Bản án 64/2019/KDTM-ST ngày 21/11/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN ĐỐNG ĐA, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 64/2019/KDTM-ST NGÀY 21/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN CỔ PHẦN

Trong ngày 21 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Đống Đa xét xử công khai sơ thẩm Vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 102/2019/TLST- KDTM ngày 25 tháng 10 năm 2019 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 202/2019/QĐXX ngày 31 tháng 10 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn : Ông B. T. S, sinh năm 1958 Hộ khẩu thường trú và nơi cư trú: Số 20A – 2 mới Ngõ 43 Chùa Bộc, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Chứng minh thư nhân dân số: 040276473 do Công an tỉnh Lai Châu cấp ngày 21/8/2000.

(Ông S có đơn vắng mặt tại phiên toà)

- Bị đơn : Công ty X – Ngân hàng Y (tên công ty viết tắt là ALCI) Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế doanh nghiệp Nhà nước, mã số doanh nghiệp: 0100780297 (số ĐKKD cũ: 010600597) đăng ký lần đầu ngày 07/12/2005; đăng ký thay đổi lần thứ 9 ngày 06/11/2018); Địa chỉ trụ sở chính: Số 4, phố Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Ngọc Tung – Tổng Giám đốc.

- Phụ trách điều hành Công ty ALCI: Bà Trương Thị Xuân Thảo - Tổng giám đốc Công ty X Ngân hàng Y (ALCI) theo Quyết định về bổ nhiệm cán bộ số 807/QĐ – HĐTV – UBNS ngày 02/10/2019 của ông Phạm Hoàng Đức - TM. Hội đồng thành viên - TUQ. Chủ tịch Hội đồng thành viên – Thành viên Hội đồng thành viên - Ngân hàng Y).

Người đại diện theo uỷ quyền: Bà L. T. B. H (Sinh năm 1988; Hộ khẩu thường trú và nơi cư trú: P1201 – CT2A Nam Đô – 609 Đường Trương Định, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) – Cán bộ Công ty ALCI (Theo Giấy ủy quyền số 484/ALCI – HCNS ngày 28/10/2019 của Bà Trương Thị Xuân Thảo - Tổng giám đốc, phụ trách điều hành ALCI).

(Bà L. T. B. H có mặt tại phiên toà)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Trong đơn khởi kiện ngày 12/10/2019 cùng các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông B.T.S trình bày:

Được biết Công ty X – Ngân hàng Y (tên công ty viết tắt là: ALCI) thực hiện cổ phần hóa và chào bán cổ phần, ông B. T. S đã tự nguyện mua cổ phần của ALCI, cụ thể ông đã tiến hành mua tổng số 7.400 (Bảy nghìn, bốn trăm) cổ phần của ALCI tại Trung Tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tổng số tiền ông S đã nộp cho ALCI số tiền là 62.666.400 đồng (Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng) và được ALCI cấp cho tôi “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2010 thể hiện ông đã mua 7.400 (Bảy nghìn, bốn trăm) cổ phần của ALCI và số tiền ông đã nộp cho ALCI là: 62.666.400 đồng (Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng). Đến nay, sau khi ông đã thanh toán đầy đủ số tiền mua 7.400 (Bảy nghìn, bốn trăm) cổ phần cho ALCI, ông đã nhiều lần liên hệ với ALCI để yêu cầu ghi nhận tư cách cổ đông thì được biết việc cổ phần hóa của ALCI không thành công.

Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 109/2007/NĐ-CP và sau khi Nghi định số 59/2011/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 109/2007/NĐ-CP thì tại Điều 44 cũng đều ghi nhận thời hạn hoàn thành việc bán cổ phần là 03 tháng kể từ ngày phê duyệt phương án cổ phần hóa. Nghị định 126/2017/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì thời hạn hoàn thành việc bán cổ phần tuy được tăng lên nhưng cũng chỉ là 04 tháng kể từ ngày phê duyệt phương án cổ phần hóa (Điều 38 của Nghị định).

Việc Công ty X – Ngân hàng Y (ALCI) cổ phần hoá không thành công là do ALCI không thực hiện các biện pháp cần thiết để tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa theo quy định tại Điều 43 Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/8/2007. Theo quy định nêu trên thì rõ ràng ALCI đã không thực hiện nghĩa vụ của mình đó là hoàn thành công việc cổ phần hóa ALCI và ALCI là bên hoàn toàn có lỗi trong giao dịch dân sự mua bán cổ phần với ông nên ông đề nghị Tòa án chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần này.

