TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 778/2017/HS-PT NGÀY 20/11/2017 VỀ TỘI MUA BÁN TRÁI PHÉP CHẤT MA TÚY VÀ KHÔNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM
Ngày 20/11/2017 tại trụ sở Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 499/2017/TL-HSPT ngày 17/7/2017 do có kháng cáo của các bị cáo: Phạm Văn T1, Nguyễn Anh T2, Nguyễn H, Nguyễn Văn T3 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 162/2017/HS-ST ngày 05/6/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.
Các bị cáo có kháng cáo:
1. Phạm Văn T1, sinh năm 1986; nơi ĐKNKTT: Xã L, huyện T, tỉnh Hải Dương; nơi ở trọ: Số A, phường M, quận C, Thành phố Hà Nội; nghề nghiệp trước khi bị khởi tố: Lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; con ông: Phạm Văn T4 sinh 1962 và bà Đặng Thị T5 sinh 1962; vợ: Phạm Thị T6 sinh năm 1987 và có 02 con, lớn sinh năm 2012, nhỏ sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Ngày 25/12/2014 bị Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Nội xử phạt 15 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” tại bản án hình sự số 250/2014/HSST (bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam ngày nào), bị cáo chưa chấp hành hình phạt của bản án này do được hoãn thi hành án. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 27/3/2016 đến nay tại trại tạm giam T16 - Bộ Công an. Có mặt tại phiên tòa.
2. Nguyễn Anh T2, sinh năm 1981; nơi ĐKNKTT: Tổ 2, M, quận H, Thành phố Hà Nội; chỗ ở hiện nay: đường V, phường V, quận H, thành phố Hà Nội; trình độ văn hóa: 07/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Nguyễn Q sinh năm 1962 và bà Hoàng Thị H sinh năm 1962; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Thúy V sinh năm 1983 và có 01 con sinh năm 2007; tiền án, tiền sự: Ngày 24/5/2013 bị Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai, Hà Nội xử phạt 04 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tại bản án số 190/HSST/2013, bị cáo chấp hành xong hình phạt ngày 05/11/2015; nhân thân: Ngày 27/4/2005 bị Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội xử phạt 01 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, ngày 22/6/2004 bị Công an quận Hoàng Mai xử lý hành chính về hành vi cố ý gây thương tích, ngày 05/6/2007 bị Công an quận H xử lý hành chính về hành vi cố ý gây thương tích; ngày 11/9/2007 bị Công an phường Trương Định, quận Hoàng Mai xử lý hành chính về hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ; ngày 15/5/2011 bị Công an quận Hoàng Mai xử lý hành chính về hành vi tàng trữ vũ khí thô sơ. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 27/3/2016 và tạm giam cho đến nay tại trại tạm giam T16 - Bộ Công an. Có mặt tại phiên tòa.
3. Nguyễn H, sinh năm 1990; nơi ĐKHKTT: phố B, phường C, quận H, Thành phố Hà Nội; nơi ở hiện nay: phố M, quận H, Thành phố Hà Nội; trình độ văn hóa: 8/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Nguyễn K và con bà Đỗ Thị H; bị cáo chưa có vợ; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 27/3/2016 cho đến nay tại trại tạm giam T16 - Bộ Công an. Có mặt tại phiên tòa.
4. Nguyễn Văn T3, sinh năm 1984; nơi ĐKHKTT và nơi ở: Thôn P, xã Q, huyện L, tỉnh Bắc Giang; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Nguyễn Văn T và con bà Trần Thị L; bị cáo có vợ: Trần Thị Thanh T, sinh năm 1990 (đã ly hôn) và có 01 con sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 29/8/207 bị Tòa án nhân dân quận Ba Đình xử phạt 30 tháng tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”; bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 26/5/2016 đến ngày 22/8/2016 được tại ngoại. Có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào hồi 06 giờ ngày 27/3/2016, tổ công tác Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy làm nhiệm vụ và phát hiện Triệu Quang T7 điểu khiển xe máy Wave Blade, biển kiểm soát 29H1- A đang giao cho Đoàn Thị M trước cửa phố C, quận Đ, Hà Nội một nồi thùng cơm điện. Thấy có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác tiến hành kiểm tra, phát hiện trong thùng có một nồi cơm điện, mở ốp đáy nồi phát hiện hai bọc giấy bạc, bên trong là túi nilon đựng các chất tinh thể màu trắng nghi là chất ma túy.
