TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
BẢN ÁN 54/2022/HS-ST NGÀY 10/09/2022 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
Trong ngày 10 tháng 9 năm 2022, tại Ủy ban nhân dân xã Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, Tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 50/2022/TLST - HS ngày 21 tháng 7 năm 2022, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 54/2022/QĐXXST - HS ngày 26 tháng 8 năm 2022 đối với các bị cáo.
1. Họ và tên: Tăng Văn P; tên gọi khác không; sinh ngày 01/5/1982 tại huyện D, tỉnh N; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở: xã D, huyện D, tỉnh N; nghề nghiệp: tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tăng Văn C (đã chết) và bà Nguyễn Thị T (đã chết); gia đình bị cáo có 03 anh, em bị cáo là con thứ hai trong gia đình; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị H, bị cáo có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2008, con nhỏ nhất sinh năm 2019; tiền án: không; tiền sự: không; bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 25/3/2022, chuyển tạm giam từ ngày 31/3/2022, bị cáo có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: Tăng Ngọc K; tên gọi khác không; sinh ngày 04/7/1993 tại huyện D, tỉnh N; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở: xã D, huyện D, tỉnh N; nghề nghiệp: lái xe; trình độ học vấn: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Tăng Văn Đ và bà Mai Thị T; gia đình bị cáo có 02 anh, em bị cáo là con thứ nhất trong gia đình; bị cáo có vợ là Hoàng Thị H, bị cáo có 03 con, con lớn nhất sinh năm 2016, con nhỏ nhất sinh năm 2021; tiền án: khôngg; tiền sự: không; bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 25/3/2022, chuyển tạm giam từ ngày 31/3/2022, bị cáo có mặt tại phiên tòa.
3. Họ và tên: Võ Văn M; tên gọi khác không; sinh ngày 01/10/1984 tại huyện N, tỉnh N; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú và chỗ ở: xã N, huyện N, tỉnh N nghề nghiệp: tự do; trình độ học vấn: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Võ Văn K và bà Võ Thị H; gia đình bị cáo có 04 anh, chị, em bị cáo là con thứ ba trong gia đình; bị cáo có vợ là Nguyễn Thị Hải Y (đã ly hôn), bị cáo có 02 con, con lớn nhất sinh năm 2010, con nhỏ nhất sinh năm 2015; tiền án: không; tiền sự: không;
Nhân thân: tại bản án số 40/2009/HSST ngày 29/5/2009 của TAND huyện N, tỉnh Nghệ An áp dụng Khoản 1 Điều 248; điểm h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS xử phạt Võ Văn M 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội đánh bạc; Ngày 22/4/2014 bị Công an thị xã Cửa Lò ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm môi trường; Tại bản án số 44/2015/HSST ngày 21/8/2015 của TAND huyện N, tỉnh Nghệ An áp dụng Khoản 1 Điều 248; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS xử phạt Võ Văn M 06 tháng tù cho hưởng án treo về tội đánh bạc, truy thu 9.540.000 đồng và 200.000 đồng án phí HSST. Võ Văn M đã thi hành xong hình phạt chính, tiền truy thu và án phí nên được xóa án tích theo quy định tại Điều 107 BLHS 2015; Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 25/3/2022, chuyển tạm giam từ ngày 31/3/2022, bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Bà Ngô Thị Thúy Q, sinh ngày: 17/10/2001. Trú tại: xã D, huyện D, tỉnh N (vắng mặt có lý do).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Hồi 18 giờ 30 phút, ngày 25/3/2022, tổ công tác phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Lai Châu làm nhiệm vụ tại đường quốc lộ 4D thuộc địa phận bản N, xã M, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã phát hiện bắt quả tang Tăng Ngọc K, sinh năm 1993, trú tại xã D, huyện D, tỉnh N và Võ Văn M, sinh năm 1984, trú tại xã N, huyện N, tỉnh N điều khiển xe ô tô hiệu Mitsubitsi BKS 30G-32680 đang đỗ dưới gốc cây có chở tại ghế sau xe 01 cá thể động vật lông màu vàng, đen (nghi là cá thể hổ) đã chết được ướp lạnh đông cứng, quấn kín bên ngoài bằng 01 mảnh bạt có một mặt màu xanh, một mặt màu cam; đồng thời thu giữ thêm các vật chứng gồm: 01 điện thoại di động Iphone XS Max màu vàng H, 01 xe ô tô Mitsubitsi kèm các giấy tờ liên quan đến xe ô tô; căn cước công dân và chứng minh thư nhân dân mang tên Tăng Ngọc K, điện thoại IphoneX màu trắng, điện thoại Nokia loại bàn phím của Tăng Ngọc K. Theo lời khai của K đây là cá thể hổ đã chết K và M vận chuyển đến Lai Châu để giao cho Tăng Văn P mang đi bán, P đang chờ ở ngã ba Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Trên cơ sở lời khai của Tăng Ngọc K, Cơ quan điều tra triệu tập Tăng Văn P, sinh năm 1982 xã D, huyện D, tỉnh N.
