TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 697/2020/DS-PT NGÀY 24/07/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU VÀ ĐÒI TÀI SẢN
Trong các ngày 17 và 24 tháng 7 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 94/2020/DSPT ngày 22/01/2020 về việc: “Tranh chấp về tranh chấp quyền sở hữu và đòi tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 579/DS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo và bị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 262/2020/QĐ-PT ngày 29/6/2020 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Công ty C;
Trụ sở: Số 127 đường Đ, Phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh;
Địa chỉ liên lạc: Số 22/15A đường H, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông H, sinh năm 1961; (có mặt) Địa chỉ: Số 234/35 đường L, Phường S, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh (là đại diện theo pháp luật).
Bị đơn:
1. Bà H, sinh năm 1975; (có mặt) Địa chỉ: Số 275/133/4 đường Q, Phường M, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Ông Q, sinh năm 1926; (có mặt) Địa chỉ: Số 253 đường B, Phường M, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh 3. Em S, sinh năm 2002 (có mặt) 4. Em H, sinh năm 2002 (có mặt) Cùng địa chỉ: Số 275/133/4 đường Q, Phường M, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người làm chứng:
1. Bà P, sinh năm 1978 (có mặt)
2. Ông P, sinh năm 1969 (có mặt)
3. Ông Tr, sinh năm 1976 (vắng mặt)
4. Ông Thh, sinh năm 1966 (có mặt)
5. Ông Nguyễn Trí D, sinh năm 1983 (có mặt) Cùng địa chỉ liên lạc: Số 22/15A đường H, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Ông V, sinh năm 1981; (vắng mặt) Địa chỉ: Số 10/4 Đường số C, khu phố 1, phường H, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Bà N, sinh năm 1977; (vắng mặt) Địa chỉ: Số 10 Lô B3, Cư xá 304, đường N, Phường H, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
8. Bà C, sinh năm 1982; (có mặt) Địa chỉ: Số 18E đường N, Phường M, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Bà H, sinh năm 1989; (có mặt) Địa chỉ: Số 80/27A đường N, Phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Bà D, sinh năm 1961; (vắng mặt) Địa chỉ: Số 53 đường H, Phường H, quận P, Thành phố Hồ Chí Minh 11. Bà A, sinh năm 1978; (vắng mặt) Địa chỉ: Số 27 đường T, Khu dân cư G, phường P, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh Người kháng cáo: Ông Q và bà H.
Viện kiểm sát kháng nghị: Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 03/5/2017, đơn thay đổi, bổ sung đơn khởi kiện ngày 24/8/2017 và ngày 30/7/2019 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Dtrình bày:
Ngày 20/01/2017 Công ty C (sau đây gọi tắt là Công ty C) nhận được nguồn tiền 63.000.000.000 đồng từ Công ty P là cổ đông chiến lược của Công ty C nội dung là để chi trả các khoản nợ cấp thiết như nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thuế nhà nước, các khoản phải thi hành án... Sau khi nhận được khoản tiền này thì Công ty C đã chi trả một số khoản nợ, còn lại một khoản tiền khoảng 7.637.000.000 đồng.
Ngày 23/01/2017 Công ty C có mở cuộc họp giao ban với các thành phần tham dự gồm ông D là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc (chủ tọa); ông Glà trưởng phòng Tài chính - Kế toán; bà P là trưởng phòng Hợp tác - đầu tư, ông V là trưởng phòng TCHC, chủ tịch công đoàn; ông P là trưởng phòng vật tư - thiết bị; ông Tr là trưởng phòng kế hoạch - kỹ thuật; ông T là Phó phòng vật tư - thiết bị (Thư ký); ông D là bí thư đoàn thanh niên. Tại cuộc họp đã thống nhất là chuyển vào tài khoản cá nhân ông G với số tiền là 6.737.000.000 đồng và tài khoản cá nhân ông Dsố tiền 1.500.000.000 đồng để ông C, ông D mở sổ tiết kiệm lấy tiền lời bổ sung vào quỹ công đoàn.
Và theo đúng tinh thần cuộc họp thì chiều ngày 23/01/2017 lúc 15 giờ 49 phút 58 giây bà H (kế toán Công ty C) đã rút tiền từ tài khoản Công ty C (số tài khoản 1351 00000 14777 Tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định) số tiền 6.450.000.000 đồng theo giấy rút tiền mặt số 0139, ngay sau đó vào lúc 15 giờ 52 phút 14 giây bà Hương đã chuyển số tiền 6.350.000.000 đồng vào tài khoản cá nhân ông G, số tài khoản 13510000113247 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định theo giấy nộp tiền mặt số 0141 ngày 23/01/2017 với nội dung “CHUYEN TIEN TK CTY”.
Ngày 06/02/2017 ông G đã mở 12 sổ tiết kiệm (đã rút ra 1 sổ trước thời hạn, còn lại 11 sổ) tại Ngân hàng đầu tư Việt Nam, mỗi sổ trị giá 500.000.000 đồng. Cụ thể: Sổ tiết kiệm số 1909128, sổ tiết kiệm số 1909129, sổ tiết kiệm số 1909730, sổ tiết kiệm số 1909731, sổ tiết kiệm số 1909732, sổ tiết kiệm số 1909733, sổ tiết kiệm số 1909735, sổ tiết kiệm số 1909736, sổ tiết kiệm số 1909737, sổ tiết kiệm số 1909738 và sổ tiết kiệm số 1909739.
Ngày 14/02/2017 vào hồi 16:16:56 Công ty C (do bà L) nộp tiền vào tài khoản số 13510000113247 của ông G tại Ngân hàng đầu tư Việt Nam số tiền 300.000.000 đồng, sau khi trừ đi phí nộp tiền thì tài khoản ông G nhận là 299.901.033 đồng.
