Bản án 575/2023/HS-PT về tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI 

BẢN ÁN 575/2023/HS-PT NGÀY 21/07/2023 VỀ TỘI CHẾ TẠO, TÀNG TRỮ, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP VẬT LIỆU NỔ

Ngày 21 tháng 7 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 587/2023/TLPT-HS ngày 31 tháng 5 năm 2023 đối với bị cáo Nguyễn Văn Đ và đồng phạm phạm các tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”; “Chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ”, do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm 88/2023/HS-ST ngày 25/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

* Các bị cáo có kháng cáo:

1. Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1995 tại tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Phố T, phường A, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ học vấn: Lớp 12/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1971 và bà Lê Thị K, sinh năm 1973; có vợ là Nguyễn Hồng V, sinh năm 1995 và có 01 con, sinh năm 2021; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 16/9/2021 đến ngày 12/11/2021, được áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 14/10/2022 bị bắt để tạm giam. Hiện đang tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

2. Nguyễn Văn Th, sinh năm 1968 tại tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Thôn 8, xã M, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa giáo; giới tính: Nam; trình độ học vấn: Lớp 3/10; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Nguyễn Văn L và bà Phạm Thị H (đều đã chết); có vợ là Lê Thị H, sinh năm 1968 và có 04 con (con lớn sinh năm 1991, con nhỏ nhất sinh năm 1999); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 16/9/2021 đến ngày 21/12/2021 được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Ngày 14/10/2022 bị bắt để tạm giam. Hiện đang tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

3. Trần Văn Th, sinh năm 1978 tại tỉnh Cà Mau; nơi cư trú: Thôn Đ, xã V, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa giáo; giới tính Nam; trình độ học vấn: Lớp 4/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Trần Văn N và bà Trần Thị X (đều đã chết); có vợ là bà Bùi Thị T, sinh năm 1978 và có 02 con (lớn sinh năm 2009, nhỏ sinh năm 2011); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giám từ ngày 19/9/2021 đến ngày 12/01/2022 được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Ngày 14/10/2022 bị bắt để tạm giam. Hiện đang tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

4. Bùi Văn Đ, sinh năm 1977 tại tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Thôn Đ, xã V, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Mường; tôn giáo: Thiên chúa giáo; giới tính Nam; trình độ học vấn: Không biết chữ; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Bùi Hồng D (đã chết) và bà Đoàn Thị Ch; có vợ là Bùi Thị H, sinh năm 1973 và có 03 con (lớn sinh năm 2000, nhỏ sinh năm 2017); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 16/9/2021 đến ngày 21/12/2021 được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Ngày 14/10/2022 bị bắt để tạm giam. Hiện đang tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

5. Bùi Văn Ch, sinh năm 1979 tại tỉnh Thanh Hóa; nơi cư trú: Thôn Đ, xã V, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Mường; tôn giáo: Công giáo; giới tính Nam; trình độ học vấn: Lớp 7/12; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Bùi văn T (đã chết) và bà Vũ Thị T; có vợ là Phạm Thị H, sinh năm 1983 và có 03 con (lớn sinh 2009, nhỏ sinh 2019); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 23/9/2021 đến ngày 21/12/2021 được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Ngày 14/10/2022 bị bắt để tạm giam. Hiện đang tạm giam tại Trại giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

6. Nguyễn Văn L, sinh năm 1966 tại tỉnh Thanh Hoá; nơi cư trú: Thôn 5, xã V, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nam; trình độ học vấn: Lớp 6/10; nghề nghiệp: Lao động tự do; con ông Nguyễn Văn L (đã chết) và bà Đặng Thị B, sinh năm 1933; có vợ là Đàm Thị B, sinh năm 1968 và có 03 con (con lớn sinh năm 1992; con nhỏ sinh năm 2004); tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 19/9/2021 đến ngày 12/01/2022 được bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt.

* Người bào chữa cho các bị cáo:

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Đ: Luật sư Phạm B - Văn phòng Luật sư T, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Th: Luật sư Lê Thị H - Văn phòng Luật sư Việt H, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Trần Văn Th: Luật sư Bùi Hữu Ng - Văn phòng Luật sư B, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Bùi Văn Đ: Bà Lê Thu H - Trợ giúp viên pháp lý Nhà nước thuộc Tr tâm Trợ giúp viên pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Bùi Văn Ch: Bà Nguyễn Thị Q - Trợ giúp viên pháp lý Nhà nước thuộc Tr tâm Trợ giúp viên pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn L: Luật sư Hoàng Danh Tr - Công ty Luật P, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; Có mặt.

* Những người làm chứng:

1. Ông Hoàng Văn K, sinh năm 1967. Địa chỉ: Thôn 6, xã M, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Vắng mặt.

2. Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1965. Địa chỉ: Thôn 1, xã V, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Vắng mặt.

3. Bà Lê Thị K, sinh năm 1973. Địa chỉ: Phố T, phường A, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Vắng mặt.

4. Ông Lưu Thanh P, sinh năm 1978 - Cán bộ Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa. Địa chỉ: SN 25 T, phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Vắng mặt.

5. Ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1971. Địa chỉ: Phố T, phường A, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Vắng mặt.

6. Ông Lê Hùng T, sinh năm 1964. Địa chỉ: Thôn 8, xã M, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 14/9/2021, Cơ quan An ninh Điều tra (ANĐT) - Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ tại khu vực mỏ đá vôi núi Bền, thuộc xã M, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cơ quan ANĐT đã phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, tiến hành kiểm tra, lập biên bản. Theo đó, Nguyễn Văn Đ là người trực tiếp quản lý mỏ đá không cung cấp được giấy tờ, hồ sơ về hoạt động khoan nổ mìn.

Tiến hành khám nghiệm hiện trường tại khu vực mỏ đá núi Bền, thuộc xã M, huyện Vĩnh Lộc, đã phát hiện có 37 lỗ khoan vào vách đá, có đường kính 60, mỗi lỗ được nhồi đất sét có nối 02 sợi dây điện loại dây điện thoại, xung quanh khu vực lỗ khoan có nhiều bì xác rắn màu trắng. Do địa hình các lỗ khoan trên vách đá hiểm trở, mặt khác các lỗ khoan này nghi đã có thuốc nổ và gắn kíp nổ nên rất nguy hiểm, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, lực lượng chức năng chỉ thu giữ được 13 lỗ khoan trong tổng số 37 lỗ khoan, phát hiện bên trong mỗi lỗ khoan có 01 ống nhựa PVC, đường kính 60, tổng số là 13 đoạn, chiều dài mỗi đoạn từ 02 đến 07 mét. Kiểm tra bên trong mỗi ống nhựa có các hạt hình cầu màu trắng đục, các thỏi hình trụ tròn màu nâu bên trong chứa chất bột màu vàng nhạt và các vật hình trụ tròn màu trắng bằng kim loại (trong đó có 18 vật trụ tròn màu trắng một đầu lõm và 20 vật hình trụ tròn màu trắng có gắn 02 sợi dây điện). Tiến hành thu hồi trong 13 lỗ khoan, đã thu được: 124kg các hạt hình cầu màu trắng đục (nghi là thuốc nổ Anfo); 4,2kg chất bột màu vàng nhạt trong các thỏi hình trụ màu nâu (nghi là thuốc nổ Amonit); 38 vật hình trụ tròn bằng kim loại màu trắng (nghi là kíp nổ); 13 ống nhựa PVC đã bị cắt rời. Ngoài ra, tại hiện trường còn thu được một số mẫu vật được bọc giấy bên trong có 80g chất bột màu nâu (nghi là thuốc nổ Amonit); 02 cuộn dây điện màu đen; 19 bao bì xác rắn màu trắng bên ngoài vỏ bao có dòng chữ “AMMONIUM NITRRATE” và số, chữ “25kg”.

