Bản án 56/2021/HS-PT ngày 19/07/2021 về tội gây rối trật tự công cộng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

BẢN ÁN 56/2021/HS-PT NGÀY 19/07/2021 VỀ TỘI GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG

Trong các ngày 15 và 19 tháng 7 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 188/2020/TLPT- HS ngày 18 tháng 12 năm 2020 đối với bị cáo Phạm Duy C và các bị cáo khác, do có kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện T đối với bản án sơ thẩm số 52/2020/HS-ST ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương.

- Bị cáo có kháng cáo:

1. Phạm Duy C, sinh năm 1969 tại: Xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Thôn N, xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 07/10; dân tộc: Kinh, giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Duy P và bà Nguyễn Thị H (bà H đã chết); gia đình có 06 anh em, C là con thứ tư; có vợ là Nguyễn Thị N và 02 con, con lớn sinh năm 1991, con nhỏ sinh năm 1992; tiền án, tiền sự: Chưa; Bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương từ ngày 09/5/2020 đến nay. (Có mặt)

2. Nguyễn Danh V, sinh năm 1966 tại: Xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Thôn P, xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 01/10; dân tộc: Kinh, giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Danh H và bà Nguyễn Thị X (tức S) – đều đã chết; gia đình có 05 anh em, V là con thứ hai; có vợ là Nguyễn Thị L và 02 con, con lớn sinh năm 1989, con nhỏ sinh năm 1992; tiền án, tiền sự: Chưa; Bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hải Dương từ ngày 11/5/2020 đến nay. (Có mặt)

3. Nguyễn Đức N, sinh năm 1958 tại: Xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Thôn N, xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 10/10; dân tộc: Kinh, giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Nguyễn Đức M và bà Nguyễn Thị R (tên gọi khác Lưu Thị R) – đều đã chết; gia đình có 07 anh em, N là con thứ hai; có vợ là Lê Thị L và 02 con, con lớn sinh năm 1982, con nhỏ sinh năm 1984; tiền án, tiền sự: Chưa; Bị tạm giam tại trại Tạm giam Công an tỉnh Hải Dương từ ngày 09/5/2020 đến nay. (Có mặt)

- Bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị:

4. Lưu Cung T, sinh năm 1979 tại: Xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Thôn V, xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 09/12; dân tộc: Kinh, giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lưu Cung Q (đã chết) và bà Nguyễn Thị C; gia đình có 02 anh em, T là con thứ hai; có vợ là Phạm Thị H và 02 con, con lớn sinh năm 2013, con nhỏ sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Chưa; Hiện tại ngoại. (Có mặt)

5. Trần Thị Th, sinh năm 1982 tại: Xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; Nơi cư trú: Thôn T, xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương; nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hoá: 07/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Văn Đ và bà Nguyễn Thị D (tên gọi khác Nguyễn Thị D) – đều đã chết; có chồng là Nguyễn Đình H và 03 con, con lớn sinh năm 2002, con nhỏ sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Chưa; Hiện tại ngoại. (Có mặt)

- Người bào chữa cho các bị cáo C, V, N, Th: Ông Nguyễn Đức G – Luật sư Công ty Luật TNHH A, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; địa chỉ: Số 4 ngõ 850 đường L, phường L, quận Đ, thành phố Hà Nội. (Có mặt)