Tại Kết luận giám định số 1285/KLGĐ-PC/54 ngày 05/5/2016 của Viện khoa học kỹ thuật hình sự Bộ Công an kết luận hai túi nilon màu trắng ký hiệu mẫu số 01 và mẫu số 02 chứa tinh thể màu trắng như sau:
- Mẫu số 01 trọng lượng 98,70 gam, hàm lượng Methamphetamine 65,4%;
- Mẫu số 02 trọng lượng 99,12 gam, hàm lượng Methamphetamine 65,8%. Quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa xác định được: Khoảng 15 giờ ngày 26/3/2016, Phạm Văn T1 đến nhà Nguyễn Anh T2 và nhờ T2 mua 200 gam ma túy đá để T1 gửi sang Nga cho K; tại nhà T2 có H nên H cũng biết được. T2 đồng ý nên đã gọi điện cho một người phụ nữ tên là Hà để mua ma túy cho T1 và T2 đưa số điện thoại người phụ nữ cho T1 gọi. T1 đặt mua 200 gam ma túy đá với giá là 60 triệu đồng; sau khi thống nhất nên đã hẹn nhau đến đường Minh Khai nhận ma túy, đồng thời T1 gọi điện cho vợ là Phạm Thị Thơ mua giúp một nồi cơm điện gửi đến đầu ngõ 254 Minh Khai (gần nhà H); T1 đưa cho H 100.000 đồng bảo H đến nhận nồi cơm điện và trả tiền xe ôm, H đồng ý nên về nhà đợi, sau đó có người mang nồi cơm điện đến H nhận và trả tiền công cho xe ôm và mang nồi cơm điện cất ở nhà mình. Đối với T1 và T2, đi xe máy đến đầu đường Minh Khai nhận 200 gam ma túy đá do người phụ nữ tên Hà giao được gói trong túi nilon màu đen; T1 trả trước cho Hà 58 triệu đồng, còn 2 triệu đồng nợ lại và hẹn hôm sau T2 sẻ trả.
Sau khi mua được ma túy, T1 và T2 đi xe máy đến nhà H (tại số 170, ngõ 48, M, Hoàng Mai, Hà Nội) lên tầng 2 T1 mở thùng lấy nồi cơm điện ra, bảo H lấy tô vít để tháo đít nồi cơm điện ra, bảo H lấy giấy bạc bọc hai túi ma túy đá lại sau đó dấu vào đáy nồi cơm điện; H dùng tô vít vặn lại như cũ và T1 tiếp tục đóng vào thùng. Sau khi giấu ma túy xong, T1 bảo H tối thuê xe ôm gửi thùng nồi cơm điện cho chị Minh ở số 50, ngõ 48, phố Chùa Láng, Láng Thượng, Đ, Hà Nội, còn T1 và T2 về nhà. T1 bảo vợ (là Phạm Thị T6) gọi điện cho chị Đoàn Thị M (làm nghề chuyển hàng từ Việt Nam sang Nga) thuê gửi nồi cơm điện từ Việt Nam sang Nga với giá 100 USD; Chị M đồng ý và bảo đem đến nhà M. Tối ngày 26/3/2016, H không thuê được xe ôm nên bảo T1 sáng mai gửi sớm. Khoảng 05 giờ ngày 27/3/2016, T1 gọi điện cho H bảo gửi hàng; H thuê Triệu Quang T7 (lái xe ôm) chở thùng nồi cơm điện (trong có dấu ma túy) đến nhà chị M. Khi T7 đang giao hàng cho chị M thì bị kiểm tra, bắt giữ và thu giữ tang vật.
