TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÌNH GIANG - TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 62/2017/HSST NGÀY 28/12/2017 VỀ TỘI ĐÁNH BẠC
Ngày 28 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương xét xử công khai sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 71/2017/HSST ngày 27 tháng 11 năm 2017 đối với các bị cáo:
1. Vũ Xuân K, sinh năm 1985.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn N, xã D, huyện M, tỉnh Hưng Yên; Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông: Vũ Xuân H và con bà: Phạm Thị T; Vợ: Đỗ Thị M, sinh năm 1993.
Bị cáo có 2 con, con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2014.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú.
2. Nguyễn Văn D, sinh năm 1988.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Thôn K, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1935 và con bà Trần Thị M (đã chết); Vợ Đỗ Thị H, sinh năm 1987; Có 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2014.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Bảo lĩnh.
3. Đỗ Văn H, sinh năm 1988 (tên gọi khác: Đỗ Văn H)
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn K, xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Đỗ Văn L, sinh năm 1964 và con bà Nguyễn Thị K, sinh năm 1969; Vợ: Hà Thị H, sinh năm 1988; Có 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2017.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Bảo lĩnh.
4. Phạm Huy T, sinh năm 1988.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn Đ, xã B, huyện A, tỉnh Hưng Yên.
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 9/12.
Con ông Phạm Văn T, sinh năm 1967 và con bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1968; Vợ Nguyễn Thị Đ, sinh năm 1990, có 02 con, con lớn sinh năm 2012, con nhỏ sinh năm 2013.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú.
5. Nguyễn Phi Q, sinh năm 1982.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn Đ, xã Đ, Thành phố T, tỉnh Thái Nguyên;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 9/12.
Con ông Nguyễn Phi H, sinh năm 1959 và con bà Dương Thị H, sinh năm 1957; Vợ Nguyễn Thị P, sinh năm 1987; Có 02 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2011.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Bảo lĩnh.
6. Phạm Doãn Đ, sinh năm 1993.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn D, xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Phạm Doãn T, sinh năm 1962 và con bà Phạm Thị T, sinh năm 1966.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú.
7. Nguyễn Văn H, sinh năm 1989.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn X, xã X, huyện M, tỉnh Hưng Yên;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Nguyễn Văn D (đã chết) và con bà Phạm Thị P, sinh năm 1958;
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú.
8. Phạm Đức B, sinh năm 1985.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Thôn Đ, xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Phạm Kim L (Ông L là Liệt sỹ) và con bà Phạm Thị D, sinh năm 1944.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Bảo lĩnh.
9. Bùi Xuân T, sinh năm 1957.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Thôn y, xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 7/10.
Con ông Bùi Xuân D (đã chết) và con bà Phạm Thị H, sinh năm 1923; Vợ Hoàng Thị M, sinh năm 1960; Có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1988, con nhỏ nhất sinh năm 1994;
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Bảo lĩnh.
10. Nguyễn Văn H, sinh năm 1994.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn T, xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1971 và con bà Nguyễn Thị O, sinh năm 1971.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo bị tạm giữ từ ngày 30/9/2017 đến ngày 02/10/2017 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú.
11. Hoàng Thái S, sinh năm 1989.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: thôn C, xã V, huyện A, tỉnh Hưng Yên;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12 /12.
Con ông Hoàng Đình T, sinh năm 1968 và con bà Phạm Thị M, sinh năm 1970; Vợ Nguyễn Thị Thanh H, sinh năm 1989; Có 01 con sinh năm 2014.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú.
12. Đặng Ngọc T, sinh năm 1988.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn N, xã Ô, huyện P, tỉnh Thái Nguyên;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Đặng Ngọc T, sinh năm 1959 và con bà Ma Thị T, sinh năm 1962; Vợ Ma Thị L, sinh năm 1995; Có 01 con sinh năm 2015.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Bảo lĩnh.
13. Nguyễn Văn C, sinh năm 1983.
Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: thôn Đ, xã Đ, huyện A, tỉnh Hưng Yên;
Nghề nghiệp: Công nhân; Trình độ văn hóa: 12/12.
Con ông Nguyễn Văn T sinh năm 1940 và con bà Nguyễn Thị C, sinh năm 1942; Vợ Nguyễn Thị C, sinh năm 1982. Có 01 con sinh năm 2004.
