Bản án 74/2017/HSST ngày 08/08/2017 về tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TUẦN GIÁO, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 74/2017/HSST NGÀY 08/08/2017 VỀ TỘI CƯỚP TÀI SẢN VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN 

Ngày 08 tháng 8 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tuần giáo xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 60/2017/HSST ngày 23 tháng 5 năm 2017 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Nguyễn Tiến D; tên gọi khác: Không; sinh năm 1979 tại S, L; nơi đăng ký HKTT: Phường H, thành phố Đ, tỉnh Đ; trú tại: Khối T, thị trấn T, huyện T, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hoá: Lớp 12/12; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông: Nguyễn Xuân D, sinh năm 1950; con bà Trần Thị D, sinh năm 1951; bị cáo có vợ là Phạm Thị P, sinh năm 1985 và chưa có con; tiền sự: Không; tiền án: Có 01 tiền án về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; bị tạm giam từ ngày 16/9/2016, có mặt tại phiên toà.

2. Họ và tên: Lò Văn T; tên gọi khác: Không; sinh năm 1964 tại xã C, huyện ,tỉnh Đ; nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Bản C, xã C, huyện T, tỉnh Đ; trình độ văn hoá: Lớp 9/12; nghề nghiệp: Nông nghiệp; dân tộc: Thái; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông: Lò Văn M, sinh năm 1933; con bà: Lò Thị N (đã chết); có vợ là Lò Thị S, sinh năm 1964 và có 02 người con nuôi đã trưởng thành; tiền sự: Không; tiền án: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 09/02/2017; có mặt tại phiên toà.

* Người bào chữa cho bị cáo Lò Văn T có bà: Lò Thị Khánh Hà, Trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt. 

* Người bị hại: Họ và tên: Nguyễn Xuân T; tên gọi khác: H; trú tại: Khối 5, thị trấn P, huyện K, tỉnh N. Vắng mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Họ và tên: Quàng Văn C; sinh năm 1994; trú tại bản Q, xã B, huyện M, tỉnh Đ. Vắng mặt.

2. Họ và tên: Bạc Cầm Ng; sinh năm 1993, trú tại: Bản Đ, thị trấn T, huyện T, tỉn Đ. Có mặt.

3. Họ và tên: Hoàng Tùng L (Hoàng Anh T) sinh năm 1987; trú tại: Khối 20/7, thị trấn T, huyện T, tỉnh Đ. Vắng mặt.

4. Họ và tên: Lò Thị S; sinh năm 1964; trú tại: Bản Che Phai 1, xã Chiềng Sinh, huyện T, tỉnh Đ. Có mặt.

5. Họ và tên: Lò Văn B; sinh năm: 1980; trú tại: Bản B, xã C, huyện T, tỉnh Đ. Vắng mặt.

* Người phiên dịch cho Lò Thị Son: Họ và tên: Lò Văn Giang, trú tại: Bản Sái, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Có mặt.

NHẬN THẤY

Các bị cáo Nguyễn Tiến D, Lò Văn T bị VKSND huyện Tuần Giáo truy tố về các hành vi phạm tội như sau:

Ngày 23/7/2016, anh Nguyễn Xuân T (tên gọi khác: H) có đơn đề nghị Công an huyện Tuần Giáo nội dung: Ngày 16/6/2016, anh đi xe ô tô BKS 35A-027.13 đến nhà Lò Văn T ở bản C, xã C, huyện T. Tại nhà Lò Văn T, anh bị Nguyễn Tiến D dùng dao đe dọa khống chế cướp đi một dây chuyền vàng tây, trị giá khoảng 10.000.000đồng; ép anh viết giấy nhận nợ Lò Văn T và giấy gửi xe ô tô. Anh T yêu cầu Cơ quan điều tra lấy lại dây chuyền, xe ô tô cho anh và xử lý các đối tượng theo qui định của pháp luật.

