Bản án 53/2021/HNGĐ-ST ngày 21/09/2021 về tranh chấp ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN PHÚ RIỀNG, TỈNH BÌNH PHƯỚC

BẢN ÁN 53/2021/HNGĐ-ST NGÀY 21/09/2021 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN

Vào ngày 21 tháng 9 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện P xét xử sơ thẩm công khai vụ án Hôn nhân và gia đình thụ lý số: 74/2021/TLST- HNGĐ ngày 19 tháng 3 năm 2021 về việc “Tranh chấp ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 78/2021/QĐXXST-HNGĐ ngày 26 tháng 8 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 25/2021/QĐST-DS ngày 09/9/2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Phạm Thị M, sinh năm 1982. Vắng mặt

Bị đơn: Ông Đỗ Viết T, sinh năm 1976. Vắng mặt

Cùng địa chỉ: Thôn 2, xã L, huyện P, tỉnh Bình Phước

NỘI DUNG VỤ ÁN

*Nguyên đơn bà Phạm Thị M trình bày:

- Về quan hệ hôn nhân: Bà và ông Đỗ Viết T chung sống với nhau vào năm 2000 trên cơ sở tự nguyện nhưng đến năm 2009 mới làm thủ tục đăng ký kết hôn tại UBND xã L, huyện Phước Long (nay là huyện P), tỉnh Bình Phước. Cuộc sống chung vợ chồng hạnh phúc đến năm 2006 thì phát sinh mâu thuẫn. Nguyên nhân do ông M sau khi uống rượu về thường gây sự vác dao đuổi đánh bà, bà đã khuyên chồng đừng uống rượu nữa nhưng ông M không nghe. Khoảng năm 2017, vợ chồng bà có lên Đắk Nông làm ăn sinh sống, tuy nhiên không thể chịu đựng được cảnh chồng thường xuyên gây sự, đuổi đánh nên năm 2020 bà đã về xã L sinh sống và đi làm tại công ty chế biến mủ Thuận Dung. Mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2020, ông T đánh đuổi bà ra khỏi nhà nên bà có báo chính quyền địa phương can thiệp, nhưng do không có thương tích gì nên địa phương chỉ đến nhà can ngăn mà không lập biên bản. Sau khi mâu thuẫn xảy ra, bà đã bỏ qua nhiều lần nhưng ông T không thay đổi. Vợ chồng đã sống ly thân nhau từ năm 2020 đến nay, không can thiệp vào công việc của nhau. Do mâu thuẫn vợ chồng đã lâu, tình cảm bà giành cho ông T không còn nên bà đề nghị Tòa án giải quyết cho bà được ly hôn với ông T.

- Về con chung: Bà và ông T có 02 con chung là Đỗ Thị O – sinh năm 2000 (đã có gia đình riêng) và Đỗ Viết H – sinh năm 2006.

Nếu Tòa án giải quyết cho vợ chồng bà ly hôn, bà đề nghị được nuôi dưỡng cháu H và không yêu cầu ông T cấp dưỡng nuôi con.

- Về tài sản chung, nợ chung: Tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Bị đơn ông Đỗ Viết T trình bày:

- Về quan hệ hôn nhân: Ông và bà M tự nguyện chung sống với nhau từ năm 2000, đến ngày 08/9/2009 thì làm thủ tục kết hôn tại UBND xã L.

Cuộc sống chung hạnh phúc đến năm 2019 thì vợ chồng xảy ra cãi vã nhau do vợ chồng không tin tưởng nhau, bà M nghĩ ông có qua lại với người phụ nữ khác. Nguyên nhân do khoảng năm 2017 cho đến nay, ông đi làm thầu cao su ở Đắk Nông, vợ chồng không ở gần nhau nên bà M hay nghi ngờ ông, khoảng 2 đến 3 tháng trở lại đây vợ chồng không có sự quan tâm giành cho nhau. Ông có nhắn cho con đề nghị bà M ở Đắk Nông chăm sóc con cái để ông tập trung công việc lo cho gia đình nhưng bà M không nói gì. Do tính chất công việc nên hiện tại ông ở Đắk Nông còn bà M ở P. Ông xác định mâu thuẫn vợ chồng chưa trầm trọng, ông còn thương yêu vợ con nên không đồng ý ly hôn.

- Về con chung và cấp dưỡng nuôi con chung: Ông và bà M có 02 con chung là Đỗ Thị O – sinh năm 2000 (đã có gia đình riêng) và Đỗ Viết H – sinh năm 2006.

Nếu Tòa án giải quyết cho vợ chồng ông ly hôn, ông đề nghị được nuôi dưỡng cháu H và không yêu cầu giải quyết cấp dưỡng nuôi con.

- Về tài sản chung và nợ chung: Tự thỏa thuận, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Kiểm sát viên trình bày tại phiên tòa:

- Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thảm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã tiến hành đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật.

