TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
BẢN ÁN 72/2018/HS-PT NGÀY 31/08/2018 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ
Trong các ngày 28, 29 và 31 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 45/2018/TLPT-HS ngày 18 tháng 5 năm 2018 đối với bị cáo Vương Thanh X và các bị cáo khác do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 09/2018/HS-ST, ngày 03 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1. Vương Thanh X (tên gọi khác: D); sinh năm: 1967 tại Hậu Giang; đăng ký thường trú: Ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Làm vườn; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vương Văn B (chết) và bà Nguyễn Thị H (chết); bị cáo có vợ là Phan Bích T1 và 02 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
2. Vương Thanh H (tên gọi khác: B); sinh năm: 1962 tại Hậu Giang; đăng ký thường trú: Ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Làm vườn; trình độ văn hóa: 04/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vương Văn B (chết) và bà Nguyễn Thị H (chết); bị cáo có vợ là Đoàn Thị Lệ T2 và có 02 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giữ từ 25/10/2017 đến ngày 01/11/2017 được tại ngoại cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
3. Vương Thanh Q; sinh năm: 1990 tại Hậu Giang; đăng ký thường trú: Ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Làm thuê; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Vương Thanh X và bà Phan Bích T1; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị cáo bị bắt tạm giữ từ 25/10/2017 đến ngày 31/10/2017 được tại ngoại cho đến nay. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
4. Đoàn Thị Lệ T2; sinh năm: 1960 tại Đồng Tháp; đăng ký thường trú: Ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Làm vườn; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn K (chết) và bà Đoàn Thị Y (chết); bị cáo có chồng là Vương Thanh H và có 02 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
5. Phan Bích T1; sinh năm: 1967 tại Hậu Giang; đăng ký thường trú: Ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang; nghề nghiệp: Nội trợ; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phan Ngọc B (chết) và bà Nguyễn Thị B (chết); bị cáo có chồng là Vương Thanh X và có 02 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không; Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Những người tham gia tố tụng khác có liên quan đến kháng cáo:
- Người bào chữa cho các bị cáo X, H, Q, T2, T1: Ông Lê Văn Mộng – Luật sư của Chi nhánh Văn phòng luật sư Lê Anh Tuấn thuộc Đoàn luật sư tỉnh Đồng Tháp. (Có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. NLQ1; sinh năm: 1989; (Vắng).
Nơi cư trú: ấp S, xã T, huyện C, tỉnh Hậu Giang.
2. NLQ2; sinh năm: 1954; (Vắng).
Nơi cư trú: ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang.
3. NLQ3; sinh năm: 1995; (Vắng).
Nơi cư trú: ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang.
4. NLQ4; sinh năm: 1992; (Vắng).
Nơi cư trú: ấp P, thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang.
5. NLQ5; sinh năm: 1972; (Vắng).
Nơi cư trú: ấp P, xã P, huyện C, tỉnh Hậu Giang.
- Người làm chứng: NLC1 (Có mặt), NLC2 (Có mặt), NLC3 (Vắng), NLC4
(Vắng), NLC5 (Vắng); NLC6 (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào ngày 10/02/2010, Vương Thanh X và Ngô Đình T ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau đó, Vương Thanh X không thực hiện việc giao đất theo hợp đồng nên Ngô Đình T khởi kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Sau khi Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang xét xử sơ thẩm, Vương Thanh X kháng cáo. Ngày 17/11/2014, Toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang xét xử phúc thẩm ban hành Bản án số 189/2014/DS-PT, quyết định Ngô Đình T được quyền sử dụng 11.672 m2 đất, trong thửa số 2741, tờ bản đồ số 2A, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH00210, cấp ngày 13/8/2010 do Ngô Đình T đứng tên.
Ngày 25/02/ 2016, Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 594/QĐ-CCTHA, để thi hành quyết định của Bản án số 189/2014/DS-PT, do ông NLC1, chấp hành viên Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang có trách nhiệm tổ chức thi hành.
Công văn số 952/TB-DS, ngày 20/6/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh, thông báo giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của Vương Thanh X, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm số 189/2014/DS-PT, ngày 17/11/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang.