Quá trình điều tra xác định được: Khoảng 12 giờ ngày 16/6/2016, Lò Văn T gọi điện cho Nguyễn Xuân T bảo T đến nhà T để nói chuyện. T đồng ý và điều khiển xe ô tô mang BKS 35A-027.13 đi từ khối Đồng Tâm, thị trấn Tuần Giáo đến nhà Lò Văn T. Tại nhà Lò Văn T, anh T gặp D và vợ chồng Lò Văn T đang ở nhà. Lò Văn T nói với anhT là Lò Văn T đang nợ D 50.000.000đ và tiền lãi phải trả là 3.000.000đ nhưng do anh T còn nợ Lò Vắn T tiền bán xe ô tô nên T chưa có tiền trả D. D bắt anh T và Lò Văn T mỗi người trả D 1.500.000đ tiền lãi. Anh T không đồng ý vì giữa anh T và D không nợ nần gì nhau. Lò Văn T nợ D thì tự giải quyết. Thấy anh T không trả tiền, D khống chế không cho anh T về và gọi thêm Quàng Văn C đến. Một lúc sau có thêm Bạc Cầm N và Hoàng Tùng L là người quen của D cũng đến nhà Lò Văn T. Lúc này, D nói với anh T: “Thế nào, mày có trả tiền không hay thích ăn đòn”. Anh T nói T không nợ nần gì sao bắt T trả nợ. Anh T không có tiền nên rút ví và điện thoại ra để trên bàn. D mở ví kiểm tra thấy không có tiền nên rút chứng minh nhân dân của anh T và lấy điện thoại di động của anh T đưa cho C đi cắm lấy tiền nhưng không cắm được vì điện thoại bị vỡ màn hình. Thấy anh T có đeo sợi dây chuyền vàng trên cổ, D bắt anh T cởi dây chuyền đưa cho D nhưng T không cởi. D dùng tay tát vào mặ tanh T rồi lôi anh T vào buồng ngủ và dùng chân tay đánh anh T. Sau đó D lôi anh T ra ngồi ở bàn uống nước túm tóc đập đầu anh T vào ghế tựa. D nhìn thấy một con dao cán gỗ thân dài 22cm, cán 12,5cm, phần lưỡi rộng nhất 5,8cm liền lấy dao, tay phải cầm dao, tay trái cầm tai dí sát dao vào tai anh T dọa cắt tai nếu anh T không đưa dây chuyền. Vì sợ bị đánh và bị cắt tai nên anh T tự cởi dây chuyền bỏ vào túi bóng D cầm sẵn. Sau khi lấy được dây chuyền, để hợp lý hóa D bắt anh T viết giấy nhận nợ nội dung: T nợ D 11.500.000đ, anh T cắm lại một chiếc dây chuyền. Hẹn ngày 19/6/2016 trả tiền cho D. Sau khi cướp được dây chuyền, D ngồi ở bàn uống nước cùng Lò Văn T, anh T. Khoảng 30 phút sau, Lò Văn T hỏi anh T về số tiền anh T nợ Lò Văn T, anh T nói tiền bán xe T trả Lò Văn T hết rồi, không nợ nần gì. Lò Văn T dùng hộp đựng ống điếu đập vào đầu anh T nhưng anh T đỡ được. D nói: Mẹ mày, mày có tin hôm nay tao tháo mẹ lốp xe cho mày khỏi về không. Anh T không nói gì, D nói tiếp: Mày có tin hôm nay tao đốt mẹ xe mày không. Anh T nói lại: Anh với chú không nợ gì nhau, chú lấy cái dây chuyền của anh là quá lắm rồi. Nếu chú giữ xe anh sẽ đưa ra pháp luật. D nói: Mày thích đưa ra pháp luật à, mày có biết tao là ai không. Đã thế tao giữ xe cho mày biết. D hỏi Lò Văn T: Nó còn nợ anh bao nhiêu tiền. Lò Văn T trả lời: 65.000.000đ. D bảo Lò Văn T lấy giấy bút cho D viết giấy nhận nợ và D viết nhưng lại bỏ đi và nói để anh T viết cho đúng chữ. Do sợ bị D và Lò Văn T đánh nên anh T phải viết giấy vay nợ do D đọc, nội dung: Ngày 16/6/2016, anh T vay Lò Văn T số tiền 65.000.000đ để lo việc gia đình và làm ăn. Anh T ký tên người vay, Lò Văn T ký tên người cho vay, D và C ký tên người làm chứng. Tiếp đó, D ép anh T viết giấy gửi xe ô tô BKS 35A-027.13 hẹn ngày 19/6/2016 đến trả tiền và lấy xe. D bắt anh T đưa chìa khóa xe ô tô cùng giấy vay nợ, giấy gửi xe cho D. D đưa lại cho Lò Văn T cất giữ và dặn Lò Văn T không được đưa cho anh T nếu không được sự đồng ý của D. Sau đó D đi về nhà. Khi D đi khỏi, anh T hỏi Lò Văn T xin lại chìa khóa xe nhưng Lò Văn T không cho và gọi điện cho D. D quay lại đuổi đánh anh T. Anh T bỏ chạy và về trình báo cơ quan Công an.

