Bản án 724/2018/HSPT ngày 09/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 724/2018/HSPT NGÀY 09/11/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 09 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự đã được Thụ lý số 811/2017/HSPT ngày 26/10/2017 đối với bị cáo Nguyễn Thị H1 và một số bị cáo khác trong vụ án do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2017/HSST ngày 15/09/2017 của Tòa án nhân tỉnh Hải Dương.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Thị H1, sinh năm 1986; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại số nhà 58 Lê VQ, khu 14, phường NC, thành phố HD, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: nhân viên văn phòng; trình độ văn hoá phổ thông: lớp 12/12; con ông Nguyễn Thành L và bà Tiêu Thị T; chồng là Bùi Hữu S và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

2. Lê Thị L, sinh năm 1982; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn CN, xã TT, huyện TH, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: nhân viên văn phòng; trình độ văn hoá phổ thông: lớp 12/12; con ông Lê Văn Ng và bà Nguyễn Thị M; chồng là Lê Văn Th và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị tạm giam từ ngày 27/01/2016 đến 01/7/2016; hiện tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

3. Nguyễn Thị H2, sinh năm 1993; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn CT, xã TT, huyện TH, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: công nhân; trình độ văn hoá phổ thông: lớp 09/12; bố đẻ không rõ, mẹ đẻ là bà Nguyễn Thị B; chồng là Nguyễn Văn V và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị cáo tại ngoại; có mặt tại phiên tòa.

Ngoài ra, trong vụ án này còn có các bị cáo khác; nguyên đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo, không bị kháng cáo và không bị kháng nghị.

* Luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo: Ông Nguyễn Quang T2, Luật sư của Văn phòng luật sư ĐS và Cộng sự thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội bào chữa bảo cho cả ba bị cáo; có mặt tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án hình sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty trách nhiệm hữu hạn may mặc Mk Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công ty Mk) là công ty 100% vốn nước ngoài (Đài Loan) có trụ sở chính đóng tại xã TH, huyện TH, tỉnh Hải Dương.

Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2013 đến tháng 9/2015, Nguyễn Thị P làm việc tại bộ phận nhân sự thuộc Công ty Mk, với công việc chính được phân công là theo dõi, thanh quyết toán chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý của Công ty Mk và cơ quan bảo hiểm xã hội, Nguyễn Thị P đã bàn bạc, thống nhất với một số đối tượng lập hồ sơ giả, thanh quyết toán chế độ bảo hiểm xã hội, chiếm đoạt tiền của Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện TH. Hành vi cụ thể như sau:

1. Hành vi của Nguyễn Thị P, Giang Thị Thanh H2 (Giang H2), Nguyễn Thị H1, Lê Thị L trong việc lập khống 36 hồ sơ giả:

Khoảng tháng 6/2013, P bàn bạc, thống nhất với Giang H2 là Chủ tịch công đoàn, phụ trách nhân sự của phân xưởng MK1, với H1 là kế toán trưởng công ty Mk và với L là nhân viên bộ phận nhân sự, phụ trách báo cáo tăng giảm công nhân lao động của công ty, làm giả hồ sơ người lao động để được cấp sổ bảo hiểm xã hội, hưởng chế độ thai sản sinh con. P bảo mọi người đi tìm hồ sơ của người lao động là nữ trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai, lao động tự do, không tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở đâu, lấy giấy khai sinh và giấy chứng minh nhân dân của họ để lấy thông tin tên tuổi, địa chỉ, rồi lập hợp đồng lao động giả làm việc tại công ty Mk, lập tờ khai người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đề nghị bảo hiểm xã hội huyện TH cấp sổ BHXH. Sau khi Công ty Mk đóng bảo hiểm xã hội cho những người này được từ 06 tháng trở lên thì lấy GKS con của họ để làm giả GKS, đi công chứng, chứng thực làm hồ sơ đề nghị bảo hiểm xã hội huyện TH thanh quyết toán chế độ thai sản. Số tiền thanh toán được sẽ trả cho người tìm hồ sơ 3.000.000 đồng/l bộ; trả cho việc công chứng, chứng thực giấy khai sinh 500.000đồng/1 giấy khai sinh, số tiền còn lại sẽ được chia đều làm 4 phần, mỗi người 1 phần; P, H1, L, H2 đều đồng ý và đi tìm hồ sơ, tổng số các bị cáo đã thu thập được 36 hồ sơ. Cụ thể:

