TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 70/2018/KDTM-PT NGÀY 29/05/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA
Ngày 29/5/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 49/2018/TLPT-KDTM ngày 29/3/2018 về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 05/01/2018 của Toà án nhân dân quận Nam Từ Liêm bị Công ty TNHH P V kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 173/2018/QĐ-PT ngày 03/5/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty TNHH P V
Trụ sở: Đường 3, khu công nghiệp N T 1, tỉnh ĐN; Người đại diện theo pháp luật: Ông Lee Ju H- Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc công ty; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trương Quang H- Kế toán trưởng của công ty, ông Jeong Dae-J- Giám đốc tài chính kế toán của công ty; ông Lưu Tiến D và bà Trịnh Ngọc Anh P- Công ty Luật TNHH YKVN; ông Phạm Trung H-Công ty Luật TNHH ND- Đoàn luật sư TP HN (theo giấy ủy quyền ngày 10/4/2018). (Ông Jeong Dae-J, ông D, ông Quang H và bà P có mặt tại phiên tòa. Ông Trung H có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa).
Bị đơn: Công ty cổ phần tập đoàn TN
Trụ sở: Tầng 3, tòa nhà FL Tower, phường MĐ II, quận NTL, thành phố HN; Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hùng C- Tổng giám đốc; Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Đình Đ, bà Trần Thị Phương Th và bà Ninh Thị Th (theo giấy ủy quyền số 2805/GUQ-TNG ngày 28/5/2018). (Ông Đ, bà Phương Th và bà Ninh Thị Th có mặt tại phiên tòa).
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Bùi Thị Y- Công ty Luật AV- Đoàn luật sư TP HN. (Có mặt tại phiên tòa).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện đề ngày 04/11/2016 và các lời khai tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện của nguyên đơn Công ty TNHH P V trình bày:
Công ty TNHH P V (sau đây viết tắt là Nguyên đơn) và Công ty cổ phần tập đoàn TN (sau đây viết tắt là Bị đơn) ký với nhau nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2013. Nguyên đơn là nhà cung cấp thép không gỉ cho Bị đơn.
Theo các Hợp đồng mua bán hàng hóa thì hai bên thỏa thuận về việc nguyên đơn đồng ý bán và bị đơn đồng ý mua một lượng hàng hóa theo thể hiện tại từng hợp đồng độc lập; Bên bán có trách nhiệm giao hàng theo hợp đồng mua bán còn việc thanh toán tiền hàng và số tiền phải thanh toán của bên mua được hai bên đối chiếu tại một thời điểm do hai bên thỏa thuận (thanh toán theo số lượng hàng thực tế đã giao). Quá trình mua bán, bên bán đã giao hàng đầy đủ cho bên mua, tuy nhiên bên mua chưa thanh toán hết tiền hàng cho bên bán nên Nguyên đơn khởi kiện đòi Bị đơn thanh toán số tiền hàng còn nợ là 58.066.571.730 đồng.
Căn cứ để Nguyên đơn khởi kiện là Biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 giữa Nguyên đơn và Bị đơn; đại diện cho Nguyên đơn là ông Trương Quang H và đại diện Bị đơn là bà Đỗ Thị Thanh H (chức vụ kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty TN). Theo biên bản này thì hai bên xác nhận tính đến thời điểm 28/11/2013, Bị đơn còn nợ Nguyên đơn như sau:
- Nợ phải trả theo hóa đơn bán hàng: 166.506.456.436 đồng;
- Hàng của Bị đơn còn gửi tại kho của Nguyên đơn: 108.439.884.706 đồng;
- Tổng số tiền Bị đơn còn phải trả theo hàng thực tế đã giao: 58.066.571.730 đồng.
Ngày 11/12/2013, Bị đơn có Công văn số 940/KTTC-TN do ông Nguyễn Hùng C là người đại diện theo pháp luật của Công ty gửi cho Nguyên đơn xác nhận Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn số tiền hàng tính đến thời điểm hai bên xác nhận công nợ ngày 28/11/2013 là 58.066.571.730 đồng. Như vậy, Bị đơn đã xác nhận khoản nợ và công nhận tính pháp lý của biên bản đối chiếu công nợ ngày 27/11/2013 giữa hai bên. Cũng tại công văn này, phía Bị đơn đã có lộ trình thanh toán cụ thể đối với khoản nợ nhưng trên thực tế chưa thanh toán cho Nguyên đơn khoản tiền nào.