Đến ngày 21/6/2016, không thấy anh T quay lại trả tiền và lấy xe, Lò Văn T có gọi điện cho anh T nhưng không liên lạc được. Lò Văn T lái chiếc xe ô tô của anh T xuống nhà Lò Văn B, sinh năm 1980, trú tại bản B, xã C cắm lấy 30.000.000đ. Lò Văn T trả D 11.000.000đ, số còn lại Lò Văn T sử dụng. 

Ngày 15/8/2016, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định trưng cầu định giá chiế xe ô tô và sợi dây chuyền. Tại bản Kết luận định giá tài sản số: 15/KL-GTTS ngày 22/8/2016 của Hội đồng định giá UBND huyện Tuần Giáo đã kết luận: “01 xe ô tô con 05 chỗ ngồi màu ghi hiệu DAEWOO, sản xuất năm 2000, BKS 35A-027.13, xe cũ đã qua sử dụng có giá trị là 100.000.000đ”.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số: 17/KL-GTTS ngày 29/8/2016 của Hội đồng định giá tài sản UBND huyện Tuần Giáo đã kết luận: 01 sợi dây chuyền cao su non màu đen có đính kèm 05 khúc kim loại màu vàng kí hiệu 125, vàng tây 10K; 01 mặt đá hình mặt người màu đen có bọc phía sau bằng kim loại màu vàng dạng hoa, kí hiệu 124, vàng tây 10 K có tổng trị giá là 8.033.000đồng.

Tại bản Cáo trạng số: 37/QĐ-VKS-HS ngày 22 tháng 5 năm 2017 của VKSND huyện Tuần Giáo đã truy tố bị cáo Nguyễn Tiến D về tội Cướp tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 133 và tội Cưỡng đoạt tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 135 BLHS; bị cáo L Văn T bị truy tố về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điểm d khoản 2 Điều 135 BLHS; Tại phiên tòa, vị đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố hai bị cáo về tội danh và điều khoản áp dụng; đề nghị Hội đồng xét xử:

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm d khoản 2 Điều 135; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 4; Điều 20; Điều 53 BLHS năm 1999, xử phạt bị cáo Nguyễn Tiến D từ 07 năm đến 07 năm 06 tháng tù về tội Cướp tài sản và từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Áp dụng Điều 50 BLHS tổng hợp hình chung của hai tội từ 10 năm đến 11 năm tù.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135; Điều 20; Điều 53 BLHS 1999 xử phạt bị cáo Lò Văn T từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù.

Không phạt bổ sung bằng tiền đối với cả hai bị cáo. Vật chứng, án phí xử lý theo qui định của pháp luật. Người bào chữa cho bị cáo Lò Văn T nhất trí quan điểm truy tố của VKS về tội danh và điều khoản truy tố đối bị cáo; đề nghị HĐXX áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm p, s khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015; Điều 47 BLHS năm 1999 xử phạt bị cáo mức dưới khung của điều luật.