H1 đưa cho P 09 hồ sơ, trong đó H1 đã trực tiếp tìm được 03 hồ sơ của người lao động gồm Cao Thì H5, Ngô Thị H4, Lê Thị M2. H1 nói với Bùi Thị M3 là em chồng của H1 đi tìm hồ sơ của người lao động là nữ đang mang thai, không làm việc ở đâu, không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, lấy chứng minh thư nhân dân của họ và giấy khai sinh của con người lao động để đưa cho H1 làm thẻ bào hiểm y tế cho người lao động để khi sinh đẻ không mất tiền viện phí, mỗi người sẽ được 1.000.000 đồng. M3 tìm được 6 hồ sơ đưa cho H1 là hồ sơ của các chị Ngô Thị M6, Nguyễn Thị M7, Phan Thị G2, Nguyễn Thị T5, Nguyễn Thị H7, Phạm Thị L5. 

Giang H2 lấy 04 hồ sơ của người lao động trước đó làm việc tại MK1 nhưng khi nghỉ việc người lao động không rút hồ sơ để đua cho P là hồ sơ của các chị Phạm Thị Đ2, Nguyễn Thị T6, Đinh Thị H8, Cao Thị Y.

P trực tiếp lấy 02 hồ sơ gồm Nguyễn Thị H6 và Nguyễn Thị L7; thông qua chồng là Đỗ Đức A lấy 02 hồ sơ gồm của Nguyễn Thị Thanh X và Vũ Thị Minh N4. P nhận thông qua chị Lê Thị T9, sinh năm 1980 ở số 6/116, Đức Minh, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương lấy 13 hồ sơ của các chị Nguyễn Thị H9, Trần Thị H8, Phí Thị S2, Nguyễn Thị H1, Nguyễn Thị L1, Trần Thị N4, Lê Thị T9, Lê Thị P, Nguyễn Thị T4, Nguyễn Thị T6, Nguyễn Thị T7, Trần Thị N6, Phạm Thị P, thông qua Vũ Thị H7, sinh năm 1990 ở TH1, TH, Hải Dương lấy 01 hồ sơ của Phạm Thị N7, thông qua Vũ Thị L2, sinh năm 1988 ở QT, NS, Hải Dương 02 hồ sơ gồm Trần Thị Ngọc A2 và Tạ Thị Thu H4. Còn lại 03 hồ sơ không xác định được ai đã đưa cho P là hồ sơ của các chị Nguyễn Thị M4, Võ Thị N6, Đặng Thanh D4.

Sau khi có bản phô tô 36 giấy CMND của người lao động, P, L, Giang H2 lập khống hợp đồng lao động; tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

(Viết tắt là BHYT); ký giả chữ ký của người lao động trên mục người lao động. P lập danh sách báo tăng 36 người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội, BHYT. H1 ký vào mục kế toán, H2 ký vào mục Tổ trưởng công đoàn rồi chuyển cho lãnh đạo công ty ký duyệt. P chuyển danh sách này cho BHXH huyện TH và đã được Bảo hiểm xã hội huyện TH cấp sổ BHXH, thẻ BHYT cho tất cả 36 trường hợp trên. Sau đó H1 đưa mẫu xin mở tài khoản cho P làm thủ tục mở tài khoản cá nhân và cấp thẻ ATM cho 36 người. Toàn bộ số thẻ ATM này các bị can quản lý. Công ty may Mk đã đóng tiền bảo hiểm xã hội cho Bảo hiểm xã hội huyện TH với tổng số tiền đóng cho 36 người này là 212.094.165 đồng.

