TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN THÀNH, TỈNH BÀ RỊA-VŨNG TÀU
BẢN ÁN 59/2017/HS-ST NGÀY 27/06/2017 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB
Ngày 27 tháng 6 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 63/2017/HSST ngày 22 tháng 5 năm 2017 đối với bị cáo:
Họ và tên: Phạm Trọng M, tên gọi khác: Đặng, sinh năm 1972, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; trú tại: Số 92, đường Võ Ngọc C, khu phố S, phường Long H, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ văn hóa: 10/12; con ông Phạm Văn T và bà Nguyễn Kim H; bị cáo có vợ là Lưu Phạm Bình Q và 03 con, con lớn nhất sinh năm 1994, con nhỏ nhất sinh năm 2005; tiền sự: Không; tiền án: Không; bị cáo tại ngoại (có mặt).
Bị hại:
1. Bà Trương Thị B (đã chết).
Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Trương Ngọc T (là cha ruột của bị hại), sinh năm 1953; bà Tạ Thị B (là mẹ ruột của bị hại), sinh năm 1956; trú tại: Ấp 8, xã B, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Người được những người đại diện hợp pháp của bị hại ủy quyền: Ông Trương Thế S, sinh năm 1979; trú tại: Ấp 8, xã B, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Có mặt).
2. Bà Phan Thị Kim P, sinh năm 1983; trú tại: Ấp 4, xã B, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Có mặt).
Bị đơn dân sự:
Ông Dương Văn N, sinh năm 1991; trú tại: Ấp B, xã H, thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Có mặt).
NHẬN THẤY
Bị cáo Phạm Trọng M bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành truy tố về hành vi phạm tội như sau:
Phạm Trọng M là tài xế lái xe thuê cho ông Dương Văn N. Ngày 07/9/2016 ông N giao chiếc xe ô tô tải biển số 72C – 038.23 cho M điều khiển chở sắt phế liệu đi từ thành phố Bà Rịa đến xã Mỹ Xuân để giao hàng. Sau khi giao hàng xong M điều khiển xe ô tô trên đường Mỹ Xuân – Hòa Bình theo hướng từ xã Mỹ Xuân đi xã Hắc Dịch. Đến khoảng 16 giờ 15 phút cùng ngày, khi đến đoạn đường thuộc tổ 6, ấp Trảng Lớn, xã Hắc Dịch, M điều khiển xe ô tô lấn sang làn đường bên trái để vượt xe ô tô khác lưu thông phía trước cùng chiều. Do không nhường đường cho các phương tiện đang lưu thông ngược chiều nên đã gây ra tai nạn giao thông với xe mô tô biển số 72K9 – 6144 do bà Trương Thị B điều khiển, sau xe chở bà Phan Thị Kim P. Hậu quả bà Trương Thị B tử vong trên đường đi cấp cứu, bà Phan Thị Kim P bị thương nặng.
Hiện trường vụ tai nạn để lại như sau:
Các dấu vết và phương tiện để lại hiện trường được đo vào lề chuẩn bên phải theo hướng lưu thông từ xã Hắc Dịch đi xã Mỹ Xuân và điểm cố định là cột điện số 79MX/185.
Xe ô tô biển số 72C – 038.23 đầu xe quay về hướng xã Hắc Dịch, đuôi xe hướng xã Mỹ Xuân, tâm trục bánh trước bên trái cách lề chuẩn là 1,2 mét; tâm trục bánh sau bên trái cách lề chuẩn là 1,5 mét.
Xe mô tô biển số 72K9 – 6144 nằm ngã nghiêng trái bên ngoài lề chuẩn, đuôi xe quay ra hướng lề chuẩn,tâm trục bánh sau cách lề chuẩn là 01 mét; tâm trục bánh trước cách lề chuẩn là 2,25 mét. Lốc máy xe mô tô cách cột điện số 79MX/185 là 13,2 mét, cách tâm trục bánh sau bên trái xe ô tô tải biển số 72C – 038.23 là 4,7 mét.
Khu vực va chạm được xác định như sau: Khu vực va chạm cách lề chuẩn là 0,9 mét, cách tâm trục bánh trước bên trái của xe ô tô biển số 72C – 038.23 là 0,7 mét; cách lốc máy xe mô tô biển số 72K9 – 6144 là 8 mét.