Tiền án, tiền sự: Không.
Bị cáo tại ngoại, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú.
Các bị cáo đều có mặt tại phiên tòa.
NHẬN THẤY
Các bị cáo Vũ Xuân K, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H, Phạm Huy T, Nguyễn Phi Q, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Phạm Đức B, Bùi Xuân T, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Khoảng 17 giờ ngày 29/9/2017, sau khi hết giờ làm việc, Vũ Xuân K, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Phạm Đức B (đều là công nhân công ty TNHH MTV T có địa chỉ tại thôn T, xã H, huyện B, tỉnh Hải Dương) rủ nhau đi uống bia tại quán ở cạnh cổng công ty. Trong lúc ăn uống cả 4 người cùng thống nhất đánh bạc với nhau, B đi mua bộ túlơkhơ 52 quân đưa cho K rồi tất cả đi về khu tập thể của công ty. Trên đường về, K gặp và rủ Bùi Xuân T tham gia đánh bạc, T đồng ý. Khoảng 18 giờ cùng ngày K, H, S, B, T đi vào phòng số 16 (là phòng nghỉ giữa ca dành cho toàn thể công nhân) ngồi xuống chiếu đã trải sẵn dưới nền nhà bắt đầu đánh bạc sát phạt nhau bằng tiền dưới hình thức đánh “Liêng”. Cách thức đánh “Liêng” được quy định: Các con bạc dùng bộ bài tú lơ khơ gồm 52 quân bài chia đều cho mỗi người chơi 3 quân sau đó so điểm, mỗi ván những người chơi phải bỏ ra số tiền 10.000 đồng để góp “Gà”, người nào cao điểm hơn là người thắng và được toàn bộ số tiền những người chơi đã góp, nếu trong ván đó người nào có 3 quân bài liên tiếp cùng chất (gọi là Liêng), nếu người nào có 3 quân bài cùng hàng (gọi là Sáp), người nào có 3 quân bài đầu người không xếp thành “Liêng” và “Sáp” thì gọi là “Bộ đội”. Người thắng của ván đó là người có điểm cao nhất được tính theo thứ tự “Sáp” là cao nhất (trong đó sáp A là cao nhất rồi đến K..., sáp 2 là bé nhất), “Liêng” (trong đó Liêng Q, K, A là cao nhất), “Bộ đội” rồi đến so điểm (A = 1 điểm, rồi đến thứ tự quân bài từ 2 đến 9, các quân bài 10, J, Q, K không được tính điểm). Sau khi chia bài người chơi có quyền tố, tức là khẳng định bài mình thắng thì được tố thêm tiền, mức tố cao nhất 100.000 đồng, người nào theo thì so điểm, người nào không theo thì úp bài và mất số tiền đã đặt vào “Gà”. Nếu trong ván đó không có người tố thì người chia bài là người thắng và được toàn bộ số tiền “Gà” đã đặt.
Đến khoảng 19 giờ cùng ngày thì lần lượt Phạm Huy T, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C, Phạm Doãn Đ đến tham gia đánh bạc. B, C, T đánh bạc cùng các đối tượng trên đến khoảng 20 giờ 30 phút cùng ngày thì nghỉ đi về nhà. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H đến tham gia đánh bạc được mấy ván thì S không chơi nữa đi về nhà. Sau khi S về thì Nguyễn Văn H, Nguyễn Phi Q đến tham gia đánh bạc với các đối tượng còn lại là: K, H, H, Đ, T, D, T, đến khoảng 23 giờ cùng ngày bị Cơ quan điều tra Công an huyện Bình Giang phát hiện, bắt quả tang. Thu giữ tại chiếu bạc số tiền 4.410.000 đồng; 01 chiếu cói đôi, 01 bộ bài tú lơ khơ gồm 52 quân; thu giữ trên người các đối tượng tổng số 33.470.000 đồng (gồm: K 6.800.000 đồng, Đ 4.000.000 đồng, Q 1.000. 000 đồng, H 6.020.000 đồng, H 7.000.000 đồng, D 8.650.000 đồng); Trong thời gian từ ngày 03/10 đến ngày 30/10/2017 S, B, T, C ra đầu thú (trong đó B tự nguyện giao nộp 700.000 đồng, T giao nộp 1.150.000 đồng dùng vào việc đánh bạc.
