Bản án 68/2020/HSST ngày 10/09/2020 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 68/2020/HSST NGÀY 10/09/2020 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI

Ngày 10 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 67/2020/HSST ngày 07 tháng 8 năm 2020 đối với bị cáo:

Họ và tên: Lê Minh A - sinh năm 1972, tại tỉnh Quảng Ngãi; nơi ĐKHKTT và chỗ ở trước khi phạm tội: Thôn 15, xã P, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 8/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lê C và bà Đỗ Thị N (đều đã chết); bị cáo có vợ là Lê Thị T và có 04 con, con lớn nhất sinh năm 1996, con nhỏ nhất sinh năm 2013; tiền án, tiền sự: Không.

Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 29 tháng 11 năm 2019, hiện bị cáo đang bị tạm giam, có mặt.

- Người bị hại: Ông Trần Phước T, sinh năm 1979; trú tại: Thôn 6, xã N, huyện B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo theo yêu cầu của Tòa án: Lut sư Nguyễn Văn N – Văn phòng luật sư A thuộc đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: 36 đường Q, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Lê Thị T, sinh năm 1976;

trú tại: Thôn 15, xã P, huyện B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

- Người làm chứng:

+ Ông Lê Minh C, sinh năm 1982; trú tại: Thôn 15, xã P, huyện B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Ông Phạm Như K, sinh năm 1978; trú tại: Buôn K, xã S, huyện B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Ông Trần Phước T1, sinh năm 1983; trú tại: Buôn K, xã S, huyện B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

+ Ông Trần Phước H, sinh năm 1969; trú tại: Buôn K, xã S, huyện B, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khong 10 giờ ngày 28/11/2019, Trần Phước T, trú tại thôn 6, xã N, huyện B,, tỉnh Đắk Lắk rủ Lê Minh A, Lê Minh C, cùng trú tại thôn 15, xã P, huyện B, tỉnh Đắk Lắk; Phạm Như K, Trần Phước H, Trần Phước T1 cùng trú tại buôn K, xã S, huyện B, tỉnh Đắk Lắk và một số người khác đến nhà rẫy của Trần Phước T tại buôn K, xã S, huyện B, tỉnh Đắk Lắk để uống rượu. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, thì mọi người ra về. Sau khi ra khỏi nhà T thì Lê Minh A đã rủ Lê Minh C, Phạm Như K đến nhà rẫy của Lê Minh A cách nhà Trần Phước T khoảng 100m để chơi. Khi vào nhà thì mọi người cùng ngồi ở bàn phòng khách, Lê Minh A rót ra một cốc rượu lớn để mời mọi người cùng uống. Khoảng 05 phút sau, thì Trần Phước T điều khiển xe mô tô đi qua sân nhà rẫy của Lê Minh A. Lê Minh A đã gọi T vào trong phòng khách và lấy ghế nhựa cho T ngồi. Sau đó giữa T và A có xảy ra xung đột, cãi nhau. Do tức giận vì T nhỏ tuổi hơn mình nhưng không tôn trọng mình, A đã lấy một con dao rựa đang dựng ở vách tường phòng khách, A cầm dao bằng tay phải giơ lên chém một nhát vào đầu của T theo hướng từ trên xuống dưới. Bị chém T đã dùng tay trái cầm ghế nhựa đưa lên đỡ, nhưng do lực chém mạnh nên đã làm gãy chân ghế tác động vào tay trái của T, còn lưỡi dao tiếp tục chém trúng đầu của T. Khi T đang cúi xuống thì A tiếp tục cầm dao chém thêm một nhát nữa trúng vào đầu của T. T bỏ chạy ra sân thì bị vấp ngã và chảy nhiều máu nên được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã H, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa vùng T, rồi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy để điều trị, đến ngày 12/12/2019 thì xuất viện. Còn A sau khi gây án đã vứt dao xuống nền nhà, anh C đã nhặt con dao bỏ lên thùng xe máy cày đang đậu ở phía trước nhà A.

