TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NGỌC LẶC, TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 61/2019/HNGĐ-ST NGÀY 24/12/2019 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON KHI LY HÔN
Ngày 24/12/2019, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 201/2019/TLST-HNGĐ ngày 10/9/2019 về việc ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 92/2019/QĐXXST-HNGĐ ngày 11/11/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 69/2019/QĐST-HNGĐ ngày 27/11/2019, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Anh Quách Văn Q, sinh năm 1985 (Có mặt)
Địa chỉ: Làng L, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hóa
Bị đơn: Chị Cao Thị L, sinh năm 1986 (Có mặt)
Địa chỉ: Làng L, xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hóa
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện, bản tự khai ngày 09/9/2019, phiên hòa giải ngày 05/11/2019, nguyên đơn là anh Quách Văn Q trình bày: Giữa nguyên đơn và bị đơn là chị Cao Thị L kết hôn với nhau vào ngày 17/9/2007, việc kết hôn là do hai người tự nguyện, đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã T, huyện N, tỉnh Thanh Hóa, nơi cư trú, sinh sống của anh Q khi kết hôn và đã được cấp giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của pháp luật. Sau khi kết hôn anh Q và chị L chung sống với nhau tại làng L, xã T, huyện N. Quá trình chung sống, anh Q và chị L hòa thuận đến đầu năm 2014 thì xảy ra mâu thuẫn. Nguyên nhân là do vợ chồng bất đồng nhau về quan điểm sống, về cách làm ăn và nuôi dạy con cái nên vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi cọ, xúc phạm nhau. Khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, chính quyền thôn và bố mẹ gia đình hai bên đã động viên, khuyên giải nhiều lần nhưng không có kết quả. Do mâu thuẫn trầm trọng, nên từ cuối năm 2016 anh Q và chị L đã sống ly thân, từ khi ly thân vợ chồng không còn quan tâm gì đến nhau nữa. Nay anh Q xét thấy, mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, tình cảm vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, nên anh Q yêu cầu Tòa án giải quyết cho anh Q và chị L ly hôn. Về con chung, anh Q và chị L có một con chung tên là Quách Thị Phương U, sinh ngày 02/7/2008, từ khi anh Q và chị L ly thân con do anh Q và bố mẹ anh Q nuôi dưỡng và hiện nay con đã trên 7 tuổi, con có nguyện vọng ở với anh Q. Khi ly hôn, anh Q đề nghị giao con chung cho anh Q trực tiếp nuôi dưỡng, anh Q tự nguyện không yêu cầu chị L cấp dưỡng nuôi con chung với anh Q. Về tài sản, nguyên đơn tự nguyện không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại bản tự khai ngày 16/9/2019, phiên hòa giải ngày 05/11/2019, bị đơn là Cao Thị L thừa nhận lời khai của nguyên đơn về việc kết hôn, thời gian vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn, thời gian vợ chồng sống ly thân và tình trạng mâu thuẫn vợ chồng hiện nay là đúng. Năm 2016, do mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, anh Q đã làm đơn ly hôn, chị L đã ký vào đơn ly hôn của anh Q và đi làm công nhân ở tỉnh Bắc Ninh để chờ việc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của anh Q. Năm 2018, chị L về thăm con và ở lại đi làm công nhân tại nhà máy may Vietpan Pacific ở thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, nhưng chị L và anh Q không đi lại, quan tâm gì đến nhau. Nay anh Q xác định mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, tình cảm vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được mà yêu cầu Tòa án giải quyết cho anh Q và chị L ly hôn, chị L không đồng ý với yêu cầu ly hôn của anh Q. Theo chị L, mặc dù giữa anh Q và chị L vợ chồng không còn tình cảm gì với nhau, nhưng chị L không đồng ý với yêu cầu ly hôn của anh Q, chị L muốn anh Q suy nghĩ lại, vì con cái mà trở lại đoàn tụ. Về con chung, anh Q và chị L có một con chung, họ tên, ngày tháng năm sinh của con và người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly thân như anh Q trình bày là đúng. Khi ly hôn, chị L không đồng ý với yêu cầu của anh Q về việc giao con cho Q trực tiếp nuôi dưỡng, chị L đề nghị giao con cho chị L trực tiếp nuôi dưỡng, chị L cũng tự nguyện không yêu cầu anh Q cấp dưỡng nuôi con chung với chị L. Về tài sản, chị L và anh Q sẽ tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được chị L sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết sau.
Ngày 07/11/2019 Tòa án đã tiến hành xác minh về nguyện vọng của cháu Quách Thị Phương U khi anh Q và chị L ly hôn; cháu Quách Thị Phương U có nguyện vọng được ở với bố là anh Quách Văn Q khi bố mẹ ly hôn.