Ngày 16/02/2017 Công ty C (do bà L) nộp tiền vào tài khoản số 13510000113247 của ông G tại Ngân hàng đầu tư Việt Nam số tiền 87.000.000 đồng, sau khi trừ đi phí nộp tiền thì tài khoản ông G nhận là 86.971.299 đồng.
Như vậy tổng số tiền Công ty C đã gửi vào tài khoản cá nhân của ông G là 6.737.000.000 đồng, sau khi trừ đi phí nộp tiền thì số tiền Công ty C đã chuyển cho ông G là 6.736.872.332 đồng.
Sau đó do nhu cầu sử dụng tiền của Công ty C nên theo yêu cầu của ban giám đốc ông G đã chuyển lại vào tài khoản của Công ty C và chi hộ cho 2 cá nhân của Công ty C gồm những khoản cụ thể như sau:
Chi cho ông P số tiền 150.000.000 đồng theo ủy nhiệm chi số 0038 ngày 14/02/2017.
Chi cho P số tiền 27.000.000 đồng theo ủy nhiệm chi số 0035 ngày 14/02/2017.
Ngày 15/02/2017 ông G rút tiền mặt từ tài khoản của ông G số tiền 30.000.000 theo giấy rút tiền mặt số 0070 để nộp vào tài khoản Công ty C số tài khoản 13510000094777 tại Ngân hàng đầu tư Việt Nam theo giấy nộp tiền mặt số 0015 ngày 15/02/2017.
Ngày 20/02/2017 ông G nộp tiền mặt vào tài khoản Công ty C số tài khoản 13510000094777 tại Ngân hàng đầu tư Việt Nam theo giấy nộp tiền mặt số 0057 ngày 20/02/2017, số tiền 101.000.000 đồng.
Ngày 21/02/2017 ông G nộp tiền mặt vào tài khoản Công ty C số tài khoản 13510000094777 tại Ngân hàng đầu tư Việt Nam theo giấy nộp tiền mặt số 0007 ngày 21/02/2017, số tiền 800.000.000 đồng (trong đó có 500.000.000 đồng ông G rút từ sổ tiết kiệm số 1909734, còn 300.000.000 đồng ông G rút từ tài khoản do bà Pham Kim L chuyển cho ông G ngày 14/02/2017.
Như vậy tổng sổ tiền ông G đã nộp vào tài khoản của Công ty C và chi hộ cho Công ty C là 1.108.000.000 đồng. Sau khi cấn trừ khoản tiền Công ty C chuyển vào tài khoản ông G (6.737.000.000 đồng) và số tiền mà ông G đã nộp lại vào tài khoản Công ty C, chi hộ cho Công ty C (1.108.000.000 đồng) thì số tiền ông G còn giữ của Công ty C là: 6.737.000.000 - 1.108.000.000 đồng = 5.629.000.000 đồng.
Nguyên đơn yêu cầu xác định số tiền 5.629.000.000 đồng là tiền Công ty C (Trong đó 5.500.000.000 đồng trong 11 sổ tiết kiệm ông G đứng tên và 129.000.000 đồng trong tài khoản của ông G) và buộc các đồng thừa kế của ông Ggồm bà H, ông Q, em S, em H (do bà H là đại diện hợp pháp) trả cho nguyên đơn số tiền trên và tiền lãi phát sinh của số tiền 5.500.000.000 đồng trong 11 sổ tiết kiệm ông G đứng tên tạm tính đến ngày 06/10/2019 là 733.699.489 đồng.
Nguyên đơn yêu cầu Tòa án tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời 2202/2017/QĐ-BPKCTT ngày 25/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp để đảm bảo thi hành án.
Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn trả cho bị đơn giá trị 88 cổ phiếu tương đương 8.800.000 đồng, nguyên đơn đồng ý trả cho bị đơn làm một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Bị đơn là bà H – cũng là đại diện hợp pháp em S và em H trình bày:
- Bà khẳng định là cuộc họp ngày 23/01/2017 là không diễn ra, bởi các lý do sau:
+ Thứ nhất, Biên bản họp hội đồng quản trị ngày 19/01/2017 được lập ra là ngụy tạo, không có sự tham gia của các thành viên đương nhiệm, không đủ số lượng cổ đông có mặt. Ngoài ra biên bản này không có chữ ký của ông G hay bất kỳ thành viên đương nhiệm nào (thành viên có 07 người trong đó có ông G).
+ Thứ hai, ông D và nhân viên đã nhiều lần làm giả giấy tờ nộp cho cơ quan nhà nước, ví dụ như vào năm 2015 Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận về việc làm giả giấy tờ của Công ty C. Ngoài ra tại biên bản làm việc với Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an ông G đã thể hiện ông G không tham dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông về việc tăng vốn điều lệ ngày 06/11/2015 nhưng lại có tên của ông G trong biên bản. Với lý do trên, thể hiện ông D đã nhiều lần làm giả giấy tờ.
+ Thứ ba, trong giấy đề nghị nộp tiền vào tài khoản ngày 14/02/2017 và ngày 16/02/2017 do bà L đề nghị nộp tiền vào tài khoản của ông G với số tiền lần lượt là 300.000.000 đồng và 87.000.000 đồng. Tuy nhiên, trong bảng sao kê tài khoản của ông G vào ngày 14/02/2017 và ngày 16/02/2017 không có các khoản tiền trên. Công ty C không giao nộp được phiếu chi tiền mặt từ quỹ tiền mặt của Công ty, điều này chứng tỏ số tiền mà bà L nộp vào tài khoản của ông G không phải là số tiền của Công ty C.