Nguyên đơn khẳng định các tài liệu chứng cứ trên chính là căn cứ cho yêu cầu khởi kiện và buộc Bị đơn phải thanh toán khoản tiền này cho Nguyên đơn mà không cần bất cứ chứng cứ nào khác. Theo quy định của khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự thì khi hai bên đã công nhận nợ, không phản đối thì không cần phải chứng minh.
Số tiền Bị đơn nợ Nguyên đơn là tiền mua hàng còn nợ xuất phát từ rất nhiều các Hợp đồng mua bán giữa hai bên. Tại các Hợp đồng mua bán hàng hóa đều thể hiện rõ số lượng hàng hóa mà bị đơn mua, giá cả và thời hạn thanh toán. Giữa hai bên chưa làm thủ tục thanh lý các hợp đồng này vì bên mua vẫn còn nợ tiền hàng. Ngoài việc Bị đơn vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền theo Hợp đồng thì giữa hai bên không tranh chấp gì đối với các điều khoản khác tại Hợp đồng mua bán đã ký kết. Vì vậy, Nguyên đơn khẳng định không khởi kiện các Hợp đồng kinh tế (Hợp đồng mua bán) mà chỉ khởi kiện đòi nợ tiền hàng từ các Hợp đồng mua bán đã được hai bên đối chiếu với nhau bằng biên bản, không xác định được cụ thể hợp đồng nào.
Việc Nguyên đơn xuất trình các Hợp đồng và một số chứng từ kèm theo để chứng minh mối quan hệ mua bán hàng hóa giữa hai bên là có thật, chứ Nguyên đơn không kiện và không tranh chấp đối với các hợp đồng cụ thể này, Nguyên đơn cũng không xác định được số tiền đã thanh toán và số tiền còn nợ của từng hợp đồng là bao nhiêu. Bởi vì, trong quá trình thực hiện mua bán, do số lượng hàng và giá trị giao dịch rất lớn nên việc thanh toán giữa hai bên được thực hiện theo phương thức cộng dồn mà không phải theo từng Hợp đồng đã ký kết. Tức là sau một khoảng thời gian đặt và giao hàng nhất định bằng việc ký kết các Hợp đồng mua bán, hai bên tiến hành đối chiếu và xác định giá trị công nợ giữa hai bên theo giá trị thực tế giao dịch. Nghĩa vụ thanh toán của Bị đơn được xác định theo kết quả mỗi lần đối chiếu công nợ này. Việc đối chiếu công nợ theo Biên bản ngày 27/11/2013 dựa trên 2 biên bản đối chiếu công nợ gồm biên bản đối chiếu công nợ ngày 03/6/2013 và biên bản ngày 04/7/2013. Sau 02 biên bản trên thì Bị đơn đã thanh toán được một số nợ, phần còn lại chưa thanh toán được chốt lại tại biên bản chốt nợ ngày 27/11/2013. Như vậy, việc thanh toán bằng tập quán thương mại giữa hai bên chứ hai bên không có văn bản thỏa thuận phương thức thanh toán để xuất trình cho Tòa án.
Ngoài khoản tiền gốc, Nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc Bị đơn phải thanh toán khoản tiền lãi do chậm thanh toán kể từ ngày 27/11/2013 cho đến ngày nộp đơn khởi kiện theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước quy định (9%/năm).
Tạm tính là 58.066.571.730 đồng x 9% x 34 tháng = 14.806.975.791 đồng. Tổng số là 72.873.547.521 đồng.