Khi 36 người này có đủ thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội được 6 tháng, P đã nói với H1, Giang H2 lấy giấy khai sinh phô tô con của 36 người này, sau đó P đã lên mạng tải mẫu giấy khai sinh ra chỉnh sửa tên, ngày, tháng, năm sinh con của người lao động cho phù hợp với tên mẹ, thời gian sinh và thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn các thông tin khác giữ nguyên rồi in ra. P cắt phần chữ ký con dấu, dấu chức danh của người cấp giấy khai sinh và cán bộ tư pháp trên bản phô tô giấy khai sinh của con các người lao động dán lên bản giấy khai sinh P đã chỉnh sửa rồi phô tô lại được bản giấy khai sinh phô tô hoàn chỉnh có đầy đủ chữ ký và con dấu của UBND nơi cấp giấy khai sinh. P đưa bản phô tô chỉnh sửa này cho chị Trần Thị H11, sinh năm 1971 ở thôn TV, xã TH1, huyện TH, tỉnh Hải Dương là bảo vệ của công ty nhờ đi công chứng, chứng thực nhưng không nói cho chị H11 biết chứng thực giấy khai sinh để làm giả hồ sơ thanh toán bảo hiểm xã hội; sau đó chị H11 đã gặp và nhờ ông Lưu Đình G4, sinh năm 1962 ở thôn TC, xã PH, huyện TH, tỉnh Hải Dương là Đội trưởng Đội bảo vệ nhờ ông G4 đi chứng thực giúp, ông G4 đến UBND xã Phượng Hoàng, huyện TH gặp ông Phạm Hữu Đ5 là Phó chủ tịch UBND và ông Phạm Hữu T12 là cán bộ tư pháp xã nhờ chứng thực giúp. Ông Đ4 hỏi bản chính giấy khai sinh thì ông G4 và chị H11 điện hỏi P và được P nói rằng bản chính để đâu chưa thấy, ông G4 có nói lại với ông Đ4 hẹn đưa bản chính sau. Do quen biết và tin tưởng ông G4 nên ông Đ4 và ông Toán không đối chiếu bản phô tô với bản chính mà thực hiện ký, đóng dấu chứng thực trên các bản giấy khai sinh phô tô đưa cho chị H11 để đưa cho P toàn bộ các giấy khai sinh đã chứng thực. Ngoài việc chứng thực tại UBND xã Phượng Hoàng, còn có 07 giấy khai sinh giả được ông Nguyễn Tiến Hoan là Phó chủ tịch UBND xã An Lương, huyện TH và ông Nguyễn Quang Hoan là cán bộ tư pháp xã ký chứng thực (không rõ ai đến chứng thực). Sau khi có các giấy khai sinh chứng thực, P lập danh sách người được hưởng chế độ thai sản cho 36 người chuyển cho lãnh đạo và các bộ phận liên quan của công ty ký, sau đó chuyển cho bảo hiểm xã hội huyện TH đề nghị thanh toán chế độ BHXH thai sản sinh con cho 36 người và đến tháng 6 và tháng 7 năm 2014, Bảo hiểm xã hội huyện TH đã duyệt cho 32 người, chi trả số tiền là 595.754.000 đồng chuyển cho Công ty Mk. Còn 4 trường hợp là Tạ Thị Thu Huyền, Trần Thị Ngọc Ánh, Phạm Thị Nội và Nguyễn Thị Hòa do không chứng thực được GKS nên chưa được duyệt chi trả tiền, P đã lập danh sách đề nghị Công ty Mk chuyển trả số tiền trên vào tài khoản ATM cá nhân của 32 người lao động đã lập khống trước đó. H1 là kế toán đã chuyển số tiền vào các thẻ ATM. Sau đó P, H1, L, Giáng Hương cầm các thẻ ATM đi rút hết số tiền này trong 32 tài khoản ATM về chia nhau. Các bị can thống nhất trừ đi số tiền chi phí cho việc chứng thực giấy khai sinh là 18.000.000đồng, tiền hồ sơ là 108.000.000đồng, để lại quỹ 50.000.000 đồng; số tiền còn lại được chia cho 4 người, cụ thể: P được 97.500.000 đồng, L được 82.500.000 đồng, H1 được 124.000.000 đồng (gồm cả tiền 6 hồ sơ), Giang H2 được 97.500.000 đồng, số tiền này các bị cáo đã nộp cơ quan điều tra, (riêng H1 nộp lại 118.000.000 đồng và 06 người mà H1 chi tiền hồ sơ là Ngô Thị Mến, Nguyễn Thị Mến, Phan Thị Giang, Nguyễn Thị Thuý, Nguyễn Thị Hiên và Phạm Thị Lan mỗi người nộp lại 1.000.000 đồng).