Ngoài ra quá trình điều tra đã xác định được thêm hành vi phạm tội của các bị cáo, cụ thể như sau:
- Hành vi mua bán trái phép 57,77 gam Methamphetamine của Phạm Văn T1 và hành vi không tố giác tội phạm của Nguyễn Văn T3: Phạm Văn T1 có thời gian sinh sống, làm việc tại Liên bang Nga nên T1 quen biết đối tượng người Việt Nam ở Nga tên là K (thường gọi là K Kéo) và Lê Thị O (làm nghề dịch vụ chuyển hàng từ Việt Nam sang Nga). K đặt vấn đề nhờ T1 mua ma túy từ Việt Nam gửi sang Nga cho K thông qua những người vận chuyển hàng hóa như chị Oanh. Vào khoảng tháng 5 năm 2015, T1 đã mua 50 gam ma túy đá với giá 25 triệu đồng và 200 viên ma túy tổng hợp với giá 15 triệu đồng của một người đàn ông tên Q ở đường Giang Văn Minh, Kim Mã, Hà Nội. T1 giấu số ma túy đó vào hộp Cafe G7 và đóng lại vào thùng Cafe; sau đó T1 gọi điện nhờ Nguyễn Văn T3 (là bạn) mang thùng Cafe đến cho chị O; T1 gọi điện cho chị O bảo có T2 mang thùng Cafe đến để nhờ chị O gửi sang Nga cho bạn; chị O đồng ý và thỏa thuận với giá cước vận chuyển là 10 USD/1 kg. Khi T2 mang thùng Cafe đến nhưng không gặp chị O nên đã đưa thùng Cafe cho chị Hương (là người làm với chị O) và ký vào sổ gửi hàng. Ngày 14/5/2015, chị O mang thùng Cafe ra sân bay Nội Bài gửi cho Phạm Đức T8 (là người làm dịch vụ đưa người lao động sang Nga). Trước đó giữa anh T8 và chị O đã thỏa thuận là chị O gửi hàng kèm theo hành lý hành khách của anh T8 và khi sang Nga con gái chị O có trách nhiệm đón khách của anh T8. Trong số hành khách của anh T8 có Nguyễn Văn T9, O đã quấn kiện Cafe của T1 gửi vào hành lý của Nguyễn Văn T9. Khi đến sân bay Domedovo - Matxcơva - Nga thì bị hải quan của Nga kiểm tra hành lý của Nguyễn Văn T9 phát hiện bên trong hộp Cafe G7 có chứa 197 viên nén hình tròn màu xám in chữ T nổi một bên và hai gói po-li-e-ti-len có chứa các hạt tinh thể màu trắng kích cỡ khác nhau có khối lượng là 57,77 gam nghi là ma túy.
Theo Kết luận giám định số 591 ngày 03/6/2015 của Thanh tra Trung tâm giám định tội phạm Bộ nội vụ Liên bang Nga tại vùng Liên bang trung tâm và Kết luận giám định số 12/14 - 255 ngày 03/6/2015 của Thanh tra Trung tâm giám định tội phạm Bộ nội vụ Liên bang Nga tại Matxcova thì hai gói po-li-e-ti- len thu trong hành lý của Nguyễn Văn T9 là Methamphetamine, tổng khối lượng là 57,78 gam; 197 viên nén hình tròn tổng khối lượng là 61,02 gam không chứa chất ma túy.
Nguyễn Văn T9 đã bị cơ quan chức năng Cộng hòa Liên bang Nga khởi tố, xét xử và xử phạt 12 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”. Do số hàng T1 gửi không được giao cho K nên khoảng vài ngày sau K đã điện thoại cho T1 báo chưa nhận được ma túy; bị cáo T1 gọi điện cho bị cáo T2 bảo gọi cho chị O hỏi tại sao người bên Nga chưa nhận được hàng. Vì đang phối hợp với cơ quan chức năng của Nga để điều tra vụ án nên chị O nói dối với T2 là bên Nga đang kiểm tra dịch tễ, chưa lấy được hàng ra. Sau đó, do T2 và T1 gọi điện và nhắn tin liên tục đe dọa để đòi hàng nên chị O nói với T2 trong kiện hàng Cafe có ma túy, đã bị thu giữ và người vận chuyển đã bị bắt. Vì vậy, T2 gặng hỏi nên T1 thừa nhận có dấu ma túy trong kiện hàng Cafe để T2 mang đi gửi. Sau đó, T2 và T1 không liên lạc với chị O nữa. Nguyễn Văn T3 khi biết được T1 buôn bán trái phép chất ma túy nhưng không tố giác với cơ quan có thẩm quyền để xử lý đối với Phạm Văn T1.
