TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 714/2018/HSPT NGÀY 30/10/2018 VỀ TỘI BUÔN LẬU
Ngày 30 tháng 10 năm 2018 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự Thụ lý số 372/2018/HSPT ngày 11 tháng 5 năm 2018 đối với bị cáo Nguyễn Trọng B và Trần Ngọc T do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2014/HSST ngày 27/03/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên.
* Các bị cáo có kháng cáo:
1. Nguyễn Trọng B, sinh năm 1972; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại Đội 13, xã TH, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên; chỗ ở hiện nay tại Số nhà 970, Tổ 6, phường MT, thành phố ĐBP, tỉnh Điện Biên; trình độ văn hóa phổ thông: 7/12; nghề nghiệp: lao động tự do; con ông Nguyễn Khắc C và bà Lưu Thị Đ; vợ là Vũ Thị N và có 02 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 19/4/2013; có mặt tại phiên tòa.
2. Trần Ngọc T, sinh năm 1958; nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 68, Tập thể kho trung tâm, xã VQ, huyện TT, thành phố Hà Nội; trình độ văn hóa phổ thông: 10/10; nghề nghiệp: lao động tự do; con ông Trần Văn S và bà Nguyễn Thị S, vợ là Nguyễn Thị G và có 01 con; tiền án, tiền sự: không; bị bắt tạm giam từ ngày 19/4/2013. Theo thông báo của Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên, bị cáo Trần Ngọc T được ra trại ngày 19/4/2017 (theo Bản án hình sự phúc thẩm số 490/2016/HSPT ngày 23/8/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội); có mặt tại phiên tòa.
* Người bào chữa cho các bị cáo: Ông Bùi Đình M là Luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Điện Biên; có mặt tại phiên tòa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án hình sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trong thời gian làm ăn buôn bán sang nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Nguyễn Trọng B quen biết với một người có tên là A C. A C là người kinh doanh vàng bạc ở tỉnh U Đom Xay; A C nói có 15 kg vàng muốn bán lấy tiền với giá 35 triệu đồng/1 cây (1 lượng). Biết giá vàng ở Việt Nam cao hơn giá vàng ở Lào, ngày 13/4/2013 Nguyễn Trọng B xuống Hà Nội nhờ chị gái là Nguyễn Thị Tuyết M đứng ra vay, mượn của Công ty TNHH PH ở phố MM, phường HB, quận HK, thành phố Hà Nội với số tiền vay là 13 tỷ 600 triệu đồng và cùng với số tiền của Nguyễn Trọng B, tổng là 15 tỷ 450 triệu đồng. Ngày 17/4/2013, Bằng đi xe ôtô của chị Nguyễn Thị Tuyết M BKS 27H-5889 mang theo 15 tỷ 450 triệu đồng đi qua cửa khẩu quốc tế TT sang Lào và đến tỉnh U Đom Xay. Tại quán kinh doanh mua bán vàng ở chợ UĐX, B mua của A C 15 kg vàng (15 miếng vàng) với số tiền 15.450.000.000 đồng. Mua xong B gọi điện cho anh vợ là Vũ Đình C là lái xe thường trở vật liệu xây dựng từ tỉnh Điện Biên đi qua cửa khẩu quốc tế TT vào tỉnh U Đom Xay, Lào nói “em vừa mua của A C được 15 kg vàng nhờ anh vận chuyển giúp em về Điện Biên”. Do B sợ đi ôtô mang 15 kg vàng về Điện Biên sẽ bị phát hiện và bị thu mất vàng nên B nhờ Vũ Đình C vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế TT và hẹn chiều 19/4/2013 lấy vàng khi gặp nhau ở đường rẽ vào bãi đá HA, thuộc xã NƯ, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên. Ngày 18/4/2013, B đi xe máy về Điện Biên gọi điện cho Trần Ngọc T mang hóa đơn lên hợp thức hóa số vàng đã mua để mang về tiêu thụ kiếm lời. Ngày 19/4/2013 B đi mô tô BKS 27F5-6337 và cùng ngày T cầm 03 bộ hóa đơn mua bán vàng lên Điện Biên rồi B đèo T đến khu vực mỏ đá HA gặp Vũ Đình C để nhận 15 kg vàng. Trên đường vận chuyển vàng về đến cung giao thông thuộc xã SM, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên thì bị Tổ công tác của Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Điện Biên bắt quả tang vào hồi 19 giờ cùng ngày, đồng thời thu giữ tang vật là 15 kg vàng miếng và 03 bộ hóa đơn mua bán vàng của T cầm từ Hà Nội lên để nhằm hợp thức hóa số vàng đó.