Tại bản kết luận giám định pháp y số 300/TT, ngày 28/9/2016 của Trung tâm pháp y – Sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định bà Trương Thị B bị các tổn thương chính: Gãy nhiều xương sườn cung trước bên phải, dập rách phổi phải, tràn máu phổi phải lượng nhiều, rách màng ngoài tim, vỡ gan phức tạp, tràn máu bụng lượng nhiều. Kết luận bà Bạch tử vong do choáng mất máu cấp do đa chấn thương. Vật tác động và chiều hướng tác động: Các tổn thương trên cơ thể nạn nhân phù hợp được gây ra do nạn nhân va đập vùng mặt, thân trước với vật rắn tày, lực tác động lớn, hướng của lực từ trước ra sau.
Tại kết luận giám định pháp y số 373/TgT ngày 02/12/2016 của Trung tâm pháp y – Sở y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định bà Phan Thị Kim P bị các tổn thương chính sau: Gãy đầu ngoài xương đòn phải, tràn máu màng phổi phải, liệt đám rối thần kinh cánh tay phải, gãy Galaezzi cẳng tay phải, gãy kín xương đùi trái, xuất huyết dưới nhện, tụ máu dưới màng cứng liền não, gãy phần thân C2, gãy xương sườn 1, 2 hai bên. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây ra hiện tại cho bà Phan Thị Kim P là 83%. Vật gây thương tích do sự tác động tương hỗ của vật rắn tầy, tác động theo cơ chế va đập rất mạnh nhiều vị trí.
Về xử lý vật chứng: Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Thành đã ra quyết định xử lý vật chứng số: 02/QĐ, 03/QĐ ngày 24/11/2016 trả lại chiếc xe ô tô biển số 72C – 038.23 cho ông Dương Văn N. Trả lại chiếc xe mô tô biển số 72K9 – 6144 cho đại diện gia đình bà Trương Thị B là ông Trương Thế S. Ông N, ông S đã nhận lại xe.
- Về trách nhiệm dân sự:
Người đại diện theo ủy quyền của bị hại Trương Thị B là ông Trương Thế S yêu cầu bị cáo M và ông Dương Văn N liên đới bồi thường tổng số tiền là 365.200.000 đồng, bao gồm:
- Tiền nhận xác tại bệnh viện huyện Tân Thành là 1.700.000 đồng, tiền xe đưa xác về nhà 2.000.000 đồng, tiền mua quan tài 16.500.000 đồng, tiền xe đưa đám 4.000.000 đồng, tiền chi phí đám tang trong 5 ngày là 40.000.000 đồng, tiền nhạc công, kèn trống 5.000.000 đồng, tiền xây lăng mộ là 75.000.000 đồng.
- Tiền bồi thường về tổn thất tinh thần cho thân nhân của bị hại: 100 tháng lương x 1.210.000 đồng/tháng = 121.000.000 đồng.
- Tiền hỗ trợ cấp dưỡng nuôi cha mẹ già và người em đang bị bệnh bẩm sinh từ nhỏ đang sống với cha mẹ bị hại là 100.000.000 đồng.
Bà Phan Thị Kim P yêu cầu bị cáo bồi thường số tiền là 310.000.000 đồng, bao gồm: Tiền chi phí điều trị thương tích là 200.000.000 đồng, bồi thường tổn thất tinh thần là 50.000.000 đồng, tiền thu nhập bị mất không đi làm được là 12 tháng x 5.000.000 đồng/tháng = 60.000.000 đồng. Tuy nhiên tại phiên tòa, bà Phan Thị Kim P thay đổi yêu cầu và đề nghị Tòa án xem xét buộc ông Dương Văn N và bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền là 310.000.000 đồng.
Tại bản cáo trạng số 54/KSĐT - TA ngày 20/4/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành đã truy tố bị cáo Phạm Trọng M về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 của Bộ luật hình sự.
Trên cơ sở việc hỏi và tranh luận giữa những người tham gia tố tụng được diễn ra công khai, dân chủ và không bị hạn chế,
Tại phiên tòa bị cáo Phạm Trọng M khai nhận nguyên nhân để xảy ra vụ tai nạn giao thông dẫn đến cái chết của bà Trương Thị B và gây thương tật cho bà Phan Thị Kim P với tỷ lệ thương tật 83% tạm thời là hoàn toàn do lỗi của bị cáo. Bị cáo thừa nhận Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành truy tố bị cáo về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự là đúng.