* Tại bản Kết luận giám định số 2930/PC09 ngày 20/9/2021 của Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Thanh Hóa, kết luận:

- Các hạt hình cầu, màu trắng đục gửi giám định đều là thuốc nổ Anfo thuộc vật liệu nổ. Tổng khối lượng thuốc nổ trên là 124 kilogam.

- Chất màu vàng trong các thỏi hình trụ màu nâu đều là thuốc nổ Amonit thuộc vật liệu nổ. Tổng khối lượng thuốc nổ nêu trên là 4,2 kilogam.

- Chất bột màu nâu nhạt trong các vỏ giấy màu nâu là thuốc nổ Amonit thuộc vật liệu nổ. Tổng khối lượng thuốc nổ nêu trên là 80 gam.

- 18 vật hình trụ tròn bằng kim loại màu trắng là kíp nổ đốt vỏ nhôm và 20 vật hình trụ bằng kim loại màu trắng một đầu gắn dây điện là kíp điện vỏ nhôm.

Trong các ngày 16/9/2021, ngày 19/9/2021 và ngày 23/9/2021, Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th, Bùi Văn Đ, Nguyễn Văn L, Trần Văn Th, Bùi Văn Ch đã đến Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đầu thú. Quá trình điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ và lời khai của các bị cáo đã xác định:

Mỏ đá vôi Núi Bền được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Q K (gọi tắt là Công ty Q K) có trụ sở tại phố T, phường A, thành phố Thanh Hóa (địa chỉ cơ sở kinh doanh: Núi Bền, xã M, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản và thuê đất số 488/GP- UBND ngày 14/12/2015 và được cấp phép sử dụng vật liệu nổ trong hoạt động khai thác khoáng sản (khai thác đá) tại mỏ đá trên theo Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp số 711/GP-SCT ngày 14/7/2021 của Sở Công thương Thanh Hóa. Tại thời điểm bị phát hiện, Công ty Q K chưa được cấp vật liệu nổ để sử dụng vào khai thác đá đối với mỏ đá trên theo quy định.

Công ty Q K được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, người đại diện theo pháp luật là bà Lê Thị K, sinh năm 1973, trú tại phố T, phường A, thành phố Thanh Hóa làm Giám đốc, điều hành quản lý mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác đá của công ty. Năm 2021, bà K giao quyền quản lý điều hành hoạt động khai thác mỏ đá trên cho con trai là Nguyễn Văn Đ.

Sau khi được giao quyền quản lý, Đ đã chỉ đạo công nhân trong công ty bắt đầu khoan tạo các lỗ khoan tại mỏ đá vôi Núi Bền để chờ khi được cấp vật liệu nổ sẽ sử dụng khai thác đá. Đến cuối tháng 8 năm 2021 công nhân đã khoan được 37 lỗ khoan có độ sâu từ 2 mét đến 8 mét, đường kính 60mm. Trước đó khoảng tháng 7 năm 2021, Đ phát hiện và nhặt được một túi nilon màu đen qua kiểm tra bên trong có một số kíp nổ và 02 túi thuốc nổ (không xác định được khối lượng cụ thể) tại khu vực mỏ đá vôi Núi Bền nên đã đem cất giấu số vật liệu nổ này tại một hốc đá, để dùng cho việc sử dụng khai thác đá. Đến khoảng ngày 08/9/2021, có một người đàn ông lạ mặt (không xác định được danh tính) đến gặp Đ và chào bán đạm AMMONIUM NITRRATE (là tiền chất thuốc nổ). Lúc này Công ty Q K chưa được cấp vật liệu nổ để sử dụng theo quy định; mặt khác, do Đ đã được học chuyên ngành về mỏ - địa chất nên biết việc trộn đạm với dầu sẽ tạo thành thuốc nổ nên đã nảy sinh ý định mua đạm để chế tạo, sử dụng khai thác đá lấy nguyên liệu để bán. Đ đã mua của người đàn ông này 08 bao đạm, mỗi bao nặng 25kg (được thể hiện trên bao bì) với giá là 2.400.000 đồng rồi để tại khu vực lán của mỏ đá, để chỉ đạo công nhân chế tạo thuốc nổ khai thác đá.

Khoảng 8 giờ ngày 12/9/2021, Đ lấy số kíp nổ và các thỏi thuốc nổ đã nhặt được đưa cho Hoàng Văn K (SN 1967), trú tại thôn 6, xã M, huyện Vĩnh Lộc và chỉ đạo K nối kíp nổ với dây điện gắn vào thỏi thuốc nổ để tạo thành bộ kích nổ phục vụ cho việc nổ mìn khai thác đá. Khi đưa, Đ không nói cho K biết là thuốc nổ và kíp nổ là do Đ nhặt được. K đã cầm kíp nổ, thuốc nổ, dây điện ngồi một mình dưới chân núi Bền để tạo bộ kích nổ.

Chiều ngày 12/9/2021, Đ đã đi mua 20 lít dầu Diezel để ở khu vực lán nơi đang để số đạm đã mua trước đó, sau đó Đ chỉ đạo Nguyễn Văn Th là tổ trưởng tổ thợ, cho công nhân vận chuyển số đạm và dầu ở lán lên trên khu vực mỏ đá để thực hiện việc trộn dầu với đạm tạo thành thuốc nổ. Khoảng 19 giờ cùng ngày, Thắng giao việc và cùng các công nhân Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch, Nguyễn Văn L và Nguyễn Văn L, sinh năm 1965, trú tại thôn 1, xã V, huyện Vĩnh Lộc vận chuyển 04 bao đạm, 01 can dầu khoảng 10 lít, các bao đựng đất sét và các dụng cụ khác lên khu vực mỏ đá để thực hiện việc chế tạo thuốc nổ. L và L được giao nhiệm vụ vận chuyển các bì đất sét lên khu vực lỗ khoan. Sau khi tập kết dầu và đạm, Thắng thấy chưa có kíp nổ nên đã gọi điện cho Đ để hỏi lấy kíp nổ thì được biết K đang đấu kíp nổ ở chân núi, Thắng gọi điện bảo K đem kíp nổ lên núi, lúc này K đã làm xong khoảng 15 bộ kích nổ (tức là đấu kíp nổ với dây điện rồi gắn vào thỏi thuốc nổ) nên K cầm lên núi đưa cho Thắng rồi đi xuống khu vực lán dưới chân núi. Sau khi đã tập kết được đạm, dầu, bộ kích nổ và các dụng cụ cần thiết tại khu vực mỏ đá, lúc này Thắng phân công Thảo trộn tạo thuốc nổ. Thảo dùng bạt trải ra nền đất sau đó lấy đá lần lượt rạch 04 bao đạm đang còn nguyên vẹn mỗi bao nặng 25kg đổ ra bạt rồi đổ khoảng 10 lít dầu vào số đạm trên và tiến hành trộn đều tạo thành thuốc nổ. Tiếp đến Bùi Văn Đ và Bùi Văn Ch cho thuốc nổ vừa trộn và bộ kích nổ vào các ống nhựa đã được chuẩn bị sẵn, tạo thành các ống thuốc nổ rồi cùng nhau chuyển các ống thuốc nổ lên khu vực các lỗ khoan, Nguyễn Văn L được Thắng chỉ đạo để khi các công nhân đưa ống thuốc nổ lên thì hỗ trợ đưa vào các lỗ khoan sau đó tiến hành bịt đất sét tại miệng lỗ khoan để đầu dây điện lộ ra bên ngoài phục vụ cho việc kích nổ. Nguyễn Văn L, sau khi vác được khoảng 06 bao đất sét lên vị trí các lỗ khoan, L ở lại xem Thảo trộn dầu với đạm tạo thành thuốc nổ sau đó hỗ trợ Đ và Ch để cho thuốc nổ vào các ống nhựa rồi đợi đến khoảng 21 giờ cùng ngày, các công nhân cho hết số thuốc nổ đã chế tạo từ 04 bao đạm cùng với các bộ kích nổ vào các lỗ khoan thì nghỉ làm.

