Bản án 55/2021/HS-PT ngày 11/06/2021 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

BẢN ÁN 55/2021/HS-PT NGÀY 11/06/2021 VỀ TỘI LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 11 tháng 6 năm 2021 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Nam Định xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 33/2021/TLPT-HS ngày 02 tháng 02 năm 2021 đối với bị cáo Phạm Văn Đ và các bị cáo khác do có kháng cáo của các bị cáo (9/21 bị cáo) đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 83/2020/HS-ST ngày 24/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu.

Các bị cáo có kháng cáo:

1. Phạm Văn Đ, sinh năm 1965; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 1, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Nguyên là Chủ tịch UBND xã H. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng từ ngày 05/11/2019; trình độ học vấn: 10/10; con ông Phạm Văn Hằng, sinh năm 1940 (là Liệt sỹ) và con bà Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1939; gia đình có 02 chị em, bị cáo là con thứ hai; vợ Bùi Thị Chung, sinh năm 1971; có 02 con, con lớn sinh năm 1991, con nhỏ sinh năm 1993; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 06/11/2019 đến ngày 02/6/2020 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Có mặt.

2. Đặng Văn D, sinh năm 1987; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 2 , xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Nguyên công chức địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng và Môi trường xã H. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng từ ngày 05/11/2019; trình độ học vấn: 12/12; con ông Đặng Văn Hùng, sinh năm 1962 và con bà Nguyễn Thị Nhuần, sinh năm 1964; gia đình có 03 anh chị em, bị cáo là con thứ 2; vợ Phạm Thị Thêu, sinh năm 1993 và có 02 con, con lớn sinh năm 2018, con nhỏ sinh năm 2021; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 06/11/2019 đến ngày 02/6/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Có mặt.

3. Bùi Xuân V, sinh năm 1960; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 3, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Nguyên Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã H. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng từ ngày 10/02/2020; trình độ học vấn: 10/10; con ông Bùi Văn Nhị, sinh năm 1931 và con bà Trần Thị Tho, sinh năm 1934 (đã chết); gia đình có 09 anh chị em, bị cáo là con thứ 3; vợ Vũ Thị Dấu, sinh năm 1961; có 02 con, con lớn sinh năm 1983, con nhỏ sinh năm 1990; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 11/02/2020 đến ngày 07/9/2020 thì được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Có mặt.

4. Phạm Đắc C, sinh năm 1959; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 11, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Thiên chúa giáo; Nghề nghiệp: Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng từ ngày 10/02/2020; trình độ học vấn: 10/10; con ông Phạm Văn Chuyển (đã chết) và con bà Trần Thị Xá, sinh năm 1938; gia đình có 07 anh chị em, bị cáo là thứ nhất; có vợ Phạm Thị Lãm, sinh năm 1962; có 02 con, con lớn sinh năm 1983, con nhỏ sinh năm 1984; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 11/02/2020 đến ngày 07/9/2020 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Có mặt.

5. Đỗ Thị T, sinh năm 1991; giới tính: Nữ; nơi cư trú: NXóm 10 , xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Nguyên Kế toán xã H. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã bị đề nghị xử lý về đảng); trình độ học vấn: 12/12; con ông Đỗ Xuân Dục, sinh năm 1954 và con bà Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1957; gia đình có 04 anh chị em, bị cáo là con thứ 3; chồng Trần Văn Chính, sinh năm 1990; có 02 con, con lớn sinh năm 2014, con nhỏ sinh năm 2019; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt.

6. Vũ Hữu Đ, sinh năm 1957; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 8, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Nguyên cán bộ thú y xã H. Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng ngày 05/11/2019; trình độ học vấn: 7/10; con ông Vũ Hữu Tể, sinh năm 1921 (đã chết) và con bà Phạm Thị Em, sinh năm 1922 (đã chết); gia đình có 09 anh chị em, bị cáo là con thứ 3; vợ Nguyễn Thị Tuyết, sinh năm 1963 và có 02 con, con lớn sinh năm 1985, con nhỏ sinh năm 1989; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 06/11/2019 đến ngày 02/6/2020 được thay thế biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Có mặt.

7. Phạm Văn H, sinh năm 1979; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 4, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Không; Nghề nghiệp: Nguyên ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ kiêm thủ quỹ xã H. Là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng từ ngày 10/02/2020; trình độ học vấn: 12/12; con ông Phạm Minh Tuân, sinh năm 1952 và con bà Hà Thị Sợi, sinh năm 1955; gia đình có 03 anh chị em, bị cáo là con thứ 2; vợ Trần Thị Thu, sinh năm 1980; có 02 con, con lớn sinh năm 2003, con nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 11/02/2020 đến ngày 07/9/2020 được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn “Bảo lĩnh”. Có mặt.

8. Phạm Văn D, sinh năm 1965; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 12, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Thiên chúa giáo; Nghề nghiệp: Nguyên phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân – Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã bị đề nghị xử lý về đảng); trình độ học vấn: 10/10; con ông Phạm Văn Diệt, sinh năm 1941 (đã chết) và con bà Phạm Thị Mặn, sinh năm 1941; gia đình có 04 anh chị em, bị cáo là con thứ 2; vợ Trần Thị Huyền, sinh năm 1968; có 03 con, con lớn sinh năm 1986, con nhỏ sinh năm 2000; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt.

9. Tạ Văn B, sinh năm 1969; giới tính: Nam; nơi cư trú: Xóm 5, xã H, huyện H, tỉnh Nam Định; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Kinh; Tôn giáo: Thiên chúa giáo; Nghề nghiệp: Nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H. Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (đã bị đề nghị xử lý về đảng); trình độ học vấn: 12/12; con ông Tạ Văn Báo, sinh năm 1946 (đã chết) và con bà Trần Thị Mừng, sinh năm 1948; gia đình có 06 anh chị em, bị cáo là con thứ nhất; vợ Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1972; có 02 con, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 1998; tiền án, tiền sự: Không; bị áp dụng biện pháp ngăn chặn “Cấm đi khỏi nơi cư trú”. Có mặt.

- Bị hại: Ủy ban nhân dân huyện H, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Đỗ Hải Đ – Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Vũ Văn T – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện H. Có mặt.