+ Thứ tư, việc rút số tiền 6.450.000.000 đồng từ tài khoản Công ty thì tài khoản của Công ty C phải giảm đi số tiền đó nên phải có phiếu thu tiền mặt nhập quỹ đúng số tiền này để cân đối tài chính. Nếu công ty cho rằng số tiền này là của Công ty thì bắt buộc Công ty phải có phiếu chi tiền mặt phù hợp với số tiền đã lấy đi theo đúng như Luật kế toán. Việc Công ty khẳng định tiền bà Hương nộp vào tài khoản của ông G là tiền của Công ty nhưng không nộp phiếu chi tiền thì chứng tỏ số tiền đó không phải là tiền của Công ty. Vì muốn chiếm đoạt số tiền của ông G nên Công ty đã làm giả mạo giấy tờ.
+ Thứ năm, đối với số tiền vay 1.000.000.000 đồng mà Công ty vay của ông G với lãi suất 2%/tháng theo như nội dung Biên bản hòa giải ngày 04/8/2017 của ông D là đúng sự thật. Tuy nhiên, nay ông D phủ nhận là không chính xác bằng việc cung cấp cho Tòa hồ sơ vay và trả tiền cho ông Dương Trọng Nghĩa để phủ nhận vay tiền chồng tôi.
Bà H phản bác toàn bộ chứng cứ Công ty C vì không có giá trị pháp lý và khẳng định số tiền 5.500.000.000 đồng trong 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông G là tài sản của chồng bà. Do đó đề nghị Tòa bác yêu cầu của nguyên đơn.
Bà H có yêu cầu phản tố yêu cầu nguyên đơn trả cho bị đơn giá trị 88 cổ phiếu tương đương 8.800.000 đồng, yêu cầu trả làm một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Ông Q là đồng bị đơn trình bày:
- Đối với Biên bản họp giao ban ngày 23/01/2017 mà Công ty C nộp cho Tòa ông khẳng định là do Công ty C lập sau ngày ông G mất (21/02/2017).
- Đối với việc chuyển tiền vào tài khoản của ông G theo giấy nộp tiền mặt số 0141 ngày 23/01/2017 do bà H là người thực hiện chuyển và chứng từ ngày 14 và ngày 16 tháng 02 năm 2017 do bà L thực hiện chuyển là việc nội bộ của Công ty. Khi mở niêm phong phòng làm việc của ông G, trong đó có 11 sổ tiết kiệm đứng tên của ông G là tài sản của ông G.
- Công ty C kiện đòi tài sản là 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông G thì phải đưa ra những căn cứ pháp lý như Biên bản thỏa thuận, hợp đồng có chữ ký của ông G.
- Giấy đề nghị nộp tiền của Công ty cung cấp mà không có số và lập sau ngày ông G mất là không có giá trị pháp lý. Ngoài ra không có hồ sơ thể hiện phiếu thu, chi theo nguyên tắc kế toán phải có chữ ký của kế toán trưởng là ông G.
- Những người làm chứng Tòa án triệu tập để đối chất là không khách quan, họ không biết gì về sổ tiết kiệm của ông G. Nhân chứng quan trọng nhất là ông G thì đã mất.
- Một Công ty có tư cách pháp nhân, có đầy đủ các phòng ban thì không thể nhờ ông G đứng tên giùm các sổ tiết kiệm.
Do đó không có cơ sở xác định tiền trong tài khoản của ông G là của Công ty C nên đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Với nội dung vụ án nêu trên bản án sơ thẩm số 579/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên án:
Căn cứ khoản 2, khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, Điều 229, Điều 273, Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 166, Điều 221, Điều 224, Điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; khoản 1, khoản 4, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội về án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty C.
1.1 Buộc các đồng thừa kế của ông G gồm: Bà H, ông Q, em S, H do bà H là đại diện hợp pháp phải trả cho Công ty C số tiền 5.500.000.000 đồng (Năm tỷ năm trăm triệu đồng), tiền lãi phát sinh tạm tính đến ngày 06/10/2019 là 733.699.469 đồng (Bảy trăm ba mươi ba triệu sáu trăm chín mươi chín ngàn bốn trăm sáu mươi chín đồng) và tiền lãi phát sinh từ ngày 07/10/2019 cho đến khi thi hành án xong trong 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông G; cụ thể Số seri sổ tiết kiệm là AAB1909128, AAB1909129, AAB1909130, AAB1909131, AAB1909132, AAB1909133, AAB1909135, AAB1909136, AAB1909137, AAB1909138, AAB1909139 của Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định. Trả làm một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
1.2 Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C buộc các đồng thừa kế của ông G gồm: Bà H, ông Q, em S, H do bà H là đại diện hợp pháp phải trả cho Công ty C số tiền 129.000.000 (Một trăm hai mươi chín triệu) đồng.
1.3 Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:
Công ty C có trách nhiệm trả cho bà H, ông Q, em S, em H 8.800.000 đồng (Tám triệu tám trăm nghìn đồng) tương đương với giá trị 88 cổ phiếu làm một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời 2202/2017/QĐ-BPKCTT ngày 25/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp để đảm bảo thi hành án.
Các đương sự thi hành dưới sự giám sát của cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
1.4 Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bà H, ông Q, em S, H do bà H là đại diện hợp pháp chưa thi hành khoản tiền trên thì hàng tháng bà H, ông Q, em S, em H do bà H là đại diện hợp pháp còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành án. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được thực hiện theo quy định theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
1.5 Kể từ ngày bà H, ông Q, em S, em H do bà H là đại diện hợp pháp có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty C chưa thi hành khoản tiền trên thì hàng tháng Công ty C còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành án. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được thực hiện theo quy định theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo cho các bên đương sự.
