TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 743/2017/HS-PT NGÀY 25/10/2017 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN
Ngày 25 tháng 10 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Thụ lý số 54/2017/HSPT ngày 19 tháng 01 năm 2017 do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 87/2016/HSST ngày 02 tháng 12 năm 2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn.
* Bị cáo có kháng cáo:
Nguyễn Thị H, sinh năm 1965 tại xã K, huyện T, tỉnh Lạng Sơn; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở: Thôn N, xã Đ, huyện T, tỉnh Lạng Sơn; nghề nghiệp: Nguyên thủ quỹ kiêm thủ kho của Ngân hàng N chi nhánh huyện T, tỉnh Lạng Sơn; nguyên Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị khai trừ ra khỏi Đảng theo Quyết định số 37-QĐ/UBKTHU ngày 14/7/2016 của Huyện ủy T; trình độ văn hoá: 10/10; dân tộc: Tày; Quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Nguyễn Hoành S và bà Hoàng Thị Đ; chồng là Hoàng Văn T và có 02 con, sinh năm 1991 và năm 1993; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 22/5/2015, có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa: Bà Lê Thị L, Luật sư của Văn phòng Luật sư L, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Lạng Sơn bào chữa bảo vệ quyền lợi cho bị cáo; tuy nhiên, Luật sư vắng mặt tại phiên tòa không rõ lý do. Trong phần thủ tục, bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tiếp tục xét xử vụ án; bị cáo xin được tự bào chữa và tranh tụng tại phiên tòa.
* Nguyên đơn dân sự: Ngân hàng N; Địa chỉ: quận B, thành phố Hà Nội; Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự: Ông Vi Hoàng H, Giám đốc Ngân hàng N chi nhánh huyện T, tỉnh Lạng Sơn (Theo Giấy ủy quyền số510/QĐ-HĐTV-PC ngày 19/6/2014 của Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngânhàng N); có mặt tại phiên tòa.
Trong vụ án này còn có các bị cáo Nông Thị H1 và Nguyễn Thị H2 khôngkháng cáo và không bị kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Nông Thị H1, nguyên là Trưởng Phòng Kế toán và Ngân quỹ Ngân hàng N chi nhánh huyện T, tỉnh Lạng Sơn (N T), có nhiệm vụ kiểm soát các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng và ký phát hành sổ tiết kiệm theo ủy quyền của Giám đốc N T. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Nông Thị H1 đã bàn bạc với Nguyễn Thị H, nguyên Thủ quỹ kiêm thủ kho và Nguyễn Thị H2, nguyên Kế toán viên kiêm giao dịch viên không thực hiện đúng các quy định về gửi và rút tiền của N để rút tiền tiết kiệm của khách hàng gửi tại N T.
Theo Quyết định số 123/QĐ/HĐQT-KHTH ngày 21/02/2008 của Hội đồng quản trị Ngân hàng N (N) ban hành quy định về tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống N; Quyết định số 797/QĐ-HĐTV ngày 17/10/2014 của Hội đồng thành viên N ban hành quy định về tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống N (thay thế Quyết định số123/QĐ/HĐQT-KHTH ngày 21/02/2008); Quyết định số 368/QĐ/HĐQT-TCKT ngày 23/4/2007 quy định về giao, nhận, bảo quản, vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá trong hệ thống N và Quy định số 7088/NHNo-TCKT ngày20/10/2014 (thay thế Quyết định số 368/QĐ/HĐQT-TCKT ngày 23/4/2007), thìtrình tự, thủ tục gửi và rút tiền tại N được quy định như sau:
Việc gửi tiền: Giao dịch viên hướng dẫn khách hàng điền các thông tin trên giấy gửi tiền, rồi hạch toán nhập số tiền gửi của khách hàng vào hệ thống IPCAS; Kiểm soát viên có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu số tiền của giao dịch viên nhập trên hệ thống IPCAS với giấy gửi tiền, ký kiểm soát giao dịch gửi tiền; sau đó, giao dịch viên in sổ tiết kiệm, trình giám đốc ký phát hành sổ tiết kiệm.
Việc rút tiền: Khách hàng mang theo chứng minh thư nhân dân và sổ tiết kiệm đến ngân hàng gặp giao dịch viên. Giao dịch viên tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ và đối chiếu với hệ thống IPCAS, nếu xác định hợp lệ, giao dịch viên hạch toán trên hệ thống IPCAS để Kiểm soát viên phê duyệt trên máy, in ra chứng từ giao dịch rút tiền, chuyển cho Kiểm soát viên kiểm tra, ký kiểm soát. Sau đó giao dịch viên trình giám đốc duyệt giao dịch rút tiền rồi tiến hànhchi trả tiền cho khách hàng từ nguồn tồn quỹ của giao dịch viên được phép giao dịch trong ngày, nếu vượt hạn mức thì chuyển sang thủ quỹ chi tiền.
