TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
BẢN ÁN 57/2019/DS-PT NGÀY 22/03/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM
Ngày 22 tháng 3 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Long xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 24/2019/TLPT-DS ngày 24 tháng 01 năm 2019 về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 67/2018/DS-ST ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 43/2019/QĐ-PT ngày 05 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Đặng Lê Hồng P; Cư trú tại: Ấp B, xã N, huyện T, tỉnh Vĩnh Long.
- Bị đơn:
1. Ông Nguyễn Văn H.
2. Bà Trần Thị Cẩm N.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn bà Trần Thị Cẩm N: Ông Nguyễn Văn H (Văn bản ủy quyền ngày 17/5/2018).
Cùng cư trú tại: Ấp S, xã L, huyện T, tỉnh Vĩnh Long.
- Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 26 tháng 3 năm 2018 và quá trình tố tụng nguyên đơn bà Đặng Lê Hồng P trình bày:
Vào khoảng năm 2012, bà có trồng 1.000 cây cam trên phần đất tại chiết thửa 293, diện tích đo đạc thực tế là 3.380.64m2, loại đất lúa. Đến năm 2015 bà tiếp tục trồng 1.000 cây cam tại chiết thửa 86, diện tích đo đạc thực tế là 3.587,7m2, loại đất lúa.
Ngày 29/9/2017, bà trồng 3000 cây dưa leo tại chiết thửa 216+215, diện tích đo đạc thực tế là 1.336,05m2, loại đất lúa. Các phần đất trên tọa lạc tại ấp Đ, xã L, huyện T, tỉnh Vĩnh Long.
Vào khoảng năm 2016, chính quyền địa phương có vận động bà con địa phương tại 03 ấp T, S và Đ để làm đê bao khép kính kênh La Zách của tổng cộng 38 hộ dân. Tuy nhiên phía ông H và bà N không đồng ý làm đê bao mặc dù địa phương nhiều lần vận động nhưng sau đó ông H và bà N tự đắp, va cố bờ đê nhưng không hoàn chỉnh, chắc chắn như chính quyền địa phương đắp đê.
Vào ngày 7/11/2017 thì nước làm bể đê tại hộ ông H, bà N làm ảnh hưởng, tràn nước sang hộ phía bà P. Khi nước tràn vào phần đất của bà ngập khoảng 6 -7 tấc, làm ngập vườn cam và dưa leo của bà. Đến 12 giờ trưa thì nước mới rút nhưng nước vẫn còn đọng lại khoảng 1 – 2 ngày sau nước mới rút hết. Sau khi nước rút, đến ngày 08/11/2017 thì dưa leo của bà bị chạy dây, héo rủ. Thời điểm nước ngập bà trồng dưa leo được khoảng 38 ngày và thu hoạch được 6 ngày tương đương 3.000 dây dưa leo bị thiệt hại toàn bộ trên phần diện tích 1.336,05m2. Còn 1.000 cây cam trồng được khoảng 2,5 năm cho trái đã được 1 năm, đang chờ thu hoạch trên phần diện tích 3.380,64m2 và 1.000 cây cam trồng được khoảng 6 năm trên phần đất 3.587,7m2 + 1.265,27m2 trồng được khoảng 6 năm, cho trái khoảng 3 năm. Thời điểm ngập nước thì cam đang vào vụ thu hoạch nhưng chưa bán. Sau khi bị ngập nước cam có hiện tượng bị xào lá, rụng trái, nhưng do bị ngập nước nên bà không thể lội vào vườn để thu hoạch trái vì nếu lội vào nhặt cam thì sẽ bị động gốc ảnh hưởng phần cam còn lại. Phần cam rụng bà không thống kê được, 1 cây rụng khoảng 10 chục trái, phần cam còn lại chưa chín vẫn thu hoạch bình thường.