Quá trình điều tra đã xác định tổng số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là 10.560.000 đồng. Trong đó K khai có 6.700.000 đồng, sử dụng 700.000 đồng; Đ có 5.000.000 đồng, sử dụng 1.000.000 đồng; Q sử dụng 1.230.000 đồng; H có 6.020.000 đồng, sử dụng 1.000.000 đồng; T sử dụng 500.000 đồng; H có 8.600.000 đồng, sử dụng 1.600.000 đồng; D có 9.150.000 đồng, sử dụng 2.000.000 đồng; H sử dụng 520.000 đồng; T sử dụng 1.500.000 đồng; S sử dụng 500.000 đồng; B sử dụng 500.000 đồng; T sử dụng 350.000 đồng; C sử dụng 300.000 đồng vào việc đánh bạc.
Vật chứng của vụ án: Số tiền 10.560.000 đồng; 01 bộ bài túlơkhơ 52 quân, 01 chiếu cói bị cáo dùng vào việc đánh bạc; số tiền 29.170.000 đồng là số tiền các bị cáo không sử dụng đánh bạc (gồm: của K 6.000.000 đồng, Đ 4.000.000 đồng, H 5.020.000 đồng, H 7.000.000 đồng, D 7.150.000 đồng).
Tại bản cáo trạng số 56/VKS -HS ngày 24/11/2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương truy tố các bị cáo: Vũ Xuân K, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H, Phạm Huy T, Nguyễn Phi Q, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Phạm Đức B, Bùi Xuân T, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C về tội “Đánh bạc” theo Điều 248 khoản 1 Bộ luật Hình sự.
Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang phát biểu quan điểm luận tội, giữ nguyên quyết định truy tố đối với các bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử:
Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo: Vũ Xuân K, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H, Phạm Huy T, Nguyễn Phi Q, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Phạm Đức B, Bùi Xuân T, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C phạm tội “Đánh bạc”.
Về hình phạt chính:
1. Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Vũ Xuân K.
Xử phạt bị cáo Vũ Xuân K từ 08 đến 10 tháng tù cho hưởng án treo thử thách từ 16 đến 20 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Vũ Xuân K cho Ủy ban nhân dân xã D, huyện M, tỉnh Hưng Yên quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
2. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn H.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H từ 07 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo thử thách từ 14 đến 18 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Nguyễn Văn H cho UBND xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên quản lý giáo dục trong thời gian thử thách.
3. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p, s khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Bùi Xuân T.
Xử phạt bị cáo Bùi Xuân T từ 07 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo thử thách từ 14 đến 18 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Bùi Xuân T cho UBND xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
4. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1,2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn D.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D từ 07 đến 09 tháng tù cho hưởng án treo thử thách từ 14 đến 18 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Nguyễn Văn D cho UBND xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.
5. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự 1999; điểm x khoản 1 Điều 51, khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, Nghị quyết 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017của Quốc hội đối với bị cáo Phạm Đức B.
Xử phạt bị cáo Phạm Đức B từ 10 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Miễn khấu trừ thu nhập hàng tháng của bị cáo B trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Giao bị cáo Phạm Đức B cho Ủy ban nhân dân xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
6. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Huy T.
Xử phạt bị cáo Phạm Huy T từ 10 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ, được trừ 03 ngày tạm giữ = 09 ngày cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã B, huyện A, tỉnh Hưng Yên nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ từ 5% đến 10% thu nhập hàng tháng của bị cáo T trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ Nhà nước.
Giao bị cáo Phạm Huy T cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện A, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
7. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Doãn Đ.
Xử phạt bị cáo Phạm Doãn Đ từ 10 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ, được trừ 03 ngày tạm giữ = 09 ngày cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ từ 5% đến 10% thu nhập hàng tháng của bị cáo Đ trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ Nhà nước.
Giao bị cáo Phạm Doãn Đ cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
8. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn H.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H từ 10 đến 12 tháng cải tạo không giam giữ, được trừ 03 ngày tạm giữ = 09 ngày cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã X, huyện M, tỉnh Hưng Yên nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ từ 5% đến 10% thu nhập hàng tháng của bị cáo H trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ Nhà nước.