Tại Biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 29/11/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Krông Búk xác định: Hiện trường xảy ra tại nhà rẫy của Lê Minh A thuộc buôn K, xã S, huyện B, tỉnh Đắk Lắk. Hiện trường đã bị xáo trộn do người nhà dọn dẹp, lau chùi. Mở rộng hiện trường về hướng Tây Nam phía trước nhà rẫy phát hiện một xe máy cày, phía trên thùng xe phát hiện một con dao phát, lưỡi bằng sắt, kích thước 04x27cm, cán bằng gỗ, hình trụ tròn, đường kính 03cm, dài 31cm.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích số: 1332/TgT-TTPY ngày 30/11/2019 của Trung tâm pháp y Sở y tế tỉnh Đắk Lắk, kết luận về thương tích của Trần Phước T:

- Vết thương, vết mổ phần mềm:

+ Vết thương vùng chẩm trái, đang khâu 5 mũi chỉ, kích thước 4cm x 0,2cm.

+ Vết thương hình cung đỉnh phải, kích thước 11cm x 0,2cm.

+ Vết thương sau ngoài cánh tay trái, kích thước 2cm x 1cm.

+ Vết thương 1/3 dưới sau ngoài cẳng tay trái, kích thước 1,8cm x 0,3cm.

- Khuyết xương sọ vùng đỉnh phải.

- Tụ máu liềm não.

- Ổ tổn thương não (xuất huyết, dập não).

Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 44%. Vật tác động: Vật sắc.

Tại Bản kết luận giám định pháp y về thương tích (bổ sung) số: 223/TgT- TTPY ngày 14/2/2020; kết luận giám định pháp ý về thương tích (bổ sung) số:

939/TgT-TTPY ngày 04/9/2020 của Trung tâm pháp y Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, kết luận về thương tích của Trần Phước T như sau:

- Sẹo hình cung vùng đỉnh phải kích thước 11cm x 0,5cm, tỷ lệ 02%;

- Sẹo hơi chéo vùng chẩm trái kích thước 3,7cm x 0,2cm, tỷ lệ 1%;

- Sẹo nham nhở vùng 1/3 giữa mặt sau cẳng tay trái kích thước 4cm x 0,5cm, tỷ lệ 2%;

- Sẹo phẳng, gọn vùng 1/3 trên mặt sau cẳng tay trái kích thước 6cm x 0,2cm, tỷ lệ 2%;

- Khuyết xương sọ đỉnh phải, kích thước là 4cm x 3cm, đáy phập phồng, tỷ lệ 26%;

- Ổ tổn thương não (xuất huyết, dập não) điều trị đã hết, không còn hình ảnh tổn thương trên chuẩn đoán hình ảnh, tỷ lệ 11%;

- Tụ máu liềm não, điều trị đã hết, tỷ lệ 8%;

Tng tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 44%. Vật tác động: Vật sắc và vật tày có cạnh.

Tại bản cáo trạng số: 77/CT-VKS-P2 ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk truy tố bị cáo Lê Minh A, về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung bản cáo trạng mà Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo.

Tại phiên tòa, người bị hại yêu cầu: Về trách nhiệm hình sự đề nghị xét xử bị cáo theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm dân sự, yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại tổng số tiền là: 255.728.893 đồng, trong đó các khoản chi phí có hoá đơn chứng từ là: 81.728.000 đồng; các khoản chi phí thực tế không có hoá đơn chứng từ là: 174.000.893 đồng.

Tại phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát đã đưa ra các chứng cứ buộc tội, đánh giá tính chất, mức độ, hậu quả đối với hành vi phạm tội của bị cáo, đồng thời giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự, như nội dung bản cáo trạng số: 77/CT-VKS-P2 ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Hội đồng xét xử: Tuyên bố bị cáo Lê Minh A phạm tội: “Giết người”;

Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 15; Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Xử phạt bị cáo Lê Minh A từ 13 năm đến 15 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam, ngày 29 tháng 11 năm 2019.

Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 con dao phát (loại dao rựa) có lưỡi bằng kim loại, kích thước 04cm x 27cm, cán bằng gỗ hình trụ tròn có đường kính 03cm, dài 31cm; 01 ghế nhựa màu đỏ đã cũ, bị nứt vỡ tại phần nhựa ngồi và dựa lưng, gãy rời chân ghế phía trước bên phải và chân sau bên trái.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Lê Minh A phải bồi thường cho người bị hại các khoản chi phí điều trị thương tích và tổn thất về tinh thần theo quy định của pháp luật. Khấu trừ vào số tiền 40.000.000 đồng mà gia đình bị cáo đã bồi thường trước đó.