Nay ông S đề nghị Tòa án buộc Công ty X – Ngân hàng Y phải hoàn trả cho ông số tiền 62.666.400 đồng (Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng) ông đã bỏ ra để mua 7.400 (Bảy nghìn, bốn trăm) cổ phần của Công ty X Ngân hàng Y theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000 mà ALCI đã cấp cho ông.

Ngoài ra, ông S không yêu cầu Công ty X – Ngân hàng Y (ALCI) phải thanh toán trả khoản tiền lãi của số tiền trên, không yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, ông B. T. S không còn yêu cầu nào khác.

*Công ty X – Ngân hàng Y do bà L. T. B. H là đại diện theo uỷ quyền trình bày:

 Bà L. T. B. H là đại diện theo ủy quyền của Công ty X – Ngân hàng Y (tên công ty viết tắt là: ALCI) (Theo Giấy ủy quyền số 504/ALCI – HCNS ngày 30/10/2019 của Bà Trương Thị Xuân Thảo - Tổng giám đốc, phụ trách điều hành ALCI) trong vụ án Kinh doanh thương mại do Tòa án nhân dân quận Đống Đa thụ lý số 102/2019/TLST- KDTM ngày 25 tháng 10 năm 2019 về việc “Tranh chấp Hợp đồng mua bán cổ phần” giữa Nguyên đơn là ông B. T. S và bị đơn là Công ty X – Ngân hàng Y (ALCI).

Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế doanh nghiệp Nhà nước, mã số doanh nghiệp: 0100780297 (số ĐKKD cũ: 010600597) đăng ký lần đầu ngày 07/12/2005; đăng ký thay đổi lần thứ 9 ngày 06/11/2018 thì Người đại diện theo pháp luật vẫn là ông Phạm Ngọc Tung (Nguyên Tổng giám đốc Công ty X Ngân hàng Y (ALCI); hiện nay ALCI vẫn hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nói trên và chưa có sự thay đổi. ALCI đang làm tiến hành làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh.

- Ngày 12/6/2019, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Y đã có quyết định số 436/QĐ – HĐTV – UBNS ngày 12/6/2019 về việc điều động cán bộ đối với ông Phạm Ngọc Tung như sau:

Điều 1: Điều động ông Phạm Ngọc Tung, thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015 – 2020 kiêm Tổng Giám đốc Công ty X - Ngân hàng Y (ALCI) nhận nhiệm vụ Giám đốc Agribank – Chi nhánh Tây Quảng Ninh. Thời hạn giữ chức vụ kể từ ngày 15/6/2019 cho đến khi đủ tuổi nghỉ chế độ hưu theo quy định.

- Theo Quyết định về bổ nhiệm cán bộ số 807/QĐ – HĐTV – UBNS ngày 02/10/2019 của ông Phạm Hoàng Đức - TM. Hội đồng thành viên - TUQ. Chủ tịch Hội đồng thành viên – Thành viên Hội đồng thành viên - Ngân hàng Y, bà Trương Thị Xuân Thảo đã được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc - Phụ trách điều hành ALCI. Thời hạn giữ chức vụ là 05 năm, kể từ ngày 10/10/2019. Tuy vậy, hiện nay ALCI chưa xong làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật trong đăng ký kinh doanh được.

Bà L. T. B. H đã nhận được Thông báo thụ lý vụ án số 2606/TB – TLVA ngày 18/10/2019 của Toà án quận Đống Đa và đồng ý với nội dung thông báo trên.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Bộ tài chính và Ngân hàng Y, ALCI được phép chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần. ALCI đã tiến hành đấu giá cổ phần tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ông B. T. S đã thực hiện mua tổng số 7.400 (Bảy nghìn, bốn trăm) cổ phần của ALCI và số tiền ông đã nộp cho ALCI là: 62.666.400 đồng ( Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng). ALCI đã nhận được đủ số tiền trên theo đúng quy trình IPO. Vì vậy, ALCI xác nhận việc ông B. T. S đã mua cổ phần của ALCI tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Tổng số tiền ông S đã nộp cho ALCI là: 62.666.400 đồng ( Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng)và được ALCI cấp cho ông S “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000 thể hiện ông B. T. S đã mua tổng số 7.400 (Bảy nghìn, bốn trăm) cổ phần của ALCI.