(Theo văn bản ủy quyền ngày 11/12/2020).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ủy ban nhân dân xã H, huyện H, tỉnh Nam Định.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Hữu T – Chủ tịch UBND xã H. Có mặt.

- Ngoài ra còn có 12 bị cáo không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Từ ngày 05/4/2019 đến 15/5/2019 trên địa bàn xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định xảy ra dịch tả lợn Châu Phi. Căn cứ chức năng nhiệm vụ và hướng dẫn của Ủy ban nhân dân huyện H, Phạm Văn Đ là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H ký ban hành Quyết định số 09 ngày 11/4/2019 thành lập Ban chỉ đạo dịch tả lợn Châu Phi; phân công Phạm Đắc C - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã là Trưởng ban; Đặng Văn D - Công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và Môi trường là Phó ban; tham gia Ban chỉ đạo gồm: Bùi Xuân V – Bí thư Đảng ủy xã, Phạm Văn D – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã, Tạ Văn B – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Đỗ Thị T – Kế toán ngân sách xã, Vũ Hữu Đ – Cán bộ Thú y xã và 15 Trưởng xóm. Sau đó, Ủy ban nhân dân xã H tổ chức họp công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo và bàn biện pháp phòng chống, xử lý dịch tả. Phạm Văn Đ chỉ đạo Đặng Văn D làm tăng số liệu lợn bị dịch tả để lấy kinh phí cho xã, D đồng ý. Sau đó, D, Vũ Hữu Đ cùng các Trưởng xóm đến từng hộ dân xác định số lượng lợn bị dịch tả để tiêu hủy. Theo sự phân công, D còn có trách nhiệm hàng ngày tổng hợp số liệu lợn bị dịch tả trên địa bàn xã gửi về Ủy ban nhân dân huyện H. Vũ Hữu Đ đi đến từng hộ dân xác định, thống kê: Chủng loại, số lượng, trọng lượng lợn bị dịch tả và lập biên bản ký xác nhận của hộ dân và trưởng xóm rồi chuyển biên bản về cho D. Trên cơ sở số liệu lợn bị dịch tả thực tế, D đã tăng chủng loại, số lượng, trọng lượng lợn bị tiêu hủy và dùng máy tính tại phòng làm việc tổng hợp thành 02 bảng số liệu; 01 bảng số liệu thực tế và 01 bảng số liệu tăng lên. Theo chỉ đạo của Đ, cuối giờ làm việc hàng ngày, D dùng thư điện tử gửi 02 bảng tổng hợp số liệu đến địa chỉ thư điện tử của Đ, đồng thời gửi số liệu tăng lên về Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu. Trong thời gian từ ngày 05/4/2019 đến ngày 02/5/2019, D đã làm tăng số liệu lợn bị dịch tả của 146 hộ dân với tổng số là 28.318 kg. Cụ thể: Xóm 1: 12 hộ là 1.961 kg; xóm 2: 15 hộ là 3.800 kg; xóm 3: 11 hộ là 2.754 kg; xóm 4: 16 hộ là 2.849 kg; xóm 5: 04 hộ là 438 kg; xóm 6: 12 hộ là 2.446 kg; xóm 7: 07 hộ là 983 kg; xóm 8: 05 hộ là 631 kg; xóm 9: 05 hộ là 465 kg; xóm 10: 05 hộ là 863 kg; xóm 11: 12 hộ là 2.040 kg; xóm 12: 10 hộ là 1.798 kg; xóm 13: 05 hộ là 1.713 kg; xóm 14: 06 hộ là 2.410 kg và xóm 15: 21 hộ là 3.167 kg.

Ngày 11/4/2019, Đặng Văn D đến phòng làm việc của Bùi Xuân V báo cáo và xin ý kiến về việc làm tăng số liệu lợn bị dịch tả thì V không đồng ý nhưng đến ngày 18/5/2019, D tiếp tục báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo về việc tăng số liệu dịch tả lợn, V lại nhất trí và chỉ đạo “Xuống báo cáo lại Ủy ban, kiểm tra lại hồ sơ, công khai đồng bộ, minh bạch, không để xảy ra kiện cáo, Đ bảo tính pháp lý thì làm”.

Ngày 20/5/2019, tại phòng 201 trụ sở Ủy ban nhân dân xã H tổ chức cuộc họp triển khai việc lập hồ sơ hỗ trợ kinh phí phòng chống dịch tả lợn Châu Phi theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân huyện H. Thành phần gồm: V, Đ, C, B, D, D, Đ, T và ông Phạm Văn C1 là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy. Tại đây, Phạm Đắc C báo cáo tổng số hộ, số lợn bị dịch tả tiêu hủy của toàn xã theo số liệu đã làm tăng lên. Đ phân công D, T, H cùng với ông Bùi Văn V, sinh năm 1983 là công chức Văn phòng Ủy ban nhân dân xã; ông Nguyễn Văn T1, sinh năm 1975 là công chức Tư pháp Hộ tịch xã viết và hoàn thiện hồ sơ tiêu hủy của các hộ dân gồm: 01 đơn đề nghị hỗ trợ thiệt hại chăn nuôi do dịch bệnh, 01 biên bản xác định bệnh, 01 quyết định về việc tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh, 01 biên bản về việc tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh theo bảng số liệu tăng lên do D đã tổng hợp. Trong đó, phân công Hồng viết hồ sơ từ số 01 đến số 48, ông Thuận từ số 49 đến số 96, ông V từ số 97 đến số 144, T từ số 145 đến số 192 và D từ số 193 đến số 238. Lúc này, Đ, V đã biết được số liệu lợn dịch tả đã được D làm tăng lên; T, H, ông V và ông T1 không biết bảng số liệu D đưa là số liệu tăng.