- Về nội dung vụ án: Căn cứ khoản 1 Điều 28; khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Các điều 51, 56, 81, 82, 83 Luật Hôn nhân và gia đình: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà M đối với ông T; Giao con chung là Đỗ Viết H, sinh năm 2006 cho bà M nuôi dưỡng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng: Đây là vụ án ly hôn do nguyên đơn bà Phạm Thị M làm đơn khởi kiện yêu cầu được ly hôn với bị đơn ông Đỗ Viết T theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 28, khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự, do bị đơn ông Đỗ Viết T có nơi cư trú tại thôn 2, xã L, huyện P, tỉnh Bình Phước, nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân huyện P.

Về sự vắng mặt của các đương sự: Nguyên đơn bà M có đơn xin xét xử vụ án vắng mặt; Bị đơn ông T vắng mặt 02 lần tại phiên tòa. Do đó, căn cứ vào các Điều 227, 228 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo thủ tục chung.

[2] Về nội dung:

[2.1]Về quan hệ hôn nhân:

Bà M và ông T tự nguyện chung sống với nhau từ năm 2000 và đăng ký kết hôn vào ngày 08/7/2009 tại Ủy ban nhân dân xã L, huyện Phước Long (nay là huyện P), tỉnh Bình Phước. Do đó, HĐXX xác định hôn nhân của bà M và ông T là hợp pháp, được pháp luật công nhận.

Trong quá trình giải quyết vụ án, bà M có nguyện vọng muốn ly hôn với ông T vì thường xuyên bị ông T đánh đập, mắng chửi, vợ chồng đã ly thân nhau từ năm 2020 đến nay. Bị đơn ông T không đồng ý ly hôn vì cho rằng mâu thuẫn vợ chồng chưa đến mức phải ly hôn. Tuy nhiên, tại Bản tự khai và Biên bản lấy lời khai ngày 31/3/2021, ông T có lời khai thừa nhận vợ chồng xảy ra mâu thuẫn cãi vã nhau từ năm 2019, nguyên nhân do vợ chồng không tin tưởng nhau, khoảng 2 đến 3 tháng nay vợ chồng không có sự quan tâm cho nhau nữa. Ông muốn bà M ở lại Đắk Nông chăm sóc con cái nhưng bà M không nói gì. Mặt khác, cháu Đỗ Viết H (con chung bà M, ông T) có Bản tự khai trình bày “Cháu thấy bố mẹ cháu thường cãi vã, đánh chửi nhau, nhiều lúc mâu thuẫn rất căng thẳng. Khoảng hơn 01 năm nay, bố mẹ cháu không chung sống với nhau, không quan tâm hỏi han điện thoại cho nhau”. Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở xác định mâu thuẫn vợ chồng giữa bà M và ông T đã trầm trọng, vợ chồng không còn sự quan tâm giành cho nhau, không chung sống với nhau trên thực tế, mục đích hôn nhân không đạt được, đời sống chung không thể kéo dài.Vì vậy căn cứ vào khoản 1 Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, việc yêu cầu ly hôn của bà M đối với ông T là hoàn toàn có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[2.2] Về việc nuôi con chung và cấp dưỡng nuôi con chung:

Bà M và ông T có 02 con chung là: Đỗ Thị O – sinh năm 2000 (đã có gia đình riêng) và Đỗ Viết H – sinh năm 2006.

Bà M và ông T đều có quan điểm nếu Tòa án giải quyết ly hôn thì đều đề nghị được nuôi dưỡng cháu H. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, cháu H có nguyện vọng muốn được ở với mẹ (bà M). Hội đồng xét xử xét thấy bà M và ông T đều có đủ điều kiện nuôi con, cháu H đã lớn nên cần tôn trọng nguyện vọng của cháu muốn ở với mẹ (bà M). Do đó, Hội đồng xét xử quyết định giao cháu H cho bà M nuôi dưỡng là phù hợp với quy định của pháp luật và nguyện vọng của cháu H.

Về cấp dưỡng nuôi con: Các đương sự không yêu cầu giải quyết nên HĐXX không xem xét giải quyết.

[2.3]. Về tài sản chung, nợ chung: Các đương sự tự thỏa thuận, không đề nghị Tòa án giải quyết.

Xét ý kiến của đại diện Viện kiểm sát là phù hợp với quy định của pháp luật nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[3]. Án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm: Bà M phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 28; khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 4 Điều 147; Điều 227 và Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Điều 51, Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

Căn cứ Nghị Quyết số 326/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức án phí, lệ phí Toà án.

Tuyên xử:

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị M.

Xử cho bà Phạm Thị M được ly hôn với ông Đỗ Viết T

2/ Về con chung: Giao con chung Đỗ Viết H, sinh ngày 16-12-2006 cho bà M trực tiếp nuôi dưỡng cho đến khi cháu H đủ 18 tuổi. Ông T không cấp dưỡng nuôi con chung với bà M.

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này. Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Tòa án có quyền quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giao dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

3/ Về tài sản và nợ chung: Không yêu cầu Tòa án giải quyết.

4/ Án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị M phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí hôn nhân sơ thẩm được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) bà M đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0012151 ngày 10/3/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện P, tỉnh Bình Phước. Bà M đã nộp đủ tiền.

Các đương sự vắng mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

182
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 53/2021/HNGĐ-ST ngày 21/09/2021 về tranh chấp ly hôn

Số hiệu:53/2021/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Phú Riềng - Bình Phước
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 21/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;