Căn cứ vào các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện ý kiến của các bị cáo, KSV, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác

XÉT THẤY

Vào khoảng 13 giờ ngày 16/6/2016, tại nhà Lò Văn T ở bản Che Phai 1, xã C, huyện T, Nguyễn Tiến D đã dùng vũ lực để chiếm đoạt 01 sợi dây chuyền vàng tây của Nguyễn Xuân T. Bị cáo dùng tay chân đấm, đá vào người anh T, dùng dao đe dọa cắt tai anh T. Vì bị đánh và sợ bị cắt tai nên anh T đã cởi dây chuyền đưa cho bị cáo. Sau khi chiếm đoạt được dây chuyền, bị cáo bắt anh T viết giấy nhận nợ nội dung: T nợ D 11.500.000đ và cắm lại chiếc dây chuyền, khi nào trả tiền nhận lại dây chuyền. Sau đó, D mang chiếc dây chuyền đi cầm cố lấy 4.000.000đ. Trên thực tế, D và anh T không quen biết, không có quan hệ vay mượn.

Sau khi thực hiện hành vi cướp dây chuyền của anh T, bị cáo tiếp tục đe dọa buộc anh T viết giấy nhận nợ nội dung: Anh T vay anh Lò Văn T 65.000.000đ, để bắt anh T viết tiếp giấy gửi xe ô tô, hẹn ba ngày sau mang tiền lên trả lấy xe ô tô. Bị cáo đã đe dọa sẽ đốt và phá xe nếu anh T không để xe lại. Vì sợ bị đánh và phá hủy xe nên anh T buộc phải viết giấy vay nợ, giấy gửi xe và đưa chìa khóa xe cho D. Bị cáo khai việc bị cáo giữ lại xe của anh T là do bị cáo T nhờ bị cáo trước đó nên bị cáo đã giúp bị cáo T. Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận bị cáo và anh T không quen biết không có quan hệ vay mượn nhưng do anh T nợ tiền bị cáo T không trả nên bị cáo T không có tiền trả cho bị cáo nên bị cáo đã bắt anh T trả lãi cùng với bị cáo T và chiếm đoạt dây chuyền. Bị cáo thừa nhận đã tát và giơ con dao ra dọa cắt tai anh Thủy. Khi lôi anh T từ buồng ra bàn uống nước, bị cáo tiếp tục ép anh T cởi dây chuyền và anh T đã cởi dây chuyền đưa cho bị cáo.

Hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt dây chuyền vàng của bị cáo đã cấu thành tội Cướp tài sản. Trong quá trình cướp tài sản, bị cáo sử dụng hung khí là con dao là tình tiết định khung tăng nặng được qui định tại điểm d khoản 2 Điều 133 BLHS.

Về hành vi cưỡng đoạt xe ô tô, bị cáo D khai trước đó bị cáo được bị cáo T nhờ giữ xe ô tô. Trước khi thực hiện hành vi cưỡng đoạt xe, Lò Văn T hỏi anh T món nợ tiền xe. Anh T không nhận nợ nên bị cáo T đã dùng hộp đựng ống điếu đập hai phát vào đầu anh T với thái độ rất giận dữ. Còn bị cáo D tiếp tục bắt ép anh T viết giấy nợ, giấy gửi xe. Bị cáo cho rằng từ cú đánh và thái độ giận dữ của bị cáo Thích mà anh T sợ hãi nên viết giấy nhận nợ, giấy gửi xe và để xe lại.