- Người bào chữa cho bị cáo T: Bà Đặng Thị Vân H – Luật sư Văn phòng luật sư K, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội; Địa chỉ: Số 53/53 phố V, phường S, quận L, thành phố Hà Nội. (Có mặt) Ngoài ra còn 01 bị cáo không có kháng cáo, không bị kháng nghị, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng không triệu tập đến phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Do không đồng tình với việc UBND xã A giao nhà máy nước sạch cho Công ty TNHH một thành viên nước sạch P sản xuất, kinh doanh vì nhân dân cho rằng nhà máy nước sạch là của dân, Công ty P cung cấp nước không đảm bảo chất lượng, giá nước ngày càng tăng, lại hay bị mất nước, quản lý phục vụ không bằng Hợp tác xã dịch vụ trước đây. Nên người dân đã có nhiều đơn đề nghị, phản ánh, tố cáo gửi các cấp, các ngành giải quyết. UBND tỉnh Hải Dương đã có kết luận cuối cùng xá định việc khiếu kiện của dân có đúng có sai và quyết định tạm thời giao Nhà máy nước sạch cho Trung tâm nước sạch của tỉnh quản lý vận hành, tuy nhiên nhân dân xã A vẫn không đồng ý. Quá trình cơ quan chức năng thực hiện kết luận của UBND tỉnh, Phạm Duy C đã thu âm giọng nói của mình vào thẻ nhớ và cùng Nguyễn Đức N, Nguyễn Danh V và một số người dân chuẩn bị các công cụ như loa, âm ly, đài, micro, chiêng, trống, cờ tổ quốc… tuần hành, kêu gọi người dân đoàn kết đòi lại nhà máy nước, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn.

Ngày 16/3/2020, UBND xã A tổ chức cuộc họp với Công ty nước sạch P tại UBND xã A để bàn phương án, kế hoạch giải quyết nước sạch cho nhân dân. Khoảng 14 giờ, Phạm Duy C, Nguyễn Đức N, Lưu Cung T, Trần Thị Th, Nguyễn Danh V, Nguyễn Thị Y cùng khoảng 50 đến 60 người dân đến UBND xã. Lưu Cung T điều khiển xe máy biển số 34 - 551 có gắn thùng tự chế của V chở theo máy phát điện, âm ly, loa nén, chiêng, trống, cờ tổ quốc đến trụ sở UBND xã. Tại trụ sở UBND, Nguyễn Danh V ngồi trên thùng xe mở loa, đánh trống, đánh chiêng, đồng thời cầm micro kêu gọi người dân đến UBND đòi lại nhà máy nước.

Nguyễn Đức N, Phạm Duy C, Trần Thị Th, Nguyễn Thị Y cùng một số người dân yêu cầu gặp bà Phạm Thị M - Chủ tịch UBND xã để nói chuyện. Mặc dù đã được cán bộ UBND xã vận động, giải thích, yêu cầu không được gây mất trật tự nhưng các đối tượng trên không chấp hành. V tiếp tục mở loa; C, N, V hô hào người dân đi lên phòng họp tầng 2 gặp bà M; T đánh chiêng trống và sử dụng điện thoại quay, phát lên mạng xã hội.

Khong 14 giờ 30 phút cùng ngày, C, N, V đã hô hào mọi người lên tầng 2. Một số người dân trong đó có Phạm Duy C, Nguyễn Đức N, Lưu Cung T, Trần Thị Th; Nguyễn Danh V, Nguyễn Thị Y đã xô đẩy cán bộ công an xã làm nhiệm vụ ngăn cản ở cầu thang để đi lên phòng họp tầng 2 làm ông Nguyễn Khang Duy bị ngã. Tại phòng họp trên tầng 2 của UBND xã A, C, N, V, Y, Th và một số người dân mở cửa xông vào phòng họp có hành vi chửi bới, xúc phạm bà M - Chủ tịch UBND xã. V nói: “Trên đưa bà về đây nhưng bà ăn hối lộ nên không làm được việc”. Th dùng tay chỉ trỏ và nói “Trên cử chị về lo cho dân, mà chị để nhà máy nước cắt nước 4 ngày, bao giờ có nước cho dân”. Y chửi bới và sử dụng điện thoại quay, phát hình ảnh lên mạng xã hội. C chỉ tay về phía ông Lĩnh - Giám đốc nhà máy nước P nói: “Ông không phải giám đốc, nhà máy nước là của nhân dân…”. T không vào phòng họp mà đứng ngoài hành lang sử dụng điện thoại, quay và phát hình ảnh lên mạng xã hội. Mặc dù, ông Nguyễn Dũng Thành - Bí thư Đảng ủy xã, bà Phạm Thị M - Chủ tịch UBND xã giải thích nhưng N, C, V, Y, Th không chấp hành, dẫn đến cuộc họp phải tạm dừng, các ban ngành đoàn thể của xã phải dừng làm việc. Đến khoảng 15 giờ 50 phút cùng ngày, C, N, V, Y, Th, T cùng một số người dân đi xuống sân, tiếp tục đánh trống và mở loa. Sau đó, V cùng một số người dân dựng lều, bạt tại sân UBND xã và mở loa đến 22 giờ cùng ngày thì mọi người về, V ngủ lại trông lều bạt.

