TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHONG THỔ, TỈNH LAI CHÂU
BẢN ÁN 64/2024/HS-ST NGÀY 19/04/2024 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Ngày 19 tháng 4 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 67/2024/TLST-HS, ngày 03/4/2024, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 63/2024/QĐXXST-HS, ngày 08/4/2024, đối với các bị cáo:
1. Họ và tên: Sùng Thị C, tên gọi khác: Không có, sinh ngày 01/01/1974, tại huyện P, tỉnh Lai Châu. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện nay: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 0/12 (Không biết chữ); dân tộc: Mông; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; bố đẻ: Sùng A S, đã chết; mẹ đẻ: Lý Thị M, sinh năm 1953; chồng: Cứ A L, sinh năm 1973; bị cáo có 04 con, con lớn nhất sinh năm 1993, con nhỏ nhất sinh năm 2006; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 20/12/2023 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: Sùng Thị C1, tên gọi khác: Không có, sinh ngày 01/01/1976, tại huyện P, tỉnh Lai Châu. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện nay: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 0/12 (Không biết chữ); dân tộc: Mông; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; bố đẻ: Sùng A S, đã chết; mẹ đẻ: Lý Thị M, sinh năm 1953; chồng: Giàng A C2, sinh năm 1975; bị cáo có 02 con, con lớn nhất sinh năm 1997, con nhỏ nhất sinh năm 2008; tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 20/12/2023 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
3. Họ và tên: Vàng Thị S, tên gọi khác: Không có, sinh ngày 25/8/1998, tại huyện P, tỉnh Lai Châu. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện nay: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 0/12 (Không biết chữ); dân tộc: Mông; giới tính: Nữ; tôn giáo: Tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; bố đẻ: Vàng A D, sinh năm 1978; mẹ đẻ: Giàng Thị P, sinh năm 1979; chồng: Cứ A P, sinh năm 1997; bị cáo có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2015, con nhỏ nhất sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 20/12/2023 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
4. Họ và tên: Vàng Thị P, tên gọi khác: Không có, sinh ngày 19/7/2001, tại huyện P, tỉnh Lai Châu. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và nơi ở hiện nay: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ học vấn: 0/12 (Không biết chữ); dân tộc: Mông; giới tính: Nữ; tôn giáo: Tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; bố đẻ: Vàng A L, sinh năm 1976; mẹ đẻ: Ngải Thị D, sinh năm 1979; chồng: Sùng A N, sinh năm 1998; bị cáo có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2017, con nhỏ nhất sinh năm 2020; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 20/12/2023 đến nay, có mặt tại phiên tòa.
- Bị hại: Ủy ban nhân dân (UBND) xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Người đại diện theo pháp luật: Ông Phàn A C3, chức vụ: Chủ tịch UBND xã, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
Ông Cứ A L1, sinh năm 1973, địa chỉ: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu, có mặt;
Ông Giàng A C3, sinh năm 1975, địa chỉ: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu, có mặt;
Anh Sùng A N1, sinh năm 1998, địa chỉ: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu, có mặt.
- Người phiên dịch cho các bị cáo: Anh Phàn A K, sinh năm 2002, địa chỉ: Bản L, xã M, huyện P, tỉnh Lai Châu, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng đầu tháng 2 năm 2023, do muốn có đất để trồng lúa nên Vàng Thị P, Vàng Thị S, Sùng Thị C1, Sùng Thị C bàn bạc cùng nhau đi đến khu rừng thuộc lô 26d và lô 44, khoảnh 8, tiểu khu 20 để chặt cây, phát cỏ lấy đất làm nương. Thống nhất xong, khoảng 03 ngày sau, Sùng Thị C mang theo 01 con dao bằng kim loại, có tổng chiều dài 36cm rồi điều khiển chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1 - 203.xx, Vàng Thị P mang theo 01 con dao phát dài 98cm, điều khiển chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1 - 480.xx, chở theo Vàng Thị S cầm theo 01 con dao phát dài 50 cm, còn Sùng Thị C1 cầm theo 01 con dao phát dài 110cm, một mình điều khiển chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1 - 741.xx, cùng đi đến khu rừng thuộc lô 26d và lô 44, khoảnh 8, tiểu khu 20, là khu rừng tự nhiên phòng hộ do UBND xã Mù Sang quản lý và cùng nhau chặt cây, phát cỏ để lấy đất làm nương. Tại đây, trong khoảng thời gian 02 ngày, C, P, C1, S cùng nhau chặt hạ 504 cây gỗ Dẻ gai được xếp Nhóm V trong bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước trên tổng diện tích 4.508 m2. Đến khoảng tháng 3 năm 2023, biết cây, cỏ bị chặt đã khô nên Vàng Thị P điều khiển xe mô tô chở theo Sùng Thị C đi đến lô 26d và lô 44, khoảnh 8, để đốt cỏ trên diện tích đã phát. Sau đó, C, P, C1, S đã làm đất trồng lúa tại khu vực này. Đến ngày 12/4/2023, lực lượng Kiểm lâm và Ủy ban nhân dân xã Mù Sang đã tiến hành kiểm tra, phát hiện diện tích rừng bị chặt phá và lập biên bản theo quy định.