Sau đó, phía bà có báo trưởng ấp Đ, xã L và báo cho ông D – Phó Chủ tịch UBND xã L về việc bể đê từ hộ ông H bà N sang hộ bà P nhưng không ai đến để lập biên bản sự việc xảy ra. Đến ngày 22/11/2017 thì chính quyền địa phương có đến phần đất trồng cây cam và trồng dưa leo của bà để xác minh sự việc. Sau đó, chính quyền địa phương tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau nhưng phía ông H và bà N không đồng ý theo yêu cầu của bà nên các bên không thỏa thuận được.
Nay bà yêu cầu ông H và bà N có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản là cây cam và dây dưa leo của bà bị xâm phạm cụ thể là 500kg cam bị rụng trái x 10.000 đồng/01kg = 5.000.000 đồng và bồi thường tiền chi phí trồng dưa leo các khoản gồm: tiền mua giống 750.000 đồng; rơm khô 680.000 đồng; tro 50.000 đồng; Phân 5 bao 2.260.000 đồng; thuốc tổng tiền là 2.500.000 đồng; công lao động làm cỏ tổng tiền là: 480.000 đồng cộng bằng 3.415.000 đồng, tổng cộng là 8.415.000 đồng.
Tại bản tự khai ngày 10 tháng 5 năm 2018 bị đơn ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N trình bày:
Từ tháng 5/2016 đến tháng 6/2016 chính quyền địa phương có vận động 25 hộ dân tại 03 ấp T, S và Đ để làm đê bao khép kính kênh La Zách. Tuy nhiên, ông bà không đồng ý vì yêu cầu Nhà nước phải hỗ trợ tiền cây cam cho ông bà thì ông bà mới đồng ý cho Nhà nước đắp đê bao ngăn lũ. Đến khoảng năm 2017 thì chính quyền địa phương làm đê bao ngăn lũ xong nhưng đoạn đi qua đất của ông bà thì không có gia cố nên ông bà tự đắp bờ đê ngăn nước.
Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 19/9/2017 âm lịch (tức ngày 07/11/2017 dương lịch), thời điểm này nước triều cường đang lên tột đỉnh nên nước từ kinh La Zách tràn vào vườn nhà của ông, rồi tràn qua phần đất của ông Nguyễn Văn N, rồi đến phần đất của ông C, ông B, ông N, ông T và cuối cùng là tràn qua phần đất của bà Đặng Lê Hồng P.
Khi nước tràn vào thì khoảng 5 giờ sáng nước mới ngập hết phần đất vườn nhà ông khoảng 3 – 4 tấc, đến 8 giờ thì nước mới rút. Còn phần đất nhà bà Phương thì nước tràn qua khoảng 6 giờ sáng, còn ngập sâu bao nhiêu thì ông không biết do ông lo gia cố phần đất của ông. Khi nước tràn vào thì khoảng 8 giờ sáng nước rút hết nên phần đất bà Phương chỉ ngập khoảng 2 - 3 tiếng.
Nguyên nhân dẫn đến ngập nước, thời điểm đỉnh triều cao của năm, phần đất bờ đê của ông chưa được gia cố nên chân đê đất mềm dễ bị vỡ bờ và thời điểm này tại đầu nguồn ngoài La Zách chính quyền đại phương cho thông 02 ống bọng phi 100 nên áp lực nước rất lớn. Ngoài ra, nhiều vị trí đê chỗ khác do nước cao nên nước có tràn qua bờ đê, sự việc này được thể hiện tại biên bản xác minh ngày 14/11/2017.