Ngày 24/5/2019 và 25/5/2019, D chuyển 01 bảng số liệu thực tế và 01 bảng số liệu tăng cho T tổng hợp chuyển hóa từ chủng loại, số lượng, trọng lượng lợn bị tiêu hủy thành tiền hỗ trợ cho 201 hộ dân. Căn cứ vào quy định của Nhà nước về hỗ trợ kinh phí thiệt hại dịch tả lợn, công tiêu hủy, T tổng hợp thành 01 bảng danh sách tiền hỗ trợ thực tế: 2.277.313.000 đồng. Trong đó hỗ trợ các hộ dân:

2.168.655.000 đồng, hỗ trợ công tiêu hủy: 108.658.000 đồng; 01 bảng tiền hỗ trợ sau khi đã được làm tăng: 3.307.524.000 đồng. Trong đó, hỗ trợ các hộ dân:

3.142.230.000 đồng, hỗ trợ công tiêu hủy: 165.294.000 đồng. Sau khi tổng hợp, T so sánh 02 bảng, thấy chênh lệch giữa số tiền thực tế và tiền tăng là 1.030.211.000 đồng, T trực tiếp báo cáo với Đ về số tiền chênh lệch. Đ tiếp tục chỉ đạo T hoàn thiện các thủ tục để chuẩn bị công khai, nhận tiền hỗ trợ. T in và ký vào hai bảng danh sách công khai thực tế, tăng lên rồi đưa cho Đ ký sau đó chuyển cho D.

Ngày 27/5/2019, tại phòng 201 trụ sở Ủy ban nhân dân xã H tổ chức cuộc họp có sự tham gia của: Đ, V, C, B, D, D, Đ, T và các Trưởng xóm là Bùi Văn Đ, Nguyễn Văn T, Đỗ Văn B, Đỗ Văn C, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn L, Phạm Đức H, Đỗ Văn H, Lưu Văn T, Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn B. Trong cuộc họp, Phạm Văn Đ xin ý kiến mọi người và đề nghị do ngân sách xã còn khó khăn nên “anh em chuyên môn” có làm tăng số liệu lợn bị dịch tả Châu Phi lấy kinh phí hỗ trợ phục vụ xây dựng nông thôn mới. Lúc này, Bùi Xuân V ý kiến “Tình hình nguồn kinh phí của địa phương còn khó khăn, nếu để lại làm được thì tốt”, Phạm Đắc C không đồng ý. Còn các thành viên khác không có ý kiến thắc mắc gì về số liệu tăng lợn bị dịch tả. Đ tiếp tục chỉ đạo các Trưởng xóm ký bảng danh sách để tiến hành công khai và cùng bộ phận chuyên môn ký hoàn thiện hồ sơ tiêu hủy đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ. Sau đó, D đưa cho Bùi Văn Đ, Nguyễn Văn T, Đỗ Văn B, Đỗ Văn C, Nguyễn Văn H, Nguyễn Văn L, Phạm Đức H, Đỗ Văn H, Lưu Văn T, Nguyễn Văn T và Nguyễn Văn B ký bảng tổng hợp số lượng lợn tiêu hủy của các hộ chăn nuôi đề nghị hỗ trợ về dịch tả lợn của xóm mình, gồm: 01 bảng số liệu thực tế và 01 bảng số liệu tăng lên. Khi tham gia cuộc họp, biết số liệu lợn dịch tả của xóm mình đã được làm tăng nhưng do Đ chỉ đạo nên các Trưởng xóm trên không đọc mà đã đồng ý ký vào các bảng danh sách công khai, còn số liệu cụ thể thì không biết được. Sau khi ký xong, D đưa bảng số liệu thực tế cho các Trưởng xóm về dán công khai tại nhà văn hóa xóm và yêu cầu nếu có đoàn kiểm tra, D sẽ điện báo trước để các Trưởng xóm gỡ bảng danh sách thực tế và đưa bảng danh sách theo số liệu tăng lên cho các trưởng xóm dán công khai, tránh bị đoàn kiểm tra phát hiện thì các Trưởng xóm nhất trí và thực hiện theo ý kiến của D. Sau đó, D kiểm tra thấy còn 04 xóm chưa ký và nhận bảng danh sách công khai do các Trưởng xóm không tham gia cuộc họp gồm xóm 5, xóm 7, xóm 10 và xóm 13. Đến chiều ngày 27/5/2019, D gọi điện thoại cho Nguyễn Văn T là Trưởng xóm 5 đến phòng làm việc của D ký bảng danh sách công khai. Trước khi Tuynh ký, D có thông báo về việc làm tăng số liệu lợn lấy kinh phí cho xã và dặn Tuynh dán công khai tại nhà văn hóa xóm, nếu có đoàn kiểm tra thì D sẽ điện báo trước để gỡ bảng danh sách thực tế và sẽ đưa bảng danh sách tăng lên để dán công khai. Ngoài ra, D còn gọi điện cho ông Vũ Quốc V, sinh năm 1972 – Trưởng xóm 7 và ông Đoàn Văn Doãn, sinh năm 1967 – Trưởng xóm 10 lên ký bảng danh sách công khai của xóm mình. Tối cùng ngày, D mang bảng danh sách công khai đến nhà văn hóa xóm đưa cho ông V ký và đến nhà ông D đưa cho ông D ký. Trước khi đưa hồ sơ cho ông V, ông D ký, D không nói về việc làm tăng số liệu. D tiếp tục gọi điện cho ông Nguyễn Văn Toản, sinh năm 1981 – Trưởng xóm 13 nhưng ông Toản đang ở Miền nam không có mặt tại địa phương nên D đưa bảng danh sách công khai cho ông Phạm Văn Khanh, sinh năm 1957 là Bí thư chi bộ xóm 13 dán công khai tại nhà văn hóa xóm. Khi đưa bảng danh sách cho ông K, D không nói về việc làm tăng số liệu lợn dịch tả và bảo ông K ký thay tên trưởng xóm là ông Nguyễn Văn T, ông K nhất trí.