Tại bản tự khai và các lời khai tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án, đại diện của Bị đơn trình bày:
Từ năm 2006 đến năm 2013, Bị đơn và Nguyên đơn có quan hệ mua bán hàng hóa là thép không gỉ như Nguyên đơn đã trình bày. Giao dịch mua bán hàng hóa dựa trên hợp đồng mua bán hàng hóa hai bên ký kết với nhau và được Bị đơn tuân thủ theo đúng các điều khoản hai bên ký kết tại Hợp đồng, các bên không có tranh chấp về chất lượng hàng hóa, giá cả, thời hạn thanh toán,...Toàn bộ các Hợp đồng mua bán được ký độc lập theo từng đơn hàng với thời gian giao hàng và điều kiện thanh toán quy định cụ thể cho từng hợp đồng.
Bị đơn khẳng định giữa Bị đơn và Nguyên đơn không có mối quan hệ vay nợ mà chỉ có mối quan hệ mua bán hàng hóa.Thực tế, hai bên đã ký kết rất nhiều các hợp đồng mua bán hàng hóa và số lượng hàng Bị đơn đã mua là rất lớn. Hai bên chưa ký với nhau các biên bản thanh lý hợp đồng. Ngoài ra, Bị đơn đã tuân thủ đúng cam kết tại điều khoản thanh của toàn bộ các Hợp đồng nên việc Nguyên đơn khởi kiện thì phải đưa ra chứng cứ chứng minh cụ thể như Hợp đồng mua bán nào vẫn còn nợ tiền hàng? Số lượng hàng hóa thể hiện tại Hợp đồng? Số lượng hàng thực tế đã giao và số tiền còn nợ lại của những hợp đồng mua bán trên?
Về việc Nguyên đơn cho rằng Bị đơn không thanh toán đầy đủ tiền hàng thì Nguyên đơn phải đưa ra các chứng cứ cụ thể như biên bản giao nhận hàng hóa có xác nhận của Bị đơn về việc nhận hàng. Bởi thực tế trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2013 do áp lực về doanh số bán hàng nên Nguyên đơn đã xuất rất nhiều hóa đơn VAT với tổng giá trị lớn (có những thời điểm lên tới hơn 100 tỷ đồng) cho phía Bị đơn, mặc dù Nguyên đơn chưa thực hiện nghĩa vụ giao hàng và thực tế Bị đơn không được nhận hàng. Chính vì vậy, Bị đơn không công nhận khoản nợ như Nguyên đơn khai vì đây không phải là con số thực tế hàng hóa mà Bị đơn được nhận.
Bị đơn đã có văn bản phản hồi không chấp nhận khoản nợ thể hiện tại Biên bản chốt nợ ngày 27/11/2013, như Công văn số 85 ngày 05/5/2015; Công văn số 151 ngày 03/9/2015 gửi Nguyên đơn. Ngoài ra, như đã trình bày thì quá trình mua bán hàng hóa có nhiều lần Nguyên đơn tự chủ động xuất hóa đơn nhưng chưa giao hàng và Nguyên đơn vẫn tính nợ đối với Bị đơn. Do phương pháp tính nợ không đúng khiến số tiền nợ tăng lên rất nhiều. Chính vì vậy, Bị đơn không chấp nhận số tiền nợ Nguyên đơn nêu ra. Để xác định chính xác khoản nợ thì phải dựa trên các Hợp đồng mua bán, biên bản giao nhận hàng hóa xem khoản tiền còn nợ từ các Hợp đồng mua bán là bao nhiêu. Không thể yêu cầu bên mua phải thanh toán tiền hàng đối với hàng hóa mà bên mua không được nhận.
Chứng cứ Nguyên đơn đưa ra chưa đủ căn cứ để khởi kiện đòi nợ vì các lý do sau: Biên bản đối chiếu công nợ được ký bởi bà Đỗ Thị Thanh H là không có cơ sở pháp lý. Vì bà H chỉ là kế toán trưởng, không phải đại diện theo pháp luật của Bị đơn. Thời điểm đó ông Nguyễn Hùng C là người đại diện theo pháp luật không hề ủy quyền cho bà Hương xác nhận công nợ với Nguyên đơn. Bị đơn không công nhận tính pháp lý của biên bản đối chiếu công nợ này.