Tại cơ quan điều tra, Tăng Văn P, Tăng Ngọc K, Võ Văn M đều khai nhận hành vi phạm tội như sau: Tăng Văn P có quen biết với một người tên là C nhà ở tỉnh Lai Châu (kH biết họ, tên và địa chỉ cụ thể) từ trước. Đến tháng 02/2022, P gọi điện thoại bằng số 0366734568 cho C qua số điện thoại 0974916899 hỏi C có mua hổ nấu cao kH? Ngày 20/3/2022, C có gọi lại và nói có người mua cứ mang ra. Sau đó, P gọi điện thoại cho Cao Xuân H sinh năm 1979 ở cùng xóm với P qua số điện thoại 0978377999 nhờ H mua hộ 01 con hổ (vì P đã có lần được đi cùng H tìm mua hổ), H đồng ý. Ngày 23/3/2022, H gọi điện cho P nói đã mua được 01 con hổ to, không cân giá là 350.000.000 đồng, P gọi điện cho C nói giá con hổ là 370.000.000 đồng bán được hổ C và P mỗi người được 10.000.000 đồng, C đồng ý. Tăng Văn P gọi điện thoại cho H nói đồng ý mua và bàn cách vận chuyển lên Lai Châu. P cho H số điện thoại Tăng Ngọc K làm nghề chạy xe thuê và là em họ P mục đích để H thuê K chở thì K có thêm thu nhập, H ở nhà lo đầu vận chuyển còn P đi xe khách lên Lai Châu trước đợi hàng. Tối ngày 24/3/2022, P đi xe khách lên Lai Châu đến sáng ngày 25/3/2022 thì đến nơi và nghỉ ở nhà nghỉ gần bờ hồ. Ở nhà H có trách nhiệm thuê người vận chuyển hổ lên Lai Châu ngày 25/3/2022 phải có hổ cho khách. Khoảng 16 giờ ngày 24/3/2022, trong lúc Tăng Ngọc K ở nhà thì có một người đàn ông tên N (K không rõ họ, địa chỉ) dùng số điện thoại 0967392616 gọi cho K thuê chở hàng đi Lai Châu sẽ trả công 3.000.000 đồng, do nghĩ đi xa cần xe to nên K đã sang nhà anh Phạm Văn C là bạn và ở cùng xóm (C hiện đang đi lao động ở nước ngoài) hỏi mượn xe ô tô của chị Ngô Thị Thúy Q (là vợ của C) nói mượn một hôm, hôm sau lấy xe sớm. Sau đó, K có gọi điện thoại rủ Võ Văn M cùng đi, M đồng ý. Khoảng 05 giờ ngày 25/3/2022, Tăng Ngọc K sang nhà chị Q mượn xe ô tô hiệu Mitsubitsi có BKS 30G- 32680 đi ra ngã 3 Yên Lý thuộc xã D, huyện D gặp N, gặp nhau N bảo K đưa xe rồi Nam đi khoảng 15 đến 20 phút sau quay lại nói đã để hàng trên xe và đưa cho K 10.000.000 đồng nói là tiền đi đường rồi N cho K số điện thoại người liên lạc nhận hàng. Trong khi chờ M đến K xem hàng trên xe, khi mở bạt ra thì thấy có một con hổ đã chết. Một lúc sau M đến lên xe mở bạt ra xem cũng biết và thấy là xe chở hổ nhưng vẫn đồng ý cùng K thay nhau lái xe lên Lai Châu. Trên đường đi khoảng 08 giờ ngày 25/3/2022, K liên lạc theo số điện thoại N cho thì nhận ra là số điện thoại của Tăng Văn P người cùng xóm, K bảo P chỉ đường cho K, P chia sẻ vị trí cho K đi. Trong lúc K, M trên đường đi lên Lai Châu, khoảng 14 giờ cùng ngày Tăng Văn P đang ở thành phố Lai Châu thì C gọi điện thoại đến nói khách mua ở dưới Phong Thổ nên P thuê xe taxi đi xuống nghỉ ở nhà nghỉ Cây Sung thuộc xã M, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cùng C đợi. Đến khoảng 16 giờ 30 phút thì P tiếp tục gửi vị trí cho K và cùng C đi ra khu vực ngã ba đường đi xã M chờ K đến. Do chờ lâu chưa thấy người mua đến nên P gọi điện bảo K đi chậm lại. Tăng Ngọc K, Võ Văn M đi xe ô tô chở cá thể hổ đi đến Quốc lộ 4D thuộc địa phận bản N, xã M, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thì bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh phát hiện bắt quả tang cùng vật chứng.