Tuy nhiên, do kết quả IPO của ALCI, số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư thông thường không đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định nên ALCI không tiến hành được Đại hội đồng cổ đông. Vì vậy, ALCI chưa thể hoàn tất việc cổ phần hóa doanh nghiệp, hay nói cách khác, ALCI đã không cổ phần hóa thành công nhưng đây hoàn toàn là do bối cảnh khách quan mang lại.

Khi biết được ALCI không cổ phần hóa thành công, ông B. T. S đã tới ALCI yêu cầu chi trả số tiền: 62.666.400 đồng mà ông S đã chuyển khi mua cổ phiếu. ALCI cũng đã có các văn bản trả lời và đến nay ALCI vẫn chưa thể thực hiện trả lại tiền đầu tư Cổ phần cũng như những Nhà đầu tư mua cổ phần khác, do ALCI phải chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng cổ phần hóa.

Đến nay ALCI vẫn đang chờ phê duyệt phương án xử lý pháp nhân, dừng cổ phần hoá của các cấp có thẩm quyền để hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần của ALCI.

Đối với vu viêc ông B. T. S khởi kiện ALCI và yêu cầu buộc ALCI: hoàn trả cho ông S số tiền 62.666.400 đồng mà ông S đã bỏ ra để mua 7.400 cổ phần của ALCI theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000 mà ALCI đã cấp cho ông S, ALCI đề nghị Quý Tòa giải quyết theo quy định của pháp luật.

Thực tế đến nay, ALCI xác nhận việc cổ phần hóa của ALCI là không thực hiện được. Nay, ALCI sẽ thực hiện trả lại tiền mua cổ phần cho ông B. T. S theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì hiện nay chưa có quyết định nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nên ALCI không đồng ý trả cho ông S số tiền 62.666.400 đồng mà ông S đã bỏ ra để mua 7.400 cổ phần của ALCI. ALCI do bà L. T. B. H là đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án với tư cách là Bị đơn trong vụ án và không có bất kỳ yêu cầu độc lập nào. ALCI không có tài liệu chứng cứ nào khác để nộp cho Tòa án. ALCI do bà Hạnh là đại diện theo ủy quyền đề nghị Tòa án căn cứ vào pháp luật để giải quyết vụ án. Ngoài ra, Công ty X – Ngân hàng Y do bà Hạnh là người đại diện theo ủy quyền không trình bày gì thêm và không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề gì khác.

* Tại phiên toà:

- Nguyên đơn là ông B. T. S vắng mặt tại phiên tòa và có đơn xin vắng mặt. Tại đơn xin vắng mặt, ông S giữ nguyên những yêu cầu khởi kiện: ông S đề nghị Tòa án xác định Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp đồng hợp pháp và đề nghị Tòa án chấm dứt hiệu lực của hợp đồng này do bên bị đơn chậm thực hiện nghĩa vụ. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn hoàn trả cho nguyên đơn số tiền 62.666.400 đồng mà nguyên đơn đã bỏ ra để mua 7.400 cổ phần của ALCI theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000. Ngoài ra, nguyên đơn không còn yêu cầu nào khác.

- Bị đơn do bà L. T. B. H đại diện theo ủy quyền có mặt tại phiên tòa: xác nhận việc ông B. T. S đã mua tổng số 7.400 cổ phần của ALCI tại Trung Tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội tương ứng với số tiền 62.666.400 đồng, số tiền ông S đã nộp cho ALCI là 62.666.400 đồng và được ALCI cấp cho ông S “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2010. ALCI không tranh chấp gì về hành vi mua bán cổ phần của ông S và ALCI. Đến nay, Công ty ALCI vẫn chưa thể thực hiện trả lại tiền đầu tư cổ phần của ông S cũng như những Nhà đầu tư mua cổ phần khác do ALCI phải chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc dừng cổ phần hóa. ALCI vẫn đang chờ phê duyệt phương án xử lý pháp nhân, dừng cổ phần hoá của các cấp có thẩm quyền để hoàn trả vốn cho các nhà đầu tư đã mua cổ phần của ALCI. ALCI đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các đương sự không trình bày gì thêm và không yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề nào khác.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa tham gia phiên toà sau khi tóm tắt nội dung vụ án và phân tích vụ án. Vị đại diện Viện kiểm sát có ý kiến:

- Về tố tụng: Quá trình tiến hành tố tụng giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án cho đến phiên tòa xét xử ngày hôm nay Thẩm phán và Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa đã tiến hành tố tụng theo đúng các trình tự tố tụng mà Bộ luật tố tụng dân sự quy định. Nguyên đơn, Bị đơn đã chấp hành đúng qui định của pháp luật.