Khi công khai số liệu lợn bị dịch tả, ông Đinh Văn T, sinh năm 1958, Bí thư chi bộ xóm 4 xã Hải An, phát hiện thấy số liệu của xóm mình tại bảng công khai ở xã và bảng công khai ở nhà văn hóa xóm có chênh lệch. Ông Toan đến gặp Bùi Xuân V ý kiến thì V đã trao đổi, thống nhất với Đ tổ chức cuộc họp vào chiều ngày 29/5/2019 tại phòng 301 trụ sở Ủy ban nhân dân xã, thành phần gồm có: Đ, V, B, D, C, D, Đ, T, Đ, T, B, C, T, H, Lâ, H, H, T, T, B và 10 Bí thư chi bộ xóm. Tại cuộc họp Đ tiếp tục thông báo về việc nguồn kinh phí của xã còn khó khăn nên “anh em chuyên môn” đã làm tăng số liệu lợn bị dịch tả để lấy thêm kinh phí, tuy nhiên Đ không thông báo tổng số liệu lợn đã làm tăng ở những xóm nào, hộ dân nào. Phạm Đắc C phát biểu phản đối: “Tôi không chỉ đạo việc làm tăng số liệu, ai chỉ đạo làm tăng thì chịu trách nhiệm, tôi sắp nghỉ hưu rồi, tôi không ăn cơm cân mặc áo số”. Sau đó, do có việc bận nên C đi ra ngoài không tiếp tục tham gia cuộc họp. Thấy C phát biểu phản đối, Bùi Xuân V lấy biểu quyết, hỏi những người có mặt trong cuộc họp “Những ai đồng ý để lại xây dựng nông thôn mới” thì có khoảng 03 đến 04 người giơ tay, nhưng trong cuộc họp không ai nhớ là những người nào giơ tay. Thấy vậy, V hỏi tiếp “Những ai không đồng ý hoặc có ý kiến khác” thì không có ai giơ tay và cũng không có ai phát biểu gì khác. Kết thúc cuộc họp Đ, V không đưa ra kết luận gì. Đ, V không chỉ đạo dừng việc đã làm tăng số liệu mà vẫn tiếp tục cho công khai và hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp kinh phí. Sau khi viết xong hồ sơ tiêu hủy, ông V, ông T, H, T chuyển toàn bộ hồ sơ cho D. Đầu tháng 6/2019, để phục vụ quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí, D điện thoại cho các trưởng xóm đến phòng làm việc của mình để ký và nhận hồ sơ tiêu hủy của các xóm về đưa cho các hộ dân ký. Sau khi nhận lại hồ sơ tiêu hủy, D gọi Đính đến phòng làm việc của T tại Ủy ban nhân dân xã để ký hồ sơ tiêu hủy. Khi ký hồ sơ, Đính phát hiện thấy gia đình mình được làm tăng số liệu lợn bị dịch tả với tiền hỗ trợ khoảng hơn hai triệu đồng và một số hộ dân ghi số liệu không đúng với thực tế như Đ đã đi tiêu hủy thì nói với Đ: “Nếu làm tăng chia cá nhân thì tôi không ký đâu”. Phạm Văn Đ nói: “Làm tăng số liệu để lấy kinh phí cho xã xây dựng nông thôn mới”, nên Đính đồng ý ký toàn bộ hồ sơ tiêu hủy lợn của các hộ dân. Sau đó, D, T hoàn thiện thủ tục và trình Đ ký các quyết định tiêu hủy, bảng tổng hợp số liệu, bản cam kết lợn bị dịch tả, tờ trình đề nghị cấp kinh phí hỗ trợ. Tuy nhiên, Đ không ký xác nhận vào biên bản tiêu hủy mà chỉ đạo D đưa cho Phạm Đắc C ký với tư cách là Trưởng ban chỉ đạo. D đã mời C đến phòng làm việc của T để ký hồ sơ. Phạm Đắc C mặc dù biết hồ sơ được làm tăng số liệu nhưng vẫn ký theo đề nghị của D.

Ngày 26/6/2019, tại cuộc họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã gồm: V, Đ, C, Ban và ông Phạm Văn C là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cuộc họp do Phạm Văn H ghi biên bản. Khi bàn về nội dung liên quan đến xử lý dịch tả lợn, ông C phát biểu: “Việc số liệu hết sức nhạy cảm, phải có kế hoạch cân nhắc không để xảy ra kiện cáo”, ông Đ phát biểu: “Đến nay quá trình công khai không xảy ra kiện cáo gì”.

Đến cuối tháng 6/2019, bà Trần Thị D là Cán bộ Trung tâm dịch vụ chăn nuôi huyện Hải Hậu về xã hướng dẫn viết hồ sơ tiêu hủy. Bà D trao đổi với D lấy một số bộ hồ sơ đưa cho bà D ký, D không nhớ là đã làm tăng số liệu của các hộ dân nào nên soạn ra ngẫu nhiên thêm 08 bộ hồ sơ đưa cho bà D ký. Khi đưa 08 bộ hồ sơ trên cho bà D thì D không trao đổi với bà D về việc đã làm tăng số liệu lợn. Trong 08 bộ hồ sơ tiêu hủy của 08 hộ dân được làm tăng số liệu mà bà D đã ký tên thành tiền hỗ trợ 50% là 45.765.000 đồng.

Ngày 04/7/2019, D đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu nộp hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp kinh phí. Ngày 10/7/2019, Ủy ban nhân dân huyện H thông báo về việc cấp kinh phí hỗ trợ đợt 1 là 50% cho nhân dân xã H với tổng số tiền là: 1.571.115.000 đồng. Trong đó số tiền thực tế: 1.084.327.500 đồng, số tiền tăng lên: 486.787.500 đồng. Số tiền hỗ trợ công tiêu hủy: 165.294.000 đồng, trong đó số tiền tiêu hủy thực tế: 108.658.000 đồng, số tiền tăng lên: 28.318.000 đồng. Cụ thể tổng số tiền tăng của các xóm: Xóm 1: 37.571.000 đồng, xóm 2: 67.850.000 đồng, xóm 3: 49.419.000 đồng, xóm 4: 51.869.000 đồng, xóm 5: 8.230.500 đồng, xóm 6: 47.311.000 đồng, xóm 7: 17.475.500 đồng, xóm 8: 10.591.000 đồng, xóm 9: 8.565.000 đồng, xóm 10: 15.638.000 đồng, xóm 11: 35.715.000 đồng, xóm 12: 31.310.500 đồng, xóm 13: 31.293.000 đồng, xóm 14: 42.745.000 đồng, xóm 15: 59.522.000 đồng. Số tiền lợn dịch tả được làm tăng cho các gia đình bị cáo gồm: Nguyễn Văn T 8.010.000 đồng, Đỗ Văn C 1.200.000 đồng, Nguyễn Văn T 2.700.000 đồng, Nguyễn Văn B 1.912.500 đồng và Nguyễn Văn H 2.565.000 đồng.