Vật chứng đã thu giữ: 01 con dao bằng kim loại, kích thước 37x9 cm;
01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 110cm, cán được làm bằng gỗ dài 73cm, đường kính 03cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 50cm, cán được làm bằng gỗ dài 20cm, đường kính 2,5cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 98cm, cán được làm bằng gỗ dài 62cm, đường kính 4cm; 01 con dao bằng kim loại, có tổng chiều dài 36cm, cán dài 09cm, phần lưỡi cong, dài 27cm; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, màu đỏ đen, biển kiểm soát:
25B1-203.xx; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1- 480.xx; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1-741.xx.
Tại bản Kết luận giám định trong lĩnh vực tư pháp số: 06-2023/KL/GĐTT, ngày 24/8/2023, của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lai Châu, kết luận:
Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là: 4.508m2, cụ thể:
Lô 26d, khoảnh 8, tiểu khu 20, diện tích bị thiệt hại là: 4.307 m2, trạng thái: rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo (TXN); thuộc phân loại rừng phòng hộ.
Lô 44, khoảnh 8, tiểu khu 20, diện tích bị thiệt hại là: 201 m2; trạng thái: rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo kiệt (TXK); thuộc phân loại rừng phòng hộ.
Về mức thiệt hại: Tại thời điểm giám định mức độ thiệt hại về lâm sản (gỗ) là 100%.
Xác định khối lượng lâm sản bị thiệt hại: Tại thời điểm giám định có lâm sản bị thiệt hại. Tuy nhiên, do hiện trường không có đầy đủ cơ sở để xác định trữ lượng lâm sản nên không xác định được khối lượng lâm sản bị thiệt hại.
Tại bản Kết luận giám định số: 758/CNR-VP, ngày 27/11/2023, của Viện Nghiên cứu công nghiệp rừng, kết luận: 03 mẫu gỗ giám định nêu trên đồng nhất một chủng loại gỗ, cụ thể như sau:
Tên Việt Nam: Dẻ gai.
Tên khoa học: Cstanopsis sp.
Gỗ Dẻ gai được xếp Nhóm V trong “Bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước”.
Tại bản Kết luận định giá tài sản số: 35/KL-HĐĐGTS, ngày 06/11/2023, của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Phong Thổ, kết luận:
Tổng diện tích rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo (TXN), thuộc phân loại rừng phòng hộ bị thiệt hại: 4.307 m2 (Bốn nghìn, ba trăm linh bảy mét vuông). Mức độ thiệt hại là: Thiệt hại về Lâm sản (gỗ) là (100%). Giá trị bị thiệt hại tại thời điểm tháng 3/2023 là: 69.502.000 đồng (Bằng chữ: Sáu mươi chín triệu, năm trăm linh hai nghìn đồng);
Tổng diện tích rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo kiệt (TX\KN), thuộc phân loại rừng phòng hộ bị thiệt hại: 201 m2 (Hai trăm linh một mét vuông). Mức độ thiệt hại là: Thiệt hại về Lâm sản (gỗ) là (100%). Giá trị bị thiệt hại tại thời điểm tháng 3/2023 là: 1.759.000 đồng (Bằng chữ: Một triệu, bảy trăm năm mươi chín nghìn đồng).