Biên bản đối chiếu công nợ về nguyên tắc phải được thực hiện chi tiết dựa trên từng Hợp đồng kinh tế, hóa đơn bán hàng và biên bản giao hàng. Thực tế Bị đơn đã nhiều lần yêu cầu Nguyên đơn cử người có thẩm quyền tiến hành đối chiếu công nợ tuy nhiên Nguyên đơn không có phản hồi.
Về Công văn số 940 ngày 11/12/2013 gửi Nguyên đơn do ông Nguyễn Hùng C- Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty ký, đây không phải là văn bản để xác nhận công nợ, không phải là căn cứ pháp lý để buộc Bị đơn phải thanh toán nợ cho Nguyên đơn. Đến nay hai bên cũng không có văn bản đối chiếu công nợ nào khác theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với 02 Biên bản đối chiếu công nợ tháng 6 và tháng 7 năm 2013 do Nguyên đơn đưa ra, thì Nguyên đơn cũng nói rằng đây là tài liệu tham khảo, không phải là căn cứ để đòi tiền Bị đơn theo yêu cầu khởi kiện.
Cho đến nay không thể khẳng định là Bị đơn còn nợ tiền hàng của Nguyên đơn. Bị đơn khẳng định giữa hai bên không có văn bản thỏa thuận nào về căn cứ thanh toán là các biên bản đối chiếu công nợ như Nguyên đơn trình bày. Đề nghị Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện của Nguyên đơn.
Ngoài ra, các tranh chấp của hai bên đã diễn ra từ rất lâu nên việc Nguyên đơn khởi kiện tại Tòa án vào ngày 07/11/2016 là quá thời hạn khởi kiện 02 năm. Do đó, Bị đơn đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 05/01/2018 Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm TP Hà Nội đã xét xử và quyết định:
Áp dụng Điều 24, Điều 319 Luật Thương mại; điểm a khoản 1 Điều 29, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 31, điểm e khoản 1 Điều 217, Điều 271, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; Pháp lệnh về án phí và lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đình chỉ giải quyết vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 49/2016/TLST- KDTM ngày 01/12/2016 về việc “Tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa Công ty TNHH P V với Công ty cổ phần tập đoàn TN.
Trả lại đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo cho Công ty TNHH P V. Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Không đồng ý với Bản án sơ thẩm, Nguyên đơn đã có đơn kháng cáo toàn bộ Bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm các bên đương sự đã trình bày:
Đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trình bày: Việc Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định của pháp luật, vì Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm 03 lần với cùng một nội dung khởi kiện. Vụ án này đang giải quyết phúc thẩm là lần thứ ba. Ở hai lần trước, Tòa án Nam Từ Liêm gây khó khăn cho Nguyên đơn rất nhiều trong việc xử lý đơn khởi kiện. Thời gian tổng cộng tính ra là gần 500 ngày. Trừ đi khoảng thời gian này thì tính đến thời điểm khởi kiện ngày 07/11/2016 yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn vẫn còn trong thời hạn khởi kiện. Tòa án cấp sơ thẩm đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng các quy định của pháp luật về thời hiệu, cách tính lại thời hiệu khởi kiện. Nguyên đơn đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xác định lại thời hiệu khởi kiện cho Nguyên đơn và xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn và buộc Bị đơn phải trả tiền hàng còn nợ cho Nguyên đơn cùng số tiền lãi của số tiền còn nợ hoặc Hủy Bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.
Trong các hợp đồng mua bán hàng hóa ký kết giữa Nguyên đơn và Bị đơn hai bên có thỏa thuận là nếu xảy ra tranh chấp, thì Tòa án giải quyết là Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên việc Nguyên đơn lựa chọn Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm giải quyết vụ án này là Tòa án nơi Bị đơn có trụ sở là đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Đại diện theo ủy quyền và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Bị đơn trình bày: Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết vụ án do hết thời hiệu khởi kiện 02 năm là đúng quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Nguyên đơn và giữ nguyên Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm. Bị đơn cho rằng Nguyên đơn cố tình muốn kéo dài thời gian giải quyết vụ án bằng nhiều lần hoãn phiên tòa và không có mặt tại Tòa án theo giấy triệu tập.