Tại phiên tòa, người bào chữa cho bị cáo ông Nguyễn Văn N, trình bày: Viện kiểm sát truy tố bị cáo về tội giết người theo điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Sau khi phạm tội bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã cùng gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả về trách nhiệm dân sự cho bị hại. Bị cáo có điều kiện kinh tế khó khăn, trong vụ án thì người bị hại cũng có lỗi, đã dùng ghế đánh bị cáo trước. Hậu quả bị cáo gây ra cho bị hại thương tích là 44%, bị hại không bị tử vong. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các điểm b, e, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 BLHS; Điều 15; Điều 54 BLHS xử phạt bị cáo mức án nhẹ nhất.

Bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xử lý bị cáo về trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Về trách nhiệm dân sự, yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại 255.728.893 đồng.

Kiểm sát viên không đồng ý với quan điểm bào chữa của luật sư cho rằng bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS, giữ nguyên quan điểm giải quyết vụ án như đã nêu trên.

Bị cáo nhất trí với lời bào chữa của người bào chữa không trình bày, tranh luận gì thêm, chỉ xin hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đúng pháp luật.

[2] Về hành vi phạm tội của bị cáo:

[2.1]. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng, phù hợp với bản kết luận pháp y, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ căn cứ pháp lý kết luận: Khoảng 17 giờ 10 phút ngày 28/11/2019 tại buôn K, xã S, huyện B, tỉnh Đắk Lắk, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt mà bị cáo Lê Minh A đã thực hiện hành vi dùng dao phát (dao rựa), có lưỡi bằng kim loại sắc bén, chém vào vùng đầu là vùng trọng yếu trên cơ thể của anh T, gây ra thương tích cho anh T với tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định là 44%, hậu quả anh T không bị tử vong là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự. Tại Điều luật nêu trên quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a)… n) Có tính chất côn đồ;

…” [2.2]. Xét tính chất vụ án do bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bị hại được pháp luật bảo vệ, mà còn gây mất trật tự trị an ở địa phương. Bị cáo nhận thức được sức khỏe tính mạng của con người được pháp luật bảo vệ, mọi hành vi trái pháp luật xâm hại đến đều bị trừng trị thích đáng và bị xử lý nghiêm minh. Song, do ý thức coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe tính mạng của người khác bị cáo đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình, cần áp dụng đối với bị cáo mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian, nhằm trừng trị người phạm tội, đồng thời để bị cáo có thời gian cải tạo, rèn luyện mình trở thành người công dân tốt, có ý thức chấp hành pháp luật. Mặt khác, phát huy tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng, trên toàn xã hội nói chung.

Tuy nhiên hành vi phạm tội của bị cáo gây ra chưa dẫn đến hậu quả chết người. Do đó, cần áp dụng Điều 15; Điều 57 Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với bị cáo về phạm tội chưa đạt.

[3]. Về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự:

[3.1]. Về nhân thân: Bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

[3.2]. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; sau khi phạm tội bị cáo đã tác động gia đình bồi thường cho người bị hại số tiền 40.000.000 đồng. Hoàn cảnh gia đình bị cáo hiện đang gặp khó khăn. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự, mà Hội đồng xét xử cần cân nhắc, xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo khi quyết định hình phạt.

[3.3]. Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào.

[4]. Các biên pháp tư pháp:

[4.1]. Về xử lý vật chứng: Tịch thu tiêu hủy 01 con dao phát (loại dao rựa);

01 ghế nhựa màu đỏ (Đặc điểm các vật chứng được mô tả tại biên bản thu giữ vật chứng lưu tại hồ sơ vụ án).

[4.2]. Về trách nhiệm dân sự:

Quá trình điều tra vụ án và tại phiên toà, bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại tổng số tiền 255.728.893 đồng, trong đó các khoản chi phí có hoá đơn chứng từ là 81.728.000 đồng; các khoản chi phí thực tế không có hoá đơn chứng từ là 174.000.893 đồng; cụ thể.