Ngày 10/12/2019 bị đơn Q và H kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ngày 25/12/2019 Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định kháng nghị số 659/QĐKNPT-VKS-DS với nội dung bản án sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị đơn H trình bày yêu cầu kháng cáo: Nguyên bà kết hôn với ông G vào năm 2000, trong quá trình sống chung bà được biết ông G có hùn tiền làm ăn với Công ty C và cá nhân ông D, do là công việc làm ăn riêng của chồng từ trước khi kết hôn nên bà không rõ lắm, chỉ 2 lần ông G cho bà biết đã cho Công ty vay 02 lần một lần vay 1 tỷ đồng một lần vay 800 triệu đồng vào khoảng năm 2007 và năm 2014. Như vậy, khoản tiền trong tài khoản của ông G và khoản tiền trong 11 sổ tiết kiệm là di sản mà ông G để lại cho những người thừa kế của ông G. Phía Công ty C khởi kiện mà không đưa ra được chứng cứ có giá trị chứng minh nên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm không chấp toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 2202/2017/QĐ-BPKCTT ngày 25/9/2017 phong tỏa 11 sổ tiết kiệm mang tên sở hữu cá nhân của ông G.
Bị đơn Q trình bày yêu cầu kháng cáo: Trong quá trình giải quyết vụ án Nguyên đơn chỉ đưa ra được chứng cứ là biên bản họp ngày 23/01/2017 với nội dung gởi số tiền 6.737.000.000đ vào tài khoản cá nhân của ông G, 1.500.000.000đ vào tài khoản cá nhân của ông D để làm chứng cứ chứng minh cho yêu cầu số tiền trong tài khoản của ông G và 11 sổ tiết kiệm của ông G là tài sản của Công ty và đề nghị bị đơn phải hoàn trả số tiền này cho nguyên đơn. Tuy nhiên, biên bản này là chứng cứ ngụy tạo do Công ty không đưa ra được văn bản nào thể hiện việc giao nhiệm vụ cho ông G đứng tên dùm cho Công ty mở một tài khoản để thực hiện việc giao dịch. Biên bản này có số thứ tự là 01, nhưng biên bản họp hội đồng quản trị trước đó (ngày 19/01/2017) lại có số thứ tự là 11 không theo nguyên tắc thống kê văn phòng. Người làm chứng trong vụ án đều là nhân viên Công ty C nên lời khai của họ không thể là chứng cứ để khẳng định buổi họp ngày 21/01/2017 là có thật. Ông Q đề nghị Tòa phúc thẩm sửa bản án như yêu cầu của bà H.
Nguyên đơn trình bày ý kiến về yêu cầu kháng cáo của bị đơn: Phía công ty không có ý định kiếm tiền từ đồng nghiệp đã mất mà đây là khoản tiền của cổ đông mà công ty chúng tôi phải có trách nhiệm với đồng vốn của họ nên mới phải khởi kiện vụ án. Với 04 yêu cầu mà Tòa án cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ như: Bổ sung thêm bị đơn, cung cấp biên bản họp Hội đồng quản trị Công ty ngày 19/01/2017, các chứng cứ về dòng tiền vào và ra khỏi tài khoản của ông G đã được cung cấp đầy đủ, đủ cơ sở khẳng định tài khoản của ông G là tài khoản mở rộng của Công ty C nhằm tránh các cơ quan khác phong tỏa tài khoản của Công ty C đột ngột dẫn tới bị đình trệ trong giao dịch kinh tế. Các chứng cứ lời khai của người làm chứng trong việc giao 11 sổ tiết kiệm cho bà H giữ cũng thể hiện rõ ở chỗ, tại buổi bàn giao tài sản của ông G, Công ty cũng nói rõ cho bà H về 11 sổ tiết kiệm là của công ty nhưng nhờ ông G đứng tên, bà H đã thống nhất là sẽ trả sổ cho Công ty nếu thật sự 11 sổ tiết kiệm này là của công ty, mặt khác do sổ tiết kiện đứng tên của ông G nên Công ty muốn nhận lại sổ thì cũng phải có ý kiến của những người thừa kế của ông G. Do đó, Công ty mới đồng ý giao sổ cho bà H mà không phải Công ty đã công nhận 11 sổ tiết kiệm cũng như số tiền trong tài khoản của ông G là của cá nhân ông G. Đối với phiên họp giao ban ngày 23/01/2017, là buổi họp để tổng giám đốc giao nhiệm vụ cho các thành viên Công ty tiến hành các công việc cần làm trong quá trình sản xuất kinh doanh, cuộc họp này theo thông lệ không có ký nhận biên bản của các thành viên tham gia phiên họp và các thành viên trong buổi họp dù còn làm việc tại công ty hay đã nghỉ việc đều đã xác nhận, biên bản này phù hợp với các chứng cứ là các phiếu chuyển tiền của bà bà Lvà bà H chuyển cho ông G. Chính vì vậy, chứng cứ là biên bản họp giao ban ngày 23/01/2017 của công ty là có giá trị chứng minh chi việc Công ty C đã nhờ ông G đứng tên trong tài khoản mở rộng của Công ty, và số tiền trong tài khoản là của Công ty C.
Trong quá trình làm việc tại công ty ông G là người trung thực và có uy tín cao trong công ty do đó, ban giám đốc tin tưởng và giao trách nhiệm cho ông G đứng tên trong tài khoản (mở rộng) của Công ty. Vì sự tin tưởng cao nên ban giám đốc không lập biên bản giao nhiệm vụ cho ông G, cũng như không lập biên bản kiểm kê số tiền trong tài khoản của ông G hàng quý hoặc hàng năm là có thiếu sót. Tuy nhiên, trên thực tế thì mọi giao dịch trên tài khoản của ông G đều hướng tới những công việc của Công ty, không có khoản nào là chi tiêu các nhân của ông G hay gia đình ông G nên không thể mặc nhiên cho rằng tài khoản của ông G là tài khoản cá nhân của ông G.