Ngày 13/9/2021, ban ngày các công nhân trong công ty làm việc khoan chẻ đá như bình thường đến chiều tối cùng ngày, theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th tiếp tục thông báo cho Trần Văn Th; Nguyễn Văn L; Bùi Văn Ch; Bùi Văn Đ đến mỏ đá vôi núi Bền làm việc tăng ca. Khoảng 19 giờ 30 phút cùng ngày ngày Thắng, Thảo, L, Đ và Ch tiếp tục thực hiện các công việc đã làm như ngày 12/9/2021. Sau khi công nhân vận chuyển 04 bao đạm, 10 lít dầu còn lại cùng với một số dụng cụ lên mỏ đá, Thắng phân công Thảo trộn dầu với đạm nhưng Thảo bị đau tay nên Thắng đã bảo L trộn, theo đó, L lần lượt trộn 04 bao đạm với dầu tạo thành thuốc nổ. Trong khi L trộn đạm với dầu thì Đ, Ch và Thảo cho hết thuốc nổ vừa chế tạo và bộ kích nổ vào các ống nhựa đã chuẩn bị sẵn tạo thành ống thuốc nổ, sau đó đưa các ống thuốc nổ vào các lỗ khoan còn trống, Thắng chèn đất sét tại miệng lỗ khoan có để đầu dây điện lộ ra bên ngoài để phục vụ cho việc kích nổ.

Toàn bộ số thuốc nổ được chế tạo từ 08 bao đạm trộn với dầu, các bộ kích nổ đã được nạp vào 37 lỗ khoan, Nguyễn Văn Đ dự kiến trưa ngày 14/9/2021 sẽ cho thực hiện việc kích nổ để phá đá thì bị lực lượng Công an kiểm tra phát hiện. Quá trình điều tra đã xác định ngoài số lượng vật liệu nổ đã thu được tại 13 lỗ khoan và tại hiện trường gồm: 124 kilogam thuốc nổ Anfo; 4,28 kilogam thuốc nổ Amonit và 38 kíp nổ. Đối với 24/37 lỗ khoan còn lại bên trong có vật liệu nổ chưa thu hồi được, Cơ quan ANĐT đã trưng cầu Bộ phận Công Binh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hoá và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh tiến hành thu hồi số thuốc nổ. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực địa tại hiện trường xác định, vị trí 24 lỗ khoan có chứa vật liệu nổ, thuộc vách núi cao, địa hình hiểm trở, nền đất đá dễ bị sạt lở, không có thế đứng để thực hiện các biện pháp thu hồi, do vậy không thể tiến hành thu hồi được, cần tiêu huỷ số thuốc nổ trong 24 lỗ khoan. Để đảm bảo an toàn cho việc tiêu huỷ số thuốc nổ nêu trên chỉ có phương án duy nhất là cho tiến hành kích nổ toàn bộ số thuốc nổ trong 24 lỗ khoan tại hiện trường. Ngày 26/11/2021 Cơ quan ANĐT đã trưng cầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa và các lực lượng chức năng cho tiến hành hủy nổ toàn bộ số thuốc nổ trong 24 lỗ khoan còn lại tại hiện trường. Kết quả toàn bộ số thuốc nổ trong 24 lỗ khoan đã được kích nổ hoàn toàn, việc kích nổ đảm bảo theo đúng quy định và an toàn cho người, phương tiện, tổng khối lượng khoáng sản đá nguyên khai thu được tại chân núi bởi tác động của thuốc nổ tại mỏ đá trên (sau khi tiến hành hủy nổ) là 624,98 m3. Cơ quan điều tra đã có văn bản trưng cầu Bộ Công thương xác định tổng khối lượng thuốc nổ trong 24 lỗ khoan nêu trên, tuy nhiên, Bộ Công thương có văn bản kết luận không xác định được tổng khối lượng thuốc nổ cụ thể có trong 24 lỗ khoan. Sau khi không còn yêu cầu điều tra đối với hiện trường vụ án, Cơ quan ANĐT giao lại hiện trường cho Công ty Q K để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh đúng quy định pháp luật.

Căn cứ vào tổng khối lượng khoáng sản đá nguyên khai thu được tại chân núi bởi tác động của thuốc nổ có thể xác định trong 24 lỗ khoan còn lại tại hiện trường có chứa vật liệu nổ. Mặt khác, lời khai của các bị cáo trong vụ án và các vật chứng có liên quan thu được tại hiện trường về số lượng vỏ bao bì đựng tiền chất thuốc nổ, xác định khối lượng đạm là 08 bao x 25 kilôgam/01 bao, trộn với dầu tương đương 200 kilôgam.

* Vật chứng của vụ án gồm: 124kg thuốc nổ Anfo sau khi trích mẫu giám định còn lại 122,5kg; 4,28kg thuốc nổ Amonit sau khi trích mẫu giám định còn lại 4kg; 18 kíp nổ đốt vỏ nhôm, sau khi trích mẫu còn lại 16 kíp đốt; 20 là kíp điện vỏ nhôm, sau khi trích mẫu còn lại 18 kíp điện; 19 bao bì xác rắn màu trắng bên ngoài vỏ bao có dòng chữ “AMMONIUM NITRRATE” và số “25kg” và 02 cuộn dây điện màu đen; Các vật chứng trên hiện đang được bảo quản tại Kho chứa vật liệu nổ của Doanh nghiệp tư nhân Trần Hoàn, có trụ sở tại thôn Nam Hưng, xã Đ Hưng, thành phố Thanh Hoá để chờ xử lý theo quy định.

Đối với 13 ống nhựa PVC loại 60 đã bị cắt rời hiện Công ty Q K đang được giao bảo quản được chuyển đến Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Thanh Hóa chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với hành vi của Hoàng Văn K: Quá trình điều tra, các bị cáo đều khai Hoàng Văn K không tham gia và không biết việc các bị cáo chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Mặt khác, không thu thập được tài liệu nào khác trong vụ án thể hiện có liên quan đến Hoàng Văn K đồng phạm với các bị cáo trong vụ án.