Tại phiên tòa bị cáo đồng ý bồi thường toàn bộ các thiệt hại theo yêu cầu của bị hại. Ông Dương Văn N không đồng ý liên đới cùng với bị cáo bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của các bị hại với lí do ông là chủ xe ô tô, ông thuê bị cáo M lái xe và trả lương theo chuyến nên khi bị cáo gây ra tai nạn thì bị cáo phải có trách nhiệm tự bồi thường.
Ông N xác nhận ông đã hỗ trợ cho gia đình bị hại Trương Thị B số tiền là 30.000.000 đồng, hỗ trợ cho bà Phan Thị Kim P số tiền là 25.155.000 đồng.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thực hành quyền công tố trình bày lời luận tội đã phân tích, đánh giá mức độ nguy hiểm cho xã hội do hành vi của bị cáo gây ra cũng như nhân thân của bị cáo và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Đại diện Viện kiểm sát đã giữ nguyên quyết định truy tố, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Phạm Trọng M phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Đề nghị Hội đồng xét xử Áp dụng khoản 1 Điều 202; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Phạm Trọng M từ 03 năm đến 03 năm 06 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo và ông Dương Văn N phải liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của bà Trương Thị B và bị hại bà Phan Thị Kim P theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa bị cáo Phạm Trọng M không có ý kiến về luận tội của kiểm sát viên; bị cáo thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.
XÉT THẤY
Tại phiên tòa bị cáo Phạm Trọng M đã hoàn toàn thừa nhận hành vi phạm tội của mình đúng như cáo trạng đã truy tố và lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có tại hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, từ đó đủ cơ sở kết luận:
Ngày 07/9/2016 bị cáo Phạm Trọng M đã điều khiển xe ô tô biển số 72C – 038.23 đi lấn sang làn đường bên trái để vượt xe ô tô khác, không nhường đường cho các phương tiện đang lưu thông ngược chiều nên đã gây ra tai nạn với xe mô tô biển số 72K9 – 6144 do bà Trương Thị B điều khiển. Hậu quả làm bà Trương Thị B chết và bà Phan Thị Kim P bị thương tích với tỷ lệ thương tật là 83%.
Tại bản cáo trạng số 54/KSĐT - TA ngày 20/4/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành đã truy tố bị cáo Phạm Trọng M về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 của Bộ luật hình sự.
Ngày 16/5/2017 Tòa án nhân dân huyện Tân Thành đã ban hành quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 05/2017/HSST-QĐ cho Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành để truy tố bị cáo Phạm Trọng M theo đúng quy định của Bộ luật hình sự.
Tại công văn số 99/CV-VKS ngày 22 tháng 5 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành cho rằng Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ tình tiết định khung hình phạt gây hậu quả rất nghiêm trọng và đồng thời tại khoản 2, Điều 260 của Bộ luật hình sự không quy định: Làm chết một người và gây thương tích cho một người với tỷ lệ thương tật cho một người từ 31% trở lên là tình tiết định khung. Đây là quy định có lợi nên áp dụng để xử lý đối với bị cáo. Do đó Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành giữ nguyên quan điểm truy tố tại bản cáo trạng số 54/KSĐT-TA ngày 20/4/2017 đối với bị cáo Phạm Trọng M.
Xét quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành thấy: Hậu quả do hành vi của bị cáo Phạm Trọng M gây ra làm chết 1 người, 1 người bị thương với tỷ lệ thương tật 83% được xem là rất nghiêm trọng, mặc dù khoản 2 Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng là tình tiết định khung hình phạt nhưng khoản 2 Điều 260 đã cụ thể hóa các trường hợp bị coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng và các tình tiết này được quy định từ điểm a đến điểm h trong điều luật. Do vậy quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành cho rằng Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ tình tiết định khung hình phạt gây hậu quả rất nghiêm trọng là không đúng.
Đồng thời Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành chỉ truy tố bị cáo theo Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 không truy tố bị cáo theo Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, nên quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng Điều 260 của Bộ luật hình sự không quy định: Làm chết một người và gây thương tích cho một người với tỷ lệ thương tật cho một người từ 31% trở lên là tình tiết định khung, đây là quy định có lợi nên áp dụng để xử lý đối với bị cáo là không đúng.