Khoảng 07 giờ 30 phút, ngày 25/10/2017, ông NLC1 tiến hành thực hiện Kế hoạch số 396/KH-THADS, ngày 17/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang về việc công nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngô Đình T. Khi đoàn công nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi chung là Lực lượng làm nhiệm vụ) đến trước nhà của Vương Thanh X và thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Lúc này, cổng rào nhà Vương Thanh X đã khóa, Lực lượng làm nhiệm vụ không vào được bên trong, Vương Thanh X và gia đình đứng bên trong hàng rào gồm NLQ3, NLQ4, Phan Bích T1 trên tay cầm một cái muỗng (loại muỗng cà phê), Đoàn Thị Lệ T2 trên tay phải cầm một cây dao (loại dao yếm) đe dọa nếu ai cắm qua ranh đất là chém, đồng thời NLQ3, NLQ4, T1, T2 có nhiều lời nói xúc phạm đến Lực lượng làm nhiệm vụ, ngoài ra NLQ3 sử dụng điện thoại di động hiệu OPPO A37FW và NLQ4 sử dụng điện thoại di động hiệu Samsung Galaxy J7 Prime ghi hình hoạt động của Lực lượng làm nhiệm vụ.
Khi Lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành xác định vị trí cắm trụ ranh đất thì Vương Thanh Q cõng ông Vương Văn B đến vị trí cắm ranh rồi đặt ông B ngồi trên ghế nhựa, đến lúc lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành kéo thước dây để xác định vị trí cắm các trụ ranh tiếp theo của thửa đất thì Đoàn Thị Lệ T2 một tay cầm dao, tay còn lại lôi kéo và đẩy ông Vương Văn B té vào hàng rào lưới B40; NLQ3, NLQ4 cùng lớn tiếng xúc phạm, vu khống Lực lượng làm nhiệm vụ đã gây ảnh hưởng sức khoẻ của ông B nhằm ngăn cản việc cắm trụ xác định ranh đất; Vương Thanh Q đứng đối diện với Lực lượng làm nhiệm vụ, hai tay cầm một cây xuổng, bằng kim loại, dài 1,35m đập mạnh theo hướng từ trên xuống dưới vào lực lượng làm nhiệm vụ 03 cái nhưng trúng lá chắn; Phan Bích T1 cầm hai cây gỗ khô dài 56,5 cm đánh mạnh vào lá chắn của Lực lượng làm nhiệm vụ. Lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành khống chế Q, T2, T1, NLQ3, NLQ4, trong lúc bị khống chế, Vương Thanh Q đã cắn ông NLQ1 cán bộ Công an huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang vào cánh tay phải, gây thương tích. Sau khi đưa Q, T2, T1, NLQ3, NLQ4 về trụ sở Công an thị trấn Mái Dầm, Lực lượng làm nhiệm vụ tiếp tục việc xác định ranh đất cắm trụ theo Kế hoạch thì Vương Thanh H mang trên người một máy phát cỏ đã được khởi động, dùng lời lẽ đe dọa và hướng lưỡi máy phát về phía lực lượng làm nhiệm vụ để ngăn cản.
Lực lượng làm nhiệm vụ nhiều lần động viên, nhắc nhở nhưng Vương Thanh H tỏ thái độ hung hăng, dùng lời lẽ đe dọa, đồng thời mang máy phát cỏ đang hoạt động trên vai, hai tay cầm cần điều khiển quơ qua quơ lại áp sát lực lượng làm nhiệm vụ. Lúc này, lực lượng tiến hành khống chế, H phản kháng, dùng lưỡi máy phát cỏ quơ ngang cắt trúng thắt lưng của ông NLQ1 gây thương tích. Khi H dùng máy phát cỏ ngăn cản thì Vương Thanh X vào nhà lấy một máy cưa cây và khởi động máy đứng phía trước vị trí xác định ranh đất ngăn cản. Lực lượng làm nhiệm vụ tiến hành khống chế và đưa Vương Thanh H, Vương Thanh X về trụ sở Công an thị trấn Mái Dầm.