Ngày 19/7/2019, theo sự phân công của Đ thì T, H đã làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ tại Kho bạc Nhà nước huyện Hải Hậu với tổng số tiền là 1.571.115.000 đồng, còn tiền hỗ trợ công tiêu hủy đợt 1 chưa được cấp. Ngày 22/7/2019, Đ, D, T và H tiến hành hội ý chi trả tiền cho các hộ dân theo số liệu lợn thực tế nhưng cho các hộ dân ký vào 02 bảng danh sách nhận tiền gồm bảng thực tế và bảng tăng lên để thanh toán với Kho bạc. Đ phân công D có trách nhiệm kiểm tra chữ ký các hộ dân trong hồ sơ, T cho các hộ dân ký vào 02 bảng danh sách tăng lên và thực tế, còn Hồng chuẩn bị tiền để chi trả theo danh sách thực tế. Trong cuộc hội ý, T có ý kiến “Cho các hộ dân ký vào 02 bảng danh sách, họ ý kiến thì giải quyết làm sao” thì Đ chỉ đạo D có trách nhiệm giải thích cho các hộ dân. Do đó, T in ra 05 bảng danh sách chi trả tiền, trong đó có 02 bảng số liệu thực tế, 03 bảng số liệu tăng lên đưa cho Đ ký. Còn D làm giấy mời gửi các hộ dân lên Ủy ban nhân dân xã nhận tiền. Ngày 25, 26/7/2019, tại phòng 301 trụ sở Ủy ban nhân dân xã H có D, T, H và Đ tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ dân theo bảng danh sách thực tế là 1.084.327.500 đồng. Còn lại số tiền làm tăng là 486.787.500 đồng thì Đ giao cho Hồng quản lý. Đến chiều ngày 26/7/2019, Đỗ Thị T viết phiếu chi số tiền 1.571.115.000 đồng đưa cho Đ, D, H ký để hoàn thiện chứng từ thanh toán với Kho bạc Nhà nước. Ngày 23/8/2019, T làm thủ tục rút tiền công tiêu hủy tại kho bạc với số tiền là 82.647.000 đồng. Sau khi nhận được tiền đã chi trả tiền công tiêu hủy thực tế là 54.329.000 đồng, còn lại số tiền làm tăng 28.318.000 đồng, Đ chỉ đạo T chuyển cho H quản lý.

Sau khi chi trả số tiền hỗ trợ lợn dịch tả cho các hộ dân thì có dư luận về việc làm tăng số liệu. Để tránh người dân kiện cáo, ngày 22/8/2019, Phạm Văn Đ, Bùi Xuân V, Đặng Văn D và Vũ Hữu Đ họp bàn khắc phục. Đ và V thống nhất, chỉ đạo D, Đính chi trả thêm tiền cho các hộ dân được làm tăng và yêu cầu các hộ dân ký vào bản cam kết với nội dung công nhận số liệu lợn bị dịch tả là đúng và đã nhận đủ số tiền hỗ trợ. Nội dung bản cam kết do Đ hướng dẫn D soạn thảo. Mức chi trả thêm cho mỗi hộ dân là 500.000 đồng hoặc 1.000.000 đồng, tùy thuộc vào số liệu các hộ dân đã được làm tăng, do D, Đ tự quyết định nên D, Đ đã tạm ứng tiền từ H là số tiền làm tăng để tiến hành chi trả cho các hộ dân. Do D bận việc nên Đính đến từng hộ dân chi trả và cho các hộ dân ký vào bản cam kết. Đến ngày 25/8/2019, thấy các hộ dân tiếp tục phản ảnh việc chi tiền nên V, Đ, D, Đính mời thêm Ban, Dũng, ông Phạm Văn C, ông Vũ Ngọc C là Chủ tịch hội Cựu chiến binh hội ý để bàn cách xử lý. Trong cuộc hội ý, Đ, V thống nhất chỉ đạo D, Đính chi trả hết số tiền đã làm tăng cho các hộ dân, còn các hộ dân ủng hộ lại bao nhiêu thì tùy, những hộ dân nào chưa ký bản cam kết thì tiếp tục cho họ ký và Đ nhờ B đi chi trả thêm các hộ dân xóm 5, xóm 6, xóm 7, xóm 8, xóm 9, xóm 14; D đi chi trả thêm cho các hộ dân xóm 10, xóm 11, xóm 12, xóm 13. Tuy nhiên, B và D từ chối không đi. Do D không biết nhà các hộ dân nên hỏi Dũng chỉ nhà một số hộ dân để D đến chi trả thêm. Từ ngày 23/8/2019 đến ngày 28/8/2019, D, Đính đã tạm ứng H số tiền 219.402.000 đồng để chi trả cho các hộ dân. Ngày 26/8/2019, V tổ chức họp Ban Thường vụ Đảng ủy xã mở rộng gồm: V, Đ, C, B, Dũng, H và ông Phạm Văn C. Trong cuộc họp, ông Chuyên yêu cầu Đ báo cáo số liệu lợn đã được làm tăng. Đ không báo cáo số liệu cụ thể mà chỉ báo cáo chung “Tăng khoảng bảy, T trăm”. Cuộc họp không đưa ra kết luận cụ thể về giải quyết việc đã làm tăng số liệu lợn bị dịch tả. Sau khi đã chi trả thêm tiền cho người dân, Tạ Văn B, Phạm Văn D đề xuất với Bùi Xuân V thành lập Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát của Hội đồng nhân dân xã H, mục đích là để kiểm tra lại số liệu lợn bị dịch tả và nắm tình hình dư luận của nhân dân trong việc nhận tiền hỗ trợ, nếu có kiến nghị, thắc mắc thì xử lý kịp thời, tránh phức tạp tình hình, V đồng ý. Từ ngày 10/9/2019 đến ngày 13/9/2019, qua kiểm tra và giám sát kết luận: Tổng số hồ sơ lợn bị tiêu hủy đợt 1 của xã là 201 hộ và 199 hồ sơ; tổng số lợn các loại bị tiêu hủy là 82.647 kg; tổng số tiền đề nghị hỗ trợ 3.142.230.000 đồng; số tiền Ủy ban nhân dân xã đã nhận và chi trả cho các hộ dân là 1.571.115.000 đồng ... Đ bảo đúng theo nguyên tắc tài chính kế toán.