Tổng diện tích rừng bị thiệt hại: 4.508m2 (Bốn nghìn, năm trăm linh tám mét vuông) nêu trên có giá trị thiệt hại tại thời điểm tháng 3/2023 là:
71.261.000 đồng (Bằng chữ: Bẩy mươi mốt triệu, hai trăm sáu mươi mốt nghìn đồng).
Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện theo pháp luật của bị hại yêu cầu các bị cáo phải chăm sóc diện tích rừng các bị cáo đã trồng trên diện tích rừng bị chặt phá từ 3 đến 5 năm khi khôi phục hiện trạng ban đầu.
Tại bản Cáo trạng số: 24/CT-VKS, ngày 02 tháng 4 năm 2024, của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã truy tố các bị cáo Sùng Thị C, Sùng Thị C1, Vàng Thị P, Vàng Thị S về tội: “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ thực hành quyền công tố tại phiên tòa giữ nguyên Cáo trạng. Phần luận tội, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố: Các bị cáo Sùng Thị C, Sùng Thị C1, Vàng Thị P, Vàng Thị S phạm tội: “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Về hình phạt: Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 243; các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 17, 36, 58 của Bộ luật Hình sự, xử phạt các bị cáo Sùng Thị C, Vàng Thị P từ 02 (Hai) năm, 08 (Tám) tháng đến 03 (Ba) năm cải tạo không giam giữ; xử phạt các bị cáo Sùng Thị C1, Vàng Thị S từ 02 (Hai) năm, 06 (Sáu) tháng đến 02 (Hai) năm, 08 (Tám) tháng cải tạo không giam giữ. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo theo khoản 4 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Giao các bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu giám sát, giáo dục. Về xử lý vật chứng, áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự, điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, đề nghị xử lý: Tịch thu tiêu hủy các vật chứng gồm: 01 con dao bằng kim loại, kích thước 37x9 cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 110cm, cán được làm bằng gỗ dài 73cm, đường kính 03cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 50cm, cán được làm bằng gỗ dài 20cm, đường kính 2,5cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 98cm, cán được làm bằng gỗ dài 62cm, đường kính 4cm; 01 con dao bằng kim loại, có tổng chiều dài 36cm, cán dài 09cm, phần lưỡi cong, dài 27cm. Tịch thu hóa giá nộp ngân sách Nhà nước: 03 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, có biển kiểm soát: 25B1-203.xx, 25B1-480.xx, 25B1- 741.xx, kèm theo đăng ký và chìa khóa. Về trách nhiệm dân sự: áp dụng các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự, ghi nhận sự thoả thuận của các bị cáo với đại diện theo pháp luật của bị hại. Về án phí, các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên đề nghị Hội đồng xét xử miễn án phí cho các bị cáo.
Các bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung Cáo trạng. Các bị cáo không có tranh luận gì với luận tội của Kiểm sát viên. Lời nói sau cùng, các bị cáo đều ăn năn hối cải, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.
Lời khai của đại diện bị hại phù hợp với lời khai của các bị cáo và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Về trách nhiệm dân sự, bị hại yêu cầu các bị cáo phải liên đới trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc phần diện tích rừng đã trồng lại trong thời gian từ 3 đến 5 năm cho đến khi rừng trở lại hiện trạng ban đầu. Về hình phạt, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Cứ A L, Ông Giàng A C, anh Sùng A N đều có nguyện vọng được xin lại tài sản là những chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại cho gia đình. Ngoài ra, không ai có ý kiến gì thêm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an huyện Phong Thổ, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
[2] Về hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện:
Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa ngày hôm nay phù hợp với nội dung biên bản sự việc, biên bản kiểm tra, các kết luận giám định, lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở để khẳng định: Khoảng đầu tháng 2 năm 2023, do muốn có đất để làm nương, Sùng Thị C, Vàng Thị P, Vàng Thị S, Sùng Thị C1 đã cùng nhau bàn bạc và cùng nhau đi đến lô 26d và lô 44, khoảnh 8, tiểu khu 20, thuộc địa phận bản Lảng Than, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, là khu rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo và rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo kiệt, đều thuộc phân loại rừng phòng hộ do Uỷ ban nhân dân xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu quản lý, dùng dao phát chặt hạ 504 cây gỗ Dẻ gai, được xếp Nhóm V trong Bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước, trên tổng diện tích 4.508 m2, gây thiệt hại 100% về Lâm sản (gỗ), giá trị thiệt hại là: 71.261.000 đồng.