Tại phiên toà sơ thẩm, Hội đồng xét xử đã hòa giải nhưng nguyên đơn là anh Quách Văn Q vẫn giữ nguyên yêu cầu ly hôn đối với bị đơn, yêu cầu được trực tiếp nuôi con và tự nguyện không yêu cầu chị L cấp dưỡng nuôi con chung. Bị đơn là chị Cao Thị L xác định mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng, vợ chồng đã ly thân từ năm 2016, nhưng từ khi chị quay về sống chung với anh Q, vợ chồng vẫn quan hệ tình dục với nhau, nên chị L không chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh Q mà mong muốn anh Q suy nghĩ lại, vì con cái mà trở lại đoàn tụ, trường hợp anh Q vẫn không chấp nhận đoàn tụ mà cương quyết yêu cầu ly hôn thì chị L vẫn không chấp nhận yêu cầu ly hôn của anh Q. Về việc giao nuôi con chưa thành niên, chị L không đồng ý với yêu cầu của anh Q, chị L yêu cầu giao con cho chị L nuôi dưỡng và chị L tự nguyện không yêu cầu anh Q cấp dưỡng nuôi con chung.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngọc Lặc tham gia phiên tòa phát biểu: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán và Hội đồng xét xử sơ thẩm; việc chấp hành pháp luật của đương sự đã thực hiện đầy đủ, đúng theo quy định của pháp luật. Nguyên đơn đã xuất trình đầy đủ chứng cứ chứng minh quan hệ vợ chồng của mình là hợp pháp, về con chung và nguyện vọng của con chưa thành niên trên 7 tuổi khi bố mẹ ly hôn, vì vậy, có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn; nguyên đơn là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm việc ly hôn theo quy định.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1]. Việc kiện giữa nguyên đơn anh Quách Văn Q, bị đơn chị Cao Thị L là việc kiện về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn, bị đơn cư trú tại huyện Ngọc Lặc, căn cứ khoản 1 Điều 28; điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Ngọc Lặc. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã thực hiện thủ tục tố tụng đầy đủ, đúng trình tự; các đương sự đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; Tòa án đã tiến hành phiên hòa giải nhưng các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Vì vậy, Tòa án đưa vụ án ra xét xử là đúng quy định của pháp luật.
[2]. Về hôn nhân: Quan hệ hôn nhân giữa nguyên đơn là anh Quách Văn Q và bị đơn là chị Cao Thị L là hợp pháp. Quá trình chung sống giữa hai người đã xảy ra mâu thuẫn từ đầu năm 2014, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn vợ chồng là do hai bên bất đồng nhau về quan điểm sống, về cách làm ăn và nuôi dạy con cái. Khi mâu thuẫn vợ chồng xảy ra, chính quyền thôn, gia đình đã dàn xếp, hòa giải nhiều lần nhưng vợ chồng không hòa thuận được với nhau mà tiếp tục xảy ra mâu thuẫn và hai người đã sống ly thân từ năm 2016, điều này thể hiện mâu thuẫn vợ chồng giữa anh Q và chị L đã thực sự trầm trọng. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã tiến hành hòa giải, tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử tiếp tục hòa giải nhưng không thành. Xét thấy, tình trạng đã trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được, nghĩ nên căn cứ khoản 1 Điều 51 và khoản 1 Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 xử anh Quách Văn Q và chị Cao Thị L ly hôn.
[3]. Về con chung: Theo lời khai, tài liệu mà anh Q cung cấp và ý kiến của chị L có đủ cơ sở để xác định cháu Quách Thị Phương U, sinh ngày 02/7/2008 là con chung của anh Q và chị L. Khi ly hôn, cả anh Q và chị L đều có nguyện vọng được trực tiếp nuôi con. Nguyện vọng được trực tiếp nuôi con của anh Q và chị L là chính đáng, song việc giao con chưa thành niên cho ai trực tiếp nuôi dưỡng, cần xem xét đến điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của người nuôi, quyền lợi mọi mặt của con chưa thành niên và nguyện vọng của con chưa thành niên đã đủ 7 tuổi trở lên. Xét điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con, thì cả anh Q và chị L đều có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng con, nhưng hiện nay cháu U đã trên 7 tuổi và cháu có nguyện vọng được ở với Q. Nghĩ nên chấp nhận yêu cầu của anh Q và nguyện vọng của cháu U, giao cho anh Q trực tiếp nuôi dưỡng cháu U là phù hợp, bảo đảm được quyền lợi mọi mặt của con chưa thành niên. Xét sự tự nguyện của anh Q về việc không yêu cầu chị L cấp dưỡng nuôi con thấy rằng: Sự tự nguyện của anh Q không vi phạm các điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên chấp nhận sự tự nguyện của anh Q, chị L không phải cấp dưỡng nuôi con chung. Chị L có quyền, nghĩa vụ thăm nom con, không ai được cản trở, ngăn cấm.
[4]. Về tài sản: Anh Q và chị L không yêu cầu Tòa án giải quyết phần tài sản, nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[5]. Về án phí: Anh Q là người dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm việc ly hôn theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 51, khoản 1 Điều 56, Điều 57, Điều 58, Điều 81, Điều 82 và Điều 83 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Xử:
Về hôn nhân: Anh Quách Văn Q và chị Cao Thị L ly hôn.
Về con chung: Giao anh Quách Văn Q trực tiếp nuôi dưỡng cháu Quách Thị Phương U, sinh ngày 02/7/2008. Chấp nhận sự tự nguyện của anh Q, chị Cao Thị L không phải cấp dưỡng nuôi con chung với anh Q. Chị L có quyền thăm nom con, không ai được cản trở, ngăn cấm.
Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm việc ly hôn cho anh Quách Văn Q. Anh Quách Văn Q và chị Cao Thị L có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Bản án 61/2019/HNGĐ-ST ngày 24/12/2019 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn
Số hiệu: | 61/2019/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Ngọc Lặc - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 24/12/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về