Đến ngày 25/9/2019 các bị can đã tự nguyện nộp số tiền chiếm hưởng 515.105.500 đồng vào Ngân sách Nhà nước.

Với nội dung nêu trên, tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 83/2020/HS-ST ngày 24-12-2020 của Toà án nhân dân huyện Hải Hậu, đã quyết định:

1. Căn cứ vào điểm c khoản 2 Điều 356; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với tất cả các bị cáo;

Thêm Điều 54, Điều 38 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Phạm Văn H, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn D, Tạ Văn B.

Thêm điểm x khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với Phạm Văn Đ, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Nguyễn Văn T, Đỗ Văn Bổn.

Thêm điểm n khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đối với Đỗ Thị T.

2. Tuyên bố các bị cáo: Phạm Văn Đ, Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Phạm Văn H, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn D, Tạ Văn B, Nguyễn Văn T, Đỗ Văn C, Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn H, Đỗ Văn B, Bùi Văn Đa, Đỗ Văn H, Lưu Văn T, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn T và Phạm Đức H phạm tội “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

2.1. Xử phạt Phạm Văn Đ 60 (Sáu mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 06-11-2019 đến ngày 02-6-2020).

2.2. Xử phạt Đặng Văn D 48 (Bốn mươi T) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 06-11-2019 đến ngày 02-6-2020).

2.3. Xử phạt Bùi Xuân V 42 (Bốn mươi hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11-02-2020 đến ngày 07-9-2020).

2.4. Xử phạt Phạm Đắc C 36 (Ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11-02-2020 đến ngày 07-9-2020).

2.5. Xử phạt Đỗ Thị T 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

2.6. Xử phạt Vũ Hữu Đ 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 06- 11-2019 đến ngày 02-6-2020).

2.7. Xử phạt Phạm Văn H 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11- 02-2020 đến ngày 07-9-2020).

2.8. Xử phạt Phạm Văn D 24 (Hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

2.9. Xử phạt Tạ Văn B 24 (Hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định tội danh và hình phạt đối với các bị cáo khác, xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 07-01-2021, bị cáo Phạm Văn Đ kháng cáo xin được hưởng mức án nhẹ nhất, vì bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, ngay khi nhận ra vụ việc là sai phạm đã kịp thời ngăn chặn làm giảm thiệt hại, bố là liệt sỹ, hiện gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bản thân có sức khoẻ yếu.

Bị cáo Phạm Đắc C kháng cáo xin được hưởng án treo.

Các bị cáo Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Đỗ Thị T, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn D và Tạ Văn B đều có kháng cáo đề cấp phúc thẩm xem xét giảm hình phạt và xin được hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm:

- Các bị cáo đều có quan điểm trình bày: Đến nay các bị cáo đều đã nhận thấy việc làm của mình là sai, là vi phạm pháp luật nhưng là do thiếu hiểu biết pháp luật, do nể nang và vì mong muốn thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương nên đã có sai phạm. Mong Hội đồng xét xử xét điều kiện hoàn cảnh, xét quá trình công tác để giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo được hưởng án treo vì các bị cáo là lao động chính trong gia đình, đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định kết luận về vụ án: Về trình tự thủ tục tố tụng không phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình giải quyết vụ án.

Đơn kháng cáo của các bị cáo hợp lệ, được xem xét theo trình tự phúc thẩm. Cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Mức hình phạt cấp sơ thẩm đã quyết định đối với các bị cáo là phù hợp với tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội do các bị cáo đã thực hiện. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đã được áp dụng vì vậy không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao và lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ kinh phí nhằm làm giảm tác hại của dịch bệnh tới đời sống của người dân để thực hiện hành vi phạm tội, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận quần chúng nhân dân. Vì vậy cần thiết phải áp dụng hình phạt tù cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục các bị cáo. Kháng cáo của các bị cáo xin giảm hình phạt và hưởng án treo là không có căn cứ nên không được chấp nhận. Đề nghị áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355; Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của các bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt đã tuyên đối với các bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về phần thủ tục: Đơn kháng cáo của các bị cáo Phạm Văn Đ, Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn D và Tạ Văn B đều làm trong thời hạn luật định, được Hội đồng xét xử xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu đã được Cơ quan điều tra thu thập, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên toà, có đủ căn cứ xác định: Từ ngày 05/4/2019 đến ngày 15/5/2019 xảy ra dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Lợi dụng chủ trương của nhà nước về hỗ trợ dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 cho nhân dân bị thiệt hại.

Phạm Văn Đ (là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H) đã chỉ đạo Đặng Văn D (là công chức địa chính – nông nghiệp – xây dựng và môi trường xã được phân công làm Phó trưởng Ban chỉ đạo - Trưởng tiểu ban tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã) làm tăng số liệu lợn dịch tả của 146 hộ dân ở xã Hải An với động cơ để tăng thu ngân sách xã, để đầu tư xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đặng Văn D nhất trí và cùng Vũ Hữu Đ (là cán bộ thú y xã) trực tiếp xác định các hộ dân có lợn dịch bệnh để thống kê và D thường xuyên báo cáo với Đ về số lượng lợn dịch tả làm tăng.

Đặng Văn D trực tiếp báo cáo với Bùi Xuân V (là Bí thư Đảng ủy xã) về việc làm tăng số liệu lợn dịch tả. V đồng ý và cùng với Đ chỉ đạo thống nhất làm tăng số liệu lợn dịch tả.

Đỗ Thị T (là kế toán ngân sách xã, thành viên Ban chỉ đạo tiêu hủy), được phân công viết hồ sơ, tổng hợp danh sách thành tiền chuyển cho Đặng Văn D.

D báo cáo Phạm Văn Đ và Phạm Đắc C (là Phó chủ tịch Ủy ban nhân xã – Trưởng Ban chỉ đạo tiêu hủy dịch tả lợn) ký hoàn thiện hồ sơ để rút tiền của Nhà nước về chi trả cho nhân dân và số tiền làm tăng thêm để lại phục vụ việc xây dựng nông thôn mới của xã.