Căn cứ giấy Chứng nhận thương tích số 28/11/CN, ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Trung tâm Y tế huyện C, tỉnh Hậu Giang, chứng nhận NLQ1, vào viện lúc 10 giờ ngày 25 tháng 10 năm 2017. Lúc nhập viện vết thương sóng mũi 01cm x 0,1cm; vết thương nông má phải 01cm x 0,1cm; 1/3 trên trước cánh tay phải có 02 vết thương nông 03cm x 0,3cm và 02cm x 0,2cm, bầm 1/3 giữa cánh tay trái 01cm x 0,1cm; vết trầy 1/3 giữa trước cẳng tay trái 05 x 01cm; vùng lưng có 02 vết thương nông mỗi vết 02cm x 0,5cm; vùng mông phải có 01 vết thương nông 03 x 01 cm.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 09/2018/HS-ST, ngày 03 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hậu Giang quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh H, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1 phạm tội Chống người thi hành công vụ.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 257; điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999.
Xử phạt bị cáo Vương Thanh X 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Xử phạt bị cáo Vương Thanh H 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, khấu trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 25/10/2017 đến ngày 01/11/2017.
Xử phạt bị cáo Vương Thanh Q 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, khấu trừ thời hạn tạm giữ, tạm giam từ ngày 25/10/2017 đến ngày 31/10/2017.
Xử phạt bị cáo Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1 mỗi bị cáo 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 09/4/2018, các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh H, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1 kháng cáo kêu oan, cho rằng mình không phạm tội.
Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Vương Thanh X cho rằng ông Hải ở Viện kiểm sát và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện C cho rằng vụ này không thi hành án được, đã kêu rút về nhưng ông NLC1 vẫn tiếp tục, bị cáo không chống người thi hành công vụ mà chỉ chống Ngô Đình T.
Bị cáo Vương Thanh H cho rằng gia đình của bị cáo không liên quan gì, bị cáo chỉ phát cỏ chứ không chống người thi hành công vụ thì bị khống chế, công an đánh đập, lấy tài sản của bị cáo rồi còn bắt bỏ tù là oan cho bị cáo.
Bị cáo Vương Thanh Q cho rằng bị cáo chỉ đứng trước hàng rào, cách lực lượng làm nhiệm vụ, không có chống người thi hành công vụ thì bị lực lượng công an phá hàng rào, xông vào hành hung bị cáo rồi ghép cho bị cáo chống người thi hành công vụ là oan ức cho bị cáo.
Bị cáo Phan Bích T1 cho rằng không có việc giao đất cho Ngô Đình T thì không có chuyện xảy ra, bị cáo không bán đất cho Ngô Đình T nên không giao đất, chấp hành viên NLC1 đi công nhận quyền sử dụng đất mà ra lệnh trấn áp, không có quyết định cưỡng chế mà ra lệnh cắm ranh buộc thi hành án là không đúng, làm trái pháp luật, cho công an khống chế bị cáo thì bị cáo tự vệ.
Bị cáo Đoàn Thị Lệ T2 thừa nhận có cầm dao và la lên đất này là đất của bị cáo nếu cắm qua ranh đất của bị cáo là bị cáo chém, rồi bị cáo vứt bỏ cây dao, chứ bị cáo không có ý định gây thương tích cho ai, do bức xúc việc làm sai trái của ông NLC1, việc cắm móc sai tất cả các vị trí xâm hại đến quyền lợi của bị cáo, bị cáo mất đất rồi giờ phải ngồi tù là oan ức cho bị cáo.