- Về nội dung: Sau khi phát biểu đánh giá các tình tiết của vụ án, vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Đống Đa có ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B. T. S đối với Công ty X- Ngân hàng Y (viết tắt: ALCI) lµ chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng mua bán cổ phần giữa ông B. T. S và ALCI; Buộc ALCI phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông B. T. S số tiền 62.666.400 đồng là khoản tiền ông S đã thanh toán cho ALCI để mua 7.400 cổ phần của ALCI tại Trung Tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội vào đợt 2 ngày 10/4/2009 với số lượng 7.400 cổ phần của ALCI theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000 mà ALCI đã cấp cho ông S.

Về án phí: Các đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

1.1. Về quan hệ pháp luật: Căn cứ yêu cầu khởi kiện và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử xác định quan hệ pháp luật trong vụ án Kinh doanh thương mại này là “Tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần” quy định tại khoản 1, điều 30 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015.

1.2. Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp: Ông B. T. S khởi kiện Công ty X – Ngân hàng Y (tên công ty viết tắt là: ALCI) về việc “Tranh chấp Hợp đồng mua bán cổ phần”. Bị đơn là ALCI hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế doanh nghiệp Nhà nước, mã số doanh nghiệp: 0100780297 (số ĐKKD cũ: 010600597) đăng ký lần đầu ngày 07/12/2005; đăng ký thay đổi lần thứ 9 ngày 06/11/2018) người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Ngọc Tung; địa chỉ trụ sở chính: Số 4, phố Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Căn cứ vào quy định tại khoản 3, điều 26; Điểm a, khoản 1, Điều 35; Điểm a, khoản 1, Điều 39 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

1.3. Về thời hiệu khởi kiện: Ngày 21/8/2000, ông B. T. S đã mua 7.400 cổ phần của Công ty ALCI theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000 mà Công ty ALCI đã cấp cho ông Khoa. Ngày 22/10/2019, Tòa án nhân dân quận Đống Đa nhận được đơn khởi kiện của ông B. T. S đối với ALCI. Đây là tranh chấp Hợp đồng mua bán cổ phần do việc thành lập Công ty cổ phần không thực hiện được theo quy định của pháp luật, bên mua cổ phần yêu cầu bên bán cổ phần hoàn trả số tiền đã nhận nên theo quy định tại Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 vụ án này không thuộc trường hợp phải áp dụng thời hiệu khởi kiện.