Phạm Văn D (là Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã) và Tạ Văn B (là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã) được mời tham gia Ban chỉ đạo tiêu hủy đã tham gia các cuộc họp tại xã, biết được việc làm tăng số liệu lợn dịch tả do Đ báo cáo tại các cuộc họp nhưng vẫn nhất trí với sự chỉ đạo của Đ và V. Sau khi chi trả tiền cho các hộ dân biết rõ có dư luận nhân dân thắc mắc về việc khai khống số liệu lợn dịch bệnh của xã nhưng vẫn ký Bản kết luận giám sát của Hội đồng nhân dân xã khẳng định không có việc vi phạm.

Phạm Văn H (là thủ quỹ) biết được việc làm tăng số liệu, được phân công tham gia viết hồ sơ, hoàn thiện chứng từ rút tiền từ Kho bạc nhà nước và quản lý số tiền dư ra sau khi chi trả tiền hỗ trợ 50% cho các hộ dân do chênh lệch làm tăng số liệu.

Đối với các bị cáo Nguyễn Văn T, Đỗ Văn C, Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn T, Nguyễn Văn H, Đỗ Văn B, Bùi Văn Đ, Đỗ Văn H, Lưu Văn T, Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn T và Phạm Đức H là các Trưởng xóm được phân công là ủy viên Ban chỉ đạo tiêu hủy lợn dịch bệnh của xã; đã tham gia các cuộc họp của Ban chỉ đạo, biết được việc khai tăng số liệu lợn bị dịch tả để tăng thu ngân sách xã để đầu tư xây dựng nông thôn mới, đã nhất trí theo sự chỉ đạo của Đ và V, trực tiếp ký danh sách công khai, hồ sơ tiêu hủy theo số liệu làm tăng số lợn dịch tả.

Số lượng lợn dịch tả được các bị cáo cùng tham gia làm tăng có tổng trọng lượng 28.318 kg để từ đó chiếm đoạt của Nhà nước tổng số tiền là 515.105.500 đồng (Năm trăm mười lăm triệu một trăm linh năm nghìn năm trăm đồng).

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra thu thập, qua quá trình tranh tụng công khai tại phiên toà. Xét thấy, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 356 của Bộ luật hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan sai.

[3] Bị cáo Phạm Văn Đ là người đứng đầu chính quyền xã, chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương nhưng đã trực tiếp chỉ đạo cấp dưới làm tăng số liệu lợn bị dịch tả; lập hồ sơ và chứng từ thanh quyết toán tiền hỗ trợ của nhà nước theo số liệu lợn dịch tả đã được nâng khống; trong quá trình thực hiện mặc dù đã có ý kiến phản đối nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới làm tăng số liệu và hoàn thiện hồ sơ.

Đặng Văn D được phân công là Phó trưởng Ban chỉ đạo - Trưởng tiểu ban tiêu hủy dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, có trách nhiệm báo cáo số liệu lợn bị tiêu hủy hàng ngày cho Phạm Văn Đ và cấp trên nhưng đã thực hiện theo sự chỉ đạo của Đ một cách tích cực. Bị cáo là người trực tiếp làm tăng số liệu lợn bị dịch tả, trực tiếp tham gia hoàn thiện hồ sơ tiêu hủy để xin hỗ trợ kinh phí, trực tiếp chi trả tiền hỗ trợ bổ sung.

Bùi Xuân V có trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra, giám sát chính quyền thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước theo quy định pháp luật, thực hiện quy định về phòng chống tham nhũng nhưng lại đồng tình, ủng hộ, cùng chỉ đạo cấp dưới đi ngược lại đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phạm Đắc C được phân công là Trưởng Ban chỉ đạo tiêu hủy dịch tả lợn. Tuy lúc đầu có lúc đã có ý kiến không đồng tình với việc làm tăng số liệu lợn dịch tả nhưng thái độ không kiên quyết, không giữ vững lập trường quan điểm đến cùng mà sau đó lại đồng ý ký hoàn thiện hồ sơ làm tăng số liệu lợn bị dịch tả.

Vũ Hữu Đ là cán bộ thú y xã, Đỗ Thị T là kế toán ngân sách xã và Phạm Văn H là ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ kiêm thủ quỹ xã; tuy không được Đ chỉ đạo làm tăng số liệu lợn bị dịch tả hàng ngày nhưng khi thực hiện nhiệm vụ được phân công trong Ban chỉ đạo đã làm những việc biết rõ trái quy tắc nghề nghiệp; biết được việc Đ chỉ đạo D làm tăng số liệu nhưng vẫn đồng tình hỗ trợ, không có ý kiến phản đối, trực tiếp ký hoàn thiện toàn bộ hồ sơ tiêu hủy xin hỗ trợ, danh sách công khai hỗ trợ, hoàn thiện các chứng từ kế toán để rút tiền tại Kho bạc nhà nước.

Các bị cáo Phạm Văn D, Tạ Văn B được tham gia Ban chỉ đạo tiêu hủy dịch tả lợn; có chức năng giám sát, đã được tham gia các cuộc họp, biết rõ chủ trương làm tăng số liệu lợn dịch tả nhưng đã không phản đối, không đấu tranh ngăn chặn; khi biết rõ có dư luận nhân dân thắc mắc việc nâng khống số lượng lợn dịch tả nhưng vẫn tham mưu ban hành Kết luận giám sát của Ban giám sát Hội đồng nhân dân xã kết luận không có vi phạm để ổn định tình hình.

Xét thấy, các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn, có năng lực trách nhiệm hình sự, đều nhận thức rõ quyền hạn chức năng nhiệm vụ của mình nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó các bị cáo đã vì động cơ vụ lợi mà vẫn cố ý làm không đúng, không đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của của các cơ quan, tổ chức Nhà nước, làm mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân; gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước. Vì vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo cần phải xử lý nghiêm minh. Việc xử phạt các bị cáo bằng hình phạt tù có thời hạn như vậy mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đến vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo để có mức hình phạt đối với các bị cáo; xử phạt bị cáo Phạm Văn Đ với một hình phạt ở mức khởi điểm của khung hình phạt đã truy tố; xử phạt các bị cáo Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn D và Tạ Văn B một hình phạt đều dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đã truy tố là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp pháp luật.