Khong 07 giờ 05 phút ngày 17/3/2020, V tiếp tục mở loa, đánh trống kêu gọi người dân đến UBND xã. C, N, T cùng 1 số người dân ra UBND xã, C đưa cho V 30.000đ mua xăng rồi khởi động máy phát điện bật loa, tổ chức nấu nướng, ăn uống tại UBND xã. Khoảng 13 giờ 15 cùng ngày, V điều khiển xe 3 bánh chở loa nén đi khắp các thôn, khu dân cư kêu gọi người dân không đóng tiền nước và đoàn kết đòi lại nhà máy nước. Đến ngày 19/3/2020, V cùng một số người dân tháo dỡ lều bạt, mang về.

Tại bản án sơ thẩm số 52/2020/HS-ST ngày 10 tháng 11 năm 2020, Tòa án nhân dân huyện T tuyên bố các bị cáo Phạm Duy C, Nguyễn Danh V, Nguyễn Đức N, Lưu Cung T, Trần Thị Th phạm tội Gây rối trật tự công cộng; căn cứ điểm d khoản 2 Điều 318, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Phạm Duy C 36 tháng tù; căn cứ điểm d khoản 2 Điều 318, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Danh V 33 tháng tù; căn cứ điểm d khoản 2 Điều 318, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Nguyễn Đức N 30 tháng tù; căn cứ khoản 1 Điều 318, điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Lưu Cung T 12 tháng tù; căn cứ khoản 1 Điều 318, điểm i, s khoản 1 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 Bộ luật hình sự, xử phạt Trần Thị Th 09 tháng tù. Ngoài ra cấp sơ thẩm còn quyết định về tội danh, hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị Y; xử lý vật chứng; án phí và quyền kháng cáo.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17/11/2020 bị cáo Phạm Duy C kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo, bị cáo Nguyễn Danh V và Nguyễn Đức N kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; ngày 18/11/2020 bị cáo T kháng cáo xin hưởng án treo; ngày 20/11/2020 bị cáo Trần Thị Th kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo; ngày 24/11/2020 VKSND huyện T kháng nghị, đề nghị cho bị cáo T, Th được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Các bị cáo Phạm Duy C, Nguyễn Danh V, Nguyễn Đức N, Lưu Cung T, Trần Thị Th đều có mặt và trình bày xác định nội dung kháng cáo là xin giảm nhẹ hình phạt và được hưởng án treo.

- Người bào chữa cho bị cáo C, V, N, Th là luật sư Nguyễn Đức G bào chữa: Nhất trí với quan điểm của đại diện VKS về tội danh của các bị cáo và tình tiết giảm nhẹ được áp dụng. Xem xét nội dung vụ án thì thấy nguyên nhân của sự việc là do chính quyền địa phương không thực hiện đúng kết luận của thanh tra, thời điểm dịch bệnh bùng phát bị cắt nước dẫn đến bức xúc trong nhân dân. Hành vi của các bị cáo không nhằm chống đối chính quyền mà chỉ do nhận thức còn hạn chế, không biết phương thức đúng đắn để thực hiện quyền của mình dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật. Các bị cáo đều có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được chính quyền địa phương xin giảm nhẹ hình phạt, đại diện UBND xã cũng xác nhận tình hình an ninh trật tự tại địa phương đã ổn định và trở lại trạng thái bình thường. Vì vậy đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo trong phạm vi cho phép và cho các bị cáo được hưởng án treo.

