TOÀ ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ L, TỈNH BÌNH THUẬN
BẢN ÁN 68/2017/HSST NGÀY 26/09/2017 VỀ TỘI TRỐN KHỎI NƠI GIAM, GIỮ
Ngày 26 tháng 9 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân thị xã L xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 71/2017/HSST ngày 31 tháng 8 năm 2017 đối với bị cáo:
TRẦN THANH C - Sinh năm: 1987, tại Bình Thuận
Nơi cư trú: Thôn B, xã T, thị xã L, tỉnh Bình Thuận.
Trình độ học vấn: 01/12 - Nghề nghiệp: Làm thuê.
Tiền án - Tiền sự: Không.
Hoạt động bản thân:
+ Ngày 17/12/2008, bị Tòa án nhân dân thị xã L xử phạt 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 tháng về tội “Trộm cắp tài sản” (theo bản án số 136/2008/HSST).
+ Ngày 16/3/2017, bị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận xét xử theo trình tự phúc thẩm xử phạt 09 năm tù về tội “Cướp tài sản” và 09 năm tù về tội “Hiếp dâm”. Tổng hợp hình phạt của cả hai tội là 18 năm tù (Bản án số 20/2017/HSPT).
Con ông: Trần Thanh H (chết) và bà: Trần Thị M, sinh năm 1944. Vợ: Trương Thị Phương L, sinh năm 1982.
Có 03 con, lớn nhất sinh năm 2006, nhỏ nhất sinh năm 2010.
Bị cáo hiện đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ Công an thị xã L (Có mặt)
NHẬN THẤY
Bị cáo Trần Thanh C bị Viện kiểm sát nhân dân thị xã L truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Trần Thanh C và Nguyễn Hoài P là bị can, đang tạm giam chung phòng số 15 khu B Nhà tạm giữ Công an thị xã L. Trong thời gian khoảng giữa tháng 12 năm 2016, Phong có ý định bỏ trốn và rủ C cùng tham gia, nhưng C không đồng ý. P tiếp tục rủ rê, hứa hẹn nếu giúp P bỏ trốn được thì P sẽ đưa tiền cho vợ C chữa bệnh và thăm nuôi C. Sau nhiều lần P hứa hẹn như vậy thì C đồng ý, P nói sẽ trốn ra ngoài thông qua ô lấy ánh sáng của phòng giam.
Khoảng 21 giờ ngày 20/12/2016, P đứng trên vai của C dùng một đoạn sắt nhỏ (đã chuẩn bị từ trước) bắt đầu cạo vào tường để cạy miếng nhựa ô sáng và cạy thêm một viên gạch để lỗ thông ra ngoài rộng hơn. Sau khi cạy được lỗ thông ra ngoài, P xé quần áo của mình nối lại với nhau thành một sợi dây dài 6,2m và cột một đầu sợi dây này vào thành bể nước trong phòng giam. Sau đó, P cầm đầu còn lại của sợi dây, đứng trên vai của C và chui ra ngoài phòng giam theo lỗ lấy ánh sáng đã cạy phá trước đó. Sau khi P trốn thoát, C kéo sợi dây vào trong phòng giam rồi đi ngủ. Đến sáng ngày 21/12/2016, sự việc P bỏ trốn bị phát hiện.
Tại biên bản khám nghiệm hiện trường hồi 11h ngày 21/12/2016 tại phòng số 15 (lầu 1) khu B Nhà tạm giữ Công an thị xã L ghi nhận: mảnh nhựa bị bể, 04 ốc vít màu đen, 01 sợi dây dài 6,2m được nối bằng vải quần áo có một đầu cột vào thành bể nước. Ô chiếu sáng (được gắn một miếng nhựa) bị cậy thông ra ngoài có kích thước (26 x 16 x 20)cm. Đo từ mép dưới ô sáng đến thành bể nước là 2,36m. Tại bãi đất sau nhà tạm giữ khu B phát hiện một số miếng gạch, xi măng khô.
Vật chứng vụ án: Gồm 01 mảnh nhựa màu trắng bị bể, 04 cục gạch, vữa; 04 ốc vít và 01 sợi dây vải dài 6,2m, Cơ quan điều tra đã chuyển sang Chi cục thi hành án dân sự thị xã L quản lý theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 30/8/2017.
Tại bản cáo trạng số: 67/QĐ-VKS ngày 30/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân thịxã L truy tố bị cáo Trần Thanh C, về tội “Trốn khỏi nơi giam, giữ” theo khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 1999 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã L, đề nghị Hội đồng xét xử, áp dụng: Khoản 1 Điều 311; Điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Phạt bị cáo Trần Thanh C, mức án từ 09 tháng đến 12 tháng tù.