Đại diện của Bị đơn cũng thừa nhận có ký nhiều Biên bản đối chiếu công nợ với Nguyên đơn, Bản đối chiếu cuối cùng vào ngày 27/11/2013. Ngoài ra, Bị đơn cũng thừa nhận sau ngày 27/11/2013, Bị đơn và Nguyên đơn có nhiều văn bản trao đổi về khoản nợ này và Văn bản gần nhất vào ngày 03/9/2015.
Bị đơn không có ý kiến gì về thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có ý kiến như sau:
Về tố tụng: Đơn kháng cáo của Nguyên đơn trong thời hạn luật định, Nguyên đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo của Nguyên đơn là hợp lệ.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm thụ lý và giải quyết vụ án là đúng quy định của pháp luật vì vụ án này không có yếu tố nước ngoài, Bị đơn có trụ sở đóng tại quận Nam Từ Liêm và thoả thuận lựa chọn Tòa án trong các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa hai bên Nguyên đơn và Bị đơn là vô hiệu.
Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Về nội dung kháng cáo của Nguyên đơn: Quan hệ tranh chấp giữa Nguyên đơn và Bị đơn dựa trên Hợp đồng mua bán hàng hóa mà hai bên đã ký kết với nhau. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ngày 27/11/2013 đại diện của Nguyên đơn và đại diện Bị đơn đã ký Biên bản đối chiếu công nợ, theo đó hai bên thống nhất tổng số tiền Bị đơn còn nợ Nguyên đơn tiền hàng thực tế đã giao là 58.066.571.730 đồng.
Do hai bên không thống nhất với nhau về việc thanh toán tiền nợ nên ngày 25/3/2014, Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn ra Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm. Ngày 16/4/2014, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm ban hành Thông báo sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện. Ngày 31/12/2014, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 52/TB-TA.
Ngày 05/3/2015, Nguyên đơn làm đơn khởi kiện lần thứ hai với cùng nội dung khởi kiện bị đơn tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm. Ngày 30/3/2015, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm lại ban hành Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 18/TB-BSĐKK. Ngày 19/10/2015, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm mới thụ lý vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 07/2016/QĐST- KDTM ngày 18/8/2016 với lý do nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa.
Ngày 04/11/2016, Nguyên đơn lại khởi kiện Bị đơn lần thứ ba ra Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm.Ngày 05/01/2018, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm mở phiên tòa và đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện cho nguyên đơn với lý do hết thời hiệu khởi kiện.
Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội cho rằng, Tòa án sơ thẩm đình chỉ việc giải quyết vụ án trái quy định của pháp luật, vì Nguyên đơn đã khởi kiện Bị đơn lần đầu tiên vào ngày 25/3/2014 là trong thời hiệu. Việc Tòa án sơ thẩm không thụ lý và giải quyết đơn khởi kiện của Nguyên đơn là vi phạm tố tụng, đây thuộc trường hợp trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự năm 2015. Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về vấn đề thụ lý đơn và xử lý đơn khởi kiện trong vụ án này.
Ngoài ra, đây là tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa được quy định tại khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự, nhưng Tòa án sơ thẩm ghi trong Bản án là điểm a khoản 1 Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự là chưa chính xác.
Từ những phân tích về các lần khởi kiện và trình tự thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm, trong quá trình hỏi và tranh luận tại phiên tòa về việc hai bên Nguyên đơn và Bị đơn trao đổi với nhau liên quan về khoản nợ của Bị đơn, Viện kiểm sát nhận thấy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do là hết thời hiệu khởi kiện của Tòa án sơ thẩm là trái quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Nguyên đơn và hủy Bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục chung.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, sau khi nghe các đương sự tranh tụng, trình bày và tranh luận, ý kiến của Luật sư và quan điểm của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng: Đơn kháng cáo của Nguyên đơn làm trong thời hạn luật định và Nguyên đơn đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là hợp lệ.
