Bản án 55/2018/DS-PT ngày 22/03/2018 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 55/2018/DS-PT NGÀY 22/03/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHỎE BỊ XÂM PHẠM

Ngày 22 tháng 03 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Kiên Giang tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án lý số 207/2017/TLPT-DS ngày 11 tháng 12 năm 2017 về việc: “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 43/2017/DS-ST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 36/2017/QĐ-PT ngày 04 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Trần Thị L, sinh năm: 1963 (có mặt) Địa chỉ: Ấp M, xã Vân K, huyện M, tỉnh Kiên Giang.

Đồng bị đơn: Ông Trần Văn C, sinh năm: 1948 (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Bà Trần Thị T, sinh năm: 1966 (Có mặt)

Cùng địa chỉ: Ấp Minh N, xã Vân K, huyện M, tỉnh Kiên Giang.

- Người kháng cáo: Bà Trần Thị L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Nguyên đơn bà Trần Thị L trình bày:

Ngày 31/5/2016, bà Trần Thị T thuê rube vào múc phần đất tranh chấp tọa lạc tại ấp Minh N, xã Vân K, ông Trần Văn Đ đến ngăn cản thì rube trở ra sông múc nữa. Khoảng 15 giờ chiều Công an xã (ông N và một người nữa tôi không biết tên) đến mời bà, anh  Đ, bà K, ông C lên Ủy ban nhân dân xã để làm biên bản. Ngày 01/6/2016, bà và anh Đ lên UBND xã Vân K thì gặp ông Q phó Chủ tịch xã mời vào phòng làm việc, do đợi lâu quá không vào phòng làm việc nên bà và anh Đ xuống quán uống cà phê. Khi đó bà, anh Đ có nghe tiếng rube múc đất thì anh Đ đi đến chỗ rube (nhà bà T) còn bà lên UBND xã kêu Công an. Ông Q nói Công an đã đi xuống đất nên bà đi đến phần đất rube múc, khi đó bà Trần Thị T dùng tay đánh bà nhiều cái vào đầu, tiếp theo bà thấy ông C đánh anh Đ nhiều cái trúng vào mình, bà định đến can thì anh N (con bà T) nắm tay bà lại, bà giẩy ra được chạy đến can ngăn thì ông C đánh bà nhiều cái vào vai, đầu. Lúc đó có Công an (anh N, anh T) đến can ngăn, bà chạy đến Công an xã Vân K trình báo và chích thuốc tại Trạm y tế xã Vân K 05 ngày liên tiếp (từ ngày 01/6/2016 đến ngày 05/6/2016) sau đó bà vẫn nhức đầu nên ngày 06/6/2016 bà đi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh K chup Xquang đầu mặc dù không có giấy giới thiệu của Trạm y tế. Ngày 07/6/2016, bà tiếp tục đến Trạm y tế xã Vân K điều trị khoảng 01 tháng có toa vé, biên lai đã nộp trong hồ sơ.

Nay bà yêu cầu bà Trần Thị T và ông Trần Văn C phải bồi thường tiền chi phí điều trị thương tích cho bà, tổng cộng 9.707.800 đồng, cụ thể: Tiền thuốc theo toa vé 3.007.800 đồng, tiền xe đi lên tỉnh 02 lượt (đi và về) = 300.000 đồng, Tiền tàu xe đi trạm y tế mỗi lượt đi về 50.000 đồng là 800.000 đồng, tiền mất thu nhập 33 ngày x 100.000 đồng/ngày = 3.300.000 đồng, tiền ăn = 1.800.000 đồng, tiền công lao động của người nuôi bệnh 05 ngày x 100.000 đồng = 500.000 đồng. Bà yêu cầu ông C bồi thường cho bà số tiền 5.862.800 đồng và bà T bồi thường số tiền 3.845.000 đồng.

* Bị đơn trình bày:

Ông Trần Văn C trình bày:

Ngày 02/6/2016, bà đến nhà Trần Thị T nói chuyện với Công an (ông N, T), bà Trần Thị T thuê rube múc vuông, có đứa cháu (không biết tên) chạy vô nhà nói với ông “cậu 5 ơi ông Trần Văn Đ nhảy xuống chỗ rube múc”, ông chạy ra kêu ông Đ lên nói chuyện, tôi nắm tay ông Đ kéo lên nhưng không ngờ ông Đ nhặt cây xã vuông khoảng 60 cm đánh ông trúng vào lưng 02 cái, trúng đầu 01 cái chảy máu đầu, tôi mới nói sao mày đánh tao, ông mới đè giựt cây nhưng không được, ông kêu Công an xã dựt tiếp trong khi đó cây có đóng đinh lú ra nên giựt trúng tay ông Đ chảy máu, ông thấy bà Trần Thị L và bà Trần Thị T nắm tay nhau, khi đó vợ ông tên Nguyễn Thị L can ra. Lúc đó bà Trần Thị L la làng nói bị đánh chứ không ai đánh bà L cả. Khi đó, ông, Công an Thôi, ông Phạm Văn T, ông Đ còn đứng đó, ông Đ đứng dậy chửi và đi đến xã Vân K, ông cũng đi đến Công an xã trình bày sự việc và lập biên bản. Thấy đầu tôi chảy máu, Công an kêu tôi đi chích thuốc, ông có đến Công an xã Vân K chích thuốc hết 50.000 đồng nhưng không có biên lai. Cũng ngày 02/6/2016, ông đến Bệnh viện đa khoa điều trị đến ngày 17/6/2016, tổng chi phí điều trị là 5.250.000 đồng nhưng ông không yêu cầu ông Trần Văn Đ phải bồi thường. Ông xác định ông không có đánh bà L nên ông không đồng ý bồi thường bất cứ khoảng nào cho bà L.