1.4. Về tư cách người đại diện:

Người đại diện theo pháp luật của Công ty ALCI là ông Phạm Ngọc Tung. Vụ án được thụ lý tháng 10/2019 nên việc xác định tư cách người đại diện theo pháp luật của đương sự được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Điều 85 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền”. Điều 137 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “ Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm: người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật; người do Toà án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Toà án”. Công ty ALCI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là đơn vị thành viên hạch toán độc lập, trực thuộc Ngân hàng Y, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực cho thuê tài chính, nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 01 năm trở lên, phát hành trái phiếu và các giấy tờ có giá khác. Công ty ALCI hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế doanh nghiệp Nhà nước, mã số doanh nghiệp: 0100780297 (số ĐKKD cũ: 010600597) đăng ký lần đầu ngày 07/12/2005; đăng ký thay đổi lần thứ 9 ngày 06/11/2018) người đại diện theo pháp luật là ông Phạm Ngọc Tung (Nguyên Tổng giám đốc Công ty ALCI); hiện nay ALCI vẫn hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nói trên và chưa có sự thay đổi. Do có sự sắp xếp lại nhân sự nên ngày 12/6/2019, ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Y đã có Quyết định số 436/QĐ – HĐTV – UBNS ngày 12/6/2019 về việc điều động cán bộ đối với ông Phạm Ngọc Tung: điều động ông Phạm Ngọc Tung, thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2015 – 2020 kiêm Tổng Giám đốc Công ty X Ngân hàng Y (ALCI) nhận nhiệm vụ Giám đốc Agribank – Chi nhánh Tây Quảng Ninh; Thời hạn giữ chức vụ kể từ ngày 15/6/2019 cho đến khi đủ tuổi nghỉ chế độ hưu theo quy định. Do hiện nay ALCI chưa có Tổng giám đốc nên ALCI chưa làm thủ tục thay đổi người đại diện trong đăng ký kinh doanh được. Theo Quyết định về bổ nhiệm cán bộ số 807/QĐ – HĐTV – UBNS ngày 02/10/2019 của ông Phạm Hoàng Đức – TM. Hội đồng thành viên – TUQ. Chủ tịch Hội đồng thành viên – Thành viên Hội đồng thành viên – Ngân hàng Y): Bổ nhiệm bà Trương Thị Xuân Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty X Agribank (ALCI) giữ chức vụ Tổng Giám đốc ALCI; Thời hạn giữ chức vụ là 05 năm, kể từ ngày 10/10/2019. Từ nhận định trên thấy rằng việc bà Trương Thị Xuân Thảo uỷ quyền cho bà L. T. B. H tham gia tố tụng tại Toà án trong vụ án theo Giấy ủy quyền số 504/ALCI – HCNS ngày 30/10/2019 là đúng pháp luật.

[2] Về nội dung:

2.1. Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

2.1.1 Về yêu cầu hoàn trả khoản tiền: 62.666.400 đồng (Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng) Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Bộ tài chính và Ngân hàng Y, ALCI được phép chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần. ALCI đã tiến hành đấu giá cổ phần tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ông B. T. S đã thực hiện mua tổng số 7.400 (bảy nghìn bốn trăm ) cổ phần tương ứng với số tiền 62.666.400 đồng ( Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng) tại Trung Tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. ALCI xác nhận đã nhận được đủ số tiền trên theo đúng quy trình IPO. Vì vậy, ALCI xác nhận việc ông S đã mua cổ phần của ALCI theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000 mà Công ty ALCI đã cấp cho ông S.

Căn cứ vào Điều 401 Bộ luật dân sự 2005 về Hình thức hợp đồng dân sự thì: “1. Hợp đồng dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, khi pháp luật không quy định loại hợp đồng đó phải được giao kết bằng một hình thức nhất định.

2. Trong trường hợp pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định đó.

Hợp đồng không bị vô hiệu trong trường hợp có vi phạm về hình thức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Như vậy, hành vi của phía ALCI đồng ý bán 7.400 cổ phần cho ông B. T. S thông qua Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội còn ông S đồng ý mua tổng số 7.400 cổ phần của ALCI được coi là Hợp đồng mua bán cổ phần hợp pháp. Trong Hợp đồng này nghĩa vụ của ông S là thanh toán khoản tiền mua 7.400 cổ phần cho ALCI còn nghĩa vụ của ALCI là thực hiện việc cổ phần hóa và ghi nhận tư cách cổ đông của ông S trong ALCI.

Sau đó, do kết quả IPO của ALCI, số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư thông thường không đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định nên Công ty ALCI không tiến hành được Đại hội đồng cổ đông. Đến nay, ông S không được ghi nhận tư cách cổ đông và không được giải quyết quyền lợi. Công ty ALCI không thể hoàn tất việc cổ phần hóa doanh nghiệp và đã không cổ phần hóa thành công nhưng không thực hiện trả lại tiền đầu tư mua Cổ phần của ông S.

Việc Công ty ALCI cổ phần hoá không thành công là do ALCI không thực hiện các biện pháp cần thiết để tiếp tục thực hiện việc cổ phần hóa theo quy định tại Điều 43 Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/8/2007 và hết hiệu lực vào ngày 05/09/2011 về việc chuyển Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần quy định t¹i Điều 43. Xử lý số lượng cổ phần không bán hết: 1. Nếu số lượng cổ phần không bán hết còn lại dưới 50% số lượng cổ phần chào bán (trừ số lượng cổ phần được bảo lãnh phát hành) thì điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ (tăng phần vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp) để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần. 2. Nếu còn lại từ 50% số lượng cổ phần chào bán trở lên (trừ số lượng cổ phần được bảo lãnh phát hành) thì cơ quan quyết định cổ phần hóa xem xét, điều chỉnh giảm giá khởi điểm (tối đa bằng mệnh giá cổ phần) và tổ chức đấu giá bán tiếp số cổ phần còn lại. 3.

