn 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu đồng). Tại phiên tòa, bị đơn thừa nhận việc mượn của nguyên đơn số tiền trên nhưng cho rằng có trả cho bà M 14.830.000đ cụ thể chuyển khoản cho con gái bà M tên H số tiền5.000.000đ vào năm 2015, cấn trừ cho bà Châu T S 10 bao phân tương đương8.330.000đ vào năm 2013 và trả cho con trai của bà M tên P số tiền 1.500.000đ nhưng không có chứng cứ chứng minh cho việc trả nợ. Vì vậy yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả số tiền đã mượn là 25.000.000đ là có cơ sở nên đề nghị chấp nhận. Về lãi suất, nguyên đơn yêu cầu tính lãi suất 1.2%/tháng từ tháng 02/2013 đến tháng 6/2017 là 52 tháng với số tiền 15.600.000đ trả một lần. Xét thấy yêu cầu của nguyên đơn có căn cứ mặc dù giấy mượn tiền không thể hiện việc vay có lãi vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm: Về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa là đúng với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát có quan điểm cho rằng căn cứ trên giấy mượn tiền, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về yêu cầu buộc ông T trả số tiền là 25.000.000đ là có cơ sở nên đề nghị chấp nhận theo quy định tại Điều 463, 466 Bộ luật dân sự. Đối với yêu cầu tính lãi 15.600.000đ (lãi suất 1.2%/tháng từ tháng 02/2013 đến tháng 6/2017 là 52 tháng). Theo giấy mượn tiền không thể hiện nội dung về lãi suất và không thể hiện về thời hạn trả nợ. Do vậy việc yêu cầu thanh toán tiền lãi của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự nên đề nghị Hội đồng xét xử bác bỏ yêu cầu về lãi suất của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về phần thủ tục: Tại phiên tòa, nguyên đơn bà Nguyễn T. T. M vắng mặt nhưng có đơn xin vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Vì vậy,
Hội đồng xét xử áp dụng Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 tiến hành xét xử vụ án theo quy định.
[2] Về quan hệ tranh chấp: Xác định đây là quan hệ pháp luật “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Về nội dung vụ án: Ngày 04/2/2013 giữa bà Nguyễn T. T. M với ông Trần V. T (T) có viết giấy mượn tiền với nội dung như nêu trên và đã được các bên thừa nhận. Xét giấy mượn tiền này thực chất là hợp đồng vay tài sản, việc thỏa thuận vay mượn giữa các bên là hoàn toàn tự nguyện, về nội dung và hình thức của hợp đồng cơ bản là phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử công nhận hợp đồng vay tài sản giữa các bên là hợp pháp và phù hợp với quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự.
Xét yêu cầu của nguyên đơn, ý kiến phản đối của bị đơn, ý kiến của Luật sư. Hội đồng xét xử nhận định:
Căn cứ trên giấy mượn tiền ngày 04/2/2013 có nội dung “ t nhung có mượn cô m 25.000.000 hai mươi lăm triệu đồng chẵn. đã nhận đủ tiền” chỉ thể hiện khoản tiền vay không thể hiện thời gian trả, lãi suất đối với khoản vay. Do vậy, Hội đồng xét xử xác định đây là hợp đồng vay tài sản thuộc trường hợp vay không kỳ hạn không có lãi. Tuy nhiên, theo lời trình bày của nguyên đơn đã nhiều lần yêu cầu bị đơn phải thanh toán khoản vay trên được bị đơn thừa nhận nhưng đến nay vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ do vậy đã vi phạm nghĩa vụ đối với khoản vay của nguyên đơn.
Đối với ý kiến của bị đơn về nguồn gốc số tiền vay trên là do bà M đầu tư cho ông 30 bao phân bón tương đương mỗi bao giá trị 833.000đ. Vào năm 2013, ông đã cấn trừ cho bà Châu T. S 10 bao phân tương đương 8.330.000đ, năm2015 ông đã chuyển khoản trả cho con gái bà M tên H số tiền 5.000.000đ và trả cho con trai của bà M tên P số tiền 1.500.000đ. Vì vậy ông thừa nhận chỉ còn nợ của bà M số tiền 10.170.000đ và xin trả dần. Đối với khoản tiền lãi ông khôngđồng ý với yêu cầu tính lãi suất của nguyên đơn vì cho rằng giữa các bên không thỏa thuận gì về lãi suất. Trong quá trình giải quyết vụ án, ông T thừa nhận không có chứng cứ chứng minh việc cấn trừ 10 bao phân và trả cho ông P nhưđã nêu. Đối với khoản tiền đã chuyển khoản cho con gái bà M tên H số tiền5.000.000đ, Tòa án đã ra thông báo về việc cung cấp chứng cứ số 590/2017/TA- TB ngày 18/8/2017 nhưng ông T không cung cấp chứng cứ nào chứng minh cho yêu cầu của mình. Do vậy, ý kiến của bị đơn là không có cơ sở để chấp nhận.
Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc ông T trả nợ gốc là 25.000.000đ. Theo lời trình bày của các bên cho thấy từ khi nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền vay theo giấy mượn đến nay, bị đơn không thực hiện nghĩa vụ trả số tiền theo nội dung giấy mượn tiền là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn về quyền sở hữu tài sản. Do vậy, Hội đồng xét xử thấy cần buộc ông Trần V. T trả số tiền là 25.000.000đ là phù hợp với quy định tại Điều466 Bộ luật dân sự.
Về yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải thanh toán khoản lãi phátsinh trên số tiền vay 25.000.000đ là 15.600.000đ (lãi suất 1.2%/tháng từ tháng02/2013 đến tháng 6/2017 là 52 tháng). Theo giấy mượn tiền không thể hiện nội dung về lãi và các bên không có thỏa thuận khác đồng thời không thể hiện thời hạn trả nên không xác định được nghĩa vụ của bị đơn đối với thời gian chậm thanh toán. Nguyên đơn không chứng minh được thời gian chậm trả. Do vậy, hội đồng xét xử xét thấy việc yêu cầu thanh toán tiền lãi của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận là có căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự.
[4] Về ý kiến của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Đối với khoản tiền vay theo giấy mượn tiền là 25.000.000đ, vị luật sư có quan điểm đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Quan điểm nói trên của vị luật sư phù hợp với nhận định trên của Hội đồng xét xử nên cần chấp nhận. Về lãi suất, vị luật sư cho rằng yêu cầu của nguyên đơn có căn cứ mặc dù giấy mượn tiền không thể hiện việc vay có lãi vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định. Quan điểm nói trên của vị luật sư trái ngược với nhận định trên của Hội đồng xét xử nên cần bác bỏ.
[5] Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa là đúng với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát có quan điểm đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải thanh toán khoản vay và không chấp nhận yêu cầu về lãi suất phát sinh. Quan điểm nói trên của đại diện Viện kiểm sát về đường lối giải quyết vụ án phù hợp với nhận định trên của Tòa án nên chấp nhận.
[6] Về án phí: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc Hội ngày 30/12/2016, ông Trần V. T phải nộp án phí dân sự sơ thẩm là: 25.000.000đ x 5% = 1.250.000đ.
Bà Nguyễn T. T. M phải chịu án phí đối với yêu cầu không được chấp nhận là 15.600.000đ x 5% = 780.000đ nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp. Hoàn trả cho bà Nguyễn Thị Tuyết Mai tiền tạm án phí dân sự sơ thẩm đã nộp 235.000đ.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; Điều 147; 228, 264;271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ Điều 463, Điều 466, khoản 1 Điều 469 Bộ luật dân sự.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn: Buộc ông Trần V. Tphải trả cho bà Nguyễn T. T. M số tiền 25.000.000đ (hai mươi lăm triệu đồng).
2. Bác yêu cầu của nguyên đơn bà Nguyễn T. T. M về việc buộc bị đơn ông Trần V. T phải trả khoản tiền lãi 15.600.000đ (mười lăm triệu sáu trăm ngàn đồng).
Quy định chung : Bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tạiĐiều 30 Luật thi hành án dân sự.
Kể từ khi bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành khoản tiền 25.000.000đ thì phải chịu thêm khoản tiền lãi theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của bộ luật dân sự 2015 đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
2. Án phí: Ông Trần V. T phải nộp 1.250.000đ (một triệu hai trăm năm mươi nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Bà Nguyễn T. T. M phải nộp 780.000đ nhưng được trừ vào 1.015.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp. Hoàn trả số tiền 235.000đ cho bà Nguyễn T. T. M tiền tạm án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai thu tiền số AA/2016/0003017 ngày 20/6/2017 của Chi cục thi hành án dân sự thị xã Ninh Hòa.
4. Quyền kháng cáo: Bị đơn có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hoặc niêm yết bản án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Bản án 78/2017/DS-ST ngày 22/09/2017 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 78/2017/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Ninh Hòa - Khánh Hoà |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về