Sau khi đã chia tiền làm 4 phần, đến tháng 7/2014, Vũ Thị Tuyên, sinh năm 1984 ở ngách 2, ngõ 97, Nguyễn Hữu Cầu, phường Ngọc Châu, thành phố Hải Dương lên giữ chức vụ Trưởng bộ phận nhân sự của Công ty Mk, H1, L, P, Giang H2 sợ Vũ Thị Tuyên phát hiện nên đã bàn nhau thống nhất lấy số tiền chiếm đoạt được chia làm 5 phần, trong đó chia một phần cho Tuyên. Mọi người đồng ý và nộp lại được 90.000.000 đồng và đưa cho H1 để H1 gặp Tuyên trao đổi và đưa tiền.

2. Hành vi của Nguyễn Thị P, Nguyễn Thị H2 (sinh năm 1993) cùng các bị cáo Lê Thị Huệ, Phạm Thị Loan, Nguyễn Thị Tuyết, Ngô Thị Huyền, Nguyễn Thị H2 (sinh năm 1973), Phạm Thị Thắm, Tạ Thị Ánh, Nguyễn Thị Ngọc, Phạm Thị Trang lập khống 11 hồ sơ và P tự lập 01 hồ sơ của chị Phạm Thị Hồng:

Sau khi làm giả hồ sơ và nhận được tiền bảo hiểm xã hội chế độ nghỉ sinh con của 32 người, P thấy việc làm chiếm đoạt tiền của bảo hiểm xã hội dễ dàng nên đã gặp Hương (1993) nói với Hương có muốn làm bảo hiểm xã hội thai sản sinh con không thì P làm cho và sau khi được bảo hiểm xã hội thanh toán tiền sẽ được chia làm hai, một nửa là của P, còn một nửa là của Hương và phải đưa cho P bản phô tô giấy khai sinh con đẻ của Hương để P làm giả hồ sơ thì mới thanh toán được. Hương đồng ý và đưa cho P bản phô tô giấy khai sinh con đẻ của Hương, P thực hiện việc làm giả giấy khai sinh như trên và đề nghị thanh toán chế độ BHXH thai sản; Đến tháng 8/2014 đã được Bảo hiểm xã hội huyện TH thanh toán 21.020.000 đồng. Công ty Mk đã chuyển vào tài khoản thẻ ATM của Hương, P đã rút và lấy 11.020.000 đồng, còn 10.000.000 đồng để lại cho Hương, số tiền 10.000.000 đồng được hưởng, Hương đã nộp lại cơ quan điều tra.

Đầu năm 2015, P nói với Hương tiếp tục đi tìm hồ sơ của các công nhân trong công ty không còn sinh đẻ nữa và cũng nói với các công nhân là nếu họ đồng ý thì lấy giấy khai sinh bản phô tô con của họ để P làm giả, lập khống hồ sơ, số tiền chiếm đoạt được sẽ được chia làm hai phần, P hưởng một phần, H2 và người cung cấp hồ sơ một phần. H2 gặp những người là công nhân cùng công ty gồm Phạm Thị L3, Nguyễn Thị T4, Ngô Thị H4, Nguyễn Thị H2 (1973); Phạm Thị T13, Tạ Thị A, Nguyễn Thị N4, Phạm Thị T4, Lê Thị H1 nói với họ như P đã bàn. Những công nhân này muốn có tiền nên đã đưa giấy khai sinh bản phô tô của con mình cho H2 để làm thủ tục giả. Riêng Lê Thị H8 đưa cho H1 hai giấy khai sinh, một giấy khai sinh của con H4 để làm chế độ bảo hiểm thai sản giả cho H4 và một giấy khai sinh của H4 để làm bảo hiểm thai sản giả cho bà Nguyễn Thị H6, là mẹ của H4 (bà H6 cũng là công nhân trong công ty, nhưng H4 không nói nên bà Hải không biết).