Tại phiên tòa, bị cáo T không thừa nhận việc bị cáo nhờ bị cáo D giữ xe của anh T. Bị cáo phản bác mọi lời khai tại giai đoạn điều tra, cho rằng bị viết theo ý điều tra viên. Bị cáo khai mọi việc giữ xe là do anh T tự nguyện. Bị cáo thừa nhận có được lấy giấy bút ra để bị cáo D đọc cho anh T viết giấy vay nợ và giấy giữ xe và bị cáo ký tên là người cho vay. Bị cáo nhất trí với D trong việc giữ xe anhT vì mục đích để anh T trả tiền cho bị cáo. Bị cáo là người giữ chìa khóa, giữ xe và đến ngày 21/6/2016 thì đưa xe đi cầm cố ở nhà Lò Văn B để lấy tiền chi tiêu việc gia đình. Bị cáo thừa nhận có đánh anh T vì anh T không nhận nợ.

Lời khai chối tội tại phiên tòa của bị cáo không có cơ sở chấp nhận bởi lẽ: Trong gia đoạn điều tra, tại nhiều bản tự khai do chính bị cáo viết, các biên bản hỏi cung bị can, bị cáo đã khai nhận việc anh T viết giấy nợ, để lại xe là do bị D đe dọa phá xe và đốt xe. Sự việc xảy ra tại nhà bị cáo nhưng khi thấy D có hành vi trái pháp luật đối với anh T bị cáo không tự mình giải quyết nợ nần giữa mình với anh T. Khi D ép anh T viết giấy nợ, giữ lại xe, bị cáo T đã lấy bút giấy để cho D bắt anh T viết, đọc số tiền nợ rồi ký vào giấy là bên cho vay. Bị cáo đã dùng hộp đựng điếu đánh anh T với thái độ hung hãn. Chính hành động và thái độ của bị cáo T cùng lời đe dọa phá xe của D đã tác động đến tâm lý của anh T nên anh T đã sợ bị đánh, bị phá xe mà để lại xe ô tô và viết các loại giấy tờ. Bị cáo chính là người giữ xe, giấy nợ, giấy gửi xe do Duy đưa. Thậm chí khi D đi khỏi, anh T hỏi xin lại xe, bị cáo T đã gọi cho D và D quay lại tiếp tục giữ xe và đuổi đánh anh T. Đến ngày 21/6/2016, bị cáo tự lái xe đi đến nhà Lò Văn B cắm lấy 30.000.000đ và trả nợ D 11.000.000đ số còn lại bị cáo sử dụng. Các tình tiết trên thể hiện việc anh T viết giấy tờ và để lại xe là trái với ý muốn. Bị cáo chính là người khởi xướng vừa là người giúp sức tích cực cho D trong việc cưỡng đoạt xe ô tô. Bị cáo khai anh T tự nguyện để lại xe và viết giấy nợ, nhưng tại phiên tòa, bị cáo D thừa nhận anh T để lại xe do bị cáo D bắt ép và do bị bị cáo T đánh nên sợ hãi buộc phải viết giấy và để lại xe. Chính bị cáo cũng thừa nhận việc anh T đòi lấy xe, bị cáo đã báo cho D và D quay lại đánh anh T.

Lời chối tội của bị cáo không phù hợp với lời khai của Nguyễn Xuân T, Nguyễn Tiến D.Việc thay đổi lời khai của bị cáo không có cơ sở chấp nhận.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực và dùng thủ đoạn khác để giữ xe ô tô của anh T của hai bị cáo là trái pháp luật hình sự. Nếu anh T vi phạm nghĩa vụ trả nợ, bị cáo có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền lợi cho mình. Nhưng các bị cáo không có sự lựa chọn cách xử sự phù hợp với pháp luật. Đáng lên án trong vụ án này là bị cáo T. Bị cáo đã từng là người chủ tịch xã, là người có trình độ, am hiểu luật pháp, lẽ ra bị cáo phải tự giải quyết việc nợ nần của bản thân và ngăn cản hành động của D chiếm đoạt dây chuyền. Nhưng bị cáo đã bỏ mặc D thực hiện hành vi phạm tội ngay tại nhà và sau đó cùng thực hiện tích cực hành vi cưỡng đoạt tài sản. Hành vi phạm tội của bị cáo thể hiện sự liều lĩnh coi thường pháp luật, coi thường đạo đức xã hội.