Khi nước tràn vào thì hộ bà P có trồng dưa leo trên diện tích 1.336,05m2 và đang vào vụ thu hoạch, do dưa leo là loại nhạy nước nên khi bị nước ngập thì sẽ chết dây. Ngoài ra, phần đất của bà P còn trồng cam trên phần đất khoảng 3.587,7m2, nhưng cam không bị ảnh hưởng gì nên bà P khởi kiện yêu cầu ông bà bồi thường 500kg cam bị rụng trái bằng 5.000.000 đồng thì ông bà không đồng ý. Ông bà xác định nguyên nhân thiệt hại không phải lỗi của ông bà nhưng ông bà chỉ đồng ý hỗ trợ 50% thiệt hại dưa leo bằng 1.707.500 đồng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 67/2018/DSST ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long đã quyết định:
Căn cứ vào khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 92, khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 584 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 24, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn là ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N có ông Nguyễn Văn H làm đại diện theo ủy quyền bồi thường cho nguyên đơn là bà Đặng Lê Hồng P số tiền là 1.707.500 đồng. Đồng thời buộc ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N có ông Nguyễn Văn H làm đại diện theo ủy quyền bồi thường tiếp cho bà Đặng Lê Hồng P số tiền 6.707.500 đồng. Tổng cộng số tiền mà ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N có ông Nguyễn Văn H làm đại diện theo ủy quyền bồi thường cho bà Đặng Lê Hồng P là 8.415.000 đồng.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên án phí dân sự sơ thẩm, chi phí giám định và định giá tài sản, quyền kháng cáo.
Ngày 07/12/2018 ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N kháng cáo bản án sơ thẩm, không đồng ý bồi thường thiệt hại cho bà P vì nguyên nhân nước vở đê không phải lỗi của ông bà và ông bà rút lại yêu cầu tự nguyện hỗ trợ 50% thiệt hại theo như án sơ thẩm 1.707.500 đồng.
Tại phiên tòa ông H, bà N đồng ý bồi thường 50% thiệt hại cho bà P, trong đó bồi thường 50% thiệt hại dưa leo là 1.707.500 đồng và 50% thiệt hại cam là 1.500.000 đồng, tổng cộng bằng 3.207.500 đồng và bà P đồng ý.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long phát biểu ý kiến:
Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và người tham gia tố tụng: Tất cả đều tuân thủ đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý vụ án đến xét xử phúc thẩm.
Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ điều 300, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, sửa bản án dân sự sơ thẩm.
Buộc ông H, bà N bồi thường thiệt hại cho bà P, gồm: dưa leo 1.707.500 đồng, bồi thường cam 1.500.000 đồng, tổng cộng bằng 3.207.500 đồng.
Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 07/11/2017 đoạn kênh tại vị trí đất của ông H, bà N bị vỡ nên nước tràn qua phần đất vườn trồng cam của ông H rồi tràn qua phần đất của ông Nguyễn Văn N, rồi đến phần đất của ông C, ông Bảy, ông N, ông T và cuối cùng là tràn qua phần đất của bà P. Hậu quả làm cho 3000 dây dưa leo của bà P trồng trên diện tích 1.336,05m2, loại đất lúa bị chết và ngập vườn cam của bà P. Theo bà P thì nước bắt đầu tràn vào đất vườn, ruộng của bà từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa thì nước rút nhưng vẫn còn đọng lại 1- 2 ngày sau nước mới rút hết.
[2] Về nguyên nhân nước tràn vào ruộng, vườn của bà P: Theo ông H và bà P đều xác định có 03 nguyên nhân dẫn đến bể bờ đê tràn vào phần đất của bà P: Thứ nhất là do thời điểm này triều cường đang lên đỉnh cao; Thứ hai do tại đầu nguồn kênh La Zách địa phương thả 02 ống bọng phi 100 để thông nước nên làm cho sức ép nước lớn bình thường; Thứ ba là do khi địa phương vận động đắp đê ngăn lũ ông H không cho đắp đê trên phần đất của ông đọan tiếp giáp kênh nhưng sau đó ông H tự đắp đê nên đê không chắc chắn, áp lực nước quá lớn chân đê mềm nên gây vỡ đê. Ngoài ra, do nước lớn nên một số vị trí đê chỗ khác bị nước ngập tràn qua đê gây ngập vườn các hộ dân. Như vậy, ngoài nguyên nhân chủ quan do đê bao phía gia đình ông H không cho địa phương gia cố theo quy định thì còn những nguyên nhân khách quan khác dẫn đến nước tràn đê ngập vườn bà P gây thiệt hại. Đối chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 585 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì ông H, bà N phải chịu 50% mức lỗi trên yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà P.