- Hành vi mua bán trái phép 20 gam Methamphetamine của Phạn Văn T1 và hành vi không tố giác tội phạm của Nguyễn Văn T3: Khoảng tháng 7 năm 2015, Phạm Văn T1 gọi điện cho Nguyễn Quang H1 (ở Lạng Sơn) đặt mua 20 gam ma túy đá với giá 10 triệu đồng và H1 thỏa thuận giao ma túy tại thành phố Lạng Sơn. T1 nhờ Nguyễn Văn T3 tiện đường về quê ở Bắc Giang kết hợp lên Lạng Sơn giao cho H1 10 triệu đồng; T1 đã cho T2 số điện thoại của H1, đồng thời gọi Đoàn Văn Luyện (là lái xe taxi) để chở T2 đi Lạng Sơn. Khi đến đầu thành phố Lạng Sơn, T2 điện thoại và H1 đã gặp và lấy tiền rồi dẫn T2 về nhà, đưa cho T2 một bọc nilon gửi T2 đưa về cho T1. Trên đường về, T2 mở bọc nilon ra xem thấy có tinh thể dạng đá nên T2 nghĩ đó là ma túy. Do sợ liên lụy nên Luyện đi về trước còn T2 đón xe khách về Hà Nội, giao hàng cho T1 tại đoạn đường Phạm Văn Đồng giao đường Hoàng Quốc Việt. Sau khi nhận gói hàng T1 kiểm tra phát hiện ma túy giả; T1 gọi điện hỏi T2 nhưng T2 nói đó là việc của T1 với H1, T2 không biết.
Khoảng vài ngày sau, T1 liên lạc lại với H1 nói sự việc ma túy giả nên H1 hẹn T1 lên Lạng Sơn để nhận lại ma túy. Tuy nhiên, khi T1 lên Lạng Sơn, H1 bảo cho người ra bến xe Mỹ Đình nhận ma túy và phải để lại cho H1 chiếc điện thoại Nokia 8800 đổi lấy ma túy. Do T1 đang ở Lạng Sơn nên điện thoại nhờ T2 ra lấy hộ; T2 đồng ý nhưng sau đó T2 nói lại không gặp ai.
Với nội dung trên tại Bản án sơ thẩm số: 162/2017/HS-ST ngày 05/6/2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bố các bị cáo Phạm Văn T1, Nguyễn Anh T2, Nguyễn H phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; bị cáo Nguyễn Văn T3 phạm tội “Không tố giác tội phạm”.
- Áp dụng điểm e khoản 3, khoản 5 Điều 194; điểm p khoản 1 Điều 46 điểm g (tái phạm) khoản 1 Điều 48; khoản 2 Điều 51; Điều 53 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn T1 20 năm tù; tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành là 15 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” của Bản án số 250/2014/HSST ngày 25/12/2014 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội. Buộc bị cáo Phạm Văn T1 phải chấp hành hình phạt của hai bản án là 21 năm ba tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 27/3/2016; phạt bổ sung đối với bị cáo Phạm Văn T1 20.000.000 đồng.
- Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 194, điểm p khoản 1 Điều 46; điểm g (tái phạm) khoản 1 Điều 48; Điều 53 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Anh T2 18 (Mười tám) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 27/3/2016; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo T2.
- Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 194; Điều 53 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn H 17 (mười bảy) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày 27/3/2016; không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Nguyễn H.
- Áp dụng khoản 1 Điều 314; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm g (phạm tội nhiều lần) khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn T3 30 (ba mươi) tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án; được trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam (từ ngày 26/5/2016 đến ngày 22/8/2016).