Vì các lý do trên đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về kháng nghị:
Tòa án nhân dân quận Gò Vấp dựa vào các chứng cứ gồm biên bản họp giao ban công ty ngày 23/01/2017, các chứng từ nộp tiền vào tài khoản của ông G, lời khai của người làm chứng là nhân viên của Công ty C và tại bàn làm việc của ông G có 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông G, 03 sổ tiết kiệm đứng tên ông Dđể buộc các đồng thừa kế của ông G phải trả lại số tiền 5.629.000.000đ là chưa đủ cơ sở. Bởi lẽ, biên bản họp giao ban không có chữ ký của ông G, các chứng từ chuyển tiền cho ông G không ghi rõ nội dung chuyển tiền. Trong khi đó, theo bản sao kê tài khoản của ông Nguyễn Văn G tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – chi nhánh Gia Định từ năm 2005 đến năm 2017 thể hiện Công ty C và ông G có rất nhiều lần chuyển tiền qua lại với nhau, đồng thời ông G cũng năm giữ cổ phần (88 cổ phiếu) của Công ty C nên số tiền nguyên đơn chuyển vào tài khoản của ông G cũng là để trả nợ vay và tiền lời trong làm ăn.
Tại Quyết định Giám đốc thẩm số 168/2019/DS-GĐT ngày 04/7/2019 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi phân tích các khoản thu chi trong tài khoản của ông G thông qua bản sao kê ngân hàng, các khoản tiền mà Công ty C đã vay của ông G vào năm 2010 và năm 2014. Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định giữa Công ty C với ông G có nhiều giao dịch chuyển tiền với nhiều mục đích sử dụng khác nhau chứ không phải chỉ có chuyển số tiền 6.737.000.000đ để cho rằng 11 sổ tiết kiệm ông G gửi ngày 06/02/2017 là đứng tên dùm Công ty C. Lẽ ra Tòa án cấp sơ thẩm cần làm rõ để xác định nguồn tiền vào tài khoản của ông G khoản nào là của Công ty, khoản nào là của ông G, mục đích chuyển tiền vào tài khoản ông G để làm gì thì mới có cơ sở giải quyết vụ án. Từ đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định hủy bản án dân sự phúc thẩm số 813/2018/DS-PT ngày 07/9/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 172/2018/DS-ST ngày 07/5/2018 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh giữa nguyên đơn là Công ty C với bị đơn là bà H. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết lại vụ án, tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã không làm rõ vụ án theo nhận định trên của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh mà đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc bên bị đơn phải trả 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông G là không có cơ sở chấp nhận.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
Về hình thức: Đơn kháng cáo của đương sự nằm trong hạn luật định nên hợp lệ. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
Về nội dung: Sau khi phân tích những tình tiết khách quan của vụ án, căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử, chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa sau khi phân tích, đánh giá về kháng cáo, kháng nghị, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, đối chiếu những căn cứ pháp luật, Hội đồng xét xử Phúc thẩm nhận định:
[1] Bản án sơ thẩm số 579/2019/DS-ST của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp được tuyên vào ngày 28/11/2019, ngày 10/12/2019 bị đơn là bà H và ông Q kháng cáo, ngày 12/12/2019 bị đơn H đóng tạm ứng án phí phúc thẩm, đơn kháng cáo của bị đơn nằm trong thời hạn luật định, bị đơn có đóng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm do đó Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm.
[2] Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 659/QĐKNPT-VKS-DS ngày 25/12/2019 đối với bản án sơ thẩm số 579/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Kháng nghị một phần bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa toàn bộ bản án sơ thẩm theo hướng, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thuộc thẩm quyền và trong thời hạn, tại phiên tòa đại diện Viên kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị nên được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận xem xét tại phiên tòa.
[3] Do có kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của Viện kiển sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng đề nghị tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần nội dung bản án sơ thẩm. Đồng thời Quyết định giám đốc thẩm số 168/2019/DS- GĐT ngày 04 tháng 7 năm 2019 về tranh chấp đòi lại tài sản giữa Công ty C và bà H Tòa án cấp cao cũng đã nhận định “Số tiền 5.500.000.000 đồng trong 11 sổ tiết kiệm do ông G đứng tên thuộc quyền sở hữu của ông G, khi ông G chết thì những người thừa kế được hưởng di sản của ông G để lại. Nguyên đơn khởi kiện cho rằng đây là tài sản của Công ty C nhờ ông G đứng tên sổ tiết kiệm thì phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình”. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ chứng cứ mà các bên đã cung cấp cho Tòa án.
[5] Sau khi có Quyết định Giám đốc thẩm và được Tòa án nhân dân quận Gò Vấp thụ lý lại vụ án, nguyên đơn có cung cấp cho Tòa án Biên bản họp Đại hội cổ đông bất thường ngày 19/01/2017 của Công ty C. Tại tờ tường trình 7 về việc xử lý tình hình tài chính Công ty có ghi nhận “Để có nguồn vốn giải quyết hết các khoản nợ tồn đọng, làm lành mạnh tài chính Công ty” đại hội cổ đông thông qua phương án … ký hợp đồng đặt cọc với Công ty TNHH Đầu tư, Kinh doanh Thương mại Phát Lộc và thực hiện việc chuyển giao khu đất có diện tích 4.542m2 (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số N445049), quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu có. Tại biên bản cuộc họp này không giao nhiêm vụ cụ thể cho Tổng giám đốc Công ty xử lý khoản tiền mà Công ty P trả cho Công ty C.
