Bản án 73/2017/HSST ngày 25/09/2017 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN ĐỒNG HỶ - TỈNH THÁI NGUYÊN

BẢN ÁN 73/2017/HSST NGÀY 25/09/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆĐỘNG VẬT  THUỘC DANH MỤC LOÀI NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM ĐƯỢC ƯU TIÊN BẢO VỆ

Ngày 25 tháng 9 năm 2017, tại Hội trường Tòa án nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 70/2017/HSST, ngày 08 tháng 9 năm 2017, đối với bị cáo: Họ và tên: Bùi Thị Nga L, sinh năm 1965

Nơi đăng ký NKTT: Tổ 11, phường TL, Tp TN, tỉnh Thái Nguyên; Chỗ ở: tổ 03, phường QT, Tp TN, tỉnh Thái Nguyên; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: không; Trình độ học vấn: 9/10; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Con ông: Bùi Văn X, đã chết, con bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1940. Gia đình có 6 anh em, bị cáo là con thứ ba trong gia đình. Có chồng là Nguyễn Đức T, sinh năm 1957, có 02 con chung, con lớn sinh năm 1984, con nhỏ sinh năm 1986; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo không bị tạm giữ, tạm giam ngày nào. Bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Hiện bị cáo đang tại ngoại tại địa phương.

Có mặt tại phiên tòa.

Người làm chứng:

Anh Nguyễn Trường S, sinh năm 1986 - Có mặt Chỗ ở: Xóm T, xã KS, huyện PB, tỉnh Thái Nguyên Anh Lương Văn C, sinh năm 1975 - Có mặt

Chị Nguyễn Thị X, sinh năm 1982 - Có mặt

Đều trú tại: Xóm T, xã KS, huyện PB, tỉnh Thái Nguyên

Ông Trần Thanh B, sinh năm 1952 - Có mặt

Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1956 - Vắng mặt

Đều trú tại: Tổ 22, thị trấn CH, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên.

NHẬN THẤY

Bị cáo Bùi Thị Nga L bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Hồi 18 giờ 30 phút ngày 21/4/2017, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, phát hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị S (sinh năm 1956) tại tổ 22, thị trấn CH, huyện ĐH có Bùi Thị Nga L (sinh năm 1965, trú quán tổ 11, phường TL, Tp TN, tỉnh Thái Nguyên) đang thuê vợ chồng Nguyễn Thị X, Lương Văn C (cùng trú quán xóm T, xã KS, huyện PB, tỉnh Thái Nguyên và Nguyễn Trường S, trú quán xóm T, xã KS, huyện PB, tỉnh Thái Nguyên) đang thực hiện nấu cao (nghi là nấu cao hổ). Tổ công tác đã lập biên bản sự việc rồi bàn giao cho công an huyện Đồng Hỷ xử lý theo thẩm quyền.

Hồi 19 giờ 30 phút cùng ngày, tiến hành khám xét khẩn cấp tại nhà bà S cơ quan điều tra đã thu giữ một số đồ vật, tài liệu liên quan gồm: 01 túi ni lon đựng thịt (nghi là thịt hổ), 02 bao tải xương (nghi là xương hổ), 02 chiếc nồi bằng nhôm, 01 thùng đựng nước bằng nhôm, 02 bếp ga công nghiệp, 02 bình ga loại 12 kg, 02 con dao nhọn chuôi gỗ, 01 bạt dứa. 

Tại cơ quan điều tra, Bùi Thị Nga L khai nhận như sau: Khoảng tháng 2 năm 2017 (âm lịch) L đi lễ chùa M ở tỉnh Thanh Hóa , khi L đang ngồi nghỉ ở trước cửa chùa thì có một người phụ nữ (sau này L biết tên là Á) đến làm quen và nói chuyện với L, qua cuộc nói chuyện người này nói rằng nhìn L ốm yếu, nếu muốn mạnh khỏe thì mua một con hổ để nấu cao sử dụng sẽ hết mọi bệnh tật, nếu L có nhu cầu thì sẽ bán cho. Nghe Á nói như vậy L đồng ý mua, hai người thỏa thuận giá một con hổ là 400.000.000đ ( bốn trăm triệu đồng), vào ngày 21/4/2017 thì Á sẽ mang Hổ ra Thái Nguyên bán cho L. Khi thỏa thuận xong, Á chủ động lấy số điện thoại di động của L để liên lạc.