Ngoài ra Bản án còn xử lý vật chứng, nghĩa vụ nộp án phí và tuyên quyền kháng cáo bản án.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 07/6/2017 bị cáo Phạm Văn T1; ngày 12/6/2017 bị cáo Nguyễn Anh T2, bị cáo Nguyễn H có đơn kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm xử nặng nên xin giảm hình phạt; ngày 19/6/2017 bị cáo Nguyễn Văn T3 có đơn kháng cáo cho rằng bị cáo không biết Phạm Văn T1 mua bán trái phép chất ma túy nên đề nghị cấp phúc thẩm xem xét trả lại công bằng cho bị cáo. Ngoài ra, bị cáo T1 còn kháng cáo phần hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, vì bị cáo cho rằng chưa được hưởng lợi nhuận gì, bản thân bị cáo có hoàn cảnh khó khăn.
Tại phiên tòa, các bị cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đơn kháng cáo trong hạn luật định nên cấp phúc thẩm xem xét giải quyết.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án và cho rằng: Cấp sơ thẩm xét xử đối với các bị cáo là đúng quy định pháp luật, đã đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo; tại phiên tòa phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới để xem xét giảm nhẹ. Nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn T1, Nguyễn Anh T2, Nguyễn H đã khai nhận hành vi như bản án sơ thẩm đã quy kết. Lời khai của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm; phù hợp với lời khai của những người làm chứng, cũng như phù hợp với các chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án. Đặc biệt là kết luận giám định. Vì vậy, Hội đồng xét xử đã có đủ cơ sở để kết luận: trong tháng 5/2015 Phạm Văn T1 đã mua 57,77 gam Methamphetamine đóng vào hộp Cafe nhờ Nguyễn Văn T3 đi gửi dịch vụ chuyển sang Nga để tiêu thụ, mặc dù khi gửi Nguyễn Văn T3 không biết được trong hộp Cafe có ma túy, nhưng sau đó bị cáo biết được T1 gửi ma túy sang Nga để tiêu thụ nhưng bị cáo không tố giác; Tháng 7/2015, Phạm Văn T1 mua 20 gam Methamphetamine của Nguyễn Quang H1 ở Lạng Sơn nhờ Nguyễn Văn T3 đưa về Hà Nội; Nguyễn Văn T3 biết được T1 mua ma túy nhưng không tố giác; Ngày 26/3/2016 Phạm Văn T1, Nguyễn Anh T2, Nguyễn H đã mua bán trái phép 197,82 gam ma túy đá dấu vào nồi cơn điện để gửi sang Nga tiêu thụ thì bị phát hiện, bắt giữ. Hành vi đó của các bị cáo Phạm Văn T1, Nguyễn Anh T2, Nguyễn H đã phạm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”; bị cáo Nguyễn Văn T3 phạm tội “Không tố giác tội phạm”. Cấp sơ thẩm xử phạt các bị cáo theo tội danh như bản án sơ thẩm đã quy kết là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nguyễn H cho rằng mình bị T1, T2 lợi dụng nhưng khẳng định cấp sơ thẩm xét xử mình là đúng, chỉ xin xem xét để giảm nhẹ hình phạt; bị cáo Nguyễn Văn T3 cho rằng việc bị cáo T1 buôn bán trái phép chất ma túy như thế nào bị cáo không biết. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử thấy rằng: Căn cứ vào các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa thể hiện, mặc dù khi bị cáo T1 nhờ Nguyễn Văn T3 mang hộp Cafe đến gửi cho chị O không nói cho bị cáo trong đó có chất ma túy, nhưng sau khi số hàng đó bị phát hiện, bắt giữ bị cáo cùng với Phạm Văn T1 có hành vi đe dọa chị O và do lo sợ chị O đã cho T2 biết được trong hộp Cafe có chứa hàng cấm, sau đó bị cáo T2 đã gặng hỏi T1 và biết được T1 buôn bán trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Nga, do lo sợ nên bị cáo đã không dám liên lạc với chị O nữa. Hơn nữa sau đó bị cáo T1 có nhờ bị cáo chuyển tiền lên Lạng Sơn cho H1 và H1 nhờ bị cáo chuyển ma túy từ Lạng Sơn về Hà Nội cho T1, quá trình vận chuyển bị cáo biết được đó là ma túy và sợ liên lụy nên Luyện đã về trước còn mình bắt xe về sau. Đối với bị cáo Nguyễn H khi T1 và Nguyễn Anh T2 trao đổi nhau về việc mua bán ma túy tại nhà T2 bị cáo có biết; khi T1 nhờ bị cáo nhận nồi cơm điện bị cáo đã nhận lời và thực hiện sau đó đưa nồi cơm điện về nhà mình; quá trình T1, T2 cất giấu chất ma túy vào nồi cơm điện bị cáo chứng kiến và giúp sức như lấy giấy bạc, tô vít và cùng với T1 đậy nồi cơm điện lại như cũ, đồng thời bảo quản và sau đó thuê xe ôm chở nồi cơm điện có giấu chất ma túy đi gửi. Quá trình điều tra các bị cáo T1 và Nguyễn Anh T2 đều thừa nhận H biết được và tham gia vào quá trình mua bán ma túy. Vì vậy, cấp sơ thẩm kết tội đối với bị cáo Nguyễn Văn T3 và Nguyễn H là có căn cứ, không oan.