Về thẩm quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết vụ án, trong các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Nguyên đơn và Bị đơn đều thể hiện hai bên có thỏa thuận nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên thỏa thuận này là vô hiệu vì đây là tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các doanh nghiệp đều được thành lập tại Việt Nam theo pháp luật của Việt Nam (không có yếu tố nước ngoài) thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Khi xảy ra tranh chấp Nguyên đơn đã lựa chọn Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm giải quyết tranh chấp vì Bị đơn có trụ sở tại quận Nam Từ Liêm là hoàn toàn phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung đơn kháng cáo của Nguyên đơn về thời hiệu khởi kiện, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Nguyên đơn là nhà cung cấp thép không gỉ cho Bị đơn trên cơ sở hai bên ký kết với nhau nhiều hợp đồng mua bán hàng hóa.
Ngày 27/11/2013, đại diện cho Nguyên đơn là ông Trương Quang H và đại diện Bị đơn là bà Đỗ Thị Thanh H (kế toán trưởng kiêm Phó tổng giám đốc công ty) đã ký Biên bản đối chiếu công nợ, theo đó hai bên thống nhất tổng số tiền Bị đơn còn phải trả hàng thực tế đã giao là 58.066.571.730 đồng.
Ngày 11/12/2013, Bị đơn có Công văn số 940/KTTC-TN do ông Nguyễn Hùng C- Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng là người đại diện theo pháp luật của Bị đơn gửi cho Nguyên đơn xác nhận là Bị đơn phải thanh toán cho Nguyên đơn số tiền hàng tính đến thời điểm hai bên xác nhận công nợ ngày 28/11/2013 là 58.066.571.730 đồng.
Ngày 11/2/2014, Bị đơn có Công văn số 0014/KTTC-TN gửi Nguyên đơn với nội dung: Chậm trễ trong việc thanh toán và xin gia hạn thanh toán trong thời gian quý 1/2014.
Ngày 27/8/2015, Công ty Luật TNHH A là Công ty luật bảo vệ quyền lợi của Nguyên đơn đã thay mặt Nguyên đơn gửi Công văn số ATIM15CV068 đến Bị đơn về việc nêu rõ công nợ của Bị đơn với Nguyên đơn là 58.066.571.730 đồng và thông báo về việc Nguyên đơn đã khởi kiện vụ việc tại Tòa án.
Ngày 03/9/2015, Bị đơn đã ban hành Công văn số 151/KTTC-TN do bà Vũ Thị Thu H Tổng giám đốc ký gửi Nguyên đơn về việc đối chiếu công nợ và trả lời Công văn số ATIM15CV068, theo đó tại trang 3 đã nêu là Bị đơn không phủ nhận công nợ với Nguyên đơn và sẽ hoàn toàn thiện chí thanh toán cho Nguyên đơn sau khi hai bên cùng đối chiếu để xác định công nợ chính xác từng hợp đồng kinh tế. Như vậy, Bị đơn đã có xác nhận về công nợ với Nguyên đơn dù các bên chưa đối chiếu để xác định công nợ cụ thể.
Trên báo cáo tài chính của Bị đơn được đăng công khai trên mạng thì cho đến thời điểm này đều thể hiện khoản nợ 58.066.571.730 đồng của Bị đơn đối với Nguyên đơn.
Căn cứ theo Điều 157 Bộ luật dân sự, thì thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện. Do đó, thời điểm Bị đơn ban hành Công văn số 151 gửi cho Nguyên đơn được xác định là thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Tính đến ngày Nguyên đơn nộp đơn khởi kiện (lần thứ ba) tại Tòa án sơ thẩm vào ngày 07/11/2016 là vẫn trong thời hiệu khởi kiện 02 năm theo quy định của pháp luật. Tòa án sơ thẩm đã quyết định đình chỉ xét xử vụ án do hết thời hiệu khởi kiện là không đúng quy định của pháp luật.
Thêm vào đó, theo các tài liệu có trong vụ án và Biên bản trao đổi ngày 09/5/2018 tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm thể hiện:
Nguyên đơn đã nhiều lần nộp đơn khởi kiện Bị đơn tại Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm với cùng nội dung đòi nợ theo Công văn xác nhận nợ số 940 ngày 11/12/2013, cụ thể:
Lần thứ nhất: Khởi kiện ngày 25/3/2014, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm ban hành Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 09/TB-BSĐKK ngày 16/4/2014, ban hành Thông báo trả lại đơn khởi kiện số 52/TB-TA ngày 31/12/2014.