Tại Biên bản kết luận giám định số 290/KLGĐ ngày 22/4/2013 của Công an tỉnh Điện Biên kết luận: Số kim loại thu giữ của Nguyễn Trọng B và Trần Ngọc T có trọng lượng là 14.992,38 gam, vàng có chất lượng là 99,99%.
Tại Kết luận giám định tài sản trong tố tụng hình sự số 59/GĐTS ngày 17/6/2013 của Hội đồng giám định tài sản trong tố tụng hình sự kết luận: 14.992,38 gam kim loại vàng có giá trị 16.083.833.310 đồng.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 36/2014/HSST ngày 27/3/2014, Tò a án nhân dân tỉnh Điện Biên áp dụng điểm a khoản 4 Điều 153; khoản 2 Điều 46; Điều 41 của Bộ luật Hình sự; Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự, xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng B 13 (mười ba) năm tù và xử phạt bị cáo Trần Ngọc T 12 (mười hai) năm tù đều về tội “Buôn lậu”.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý các vật chứng đã thu giữ, trong đó đã tịch thu sung vào ngân sách nhà nước toàn bộ số vàng đã thu giữ gồm 14.998,38 gam vàng loại 99,99% có giá trị là 16.083.833.310 đồng; án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, cùng ngày 29/3/2014, Nguyễn Trọng B kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Trần Ngọc T kháng cáo cho rằng bị cáo bị kết án oan.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 490/2016/HSPT ngày 23/8/2016, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội áp dụng điểm a khoản 4 Điều 250; Điều 20; Điều 53; điểm g khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự (riêng bị cáo Trần Ngọc T được áp dụng thêm điểm p khoản 1 Điều 46 và Điều 47 của Bộ luật hình sự), xử phạt Nguyễn Trọng B 07 năm tù, Trần Ngọc T 04 năm tù đều về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tộimà có".
Tại Kháng nghị số 15/KN-HS ngày 24/7/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyết định kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 490/2016/HSPT ngày 23/8/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/GĐT-HS ngày 13/11/2017, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; theo đó căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 237 và Điều 289 của Bộ luật tố tụng hình sự, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quyết định hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và yêu cầu Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa phúc thẩm; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, ý kiến tranh luận của các bị cáo và luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo;
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Nghiên cứu hồ sơ vụ án, kết quả quá trình điều tra, diễn biến và kết quả phiên tòa sơ thẩm và đặc biệt nghiên cứu đơn kháng cáo của các bị cáo; thông qua xét hỏi và tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá, nhận xét và nhận định về vụ án như sau:
Xem xét việc quy kết của cấp sơ thẩm và kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Nguyễn Trọng B cũng như kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Ngọc T, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
Quá trình điều tra và đặc biệt cho đến thời điểm tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/12/2013, Nguyễn Trọng B đã có nhiều lời khai và đều khai nhận thống nhất vào ngày 17/4/2013, B lái xe ô tô biển kiểm soát 27H-5889 mang theo 15.450.000.000 đồng từ tỉnh Điện Biên đi qua Cửa khẩu quốc tế TT sang tỉnh U Đom Xay, Lào để mua vàng. Khi qua biên giới, B không làm thủ tục xuất nhập cảnh, vì giấy thông hành của B đã hết hạn. Do quen biết với cán bộ ở Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế TT nên B chỉ xin cho xe ô tô đi nhờ qua cửa khẩu mà không làm thủ tục khai báo hải quan cho xe ô tô và số tiền mang theo. Những lời khai này do Nguyễn Trọng B hoàn toàn tự nguyện khai báo và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập, đồng thời phù hợp với xác nhận của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế TT và Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế TT về việc trong các ngày 17 và 18/4/2013 không làm thủ tục xuất nhập cảnh cho B và xe ô tô qua biên giới Việt - Lào. Do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định vào ngày 17/4/2013, Nguyễn Trọng B đã qua biên giới Việt - Lào bằng xe ô tô biển kiểm soát 27H-5889 là có căn cứ.