Lời khai của bị cáo D tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại giai đoạn điều tra, lời khai người bị hại, người có nghĩa vụ liên quan như Quàng Văn C, Bạc Cầm N và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án như: Biên bản tạm giữ đồ vật tài liệu; biên bản về việc trả lại tài sản; bản kết luận định giá tài sản.

Vì vậy, đủ cơ sở kết luận Nguyễn Tiến D và Lò Văn T đã phạm tội Cưỡng đoạt tài sản. Chiếc xe ô tô mà các bị cáo cưỡng đoạt được định giá 100.000.000đ. Đó là tình tiết tăng nặng định khung, qui định tại điểm d khoản 2 Điều 135 BLHS.

Bởỉ vậy, bản cáo trạng của VKSND huyện Tuần Giáo truy tố Nguyễn Tiến D và Lò Văn T theo các tội danh và điều khoản như trên là đúng người đúng tội, đúng pháp luật. 

Lò Văn T là người khởi xướng cùng với Nguyễn Tiến D thực hiện tích cực hành vi cưỡng đoạt tài sản. Tuy nhiên, tính chất đồng phạm là giản đơn, không có sự bàn bạc, tổ chức, cấu kết chặt chẽ giữa các bị cáo nên không thuộc trường hợp đồng phạm có tổ chức.

Các đối tượng Quàng Văn C, Hoàng Tùng L, Bạc Cầm N do bị cáo D gọi đến là để gây sức ép với Nguyễn Xuân T nhưng những người này không biết ý đồ của bị cáo, không có sự thống nhất ý chí và không hành động cùng D, T trong quá trình các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Hành vi phạm tội của các bị cáo rất nghiêm trọng, thể hiện sự liều lĩnh, trắng trợn gây ảnh hưởng xấu trong xã hội, gây hoang mang lo lắng trong nhân dân, xâm phạm đến sức khỏe và tài sản của anh Nguyễn Xuân T nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Xét tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và nhân thân các bị cáo thấy:

Đối với Lò Văn T: Bản thân chưa có tiền án, tiền sự. Tại phiên tòa bị cáo không thành khẩn khai báo mà quanh co chối tội. Không có cơ sở chấp nhận tình tiết giảm nhẹ TNHS theo qui định tại điểm s khoản 1 Điều 46 vì bị cáo chỉ có giấy khen của UBND huyện. Hình thức khen thưởng là giấy khen thì không được coi là người có thành tích xuất sắc trong công tác, theo qui định tại điểm s khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999 mà phải là Chiến sỹ thi đua cơ sở nhiều năm hoặc bằng khen trở lên. Bởi vậy không đủ căn cứ để áp dụng Điều 47 BLHS cho bị cáo như người bào chữa đề nghị.

Bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Bản thân đã từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch xã, có thời gian rèn luyện trong quân ngũ, lẽ ra phải sống gương mẫu tuân thủ pháp luật nhưng vì thiếu sự rèn luyện bản thân bị cáo đã phạm tội. Bởi vậy cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội và phạt bị cáo mức hình phạt trên mức khởi điểm của khung hình phạt để cải tạo bị cáo thành người tốt.

Đối với bị cáo Nguyến Tiến D: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa đã thành khẩn khai báo. Gia đình có mẹ là bà Trần Thị D có công với nhà nước được thưởng Huy chương kháng chiến hạng nhì. Các tình tiết giảm nhẹ này theo qui định tại các điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS. Riêng tình tiết giảm là gia đình bị cáo có công với nhà nước nay được qui định tại điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Cần áp dụng khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; Nghị quyết số  41/2017/QH14, Công văn số  276/CV- TANDTC hướng dẫn áp dụng các điều khoản có lợi cho người phạm tội nên bị cáo sẽ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này.