Giao bị cáo Nguyễn Văn H cho Ủy ban nhân dân xã X, huyện M, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
9. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1,3,4 Điều 30 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đỗ Văn H.
Xử phạt tiền bị cáo Đỗ Văn H từ 7.000.000đ đến 10.000.000đ sung quỹ Nhà nước.
10. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Phi Q.
Xử phạt tiền bị cáo Nguyễn Phi Q từ 7.000.000đ đến 10.000.000đ sung quỹ Nhà nước.
11. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1,3,4 Điều 30 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn C.
Xử phạt tiền bị cáo Nguyễn Văn C từ 7.000.000đ đến 10.000.000đ sung quỹ Nhà nước.
12. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 3, 4 Điều 30 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Hoàng Thái S.
Xử phạt tiền bị cáo Hoàng Thái S từ 7.000.000đ đến 10.000.000đ sung quỹ Nhà nước.
13. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1,3,4 Điều 30 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Đặng Ngọc T.
Xử phạt tiền bị cáo Đặng Ngọc T từ 7.000.000đ đến 10.000.000đ sung quỹ Nhà nước.
Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 3 Điều 248; khoản 2, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự: Phạt tiền các bị cáo Vũ Xuân K, Phạm Huy T, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn D mỗi bị cáo từ 3.000.000đ đến 5.000.000đ sung quỹ Nhà nước. Miễn phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo T, bị cáo B.
Về vật chứng: Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 41 Bộ luật hình sự; điểm a, c, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự:
Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 10.560.000đ (Mười triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) là tiền các bị cáo sử dụng vào việc đánh bạc.
Trả lại các bị cáo số tiền không dùng để đánh bạc gồm: Trả lại bị cáo D 7.150.000đ; Bị cáo Đ 04.000.000đ; Bị cáo H 7.000.000đ; Bị cáo H 5.020.000đ; Bị cáo K 6.000.000đ. nhưng bảo thủ để thi hành các khoản tiền phạt và án phí.
Tịch thu cho tiêu hủy 01 bộ bài Tú lơ khơ gồm 52 quân bài; 01 chiếu cói đôi.
Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án. Buộc mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ án phí Hình sự sơ thẩm. Miễn tiền án phí HSST cho bị cáo T và B.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, các bị cáo.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời nhận tội của các bị cáo phù hợp với nhau, phù hợp với biên bản bắt người phạm tội quả tang, lời khai người làm chứng, vật chứng thu giữ và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Như vậy đã có đủ cơ sở xác định: Trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 23 giờ ngày 29/9/2017, tại phòng số 16 Khu tập thể Công ty TNHH MTV T ở thôn T, xã H, huyện B, tỉnh Hải Dương, Vũ Xuân K, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H, Phạm Huy T, Nguyễn Phi Q, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Phạm Đức B, Bùi Xuân T, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C có hành vi đánh bạc trái phép sát phạt tiền lẫn nhau bằng hình thức đánh Liêng, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Giang phát hiện bắt quả tang. Thu giữ tại chiếu bạc 4.410.000 đồng, thu trên người các đối tượng tổng 6.150.000 đồng và dụng cụ dùng vào việc đánh bạc. Tổng số tiền các bị cáo dùng vào việc đánh bạc là 10.560.000 đồng.
Như vậy đã có đủ căn cứ để kết luận: Các bị cáo Vũ Xuân K, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H, Phạm Huy T, Nguyễn Phi Q, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Phạm Đức B, Bùi Xuân T, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C phạm tội “Đánh bạc”; Tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự đúng như Cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân huyện Bình Giang đã truy tố đối với các bị cáo.
Xét hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự công cộng. Đánh bạc là một tệ nạn xã hội và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm khác như: trộm cắp tài sản, Cố ý gây thương tích... gây thiệt hại về kinh tế và là nguyên nhân gây mâu thuẫn trong gia đình. Đảng và Nhà nước ta đã dùng nhiều biện pháp để tuyên truyền, giáo dục nhằm ngăn chặn tệ nạn này ra khỏi đời sống nhân dân nhưng các bị cáo vẫn làm ngơ, coi thường pháp luật tụ tập nhau đánh bạc sát phạt nhau bằng tiền nên cần thiết phải đưa các bị cáo ra xét xử trước pháp luật để giáo dục và làm gương cho những người khác. Song xét thấy đây là vụ án đồng phạm giản đơn, các bị cáo đều là những công nhân lao động chân chính tại công ty, sau khi nghỉ làm việc mới rủ nhau đánh bạc, không phải là những người chơi cờ bạc chuyên nghiệp nên cũng cần cân nhắc về hình phạt đối với các bị cáo, thể hiện sự nhân đạo của pháp luật.