Người bào chữa cho các bị cáo thống nhất với hành vi khách quan của các bị cáo như các đoạn video đã công bố, không đồng ý với quan điểm của Kiểm sát viên và bản án sơ thẩm. Bởi lẽ, cách ứng xử của người thực thi công vụ chưa được tế nhị, quan liêu, đã sai nhưng vẫn cố bảo vệ cái sai và đẩy các bị cáo vào tù tội; việc Ủy ban nhân dân huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngô Đình T là sai vì bản án chưa được đưa ra thi hành, không có đo đạc địa chính; Chấp hành viên áp dụng Điều 72 của Luật thi hành án dân sự để lập kế hoạch công nhận quyền sử dụng đất là sai vì Điều 72 là kế hoạch cưỡng chế thi hành án; Chấp hành viên đã thành lập và tổ chức cưỡng chế thi hành án là trái với quy định của pháp luật về đất đai; như vậy, đã cấp giấy chứng nhận sai rồi lại tổ chức công nhận quyền sử dụng đất là sai lại càng sai. Chấp hành viên sử dụng kế hoạch công nhận quyền sử dụng đất để đề nghị lực lượng công an xây dựng kế hoạch bảo vệ buổi công nhận quyền sử dụng đất là không đúng quy định của pháp luật vì đây không phải là kế hoạch cưỡng chế thi hành án; hành vi ngăn cản, chống đối lực lượng công nhận quyền sử dụng đất là bộc phát, nhất thời do hành vi trái pháp luật của ông NLC1, hành vi của các bị cáo là nhằm ngăn cản việc làm trái pháp luật nên không xem là thi hành công vụ hợp pháp, do đó hành vi của các bị cáo là không cấu thành tội phạm. Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố các bị cáo không phạm tội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang phát biểu quan điểm: Mặc dù các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như qua quá trình xét hỏi, công bố lời khai, các đoạn video cho thấy các bị cáo có hành vi chống đối người thi hành công vụ nên cấp sơ thẩm đã truy tố, xét xử các bị cáo về tội Chống người thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 257 của Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật. Các bị cáo kháng cáo kêu oan nhưng không cung cấp được gì mới, các chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án đã đủ căn cứ kết luận các bị cáo phạm tội, không oan cho các bị cáo. Đối với quan điểm cho rằng do chấp hành viên thực hiện công vụ sai quy định pháp luật, bản án dân sự là không đúng nên mới có hành vi cản trở, chống đối là không phù hợp. Bởi lẽ, bản án dân sự phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật thì mọi cá nhân, tổ chức phải nghiêm chỉnh chấp hành, các bị cáo vẫn còn quyền khiếu nại theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm. Còn việc cho rằng chấp hành viên thực hiện không đúng quy định pháp luật, thì có quyền làm khiếu nại, nếu chấp hành viên sai thì sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự, không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm xác định tư cách của ông NLC1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa phù hợp. Tuy nhiên, không có khiếu nại cũng như không có kháng cáo, không bị kháng nghị và không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như nội dung vụ án nên Hội đồng xét xử xác định lại tư cách tham gia tố tụng của ông NLC1 là người làm chứng cho phù hợp.
[2] Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh H, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1 thừa nhận vào ngày 25/10/2017, các bị cáo có hành vi không hợp tác với Đoàn công nhận quyền sử dụng đất do Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang thành lập khi tổ chức thi hành Bản án dân sự phúc thẩm số 189/2014/DS-PT, ngày 17/11/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có hiệu lực pháp luật, công nhận quyền sử dụng đất cho người được thi hành án là ông Ngô Đình T. Tuy nhiên, các bị cáo kêu oan, cho rằng không có hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ nên hành vi của các bị cáo không phạm tội Chống người thi hành công vụ; vả lại, việc thi hành công vụ của Đoàn công nhận quyền sử dụng đất do ông NLC1, Chấp hành viên của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang thành lập là không đúng quy định của pháp luật nên hành vi không hợp tác với Đoàn công nhận quyền sử dụng đất của các bị cáo không phạm tội. Xét kháng cáo kêu oan của các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:
[2.1] Quá trình điều tra, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội theo như nội dung cáo trạng và bản án sơ thẩm đã kết luận, cụ thể:
Lời khai của bị cáo H: “Tôi biết là đoàn cưỡng chế, nhưng tôi vẫn liều (cố ý) quơ lưỡi cắt của máy về phía đoàn cưỡng chế vì tôi không cho đoàn cưỡng chế cắm cọc trên phần đất của X” [Bút lục 118]. “Bị can lấy 01 cái máy phát cỏ màu đỏ đen… đeo vào người, hai tay cầm càng điều khiển máy đưa về trước, chạy về hướng Đoàn cưỡng chế khi cách Đoàn cưỡng chế khoảng 15m, bị can, khởi động máy cho máy nổ, lưỡi cắt của máy đang quay, lưỡi cắt… quay về phía Đoàn cưỡng chế, khi lưỡi cắt của máy cách Đoàn cưỡng chế khoảng 05m thì Lực lượng Đoàn cưỡng chế nổ 03 phát súng xuống đất… Bị can la lên khoảng 15 phút thì thấy phía tay phải bị can đoàn cưỡng chế đang chuẩn bị cắm cọc xuống phần đất của X nên bị can đi từ từ về phía đoàn cưỡng chế, vừa đi bị can vừa quơ lưỡi cắt của máy qua lại [Bút lục 223].