Từ ngày 06/7/2012 đến ngày 14/5/2015, các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 đã thực hiện tất toán khống trước hạn 39 sổ tiết kiệm của khách hàng tại N T, và hạch toán số tiền khách hàng gửi vào hệ thống IPCAS ít hơn số tiền khách hàng thực gửi đối với 43 số tiết kiệm để chiếm đoạt số tiền chênh lệch. Tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt từ 82 sổ tiết kiệm là6.970.735.800 đồng, tiền lãi phát sinh ngân hàng phải trả cho khách hàng là349.980.600 đồng, cụ thể:
Thông qua việc tất toán khống sổ tiết kiệm: Các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 đã bàn bạc, thống nhất giao cho Nguyễn Thị H2 thực hiện giao dịch rút tiền trên hệ thống IPCAS, in ra chứng từ rút tiền, ký vào mục “Giao dịch viên” và ký giả chữ ký của khách hàng trên chứng từ, rồi chuyển cho Nông Thị H1 duyệt chi tất toán khống, rút tiền của khách hàng để chiếm đoạt. Khi khách hàng mang sổ tiết kiệm đến ngân hàng để rút tiền thì các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 thực hiện giao dịch và nghiệp vụ ngân hàng, lấy tiền từ kho quỹ của N T chi trả cho khách hàng. Với thủ đoạn này, các bị cáo đã chiếm đoạt của N T tổng số tiền 3.137.289.200 đồng, trong đó số tiền gửi gốc bị chiếm đoạt là 2.854.019.800 đồng, tiền lãi phát sinh N T phải trả cho khách hàng là 283.269.400 đồng.
Thông qua việc hạch toán số tiền khách hàng gửi tiết kiệm vào hệ thống IPCAS ít hơn số tiền khách hàng thực gửi: Khi khách hàng đến gửi tiền tiết kiệm, Nguyễn Thị H2 hướng dẫn khách hàng tự điền thông tin vào giấy gửi tiền, rồi Nguyễn Thị H2 giữ lại giấy gửi tiền do khách hàng viết để theo dõi. Đồng thời, Nguyễn Thị H2 viết giấy gửi tiền khác, ghi số tiền ít hơn số tiền khách hàng thực gửi, ký giả chữ ký của khách hàng hoặc yêu cầu khách hàng ký vào giấy gửi tiền chưa có nội dung, sau đó Nguyễn Thị H2 sẽ điền thông tin với số tiền khớp với số tiền hạch toán trên hệ thống IPCAS. Sau đó, Nguyễn Thị H2 in sổ tiết kiệm với số tiền ghi trên sổ tiết kiệm đúng với số tiền khách hàng thực gửi, chuyển để Nông Thị H1 ký ở mục Kiểm soát và phát hành. Khi khách hàng đến rút tiền thì các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 thực hiện giao dịch và nghiệp vụ ngân hàng để chi trả cho khách hàng theo sổ tiết kiệm của khách hàng. Bằng thủ đoạn nói trên, các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 đã chiếm đoạt của N T số tiền chênh lệch từ 43 số tiết kiệm là 4.116.716.000 đồng, tiền lãi phát sinh N T phải trả cho khách hàng là66.761.200 đồng.
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ biên bản xử lý xâm tiêu tiền gửi tiết kiệm, các chứng từ giao dịch rút tiền do Nguyễn Thị H2 và Nông Thị H1 ký giả và hai quyển sổ do bị cáo Nguyễn Thị H giao nộp.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 87/2016/HSST ngày 02/12/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã quyết định: Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều278; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự năm 2015; Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị H 19 (Mười chín) năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 22/5/2015.
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại: Căn cứ khoản 1 Điều 42 của Bộ luật hình sự;khoản 1 Điều 604, Điều 608, Điều 298, khoản 2 Điều 305 của Bộ luật dân sự;
2.1. Về nghĩa vụ bồi thường riêng: Bị cáo Nguyễn Thị H phải bồi thường797.441.300 đồng (Bẩy trăm chín mươi bẩy triệu, bốn trăm bốn mươi mốt ngàn ba trăm đồng);
2.2. Về nghĩa vụ liên đới bồi thường: Các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho Ngân hàng N chi nhánh huyện T, tỉnh Lạng Sơn tổng số tiền 5.378.625.300 đồng (Năm tỷ ba trăm bẩy mươi tám triệu, sáu trăm hai mươi lăm ngàn, ba trăm đồng), trong đó mỗi bị cáo có nghĩa vụ bồi thường 1.792.875.100 đồng (Một tỷ bẩy trăm chín mươi hai triệu tám trăm bẩy mươi lăm ngàn một trăm đồng).