Xét vai trò, nhân thân và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ đối với các bị cáo:
Bị cáo Vũ Xuân K tham gia đánh bạc từ đầu đến cuối và còn có hành vi rủ bị cáo T đánh bạc nên xác định giữ vai trò thứ nhất. Bị cáo H, T cũng tham gia đánh bạc tích cực từ đầu đến khi bị bắt, bị cáo D tuy vào tham gia đánh bạc sau nhưng sử dụng số tiền 2.000.000đ để đánh bạc là số tiền cao hơn các bị cáo khác nên xác định 3 bị cáo cùng giữ vai trò tích cực thứ hai trong vụ án. Các bị cáo còn lại lần lượt vào sau nên đều giữ vai trò cuối trong vụ án.
Trong vụ án này tất cả các bị cáo đều có nhân thân tốt chưa có tiền án tiền sự, tại phiên tòa đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, dùng số tiền ít để đánh bạc, một số bị cáo đang đánh bạc nhưng đã tự bỏ về còn một số bị cáo vào sau, thời gian tham gia đánh bạc ngắn nên xác định các bị cáo đều phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, do vậy các bị cáo đều được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h, p khoản 1 điều 46 BLHS. Các bị cáo B, C, T, S tham gia đánh bạc từ đầu đến khoảng 20h 30 phút thì về nghỉ nên không bị bắt quả tang, sau đó đã ra đầu thú nên đều được hưởng 1 tình tiết giảm nhẹ theo Điều 46 khoản 2 BLHS. Bị cáo T tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 được Nhà nước tặng thưởng Bằng khen nên được hưởng 1 tình tiết giảm nhẹ theo điểm s khoản 1 Điều 46 BLHS. Xét thấy các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đều có nghề nghiệp và nơi cư trú rõ ràng nên chỉ cần áp dụng mức hình phạt tù cho hưởng án treo đối với bị cáo K, H, T, D cũng đủ tác dụng giáo dục thành người công dân tốt. Các bị cáo Đ, H, T, B chỉ cần áp dụng mức hình phạt cải tạo không giam giữ cũng đủ tác dụng giáo dục răn đe đối với các bị cáo. Bị cáo Đ, H, T bị tạm giữ 3 ngày nên cần áp dụng Điều 31 Bộ luật Hình sự trừ vào thời gian cải tạo không giam giữ cho các bị cáo, cứ 01 ngày tạm giữ = 03 ngày cải tạo không giam giữ. Ngoài ra cần khấu trừ 10% thu nhập hàng tháng của các bị cáo để sung quỹ Nhà nước theo quy định. Bị cáo B là con liệt sỹ, gia đình hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên miễn khấu trừ thu nhập hàng tháng đối với bị cáo.
Các bị cáo H, S, C, Q, T chỉ cần áp dụng mức hình phạt tiền là hình phạt chính cũng có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung có hiệu quả.
Bị cáo B có bố là liệt sỹ nên cần áp dụng điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015, được sửa đổi năm 2017 quy định về tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo theo khoản 3 điều 7 BLHS 2017, Nghị Quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự 2015 để áp dụng về hình phạt đối với bị cáo.
Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 3 Điều 248; khoản 2, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự cần phạt bổ sung phạt tiền đối với các bị cáo đánh bạc mỗi bị cáo 3.000.000đ sung quỹ nhà nước. Bị cáo H, S, C, Q, T đã bị phạt tiền là hình phạt chính nên không áp dụng phạt bổ sung là phạt tiền. Bị cáo B là con liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, bị cáo T thuộc diện hộ cận nghèo nên miễn phạt bổ sung là phạt tiền đối với 2 bị cáo.