Ngày 20/9/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đưa vụ án ra xét xử, tại phiên tòa chỉ có bị cáo Nguyễn Văn L vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu trong quá trình điều tra, cả 05 bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th, Bùi Văn Đ, Trần Văn Th, Bùi Văn Ch đều khai thêm nội dung thể hiện Hoàng Văn K có hành vi nói với các bị cáo trộn dầu vào đạm, biết các bị cáo chế tạo thuốc nổ. Do đó Hội đồng xét xử (HĐXX) đã ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung số 15/2022/HSST-QĐ yêu cầu làm rõ các nội dung trên. Quá trình điều tra bổ sung Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá, giữ nguyên Kết luận điều tra ban đầu, đề nghị truy tố đối với các bị cáo. Ngày 28/10/2022 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá Quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung số 08/QĐ-VKS-P1 yêu cầu điều tra làm rõ hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ của Hoàng Văn K.

Quá trình điều tra bổ sung, 05 bị cáo Nguyễn Văn Th, Nguyễn Văn L, Bùi Văn Ch, Bùi Văn Đ, Trần Văn Th giữ nguyên lời khai ban đầu về Hoàng Văn K trong giai đoạn điều tra cụ thể: Tối ngày 12/9/2021 và 13/9/2021, chỉ có bị cáo Nguyễn Văn Th gặp K mang bộ kích nổ lên mỏ đá vôi núi Bền rồi K đi xuống núi luôn, không biết K làm bộ kích nổ tại vị trí nào, không nghe K nói gì liên quan đến việc chế tạo thuốc nổ trái phép (trộn dầu với đạm tạo thành thuốc nổ); còn L, Ch, Đ, Thảo không thấy K trên mỏ đá vôi núi Bền trong suốt quá trình các bị cáo thực hiện việc chế tạo thuốc nổ trái phép, không nhìn thấy việc K mang bộ kích nổ lên núi, chỉ nghe nói về việc K làm kíp nổ (bộ kích nổ) nhưng không biết, không nhìn thấy K làm bộ kích nổ tại vị trí nào đồng thời không nghe thấy K nói gì liên quan đến việc trộn dầu với đạm tạo thành thuốc nổ, đến khoảng 21 giờ cùng ngày được nghỉ làm, các bị cáo trên xuống dưới lán của Công ty để ăn đêm mới gặp Hoàng Văn K, tại đây cùng nhau ăn và ra về.

Nguyễn Văn Đ giữ nguyên lời khai về Hoàng Văn K tại phiên tòa xét xử và khai báo thêm nội dung như sau: Sau khi được bà Lê Thị K giao quyền quản lý công ty, Đ đã chỉ đạo K khoan các lỗ khoan trên mỏ đá vôi núi Bền. Đến khoảng tháng 7/2021, K báo lại cho Đ biết là đã khoan xong được khoảng gần 40 lỗ khoan (37 lỗ khoan). Tại thời điểm này, K đã nói với Đ, đạm trộn với dầu có thể tạo thành thuốc nổ để khai thác đá. Sau đó, Đ đã mua đạm của một người không quen biết rồi K chỉ dẫn cho Đ mua các vật tư phục vụ nổ mìn khai thác đá gồm ống nước, dây điện, dầu diezel, keo dính, băng dính, nắp ống nhựa, số lượng mua bao nhiêu là do K nói với Đ. Ngày 12/9/2021, Đ đã lấy số thuốc nổ, kíp nổ đã cất giấu trước đó đưa cho K để K làm bộ kích nổ, đến chiều tối, Đ gọi điện cho K nói là vật tư đang để ở góc xưởng Công ty (lán), K kiểm tra xem có thiếu gì không thì báo lại cho Đ nhưng không thấy K báo lại. Đến ngày 13/9/2021, Đ nghe K báo lại là “chưa làm xong”, Đ tự hiểu là việc các công nhân trộn dầu với đạm cho vào các lỗ khoan trên núi chưa xong nên đã gọi điện cho Thắng bảo các công nhân ở lại làm tăng ca vào buổi tối. Tối ngày 12/9/2021 và tối ngày 13/9/2021, Đ đều về nhà tại phường A, thành phố Thanh Hoá nên không nhìn thấy các công nhân làm việc tại mỏ đá vôi núi Bền.

Hoàng Văn K giữ nguyên lời khai từ trước đến nay tại Cơ quan điều tra như sau: Khoảng từ tháng 5/2020, K được Công ty TNHH MTV Q K nhận vào làm công nhân (không có hợp đồng) ngay sau đó, K được Công ty đưa đi học lớp huấn luyện, kiểm tra kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp và được Sở Công thương cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp (có hiệu lực từ ngày 21/5/2020 đến ngày 21/5/2022). Quá trình làm việc K có nghe nói Công ty TNHH MTV Q K được cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Buổi sáng ngày 12/9/2021, Nguyễn Văn Đ có đưa cho K 02 túi thuốc nổ, khoảng 60 kíp nổ, dây điện và chỉ đạo K đấu kíp nổ với dây điện sau đó gắn vào các thỏi thuốc nổ tạo thành các bộ kích nổ, đến tối cùng ngày, sau khi làm xong được khoảng 15 bộ kích nổ, K mang lên mỏ đá đưa cho Thắng rồi đi xuống lán dưới chân núi. Tối ngày 13/9/2021, sau khi K sử dụng tất cả kíp nổ, thuốc nổ còn lại làm các bộ kích nổ thì K tiếp tục mang bộ kích nổ lên mỏ đá cho Thắng rồi đi xuống lán dưới chân núi. Hoàng Văn K không nhìn thấy, không biết các công nhân khác (bị cáo trong vụ án) thực hiện công việc trộn dầu với đạm tạo thành thuốc nổ. Trong Công ty, K không phải là thợ phụ trách kỹ thuật (nổ mìn), công việc chủ yếu là khoan, chẻ đá; K không trao đổi hay nói với ai về việc trộn dầu với đạm tạo thành thuốc nổ cũng như không chỉ dẫn Nguyễn Văn Đ mua các vật tư phục vụ nổ mìn khai thác đá, không biết việc Đ chỉ đạo kiểm tra vật tư đang để ở góc xưởng Công ty (lán).

Lời khai của Hoàng Văn K phù hợp với lời khai của 05 bị cáo: Thắng, Thảo, L, Đ, Ch nhưng mâu thuẫn với lời khai trong quá trình điều tra bổ sung của Đ. Tiến hành đối chất giữa K và Đ, kết quả K và Đ vẫn giữ nguyên lời khai của mình.

Ngoài ra quá trình điều tra bổ sung 04 bị cáo Nguyễn Văn Th, Bùi Văn Đ, Trần Văn Th, Bùi Văn Ch đã khai báo lại về nội dung liên quan đến Hoàng Văn K như lời khai ban đầu trong giai đoạn điều tra, đồng thời khai báo lý do thay đổi lời khai về Hoàng Văn K tại phiên toà án xét xử sơ thẩm vụ án ngày 20/9/2022 là do có sự tác động của ông Nguyễn Văn Q (bố Nguyễn Văn Đ) với mục đích để Tòa án trả hồ sơ, kéo dài thời gian điều tra, truy tố, xét xử vụ án. Tiến hành làm việc với ông Nguyễn Văn Q, ông Q không thừa nhận nội dung như các bị cáo đã khai báo.