[6] Biên bản họp giao ban ngày 23/01/2017 ông D với tư cách là Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc đã có quyết định sử dụng 63.000.000.000 đồng từ Công ty Phát Lộc chuyển sang, cho các khoản chi trả Bảo hiểm xã hội, chi trả Thuế, số tiền lãi phạt chưa đóng là 8.237.000.000 đồng giao cho ông G 6.737.000.000 đồng, ông D 1.500.000.000 đồng mở sổ tiết kiệm mục đích kiếm tiền lãi đóng vào quỹ Công đoàn.
[7] Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần (mã số doanh nghiệp: 0300428004 Đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 20/4/2007 của Công ty C thì vốn điều lệ 17.399.995.131 đồng có thể thấy việc ông D quyết định sử dụng số tiền 63.000.000.000 đồng mà không thông qua Hội đồng quản trị, vượt quá tỷ lệ được phép là 35% vốn của doanh nghiệp là đã vi phạm Điều 57.2 Điều lệ Công ty có hiệu lực ngày 19/01/2017 và các điểm d khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 1 Điều 144, khoản 2 Điều 162 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[8] Tại biên bản họp giao ban thì chỉ có chữ ký của ông D và ông T là thư ký mà không có chữ ký của ông G, như vậy việc Công ty có giao nhiệm vụ cho ông G giữ khoản tiền 6.737.000.000 đồng nhưng không buộc ông G phải ký nhận nhiệm vụ của mình là chưa đủ cơ sở chúng minh cho mục đích chuyển tiền của Công ty C vào tài khoản của ông G.
[9] Qua các bản sao kê tài khoản của ông G tại ngân hàng cho thấy: Từ năm 2005 đến tháng 3 năm 2017, Công ty C đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản của ông G, đồng thời ông G cũng cho Công ty C vay tạm ứng nhiều lần, cụ thể Công ty C đã nộp vào tài khoản của ông G 16.780.794.332 đồng, ông G nộp vào tài khoản của Công ty C là 2.927.421.460 đồng. Theo nội dung bà H và bà Lchuyển tiền cho ông G ngày 23/01/2017 thể hiện “Chuyển tiền TK Cty”, “L chuyển tiền” ngoài ra không có nội dung gì thể hiện Công ty C nhờ ông G đứng tên sổ tiết kiệm dùm Công ty.
[10] Từ việc Đại hội cổ đông không giao nhiệm vụ cho ông D xử lý khoản tiền mà Công ty P chuyển sang (mục [5]), việc tự xử lý tài sản doanh nghiệp đã vi phạm Điều lệ Công ty và Luật Doanh nghiệp (mục [7]), việc giao nhiệm vụ cho ông G theo biên bản họp giao ban ngày 23/01/2017 nhưng không có chữ ký nhận nhiệm vụ của ông G (mục [8]) mục đích chuyển tiền không được đề cập cụ thể (mục [9]). Do đó, biên bản họp giao ban ngày 23/01/2017 không đủ cơ sở pháp lý cho việc sử dụng khoản tiền của Tổng giám đốc Công ty C, chứng cứ này không có giá trị chứng minh cho mục đích chuyển tiền của Công ty C cho ông G.
[11 Qua xem xét các bản sao kê và các chứng từ nhân thấy. Chứng từ ngày 01/10/2012, Công ty C chuyển vào tài khoản ông G 60.000.000 đồng, nội dung trả nợ vốn cho ông G, chứng từ ngày 07/02/2013 Công ty C chuyển trả cho ông G số tiền 500.000.000 đồng, trả nợ vốn vay, vốn sản xuất cho ông G chứng từ ngày 21/02/2017 ông G nộp vào tài khoản Công ty C số tiền 800.000.000 đồng ngoài các chứng từ do ngân hàng sao kê ông G còn thực hiện rất nhiều giao dịch nộp và rút tiền măt với Công ty C. Ngoài ra theo thừa nhận của Công ty C năm 2010 Công ty C có nợ của ông G 1.000.000.000 đồng, năm 2014 mượn sổ tiết kiệm 800.000.000 đồng, mặc dù 02 khoản tiền vay này đã có chứng từ thanh toán, nhưng cũng cho thấy giữa ông G và Công ty C đã có rất nhiều giao dịch chuyển tiền với nhiều mục đích khác nhau.
[12] Sau khi Tòa án nhân dân quận Gò Vấp thụ lý lại vụ án. Phía Công ty C có phân tích tổng hợp nguồn tiền vào và ra trong tài khoản ông G từ ngày 30/8/2013 và đối chiếu với tài liệu kế toán của Công ty C. Tuy nhiên, qua xem xét những tài liệu này thì thấy ông G có nhiều lần rút tiền (các khoản ông G rút ra ngày 10, 11, 17, 24 tháng 9 năm 2013, ngày 8, 10 tháng 1 năm 2014…) nhưng không rõ chi vào đâu? Chi cho Công ty C hay cho cá nhân ông G? Theo bản sao kê giao dịch chuyển tiền trả thay thì ông G đã trả thay các khoản cho Công ty C từ ngày 04/3/2009; bản sao kê giao dịch Công ty C nộp tiền vào tài khoản ông G từ ngày 05/10/2005 như vậy vẫn còn khoản thời gian không được Công ty C phân tích nguồn tiền ra vào tài khoản của ông G. Từ các lý do này có thể xác định Công ty C chưa chứng minh được “Khoản tiền nào là của ông G, khoản tiền nào là của Công ty C và mục đích chuyển tiền vào tài khoản của ông G để làm gì” theo yêu cầu của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[13] Tại phiên tòa phúc thẩm ông D thừa nhận, ông không rõ người lãnh đạo tiền nhiệm Công ty C có văn bản giao nhiệm vụ cho ông G đứng tên tài khoản ngân hàng dùm Công ty C hay không. Nhưng từ khi ông tiếp quản Công ty C thì ông không ra văn bản này, các dịp quyết toán hàng quý hàng năm ông G và kế toán công ty cũng không lập biên bản kiểm tra số tiền của công ty còn lại trong tài khoản của ông G. Như vậy, Công ty C cũng chưa chứng minh được tài khoản của ông G cũng là của tài khoản của Công ty C.