Bà Trần Thị T trình bày:

Khoảng 13 giờ ngày 01/6/2016, bà thuê rube múc đất bà tại xã Vân K, múc được một đoạn khoảng 50m, đến khoảng 14 giờ thì bà Trần Thị L, ông Trần Văn Đ đến phần đất robe múc nhặt trái dừa trên bờ chọi xuống robe và la chửi om xòm. Khi đó bà mới đi ra và chồng bà điện thoại cho anh Trần Văn C lên coi, bà điện thoại thì anh C có công chuyện nên không lên được, khi đó bà điện thoại cho công an xã thì ông N và một người nữa không biết tên đến và không cho robe múc nữa. Đồng thời, mời bà, chồng bà (ông T), bà L, ông Đ đúng 8 giờ ngày 02/6/2016 đến Công an xã làm việc.

Đúng 8 giờ ngày 02/6/2016 bà cùng chồng tôi (Phạm Văn T) đến Công an xã Vân K, đợi tới khoảng 10 giờ không thấy ông Đ, bà L đến. Xã mới cử hai Công an xã (N, T) đến nhà bà để cho kobe tiếp tục múc vuông. Khi kobe bửa đập vào tiếp tục múc vuông thì có đứa cháu (không biết tên) chạy vào nhà nói “cậu 5 ơi ông Đ nhảy lên kobe không cho múc”, lúc đó ông C chạy ra tôi thấy ông Đ đứng chỗ lỗ kobe vừa múc, ông Đ trèo lên bờ cầm cây đánh ông C trúng vào vai 02 cái, trúng đầu 01 cái, thấy ông C chảy máu đầu. Bà L mới nhào vô, bà mới chụp nón lá bà L thì bà L quay lại nắm hai tay bà, lúc đó bà Nguyễn Thị L mới can ra. Lúc đó ông T Công an xã mới nói hai bà buông tay ra, thì bà L buông tay ra nhàu ra đám cỏ la lên nói bà đánh và kêu chở đi chích thuốc, ông T nói ai đánh bà mà chở đi chích thuốc. Ông T kêu hết về Công an xã giải quyết. Tôi đi đến Công an xã và Công an ghi lời khai bà L nói bị đánh nên Công an xã kêu bà L đi chích thuốc, bà không thấy bà L bị trầy xước, hay chảy máu gì.

Bà xác định bà không có đánh bà Trần Thị L, nên không đồng ý bồi thường cho bà L khoản chi phí nào theo yêu cầu bà Trần Thị L.

* Tại bản án dân sự sơ thẩm số 43/2017/DS-ST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

Áp dụng các Điều 590 Bộ luật dân sự; Tuyên xử:

Bác toàn bộ yêu cầu của bà Trần Thị L đối với ông Trần Văn C, bà Trần Thị T về việc yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do  sức khỏe bị xâm phạm 9.707.800 đồng (tiền thuốc, chi phí đi lại, ăn uống và tiền mất thu nhập).

Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên lãi suất chậm trả, án phí và báo quyền kháng cáo trong thời gian luật định.

* Ngày 13/10/2017, bà Trần Thị L kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm và buộc bị đơn bồi thường cho bà số tiền 9.707.800 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa, nguyên đơn bà Trần Thị L giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bà L yêu cầu bà T, ông C phải bồi thường cho bà tổng số tiền là 9.707.800 đồng, cụ thể: bà T phải bồi thường số tiền 3.845.000 đồng và ông C phải bồi thường là 5.862.800 đồng.

Tại phiên tòa, bị đơn ông Trần Văn C và bà Trần Thị T không đồng ý yêu cầu của bà L. Ông C, bà L yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phát biểu quan điểm về việc tuân theo tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử ở giai đoạn phúc thẩm là đúng quy định pháp luật. Về nội dung, đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét, thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, nguyên đơn, bị đơn, HĐXX nhận thấy:

[1] Trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bà L và bà T, ông C đều thống nhất thừa nhận: Ngày 01/6/2016, bà Trần Thị T thuê rube múc và cuốc vuông trên phần đất mà bà T đang quản lý sử dụng tại ấp Minh N, xã Vân K. Lúc đó bà L, ông Đ đến ngăn cản vì cho rằng phần đất đang tranh chấp và xảy ra sự cự cải, dằn co giữa bà L, ông Đ với bà T, ông C.