Xét thấy, quá trình điều tra bổ sung, chỉ có Nguyễn Văn Đ giữ nguyên lời khai tại phiên tòa xét xử, khai báo thêm nội dung về Hoàng Văn K. Ngoài ra không thu thập được tài liệu, chứng cứ khác chứng minh hành vi của Hoàng Văn K. Vì vậy, căn cứ kết quả điều tra đến nay không đủ căn cứ để chứng minh Hoàng Văn K đồng phạm với các bị cáo trong vụ án về hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

* Các đối tượng và các tình tiết liên quan trong vụ án:

Đối với bà Lê Thị K, Giám đốc Công ty Q K khai báo đầu năm 2021, bà K giao quyền quản lý trực tiếp tại mỏ đá vôi núi Bền cho con trai là Nguyễn Văn Đ (không thể hiện bằng văn bản), không biết gì về việc Đ chỉ đạo công nhân trong công ty thực hiện hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ nên không có căn cứ để xem xét xử lý.

Đối với người đàn ông lạ mặt, Nguyễn Văn Đ khai là người đã bán đạm (tiền chất thuốc nổ) cho Đ. Do Đ không biết rõ tên, tuổi, địa chỉ cũng như biển số xe ô tô của người này nên không có căn cứ để xác minh, xử lý.

Đối với Nguyễn Văn L được Thắng giao nhiệm vụ vận chuyển các bì đất sét từ dưới chân núi lên vị trí lỗ khoan tại mỏ đá vôi núi Bền, bịt đất sét vào các lỗ khoan có các ống thuốc nổ. Nguyễn Văn L không biết việc các bị cáo thực hiện việc trộn đạm với dầu tạo thành thuốc nổ. Lời khai của Nguyễn Văn L là phù hợp với lời khai của các bị cáo trong vụ án. Do đó, không đủ căn cứ để xử lý Nguyễn Văn L đồng phạm với các bị cáo trong vụ án về hành vi chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ.

Đối với Sở Công thương Thanh Hóa có cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho Nguyễn Văn Th, Bùi Văn Đ, Hoàng Văn K là không đúng đối tượng. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã có kiến nghị đến Sở Công thương làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý.

Tại bản Cáo trạng số 08/CT-VKS-P1 ngày 09/01/2023 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Thanh Hóa đã truy tố bị cáo Nguyễn Văn Đ về tội: “Tàng trữ, chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 305 Bộ luật Hình sự (BLHS); Các bị cáo Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L về tội: “Chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 305 BLHS.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 88/2023/HS-ST ngày 25/4/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã:

Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn Đ phạm tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”. Các bị cáo Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L phạm tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.

Áp dụng: Khoản 4, khoản 5 Điều 305; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 54 và Điều 58 Bộ luật Hình sự.

1. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn Đ 10 (Mười) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 16/9/2021 đến ngày 12/11/2021). Phạt bổ sung bị cáo 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng) để sung Ngân sách Nhà nước.

Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 305; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 54 và Điều 58 Bộ luật Hình sự.

2. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn Th 09 (Chín) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 16/9/2021 đến ngày 21/12/2021).

Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 54 và Điều 58 Bộ luật Hình sự.

3. Xử phạt: Bị cáo Trần Văn Th 08 (Tám) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 19/9/2021 đến ngày 12/01/2022).

4. Xử phạt: Bị cáo Bùi Văn Đ 08 (Tám) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 16/9/2021 đến ngày 21/12/2021).

5. Xử phạt: Bị cáo Bùi Văn Ch 08 (Tám) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 23/9/2021 đến ngày 21/12/2021).

6. Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn L 07 (Bảy) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án. Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam (từ 19/9/2021 đến ngày 12/01/2022).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Vào các ngày 03/4/2023 và ngày 03/5/2023, các bị cáo Trần Văn Th và Nguyễn Văn L đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 04/5/2023, các bị cáo Nguyễn Văn Th và Bùi Văn Đ đều có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 05/5/2023, các bị cáo Nguyễn Văn Đ và Bùi Văn Ch đều có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo trình bày:

- Nguyễn Văn Đ nhờ Luật sư bào chữa trình bày: Nội dung đơn kháng cáo cho rằng mức hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo là cao, không phù hợp với hành vi phạm tội nên kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt với lý do: Bị cáo có nhân thân tốt, luôn chấp hành pháp luật; từ nhỏ bị cáo chỉ biết đi học và đã tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến địa chất - khai khoáng; bị cáo mới lập gia đình có con mới sinh năm 2021, mới được gia đình giao quản lý Công ty; do dịch bệnh Covid và cách ly xã hội nên công ty chưa được cấp thuốc nổ để hoạt động; đời sống gia đình bị cáo và gia đình các công nhân làm việc cho công ty gặp nhiều khó khăn nên khi nghe nói việc trộn đạm với dầu sẽ thành thuốc nổ nên bị cáo thiếu hiểu biết về pháp luật mà phạm tội. Khi biết mình phạm tội bị cáo đã ra đầu thú; thành khẩn khai báo; nay sau khi có bản án sơ thẩm bị cáo ăn năn hối lỗi về việc vi phạm pháp luật, tác động vợ bị cáo nộp toàn bộ tiền phạt và án phí mà bản án sơ thẩm đã quyết định. Xin HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật với mức án nhẹ nhất để sớm được trở về làm người công dân có ích cho xã hội, chăm sóc gia đình, con nhỏ.

- Nguyễn Văn Th nhờ Luật sư bào chữa trình bày: Nội dung đơn kháng cáo cho rằng mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt là cao, không phù hợp với hành vi phạm tội nên bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt với lý do: Bị cáo có nhân thân tốt, luôn chấp hành pháp luật; lần đầu phạm tội do nhận thức pháp luật hạn chế vì văn hóa thấp; bị cáo là người làm công ăn lương; tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng trong đại dịch Covid đã tích cực đóng góp, ủng hộ địa phương và nhân dân, cung cấp thông tin nhằm phát hiện tội phạm, nay đã nhận thức được vi phạm pháp luật nên đã ra đầu thú, ăn năn hối lỗi mong HĐXX xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội trở về với gia đình, xã hội.

- Trần Văn Th nhờ Luật sư bào chữa trình bày: Nội dung đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. L do kháng cáo: Bị cáo có trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật hạn chế; bị cáo sinh ra và lớn lên tại Cà Mau nhưng do cuộc sống mưu sinh lập gia đình tại Thanh Hóa; hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn nên phải đi làm thuê hưởng lương theo ngày công lao động để kiếm sống cho bản thân và gia đình; bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm giản đơn, theo sự chỉ đạo của bị cáo Thắng là Tổ trưởng. Nay bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật nên đã ra đầu thú, ăn năn hối lỗi mong được xem xét được giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội được trở về với gia đình, xã hội.

- Bùi Văn Đ nhờ Trợ giúp viên pháp lý bà Lê Thu H trình bày: Nội dung đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. L do kháng cáo: Bị cáo có trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật hạn chế; hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn nên phải đi làm thuê hưởng lương theo ngày công lao động để kiếm sống cho bản thân và gia đình; bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm giản đơn theo sự chỉ đạo của bị cáo Đ và bị cáo Thắng. Nay đã nhận thức được vi phạm pháp luật nên bị cáo đã ra đầu thú, ăn năn hối lỗi mong được xem xét được giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hộị sớm được trở về làm người có ích cho gia đình và xã hội.