*Biện pháp tư pháp: Áp dụng điểm a Khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009), Điểm a, đ Khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên: Tịch thu tiêu hủy 01 mảnh nhựa màu trắng bị bể; 04 cục gạch, vữa; 04 ốc vít và 01 sợi dây vải dài 6,2m.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Tại Tòa, bị cáo Trần Thanh C thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của bị cáo đúng như nội dung cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân thị xã L truy tố, không oan. Xét, lời khai của bị cáo tại Tòa phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, đối chiếu với các tài liệu, chứng cứ khác có tại hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, đủ căn cứ khẳng định: Bị cáo Trần Thanh C và đối tượng Nguyễn Hoài P đều là bị can đang bị tạm giam tại Buồng số 15 Khu B Nhà tạm giữ thị xã L. Với mong muốn trốn tránh sự trừng trị của pháp luật, nên nhiều lần Nguyễn Hoài P rủ bị cáo Trần Thanh C cùng bỏ trốn khỏi nhà tạm giữ, tuy nhiên C không đồng ý. Phong tiếp tục rủ rê và hứa hẹn nếu bị cáo C giúp sức cho P trốn khỏi nhà tạm giữ thì P sẽ đưa tiền cho vợ C chữa bệnh và thăm nuôi C, nên bị cáo C đồng ý giúp P trốn ra ngoài theo ô cửa lấy ánh sáng trong buồng giam. Do đó, đến khoảng 21 giờ ngày 20/12/2016, bị cáo Trần Thanh C đã để cho Nguyễn Hoài P đứng trên vai của mình, dùng miếng kim loại cạy phá ô lấy ánh sáng rộng hơn để một người có thể chui lọt. Sau khi cạy được lỗ thông ra ngoài, P xé quần áo của mình nối lại với nhau thành một sợi dây dài 6,2m và cột một đầu sợi dây này vào thành bể nước trong phòng giam. Sau đó, Phong đứng trên vai của C, cầm đầu còn lại của sợi dây bỏ qua ô lấy ánh sáng và chui người ra ngoài phòng giam theo lỗ lấy ánh sáng đã cạy phá và bỏ trốn. Sau khi P trốn thoát, C kéo sợi dây vào trong phòng giam rồi đi ngủ. Đến sáng ngày 21/12/2016, sự việc Phong bỏ trốn bị phát hiện. Quá trình điều tra, bị cáo C khai nhận toàn bộ hành vi giúp sức cho P trốn khỏi nơi giam như đã nêu trên.
Hành vi của bị cáo Trần Thanh C đã phạm vào tội: “Trốn khỏi nơi giam, giữ”, tội phạm và hình phạt quy định tại Khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Do vậy, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thị xã L truy tố bị cáo Trần Thanh C về tội danh, điều luật áp dụng là có căn cứ, đúng pháp luật.
Xét tính chất, mức độ phạm tội và vai trò của bị cáo Trần Thanh C trong vụ án, Hội đồng xét xử thấy rằng: Bị cáo Trần Thanh C là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc tự ý trốn khỏi nơi giam giữ là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm, cho nên nhiều lần Nguyễn Hoài P rủ bị cáo bỏ trốn cùng nhưng bị cáo đều từ chối. Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi, nên khi nghe P nói sẽ đưa tiền giúp gia đình bị cáo, thì bị cáo đồng ý giúp P. Sau đó, lợi dụng đêm khuya, lúc mọi người ngủ say, bị cáo C đã để P đứng trên vai của mình, cạy phá ô lấy ánh sáng chui ra ngoài và hiện P đã trốn thoát.
Xét, đây là vụ án đồng phạm với tính chất giản đơn, tuy giữa bị cáo và Nguyễn Hoài P không có sự bàn bạc, phân công và tổ chức thực hiện tội phạm nhưng cả hai đã hiểu và phối hợp cùng nhau để hoàn thành việc thực hiện tội phạm. Đánh giá vai trò trong vụ án cho thấy Nguyễn Hoài P là người khởi xướng, rủ rê bị cáo C cùng thực hiện tội phạm, đồng thời cũng là người chuẩn bị công cụ, phương tiện và trực tiếp thực hiện hành vi cạy phá ô lấy ánh sáng của buồng giam trốn thoát. Còn đối với bị cáo Trần Thanh C, tuy không phải là người khởi xướng nhưng khi nghe P rủ và hứa hẹn sẽ cho tiền giúp đỡ gia đình mình thì bị cáo đồng ý. Chính bị cáo là người tạo điều kiện thuận lợi, quyết định việc P có thể trốn khỏi buồng giam. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bản thân bị cáo cũng xác định nếu không có sự giúp sức của bị cáo, thì đối tượng Nguyễn Hoài P không thể trốn thoát ra ngoài. Do đó, trong vụ án này, bị cáo là đồng phạm với với Nguyễn Hoài Ph, với vai trò giúp sức tích cực.