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự đối với các bị cáo Nông Thị H1 và Nguyễn Thị H2, quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 13/12/2016, bị cáo Nguyễn Thị H kháng cáo xin giảm hình phạt và xin đề nghị xem xét lại phần trách nhiệm dân sự.
Căn cứ vào các chứng cứ đã được Hội đồng xét xử thẩm tra công khai tại phiên tòa, lời khai của bị cáo, lời khai của đại diện nguyên đơn dân sự; lời tự bào chữa của bị cáo và đặc biệt căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã thu thập trong quá trình điều tra vụ án, cũng như ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1] Quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm cũng như phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nông Thị H1 và Nguyễn Thị H2 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, theo đó Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định từ năm 2012, các bị cáo đã cùng nhau trao đổi, thống nhất phương pháp, cách thức, không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng về giao dịch gửi và rút tiền nhằm mục đích để rút tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại N T bằng thủ đoạn tất toán khống sổ tiết kiệm của khách hàng và hạch toán tiền gửi của khách hàng trên hệ thống IPCAS ít hơn số tiền khách hàng thực và chủ yếu sau khi lấy được tiền đã sử dụng ăn tiêu cá nhân, tham gia cờ bạc, lô đề. Với các thủ đoạn trên, các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 đã chiếm đoạt tiền từ 82 sổ tiết kiệm của khách hàng đã gửi tại N T, với tổng số tiền 6.970.753.800 đồng, trong đó các bị cáo tất toán khống 39 sổ tiết kiệm, chiếm đoạt 2.854.019.800 đồng; hạch toán trên hệ thống IPCAS số tiền ít hơn số tiền thực gửi của khách hàng, chiếm đoạt số tiền chênh lệnh từ 43 sổ tiết kiệm, với tổng số tiền 4.166.716.000 đồng. Bị cáo Nông Thị H1 thừa nhận được chiếm hưởng cá nhân số tiền trên 770 triệu đồng từ 18 sổ tiết kiệm; bị cáo Nguyễn Thị H2 được chiếm hưởng cá nhân số tiền 336.500.000 đồng từ 04 sổ tiết kiệm. Bị cáo Nguyễn Thị H cho rằng chỉ được chiếm hưởng cá nhân số tiền 125.027.500 đồng từ sổ tiết kiệm của bà Ma Thị N và ông Nguyễn Hoành S, tuy nhiên nội dung này không được cấp sơ thẩm chấp nhận và bị cáo còn bị quy kết đã chiếm hưởng và chi tiêu cá nhân số tiền747.892.900 đồng.
[2] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo Nông Thị H1 và Nguyễn Thị H2 đã khai nhận, cũng như quy trình gửi tiền theo trình bày của đại diện Chi nhánh N T đều khẳng định cho rằng, việc hạch toán và thực hiện lệnh xuất nhập khống trên hệ thống, nếu không có sự thông đồng của cả ba người (Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2) thì không thể thực hiện được. Do đó, việc bị cáo Nguyễn Thị H cho rằng không được bàn bạc hoặc không biết việc Nguyễn Thị H2 tất toán khống sổ tiết kiệm của khách hàng để bù quỹ là không thuyết phục. Hội đồng xét xử phúc thẩm đủ cơ sở khẳng định: Từ khoảng tháng 7/2012 đến tháng 4/2015, các bị cáo đã lợi dụng quyền hạn được giao, bằng thủ đoạn tất toán khống số tiết kiệm và hạch toán vào hệ thống IPCAS số tiền ít hơn số tiền của khách hàng thực gửi để chiếm đoạt tổng số tiền6.970.753.800 đồng. Do đó, cấp sơ thẩm quy kết các bị cáo Nông Thị H1, Nguyễn Thị H và Nguyễn Thị H2 đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 278 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ.