Mặt khác, đối chiếu hành vi của bị cáo Phạm Trọng M với các quy định của pháp luật thì hành vi của bị cáo đã thỏa mãn các dấu hiệu để định khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng như khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015. Do đó bản cáo trạng số 54/KSĐT-TA ngày 20/4/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Thành truy tố bị cáo Phạm Trọng M về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 của Bộ luật hình sự là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
Căn cứ vào quy định tại điểm b tiểu mục 4.2, mục 4 Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự cũng như qua những phân tích, nhận định nói trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Phạm Trọng M đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo điểm đ khoản 2 Điều 202 Bộ luật hình sự.
Hành vi phạm tội của bị cáo là rất nguy hiểm cho xã hội, không những đã xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng mà còn trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ. Trong vụ án này, đã xác định nguyên nhân chính để xảy ra tai nạn là do bị cáo M điều khiển xe ô tô lấn sang làn đường bên trái không tuân thủ đúng quy định của Luật giao thông đường bộ, nên lỗi gây ra vụ tai nạn là hoàn toàn thuộc về bị cáo, đồng thời khi gây tai nạn bị cáo đã bỏ chạy, không cấp cứu và bồi thường thiệt hại cho bị hại. Điều này thể hiện ý thức chấp hành pháp luật của bị cáo là rất kém
Vì vậy đối với bị cáo cần phải có mức hình phạt tù nghiêm khắc để răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung trong tình hình vi phạm về giao thông đang ngày càng gia tăng trên địa bàn.
Tuy nhiên quá trình lượng hình có xem xét bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, là lao động chính trong gia đình phải nuôi cha mẹ già và con nhỏ, có mẹ ruột là người có công được nhà nước tặng thưởng huân chương. Do đó cần áp dụng điểm p khoản 1, 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 và điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Về trách nhiệm dân sự:
Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của đại diện bị hại bà Trương Thị B thấy:
Đối với các yêu cầu bồi thường về chi phí nhận xác tại bệnh viện huyện Tân Thành là 1.700.000 đồng, tiền xe đưa xác về nhà 2.000.000 đồng, tiền mua quan tài 16.500.000 đồng, tiền xe đưa đám 4.000.000 đồng tiền nhạc công, kèn trống 5.000.000 đồng.
Các khoản chi phí trên được xem là hợp lí và phù hợp với quy định của pháp luật nên được Tòa án chấp nhận toàn bộ.
Đối với yêu cầu về tiền chi phí đám tang trong 5 ngày là 40.000.000 đồng xét thấy việc tổ chức tang lễ trong 5 ngày là kéo dài, không phù hợp với phong tục tại địa phương cũng như quy định của nhà nước. Vì vậy chỉ chấp nhận chi phí tổ chức tang lễ cho bị hại với mức 10.000.000 đồng là phù hợp.
Đối với yêu cầu về tiền xây lăng mộ là 75.000.000 đồng, xét thấy mức yêu cầu đại diện bị hại đưa ra là cao, chưa phù hợp với chi phí xây mộ trung bình tại địa phương, nên chỉ có thể chấp nhận mức chi phí xây mộ cho bị hại là 20.000.000 đồng.
Đối với yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần cho thân nhân của bị hại với mức: 100 tháng lương x 1.210.000 đồng /tháng = 121.000.000 đồng. Tòa án xét thấy nên chấp nhận mức bồi thường là 50 tháng lương x 1.210.000 đồng = 60.500.000 đồng là phù hợp.
Đối với yêu cầu bồi thường về tiền hỗ trợ cấp dưỡng nuôi cha mẹ già và người em đang bị bệnh bẩm sinh từ nhỏ đang sống với cha mẹ bị hại là 100.000.000 đồng.
Xét thấy cha mẹ của bị hại không phải người già yếu nên vẫn còn khả năng lao động và bị hại cũng không phải là lao động chính để nuôi cha mẹ cũng như không phải là người đang có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc là người có trách nhiệm phải nuôi em. Do vậy yêu cầu này là không có căn cứ pháp lí để Tòa án chấp nhận.
Nên các yêu cầu bồi thường của người đại diện hợp pháp của bị hại Trương Thị B được Tòa án chấp nhận là: 119.700.000 đ (một trăm mười chín triệu, bảy trăm nghìn đồng).