- Chi phí thuốc, cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa thị xã H: 1.561.667 đồng;

- Tiền thuốc, viện phí phẩu thuật tại Bệnh viện đa khoa vùng T: 13.916.756 đồng;

- Tiền viện phí tại Bệnh viện R: 8.173.870 đồng;

- Tiền thuốc, viện phí tại Bệnh viện N: 1.206.023 đồng;

- Tiền xe từ Bệnh viện đa khoa vùng T đi bệnh viện R (4 lượt đi về): 15.900.000 đồng;

- Tiền xe từ Đắk Lắk đi bệnh viện N: 800.000 đồng;

- Tiền chi phí mổ lại ráp sọ nhân tạo tại Bệnh viện R: 37.260.577 đồng;

- Tiền thuốc tại bệnh viện đa khoa vùng T sau khi ráp sọ nhân tạo tại bệnh viện R về: 2.910.000 đồng;

- Tiền taxi đi lại tại thành phố B và tại thành phố H trong thời gian điều trị: 10.000.000 đồng;

- Tiền bồi dưỡng những ngày nằm viện và sau chấn thương: 10.000.000 đồng;

- Tiền thuốc giảm đau, bổ não, an thần sau khi xuất viện: 7.000.000 đồng;

- Tiền dụng cụ nhu yếu phẩm cá nhân trong thời gian nằm viện: 5.000.000 đồng;

- Tiền thu nhập bị mất của người chăm sóc: 03 tháng x 7.500.000 đồng/tháng = 22.500.000 đồng;

- Tiền thu nhập bị mất của người bị hại: 06 tháng x 7.500.000 đồng/tháng = 45.000.000 đồng;

- Tổn thất về tinh thần: 50 tháng lương x 1.490.000 đồng = 74.500.000 đồng;

Hi đồng xét xử nhận thấy: Cần chấp nhận yêu cầu của bị hại về việc yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền chi phí điều trị thương tích của bị hại, có hoá đơn chứng từ là 81.728.893 đồng.

Đi với các khoản chi phí không có hoá đơn chứng từ: Nhận thấy trong quá trình điều trị thương tích bị hại phải mua một số dụng cụ, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt và điều trị bệnh như chăn, chiếu, mùng... Tuy nhiên, bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường khoản tiền này cho bị hại 5.000.000 đồng là cao, do đó hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại. Buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại 2.000.000 đồng tiền mua dụng cụ, nhu yếu phẩm phục vụ cho việc điều trị thương tích.

Tiền thu nhập bị mất của người bị hại: 06 tháng x 7.500.000 đồng/tháng = 45.000.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy, thời gian điều trị của bị hại tại Bệnh viện là 01 tháng, sau khi xuất viện bị hại cũng cần có một khoảng thời gian để điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ và thời gian để vết thương phục hồi ổn định sức khoẻ. Tuy nhiên, bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại bị mất thu nhập thời gian 06 tháng là chưa phù hợp. Số tiền bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường là 250.000 đồng/ngày là cao so với ngày công lao động bình thường của người dân tại địa phương. Do đó, chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại buộc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền là 04 tháng x 6.000.000 đồng/tháng = 24.000.000 đồng.

Tiền công của người chăm sóc bị cáo: 03 tháng x 7.500.000 đồng/tháng = 22.500.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy, cần chấp nhận khoản tiền công của người chăm sóc bị hại trong thời gian điều trị tại bệnh viện và sau khi bị hại xuất viện là 02 tháng x 6.000.000 đồng/tháng = 12.000.000 đồng.