Khi xem xét quyết định hình phạt, Hội đồng xét xử sơ thẩm cũng đã xem xét các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo là “Phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật Hình sự; đồng thờicũng xem xét các tình tiết giảm nhẹ với từng bị cáo như các bị cáo có nhân thân tốt, có thời gian công tác lâu năm tại N T; riêng bị cáo Nguyễn Thị H có bố là ông Nguyễn Hoành S được Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Thêm nữa, bị cáo cũng đã được Hội đồng xét xử sơ thẩm áp dụng tình tiết giảm nhẹ “khai báo thành khẩn” theo điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã cá thể hóa hình phạt, theo đó đã có sự phân tích, đánh giá về các chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, tính chất nguy hiểm của hành vi, nhân thân cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo Nguyễn Thị H và quyết định mức hình phạt 19 năm tù đối với bị cáo là phù hợp; tại phiên tòa phúc thẩm không thấy bị cáo có thêm tình tiết gì mới thuộc về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dođó Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo.
[3] Về số tiền chiếm hưởng cá nhân của Nguyễn Thị H: Trên cơ sở lời khai của bị cáo và tài liệu thu thập trong quá trình điều tra, đặc biệt lời khai của các bị cáo Nông Thị H1 và Nguyễn Thị H2 đều khẳng định mỗi lần lấy tiền ở qũy ra đều chia cho cả 03 người; để tiện cho việc đánh đề và tổng hợp với “chủ đề” cả03 người chơi chung với nhau, số tiền hơn 747 triệu đồng mà Nguyễn Thị H sử dụng đều là số tiền lấy từ sổ tiết kiệm trong số khách quen của H, Nguyễn Thị H nhờ Nguyễn Thị H2 tất toán trên máy...như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng tình như nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm khi cho rằng, có căn cứ xác định Nguyễn Thị H chiếm hưởng và chi tiêu cá nhân số tiền 747.892.900 đồng từ 10 sổ tiết kiệm và tiền lãi phát sinh tương ứng với 10 sổ tiết kiệm là49.548.400 đồng, cụ thể như sau:
+ Sổ tiết kiệm số IE 5895728 khách hàng Ma Thị N, số tiền bị chiếm đoạt là 90.084.000 đồng, lãi phát sinh 19.556.300 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 3053755, khách hàng Ma Thị N số tiền bị chiếm đoạt là 20.019.400 đồng, lãi phát sinh 1.534.000 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 2083414, khách hàng Ma Thị N, số tiền bị chiếm đoạt là 55.027.500 đồng, lãi phát sinh 5.116.000 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 4317096, khách hàng Đoàn Thị M, số tiền bị chiếm đoạt là 100.248.900 đồng, lãi phát sinh 7.008.000 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số ID 7980278, khách hàng Hà Thị K, số tiền bị chiếm đoạt là 22.408.700 đồng, lãi phát sinh 3.652.400 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 5201880, khách hàng Lăng Thị D, số tiền bị chiếm đoạt là 100.104.400 đồng, lãi phát sinh 7.242.900 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 9817444, khách hàng Hoàng Thị T, số tiền thực gửi230.000.000 đồng, số tiền hạch toán trên hệ thống IPCAS, số tiền bị chiếm đoạt là 225.000.000 đồng, lãi phát sinh 341.300 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 8160901, khách hàng Ma Thị N, số tiền thực gửi70.000.000 đồng, số tiền hạch toán trên hệ thống IPCAS 5.000.000 đồng, số tiền bị chiếm đoạt là 65.000.000 đồng, lãi phát sinh 1.690.000 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 8163351, khách hàng Nguyễn Hoành S, số tiền thực gửi 27.000.000 đồng, số tiền hạch toán trên hệ thống IPCAS 2.000.000 đồng, số tiền bị chiếm đoạt là 25.000.000 đồng, lãi phát sinh 654.500 đồng;
+ Sổ tiết kiệm số IE 5208621, khách hàng Nguyễn Hoành S, số tiền thực gửi 50.000.000 đồng, số tiền hạch toán trên hệ thống IPCAS 5.000.000 đồng, số tiền bị chiếm đoạt là 45.000.000 đồng, lãi phát sinh 2.762.000 đồng.
Như phân tích nêu trên cho thấy, quyết định của bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm bồi thường dân sự đối với Nguyễn Thị H là đúng cho nên Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng không chấp nhận kháng cáo của bị cáo về nội dung này.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 248 của Bộ luật tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm;
Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 278; điểm p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 53 của Bộ luật hình sự năm 1999; điểm x khoản 1 Điều51 của Bộ luật hình sự năm 2015; Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị H 19 (Mười chín) năm tù về tội “Tham ô tài sản”; Thời hạn tù tính từ ngày 22/5/2015.
Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.
Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về nghĩa vụ bồi thường của bịcáo Nguyễn Thị H.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bị cáo Nguyễn Thị H phải nộp 200.000 đồng án phí phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 743/2017/HS-PT ngày 25/10/2017 về tội tham ô tài sản
Số hiệu: | 743/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 25/10/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về