Các bị cáo đều là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trực tiếp đến các quy định củA N nước về quản lý và bảo vệ rừng, gây mất trật tự, trị an xã hội trên địa bàn. Các bị cáo biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, bị Nhà nước nghiêm cấm nhưng vẫn cố ý thực hiện. Hành vi của các bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ đã truy tố các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng quy định pháp luật .
[3] Tình tiết có liên quan trong vụ án: Đối với Giàng A C, Cứ A Phừ, Cứ A L, Sùng A N, là chồng của Vàng Thị P, Vàng Thị S, Sùng Thị C1, Sùng Thị C. Việc C, P, S, C1 hủy hoại rừng Chung, Phừ, Lềnh, Nhà không biết. Ngoài ra, việc C, P, C1 sử dụng xe mô tô để đi hủy hoại rừng thì Lềnh, Chung, Nhà không biết. Vì vậy, Giàng A C, Cứ A Phừ, Cứ A L, Sùng A N không đồng phạm với các bị cáo về tội “Hủy hoại rừng”.
[4] Xét các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự:
Các bị cáo đã tự nguyện trồng lại toàn bộ phần diện tích rừng bị chặt phá để khắc phục hậu quả. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hiểu biết xã hội và kiến thức pháp luật có phần hạn chế. Bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo quy định tại các điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
[5] Từ những căn cứ nêu trên, Hội đồng xét xử nhận thấy cần áp dụng mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Trong vụ án này, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có đồng phạm, tính chất đồng phạm giản đơn, giữa các bị cáo không có sự bàn bạc, phân công nhiệm vụ cụ thể, không có sự câu kết chặt chẽ, các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương xứng theo quy định tại các Điều 17, 58 của Bộ luật Hình sự. Về phân hóa vai trò phạm tội, các bị cáo đã cùng nhau bàn bạc, rủ nhau thực hiện hành vi và đều là người thực hành. Không có căn cứ rõ ràng để xác định chính xác phần diện tích rừng mỗi bị cáo đã chặt phá nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm về tổng diện tích rừng bị thiệt hại. Ngoài việc chặt phá cây thì bị cáo C và bị cáo P là người trực tiếp đi đốt cháy phần cây cỏ đã khô để các bị cáo khác cùng làm nương nên phải chịu mức hình phạt nặng hơn. Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo có nơi cư trú rõ ràng, ngoài lần phạm tội này, các bị cáo luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật, mục đích thực hiện hành vi phạm tội là để lấy đất Cnh tác nên không cần thiết phải cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội nhưng cần áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ để giám sát, giáo dục các bị cáo. Xét thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình các bị cáo khó khăn, các bị cáo không có công việc và thu nhập ổn định nên Hội đồng xét xử không khấu trừ thu nhập của các bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt và không áp dụng hình phạt bổ sung với các bị cáo theo khoản 4 Điều 243 của Bộ luật Hình sự.
[6] Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự, điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự, xử lý:
Các vật chứng: 01 con dao bằng kim loại, kích thước 37x9 cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 110cm, cán được làm bằng gỗ dài 73cm, đường kính 03cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 50cm, cán được làm bằng gỗ dài 20cm, đường kính 2,5cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 98cm, cán được làm bằng gỗ dài 62cm, đường kính 4cm; 01 con dao bằng kim loại, có tổng chiều dài 36cm, cán dài 09cm, phần lưỡi cong, dài 27cm. Đây đều là những vật không còn giá trị sử dụng nên cần tịch thu tiêu hủy.
Đối với 03 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1- 203.xx, 25B1-480.xx, 25B1-741.xx, kèm theo đăng ký và chìa khóa xe. Đây đều là tài sản chung của vợ chồng các bị cáo. Do các bị cáo đã sử dụng những chiếc xe này làm phương tiện phạm tội nên cần tịch thu hóa giá nộp ngân sách Nhà nước. Đối với yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc xin lại những chiếc xe máy để làm phương tiện đi lại cho gia đình, Hội đồng xét xử không chấp nhận.