[2] Xét hành vi của các bị cáo Phạm Văn T1, Nguyễn Anh T2, Nguyễn H là rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội; các bị cáo tuy nhận thức rõ được tác hại của chất ma túy, nhưng do hám lời nên sẵn sàng phạm tội và mua bán ma túy với số lượng lớn. Hành vi đó của các bị cáo không những xâm phạm đến chính sách độc quyền của Nhà nước về quản lý các chất ma túy mà còn gây mất trật tự trị an và an toàn xã hội; ma túy là nguồn gốc lây lan các căn bệnh xã hội; là nguyên nhân dẫn đến bao gia đình tan nát và là mầm mống của các loại tội phạm, nên cần xử phạt các bị cáo mức án nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Do số lượng ma túy mà các bị cáo mua bán trên 100 gam nên cấp sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo theo điểm e khoản 3 Điều 194 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Văn T3 là nguy hiểm cho xã hội, nó đã trực tiếp xâm phạm tới hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan tư pháp, bao che cho người thực hiện hành vi phạm tội; gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng chống và xử lý tội phạm; đặc biệt là các tội phạm về ma túy đang có xu hướng gia tăng. Hành vi đó của bị cáo cần được xử lý nghiêm.
[3] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo thấy rằng:
Trong vụ án này bị cáo Phạm Văn T1 là đối tượng chủ mưu, khởi xướng và tích cực thực hiện tội phạm; bản thân bị cáo đã từng bị kết án tù và đang được hoãn thi hành án, nhưng bị cáo không lấy đó làm bài học để rèn luyện, tu chí làm ăn lương thiện; vì lợi nhuận bị cáo đã thiết lập đường giây mua bán ma túy ra nước ngoài; do bị cáo chưa được xóa án tích nên lần phạm tội này là tái phạm. Khi xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tích chất hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Tuy nhiên, án sơ thẩm kết luận bị cáo mua bán tổng số 275,59 gam ma túy là không đúng với quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự và Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA- VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 và Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015. Bởi vì, căn cứ vào kết luận giám định thì trong số ma túy bị cáo T1, Nguyễn Anh T2, H mua bán ngày 26/3/2016 có 02 túi được đánh số mẫu 01 và 02; trong đó mẫu 01 có trọng lượng 98,70 gam với hàm lượng Methamphetamine là 65,4%, mẫu 02 có trọng lượng 99,12 với hàm lượng Methamphetamine là 65,8%. Như vậy, chất ma túy các bị cáo thực hiện mua bán trong lần này là 129,77 gam, [(98,70 gam x 65,4%) + (99,12 gam x 65,8%) = 129,77 gam], và tổng trọng lượng chất ma túy mà bị cáo T1 mua bán trong các lần là 207,54 gam (129,77 + 57,77 + 20); với số lượng ma túy này thì cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Phạm Văn T1 20 năm tù là nặng; hơn nữa bị cáo có ông ngoại và bác ruột là liệt sỹ. Vì vậy, cần xem xét chấp nhận kháng cáo của bị cáo để giảm nhẹ cho bị cáo phần nào hình phạt tù là có căn cứ; đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội không phù hợp nên không được chấp nhận. Đối với hình phạt bổ sung, cấp sơ thẩm xử phạt hình phạt bổ sung đối với bị cáo bằng hình phạt tiền với mức 20.000.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