Tại Kết luận giám định số 360/STTNSV ngày 28/3/2022 của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận: “ 01 cá thể động vật (đã chết) được chụp trong bản ảnh giám định là loài Hổ có tên khoa học Panthera Tigris. Loài Hổ có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo nghị định 64/2019 ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Loài Hổ có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ban hành kèm theo thông báo số 296/TB- CTVN-HTQT ngày 27/11/2019 của cơ quan quản lý CITES Việt Nam”.
Bản kết luận giám định số 299/KL-CSHS ngày 13/4/2022 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Lai Châu về giám định về tiền kết luận: “Số tiền 11.010.000 đồng (mười một triệu không trăm mười nghìn đồng) tiền Việt Nam gồm: 03 (ba) tờ tiền Việt Nam mệnh giá 200.000 đồng; 101 (một trăm linh một) tờ tiền Việt Nam mệnh giá 100.000 đồng; 05 (năm) tờ tiền Việt Nam mệnh giá 50.000 đồng; 03 (ba) tờ tiền Việt Nam mệnh giá 20.000 đồng gửi giám định đều là tiền thật”.
Bản cáo trạng số: 39/CT-VKSLC-P1, ngày 20/7/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu đã truy tố: Các bị cáo: Tăng Văn P, Tăng Ngọc K, Võ Văn M về tội: “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 của Bộ luật hình sự.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng đã truy tố. Các bị cáo không có ý kiến gì về quyết định truy tố và không khiếu nại gì về kết luận giám định.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa được Hội đồng xét xử công bố lời khai, các bị cáo không có ý kiến gì về những lời khai đó.
Luận tội tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hành quyền công tố sau khi phân tích, đánh giá các chứng cứ buộc tội đối với hành vi phạm tội của các bị cáo, nhân thân, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhận định vụ án có tính chất đồng phạm giản đơn, vị trí vai trò của các bị cáo, động cơ mục đích phạm tội của bị cáo đã giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo như tội danh và điều luật được viện dẫn trong bản cáo trạng, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử:
- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; diểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Tăng Văn P từ 14 đến 18 tháng tù;
- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; diểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Tăng Ngọc K từ 12 đến 16 tháng tù;
- Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; diểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 38; Điều 58 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Võ Văn M từ 12 đến 16 tháng tù;
- Áp dụng khoản 4 Điều 244 Bộ luật Hình sự miễn hình phạt bổ sung (phạt tiền) cho cả ba bị cáo.
- Xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự:
+Tịch thu tiêu hủy 01 mảnh bạt là công cụ, phương tiện phạm tội không có giá trị sử dụng;
+Tịch thu hóa giá nộp ngân sách nhà nước gồm: 01 điện thoại VERUTU s của bị cáo Tăng Văn P, 01 điện thoại Iphone X màu trắng của bị cáo Tăng Ngọc K là công cụ, phương tiện phạm tội còn giá trị sử dụng;
+ Đối với số tiền thu giữ của bị cáo Tăng Văn P là 11.010.000 đồng, trong đó bị cáo khai bị cáo có 3.500.000 đồng là tiền cá nhân bị cáo mang theo để cùng vào 10.000.000 đồng (tiền bị cáo nhận để chi phí xăng xe trong quá trình vận chuyển hổ) và bị cáo đã chi tiêu hết 2.490.000 đồng. Do vậy cần trả lại cho bị cáo số tiền 1.010.000 đồng là tiền hợp pháp của bị cáo, còn số tiền 10.000.000 đồng là thu lợi từ hành vi phạm tội cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước.
+ Trả lại cho bị cáo Tăng Văn P 01 điện thoại màn hình cảm ứng Iphone 7 Plus, màu đen và 01 thẻ ATM mang ten TANG VAN PHUC vì không liên quan đến hành vi phạm tội;
+ Trả lại cho bị cáo Tăng Ngọc K: 01 điện thoại Nokia màu đen và giấy tờ tùy thân là căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân vì không liên quan đến hành vi phạm tội;
+ Trả lại cho bị cáo Võ Văn M 01 điện thoại nhãn hiệu Iphone XS màu vàng H vì không liên quan đến hành vi phạm tội;
+ Trả cho bà Ngô Thị Thúy Q 01 (một) xe ô tô nhãn hiệu MITSUBISHI PAJERO, màu sơn vàng, biển kiểm soát: 30G-326.80 và toàn bộ giấy tờ liên quan đến chiếc xe ô tô vì khi bà Q cho bị cáo K mượn xe bà không biết việc bị cáo K dùng chiếc xe vào việc phạm tội.
- Về án phí hình sự sơ thẩm và quyền kháng cáo đề nghị xử lý theo quy định pháp luật.
Các bị cáo nhận tội, không có ý kiến tranh luận.
Được nói lời sau cùng: Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, rất ăn năn hối cải về hành vi phạm tội và đề nghị Hội đồng xét xử, xem xét cho các bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất để các bị cáo sớm được trở về với gia đình và quyết tâm cải tạo thành người có ích cho xã hội.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình chuẩn bị xét xử và xét xử tại phiên tòa, các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Tại phiên tòa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt. Xét thấy trong hồ sơ vụ án đã có lời khai đầy đủ của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, việc vắng mặt của họ tại phiên tòa không ảnh hưởng đến việc xác định tội danh, quyết định hình phạt đối với các bị cáo. Do đó, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
[2]. Về tội danh và khung hình phạt: Xét lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập hợp pháp có trong hồ sơ vụ án như: biên bản bắt người phạm tội quả tang, vật chứng thu giữ, biên bản niêm phong đồ vật thu giữ, kết luận giám định của Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lời khai của các bị cáo, cùng toàn bộ các tài liệu, chứng cứ khác, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Vào hồi 18 giờ 30 phút ngày 25/3/2022 tại đường quốc lộ 4D thuộc địa phận bản N, xã M, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, các bị cáo Tăng Ngọc K, Võ Văn M đang vận chuyển 01 cá thể hổ đã chết thì bị phát hiện bắt quả tang. Cá thể hổ trên có tên khoa học Panthera Tigris; có tên số thứ tự 38 danh mục động vật trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019 ngày 16/7/2019 của Chính phủ; và có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ban hành kèm theo thông báo số 296/TB- CTVN- HTQT ngày 27/11/2019 của cơ quan quản lý CITES Việt Nam. Nguồn gốc cá thể hổ trên là của Tăng Văn P. Tăng Ngọc K, Võ Văn M vận chuyển thuê lên tỉnh Lai Châu cho Tăng Văn P bán nhưng chưa kịp bán thì bị phát hiện thu giữ.