Sau khi gặp Á thì L về nhà chuẩn bị tiền để mua Hổ và nhờ chồng là Nguyễn Đức T ( sinh năm 1957, trú quán tổ 11, phường TL, TP TN) tìm chỗ để nấu cao, khi nhờ L không nói cho ông T biết là nấu cao Hổ mà chỉ nói là để nấu cao.

Đến chiều ngày 20/4/2017, L gọi điện thoại di động cho anh C ở xóm T , xã KS, huyện PB, tỉnh Thái Nguyên ( C là người quen của con dâu L) bảo anh C sáng ngày 21/4/2017 lên để nấu cao thuê cho L, khi thuê anh C, L cũng không nói cho C biết sẽ nấu cao Hổ.

Đến khoảng 04 giờ sáng ngày 21/4/2017, Á gọi điện thoại cho L nói đang trên đường mang Hổ từ Thanh Hóa ra bán cho L, thì L hẹn gặp ở cầu CN, thuộc địa phận xã CN, TP TN.

Đến khoảng 07 giờ cùng ngày thì Á cùng hai người đàn ông đi trên một chiếc xe ô tô (dạng xe bán tải, có thùng) L không nhớ tên, tuổi địa chỉ và biển số xe đến gặp nhau tại vị trí đã hẹn, sau đó L dẫn Á đi vào nhà bà S ở tổ 22, thị trấn CH (là nhà ông T đã nhờ địa điểm để nấu cao) để Á và L giao hổ và nhận tiền. Khi đến sân nhà bà S thì hai người đàn ông khênh xuống sân 01 hộp xốp và 02 chiếc bao tải, bên trong hộp xốp có một con hổ đã bị chết, ướp đá lạnh đông cứng, có trọng lượng là 110kg, 02 bao tải bên trong có hỗn hợp nhiều loại phụ gia khác như ngựa, xương dê tổng trị giá con hổ và phụ gia để nấu là 580.000.000đ (năm trăm tám mươi triệu đồng).

Sau khi đưa con hổ xuống sân nhà, L bảo Á cùng hai người đàn ông dùng nước phun vào con hổ để tan đá, còn L đi ra đường đón C đến để nấu cao. Khi C, S và X đến nơi thì L bảo cả ba người lọc da, lọc thịt và tách xương con hổ, đến khoảng 12 giờ thì tách xong L trả tiền cho Á ra về, số xương hổ L bảo C để chế biến thành cao, số thịt hổ lọc ra, L để lại khoảng 5kg cất trong tủ lạnh của gia đình bà S, số còn lại gồm da và số thịt do ôi, thối nên L đã mang ra cầu CN vứt xuống sông. Đến hồi 18 giờ 30 phút cùng ngày khi L đang nấu cao Hổ thì bị kiểm tra, lập biên bản.

Ngày 22/4/2017, công an huyện Đồng Hỷ tiến hành cân xác định trọng lượng số thịt và xương thu giữ của Bùi Thị Nga L được 5,6kg thịt và 48,2kg xương, đồng thời tiến hành thu mẫu vật để gửi giám định.

Tại bản kết luận giám định động vật số 319/STTNSV ngày 27/4/2017 của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận: mẫu thịt động vật là thịt hổ, mẫu xương động vật là xương hổ, loài hổ có tên khoa học là Pathera tigris, loài Hổ Pathera tigris thuộc phụ lục I, danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ( Ban hành kèm theo Nghị định 160/2013/NĐ - CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ.

Vật chứng vụ án gồm: 01 bao tải đựng thịt hổ, ký hiệu A1; 02 bao tải đựng xương động vật ký hiệu A2, A3; 02 xoong nhôm cũ, 01 thùng đựng nước, 02 bếp gas, 02 bình gas, 02 con dao nhọn, 01 chiếc bạt dứa.

Tại phiên tòa hôm nay bị cáo khai nhận hành vi đúng như bản cáo trạng đã truy tố: Bị cáo khai sau tết âm lịch bị cáo đi lễ chùa ở tỉnh Thanh Hóa gặp một phụ nữ giới thiệu tên là Á và nói chuyện làm quen. Sau đó Ánh bảo với bị cáo hay ốm đâu bệnh tật, ăn cao hổ vào người sẽ hết bệnh. Á hứa sẽ mang ra Thái Nguyên bán cho bị cáo một con hổ để nấu cao và Á xin số điện thoai của bị cáo để tiện liên hệ. Đến sáng ngày 21/4/2017 thì Á gọi điện đang trên đường mang hổ ra, bị cáo hẹn Á ở cầu CN, TP TN. Sau đó bị cáo ra đón Á đi vào nhà ông B để nấu cao hổ ở nhà ông B, Á mang một con hổ đã chết, đã bị mổ bụng được ướp lạnh trong thùng xốp và một số loại xương phụ gia như xương Dê, xương rùa để nấu cao cùng, với tổng số tiền là 580.000.000 đồng.