Khi đã thu thập được các giấy khai sinh con của công nhân trong công ty, P đã trực tiếp làm giả các giấy khai sinh và nhờ chị H11 đi công chứng, chứng thực. Sau khi có các giấy khai sinh làm giả được chứng thực, P lập danh sách chuyển cho lãnh đạo và các bộ phận liên quan của công ty ký, rồi chuyển cho bảo hiểm xã hội huyện TH đề nghị thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội thai sản sinh con cho 11 người trên; tháng 6 và tháng 8 năm 2015 đã được BHXH huyện TH chi trả cho toàn bộ 11 người trên là 250.215.000 đồng. P đã lập danh sách đề nghị Công ty Mk chuyển trả số tiền trên vào tài khoản ATM cá nhân của 11 người lao động (trong đó có 10 trường hợp H1 tìm giấy khai sinh đưa cho P, 01 trường hợp của chị Hồng do P làm trực tiếp).

Sau khi đã chuyển tiền về thẻ ATM, H1 đi rút tiền về chia nhau theo như đã thỏa thuận.

Tại Kết luận giám định số 28/KL-GĐ ngày 13/5/206, Phòng kỹ thuật hình sự của Công an tỉnh Hải Dương xác định chữ ký trong danh sách báo tăng, đề nghị thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội thai sản sinh con cho 44 trường hợp nêu trên là chữ ký do P, H1, Giang H2 ký. Xác định chữ ký trên các tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giấy đề nghị mở tài khoản cá nhân và phát hành thẻ của 26 người (trong số 32 trường hợp làm giả hồ sơ) không phải là chữ ký của họ (mà do P, L... ký giả).

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 27/2017/HSST ngày 15/9/2017 Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã quyết định:

Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Thị H1, Lê Thị L và Nguyễn Thị H2 phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 139, điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 47; Điều 20; Điều 53 Bộ luật hình sự; (áp dụng thêm điểm l khoản 1 Điều 46 đối với H1; áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với L), xử phạt: Nguyễn Thị H1 03 năm 03 tháng tù, thời hạn tính từ ngày bắt thi hành án; Lê Thị L 03 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian tạm giam từ ngày 27/01/2016 đến ngày 01/7/2016.

Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139, điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 47, Điều 20, Điều 53 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Thị H2 02 năm 06 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về tội danh và hình phạt đối với các bị cáo khác trong vụ án; quyết định về trách nhiệm dân sự, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/9/2017, các bị cáo Nguyễn Thị H1, Lê Thị L và Nguyễn Thị H2 kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, ý kiến tranh luận của các bị cáo và người bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa;

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Tại phiên toà phúc thẩm cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo thành khẩn khai báo, khai nhận hết hành vi phạm tội. Lời nhận tội của các bị cáo tại các phiên tòa phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của đại diện nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng cũng như các tài liệu khác đã thu thập trong hồ sơ vụ án. Do đó, cũng như đánh giá của Tòa án cấp sơ thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ căn cứ khẳng định: Lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý việc tham gia và thanh quyết toán chế độ thai sản bảo hiểm xã hội của Công ty Mk và Bảo hiểm xã hội huyện TH, tỉnh Hải Dương, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2013 đến tháng 7/2014, Nguyễn Thị P đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Thị H1, Lê Thị L, Giang Thị Thanh H2 làm giả 36 hồ sơ, cũng như bàn bạc với Nguyễn Thị H2 và các bị cáo khác, làm giả 11 hồ sơ của người lao động trong công ty Mk để làm thủ tục đóng bảo hiểm xã hội, làm cho công ty Mk phải đóng bảo hiểm xã hội cho những người này với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng; sau đó các bị cáo làm giả hồ sơ thanh toán để chiếm đoạt chế độ bảo hiểm xã hội thai sản, sinh con của bảo hiểm xã hội huyện TH đối với các trường hợp làm giả với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Đây là một vụ án có tính chất đồng phạm, theo đó xác định Nguyễn Thị P là người khởi xướng, lôi kéo các bị cáo khác thực hiện tội phạm. Các bị cáo Nguyễn Thị H2 và Lê Thị L là nhân viên phụ trách nhân sự, Nguyễn Thị H1 là kế toán trưởng đều là những người có vai trò quan trọng trong việc lập hồ sơ giả và đề nghị thanh toán chế độ bảo hiểm thai sản, đồng thời cũng là những người tích cực tìm người, lập khống hồ sơ trong đó hầu hết số hồ sơ giả đã được thanh toán. Kết quả điều tra đã xác định, Hương được hưởng số tiền chiếm đoạt 54.600.000 đồng, H1 được hưởng số tiền chiếm đoạt 118.000.000 đồng, L được hưởng 82.500.000 đồng, do đó cùng với Nguyễn Thị P, các bị cáo phải cùng chịu trách nhiệm đối với số tiền chiếm đoạt của Bảo hiểm xã hội TH là trên 595.000.000 đồng. Do đó các bị cáo Nguyễn Thị H1, Lê Thị L và Nguyễn Thị H2 bị cấp sơ thẩm truy tố và xét xử đều phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 của Bộ luật hình sự năm 1999 là có căn cứ.