Lời khai của bị cáo Q: “Khi lực lượng cầm lá chắn tràn vào hàng rào tui cầm xuổng trên tay sủi về phía trước lực lượng cầm lá chắn vài cái nhưng không trúng ai, rồi tôi quơ cây xuổng trúng vào lá chắn của lực lượng công an một cái… rồi tôi bị lực lượng công an câu cổ giật tôi xuống và khống chế tôi… tôi mới cắn vào bắp tay của một người mặc áo xanh…” [Bút lục 120]. “Bị can cầm suổng có sẵn trên tay, đưa cây suổng lên đập vào lá chắn của lực lượng cưỡng chế một cái…. Trong lúc cưỡng chế bị can cắn vào tay của người nào khống chế bị can”. [Bút lục 226].
Lời khai của bị cáo X: “Tôi có dùng lời lẽ xúc phạm ông NLC1... Sau tôi nghe nói vợ anh H Đoàn Thị Lệ T2 cầm một cây dao cản trở lực lượng đang làm nhiệm vụ… Vương Thanh Q cầm cây suổng dài khoảng 1.2m, cả cán và lưỡi đều làm bằng kim loại… Vương Thanh H vào nhà tôi lấy 01 cái máy phát cỏ ra khởi động máy và đi đến chỗ lực lượng đang tiến hành đo đạc… tôi ở ngoài lộ cách nhà khoảng 20m chạy vào nhà của tôi lấy 01 cái máy cưa cây ra cầm trên tay khởi động… tôi bấm lưỡi cưa quay về hướng lực lượng làm nhiệm vụ… mục đích của tôi là không cho lực lượng đo đạc và cắm mốc” [Bút lục 139-140; 234-235].
Lời khai của bị cáo T1: “Tôi có dùng cây gòn khô… to bằng cổ tay người lớn, đưa lên ngang vai của tôi dùng hai tay thụt vào lá chắn của Lực lượng Công an. Sau đó Lực lượng Công an khống chế Vương Thanh Q tôi tiếp tục dùng cây thụt vào Lực lượng Công an để cho Vương Thanh Q chạy đi. Mục đích tôi dùng cây thụt vào lá chắn của Lực lượng Công an là để không cho Lực lượng Công an và Vương Thanh Q sát lại gần nhau…” [Bút lục 297].
Lời khai của bị cáo T2: “Tay phải bị can cầm một cây dao và nói ai cắm qua ranh đất của bị can là bị can chém” [Bút lục 232].
[2.2] Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm các bị cáo đều thừa nhận lời khai của các bị cáo là hoàn toàn tự nguyện, không bị bức cung, nhục hình và không có khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của điều tra viên, cơ quan điều tra. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, mặc dù các bị cáo cho rằng mình không phạm tội nhưng các bị cáo đều thừa nhận bản thân biết rõ các thành viên của Đoàn công nhận quyền sử dụng đất do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thành lập đang thực hiện công vụ nhưng vẫn cố tình thể hiện thái độ không hợp tác, có hành vi chống đối nhằm ngăn cản Đoàn công nhận quyền sử dụng đất tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Cụ thể, bị cáo T1 thừa nhận hành vi dùng khúc cây tấn công lực lượng làm nhiệm vụ mà theo bị cáo cho rằng là ngăn cản không cho công an bắt bị cáo Q; bị cáo T2 thừa nhận hành vi dùng dao đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ là nếu ai cắm ranh bị cáo sẽ chém; bị cáo H thừa nhận hành vi dùng máy phát cỏ đang hoạt động ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ; bị cáo Q thừa nhận hành vi dùng xuổng đánh vào lực lượng làm nhiệm vụ và dùng răng cắn vào người làm nhiệm vụ; bị cáo X thừa nhận hành vi dùng máy cưa đang hoạt động ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ.