Tại bản cáo trạng số 76/ KSĐT - MT ngày 07/9/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đã truy tố bị cáo Bùi Thị Nga L về tội "Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 190 của Bộ luật hình sự.

Trong phần tranh luận vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Hỷ đã trình bày lời luận tội và đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố bị cáo Bùi Thị Nga L phạm tội “ Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”

- Về hình phạt áp dụng: Điểm đ khoản 2, khoản 3 Điều 190; điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 60 BLHS năm 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 41/2017/NQ-QH ngày 20/6/2017 của Quốc hội, xử phạt bÞ c¸o Bùi Thị Nga L từ 30 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo, Tòa án ấn định thời gian thử thách. Phạt bổ sung bị cáo từ 10 đến 15 triệu đồng nộp ngân sách Nhà nước.

Về vật chứng: Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 41 Bộ luật hình sự:

Tịch thu tiêu hủy: 03 bao tải niêm phong còn nguyên vẹn ký hiệu A1, A2, A3; 01 chiếc bạt dứa và 02 con dao nhọn.

Tịch thu sung quỹ Nhà nước: 02 xoong nhôm cũ, 01 thùng đựng nước, 02 bếp gas, 02 bình gas.

Về án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Buộc bị cáo phải chịu 200.000đ đồng án phí Hình sự sơ thẩm sung quỹ Nhà nước.

Bị cáo không có ý kiến tranh luận gì, bị cáo xin được hưởng mức án thấp nhất.

Căn cứ vào những chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cở sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, lời khai của bị cáo.

XÉT THẤY

Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay là khách quan, phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã thu thập được trong hồ sơ vụ án như: Biên bản phạm tội quả tang, Bản kết luận giám định, lời khai của người làm chứng, vật chứng thu giữ và các chứng cứ tài liệu khác được thu thập trong quá trình điều tra. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ căn cứ xác định:

Hồi 18 giờ 30 phút ngày 21/4/2017, tại gia đình bà Nguyễn Thị S ở tổ 22, thị trấn CH, huyện ĐH, tỉnh Thái Nguyên, Bùi Thị Nga L đã có hành vi mua 01 con hổ thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ và một số phụ gia của một đối tượng tên Á (không biết địa chỉ) với giá 580.000.000đ ( năm trăm tám mươi triệu đồng) để nấu cao, khi đang nấu cao thì bị tổ công tác của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an tỉnh Thái Nguyên phối hợp cùng Chi cục kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên phát hiện thu giữ vật chứng liên quan.

Theo quy định tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ và Thông tư số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA -VKSNDTC- TANDTC ngày 08/3/2007 Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì hành vi mua con Hổ của Bùi Thị Nga L là hành vi buôn bán loài động vật rừng nguy cấp quý hiếm nhóm IB không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép (thuộc số thứ tự 29 trong phụ lục danh mục kèm theo Nghị định số 160 và thuộc số thứ tự 33 trong danh mục kèm theo thông tư số 19). Hành vi nêu trên của bị cáo Bùi Thị Nga L đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 190 Bộ luật hình sự, Viện kiểm sát truy tố bị cáo là có căn cứ.

Nội dung Điều 190 Bộ luật hình sự quy định:

1. Người nào …buôn bán trái phép động vật thuộc thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ… thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm

đ) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Hành vi của bị cáo đã xâm phạm vào các quy định của Nhà nước trong việc bảo vệ sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã, quý hiếm trong môi trường sinh thái, nên việc đưa ra xét xử đối với bị cáo là cần thiết để răn đe phòng ngừa tội phạm chung.

Xét nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hội đồng xét xử thấy: Bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo có thái độ thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, do đó bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999. Bị cáo có bố đẻ là ông Bùi Văn X, mẹ là bà Nguyễn Thị N là người có công với cách mạng được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì, hạng ba, áp dụng các tình tiết có lợi cho bị cáo theo quy định tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017; khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, do đó bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.

Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự.