- Bùi Văn Ch nhờ Trợ giúp viên pháp lý bà Nguyễn Thị Q trình bày:

Bị cáo kháng cáo cho rằng bản án sơ thẩm xét xử chưa đúng tội danh. Tại phiên tòa bị cáo thay đổi nội dung kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt vì hình phạt quá nặng, chưa tương xứng với hành vi và mức độ phạm tội của bị cáo gây ra; bị cáo nhận thức hạn chế; hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn nên phải đi làm thuê hưởng lương theo ngày công lao động là 280.000 đồng một ngày để kiếm sống cho bản thân và gia đình; bị cáo phạm tội với vai trò đồng phạm giản đơn theo sự chỉ đạo của bị cáo khác nên có vai trò thấp. Nay bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật nên đã ra đầu thú, ăn năn hối lỗi mong được xem xét được giảm nhẹ hình phạt để có cơ hội sớm được trở về làm người có ích cho gia đình và xã hội.

- Nguyễn Văn L nhờ Luật sư Hoàng Danh Tr trình bày: Nội dung kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt vì hoàn cảnh gia đình của bị cáo vô cùng khó khăn, vợ bị cáo thường xuyên bệnh, đau yếu; gia đình lao động nông nghiệp rất khó khăn, bị cáo còn mẹ già 90 tuổi, có 03 người con thì người con thứ hai bị thiểu năng trí tuệ tự nhỏ không có khả năng tự chăm sóc bản thân; bị cáo là lao động chính phải đi làm thuê theo ngày công, công việc cũng không ổn định; làm thuê theo sự phân công của bị cáo Thắng nên đồng phạm đơn giản, vai trò thấp nhất. Nay bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật nên đã ra đầu thú, ăn năn hối lỗi; mức án tù như bản án sơ thẩm xử phạt là quá cao, gánh nặng gia đình sẽ dồn lên vai người vợ đau yếu của bị cáo. Xin HĐXX xem xét được giảm nhẹ hình phạt thấp nhất để bị cáo sớm có cơ hội được trở về chăm sóc mẹ già, con bệnh tật và làm người có ích cho gia đình và xã hội.

- Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội: Kháng cáo của các bị cáo đều trong hạn luật định nên được chấp nhận để xem xét theo thủ tục phúc thẩm. Theo nội dung kháng cáo ban đầu chỉ có bị cáo L và bị cáo Thảo xin giảm nhẹ hình phạt, các bị cáo còn lại đều kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo này thay đổi nội dung kháng cáo chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Nội dung thay đổi này là tự nguyện, đúng quy định nên được chấp nhận để xem xét.

Về hành vi phạm tội của các bị cáo đã bị Tòa án cấp sơ thẩm quy kết là có cơ sở, cáo bị cáo thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình, không oan. Theo kết luận điều tra, cáo trạng và nội dung bản án sơ thẩm đều xác định chỉ thu giữ được số lượng vật liệu nổ trong 13/37 lỗ khoan các bị cáo đã khoan là 124kg thuốc nổ Anfo và thu giữ thêm 4,28 kg thuốc nố Amonit; số thuốc nổ còn lại không thu giữ được. Tại phiên tòa các bị cáo khai có lỗ có thuốc nổ, có lỗ không có thuốc nổ. Cơ quan điều tra căn cứ vào việc bị cáo khai nhận đã mua 08 bao đạm để mặc định số lượng mỗi bao 25kg từ đó xác định số thuốc nổ là 204 kg là chưa có căn cứ vững chắc. Thực tế chỉ thu giữ được thuốc nổ tại 13 lỗ khoan và được đưa đi giám định số lượng 124 kg có kết luận đó là vật liệu nổ, số còn lại không thu giữ được và không được giám định nhưng đã quy kết các bị cáo là căn cứ chưa vững chắc. Việc kết tội đối với các bị cáo cần căn cứ vào kiểm tra hiện trường và số lượng vật liệu nổ đã được giám định để quy kết mới là khách quan. Như vậy việc giảm số lượng vật liệu nổ xuống hơn 80 kg tuy hành vi của các bị cáo vẫn thuộc khoản 4 Điều 305 Bộ luật Hình sự nhưng cũng ảnh hưởng đến việc cân nhắc hình phạt để phù hợp với từng bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo thay đổi nhận thức, đều thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Xuất phát từ mục đích các bị cáo tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ để khai thác đá cho công ty của gia đình, bị cáo Đ đã được cấp phép khai thác chứ không phải các bị cáo sản xuất, tàng trữ để nhằm mục đích mua bán kiếm lời. Các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp đồng phạm giản đơn, tính chất của hành vi hạn chế nên cần xem xét lại hình phạt khi lượng hình đối với các bị cáo. Các bị cáo đều có nhân thân tốt, sau khi phạm tội đã ra đầu thú, đều ăn năn hối cải, một số bị cáo là người dân tộc, là nông dân lao động nhận thức pháp luật hạn chế, văn hóa rất thấp, có bị cáo không biết chữ, có 04 bị cáo chưa học hết phổ thông trung học; sau khi có bản án đã chấp hành pháp luật thông qua việc tác động gia đình nộp tiền phạt, tiền án phí sơ thẩm. Do đó đề nghị HĐXX xem xét khoan hồng giảm hình phạt cho mỗi bị cáo từ 12 đến 18 tháng tù, thể hiện tính nhân đạo đối với các bị cáo.

Các bị cáo và các Luật sư, các Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho các bị cáo giữ nguyên nội dung luận cứ đã trình bày trong phần nội dung kháng cáo, nhất trí với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa và mong Hội đồng xét xử áp dụng quan điểm nhân đạo để giảm nhẹ tối đa hình phạt cho các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tố tụng:

Đơn kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L đều làm trong thời hạn quy định nên được chấp nhận để xét theo thủ tục phúc thẩm.

Về hành vi và quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, không có tố cáo, khiếu nại nên đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch thay đổi nội dung kháng cáo từ kháng cáo toàn bộ bản án sang chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Nội dung thay đổi phù hợp với quy định pháp luật nên được chấp nhận để xem xét.

Tại phiên tòa, gia đình bị cáo Nguyễn Văn Đ nộp thêm tài liệu về việc bị cáo Nguyễn Văn Đ đã chấp hành xong tiền phạt của bản án sơ thẩm, các bị cáo đều có biên lai nộp hết án phí sơ thẩm.

[2] Về nội dung: Xét kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L:

[2.1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thành khẩn khai nhận rõ về hành vi phạm tội. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác được thu thập trong quá trình điều tra, phù hợp với tang vật chứng trong vụ án, đủ căn cứ và cơ sở để kết luận: Khoảng tháng 7/2021, Nguyễn Văn Đ phát hiện và nhặt được một túi nilon màu đen bên trong có kíp nổ và 02 túi thuốc nổ (không xác định được khối lượng cụ thể) tại khu vực mỏ đá vôi Núi Bền nên đã đem cất giấu số vật liệu nổ này tại một hốc đá, để dùng cho việc sử dụng khai thác đá. Đến khoảng ngày 08/9/2021, Đ đã mua của một người đàn ông không quen biết 08 bao đạm (là tiền chất thuốc nổ) mỗi bao nặng 25 kilôgam để tại khu vực lán của mỏ đá mục đích để chỉ đạo công nhân chế tạo thuốc nổ khai thác đá. Vào các buổi tối ngày 12 và 13 tháng 9 năm 2021, tại mỏ đá vôi Núi Bền, xã M, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Đ đã chỉ đạo Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L chế tạo trái phép vật liệu nổ nhồi vào 37 lỗ khoan trên vách núi để sử dụng cho việc kích nổ, khai thác đá nhưng chưa kịp kích nổ thì bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện.