Về vật chứng: Quá trình điều tra thu giữ số tiền 39.730.000đ, trong đó tiền các bị cáo sử dụng để đánh bạc là 10.560.000đ cần tịch thu sung quỹ Nhà nước gồm: tiền thu tại chiếu bạc 4.410.000đ; thu trong người các con bạc tiền đã và sẽ dùng để đánh bạc 6.150.000đ (gồm của bị cáo K 800.000đ, D 1.500.000đ, Q 1.000.000đ, H 1.000.000đ, B 700.000đ, T 1.150.000đ). Số tiền các bị cáo không dùng để đánh bạc cần trả lại các bị cáo gồm: Trả lại bị cáo D 7.150.000đ; Bị cáo Đ 04.000.000d; Bị cáo H 7.000.000đ; Bị cáo H 5.020.000đ; Bị cáo K 6.000.000đ nhưng cần bảo thủ để thi hành khoản tiền phạt và tiền án phí.
Quá trình điều tra còn thu giữ 1 bộ bài Túlơkhơ 52 quân, 01 chiếc chiếu cói đôi là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội nên cần tịch thu cho tiêu hủy.
Căn phòng số 16 - Khu nhà tập thể của Công ty T là phòng nghỉ chung của công nhân không giao trực tiếp cho ai quản lý. Khi việc đánh bạc diễn ra, quản lý Công ty không biết nên không có căn cứ để xử lý.
Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án. Buộc mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ án phí Hình sự sơ thẩm. Bị cáo B là con liệt sỹ, bị cáo T thuộc hộ cận nghèo nên miễn nộp tiền án phí HSST.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Vũ Xuân K, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H, Phạm Huy T, Nguyễn Phi Q, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Phạm Đức B, Bùi Xuân T, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C phạm tội “Đánh bạc”.
1. Áp dụng khoản 1 Điều 248; điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Vũ Xuân K.
Xử phạt bị cáo Vũ Xuân K 09 (chín) tháng tù cho hưởng án treo thử thách 18 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Vũ Xuân K cho Ủy ban nhân dân xã D, huyện M, tỉnh Hưng Yên quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
2. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn H.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 08(tám) tháng tù cho hưởng án treo thử thách 16 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Nguyễn Văn H cho UBND xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên quản lý giáo dục trong thời gian thử thách.
3. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p, s khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Bùi Xuân T.
Xử phạt bị cáo Bùi Xuân T 08 (tám) tháng tù cho hưởng án treo thử thách 16 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Bùi Xuân T cho UBND xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
4. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn D.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn D 08 (tám) tháng tù cho hưởng án treo thử thách 16 tháng thời gian tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Nguyễn Văn D cho UBND xã T, huyện T, tỉnh Thái Bình quản lý, giáo dục trong thời gian thử thách.
Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án hình sự.
5. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự 1999; điểm x khoản 1 Điều 51, khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015 được sửa đổi năm 2017, Nghị quyết 41/QH14 ngày 20/6/2017 đối với bị cáo Phạm Đức B.
Xử phạt bị cáo Phạm Đức B 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Miễn khấu trừ thu nhập hàng tháng đối với bị cáo B trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Giao bị cáo Phạm Đức B cho Ủy ban nhân dân xã Y, huyện Y, tỉnh Ninh Bình giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
6. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Huy T.
Xử phạt bị cáo Phạm Huy T 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ, được trừ 03 ngày tạm giữ = 09 ngày cải tạo không giam giữ, còn phải chấp hành 11 (mười một) tháng 21 (hai mốt) ngày cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã B, huyện A, tỉnh Hưng Yên nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ 10% thu nhập hàng tháng của bị cáo T trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ Nhà nước.
Giao bị cáo Phạm Huy T cho Ủy ban nhân dân xã B, huyện A, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
7. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Phạm Doãn Đ.
Xử phạt bị cáo Phạm Doãn Đ 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ, được trừ 03 ngày tạm giữ = 09 ngày cải tạo không giam giữ, còn phải chấp hành 11 (mười một) tháng 21 (hai mốt) ngày cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ 10% thu nhập hàng tháng của bị cáo Đ trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ Nhà nước.
Giao bị cáo Phạm Doãn Đ cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện M, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
8. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 điều 46, Điều 20, Điều 53, Điều 31 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn H.
Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 12 (mười hai) tháng cải tạo không giam giữ, được trừ 03 ngày tạm giữ = 09 ngày cải tạo không giam giữ, còn phải chấp hành 11(mười một) tháng 21 (hai mốt) ngày cải tạo không giam giữ, thời gian tính từ ngày UBND xã X, huyện M, tỉnh Hưng Yên nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Khấu trừ 10% thu nhập hàng tháng của bị cáo H trong thời gian cải tạo không giam giữ để sung quỹ Nhà nước.
Giao bị cáo Nguyễn Văn H cho Ủy ban nhân dân xã X, huyện M, tỉnh Hưng Yên giám sát, giáo dục trong thời gian cải tạo không giam giữ.
9. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1,3,4 Điều 30 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đỗ Văn H.
Xử phạt tiền bị cáo Đỗ Văn H 10.000.000đ (mười triệu đồng) sung quỹ Nhà nước. Tiền phạt nộp một lần, thời hạn nộp trong một tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.
10. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Nguyễn Phi Q.
Xử phạt tiền bị cáo Nguyễn Phi Q 10.000.000đ (mười triệu đồng) sung quỹ Nhà nước. Tiền phạt nộp một lần, thời hạn nộp trong một tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.
11. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1,3,4 Điều 30 Bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Văn C.
Xử phạt tiền bị cáo Nguyễn Văn C 10.000.000đ (mười triệu đồng) sung quỹ Nhà nước. Tiền phạt nộp một lần, thời hạn nộp trong một tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.
12. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Hoàng Thái S.
Xử phạt tiền bị cáo Hoàng Thái S 10.000.000đ (mười triệu đồng) sung quỹ Nhà nước. Tiền phạt nộp một lần, thời hạn nộp trong một tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.
13. Áp dụng khoản 1 Điều 248, điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 20, Điều 53, khoản 1, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo Đặng Ngọc T.
Xử phạt tiền bị cáo Đặng Ngọc T 10.000.000đ (mười triệu đồng) sung quỹ Nhà nước. Tiền phạt nộp một lần, thời hạn nộp trong một tháng kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật.
Về hình phạt bổ sung: Áp dụng khoản 3 Điều 248; khoản 2, 3, 4 Điều 30 Bộ luật Hình sự: Phạt tiền các bị cáo Vũ Xuân K, Phạm Huy T, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn D mỗi bị cáo 3.000.000đ sung quỹ Nhà nước. Tiền phạt nộp một lần, thời hạn nộp trong một tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Miễn phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo Bùi Xuân T và bị cáo Phạm Đức B.
Về vật chứng: Áp dụng điểm a, b khoản 1 Điều 41 Bộ luật Hình sự; điểm a, c, đ khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự:
Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 10.560.000đ (Mười triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) là tiền các bị cáo sử dụng vào việc đánh bạc.
Trả lại các bị cáo số tiền không dùng để đánh bạc gồm: Trả lại bị cáo D 7.150.000đ; Bị cáo Đ 04.000.000đ; Bị cáo H 7.000.000đ; Bị cáo H 5.020.000đ; Bị cáo K 6.000.000đ nhưng bảo thủ để thi hành các khoản tiền phạt và án phí.
Tịch thu cho tiêu hủy 01 bộ bài Tứ lơ khơ gồm 52 quân bài; 01 chiếu cói đôi theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 06 tháng 12 năm 2017 giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Giang.
Số tiền và các vật chứng nêu trên hiện đang do Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang quản lý theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 06/12/2017 giữa Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bình Giang và Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bình Giang.
Về án phí: Áp dụng Điều 99 Bộ luật Tố tụng hình sự, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án buộc các bị cáo: Vũ Xuân K, Nguyễn Văn D, Đỗ Văn H, Phạm Huy T, Nguyễn Phi Q, Phạm Doãn Đ, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn H, Hoàng Thái S, Đặng Ngọc T, Nguyễn Văn C mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí HSST. Miễn nộp tiền án phí HSST cho bị cáo Phạm Đức B và Bùi Xuân T.
Án xử công khai sơ thẩm có mặt các bị cáo. Đã báo cho các bị cáo biết có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.
Bản án 62/2017/HSST ngày 28/12/2017 về tội đánh bạc
Số hiệu: | 62/2017/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bình Giang - Hải Dương |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 28/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về