TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
BẢN ÁN 69/2020/HS-PT NGÀY 11/12/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐIỀU KHIỂN PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY
Ngày 11 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 140/2020/TLPT-HS ngày 01/10/2020 đối với các bị cáo A, B do có kháng cáo của các bị cáo A, B và người đại diện hợp pháp của các bị hại là bà E, bà H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HS-ST ngày 06/08/2020 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh An Giang.
- Bị cáo có kháng cáo:
1. A, sinh năm 1982 tại A, An Giang; ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: ấp R 2, xã P, huyện A, tỉnh An Giang; nghề nghiệp: mua bán và D nuôi; trình độ học vấn: 05/12; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Đạo Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông S, sinh năm 1952 và bà M, sinh năm 1956; có vợ tên H, sinh năm 1983; có 02 con, con lớn sinh năm 2002, nhỏ sinh năm 2009.
Tiền án, tiền sự: chưa;
Nhân thân: tốt;
Bị cáo tại ngoại;
Bị cáo có mặt.
2. B, sinh năm 1967 tại A, An Giang; ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: ấp Q, xã P, huyện A, tỉnh An Giang; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: không biết chữ; dân tộc: Kinh; giới tính: nam; tôn giáo: Đạo Phật; quốc tịch: Việt Nam; con ông H (chết) và bà M (chết); có vợ tên N, sinh năm 1970; có 03 con, con lớn sinh năm 1992, nhỏ sinh năm 1996.
Tiền án, tiền sự: chưa;
Nhân thân: tốt;
Bị cáo tại ngoại;
Bị cáo có mặt.
- Người bào chữa cho các bị cáo A và B : Luật sư Đ - Văn phòng Luật sư T, Đoàn Luật sư tỉnh An Giang, địa chỉ: số 60/10B Trần Hưng Đạo, khóm N B, phường M, thành phố X, tỉnh An Giang, có mặt.
- Bị hại:
1. Ông C, sinh năm 1965 (đã chết);
Người đại diện hợp pháp của ông C:
1.1. Bà E, sinh năm 1975; nơi cư trú: ấp Q, xã P, huyện A, tỉnh An Giang, có mặt.
1.2. Chị G, sinh năm 1994; nơi cư trú: ấp Q, xã P, huyện A, tỉnh An Giang, vắng mặt.
2. Ông D, sinh năm 1971 (đã chết);
Người đại diện hợp pháp của ông D: bà H, sinh năm 1965; nơi cư trú: ấp U, xã P, huyện A, tỉnh An Giang, có mặt.
- Người làm chứng:
1. Ông I, sinh năm 1932, có mặt;
2. Ông K, sinh năm 1958, có mặt;
3. Ông L, sinh năm 1950, có mặt;
4. Bà M, sinh năm 1952, vắng mặt;
5. Ông N, sinh năm 1952, có mặt;
6. Ông O, sinh năm 1976, có mặt.
(Trong vụ án, các bị cáo, người đại diện hợp pháp của các bị hại kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng 19 giờ ngày 15/12/2019, sau khi uống rượu tại bè cá của ông L thuộc khóm C 2, phường N, thành phố D, A điều khiển ghe gỗ trọng tải khoảng 1,5 tấn, lắp máy chính cố định 4L22(TQ4) công suất Ne = 35sn (không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và không có tín hiệu đèn khi hoạt động vào ban đêm) chở theo V (con trai A) lưu thông xuôi hướng nước chảy từ A về D để về nhà tại khu vực ấp R 2, xã P, huyện A. Khi đến đoạn sông thuộc khu vực ấp Q, xã P, huyện A thì ghe gỗ do A điều khiển xảy ra va chạm với xuồng gỗ trọng tải thoảng 0,5 tấn, lắp máy chính cố định D9 công suất Ne = 9sn do B điều khiển (không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và không có tín hiệu đèn khi hoạt động vào ban đêm) chở theo ông D và ông C theo hướng ngược lại. Hậu quả, làm xuồng máy của B bị chìm; ông D và ông C rơi xuống sông tử vong.
Khi xảy ra tai nạn A có kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở là 0,698mg/l khí thở; không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định.
Khi xảy ra tai nạn B có kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở là 0,983mg/l khí thở; không có chứng chỉ lái phương tiện theo quy định.
Theo Bản Kết luận giám định pháp y tử thi số 175/KLGT-PC09 (PYTT) ngày 19/12/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh An Giang, ghi nhận:
C- 1965. Địa chỉ: ấp Q, xã P, huyện A, tỉnh An Giang.