Tại hiện trường và thu giữ tại 13/37 lỗ khoan, kết luận giám định đã xác định được tổng số vật liệu nổ gồm: 124kg thuốc nổ Anfo; 4,28kg thuốc nổ Amonit; 38 kíp nổ đốt và kíp điện vỏ nhôm. Vì vậy hành vi của Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L đã phạm vào tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 305 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào lời khai của các bị cáo trong vụ án và các vật chứng có liên quan thu được tại hiện trường là số lượng vỏ bao bì đựng tiền chất thuốc nổ, xác định khối lượng đạm là 08 bao x 25 kilôgam/01 bao, trộn với dầu tương đương 200 kilôgam để xác định toàn bộ khối lượng vật liệu nổ liên quan đến trách nhiệm của 06 bị cáo trong vụ án là 204,28 kilôgam thuốc nổ là chưa có căn cứ vững chắc. Thực tế qua khám nghiệm hiện trường chỉ thu giữ và giám định theo đúng quy định kết luận đối với 124kg là vật liệu nổ; số lượng còn lại đã kích nổ khi không được giám định (trong đó phần lớn là vật liệu nổ Anfo được trộn tạo từ đạm với dầu), 4,28 kilôgam thuốc nổ Amonit và 38 kíp nổ, để đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội khi quyết định hình phạt về cả 204,28 kilôgam thuốc nổ là bất lợi cho các bị cáo.

Việc bị cáo Nguyễn Văn Đ còn có hành vi tàng trữ 4,28kg thuốc nổ Amonit và 38 kíp nổ cùng với việc tạo ra vật liệu nổ bằng phương pháp như trên có liên quan chặt chẽ với nhau, hành vi trước là tiền đề của hành vi sau. Do đó, xác định hành vi của Nguyễn Văn Đ đã phạm vào tội “Tàng trữ, chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ” và phải chịu trách nhiệm chính, cao hơn là có căn cứ.

[2.2] Tại bản án sơ thẩm đã xét tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm: Đây là vụ án tàng trữ, chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ. Hành vi của các bị cáo nêu trên là đặc biệt nghiêm trọng và thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Vật liệu nổ là nguồn nguy hiểm cao đối với xã hội do Nhà nước độc quyền quản lý, Nhà nước cấm các tổ chức, cá nhân chế tạo, tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, mua bán trái phép các loại vật liệu nổ…. Các bị cáo trong vụ án này đều là những người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm tội vì mục đích kinh tế mặc dù biết được hành vi chế tạo, tàng trữ vật liệu nổ trái phép, không có chứng chỉ, cấp phép của cơ quan có thẩm quyền là rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của bản thân và những người xung quanh, gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương nhưng vẫn cố tình thực hiện. Đối tượng tác động của các bị cáo trong vụ án là xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước đối với vật liệu nổ.

Mặc dù hành vi của các bị cáo chưa gây thiệt hại về người hay tài sản nhưng việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ của các bị cáo mang tính thủ công, về khối lượng là rất lớn vì vậy có thể gây ra hậu quả thiệt hại cho người và tài sản cũng như sự an toàn của quần chúng nhân dân ở gần khu vực mỏ đá vôi núi Bền là đúng. Tuy nhiên các bị cáo không nhằm mục đích mua bán kiếm lời mà chỉ nhằm mục đích khai thác đá trong khi công ty của gia đình bị cáo Đ được cấp phép nổ mìn khai thác đá phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân nên cũng cần được xem xét khác với các đối tượng nhằm mục đích mua bán để kiếm lời.

Khi xét về nguyên nhân, điều kiện, động cơ, mục đích phạm tội: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định “Do sự bất chấp, coi thường pháp luật, sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng còn lỏng lẻo và một số bị cáo nhận thức về pháp luật còn rất hạn chế. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này cũng như sự quản lý của chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Đây là nguyên nhân và điều kiện thuận lợi để các bị cáo lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội” là đúng tinh thần áp dụng pháp luật. Tuy nhiên cần xem xét trong điều kiện tuy Công ty Q K là chủ thể được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác đá từ năm 2015, được cấp phép sử dụng vật liệu nổ vào khai thác đá theo Giấy phép số 711/GP-SCT từ ngày 14/7/2021 nhưng trong bối cảnh đại dịch Covid nên chưa được cấp thuốc nổ phục vụ sản xuất. Vì vậy Nguyễn Văn Đ đã thực hiện hành vi phạm tội như đã nêu.

[2.3]. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét hành vi phạm tội, vai trò, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng đối với các bị cáo: Trong vụ án các bị cáo cùng nhau thực hiện tội phạm, nhưng chỉ thuộc dạng đồng phạm giản đơn; bị cáo Nguyễn Văn Đ đã trực tiếp chuẩn bị vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và dầu diezel sau đó chỉ đạo Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Nguyễn Văn L, Bùi Văn Ch, Bùi Văn Đ là công nhân làm thuê trong công ty của gia đình trộn đạm với dầu diezel tạo thành thuốc nổ Anfo kèm với các bộ kích nổ (được tạo thành từ 4,28kg thuốc nổ Amonit, 38 kíp nổ) để sử dụng cho việc nổ mìn khai thác đá nên hành vi của bị cáo Đ là tàng trữ, chế tạo và sử dụng vật liệu nổ giữ vai trò chính trong vụ án.

Nguyễn Văn Th là tổ trưởng tổ thợ, tiếp nhận ý chí và sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Đ sau đó trực tiếp chỉ đạo Trần Văn Th, Nguyễn Văn L, Bùi Văn Ch, Bùi Văn Đ trong việc chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ nên giữ vai trò thứ hai trong vụ án.

Các bị cáo Trần Văn Th, Nguyễn Văn L, Bùi Văn Ch, Bùi Văn Đ có hành vi chế tạo, sử dụng vật liệu nổ trái phép theo sự chỉ đạo, điều hành của Đ và Thắng. Vì vậy, các bị cáo này giữ vai trò giúp sức không đáng kể và ngang nhau trong vụ án.