Tiền thuốc giảm đau, bổ não, an thần sau khi xuất viện 7.000.000 đồng. Tại phiên toà bị hai xác định ngoài điều trị theo đơn của bác sĩ, bị hại tự mua thuốc điều trị hết 7.000.000 đồng, không có chỉ dẫn của bác sĩ, không có hoá đơn, chứng từ. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Tiền taxi đi lại tại thành phố B và tại thành phố H trong thời gian điều trị: 10.000.000 đồng. Tại phiên toà, bị hại không chứng minh được đây là khoản tiền chi phí hợp lý cho việc điều trị thương tích, bị hại cho rằng đây là số tiền người chăm sóc phải đi lại để lo việc gia đình trong thời gian chăm sóc bị hại. Các khoản chi phí hợp lý đi lại phục vụ điều trị thương tích đã được bị hại liệt kê và được Hội đồng xét xử xem xét ở trên. Do đó, yêu cầu này của bị hại không có căn cứ để chấp nhận.

Đi với khoản tiền tổn thất về tinh thần: Bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường cho bị hại 50 tháng lương x 1.490.000 đồng/tháng = 74.500.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy thương tích bị cáo gây ra cho bị hại là 44 %. Bị hại yêu cầu bị cáo bồi thường theo mức bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa trong trường hợp bồi thường do sức khoẻ bị xâm hại, là không phù hợp. Do đó, chấp nhận một phần yêu cầu của bị hại, buộc bị cáo phải bồi mức bồi thường tiền tổn thất về tinh thần cho bị hại là 30 tháng lương x 1.490.000 đồng= 44.700.000 đồng.

Đi với khoản tiền bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại là 10.000.000 đồng. Hội đồng xét xử nhận thấy, sau khi bị thương tích, ngoài việc phải điều trị vết thương thì bị hại cũng cần có một khoản tiền để bồi dưỡng phục hồi sức khoẻ. Do đó cần chấp nhận yêu cầu của bị hại.

Như vậy, cần buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại số tiền là 174.428.893 đồng (làm tròn 174.429.000 đồng), khấu trừ số tiền bị cáo đã bồi thường cho bị hại là 40.000.000 đồng, bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho bị hại 134.429.000 đồng.

[5]. Xét quan điểm của người bào chữa cho bị cáo tại phiên toà đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS vì người bị hại cũng có lỗi, đã dùng ghế đánh bị cáo trước; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng các điểm b, e, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 BLHS; Điều 15; Điều 54 BLHS xử phạt bị cáo mức án nhẹ nhất là không có căn cứ để chấp nhận.

[6]. Về án phí: Bị cáo Lê Minh A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 134.429.000 đồng x 5% = 6.721.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Tuyên bố bị cáo Lê Minh A phạm tội “Giết người”.

[2] Áp dụng điểm n khoản 1 Điều 123; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 15; Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017;

Xử phạt bị cáo Lê Minh A 12 (mười hai) năm tù về tội “Giết người”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giữ, tạm giam, ngày 29 tháng 11 năm 2019.

[3] Các biện pháp tư pháp:

[3.1] Về xử lý vật chứng:

Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017; khoản 1, 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự.

Tch thu tiêu hủy 01 con dao phát (loại dao rựa); 01 ghế nhựa màu đỏ (đặc điểm các vật chứng được mô tả tại biên bản thu giữ vật chứng lưu tại hồ sơ vụ án).

[3.2] Về trách nhiệm dân sự:

Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015; Điều 585, Điều 586, Điều 591 và khoản 2 Điều 593 của Bộ luật dân sự 2015;

Buộc bị cáo Lê Minh A phải bồi thường cho bị hại số tiền là 174.429.000 (Một trăm bảy mươi bốn triệu, bốn trăm hai mươi chín ngàn) đồng, khấu trừ số tiền bị cáo đã bồi thường cho bị hại là 40.000.000 đồng, bị cáo phải tiếp tục bồi thường cho bị hại 134.429.000 đồng (Một trăm ba mươi bốn triệu, bốn trăm hai mươi chín ngàn) đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

[4] Về án phí: Căn cứ vào Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 23; Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định án phí, lệ phí Tòa án.

[4.1] Về án phí hình sự sơ thẩm: Bị cáo Lê Minh A phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

[4.2] Về án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Lê Minh A phải chịu 6.721.000 đồng (Sáu triệu, bảy trăm hai mốt ngàn, bốn trăm năm mươi) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

[5] Về quyền kháng cáo: Bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.

“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự”.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

645
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 68/2020/HSST ngày 10/09/2020 về tội giết người

Số hiệu:68/2020/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 10/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;