1. Dấu hiệu chính qua giám định: vết thương mặt ngoài 1/3 dưới đùi trái kích thước (7cm x 2,5cm), bờ mép nham nhở, xung quanh có sây sát bầm máu. Gãy hở 1/3 dưới xương đùi trái. Không bầm tụ máu dưới da vùng cổ trước. Lòng khí quản có nhiều dịch lẫn dị vật màu nâu - đen
2. Nguyên nhân chết: Chết ngạt nước
Theo Bản Kết luận giám định pháp y tử thi số 176/KLGT-PC09 (PYTT) ngày 19/12/2019 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh An Giang, ghi nhận:
D - 1971. Địa chỉ: khóm C 2, phường N, thành phố D, tỉnh An Giang.
1. Dấu hiệu chính qua giám định: Kết mạc mắt sung huyết, xuất huyết. Không bầm tụ máu dưới da vùng cổ trước. Lòng khí quản có nhiều dịch bọt lẫn dị vật màu nâu - đen
2. Nguyên nhân chết: Chết ngạt nước
Ngày 28/02/2020, A và B bị khởi tố điều tra.
Trong quá trình điều tra, bị cáo A bồi thường cho gia đình người bị hại C 30.000.000 (ba mươi triệu) đồng nhung bà E, bà G không nhận; bồi thường cho gia đình bị hại D 35.000.000 (ba mươi lăm triệu) đồng. Bà E (vợ ông C) và bà H (vợ ông D) có đơn bãi nại, yêu cầu không xử lý hình sự đối với bị cáo A và bị cáo B. Đồng thời không yêu cầu bồi thường gì khác.
Cáo trạng số 22/VKS-HS ngày 11 tháng 6 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện A truy tố các bị cáo A và B về tội “K/ phạm quy định về điều khiến phương tiện giao thông đường thủy theo quy định tại các điểm a, b, đ khoản 2 Điều 272 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HS-ST ngày 06/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện A đã quyết định:
1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo A và bị cáo B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
2. Về hình phạt.
2.1 Căn cứ điểm a, b, đ khoản 2 Điều 272; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38, Điều 54 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Xử phạt bị cáo A 02 (hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện chấp hành án hoặc từ ngày bị cáo bị bắt chấp hành án.
2.2 Căn cứ điểm a, b, đ khoản 2 Điều 272; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017);
Xử phạt bị cáo B 03 (ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị cáo tự nguyện chấp hành án hoặc từ ngày bị cáo bị bắt chấp hành án.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 14/8/2020, các bị cáo A và B kháng cáo với nội dung: xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo.
Ngày 17/8/2020, người đại diện hợp pháp của bị hại là bà E và bà H kháng cáo với nội dung: xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo và cho hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa phát biểu quan điểm về vụ án và đề xuất với Hội đồng xét xử:
về thủ tục kháng cáo: đơn kháng cáo của các bị cáo và người đại diện hợp pháp của các bị hại có nội dung, yêu cầu rõ ràng, đều gửi trong hạn luật định nên đủ điều kiện để xB xét theo trình tự phúc thẩm.
về nội dung: Khoảng 19 giờ ngày 15/12/2019, sau khi uống rượu tại bè cá của ông L thuộc khóm C 2, phường N, thành phố D, A điều khiển ghe gỗ trọng tải khoảng 1,5 tấn, lắp máy chính cố định 4L22(TQ4) công suất Ne = 35sn (không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và không có tín hiệu đèn khi hoạt động vào ban đêm) chở theo V (con trai A) lưu thông xuôi hướng nước chảy từ A về D để về nhà tại khu vực ấp R 2, xã P, huyện A. Khi đến đoạn sông thuộc khu vực ấp Q, xã P, huyện A thì ghe gỗ do A điều khiển xảy ra va chạm với xuồng gỗ trọng tải khoảng 0,5 tấn, lắp máy chính cố định D9 công suất Ne = 9sn do B điều khiển (không có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và không có tín hiệu đèn khi hoạt động vào ban đêm) chở theo ông D và ông C theo hướng ngược lại. Hậu quả, làm xuồng máy của B bị chìm; ông D và ông C rơi xuống sông tử vong.
Khi xảy ra tai nạn A có kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở là 0,698mg/l khí thở; không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn theo quy định.
Khi xảy ra tai nạn B có kết quả đo nồng độ cồn trong hơi thở là 0,983mg/l khí thở; không có chứng chỉ lái phương tiện theo quy định.
Quá trình lời khai tại giai đoạn sơ thẩm, tại phiên tòa phúc thẩm của các bị cáo phù hợp với lời khai người làm chứng, tài liệu, vật chứng trong hồ sơ vụ án. Từ đó, có đủ căn cứ chứng minh các bị cáo A, B điều khiển phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, không có chứng chỉ lái phương tiện theo quy định, không có tín hiệu đèn khi hoạt động vào ban đêm, sau khi uống rượu với nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá quy định, nên xảy ra va chạm, làm ông c, ông D tử vong. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Vi phạm quy định về điều khiến phương tiện giao thông đường thủy” là có căn cứ.