[14] Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 BLTT DS về nghĩa vụ chứng minh thì “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp…”. Nhưng như phân tích từ các mục nêu trên chứng cứ do nguyên đơn cung cấp chưa có giá trị chứng minh, nên nguyên đơn phải chịu “hậu quả” của việc không cung cấp được chứng cứ có giá trị chứng minh cho yêu cầu của mình. Trong khi nguyên đơn chưa chứng minh được yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, Tòa án cấp sơ thẩm lại dựa vào biên bản họp giao ban ngày 23/01/2017 và các chứng từ chuyển tiền của bà Hvà bà Lchuyển tiền cho ông G ngày 23/01/2017 và việc bị đơn không cung cấp chứng cứ có giá trị chứng minh biên bản họp giao ban ngày 23/01/2017 là giả mạo, để kết luận khoản tiền còn lại trong tài khoản của ông G và 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông G là của Công ty C là không có cơ trở và trái với kết luận tại mục [4] của Quyết định giám đốc thẩm số 186/2019/DS-GĐT ngày 04/7/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
[15] Do nguyên đơn không có chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cấp sơ thẩm đã nhầm lẫn về nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn và bị đơn theo khoản 1 và 2 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị phúc thẩm số 659/QĐKNPT-VKS- DS ngày 25/12/2019 đối với bản án sơ thẩm số 579/2019/DS-ST ngày 28/11/20119 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh và kháng cáo của bị đơn sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[16] Các phần khác không có kháng cáo, kháng nghị được giữ nguyên.
[17] Về án phí: Vụ án được Tòa án nhân dân quận Gò Vấp xét xử sơ thẩm lần đầu theo Bản án số 172/2018/DSST ngày 07/5/2018 và Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo Bản án số 813/2018/DSPT ngày 07/9/2018.
Tại quyết định giám đốc thẩm số: 168/2019/DS-GĐT ngày 04/7/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên hủy Bản án dân sự phúc thẩm số 813/2018/DSPT ngày 07/9/2018 và Bản án dân sự sơ thẩm số 172/2018/DSST ngày 07/5/2018 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp.
Tại Công văn số 514/THADS ngày 08/11/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh phúc đáp Công văn số 422/TAQGV ngày 04/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp về những khoản đã thi hành được tại Bản án dân sự phúc thẩm số 813/2018/DSPT ngày 07/9/2018 như sau:
“1. Cấn trừ số tiền 300.000 đồng bà H đã nộp theo biên lai thu số 002795 ngày 16/8/2017 sang nộp án phí theo biên lai thu chính thức số 38789 ngày 12/10/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp.
Khấu trừ số tiền 300.000 đồng theo biên lai số AA/2017/0029241 ngày 18/5/2018 và 300.000 đồng theo biên lai số AA/2017/0029294 ngày 24/5/2018 sang nộp án phí cho bà H, ông Q, em S, em H theo biên lai số 44723 ngày 14/3/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp. Số tiền còn phải nộp là 112.600.000 đồng.
2. Cấn trừ số tiền 6.890.000 đồng theo biên lai tạm thu số 0018466 ngày 12/5/2017 sang biên lai thu chính thức số 38790 ngày 12/10/2018 và hoàn cho Công ty C số tiền 49.924.500 đồng theo số Séc 244 ngày 05/3/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp”.
Ngày 20/11/2019 Công ty C đã nộp tạm ứng án phí bổ sung số tiền 57.181.350 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2019/0025016 ngày 20/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp.
17.1 Đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là số tiền tại 11 sổ tiết kiệm và tiền lãi tổng cộng là 6.233.699.489 đồng, án phí đối với yêu cầu này Công ty C phải chịu là 114.233.699 đồng.
17.2 Đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận đối với số dư còn lại của tài khoản ông G là 129.000.000 đồng, án phí đối với yêu cầu này là 6.450.000 đồng 17.3 Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về 88 cổ phần của ông G tương đương 8.800.000 đồng, do hai bên đã thoả thuận đối với yêu cầu này, nên án phí dân sự sơ thẩm mỗi bên chịu một nửa là 220.000 đồng.
Tổng cộng án phí dân sự sơ thẩm Công ty C phải chịu là 120.903.699 đồng. Công ty C đã đóng tạm ứng án phí là 57.181.350 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2019/0025016 ngày 20/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp, Công ty C còn phải nộp thêm 63.722.349 đồng.
Hoàn trả lại cho Công ty C số tiền án phí đã nộp là 6.890.000 đồng theo biên lai tạm thu số 0018466 ngày 12/5/2017.
Án phí dân sự dân sự sơ thẩm Ông Q được miễn tiền án phí do là người cao tuổi; bà H, em S, em H phải chịu án phí là 220.000 đồng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp tổng cộng là 900.000 đồng theo các biên lai thu số 002795 ngày 16/8/2017; AA/2017/0029241 ngày 18/5/2018 và AA/2017/0029294 ngày 24/5/2018 cùng của Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp. Bà H được nhận lại số tiền chênh lệch là 680.000 đồng.