- Người bào chữa cho bị cáo T là luật sư Đặng Thị Vân H bào chữa: Nhất trí với kháng nghị của VKS cũng như quan điểm của luật sư đồng nghiệp. Bị cáo T có hoàn cảnh khó khăn, mẹ già hơn 80 tuổi bị liệt, gia đình hưởng trợ cấp xã hội, bị cáo là lao động chính. Trước khi phạm tội bị cáo luôn chấp hành tốt quy định của pháp luật, được chính quyền địa phương, hội nông dân đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo. Tại cấp phúc thẩm bị cáo đã nộp tiền nước và nộp án phí sơ thẩm. Do đó đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của VKS, cho bị cáo được hưởng án treo.

- Ông Nguyễn Tiến H – Phó Chủ tịch UBND xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương trình bày: Hành vi của các bị cáo C, V, N, T, Th là sai trái tuy nhiên việc một số khu vực trên địa bàn xã bị mất nước là đúng, bản thân ông là người trực tiếp đi xác nhận. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, là thân nhân gia đình liệt sĩ, hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ cận nghèo, hiện nay tình hình an ninh chính trị tại địa phương ổn định, bình thường, người dân thực hiện việc nộp tiền nước cơ bản đầy đủ bao gồm các hộ gia đình của các bị cáo. Do đó đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt, cho các bị cáo được hưởng án treo. Khi các bị cáo trở về địa phương, chính quyền địa phương sẽ giám sát, giáo dục các bị cáo thành công dân tốt.

- Đại diện VKSND tỉnh Hải Dương giữ nguyên kháng nghị của VKSND huyện T. Sau khi phân tích các tình tiết của vụ án, xác định cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Duy C, Nguyễn Danh V, Nguyễn Đức N về tội Gây rối trật tự công cộng theo điểm d khoản 2 Điều 318 BLHS và xét xử Lưu Cung T, Trần Thị Th về tội Gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 318 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt C 36 tháng tù, V 33 tháng tù, N 30 tháng tù là phù hợp. Bị cáo C giữ vai trò chính, là người xúi giục, có hành vi tích cực, cần nghiêm trị nên không có căn cứ cho bị cáo được hưởng án treo. Tuy nhiên tại cấp phúc thẩm bị cáo đã tự nguyện nộp án phí và tiền nước, là tình tiết giảm nhẹ mới nên đề nghị HĐXX căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 BLTTHS, chấp nhận một phần kháng cáo, giảm cho bị cáo C từ 2-3 tháng tù. Đối với bị cáo V, N thì thấy hai bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là xúi giục người khác, đã thật sự ăn năn hối cải, nộp tiền nước và án phí, chính quyền địa phương xác nhận nếu cho các bị cáo được hưởng án treo cũng không ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nơi cư trú rõ ràng, đủ điều kiện được hưởng án treo. Đối với bị cáo T và bị cáo Th chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thực hiện hành vi do bị xúi giục, lôi kéo; hai bị cáo được chính quyền địa phương đề nghị cho hưởng án treo và tại cấp phúc thẩm có tình tiết giảm nhẹ mới là nộp tiền nước và án phí. Do đó đề nghị HĐXX căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 BLTTHS, chấp nhận kháng cáo của bị cáo V, N, T, Th và kháng nghị của VKS, giảm cho bị cáo V, N mỗi bị cáo từ 2-3 tháng tù; giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo T, Th và cho 04 bị cáo được hưởng án treo. Các bị cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

Về tố tụng: Kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của Viện kiểm sát trong thời hạn quy định tại Điều 333, Điều 337 BLTTHS nên hợp lệ và được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

Về nội dung:

[1] Lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa cơ bản phù hợp với lời khai của các bị cáo trong quá trình điều tra, phù hợp với lời khai của những người làm chứng cùng những chứng cứ và tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Vậy đã có đủ căn cứ kết luận: Khoảng 14 giờ ngày 16/3/2020 và ngày 17/3/2020 tại trụ sở UBND xã A, Phạm Duy C, Nguyễn Đức N, Nguyễn Danh V có hành vi hô hào, kích động, kêu gọi người dân và cùng Trần Thị Th, Nguyễn Thị Y, Lưu Cung T xô đẩy công an xã đang làm nhiệm vụ, xông vào phòng họp tầng 2 chửi bới, xúc phạm cán bộ, cuộc họp phải dừng, các ban ngành đoàn thể của xã không làm việc được, gây huyên náo làm mất trật tự trị an xã hội tại khu vực UBND xã A, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của chính quyền địa phương. Do đó Tòa án nhân dân huyện T xét xử bị cáo Phạm Duy C, Nguyễn Danh V, Nguyễn Đức N về tội Gây rối trật tự công cộng theo điểm d khoản 2 Điều 318 BLHS và xét xử Lưu Cung T, Trần Thị Th về tội Gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 318 BLHS là đúng người, đúng tội. Về tội danh các bị cáo không kháng cáo và Viện kiểm sát không kháng nghị.