Hành vi vận chuyển cá thể hổ (đã chết) nằm trong danh mục loại nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ của các bị cáo với mục đích mua bán không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nằm trong danh mục loại nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ mà Nhà nước nghiêm cấm nhốt, nuôi, săn bắn, giết mổ.... Hành vi đó là hành nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm chế độ bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm của Nhà nước, xâm phạm trật tự quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, sinh thái chung. Bản thân các bị cáo là người có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình bị Nhà nước cấm nhưng vì hám lời các bị cáo vẫn cố ý thực hiện. Do đó, Hội đồng xét xử khẳng định hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể điều luật quy định: “1. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mực loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này….” Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lai Châu truy tố và luận tội hành vi của các bị cáo theo điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật Hình sự là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và sự đề nghị của Viện kiểm sát tại phiên tòa là phù hợp với quy định của pháp luật được chấp nhận.
[3]. Về tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội: Tính chất hành vi phạm tội của vụ án là nghiêm trọng, mặc dù động vật đã chết trước khi các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng hành vi của các bị cáo tích cực góp sức cho các đối tượng nuôi nhốt, săn bắn, giết mổ… động vật nguy cấp, quý hiếm, ảnh hưởng môi trường sinh thái, có thể làm mất sự cân bằng sinh thái, sự đa dạng sinh học của các loài động vật hoang dã, quý hiếm và còn xâm hại đến sự sinh tồn tự nhiên của các loài động vật hoang dã quý, hiếm đang được ưu tiên bảo vệ. Vì vậy phải xử lý các bị cáo bằng luật hình sự và áp dụng biện pháp nghiêm khắc của hình phạt theo Điều 38 Bộ luật Hình sự nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng cũng như răn đe, phòng ngừa chung.
[4]. Về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Các bị cáo Tăng Ngọc K, Võ Văn M, Tăng Văn P không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Quá trình điều tra, truy tố và xét xử công khai tại phiên tòa, các bị cáo đã thành khẩn khai báo và ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; các bị cáo tích cực khai báo với cơ quan điều tra để sớm kết thúc vụ án và cả ba bị cáo tích cực hợp tác đấu tranh truy tìm các đối tượng khác nên cần đánh giá sự thành tâm hối cải lập công chuộc tội của các bị cáo thuộc điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cần áp dụng cho cả ba bị cáo. Bị cáo P, bị cáo K có nhân thân tốt chưa có tiền án, tiền sự (trừ bị cáo M có tiền án, tiền sự nhưng đã được xóa án tích) để xem xét đánh giá áp dụng hình phạt phù hợp cho các bị cáo. Đối với bị cáo Võ Văn M có bố đẻ là ông Võ Văn K là thương binh hạng ¼ được tặng Bằng khen thương binh tiêu biểu và bị cáo Tăng Văn P có bố đẻ là ông Tăng Văn C được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng bằng khen vì có công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mẹ bị cáo Tăng Văn P được tặng kỷ niệm chương thanh niên xung phong; đây đều thuộc tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự cần áp dụng thêm cho bị cáo M, bị cáo P.
[5]. Xét về vị trí, vai trò của từng bị cáo:
Đây là vụ án đồng phạm giản đơn, giữa các bị cáo không có sự tổ chức phân công nhiệm vụ chặt chẽ; Bị cáo Tăng Văn P là người khởi xướng cùng thực hành nhưng thông qua người khác; Bị cáo Tăng Ngọc K là người được thuê chở hàng đi Lai Châu, nhưng cũng thông qua người khác đưa hàng; bị cáo nhận hàng và đang vận chuyển mới biết là chở hổ cho bị cáo P; bị cáo Võ Văn M cũng vậy được bị cáo K rủ đi và khi lên xe mới biết là chở cá thể Hổ nhưng kH từ chối mà tiếp nhận và cùng thực hiện hành vi vận chuyển. Vì vậy cần có sự phân hóa trách nhiệm hình sự, cũng như hình phạt giữa các bị cáo phù hợp theo Điều 17, Điều 58 Bộ luật Hình sự, trong đó bị cáo P phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn hai bị cáo K và bị cáo M.
Đối với hai bị cáo K và M đều là người trực tiếp thực hành, bị cáo K là người rủ bị cáo M nên phải chịu trách nhiệm cao hơn, nhưng nhân thân bị cáo K chưa có tiền án, tiền sự. Do đó cần áp dụng mức hình phạt đối với hai bị cáo là tương xứng nhau.