Hành vi phạm tội của bị cáo Trần Thanh C là cố ý, gây nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự xem thường pháp luật, đã xâm phạm trực tiếp đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tư pháp, chế độ giam giữ, cải tạo người phạm tội, ảnh hưởng đến uy tín cũng như việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, đồng thời xâm phạm đến các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm. Xét, bị cáo có nhân thân xấu, phạm tội trong thời gian đang bị tạm giam để xử lý về hành vi phạm tội khác, thế nhưng bị cáo không ăn năn, hối cải mà chỉ vì vụ lợi, bị cáo tiếp tục sa vào con đường phạm tội, thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Vì vậy, để giữ gìn kỷ cương pháp luật, bảo vệ uy tín của của các cơ quan tư pháp, bảo vệ lợi ích của của Nhà nước và các tổ chức, cần phải xử lý bị cáo thật nghiêm khắc, để không những cải tạo, giáo dục bị cáo, đồng thời làm gương cho những người khác.
Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt đối với bị cáo Trần Thanh C, Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo tình tiết sau: Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn. Trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật có phần hạn chế, hiện hoàn cảnh gia đình khó khăn (vợ bệnh nặng, các con còn nhỏ), bị cáo có ông ngoại ruột là liệt sĩ Trần Hữu T là người có công với cách mạng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại Điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt đối với bị cáo.
Xét thấy, ngày 27/11/2015, Quốc Hội khóa XIII thông qua Bộ luật hình sự năm 2015 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật hình sự. Ngày 29/6/2016 Quốc Hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 về việc lùi hiệu lực của Bộ luật hình sự năm 2015 và bổ sung dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. Ngày 13/9/2016, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 276/2016/TANDTC về việc hướng dẫn những quy định có lợi cho người phạm tội. Đồng thời, ngày 20/6/2017, Quốc Hội ban hành Nghị quyết 41/2017/QH14 về việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Theo đó, tại Khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào đang bị tạm giữ, tạm giam … mà bỏ trốn thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm” là quy định có lợi hơn so với Khoản 1 Điều 311 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Xét, do chuyển biến tình hình, chính sách nhân đạo của Nhà nước và căn cứ Điểm h, Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 cần thực hiện các quy định có lợi cho bị cáo Trần Thanh C tại Khoản 3 điều 7 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
Xét thấy, bị cáo Trần Thanh C hiện đang chấp hành hình phạt 18 năm tù của bản án hình sự phúc thẩm số 20/2017/HSPT ngày 16/3/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận.
Do đó, cần thiết phải tổng hợp hình phạt đối với bị cáo theo quy định của pháp luật.
Đối với hành vi trốn khỏi nơi giam, giữ của Nguyễn Hoài P, hiện đã bỏ trốn, Cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra, truy nã khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Về vật chứng vụ án: Đối với 01 mảnh nhựa màu trắng bị bể; 04 cục gạch, vữa; 04 ốc vít và 01 sợi dây vải dài 6,2m. Xét, đây là công cụ dùng vào việc phạm tội, cần tịch thu tiêu hủy.
Về án phí: Bị cáo Trần Thanh C phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
* Tuyên bố: Bị cáo Trần Thanh C, phạm tội: “Trốn khỏi nơi giam, giữ”.
* Áp dụng: Khoản 1 Điều 311; Điểm p Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; Khoản 3 Điều 7 và Khoản 1 Điều 386 Bộ luật hình sự năm 2015.
* Xử phạt: Bị cáo Trần Thanh C 12 (Mười hai) tháng tù.
* Áp dụng: Điều 51 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tổng hợp với hình phạt 18 (Mười tám) năm tù của bản án hình sự phúc thẩm số 20/2017/HSPT ngày 16/3/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận. Buộc bị cáo Trần Thanh C phải chấp hành hình phạt chung của hai bản án là 19 (Mười chín) năm tù. Thời hạn tù được tính từ ngày tạm giam của bản án trước ngày 04/5/2016.
* Áp dụng: Khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1999 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009); Khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuyên:
Tịch thu tiêu hủy 01 (một) mảnh nhựa màu trắng bị bể; 04 (Bốn) cục gạch, vữa; 04 (Bốn) ốc vít và 01 (một) sợi dây vải dài 6,2m.
Hiện vật chứng đang được quản lý tại Chi cục thi hành án dân sự thị xã L theo biên bản giao, nhận vật chứng ngày 30/8/2017 giữa Cơ quan điều tra và Chi cục thi hành án dân sự thị xã L.
*Ápdụng: Điều 98; Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự. Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; Bị cáo Trần Thanh C phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
Bị cáo có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 68/2017/HSST ngày 26/09/2017 về tội trốn khỏi nơi giam, giữ
Số hiệu: | 68/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị Xã La Gi - Bình Thuận |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/09/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về