[2] Đây là vụ án đồng phạm trong đó bị cáo C có hành vi tích cực nhất là người khởi xướng, kích động việc gây rối nên giữ vai trò chính; bị cáo V và bị cáo N cùng với C lôi kéo xúi giục người khác gây rối nhưng ít tích cực hơn C nên giữ vai trò thứ hai và ngang nhau, tuy nhiên N ít tích cực hơn V; bị cáo T và bị cáo Th cùng với đồng phạm tham gia gây rối nhưng ở mức độ nhất định nên giữ vai trò sau cùng, T có vai trò tích cực hơn Th. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo đều thành khẩn khai báo nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo T và bị cáo Th phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên T, Th được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS. Bị cáo C và bị cáo T có bố đẻ được tặng thưởng huân huy chương; bị cáo N là người thờ cúng anh trai - liệt sĩ Nguyễn Đức Thái, liệt sĩ Thái có huân huy chương nên C, N, T được áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Cấp sơ thẩm đánh giá vai trò, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt C 36 tháng tù, V 33 tháng tù, N 30 tháng tù, T 12 tháng tù, Th 09 tháng tù là phù hợp với pháp luật và đáp ứng được tình hình nhiệm vụ chính trị địa phương tại thời điểm đó.

[3] Xét kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKS thì thấy:

Nguyên nhân các bị cáo phạm tội là do không đồng tình với việc UBND xã giao Nhà máy nước sạch cho công ty nước sạch P sản xuất, kinh doanh và một số khu vực trên địa bàn xã bị cắt nước liên tục trong nhiều ngày, thực tế việc quản lý về cung cấp nước sạch của Ủy ban xã đối với Công ty nước sạch P còn hạn chế. Hành vi của các bị cáo không phải nhằm chống lại chính quyền mà chỉ có mục đích yêu cầu lãnh đạo UBND xã giải quyết sự việc để người dân có nước sạch sử dụng, nhưng do thiếu hiểu biết của các bị cáo về pháp luật nên có hành vi phạm tội.

Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo C, V, N, T, Th tự nguyện nộp trước án phí sơ thẩm (mặc dù bị cáo N và bị cáo Th được miễn án phí sơ thẩm); bị cáo C là người thờ cúng liệt sĩ Nguyễn Danh Quảng, liệt sĩ Quảng có huân huy chương nên các bị cáo đều được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ mới quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật, tỏ thái độ hối hận và hứa hẹn cam kết không vi phạm pháp luật, nếu được trở về địa phương sẽ làm tròn nghĩa vụ của người công dân tại nơi cư trú. Đại diện UBND xã A xác nhận các hộ dân nói chung và gia đình các bị cáo nói riêng đều đã nộp đầy đủ tiền nước, đồng thời chấp hành tốt các nghĩa vụ khác đối với địa phương. Theo báo cáo của của đảng ủy và đại diện UBND xã A trình bày tại phiên tòa cho biết, hiện nay tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn đã được ổn định, người dân nói chung và gia đình các bị cáo nói riêng chấp hành tốt đường lối chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước và các quy định của địa phương, được thể hiện tại kết quả Đại hội đảng và bầu đại biểu Hội đồng nhân dân xã, các ban ngành đoàn thể đều có văn bản xin giảm nhẹ cho các bị cáo. Chính vì các tình tiết này, Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho một số bị cáo được hưởng án treo nhằm ổn định tình hình. Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát huyện T cho rằng Tòa án cấp sở thẩm xử bị cáo T và bị cáo Th hình phạt tù là quá nghiêm khắc, nhận định như vậy là chưa đầy đủ, vì tại thời điểm xét xử sơ thẩm tình hình an ninh trật tự của địa phương chưa ổn định, các bị cáo chưa thật sự thấy hết được hành vi sai trái của mình nên cần áp dụng hình phạt tù đối với bị cáo T, Th là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương tại thời điểm đó và là cơ sở cho việc ổn định lâu dài để địa phương thực hiện những sự kiện chính trị lớn sau này. Tuy nhiên đến nay tình hình đã ổn định, các nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương đã thực hiện đạt kết quả tốt, các bị cáo ăn năn hối cải nhất là bị cáo T và Th, nên chấp nhận kháng nghị cho hai bị cáo bị kháng nghị và bị cáo V, N được hưởng án treo. Còn đối với bị cáo C giữ vai trò chính trong vụ án, tại phiên toà chưa thật sự thành khẩn nên không được hưởng án treo mà bắt bị cáo phải chấp hành hình phạt tù, mới có tác dụng giáo dục bị cáo trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị Hội đồng xét xử không xem xét, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Về án phí: Các bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Bị cáo N, Th được miễn án phí sơ thẩm nên trả lại hai bị cáo tiền án phí sơ thẩm đã nộp.