Trường hợp đã điều chỉnh giảm giá khởi điểm bằng mệnh giá cổ phần mà không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá hoặc không bán hết được số cổ phần còn lại thì cơ quan quyết định cổ phần hóa xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính Phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần để thay thế Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 thì tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 40 Xử lý số lượng cổ phần không bán hết quy định:

“....

2. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa được quyền chào bán công khai tiếp số lượng cổ phần không bán hết cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá theo phương thức thỏa thuận trực tiếp. Các nhà đầu tư từ chối mua cổ phần sẽ không được nhận lại tiền đặt cọc khi tham dự đấu giá.

3. Trường hợp chào bán công khai theo phương thức thỏa thuận mà vẫn không bán hết thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa thực hiện điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần trước khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu.” Nghị định 126/2017/NĐ – CP của Chính Phủ ngày 16/11/2017 thay thế cho Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 tại Điều 37 Xử lý cổ phần không bán hết quy định:

“1. Trường hợp không có nhà đầu tư nào đăng ký mua cổ phần, Ban Chỉ đạo thực hiện bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo phương án cổ phần hóa đã duyệt, đồng thời thực hiện các thủ tục để chuyển doanh nghiệp sang công ty cổ phần, số lượng cổ phần chưa bán được sẽ được điều chỉnh lại vốn điều lệ, cơ cấu vốn điều lệ và thực hiện thoái vốn sau khi doanh nghiệp đã hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần…” Như vậy, trường hợp chào bán công khai mà không bán hết thì Công ty ALCI phải báo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa để điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển 100% vốn Nhà Nước thành Công ty cổ phần sau đó tiến hành họp Đại hội cổ đông lần đầu ghi nhận tư cách cổ đông của những nhà đầu tư đã mua cổ phần của ALCI (như ông S). Tuy nhiên trên thực tế sau khi chào bán không hết số lượng cổ phần cho các nhà đầu tư thì phía ALCI không hề tiến hành thêm bất cứ hoạt động nào khác để hoàn thành việc cổ phần hóa.

Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, Công ty ALCI không cung cấp được các tài liệu chứng cứ chứng minh đã thực hiện các biện pháp cần thiết để hoàn thành việc cổ phần hóa và ghi nhận tư cách cổ đông cho ông S trong thời gian từ năm 2008 cho đến nay.

Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 109/2007/NĐ-CP và sau khi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 109/2007/NĐ-CP thì tại Điều 44 cũng đều ghi nhận thời hạn hoàn thành việc bán cổ phần là 03 tháng kể từ ngày phê duyệt phương án cổ phần hóa. Nghị định 126/2017/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 thì thời hạn hoàn thành việc bán cổ phần tuy được tăng lên nhưng cũng chỉ là 04 tháng kể từ ngày phê duyệt phương án cổ phần hóa (Điều 38 của Nghị định). Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại đã hơn 10 năm kể từ thời điểm Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội thông báo việc ông S mua thành công tổng số 7.400 cổ phần của ALCI thì việc cổ phần hóa ALCI vẫn chưa hoàn thành. Nay ALCI đã xác nhận việc cổ phần hoá của ALCI không thành công. Ông S đã yêu cầu ALCI giải quyết quyền lợi do đã thanh toán khoản tiền mua 7.400 cổ phần của ALCI nhưng ALCI luôn lấy lý do chờ ý kiến chỉ đạo của các Cơ quan chủ quản có thẩm quyền. Đối chiếu với các quy định pháp luật như đã nêu trên thấy rằng trách nhiệm thực hiện việc cổ phần hóa là của ALCI mà cụ thể là của Ban chỉ đạo cổ phần hóa ALCI chứ không phụ thuộc vào bất cứ chỉ đạo của Cơ quan chủ quản có thẩm quyền nào khác.

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 tại Khoản 1 Điều 351 Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ thì “Bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ”.

Theo quy định trên thì ALCI đã không thực hiện nghĩa vụ của mình đó là hoàn thành công việc cổ phần hóa ALCI và ALCI là bên hoàn toàn có lỗi trong giao dịch dân sự mua bán cổ phần với ông S.