[4] Xét kháng cáo của các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận định:

Bị cáo Đ kháng cáo cho rằng có nhiều thành tích trong công tác nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Người có thành tích xuất sắc trong công tác phải là người được tặng thưởng huân chương, huy chương, bằng khen, bằng lao động sáng tạo hoặc có sáng chế phát minh có giá trị lớn hoặc nhiều năm được công nhận là chiến sỹ thi đua… Các công việc bị cáo Đ đã thực hiện như “nỗ lực trong công tác chỉ đạo điều hành đã vận động và khai thác các nguồn thu để trả hết số nợ xây dựng cơ bản từ nhiệm kỳ trước; chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã” thì đây là chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu trong quá trình thực thi công vụ. Do vậy, không có căn cứ áp dụng điểm v khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Ngày 19/7/2019, theo sự phân công của Đ thì T, Hồng đã làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ tại kho bạc huyện Hải Hậu. Sau khi chi trả số tiền hỗ trợ lợn dịch tả cho các hộ dân thì có dư luận về việc làm tăng số liệu. Để tránh người dân kiện cáo, ngày 22/8/2019, Phạm Văn Đ, Bùi Xuân V, Đặng Văn D và Vũ Hữu Đ họp bàn khắc phục. Đ và V thống nhất, chỉ đạo D, Đính chi trả thêm tiền cho các hộ dân được làm tăng và yêu cầu các hộ dân ký vào bản cam kết với nội dung công nhận số liệu lợn bị dịch tả là đúng và đã nhận đủ số tiền hỗ trợ. Đến ngày 25/8/2019, thấy các hộ dân tiếp tục phản ảnh việc chi tiền nên V, Đ, D, Đính mời thêm Ban, Dũng, ông Phạm Văn Chuyên, ông Vũ Ngọc Chinh là Chủ tịch hội Cựu chiến binh hội ý để bàn cách xử lý. Như vậy, không có căn cứ để áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự, đó là “Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm” như kháng cáo của bị cáo. Việc bị cáo tự nguyện nộp lại số tiền chiếm hưởng thì đã được cấp sơ thẩm xem xét và áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, tại phiên toà phúc thẩm bị cáo Phạm Văn Đ đã thật sự ăn năn hối hận với hành vi vi phạm của mình; bị cáo là con liệt sỹ; gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con bị ung thư, vợ sức khoẻ yếu; bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Cấp phúc thẩm sẽ giảm cho bị cáo Đ một phần hình phạt cũng là phù hợp, mới tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo nhưng cũng thể hiện sự khoan hồng của pháp luật Việt Nam đối với người phạm tội biết ăn năn hối cải đối với hành vi vi phạm của mình.

Đối với các bị cáo Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn D, Tạ Văn B có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo Phạm Văn H, Phạm Văn D và Tạ Văn B nộp đơn đề nghị, đơn có xác nhận của chính quyền địa phương thể hiện các bị cáo là lao động chính, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Xét thấy, khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét đến vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo; xem xét nhân thân cùng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để có mức hình phạt đối với các bị cáo; các bị cáo này đều đã được tuyên một hình phạt đều ở dưới mức thấp nhất của khung hình phạt đã truy tố.

Tại cấp phúc thẩm, các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt nào mới nên không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ giữ nguyên mức hình phạt như cấp sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo này như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định tại phiên toà là phù hợp.

[5] Đối với các bị cáo trong vụ án này cần phải áp dụng thêm cả tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự, đó là “l) Lợi dụng dịch bệnh để phạm tội”. Tuy nhiên, các bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Toà án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng này là đã có lợi cho các bị cáo. Thẩm quyền của Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của các bị cáo. Do vậy, rút kinh nghiệm với cấp sơ thẩm, cần xem xét và áp dụng đúng, đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như vậy mới phản ánh đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

[6] Về án phí: Do kháng cáo được chấp nhận nên bị cáo Đ không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Các bị cáo có kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã phát sinh hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: điểm b khoản 1 Điều 355, 357 Bộ luật tố tụng hình sự. Sửa bản án sơ thẩm.

Chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Phạm Văn Đ. Không chấp nhận kháng cáo xin giảm hình phạt và xin được hưởng án treo đối với các bị cáo Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn D, Tạ Văn B.

1. Tuyên bố các bị cáo: Phạm Văn Đ, Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn D, Tạ Văn B phạm tội “ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

2. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 356; các điểm b, s, x khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 58; Điều 54; Điều 38 của Bộ luật Hình sự

2.1. Xử phạt bị cáo Phạm Văn Đ 04 (bốn) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 06-11-2019 đến ngày 02-6-2020).

2.2. Xử phạt bị cáo Bùi Xuân V 42 (Bốn mươi hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11-02-2020 đến ngày 07-9-2020).

2.3. Xử phạt bị cáo Phạm Đắc C 36 (Ba mươi sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11-02-2020 đến ngày 07-9-2020).

3. Căn cứ điểm c khoản 2 Điều 356; các điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 58; Điều 54; Điều 38; điểm n khoản 1 Điều 51 (đối với T) của Bộ luật Hình sự.

3.1. Xử phạt bị cáo Đặng Văn D 48 (Bốn mươi T) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 06-11-2019 đến ngày 02-6-2020).

3.2. Xử phạt bị cáo Đỗ Thị T 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

3.3. Xử phạt bị cáo Vũ Hữu Đ 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 06-11-2019 đến ngày 02-6-2020).

3.4. Xử phạt bị cáo Phạm Văn H 30 (Ba mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án (Được trừ thời gian đã bị tạm giữ, tạm giam từ ngày 11-02-2020 đến ngày 07-9-2020).

3.5. Xử phạt bị cáo Phạm Văn D 24 (Hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

3.6. Xử phạt bị cáo Tạ Văn B 24 (Hai mươi bốn) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo bị bắt đi chấp hành án.

4. Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Phạm Văn Đ không phải nộp.

Các bị cáo Đặng Văn D, Bùi Xuân V, Phạm Đắc C, Đỗ Thị T, Vũ Hữu Đ, Phạm Văn H, Phạm Văn D, Tạ Văn B mỗi bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

489
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 55/2021/HS-PT ngày 11/06/2021 về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Số hiệu:55/2021/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Nam Định
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 11/06/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;