[2.3] Lời khai của những người làm chứng đều xác định các bị cáo có thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản Đoàn công nhận quyền sử dụng đất làm nhiệm vụ. Cụ thể: ông NLC1: “Q dùng cấy suổng làm bằng kim loại… thụi và đánh vào lực lượng, Đoàn Thị Lệ T2 dùng dao dài… nhá chém nhưng chưa chém và xô ông Biếu ra cản lực lượng. Phan Bích T1 dùng cây đánh” [Bút lục 208]. “Sau khi Q, T2, T1, NLQ4, NLQ3 bị đưa về làm việc, H vào nhà lấy một máy phát cỏ ra khởi động máy chống lực lượng” [Bút lục 209]; ông NLC4: “Khi đoàn cưỡng chế xuống tới hộ gia đình ông X để tiến hành cưỡng chế đất thì gia đình ông X đã khóa cổng rào lại… đứng bên trong hàng rào có những lời nói thô tục… NLQ3, NLQ4 thì cầm điện thoại quay… chỉ còn lại ông X và ông H cầm máy phát cỏ, máy cưa cây đang khởi động máy lớn tiếng nổ của máy quơ qua quơ lại về phía đoàn cưỡng chế khoảng 30 phút,… khi tôi và tổ đo đạc đi ra phía sau kéo dây cấm cọc ranh đất thì ông X, ông H có hành động ngăn cản bằng việc quơ máy phát cỏ (ông H cầm), máy cưa cây (ông X cầm) đang khởi động quơ về phía lực lượng, nên lúc này có những người trong tổ bảo vệ đoàn cưỡng chế ập vào khống chế…” [Bút lục 212]; bà Lê Nguyễn Ngọc L: “Khi lực lượng chuẩn bị cắm cọc đất thì tôi nhìn thấy bà T2 tay cầm cây dao yếm dài… Bà T2 cầm dao nhá chém về phía lực lượng làm nhiệm vụ và đỡ ông Biếu đứng dậy xong ông Biếu té nằm trên hàng rào… còn bà T1 thì hai tay cầm cây đập về phía lực lượng nhiều cái, ông Q thì cầm suổng thụt về phía lực lượng và đập vào lực lượng” [Bút lục 218].
[2.4] Lời khai của các bị cáo, những người làm chứng trong quá trình điều tra như đã nhận định trên phù hợp với nội dung các đoạn video được quay tại hiện trường vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Vào ngày 25/10/2017, các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh H, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1 mặc dù biết rõ có Đoàn công nhận quyền sử dụng đất cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh hậu Giang thực hiện nhiệm vụ công nhận quyền sử dụng đất theo Bản án dân sự phúc thẩm số 189/2014/DS-PT, ngày 17/11/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang đã có hiệu lực pháp luật nhưng các bị cáo có hành vi không chấp hành, ngăn cản, sử dụng hung khí đe dọa tấn công và tấn công vào lực lượng công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự và những thành viên khác của Đoàn công nhận quyền sử dụng đất đang thực thi công vụ của họ. Hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm “Chống người thi hành công vụ”, quá trình điều tra, xét xử không chứng minh được các bị cáo phạm tội có tổ chức nên thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố các bị cáo phạm tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 257 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan cho các bị cáo.
[2.5] Các bị cáo mặc dù đã được cơ quan thi hành án và chính quyền địa phương giải thích, vận động rất nhiều lần nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi ngăn cản cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Điều đó thể hiện ý thức xem thường pháp luật, thái độ thiếu tôn trọng đối với cơ quan Nhà nước và người thi hành công vụ. Do đó, cần có hình phạt nghiêm minh, tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ phạm tội của từng bị cáo. Xét thấy các bị cáo phạm tội trong trường hợp đồng phạm giản đơn, có sự thống nhất ý chí, không có sự chỉ huy, phân công nhiệm vụ của từng bị cáo. Các bị cáo Vương Thanh H, Vương Thanh X, Vương Thanh Q thực hiện hành vi phạm tội một cách tích cực, trong đó bị cáo Q chủ động dùng cây xuổng tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, khi bị khống chế đã cắn vào tay của anh NLQ1; bị cáo X có hành vi chửi và dùng máy cưa cây đe dọa, ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ; bị cáo H dùng máy phát cỏ cản trở, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ, trực tiếp gây thương tích cho anh NLQ1. Các bị cáo Phan Bích T1, Đoàn Thị Lệ T2 phạm tội với vai trò mờ nhạt hơn so với các bị cáo H, X, Q, bị cáo T1 cầm cây gỗ khô đánh vào lá chắn của lực lượng công an, bị cáo T2 cầm dao đe dọa lực lượng làm nhiệm vụ. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng cho các bị cáo tình tiết giảm nhẹ phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự, đánh giá vai trò, tính chất, mức độ phạm tội xử phạt các bị cáo H, X, Q 18 tháng tù; xử phạt các bị cáo T1, T2 06 tháng tù là có căn cứ.