Về hình phạt: các bị cáo là người trưởng thành, lẽ ra phải am hiểu và chấp hành quy định pháp luật. Tuy nhiên, các bị cáo đã vi phạm các Điều 4, Điều 8, Điều 24, Điều 35, Điều 39 Luật giao thông đường thủy nội địa và vi phạm pháp luật hình sự với 03 tình tiết định khung tại khoản 2 Điều 272 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù.
Giai đoạn phúc thẩm, bị cáo A có bồi thường thiệt hại thêm cho người đại diện hợp pháp của bị hại 20.000.000 đồng nên đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo A. Đối với bị cáo B: sau khi xảy ra tai nạn, bị cáo B có đến bồi thường 20.000.000 đồng nhưng gia đình bị hại xem xét hoàn cảnh khó khăn của bị cáo B nên không nhận, nên đề nghị xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự và áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự giảm nhẹ hình phạt.
về kháng cáo xin hưởng án treo: hậu quả chết 02 người là rất nghiêm trọng nên không thể xét cho hưởng án treo.
Vì các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự, chấp nhận một phần kháng cáo, sửa Bản án sơ thẩm về hình phạt, giảm cho bị cáo A từ 03 tháng đến 06 tháng tù; áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự, giảm cho bị cáo B từ 03 tháng đến 06 tháng tù.
Người bào chữa cho các bị cáo phát biểu ý kiến: về tội danh, các bị cáo không kêu oan nên không tranh luận, về hình phạt: cấp sơ thẩm chưa xem xét về nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh xảy ra tai nạn. Ghe của bị cáo B bị tắt máy, bị trôi nên bị cáo A không nghe được tiếng máy nên là tình tiết bất khả kháng; và khi bị cáo B nổ máy được thì quay ghe lại ngược dòng, về tình tiết sơ thẩm nhận định sau khi xảy ra tai nạn, bị cáo B lội được vào bè là chưa chính xác, mà lúc đó bị cáo B đã lên tàu bị cáo A và kêu chạy vào bè để gọi người tìm ông C, ông D. Mặt khác, từ nhỏ đến lớn, các bị cáo đều ở vùng sông nước, chưa được tuyên truyền pháp luật giao thông đường thủy, nên đề nghị xem xét về nhân thân. Các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, quá trình xét xử đến nay luôn chấp hành tốt các quy định pháp luật, thỏa điều kiện cho hưởng án treo quy định tại Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP. Gia đình bị hại có yêu cầu không khởi tố vụ án hình sự, mặc dù đây không phải là vụ án khởi tố theo yêu cầu của bị hại nhưng cũng đề nghị xem xét. Với những phân tích trên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo.
Các bị cáo thống nhất với phát biểu của người bào chữa, không tranh luận bổ sung.
Người đại diện hợp pháp của các bị hại là bà E, bà H: yêu cầu xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo hưởng án treo.
Kiểm sát viên phát biểu tranh luận: người bào chữa đề nghị xem xét các bị cáo có tình tiết bất khả kháng do không nghe tiếng máy là chưa chính xác. Bởi vì, các bị cáo đã vi phạm rất nhiều các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy, trong khi các bị cáo hoàn toàn có điều kiện để trang bị bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người. Hậu quả của hành vi phạm tội của các bị cáo là rất nghiêm trọng. Vì vậy, Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm đề nghị giảm hình phạt, nhưng không cho các bị cáo hưởng án treo.
Người bào chữa cho các bị cáo phát biếu tranh luận: thống nhất về tội danh, chỉ phân tích nguyên nhân dẫn đến tai nạn là bất khả kháng, ngoài kiểm soát của các bị cáo. về điều kiện cho hưởng án treo: không quy định hậu quả như thế nào thì không cho hưởng án treo. Vì vậy, các bị cáo đủ điều kiện cho hưởng án treo thì nên xem xét, không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên án vào ngày 06/8/2020. Ngày 14/8/2020, các bị cáo A, B kháng cáo. Ngày 17/8/2020, người đại diện hợp pháp của các bị hại là bà E, bà H kháng cáo. Căn cứ khoản 1 Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bị cáo kháng cáo trong hạn luật định nên chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.
Chị G và người làm chứng bà M vắng mặt, đều đã có lời khai rõ ràng tại hồ sơ, không liên quan đến kháng cáo, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn tiến hành xét xử.
[2] Về nội dung vụ án:
[2.1] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo:
Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 15/12/2019, A điều khiển ghe gỗ trọng tải khoảng 1,5 tấn, lắp máy chính cố định 4L22(TQ4) công suất Ne = 35sn, đi xuôi dòng nước hướng A - D đến Km 02+180 thuộc ấp Q, xã P, huyện A, thì đâm vào xuồng gỗ trọng tải khoảng 0,5 tấn, lắp máy chính cố định D9 công suất Ne = 9sn, do B điều khiển chở theo ông C và ông D, làm xuồng gỗ của B bị chìm dẫn đến ông c, ông D tử vong do ngạt nước.