[3] Về xác định thiệt hại: Tại phiên tòa ông H, bà N đồng ý thỏa thuận bồi thường 50% thiệt hại dưa leo tương đương số tiền 1.707.500 đồng và thiệt hại cam tương đương 500kg với giá 6.000 đồng/1kg bằng 3.000.000 đồng, ông H, bà N đồng ý chịu 50% bằng 1.500.000 đồng, tổng cộng bằng 3.207.500 đồng và bà P đồng ý theo yêu cầu của ông H, bà N. Xét sự thỏa thuận của các đương sự là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội nên hội đồng xét xử công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
[4] Về chi phí khảo sát đo đạc: Tại cấp sơ thẩm đã chi 400.000 đồng. Số tiền này do bà P nộp tạm ứng. Tại phiên tòa ông H, bà N và bà P thỏa thuận mỗi người chịu ½ chi phí trên nên buộc ông H, bà N hoàn trả cho bà P 200.000 đồng.
[5] Về án phí:
Án phí sơ thẩm: Ông H và bà N phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Bà P không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm số tiền bà P nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 10777 ngày 26/3/2018 tại Chi cục thi thành án dân sự huyện Tam Bình sẽ được hoàn trả.
Án phí dân sự phúc thẩm: Ông H và bà N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 600.000 đồng theo các biên lai số 11431, số 11430 ngày 07/12/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tam Bình sẽ được khấu trừ vào số tiền án phí dân sự sơ thẩm mà ông H, bà N phải chịu. Sau khi khấu trừ hoàn trả cho ông H, bà N 300.000 đồng.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng Điều 300, khoản 2 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26, Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.
Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Nguyễn Văn H và Trần Thị Cẩm N; sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 67/2018/DSST ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Căn cứ Điều 584, Điều 585, Điều 589 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Lê Hồng P về việc yêu cầu ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N bồi thường thiệt hại tài sản và công nhận sự tự thỏa thuận của nguyên đơn bà Đặng Lê Hồng P và bị đơn ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N.
Buộc ông Nguyễn Văn H và bà Trần Thị Cẩm N có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bà Đặng Lê Hồng P số tiền 3.207.500 đồng (Ba triệu hai trăm lẻ bảy ngàn năm trăm đồng).
Kể từ ngày người có quyền có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án không chịu trả số tiền nêu trên thì hàng tháng còn phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại khỏan 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
2. Về chi phí khảo sát đo đạc: Tại cấp sơ thẩm đã chi 400.000 đồng. Số tiền này do bà Đặng Lê Hồng P nộp tạm ứng. Tại phiên tòa bà Đặng Lê Hồng P và ông Nguyễn Văn H, bà Trần Thị Cẩm N thỏa thuận mỗi người chịu ½ chi phí trên nên buộc ông Nguyễn Văn H, bà Trần Thị Cẩm N hoàn trả cho bà Đặng Lê Hồng P số tiền 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng).
3. Án phí:
Ông H và bà N phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm 600.000 đồng theo biên lai số 11431, 11430 ngày 07/12/2018 tại Chi cục thi thành án dân sự huyện Tam Bình sẽ được khấu trừ. Sau khi khấu trừ, hoàn trả cho ông Nguyễn Văn H, bà Trần Thị Cẩm N số tiền 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng).
Bà Đặng Lê Hồng P không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, số tiền bà P đã nộp tạm ứng án phí 300.000 đồng (Ba trăm ngàn đồng) đã nộp theo biên lai thu số 10777 ngày 26/3/2018 tại Chi cục thi thành án dân sự huyện Tam Bình sẽ được hoàn trả.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành án theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 57/2019/DS-PT ngày 22/03/2019 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm
Số hiệu: | 57/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Vĩnh Long |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 22/03/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về