[7] Về trách nhiệm dân sự: Đối với yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của UBND xã Mù Sang về việc buộc các bị cáo phải liên đới trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc phần diện tích rừng đã trồng lại trong thời gian từ 3 đến 5 năm cho đến khi rừng trở lại hiện trạng ban đầu. Các bị cáo cũng đồng ý thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu cầu của bị hại. Hội đồng xét xử xét thấy thỏa thuận này là phù hợp nên căn cứ vào quy định tại các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự, ghi nhận sự thỏa thuận của các bên.
[8] Về án phí: Các bị cáo đều là người dân tộc thiểu số, sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các bị cáo đều xin được miễn nộp tiền án phí nên căn cứ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, miễn nộp tiền án phí cho các bị cáo.
Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Thổ tại phiên tòa về tội danh, mức hình phạt đối với các bị cáo, về phần dân sự, xử lý vật chứng và án phí là có căn cứ nên cần chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố:
1. Các bị cáo Sùng Thị C, Sùng Thị C1, Vàng Thị P, Vàng Thị S phạm tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự.
2. Về hình phạt: Áp dụng điểm c khoản 1 Điều 243, điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, các Điều 17, 36, 58 của Bộ luật Hình sự, Xử phạt bị cáo Sùng Thị C: 02 (Hai) năm, 08 (Tám) tháng cải tạo không giam giữ.
Xử phạt bị cáo Vàng Thị P: 02 (Hai) năm, 08 (Tám) tháng cải tạo không giam giữ.
Xử phạt bị cáo Sùng Thị C1: 02 (Hai) năm, 06 (Sáu) tháng cải tạo không giam giữ.
Xử phạt bị cáo Vàng Thị S: 02 (Hai) năm, 06 (Sáu) tháng cải tạo không giam giữ.
Thời điểm bắt đầu chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nhận được quyết định thi hành án.
Không khấu trừ thu nhập của các bị cáo.
Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo theo khoản 4 Điều 243 của Bộ luật Hình sự.
Giao các bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu giám sát, giáo dục. Gia đình các bị cáo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Mù Sang trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo. Trong thời gian chấp hành án, các bị cáo thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án theo quy định tại Điều 99 của Luật Thi hành án hình sự.
3. Xử lý vật chứng: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 của Bộ luật Hình sự, điểm a, c khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự:
Tịch thu tiêu hủy: 01 con dao bằng kim loại, kích thước 37x9 cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 110cm, cán được làm bằng gỗ dài 73cm, đường kính 03cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 50cm, cán được làm bằng gỗ dài 20cm, đường kính 2,5cm; 01 con dao phát, chiều dài tổng thể là 98cm, cán được làm bằng gỗ dài 62cm, đường kính 4cm; 01 con dao bằng kim loại, có tổng chiều dài 36cm, cán dài 09cm, phần lưỡi cong, dài 27cm.
Tịch thu hóa giá nộp ngân sách Nhà nước: 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, màu đỏ đen, biển kiểm soát: 25B1-203.xx; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1-480.xx; 01 chiếc xe mô tô nhãn hiệu Honda, biển kiểm soát: 25B1-741.xx (kèm theo đăng ký xe và chìa khoá).
(Toàn bộ vật chứng đang được lưu tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Tình trạng vật chứng được miêu tả cụ thể trong biên bản giao nhận vật chứng được lập hồi 16 giờ 00 phút, ngày 03/4/2024, tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).
4. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 587, 589 của Bộ luật Dân sự, ghi nhận sự thoả thuận của các bị cáo và đại diện hợp pháp của bị hại, các bị cáo Sùng Thị C, Sùng Thị C1, Vàng Thị P, Vàng Thị S phải liên đới trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc phần diện tích rừng đã trồng lại tại lô 26d và lô 44, khoảnh 8, tiểu khu 20, thuộc địa phận bản Lảng Than, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, trong thời gian từ 3 đến 5 năm cho đến khi rừng trở lại hiện trạng ban đầu.
5. Về án phí: Áp dụng các Điều 135, 136 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Các bị cáo được miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm.
6. Quyền kháng cáo: Áp dụng các Điều 331, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự, các bị cáo, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 64/2024/HS-ST về tội hủy hoại rừng
Số hiệu: | 64/2024/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Phong Thổ - Lai Châu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 19/04/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về