[2.6] Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo X có cung cấp thêm tài liệu chứng minh bị cáo đã từng phục vụ trong quân đội, thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Cam-Pu-Chia, được thưởng huy hiệu vì nghĩa vụ quốc tế; bị cáo T1 cung cấp tài liệu có bà Nguyễn Thị B (Nguyễn Thị B1) là mẹ ruột của bị cáo và cũng là bà ngoại của bị cáo Q có công với cách mạng được tặng huy chương kháng chiến hạng nhất và được Hội cựu chiến binh phường H, thị xã Ngã Bảy xác nhận, đây là các tình tiết giảm nhẹ mới mà Tòa án cấp sơ thẩm chưa áp dụng cho các bị cáo, nên Hội đồng xét xử xem xét áp dụng cho các bị cáo theo khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự; đối với bị cáo T2 quá trình điều tra và tại phiên tòa phúc thẩm, mặc dù bị cáo cho rằng bản thân không phạm tội nhưng bị cáo vẫn thừa nhận có dùng dao ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ, lời thừa nhận của bị cáo phù hợp tài liệu, chứng cứ khác trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử xem xét áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo có mức độ theo quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự. Với những tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo X, Q; đối với các bị cáo T1, T2, xét thấy vai trò phạm tội của các bị cáo mờ nhạt hơn so với các bị cáo khác, các bị cáo có nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo nên không cần thiết bắt các bị cáo chấp hành hình phạt tù mà cho các bị cáo hưởng án treo, có ấn định thời gian thử thách cũng đủ để răn đe, giáo dục đối với các bị cáo. Mặc khác, chồng và con của các bị cáo cũng là bị cáo trong vụ án này nên cần thiết tạo điều kiện cho các bị cáo T1, T2 chăm lo gia đình và việc cho các bị cáo hưởng án treo cũng không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đối với bị cáo Vương Thanh H tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo không cung cấp được tài liệu, chứng cứ gì mới, các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng đã được áp dụng đầy đủ, toàn diện, với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, các công cụ phạm tội đều do bị cáo H chuẩn bị, bị cáo chống đối lực lượng làm nhiệm vụ quyết liệt, từ hành vi chống đối của bị cáo đã gây thương tích cho anh NLQ1, tuy anh NLQ1 không yêu cầu xem xét xử lý nhưng qua đó cũng thấy tính chất nguy hiểm cho xã hội của bị cáo. Do đó, hình phạt 18 tháng tù đối với bị cáo là phù hợp.
[3] Xét ý kiến của luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng chấp hành viên NLC1 đã thực hiện thao tác nghiệp vụ chưa đúng quy định của pháp luật thi hành án vì Kế hoạch số 396/KH-THADS, ngày 17 tháng 10 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang về việc công nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngô Đình T căn cứ Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự nhưng Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự quy định Kế hoạch cưỡng chế thi hành án sau khi đã ra Quyết định cưỡng chế thi hành án. Việc đoàn cưỡng chế thi hành Kế hoạch 396/KH-THADS là thực hiện một công vụ không hợp pháp nên hành vi chống đối, cản trở của các bị cáo không phạm tội Chống người thi hành công vụ. Ngoài ra, nội dung lại công nhận qua phần đất của ông Biếu gây bức xúc nên mới xảy ra việc ngăn cản, chống đối của các bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy, việc Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch số 396/KH-THADS, ngày 17/10/2017 về việc công nhận quyền sử dụng đất cho ông Ngô Đình T hoặc việc công nhận là không đúng đối tượng giao đất, nếu các bị cáo cho rằng Kế hoạch nêu trên không đúng pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì các bị cáo có quyền khiếu nại đến người hoặc cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết. Việc các bị cáo có hành vi dùng vũ lực ngăn cản lực lượng làm nhiệm vụ, cụ thể là lực lượng công an và các thành viên khác trong khi các bị cáo biết rõ những thành viên trên đang thi hành nhiệm vụ được phân công, các bị các biết rõ lực lượng làm nhiệm vụ đang thi hành bản án có hiệu lực pháp luật nhưng các bị cáo cố ý ngăn cản, chống đối. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội Chống người thi hành công vụ, lý do của luật sự bào chữa cho các bị cáo là không có cơ sở chấp nhận.