Lần thứ hai: Khởi kiện ngày 05/3/2015, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm ban hành Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện số 18/TB-BSĐKK ngày 30/3/2015. Ngày 19/10/2015, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm thụ lý vụ án. Quá trình giải quyết, Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 07/2016/QĐST-KDTM ngày 18/8/2016 với lý do Nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai tại phiên tòa.
Lần thứ ba: Khởi kiện ngày 07/11/2016 và Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 02/2018/KDTM-ST ngày 05/01/2018 với lý do là hết thời hiệu khởi kiện, hiện nay vụ án đang được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.
Khoảng thời gian sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện của lần thứ nhất tính từ ngày Tòa án ra Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện đến ngày Tòa án trả lại đơn là 259 ngày; của lần thứ hai tính từ ngày Tòa án Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn đến ngày thụ lý vụ án là 203 ngày. Tổng cộng khoảng thời gian nêu trên là 462 ngày.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật tố tụng dân sự, thì thời gian thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện không tính vào thời hiệu khởi kiện thì khoảng thời gian sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện của hai lần khởi kiện trước đó không tính vào thời hiệu khởi kiện, nên khi Nguyên đơn khởi kiện lần thứ ba tại Tòa án với cùng nội dung khởi kiện thì khoảng thời gian 462 ngày nêu trên không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Mặt khác, căn cứ theo nội dung khởi kiện và các tài liệu nộp tại Tòa án (theo các biên bản giao nhận tài liệu khởi kiện ngày 25/3/2014 và 05/3/2015) thì hồ sơ khởi kiện của Nguyên đơn là phù hợp với quy định tại Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự, đủ điều kiện để thụ lý vụ án. Các tài liệu chứng cứ khác người khởi kiện có thể bổ sung theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án căn cứ theo khoản 5 Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự.
Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã xem xét giải quyết đơn khởi kiện của nguyên đơn là quá chậm trễ; vượt quá thời hạn giải quyết theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự (vượt quá hơn 462 ngày). Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này.
Do lỗi của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm chậm chễ trong việc xử lý đơn khởi kiện làm ảnh hưởng đến việc Nguyên đơn thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự nên khoảng thời gian chậm trễ nêu trên được xác định là trở ngại khách quan đối với việc khởi kiện của Nguyên đơn. Căn cứ theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật dân sự thời gian này không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
Từ những phân tích ở trên về việc không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án khoảng thời gian trở ngại khách quan và thời gian sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, xét cả trong trường hợp xác định thời điểm tính thời hiệu khởi kiện theo quan điểm của Tòa án sơ thẩm là ngày Bị đơn có công văn số 0014/KTTC-TN ngày 11/02/2014 thì tính đến ngày Nguyên đơn khởi kiện 07/11/2016 trừ đi khoảng thời gian 462 ngày thì thời hiệu khởi kiện của vụ án vẫn trong thời hạn 02 năm theo quy định của pháp luật. Như vậy, một lần nữa thấy rằng Bản án sơ thẩm quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là trái quy định của pháp luật. Kháng cáo của Nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận.
Do kháng cáo của Nguyên đơn được chấp nhận, nếu Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa án sơ thẩm và xem xét yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn sẽ làm mất đi quyền kháng cáo của các bên đương sự trong vụ án, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm cần hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên Công ty TNHH P V không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm, tiền tạm ứng án phí sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
Vì các lẽ trên, áp dụng khoản 3 Điều 308, khoản 2 Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự;
QUYẾT ĐỊNH
1. Hủy bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2018/KDTM-ST ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
2. Chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội giải quyết lại theo thủ tục chung.
3. Về án phí: Hoàn trả cho Công ty TNHH P V 2.000.000 (hai triệu) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 07562 ngày 24/01/2018 nộp tại Chi cục thi hành án dân sự quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.
4. Án xử phúc thẩm công khai và có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 70/2018/KDTM-PT ngày 29/05/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa
Số hiệu: | 70/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 29/05/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về