[6] Về hình phạt bổ sung: theo khoản 4 Điều 244 Bộ luật hình sự các bị cáo có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung (phạt tiền), nhưng xét thấy bản thân các bị cáo đều là lao động tự do, không có thu nhập ổn định, hoàn cảnh gia đình các bị cáo không có tài sản lớn khó đảm bảo cho công tác thi hành án nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với các bị cáo.
[7] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự:
- 01 (một) cá thể hổ đã chết là tang vật của vụ án, là vật mau hỏng khó bảo quản, nên ngày 29/4/2022 Cơ quan điều tra đã ra quyết định xử lý bằng hình thức tiêu hủy và thành lập hội đồng tiêu hủy theo quy định là phù hợp.
- Tịch thu tiêu hủy một mảnh bạt vì kH có giá trị sử dụng.
- Tịch thu hóa giá, sung công quỹ nhà nước điện thoại của các bị cáo dùng vào việc phạm tội còn giá trị sử dụng gồm: 01 điện thoại VERUTU s của bị cáo Tăng Văn P, 01 điện thoại Iphone X màu trắng của bị cáo Tăng Ngọc K vì là công cụ, phương tiện phạm tội còn giá trị sử dụng;
- Đối với số tiền 11.010.000 đồng, bị cáo Tăng Ngọc K khai nhận được nhận 10.000.000 đồng để chi phí cho quá trình vận chuyển trái phép cá thể hổ từ Nghệ An đến Lai Châu nên cần tịch thu số tiền 10.000.000 đồng để nộp ngân sách nhà nước vì là tiền do phạm tội mà có; Còn 1.010.000 đồng bị cáo Tăng Ngọc K khai nhận từ số tiền 3.500.000 đồng bị cáo mang theo đã chi tiêu hết 2.490.000 đồng là có căn cứ nên cần trả lại cho bị cáo K vì là tiền cá nhân hợp pháp của bị cáo.
- Đối với điện thoại, giấy tờ không liên quan đến hành vi phạm tội cần trả lại cho các bị cáo gồm:
+ Trả cho bị cáo Tăng Văn P 01 điện thoại màn hình cảm ứng Iphone 7 Plus, màu đen và 01 thẻ ATM mang tên TANG VAN PHUC vì không liên quan đến hành vi phạm tội;
+ Trả lại cho bị cáo Tăng Ngọc K: 01 điện thoại Nokia màu đen và căn cước công dân, chứng minh thư nhân dân; giấy phép lái xe;
+ Trả lại cho bị cáo Võ Văn M 01 điện thoại nhãn hiệu Iphone XS màu vàng H;
- Đối với một xe ô tô nhãn hiệu MITSUBISHI PAJERO, các giấy tờ liên quan đến xe ô tô mặc dù là công cụ phương tiện dùng vào việc phạm tội vận chuyển cá thể hổ nhưng khi bà Ngô Thị Thúy Quỳnh cho bị cáo Tăng Ngọc K mượn, bị cáo K không nói dùng vào việc phạm tội nên bà Quỳnh không biết nên cần trả lại cho bà Quỳnh.
Xét đề nghị của Viện kiểm sát về hình phạt chính áp dụng đối với bị cáo Tăng Văn P, Tăng Ngọc K, Võ Văn M, cũng như việc không áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, giải quyết về vật chứng đã thể hiện sự nghiêm minh và tính nhân đạo của pháp luật, đủ răn đe và phòng ngừa chung và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử được chấp nhận.
[9] Về án phí: Các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
[10] Về những vấn đề khác có liên quan trong vụ án:
- Đối với người đàn ông tên C ở Lai Châu dùng số điện thoại 0974916899 theo lời khai Tăng Văn P là người cùng mua bán cá thể Hổ với bị can. Kết quả xác minh là Nguyễn Đức C sinh năm 1990 ở Tổ 5, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Cơ quan điều tra đã nhiều lần xác minh nhưng C hiện không có mặt tại địa phương, chính quyền và người thân không biết đi đâu, vì vậy chưa đủ căn cứ xử lý với C trong cùng vụ án. Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục triệu tập, xác minh và xử lý khi có đủ căn cứ.