Từ thời điểm ông S thanh toán toàn bộ số tiền mua 7.400 cổ phần của ALCI, ông S đã nhiều lần yêu cầu phía ALCI giải quyết quyền lợi liên quan tới việc mua bán cổ phần này (đó là việc ghi nhận tư cách cổ đông của ALCI) nhưng ALCI không thể thực hiện được nội dung trên mặc dù thời gian đã diễn ra kéo dài tới hơn 10 năm và phía Ngân hàng Nhà nước (cơ quan phê duyệt phương án cổ phần hóa ALCI) đã yêu cầu hủy bỏ việc chào bán cổ phần của ALCI.

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cụ thể: Căn cứ vào Khoản 2 Điều 424 về việc hủy bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ: “Trường hợp do tính chất của hợp đồng hoặc do ý chí của các bên, hợp đồng sẽ không đạt được mục đích nếu không được thực hiện trong thời hạn nhất định mà hết thời hạn đó bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng mà không phải tuân theo quy định tại khoản 1 Điều này” và Khoản 2 Điều 427 quy định hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng “Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản”. Nay, ông S yêu cầu công ty ALCI hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận của ông S là 62.666.400 đồng (Sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng) là khoản tiền ông S đã thanh toán cho công ty ALCI để mua 7.400 cổ phần của ALCI tại Trung Tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2010 mà Công ty ALCI đã cấp cho ông S. Vì ALCI đã vi phạm nghĩa vụ dân sự là có căn cứ, phù hợp với quy định của pháp luật nên được chấp nhận. Công ty X - Ngân hàng Y (ALCI) phải có trách nhiệm thanh toán trả ông B. T. S số tiền số tiền 62.666.400 đồng (sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng) .

[3]. Về án phí: Yêu cầu của ông B. T. S được chấp nhận, nên ông S không phải chịu án phí, được hoàn lại số tiền tạm ứng án phí ông S đã nộp; ALCI phải chịu án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Các đương sự có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30; điểm a, khoản 1, Điều 35; điểm a, khoản 1, Điều 39; Điều 70; Điều 72; Điều 147; Điều 184; khoản 2, Điều 271; Điều 273; Điều 278 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ điều 401, 405 Bộ luật dân sự năm 2005.

Căn cứ Khoản 1 Điều 351; Điều 360; Khoản 1, Khoản 2 Điều 361; Khoản 2 Điều 424; khoản 2, 3 Điều 427; 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Căn cứ Nghị định 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp Nhà Nước và Công ty TNHH MTV do doanh nghiệp có vốn điều lệ thành Công ty cổ phần ngày 16/11/2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn giảm thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: 1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B. T. S đối với Công ty X - Ngân hàng Y.

2. Tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng mua bán cổ phần ông B. T. S và Công ty X - Ngân hàng Y.

Buộc Công ty X - Ngân hàng Y phải có trách nhiệm hoàn trả cho ông B. T. S số tiền: 62.666.400 đồng (sáu mươi hai triệu, sáu trăm sáu mươi sáu nghìn, bốn trăm đồng) là khoản tiền ông B. T. S đã thanh toán cho Công ty X – Ngân hàng Y theo “Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần” năm 2000.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí: Công ty X – Ngân hàng Y phải chịu tiền án phí Kinh doanh thương mại sơ thẩm là: 3.133.000 (ba triệu một trăm ba mươi ba nghìn đồng) (Chưa nộp).

Ông B. T. S không phải chịu án phí Kinh doanh thương mại. Hoàn trả cho ông B. T. S số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 1.550.000 đồng (một triệu năm trăm năm mươi nghìn đồng) theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0009383 ngày 25/10/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành án theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì được thi hành án dân sự, và người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Án xử công khai sơ thẩm vắng mặt nguyên đơn là ông B. T. S; có mặt bị đơn là Công ty X – Ngân hàng Y do bà L. T. B. H là người đại diện theo ủy quyền. Công ty X – Ngân hàng Y có quyền kháng cáo Bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày kể từ ngày tuyên án. Ông B. T. S có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tống đạt hợp lệ bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

513
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 64/2019/KDTM-ST ngày 21/11/2019 về tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phần

Số hiệu:64/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Đống Đa - Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 21/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;