[2] Xét kháng cáo về việc xin giảm hình phạt và được hưởng án treo đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Khi xem xét quyết định hình phạt, cấp sơ thẩm đã có sự đánh giá, phân hóa vai trò, nhân thân của từng bị cáo, theo đó xác định: Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, các bị cáo H1, H2 và L đều phải chịu tình tiết tăng nặng là “Phạm tội nhiều lần” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng đã được Tòa án cấp sơ thẩm ghi nhận tương đối đầy đủ như: Sau khi phạm tội các bị cáo đã tích cực bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt. Tại phiên tòa cũng như quá trình điều tra, các bị cáo đều rất “Thành khẩn khai báo” và tỏ thái độ “Ăn năn hối cải” nên các bị cáo đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; riêng bị cáo H1 khi phạm tội đang mang thai (sinh con vào tháng 8/2014) nên cũng được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm L khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự; thêm nữa, các bị cáo đều được xác định là “Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” nên được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự, đồng thời hầu hết các bị cáo còn được Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự, theo hướng đó Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 47 của Bộ luật hình sự năm 1999 để quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với tất cả các bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, tuy có phát sinh thêm một số tình tiết mới như các bị cáo nộp hết số tiền về án phí sơ thẩm, số tiền bồi thường còn thiếu...tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm cơ bản đồng tình với quan điểm của đại diện

Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội khi cho rằng, mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với các bị cáo đã là quá nhẹ nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo theo hướng giảm nhẹ hơn nữa đồng thời lại cho hưởng án treo đối với các bị cáo.

Về án phí phúc thẩm: Các bị cáo có kháng cáo nhưng không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận cho nên các bị cáo đều phải nộp tiền án phí hình sự phúc thẩm.

Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật tố tụng hình sự;

QUYẾT ĐỊNH

Giữ nguyên bản án sơ thẩm; không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, cụ thể:

Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Thị H1, Lê Thị L, Nguyễn Thị H2 đều phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

+ Áp dụng điểm a khoản 4, khoản 5 Điều 139, điểm b, p khoản 1 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48; Điều 47; Điều 20; Điều 53 của Bộ luật hình sự; áp dụng thêm điểm l khoản 1 Điều 46 đối với H1; áp dụng thêm khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự đối với bị cáo Lê Thị L, xử phạt:

+ Nguyễn Thị H1 03 năm 03 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

+ Lê Thị L 03 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 27/01/2016 đến ngày 01/7/2016.

+ Áp dụng điểm a khoản 3 Điều 139, điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 48, Điều 47, Điều 20, Điều 53 của Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Thị H2 02 năm 06 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Xác nhận: Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Thị H1 đã nộp số tiền bồi thường 8.350.000 đồng và 10.617.000 đồng tiền phạt bổ sung và án phí (Theo Biên lai thu tiền số AA/2011/07085 và số AA/2011/07086 cùng ngày 22/01/2018 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương);

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Các bị cáo Nguyễn Thị H1, Lê Thị L và Nguyễn Thị H2, mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1057
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 724/2018/HSPT ngày 09/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:724/2018/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 09/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;