Sau khi B bị bắt phạm tội quả tang, Vũ Đình C là anh vợ của B đã bỏ trốn và bị cơ quan điều tra khởi tố về tội "Buôn lậu" đồng thời ra quyết định truy nã. Trong quá trình giải quyết vụ án, B và T đều có nhiều lời khai thống nhất về việc Vũ Đình C là người giao vàng cho B và T tại đường vào bãi đá HA thuộc địa phận xã NƯ, huyện ĐB, tỉnh Điện Biên vào chiều ngày 19/4/2013. Những lời khai này phù hợp với văn bản xác nhận Vũ Đình C đã xuất nhập cảnh từ Việt Nam sang Lào và ngược lại trong các ngày 14, 15, 18 và 19/4/2013 của Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế TT. Do đó cấp sơ thẩm xác định Vũ Đình C là người giúp sức cho B vận chuyển 15 kg vàng từ Lào về Việt Nam là có căn cứ.
Ngay sau khi bị bắt phạm tội quả tang, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm ngày 20/12/2013, Nguyễn Trọng B đều khai thống nhất về việc B với A C đã thỏa thuận mua bán vàng với nhau từ trước, sau đó ngày 18/4/2013, B mua 15 kg vàng của A C tại cửa hàng kinh doanh vàng bạc của A C tại Khu chợ trung tâm thuộc tỉnh U Đom Xay, Lào. Các lời khai của A C có trong hồ sơ vụ án cũng phù hợp với lời khai của B về việc hai người đã trao đổi, mua bán vàng ở tỉnh U Đom Xay, Lào. Vì thế, các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm quy kết Nguyễn Trọng B có hành vi mua bán vàng qua biên giới cũng là có căn cứ.
Như vậy, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định Nguyễn Trọng B và Trần Ngọc T đã thực hiện hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, theo đó đã kết án Nguyễn Trọng B và Trần Ngọc T đồng phạm về tội "Buôn lậu" là có căn cứ, không oan.
Về hình phạt: Đối chiếu với quy định của pháp luật cho thấy, tại điểm a khoản 4 Điều 153 của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định: Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp có giá trị từ một tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khi xem xét quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã đánh giá về nhân thân, vai trò của từng bị cáo, áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với mỗi bị cáo, theo đó đã quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng B 13 năm tù và bị cáo Trần Ngọc T 12 năm tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm, không phát sinh thêm tình tiết gì mới, Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, khi xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm đã có sự phân hóa vai trò của từng bị cáo, mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với từng bị cáo trong trường hợp này là phù hợp, đều ở mức khởi điểm của khung hình phạt, thậm chí đã là có phần nhẹ, không quá nghiêm khắc như kháng cáo của bị cáo (bị cáo Nguyễn Trọng B); cũng tại phiên tòa phúc thẩm không thấy các bị cáo có thêm tình tiết giảm nhẹ nào đáng kể, thậm chí bị cáo còn tiếp tục quanh co, khai báo không thành khẩn, giữ nguyên kháng cáo kêu oan (bị cáo Trần Ngọc T), cho nên cùng với việc Hội đồng xét xử phúc thẩm khẳng định các bị cáo không bị kết án oan, đồng thời cũng không có căn cứ chấp nhận kháng cáo theo hướng giảm nhẹ hình phạt đối với các bị cáo.
Về án phí phúc thẩm: Các bị cáo có kháng cáo nhưng không được cấp phúc thẩm chấp nhận, do đó các bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các phần khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
Căn cứ vào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 355 của Bộ luật tố tụng hình sự.
QUYẾT ĐỊNH
Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo; giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm; cụ thể:
Tuyên bố bị cáo Nguyễn Trọng B và Trần Ngọc T phạm tội “Buôn lậu”.
Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 153; khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999:
- Xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng B 13 (mười ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày 19/4/2013.
- Xử phạt bị cáo Trần Ngọc T 12 (mười hai) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời hạn đã tạm giam từ ngày 19/4/2013 đến ngày 19/4/2017.
- Nguyễn Trọng B và Trần Ngọc T, mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 714/2018/HSPT ngày 30/10/2018 về tội buôn lậu
Số hiệu: | 714/2018/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 30/10/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về