Do bản án sơ thẩm bị sửa nên các đương sự không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ Điều 166, Điều 221, Điều 224, Điều 609, 612 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 1, khoản 4, khoản 5 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội về án phí và lệ phí Tòa án. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã được sửa đổi bổ sung năm 2014; Tuyên xử:
Chấp nhận quyết định kháng nghị phúc thẩm số 659/QĐKNPT-VKS-DS ngày 25/12/2019 của Viện trưởng Viện kiển sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Và kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm số 579/2019/DS-ST ngày 28/11/2019 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp thành phố Hồ Chí Minh.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C.
1.1 Các đồng thừa kế của ông G gồm: ông Q, bà H, em S, em H, được thừa hưởng số tiền 5.500.000.000 đồng (Năm tỷ năm trăm triệu đồng), tiền lãi phát sinh tạm tính đến ngày 06/10/2019 là 733.699.469 đồng (Bảy trăm ba mươi ba triệu, sáu trăm chín mươi chín ngàn, bốn trăm sáu mươi chín đồng) và tiền lãi phát sinh từ ngày 07/10/2019 cho đến khi thi hành án xong trong 11 sổ tiết kiệm đứng tên ông G; cụ thể Số seri sổ tiết kiệm là AAB1909128, AAB1909129, AAB1909130, AAB1909131, AAB1909132, AAB1909133, AAB1909135, AAB1909136, AAB1909137, AAB1909138, AAB1909139 của Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định.
1.2 Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty C buộc các đồng thừa kế của ông G gồm: Bà H, ông Q, em S, em H phải trả cho Công ty C số tiền 129.000.000 (Một trăm hai mươi chín triệu) đồng - là số tiền còn lại trong tài khoản cá nhân ông G, số tài khoản 13510000113247 tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Gia Định 1.3 Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:
Công ty C có trách nhiệm trả cho bà H, ông Q, em S, em H 8.800.000 đồng (Tám triệu tám trăm nghìn đồng) tương đương với giá trị 88 cổ phiếu làm một lần ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
Hủy bỏ Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời 2202/2017/QĐ- BPKCTT ngày 25/9/2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp theo Quyết định huỷ bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 219/2020/QĐ-BPKCTT ngày 24/7/2020 1.4 Kể từ ngày bà H, ông Q, em S, em H có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty C chưa thi hành khoản tiền trên thì hàng tháng Công ty C còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án tương ứng với thời gian và số tiền chưa thi hành án. Lãi suất phát sinh do chậm thi hành được thực hiện theo quy định theo khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm:
2.1 Đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận là số tiền tại 11 sổ tiết kiệm và tiền lãi tổng cộng là 6.233.699.489 đồng (sáu tỷ, hai trăm ba mươi ba triệu, sáu trăm chín mươi chín ngàn, bốn trăm tám mươi chín đồng), án phí đối với yêu cầu này Công ty C phải chịu là 114.233.699 đồng (một trăm mười bốn triệu, hai trăm ba mươi ba ngàn, sáu trăm chín mươi chín đồng) 2.2 Đối với yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận đối với số dư còn lại của tài khoản ông G là 129.000.000 đồng (một trăm hai mươi chín triệu đồng), án phí đối với yêu cầu này là 6.450.000 đồng (sáu triệu bốn trăm năm mươi ngàn đồng) 2.3 Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn về 88 cổ phần của ông G tương đương 8.800.000 đồng (tám triệu tám trăm ngàn đồng), do hai bên đã thoả thuận đối với yêu cầu này, nên án phí dân sự sơ thẩm mỗi bên chịu một nửa là 220.000 đồng (hai trăm hai mươi ngàn đồng).
Tổng cộng án phí dân sự sơ thẩm Công ty C phải chịu là 120.903.699 đồng (một trăm hai mươi triệu, chín trăm lẻ ba ngàn, sáu trăm chín mươi chín đồng). Công ty C đã đóng tạm ứng án phí là 57.181.350 đồng (năm mươi bảy triệu, một trăm tám mươi mốt ngàn, ba trăm năm mươi đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2019/0025016 ngày 20/11/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Gò Vấp, Công ty C còn phải nộp thêm 63.722.349 đồng (sáu mươi ba triệu, bảy trăm hai mươi hai ngàn, ba trăm bốn mươi chín đồng).
Hoàn trả lại cho Công ty C số tiền án phí đã nộp là 6.890.000 đồng (sáu triệu tám trăm chín mươi ngàn đồng) theo biên lai tạm thu số 0018466 ngày 12/5/2017.
Án phí dân sự dân sự sơ thẩm Ông Q được miễn tiền án phí do là người cao tuổi; bà H, em S, em H phải chịu án phí là 220.000 đồng (hai trăm hai mươi ngàn đồng) được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp tổng cộng là 900.000 đồng (chín trăm ngàn đồng) theo các biên lai thu số 002795 ngày 16/8/2017; AA/2017/0029241 ngày 18/5/2018 và AA/2017/0029294 ngày 24/5/2018 cùng của Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp. Bà H được nhận lại số tiền chênh lệch là 680.000 đồng (sáu trăm tám mươi ngàn đồng).
3. Án phí dân sự phúc thẩm: do sửa bản án sơ thẩm nên bà H và ông Q không phải chịu án phí phúc thẩm, hoàn trả cho bà H 300.000 đồng (ba trăm ngàn đồng) tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2019/0025224 ngày 12/12/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.
4.Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014).
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.
Bản án 697/2020/DS-PT ngày 24/07/2020 về tranh chấp quyền sở hữu và đòi tài sản
Số hiệu: | 697/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 24/07/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về