Vì lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phạm Duy C, sửa bản án sơ thẩm số 52/2020/HS-ST ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương về hình phạt đối với bị cáo C.

Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 318, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 38 BLHS, xử phạt Phạm Duy C 32 (Ba mươi hai) tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt tạm giam 09/5/2020, tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

2. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Danh V, Nguyễn Đức N; sửa bản án sơ thẩm số 52/2020/HS-ST ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương về điều luật và hình phạt đối với bị cáo V, N.

- Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 318, điểm s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 65 BLHS đối với bị cáo Nguyễn Danh V và Nguyễn Đức N.

- Xử phạt Nguyễn Danh V 30 (Ba mươi) tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 60 (Sáu mươi) tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm 19/7/2021. Quyết định trả tự do cho bị cáo Nguyễn Danh V ngay tại phiên tòa nếu không bị tạm giam về một tội phạm khác.

- Xử phạt Nguyễn Đức N 27 (Hai mươi bảy) tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 54 (Năm mươi bốn) tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm 19/7/2021. Quyết định trả tự do cho bị cáo Nguyễn Đức N ngay tại phiên tòa nếu không bị tạm giam về một tội phạm khác.

3. Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lưu Cung T, Trần Thị Th; chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương;

sửa bản án sơ thẩm số 52/2020/HS-ST ngày 10/11/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Hải Dương về điều luật và hình phạt đối với bị cáo T, Th.

- Áp dụng khoản 1 Điều 318, điểm i, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51, Điều 17, Điều 58, Điều 65 BLHS đối với bị cáo Lưu Cung T và Trần Thị Th.

- Xử phạt Lưu Cung T 12 (Mười hai) tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 24 (Hai mươi bốn) tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm 19/7/2021.

- Xử phạt Trần Thị Th 09 (Chín) tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng kể từ ngày tuyên án phúc thẩm 19/7/2021.

Giao các bị cáo Nguyễn Danh V, Nguyễn Đức N, Lưu Cung T, Trần Thị Th cho Ủy ban nhân dân xã A, huyện T, tỉnh Hải Dương giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

4. Về án phí: Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Các bị cáo Phạm Duy C, Nguyễn Danh V, Nguyễn Đức N, Lưu Cung T, Trần Thị Th không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

- Trả bị cáo Nguyễn Đức N và Trần Thị Th mỗi bị cáo 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm theo biên lai số AA/2011/0001682 ngày 17/11/2020 do Lê Thị Lành nộp thay Nguyễn Đức N tại Chi cục thi hành án hình sự huyện T, biên lai số AA/2011/0001678 ngày 13/11/2020 do Trần Thị Th nộp tại Chi cục thi hành án hình sự huyện T, tỉnh Hải Dương.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 19/07/2021. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

232
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 56/2021/HS-PT ngày 19/07/2021 về tội gây rối trật tự công cộng

Số hiệu:56/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Dương
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;