[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Căn cứ Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, do kháng cáo của các bị cáo X, Q, T1, T2 được chấp nhận một phần nên các bị cáo X, Q, T1, T2 không phải chịu. Do kháng cáo của bị cáo H không được chấp nhận nên bị cáo H phải chịu 200.000 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 355; điểm c, e khoản 1 Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vương Thanh H; chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2, Phan Bích T1. Sửa bản án sơ thẩm.
Tuyên bố các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh H, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1 phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 257; điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh Q.
Xử phạt bị cáo Vương Thanh X 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án.
Xử phạt bị cáo Vương Thanh Q 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, khấu trừ thời gian tạm giữ từ ngày 25/10/2017 đến ngày 31/10/2017.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 257; điểm h khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với bị cáo Vương Thanh H.
Xử phạt bị cáo Vương Thanh H 18 (mười tám) tháng tù. Thời hạn phạt tù tính từ ngày bị cáo chấp hành án, khấu trừ thời gian tạm giữ từ ngày 25/10/2017 đến ngày 01/11/2017.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 257; điểm h khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với bị cáo Phan Bích T1.
Xử phạt bị cáo Phan Bích T1 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Áp dụng: Khoản 1 Điều 257; điểm h, p khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009); Điều 65 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với bị cáo Đoàn Thị Lệ T2.
Xử phạt bị cáo Đoàn Thị Lệ T2 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 12 (mười hai) tháng, tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao các bị cáo Phan Bích T1, Đoàn Thị Lệ T2 cho Ủy ban nhân dân thị trấn M, huyện C, tỉnh Hậu Giang giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Về trách nhiệm dân sự: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan NLQ1 không yêu cầu, nên không giải quyết.
Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47; Điều 48 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Tịch thu và tiêu hủy 01 cây suổng (leng), bằng kim loại dài 13,5m, trong đó cán tròn dài 01m, lưỡi dài 0,35m, đầu lớn rộng 05cm, đã qua sử dụng và 01 khúc gỗ (chưa xác định loại gỗ), dài 56,5cm, đầu nhỏ rộng 2,5cm, đầu lớn rộng 05cm.
Tịch thu sung công quỹ Nhà nước vật chứng bị cáo H sử dụng vào việc phạm tội là 01 máy phát cỏ, màu đỏ - đen, hiệu G2M, máy đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong.
Trả lại cho ông NLQ2 01 máy phát cỏ, màu đỏ - đen, Moden:TL231 DD- 302, máy đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong.
Trả lại cho ông NLQ5 01 máy cưa cây, màu trắng – đỏ, hiệu StarX-5 (Trung Quốc), máy đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong và 01 máy cưa cây, màu đỏ - đen, hiệu Shindaiwa, máy đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong.
Trả lại cho NLQ3 01 điện thoại di động hiệu OPPO A37FW, màu trắng – hồng, đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong.
Trả lại cho bị cáo Vương Thanh Q 01 điện thoại di động, hiệu Samsung Galaxy J7 Prime, màu trắng – bạc, đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong.
Trả lại cho bị cáo Vương Thanh X 01 điện thoại di động, hiệu Q.Mobile C500, màu trắng – đen, đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong.
Trả lại cho bị cáo Đoàn Thị Lệ T2 01 điện thoại di động, hiệu Viettel E1100T, màu đỏ - đen, đã qua sử dụng không rõ chất lượng bên trong.
Trả lại cho bị cáo Phan Bích T1 01 cái muỗng (loại muỗng cà phê) đã qua sử dụng; 01 cây kéo dùng để nhắp (cắt) chỉ, dài 11cm, chiều ngang 02cm, mũi kéo sắc và nhọn đã qua sử dụng.
Tất cả vật chứng theo phiếu nhập kho số PNK09 ngày 29/01/2018 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Hậu Giang.
Về án phí hình sự sơ thẩm: Các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1, Vương Thanh H mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng).
Về án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Vương Thanh X, Vương Thanh Q, Đoàn Thị Lệ T2 và Phan Bích T1 không phải chịu; bị cáo Vương Thanh H phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng).
Các Quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 72/2018/HS-PT ngày 31/08/2018 về tội chống người thi hành công vụ
Số hiệu: | 72/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hậu Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 31/08/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về