Tình tiết tăng nặng: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tình tiết giảm nhẹ và nhân thân các bị cáo: Về nhân thân các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, sau khi phạm tội đã đến cơ quan Công an đầu thú, thành khẩn khai báo hành vi của bản thân. Bị cáo Nguyễn Văn Đ và Nguyễn Văn Th đều tích cực tham gia ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19, tích cực hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm (cụ thể là Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, huyện Quan Hoá và Đồn Biên phòng Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hoá). Bị cáo Nguyễn Văn Th có bố đẻ là ông Nguyễn Văn L được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất. Bị cáo Nguyễn Văn L có mẹ đẻ là bà Đặng Thị B được Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, có con đẻ là Nguyễn Ắc Hùng bị khuyết tật nặng về trí tuệ. Hơn nữa, bị cáo L còn có thời gian 03 năm phục vụ quân ngũ, hiện đang là quân nhân dự bị của huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá, được UBND xã V và Hội Cựu chiến binh xã V, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá có văn bản đề nghị Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Bị cáo Bùi Văn Đ và Bùi Văn Ch là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, bị cáo Đ không biết chữ, bị cáo Thảo có bố đẻ và bố vợ đều có công với Nhà nước, vợ đang điều trị thương tích do tai nạn lao động. Ngoài ra các bị cáo Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Nguyễn Văn L và Bùi Văn Ch đều có trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật còn rất hạn chế. Các bị cáo đều là lao động làm công ăn lương, vai trò của các bị cáo chỉ là đồng phạm giúp sức không đáng kể, làm việc theo sự chỉ đạo, phân công của bị cáo Đ. Hành vi của các bị cáo chưa gây hậu quả hay thiệt hại gì. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 BLHS; khi quyết định hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo cũng đã cân nhắc “mặc dù các bị cáo phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, tuy nhiên hậu quả đã được ngăn chặn kịp thời”. Các bị cáo Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Nguyễn Văn L, Bùi Văn Ch, Bùi Văn Đ phạm tội đều với vai trò đồng phạm giúp sức, chỉ là những người lao động, làm thuê, làm công, ăn lương, trình độ học vấn thấp, nhận thức pháp luật rất hạn chế, đều thực hiện hành vi theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Đ, các bị cáo đều ăn năn, hối cải, phạm tội có mức độ, không được hưởng lợi, đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ngoài ra các bị cáo Thắng, Thảo, L, Ch và Đ đều không biết Đ mua tiền chất để chế tạo và sử dụng vật liệu nổ có khối lượng là bao nhiêu”. Từ đó đã xem xét áp dụng Điều 54 Bộ luật Hình sự để quyết định mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đối với các bị cáo là có căn cứ.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo tiếp tục thể hiện sự thành khẩn, ăn năn hối lỗi, một số bị cáo có thay đổi nhận thức sau khi có đơn kháng cáo thể hiện thêm sự hối cải; số lượng vật liệu nổ được xác định dựa trên kết quả đã được Cơ quan điều tra giám định cụ thể có lợi cho các bị cáo trên mức khởi điểm định khung hình phạt, nguyên nhân và điều kiện cũng như hoàn cảnh phạm tội của các bị cáo trong môi trường đã được cấp phép. Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Văn Đ đã tác động gia đình nộp toàn bộ khoản tiền phạt tại bản án sơ thẩm đã quyết định; các bị cáo đều đã thực hiện xong tiền án phí sơ thẩm.

Xét cụ thể đối với từng bị cáo, thấy:

Bị cáo Nguyễn Văn Đ mới được gia đình giao tiếp quản công ty trong bối cảnh dịch bệnh, bị cáo mới lập gia đình, có con nhỏ mới sinh năm 2021; bị cáo Nguyễn Văn Th trình độ văn hóa 3/10; bị cáo Trần Văn Th là lao động làm thuê hưởng tiền công theo ngày, văn hoá 4/10 nên nhận thức hạn chế, đơn kháng cáo của bị cáo phải do người khác viết hộ, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, con trai bị bệnh tim bẩm sinh, vợ bị tai nạn lao động mù một mắt, có đơn có xác nhận của chính quyền, đã nộp án phí HSST; Bùi Văn Đ là người dân tộc, không biết chữ, đơn kháng cáo phải nhờ người khác viết hộ nên nhận thức hạn chế. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, con nhỏ mới sinh 2017, hộ cận nghèo, là người làm thuê; vợ có đơn trình bày xin giảm hình phạt cho bị cáo có xác nhận của chính quyền địa phương; Bùi Văn Ch là người dân tộc nên nhận thức hạn chế, là lao động chính, mẹ già, con nhỏ sinh 2019, vợ có đơn trình bày xin giảm hình phạt cho bị cáo có xác nhận của chính quyền; Nguyễn Văn L tiếp tục thành khẩn, ăn năn, hối cải thừa nhận toàn bộ hành vi như bản án sơ thẩm đã xác định; bị cáo là người lao động làm thuê, không có hợp đồng, không được đóng bảo hiểm xã hội, lao động; thực hiện theo sự chỉ đạo của Thắng; kinh tế khó khăn, mẹ già trên 90 tuổi, con bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh không tự chăm sóc được, có đóng góp trong quân đội.

Vì vậy áp dụng tính nhân đạo của pháp luật đối với các bị cáo là người lao động làm thuê hưởng tiền công theo ngày lao động thực tế; hoàn cảnh gia đình của các bị cáo quá khó khăn trong bối cảnh dịch Covid phải giãn cách xã hội vửa đi qua để cần chấp nhận kháng cáo của tất cả các bị cáo, giảm cho các bị cáo thêm một phần hình phạt như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát cũng như quan điểm của những người bào chữa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[3]. Án phí phúc thẩm: Các bị cáo không chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

QUYẾT ĐỊNH

Vì các lẽ trên;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 357 của Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án;

Chấp nhận kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Văn Đ, Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L; Sửa một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 88/2023/HS-ST ngày 25 tháng 4 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa theo hướng giảm một phần hình phạt cho các bị cáo. Cụ thể:

1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Văn Đ phạm tội “Chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ”. Các bị cáo Nguyễn Văn Th, Trần Văn Th, Bùi Văn Đ, Bùi Văn Ch và Nguyễn Văn L phạm tội “Chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ”.

- Áp dụng: Khoản 4, khoản 5 Điều 305; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 54 và Điều 58 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn Đ 08 (tám) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 16/9/2021 đến ngày 12/11/2021). Xác nhận bị cáo đã chấp hành xong tiền phạt bổ sung và án phí hình sự sơ thẩm là 20.200.000đ (Hai mươi triệu hai trăm nghìn đồng) tại Biên lai số: 0000579 ngày 22/5/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa.

- Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 305; điểm s, t khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 54 và Điều 58 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn Th 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 16/9/2021 đến ngày 21/12/2021). Xác nhận bị cáo đã chấp hành xong án phí hình sự sơ thẩm tại Biên lai số: 0000580 ngày 22/5/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa.

- Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 305; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51;

Điều 17; Điều 38; Điều 50; Điều 54 và Điều 58 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Trần Văn Th 06 (sáu) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 19/9/2021 đến ngày 12/01/2022). Xác nhận bị cáo đã chấp hành xong án phí hình sự sơ thẩm tại Biên lai số: 0000581 ngày 22/5/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa.

Xử phạt: Bị cáo Bùi Văn Đ 06 (sáu) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 16/9/2021 đến ngày 21/12/2021). Xác nhận bị cáo đã chấp hành xong án phí hình sự sơ thẩm tại Biên lai số: 0000582 ngày 22/5/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa.

Xử phạt: Bị cáo Bùi Văn Ch 06 (sáu) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giam (14/10/2022). Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam trước đó (từ 23/9/2021 đến ngày 21/12/2021). Xác nhận bị cáo đã chấp hành xong án phí hình sự sơ thẩm tại Biên lai số: 0000583 ngày 22/5/2023 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thanh Hóa.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Văn L 05 (năm) 06 (sáu) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án. Được trừ thời gian tạm giữ, tạm giam (từ 19/9/2021 đến ngày 12/01/2022).

2. Về án phí: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

108
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 575/2023/HS-PT về tội chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ

Số hiệu:575/2023/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;