Nguyên nhân vụ tai nạn là do bị cáo B điều khiển chạy cắt luồng không đúng quy định và do cả hai phương tiện đi ban đêm không đèn tín hiệu, khôngđèn chiếu sáng. Hai phương tiện đều không đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Bị cáo B và A đều không có chứng chỉ lái phương tiện và điều khiển phương tiện khi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, làm chết 02 người.
Hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” quy định tại điểm a, b, đ khoản 2 Điều 272 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (viết tắt là Bộ luật Hình sự). Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội danh này là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
[2.2] Xét kháng cáo xin giảm hình phạt và cho hưởng án treo của các bị cáo và người đại diện hợp pháp của các bị hại:
Các bị cáo bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy” với 03 tình tiết định khung quy định tại điểm a, b, đ khoản 2 Điều 272 Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù. Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và xem xét, áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Đối với bị cáo A: Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét áp dụng điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự do bị cáo đã bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại 35.000.000 đồng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; đồng thời xem xét áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự do bị cáo đã tích cực cùng gia đình nạn nhân tìm kiếm các nạn nhân, người đại diện hợp pháp của các bị hại có đơn bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự. Từ đó, cấp sơ thẩm xem xét áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự, xử phạt bị cáo A 02 năm tù là tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo. Giai đoạn phúc thẩm: tuy bị cáo có bồi thường thêm cho gia đình bị hại 20.000.000 đồng, đây là thiện chí của bị cáo, nhưng không là tình tiết giảm nhẹ mới, nên không có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo, cần giữ nguyên mức hình phạt của Bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đối với bị cáo B: Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự do bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và áp dụng khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự do người đại diện hợp pháp của các bị hại có đơn bãi nại, không yêu cầu xử lý hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã xét hỏi làm rõ khi vụ việc xảy ra, bị cáo B đã có đến gặp gia đình bị hại để bồi thường 20.000.000 đồng, nhưng gia đình bị hại thấy hoàn cảnh bị cáo B khó khăn nên không nhận số tiền bồi thường. Từ đó cho thấy bị cáo B đã tự nguyện bồi thường thiệt hại, đủ điều kiện để xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Tuy nhiên, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo B đã được cấp sơ thẩm đánh giá đúng và lượng hình phù hợp, vì nguyên nhân chính xảy ra tai nạn là do bị cáo B điều khiển phương tiện cắt luồng không đúng quy định tại Điều 39 Luật giao thông đường thủy nội địa. Cho nên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự, giữ nguyên mức hình phạt của Bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo.
Về yêu cầu kháng cáo xin hưởng án treo: xét các bị cáo bị xử phạt tù không quá 03 năm, có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự, có nơi cư trú rõ ràng, có khả năng tự cải tạo và việc cho các bị cáo hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, người đại diện hợp pháp của bị hại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo đối với các bị cáo. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự, cho các bị cáo được hưởng án treo, để các bị cáo tự cải tạo, tuân thủ pháp luật, trở thành công dân tốt, giúp ích cho gia đình và xã hội.
[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: do sửa bản án hình sự sơ thẩm nên căn cứ điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, các bị cáo và người đại diện hợp pháp của các bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
[4] Các phần quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HS- ST ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh An Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Chấp nhận một phần kháng cáo của các bị cáo A, B.
Chấp nhận một phần kháng cáo của bà E, bà H - người đại diện hợp pháp của các bị hại.
Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HS-ST ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh An Giang.
Tuyên bố các bị cáo A, B phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.
Áp dụng điểm a, b, đ khoản 2 Điều 272; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54, Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017,
Xử phạt bị cáo A 02 (hai) năm tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (11/12/2020).
Áp dụng điểm a, b, đ khoản 2 Điều 272; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017,
Xử phạt bị cáo B 03 (ba) năm tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 (năm) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm (11/12/2020).
Giao người được hưởng án treo A, B cho Ủy ban nhân dân xã P, huyện A, tỉnh An Giang giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình của người được hưởng án treo A, B có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo.
Trong trường hợp, người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
Về án phí hình sự phúc thẩm: các bị cáo A, B và người đại diện hợp pháp của các bị hại là bà E, bà H không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Các phần quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 26/2020/HS-ST ngày 06 tháng 8 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh An Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
(đã giải thích quy định về án treo cho các bị cáo A, B)
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 69/2020/HS-PT ngày 11/12/2020 về tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường thủy
Số hiệu: | 69/2020/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân An Giang |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 11/12/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về