Bản án 65/2020/HS-ST ngày 23/09/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

 

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN QUẾ PHONG, TỈNH NGHỆ AN

BẢN ÁN 65/2020/HS-ST NGÀY 23/09/2020 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 23 tháng 9 năm 2020, tại Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Nghệ An xét xử sơ thẩm, công khai vụ án Hình sự thụ lý số 67/2020/TLST-HS ngày 24 tháng 8 năm 2020, theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 70/2020/QĐXXST-HS ngày 10 tháng 9 năm 2020 đối với bị cáo:

Lương Thị Th: Tên gọi khác: Không; sinh năm 1986, tại huyện Q, tỉnh Nghệ An.

Nơi cư trú: Bản N, xã Đ, huyện Q tỉnh Nghệ An; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa : Lớp 12/12; dân tộc: Thái; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lương Đình Th; con bà : Hà Thị T; có chồng: Vi Văn Ch và 02 người con; tiền án: Không; tiền sự: Không; bị cáo được tại ngoại. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Lương Thị Th: Ông Phạm Thế K, Trợ giúp viên trợ giúp pháp lý của trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Nghệ An. Có mặt.

Người làm chứng: + Ông Vi Văn T, sinh năm 1968; trú tại bản H, xã T, huyện Q, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.

Người chứng kiến: Anh Hà Văn D, sinh năm 1989; trú tại bản N, xã Đ, huyện Q, tỉnh Nghệ An. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng đầu tháng 3/2020 Lương Thị Th mua 01 cá thể Beo lửa; 01 cá thể mèo rừng; 01 cá thể khỉ; 01 cá thể Chồn bay; 32 cá thể Chồn đưa về cất trong tủ lạnh của gia đình để bán. Ngày 20/5/2020 thì bị tổ công tác Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An thu giữ. Thu 01 (Một) cá thể Beo lửa và chụp ảnh đánh số 01, có trọng lượng 12 (Mười hai) kilogam; 01 (Một) cá thể Khỉ, chụp ảnh đánh số 02, có trọng lượng 04 (Bốn) kilogam; 01 (Một) cá thể Chồn bay chụp ảnh đánh số 03, có trọng lượng 2,5 (Hai phẩy năm) kilogam; 01 (Một) cá thể Mèo rừng chụp ảnh đánh số 04, có trọng lượng 03 (Ba) kilogam; 05 (Năm) cá thể Chồn chụp ảnh đánh số 05, có trọng lượng 08 (Tám) kilogam; 05 (Năm) cá thể Chồn chụp ảnh đánh số 06 đến số 10, có tổng trọng lượng 19,5 (Mười chín phẩy năm) kilogam; 22 (Hai mươi hai) cá thể Chồn chụp ảnh đánh số 11, có tổng trọng lượng 92 (Chín mươi hai) kilogam.

Bản kết luận giám định số 350/STTNSV ngày 28/5/2020 của Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận:

- 01 (Một) bản ảnh chụp cá thể động vật (được đánh số 01) là loài Báo lửa (Beo lửa, Beo vàng) có tên khoa học là Cutopuma temminckii.

- 01 (Một) bản ảnh chụp cá thể động vật (được đánh số 02) là loài Khỉ mặt đỏ, có tên khoa học là Macaca arctoides.

- 01 (Một) bản ảnh chụp cá thể động vật (được đánh số 03) là loài Sóc bay trâu, có tên khoa học là Petaurista petaurista.

- 01 (Một) bản ảnh chụp cá thể động vật (được đánh số 04) là loài Mèo rừng, có tên khoa học là Prionailurus bengalensis.

- 01 (Một) bản ảnh chụp 05 (Năm) cá thể động vật (được đánh số 05) là loài Cầy vòi hương, có tên khoa học là Paradoxurus hermaphroditus.

- 05 (Năm) bản ảnh chụp cá thể động vật (được đánh số 06, 07, 08, 09, 10) là loài Cầy vòi mốc, có tên khoa học là Paguma larvata.

- 01 (Một) bản ảnh chụp 22 (Hai mươi hai) cá thể động vật (được đánh số 11) trong đó có 05 (Năm) cá thể đã làm sạch lông là loài Cầy vòi hương, có tên khoa học là Paradoxurus hermaphroditus và 17 (Mười bảy) cá thể còn nguyên lông là loài Cầy vòi mốc, có tên khoa học là Paguma larvata.

Loài Báo lửa (Beo lửa, Beo vàng) có tên khoa học là Cutopuma temminckii. Có tên trong phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ và đồng thời có tên Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ).

Loài khỉ mặt đỏ(Macaca arctoides), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Cầy vòi mốc (Paguma larvata), Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus) và Sóc bay trâu (Petaurista petaurista) có tên trong Nhóm IIB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ)..