[4] Đối với Nguyễn Anh T2, Nguyễn H đều là những người giúp sức cho bị cáo T1 thực hiện tội phạm; tuy nhiên vai trò của bị cáo T2 trong vụ án này tích cực hơn bị cáo H, bị cáo chính là người giới thiệu để bị cáo T1 mua được ma túy; về nhân thân bị cáo đã từng bị kết án chưa được xóa án tích và nhiều lần bị xử lý hành chính về các hành vi khác nhau. Khi xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng hành vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo, nhưng chưa xác định đúng trọng lượng ma túy mà các bị cáo tham gia mua bán nên đã xử phạt các bị cáo mức án cao so với khung hình phạt. Vì vậy, cần xác định lại trọng lượng ma túy các bị cáo tham gia mua bán là 129,77 gam để xem xét xác định lại mức hình phạt của các bị cáo cho phù hợp với hành vi phạm tội của các bị cáo, nên cần chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm giảm hình phạt cho các bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật. Viện kiểm sát đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với hai bị cáo là không có căn cứ để chấp nhận.
[5] Đối với Nguyễn Văn T3 hai lần biết rõ bị cáo T1 mua bán trái phép chất ma túy nhưng đều không tố giác hành vi phạm tội của bị cáo T1 nên cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội nhiều lần” và đã đánh giá đúng tính chất hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo mức án 30 tháng tù là có căn cứ; tại cấp phúc thẩm bị cáo không có thêm tình tiết gì mới, hơn nữa bị cáo chỉ kêu oan nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị cáo; Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo là có căn cứ.
[6] Cáo bị cáo được chấp nhận kháng cáo nên không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm, bị cáo không được chấp nhận kháng cáo phải nộp án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật
[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a, b khoản 2 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn T1, Nguyễn Anh T2, Nguyễn H; không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn T3; sửa Bản án hình sơ thẩm số: 162/2017/HS-ST ngày 05/6/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội:
- Áp dụng điểm e khoản 3, khoản 5 Điều 194; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g (tái phạm) khoản 1 Điều 48; khoản 2 Điều 51; Điều 53 Bộ luật hình sự; phạt bị cáo Phạm Văn T1 19 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, tổng hợp với 15 tháng tù của Bản án số 250/2014/HSST ngày 25/12/2014 của Tòa án nhân dân quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 20 (hai mươi) năm 03 (ba) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam bị cáo (27/3/2016); phạt bổ sung đối với bị cáo 20.000.000 đồng.
- Áp dụng điểm e khoản 3 Điều 194; điểm p khoản 1 Điều 46; (bị cáo Nguyễn Anh T2 áp dụng thêm điểm g (tái phạm) khoản 1 Điều 48); Điều 53 Bộ luật hình sự; phạt bị cáo Nguyễn Anh T2 16 (mười sáu) năm tù; bị cáo Nguyễn H 15 (mười lăm) năm tù đều về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam các bị cáo (27/3/2016).
- Áp dụng khoản 1 Điều 314, điểm p khoản 1 Điều 46, điểm g (phạm tội nhiều lần) khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; phạt bị cáo Nguyễn Văn T3 30 (ba mươi) tháng tù về tội “Không tố giác tội phạm”. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án; được trừ thời gian đã tạm giữ, tạm giam (từ ngày 26/5/2016 đến ngày 22/8/2016).
Về án phí: Bị cáo Nguyễn Văn T3 phải nộp 200.000đ án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số: 162/2017/HS-PT ngày 05/06/2017 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 778/2017/HS-PT ngày 20/11/2017 về tội mua bán trái phép chất ma túy và không tố giác tội phạm
Số hiệu: | 778/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/11/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về