Bị cáo phạm tội trong trường hợp tái phạm là tình tiết tăng nặng TNHS qui định tại điểm g khoản 1 Điều 48 BLHS. Năm 2012 bị cáo phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bị TAND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước xử phạt 06 tháng tù, bồi thường cho người bị hại 4.000.000đ. Năm 2013 đã chấp hành xong hình phạt chính. Ngày 31/5/2017 mới chấp hành xong phần bồi thường dân sự nên chưa đủ thời gian được coi là xóa án tích.

Bị cáo là người có nhân thân xấu. Năm 2000, phạm tội Chống người thi hành công vụ bị TAND huyện Tuần Giáo xử phạt 12 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng. Bị cáo đã nhiều lần được tiếp thu sự cải tạo giáo dục của nhà nước nhưng không lấy đó làm bài học rèn luyện bản thân mà tiếp tục phạm tội. Song xét thấy bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên cần áp dụng bị cáo mức hình phạt khởi điểm của khung và áp dụng Điều 50 BLHS để tổng hợp hình phạt chung.

Phần trách nhiệm dân sự: Chiếc dây chuyền và chiếc xe ô tô BKS 35 A-027.13 người bị hại Nguyễn Xuân T đã được nhận lại và không có yêu cầu giải quyết việc bồi thường thiệt hại nên HĐXX không xem xét.

Đối với Lò Văn B khi nhận cầm cố chiếc xe, B không biết xe ô tô do phạm tội mà có. Tại phiên tòa, Lò Văn B đã được triệu tập hợp lệ hai lần nhưng vắng mặt và không có đơn yêu cầu nên về trách nhiệm dân sự giữa B và bị cáo bị cáoT nếu có yêu cầu sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Vật chứng: Đối với 01 con dao là công cụ dùng vào việc phạm tội không còn gía trị sử dụng cần áp dụng Điều 41 BLHS; Điều 76 BLTTHS tuyên thu hủy.

Về án phí: Áp dụng Điều 99 BLTTHS, Nghị định số 326/2016/UBTVQH qui định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Nguyễn Tiến D phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo qui định của pháp luật. Miễn án phí HSST cho bị cáo Lò Văn T vì bị cáo sinh sống ở xã có điều kiện Kinh tế - Xã hội đặc biệt khó khăn.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

1. Tội danh: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Tiến D phạm tội Cướp tài sản và tội Cưỡng đoạt tài sản. Bị cáo Lò Văn T phạm tội Cưỡng đoạt tài sản.

2. Hình phạt:

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 133; điểm d khoản 2 Điều 135; Điều 20; Điều 53; Điều 50; điểm g khoản 1 Điều 48; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999; khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự 2015; Nghị quyết số 41/2017/QH14; Công văn số 276/CV-TANDTC hướng dẫn áp dụng một số điều có lợi cho người phạm tội, xử phạt bị cáo Nguyễn Tiến D 07 (bảy) năm tù về tội Cướp tài sản; 03 (ba) năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt chung của hai tội là 10 (mười) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 16/9/2016.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 135; Điều 20; Điều 53 BLHS 1999; xử phạt bị cáo Lò Văn T 04 (bốn) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 09/02/2017.

3. Vật chứng: Áp dụng Điều 41 BLHS; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên thu hủy 01 gói niêm phong bằng phong bì thư bên ngoài ghi: Vật chứng vụ Lò Văn T, sinh năm 1964, trú tại bản Che Phai 1, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên bên trong chứa 01 con dao theo Phiếu nhập kho vật chứng số: 45 ngày 09/5/2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Tuần Giáo.

4. Án phí: Áp dụng Điều 99 BLTTHS; Nghị định số: 326/2016/UBTVQH qui định về về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Bị cáo Nguyễn Tiến D phải nộp 200.000đ án phí HSST. Miễn án phí HSST cho bị cáo Lò Văn T.

Các bị cáo được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (08/8/2017), người bị hại Nguyễn Xuân T và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

472
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 74/2017/HSST ngày 08/08/2017 về tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản

Số hiệu:74/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tuần Giáo - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 08/08/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;