- Đối với Cao Xuân H sinh năm 1980 ở xóm 11, xã D, huyện D, tỉnh N, theo lời khai của Tăng Văn P là người đã bán cá thể hổ cho bị can và dùng số điện thoại 0978377999, qua đấu tranh, đối chất H không thừa nhận, ngoài lời khai của Tăng Văn P không có chứng cứ nào khác chứng minh, nên không có đủ căn cứ để xử lý đối với Cao Xuân H.
- Đối với Nguyễn Thị Thủy sinh năm 1989 ở xã D, huyện D, tỉnh N, là người đăng ký chính chủ số điện thoại 0978377999 nhưng không sử dụng mà người sử dụng là Cao Xuân H. Kết quả điều tra xác định chị Thủy không sử dụng và không biết gì về việc Cao Xuân H sử dụng số điện thoại trên vào việc gì nên không phạm tội.
- Đối với người đàn ông tên Nam sử dụng số điện thoại 0967392616 theo lời khai của Tăng Ngọc K là người thuê K chở cá thể hổ nhưng K không rõ họ tên, địa chỉ vì vậy không có căn cứ điều tra, xử lý. Kết quả điều tra cũng xác định người đăng ký chủ sở hữu số điện thoại 0967392616 là chị La Thị T sinh năm 1979 ở xã L, huyện C, tỉnh N, chị T không đăng ký và sử dụng số điện thoại trên nên không phạm tội.
- Đối với Nguyễn Văn C và Ngô Thị Thúy Q là người có xe ô tô hiệu Mitsubitsi có BKS 30G- 32680 mà các bị cáo Tăng Ngọc K, Võ Văn M dùng vào việc phạm tội. Anh C hiện đang lao động ở nước ngoài không biết, chị Q khi cho K mượn xe không biết K dùng vào việc phạm tội nên không đồng phạm với Tăng Ngọc K và Võ Văn M.
Về trách nhiệm dân sự: Chị Ngô Thị Thúy Q có nguyện vọng xin lại xe ô tô hiệu Mitsubitsi, BKS 30G- 32680, cùng các giấy tờ liên quan đến xe và không yêu cầu gì khác nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Qua vụ án cho thấy việc các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội rất dễ dàng qua nhiều tỉnh kông bị phát hiện, các bị cáo đến khi bị bắt mới hiểu rõ quy định nghiêm khắc của Nhà nước ta đối với hành vi phạm tội của mình, điều đó cho thấy việc tuyên tuyền các quy định của nhà nước về thực vật, động vật nguy cấp, quý hiếm đến nhân dân chưa thực sự quyết liệt. Do vậy cần kiến nghị công tác tuyên tuyền pháp luật đến nhân dân.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Tuyên bố: Các bị cáo Tăng Văn P, Tăng Ngọc K, Võ Văn M, phạm tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.
2. Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Tăng Văn P 14 (Mười bốn) tháng tù. Thời hạn tù của bị cáo Tăng Văn P tính từ ngày bị bắt, ngày 25 tháng 3 năm 2022.
Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Tăng Ngọc K 12 (Mười hai) tháng tù. Thời hạn tù của bị cáo Tăng Ngọc K tính từ ngày bị bắt, ngày 25 tháng 3 năm 2022.
Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 38 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Võ Văn M 12 (Mười hai) tháng tù. Thời hạn tù của bị cáo Võ Văn M tính từ ngày bị bắt, ngày 25 tháng 3 năm 2022.
3. Xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47, Điều 48 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự:
- Tịch thu tiêu hủy 01 (một) mảnh bạt một mặt màu xanh, một mặt màu cam.
- Tịch thu, hóa giá, nộp ngân sách Nhà nước gồm:
+ 01 (một) điện thoại VERTU s – 012263 thu giữ của Tăng Văn P trên điện thoại có 01 sim Viettel.
+ 01 (một) điện thoại nhãn hiệu IphoneX màu trắng thu giữ của Tăng Ngọc K - Tịch thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 10.000.000đ (mười triệu đồng).