Hội đồng xét xử xét thấy: Bị cáo không có tiền án, tiền sự, có nhân thân tốt, là người dân lao động, xuất phát từ việc nghe nói ăn cao hổ chữa được bệnh nên bị cáo đã mua Hổ về nấu cao nên dẫn đến phạm tội. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải đối với hành vi phạm tội của mình, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào, có nơi cư trú ổn định, rõ ràng, do vậy Hội đồng xét xử thấy rằng không cần cách ly bị cáo ra khỏi xã hội mà có thể áp dụng Điều 60 BLHS, Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xử phạt bị cáo từ 30 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo, cho bị cáo cải tạo dưới sự giám sát của chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và phục vụ cho công tác phòng chống tội phạm

Về hình phạt bổ sung: Cần áp dụng khoản 3 Điều 190 Bộ luật hình sự, phạt bổ sung đối với bị cáo từ 10 đến 15 triệu đồng xung quỹ Nhà nước.

Về vật chứng:

- Đối với 01 bao tải còn niêm phong ký hiệu A1 (chứa thịt hổ) và 02 bao tải đựng xương động vật ký hiệu A2, A3 trong đó có chứa xương hổ theo quy định tại điểm a khoản 1 mục II Thông tư số 90/2008/TT-BNN hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu quy định:

1. Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm IB được xử lý bằng một trong những biện pháp dưới đây:

a) Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc.

Tuy nhiên vật chứng đã được tịch thu từ ngày 21/4/2017, thịt hổ (niêm phong A1) đã bị phân hủy, xương động vật ( niêm phong A2, A3) trong đó có chứa xương hổ và các loại xương động vật khác do bị cáo đã thực hiện việc đun nấu từ buổi sáng đến chiều tối và không xác định được phần xương hổ riêng biệt nên cần tịch thu tiêu hủy.

- Đối với 02 xoong nhôm cũ, 01 thùng đựng nước, 02 bếp gas, 02 bình gas là các công cụ dùng vào việc nấu cao hổ nên cần tịch thu sung quỹ Nhà nước.

(Số vật chứng nêu trên hiện đang được bảo quản tại kho vật chứng của chi cục thi hành án dân sự huyện Đồng Hỷ.)

Đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa hôm nay đối với bị cáo, xét thấy là phù hợp được chấp nhận.

Trong vụ án này bị cáo khai mua Hổ của một phụ nữ tên Á ở Thanh Hóa và 02 người đàn ông đã vận chuyển Hổ đến cho bị cáo nhưng bị cáo không biết rõ tên, tuổi địa chỉ ở đâu nên cơ quan điều tra chưa có đủ cơ sở xem xét, xử lý.

Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm nộp sung quỹ Nhà nước, theo quy định tại Điều 99 BLTTHS và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.

Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong hạn theo quy định tại Điều 234 BLTTHS.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Bùi Thị Nga L phạm tội “Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ”.

1. Áp dụng: Điểm đ khoản 2 Điều 190; điểm p khoản 1 Điều 46, Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

Xử phạt: Bùi Thị Nga L 30 (ba mươi) tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 3 Điều 190 BLHS, phạt bổ sung bị cáo 10.000.000 (mười triệu) đồng sung quỹ Nhà nước.

Giao bị cáo Bùi Thị Nga L cho Ủy ban nhân dân phường TL, thành phố TN,tỉnh Thái Nguyên giám sát giáo  dục trong thời gian thử thách.

Trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

2. Vật chứng: Áp dụng Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điều 41 Bộ Luật hình sự; Thông tư số 90/2008/TT-BNN ngày 28/8/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu.

+ Tịch thu tiêu hủy: 03 bao tải niêm phong còn nguyên vẹn ký hiệu A1, A2, A3; 01 chiếc bạt dứa và 02 con dao nhọn.

+ Tịch thu sung quỹ Nhà nước 02 xoong nhôm cũ, 01 thùng đựng nước, 02 bếp gas, 02 bình gas,

(Số vật chứng nêu trên đang được bảo quản tại kho của chi cục thi hành án huyện Đồng Hỷ, theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 19/9/2017)

3. Án phí: Áp dụng Điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án: Buộc bị cáo Bùi Thị Nga L phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm nộp ngân sách Nhà nước.

Án xử công khai sơ thẩm, có mặt bị cáo báo cho biết có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1036
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 73/2017/HSST ngày 25/09/2017 về tội vi phạm các quy định bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ

Số hiệu:73/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Đồng Hỷ - Thái Nguyên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 25/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;