Hội đồng định giá tài sản huyện Q định giá 01 (Một) cá thể Mèo rừng có trọng lượng 4 kg trị giá 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng); 01 (Một) cá thể Sóc bay trâu trọng lượng 2,5 kg trị giá 150.000 đồng (Một trăm năm mươi nghìn đồng); 05 (Năm cá thể động vật được cạo lông là Cầy vòi hương có trọng lượng 8 kg, trị giá 350.000 đồng (Ba trăm năm mươi nghìn đồng); 01 (Một) cá thể là Khỉ mặt đỏ có trọng lượng 04 kg, trị giá 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng); 27 (Hai mươi bảy) cá thể là Cầy vòi mốc có trọng lượng 110,5 kg trị giá 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng). Tổng giá trị các cá thể động vật là 4.900.000 đồng (Bốn triệu chín trăm nghìn đồng).

Bản cáo trạng số 64/CT-VKS-HS ngày 19/8/2020 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Q, tỉnh Nghệ An truy tố bị cáo Lương Thị Th về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếmtheo điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa hôm nay, đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Q vẫn giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo như bản cáo trạng đã kết luận và đề nghị áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự, xử phạt:

Bị cáo Lương Thị Th từ 18 đến 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo; miễn hình phạt bổ sung cho bị cáo.

Đối với vật chứng thu giữ của bị cáo là động vật hoang dã đã chết và hôi thối, cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiêu hủy; đối với hai chiếc tủ đông cơ quan cảnh sát điều tra đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp.

Đối với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Một) cá thể Mèo rừng, trị giá 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng); 01 (Một) cá thể Sóc bay trâu, trị giá 150.000 đồng (Một trăm năm mươi nghìn đồng); 05 (Năm) cá thể động vật được cạo lông là Cầy vòi hương, trị giá 350.000 đồng (Ba trăm năm mươi nghìn đồng); 01 (Một) cá thể là Khỉ mặt đỏ, trị giá 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng); 27 (Hai mươi bảy) cá thể là Cầy vòi mốc, trị giá 4.000.000 đồng (Bốn triệu đồng). Tổng giá trị các cá thể động vật là 4.900.000 đồng (Bốn triệu chín trăm nghìn đồng), với giá trị ít, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, công an huyện Q đã ra quyết định xử phạt hành chính.

Người bào chữa không tranh luận về tội danh và nhất trí với mức đề xuất của đại diện Viện kiểm sát.

Bị cáo không có ý kiến tranh luận và xin giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng: Hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Q, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Q, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị cáo, người bào chữa không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về nội dung vụ án: Đầu tháng 3/2020 bị cáo Lương Thị Th đã mua và tàng trữ 01 cá thể Báo lửa (Beo lửa, Beo vàng) có tên khoa học là Cutopuma temminckii. Có tên trong phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ và đồng thời có tên Nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm (Ban hành kèm theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/01/2019 của Chính phủ). Do đó bị cáo đã phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự.

[3] Xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, các tình tiết nhân thân, tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo thấy: Hành vi phạm tội của bị cáo đã “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng. Vì vậy cần xét xử nghiêm cho tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên bị cáo phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, bố của bị cáo là ông Lương Đình Th được nhà nước tặng huân chương chiến công hạng ba; huân chương bảo vệ tổ quốc hạng ba; bị cáo có nhân thân tốt, có địa chỉ rõ ràng; trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, nên chỉ cần giao cho chính quyền địa phương giám sát, giáo dục cũng đáp ứng được công tác đấu tranh và phòng chống tội phạm.

[4] Đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Q và người bào chữa đề nghị xử phạt bị cáo từ 18 đến 24 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa là hợp lý.

[5] Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4 Điều 244 của Bộ luật hình sự quy định “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”, do đó bị cáo có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền. Tuy nhiên theo các tài liệu, chứng cứ và lời khai của bị cáo tại phiên tòa cho thấy, bị cáo không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, điều kiện kinh tế khó khăn, không có tài sản đáng giá. Vì vậy, Hội đồng xét xử quyết định không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

[6] Về vật chứng: Đối với vật chứng thu giữ của bị cáo là động vật hoang dã đã chết bốc mùi hôi thối, cơ quan cảnh sát điều tra đã tiêu hủy; đối với hai chiếc tủ đông cơ quan cảnh sát điều tra đã trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[7] Về án phí: Bị cáo bị kết án nên phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm theo khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Lương Thị Th phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự.

Phạt Lương Thị Th 02 (Hai) năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 04 (Bốn) năm, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo Lương Thị Th cho ủy ban nhân dân xã Đ, huyện Q, tỉnh Nghệ An giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình của bị cáo có trách nhiệm phối hợp với ủy ban nhân dân trong việc giám sát, giáo dục bị cáo. Trong trường hợp bị cáo Lương Thị Th thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo khoản 3 Điều 92 luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

Căn cứ vào Điều 135 và khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án: Buộc bị cáo Lương Thị Th phải chịu 200.000 đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo Lương Thị Th có quyền kháng cáo bản án lên Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

454
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 65/2020/HS-ST ngày 23/09/2020 về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm

Số hiệu:65/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Quế Phong - Nghệ An
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 23/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;