- Trả lại cho bị cáo Tăng Văn P: 01 (một) điện thoại màn hình cảm ứng nhãn hiệu Iphone7 Plus, màu đen số IMEL: 355356083154283, trên điện thoại có 01 sim Viettel, trên sim có dãy số 89840488000380461824 (thu giữ của Tăng Văn P) và 01 (một) thẻ ATM ngân hàng AGRIBANK số 9704050818955655, mang tên TANG VAN PHUC.
- Trả lại cho bị cáo Tăng Ngọc K:
+ 01 (một) điện thoại Nokia màu đen, số IMEL1: 357291087692509, số IMEL2: 357291087682517, trong đi ện thoại có 01 sim, trên sim có in hàng số 8984048831004780321 (thu giữ của Tăng Ngọc K);
+ 01 (một) giấy phép lái xe số: 0101511026088 mang tên Tăng Ngọc K, ngày sinh: 04/07/1993, hạng: FC.
+ 01 (một) thẻ căn cước công dân số: 040093026152, mang tên Tăng Ngọc K;
+ 01 (một) giấy chứng minh nhân dân số: 186956702, mang tên Tăng Ngọc K.
+ Số tiền 1.010.000 đồng (một triệu kH trăm mười nghìn đồng).
- Trả lại cho bị cáo Võ Văn M: 01 (một) điện thoại di động Iphone XS Max màu vàng H, số IMEL: 357295093024086, trong điện thoại ó 01 sim, trên sim có in hàng số 89840200010913416236 (thu giữ của Võ Văn M).
- Trả cho bà Ngô Thị Thúy Q gồm:
+ 01 (một) xe ô tô nhãn hiệu MITSUBISHI PAJERO, màu sơn vàng, số máy: BB31656B31; số khung: RLA00KG6WE1000028, biển kiểm soát: 30G- 326.80, xe đã qua sử dụng, bên trong xe không có đồ vật, tài sản gì. Xe đã được dán giấy niêm phong tại các vị trí: Nắp capo; cửa trước, sau bên phải;
cửa trước, sau bên trái; cốp xe.
+ 01 (một) giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số: 695264, mang tên Vũ Thế S, địa chỉ: ....... , Y, C, H. Biển kiểm soát: 30G-326.80.
+ 01 (một) giấy chứng nhận kiểm định số 7988836, biển kiểm soát phương tiện được kiểm định: 30G-32680 + 01 (một) biên lai thu tiền phí sử dụng đường bộ số 0026442, người nộp:
Vũ Thế S, địa chỉ: .....Y, C, H. Biển kiểm soát: 30G-326.80.
+ 01 (một) hóa đơn giá trị gia tăng dịch vụ đăng kiểm, người nộp: Vũ Thế Sơn, địa chỉ: số 10, ngõ 186 Hoa Bằng, tổ 12, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Biển kiểm soát: 30G-326.80.
+ 01 (một) giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe ô tô số AD22/0211250 tên chủ xe: Vũ Thế Sơn, địa chỉ: số 10, ngõ 186 Hoa Bằng, tổ 12, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Biển kiểm soát: 30G-326.80.
+ 02 (hai) bản gốc Hợp đồng mua bán xe ô tô giữa Vũ Thế S với Phạm Văn C. Xe ô tô được mua bán MITSUBISHI PAJERO, màu sơn vàng, biển kiểm soát 30G-326.80.
(Tình trạng vật chứng như mô tả chi tiết trong Biên bản giao, nhận vật chứng, hồi 09 giờ 25 ngày 26 tháng 7 năm 2022 giữa Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lai Châu với Cục THADS tỉnh Lai Châu).
5. Án phí hình sự sơ thẩm: Áp dụng Điều 135; Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các bị cáo Tăng Ngọc K, Tăng Văn P, Võ Văn M mỗi người phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
6. Kiến nghị các cấp chính quyền địa phương tăng C công tác tuyên truyền các quy định của nhà nước về bảo vệ thực vật, động vật nguy cấp, quý hiếm đến nhân dân.
7. Áp dụng Điều 331, 332 Bộ luật Tố tụng Hình sự:
Các bị cáo Tăng Ngọc K, Tăng Văn P, Võ Văn M có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm;
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo phần liên quan lên Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định./.
Bản án 54/2022/HS-ST về tội vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm
Số hiệu: | 54/2022/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Lai Châu |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 10/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về