Theo bà L cho rằng, bà T, ông C đã đánh bà gây thương tích và bà đã điều trị với số tiền là 9.707.800 đồng. Do đó, bà yêu cầu bà T, ông C phải bồi thường cho bà số tiền này. Trong khi đó, bà T, ông C thì cho rằng, ông bà không đánh bà L nên không đồng ý bồi thường.

Xét lời khai của các đương sự, HĐXX nhận thấy: Bà L xác định khi bà T, ông C đánh bà có sự chứng kiến và can ngăn của công an viên là ông Nghị, ông Thôi. Tuy nhiên, tại biên bản lấy lời khai ngày 06/9/2017 của TAND huyện M đối với ông Phạm Hữu N và ông Nguyễn Văn T là người trực tiếp chứng kiến và căn ngăn đã xác định: Ngày 31/5/2016, ông Nghị, ông T được Trưởng công an xã phân công đến phần đất đang tranh chấp giữa bà T, bà L, ông C. Trong khi đang xem các giấy tờ liên quan đến đất đang tranh chấp do bà T cung cấp thì các ông nghe tiếng cải nhau, các ông chạy ra thì thấy ông Đ chửi thề và nhào đến đánh ông C, hai ông đã ngăn cản. Trong lúc đó, các ông nghe tiếng la thì quay lại thấy bà T, bà L dùng tay đánh nhau nhưng không thấy rõ ai đánh ai (do bà L đội nón lá), liền lúc đó, ông C dùng tay táng vào mặt bà L một cái nhưng trúng vào nón lá. Riêng ông N không thấy bà T đánh bà L mà thấy hai người cải nhau (BL 67, 68).  Đồng thời, bà T, ông C không thừa nhận đã đánh bà L nhưng bà L không giám định pháp y nên không có N sở để xác định tỷ lệ thương tích của bà L.

Bên cạnh đó, bà L xác định bà bị bà T, ông C đánh vào đầu nên bà đã đi đếnTrạm Y tế xã Vân Khánh, Bệnh viện đã khoa tỉnh K để điều trị và cung cấp các hóa đơn tiền thuốc, chi phí điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị thương tích là do bà tự ý điều trị, không có sự chỉ dẫn điều trị theo yêu cầu của bác sĩ. Các hóa đơn bà cung cấp, trong đó có kết luận của Bệnh viện tỉnh K cho thấy kết quả chụp CT của bà L không có dấu hiệu bất thường nào ở não (BL 02). Mặt khác, các hóa đơn tiền thuốc do bà cung cấp từ ngày 06/6/2016 đến ngày 29/6/2016 thể hiện điều trị với chẩn đoán chấn thương phần mềm do tai nạn xã hội, không phải đánh nhau gây thương tích nên không có N sở để chấp nhận.

[2] Tại phiên tòa phúc thẩm, bà L không đưa ra được chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu của mình nên căn cứ khoản 1 Điều 91 BLTTDS năm 2015, HĐXX không có N sở để xem xét, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà L.

[3] Theo hồ sơ vụ án thể hiện: Bà L với ông C, bà T phát sinh mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, sự việc xảy ra trước ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực. Do đó, căn cứ điểm c khoản 1, Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015 thì quan hệ tranh chấp này phải áp dụng quy định của Bộ luật dân sự số 33/2005/QH11 (tức là BLDS năm 2005) để giải quyết nhưng Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ quy định pháp luật trong Bộ luật dân sự năm 2015 để giải quyết là chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật trong trường hợp này mặc dù không phù hợp nhưng không ảnh hưởng đến nội dung vụ án nên Tòa án cấp sơ thẩm cần nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Trong thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thống nhất chấp nhận ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang; không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị L, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

* Về án phí:

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định án phí, lệ phí của Tòa án, bà Trần Thị L không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 - Bộ luật tố tụng dân sự;

Không chấp nhận nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà Trần Thị L.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 43/2017/DS-ST ngày 29/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện M, tỉnh Kiên Giang.

Căn cứ Điều 609 Bộ luật dân sự năm 2005; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định án phí, lệ phí của Tòa án. Tuyên xử:

[1] Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị L với bị đơn ông Trần Văn C và bà Trần Thị T về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.

[2]Về án phí:

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội quy định án phí, lệ phí của Tòa án, bà Trần Thị L không phải chịu án phí.

[3] Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7,7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

557
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 55/2018/DS-PT ngày 22/03/2018 về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

Số hiệu:55/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 22/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;