Về trách nhiệm bồi thường: Theo quy định tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Do vậy cần buộc ông Dương Văn N là chủ xe và bị cáo phải liên đới bồi thường cho đại diện bị hại.
Do ông Dương Văn N đã bồi thường cho đại diện bị hại là 30.000.000 đồng. Nên cần buộc ông Dương Văn N và bị cáo Phạm Trọng M liên đới tiếp tục bồi thường cho đại diện bị hại là ông Trương Ngọc T, bà Tạ Thị B số tiền là 89.700.000đ (tám mươi chín triệu, bảy trăm nghìn đồng).
Xét yêu cầu bồi thường của bà Phan Thị Kim P thấy:
Bà Phương yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần là 50.000.000 đồng, tiền thu nhập bị mất không đi làm được là 12 tháng x 5.000.000 đồng/tháng = 60.000.000 đồng. Các khoản chi phí trên được coi là hợp lí theo quy định của pháp luật nên được Tòa án chấp nhận toàn bộ.
Đối với tiền chi phí điều trị thương tích là 200.000.000 đồng do tại phiên tòa bà Phương chỉ cung cấp được các chứng từ có giá trị pháp lí xác định chi phí điều trị là 55.965.000 đồng. Do vậy, Hội đồng xét xử chỉ có căn cứ để chấp nhận mức bồi thường chi phí điều trị là 55.965.000 đồng.
Đối với các chi phí phát sinh trong quá trình điều trị thương tật tiếp theo của bà Phương thì bà Phương được quyền khởi kiện đối với ông Dương Văn N và bị cáo Phạm Trọng M khi có yêu cầu.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Như đã phân tích ở trên, ông Dương Văn N là chủ sở hữu của chiếc xe ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ. Do vậy, cần buộc ông Dương Văn N và bị cáo liên đới bồi thường cho bị hại.
Tổng số tiền ông Dương Văn N và bị cáo phải liên đới bồi thường cho bà Phan Thị Kim P là: 165.965.000 đ (một trăm sáu mươi lăm triệu, chín trăm sáu mươi lăm nghìn đồng).
Tại phiên tòa ông N xuất trình chứng cứ về việc ông đã bồi thường cho bà Phương số tiền là 25.155.000 đồng nên buộc bị cáo và ông Dương Văn N phải tiếp tục liên đới bồi thường cho bà Phan Thị Kim P số tiền là: 140.810.000 đ (một trăm bốn mươi triệu, tám trăm mười nghìn đồng).
- Về xử lý vật chứng: Đã xong.
- Án phí: Bị cáo Phạm Trọng M phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên do bị cáo thuộc diện hộ nghèo được Uỷ ban nhân dân phường Long Hương, thành phố Bà Rịa xác nhận nên miễn án phí dân sự cho bị cáo.
Ông Dương Văn N phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Tuyên bố bị cáo Phạm Trọng M phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
- Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 202; điểm p khoản 1, 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999, điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.
Xử phạt bị cáo Phạm Trọng M 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo để thi hành án.
- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 590, 591 và Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015.
Buộc ông Dương Văn N và bị cáo Phạm Trọng M liên đới bồi thường cho đại diện hợp pháp của bị hại bà Trương Thị B là ông Trương Ngọc T, bà Tạ Thị B số tiền là 89.700.000 đ (tám mươi chín triệu, bảy trăm nghìn đồng), liên đới bồi thường cho bị hại bà Phan Thị Kim P số tiền là 140.810.000 đ (một trăm bốn mươi triệu, tám trăm mười nghìn đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu thêm lãi suất của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.
- Về án phí: Áp dụng khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Bị cáo Phạm Trọng M phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 5.762.500đ (năm triệu, bảy trăm sáu mươi hai nghìn, năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm, tuy nhiên do bị cáo thuộc diện hộ nghèo nên miễn toàn bộ án phí dân sự cho bị cáo.
Ông Dương Văn N phải nộp 5.762.500 đ (năm triệu, bảy trăm sáu mươi hai nghìn, năm trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 27 tháng 6 năm 2017), bị cáo, bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại, bị đơn dân sự được quyền kháng cáo bản án để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xét xử phúc thẩm.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án, theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 59/2017/HS-ST ngày 27/06/2017 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB
Số hiệu: | 59/2017/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thị xã Phú Mỹ - Bà Rịa - Vũng Tàu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/06/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về