TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN AN BIÊN, TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 53/2020/HNGĐ-ST NGÀY 29/09/2020 VỀ LY HÔN GIỮA ANH K VÀ CHỊ B
Trong ngày 29 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 143/2020/TLST-HNGĐ ngày 15 tháng 6 năm 2020 về việc tranh chấp “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 115/2020/QĐXXST-HNGĐ ngày 27 tháng 8 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 74/2020/QĐST-HNGĐ ngày 13 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Anh Danh Sóc K, sinh năm 1994 Địa chỉ: Ấp Đ, xã N, huyện A, tỉnh Kiên Giang.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Danh Sóc K: Bà Nguyễn Thị K – Trợ giúp viên của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang thực hiện trợ giúp pháp lý theo Quyết định số 199/QĐ-TTTGPL ngày 22/6/2020 của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Kiên Giang.
2. Bị đơn: Chị Phan Thị Tuyết B, sinh năm 1995 Địa chỉ: Ấp Đ, xã N, huyện A, tỉnh Kiên Giang.
(Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp của nguyên đơn có mặt, bị đơn vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và những ý kiến tại Tòa án, anh Danh Sóc K trình bày như sau:
Anh K và chị B kết hôn với nhau vào năm 2013 hôn nhân tự nguyện được gia đình tổ chức đám cưới theo phong tục tập quán của địa phương, anh chị đã đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật tại Ủy ban nhân dân xã N, huyện A, tỉnh Kiên Giang vào ngày 14/02/2017.
Sau khi cưới được khoảng một năm thì vợ chồng và gia đình hai bên phát sinh mâu thuẫn về việc chọn nơi để sinh con, đến đầu năm 2014 khi con chung được khoảng 03 tháng tuổi thì chị B mang theo con nhỏ bỏ nhà đi. Đến 18 tháng sau vợ chồng quay về tiếp tục chung sống nhưng lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn vì đời sống kinh tế của vợ chồng rất khó khăn. Đến năm 2018 chị B tiếp tục bỏ đi và vợ chồng ly thân cho đến nay. Nhận thấy vợ chồng hiện không còn tình cảm với nhau và không thể hàn gắn để tiếp tục chung sống nên anh K xin ly hôn với chị B.
Về con chung: Anh K xác định vợ chồng có 01 người con chung tên Danh Khánh D, sinh ngày 16/8/2014 hiện tại đang sống chung với chị B. Do con chung ở với chị B từ nhỏ cho đến nay nên anh K đồng ý giao con cho chị B tiếp tục nuôi dưỡng và anh K không cấp dưỡng nuôi con chung.
Về tài sản chung và nợ chung của vợ chồng: Anh K xác định không có không yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tại phiên tòa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh K trình bày: Vợ chồng anh K và chị B có cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, cho đến nay vợ chồng không còn quan tâm đến nhau, không vun vén xây dựng gia đình chung và mâu thuẫn vợ chồng không thể hàn gắn nên đề nghị Tòa án giải quyết cho anh K được ly hôn với chị B. Về con chung, từ nhỏ cháu D đã sống cùng mẹ, hiện nay vì công việc làm ăn anh K không thể chăm sóc được con chung nên đề nghị giao con chung lại cho chị B tiếp tục nuôi dưỡng để tránh làm xáo trộn cuộc sống của con chung. Về tài sản chung của vợ chồng không có không yêu cầu Tòa án xém xét.
Anh K thống nhất với lời trình bày và đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình và không có ý kiến bổ sung gì thêm.
Quá trình làm việc tại Tòa án và tại phiên tòa - bị đơn chị Phan Thị Tuyết B vắng mặt và không gửi văn bản trình bày ý kiến trước yêu cầu xin ly hôn của anh K.
Kết quả thu thập chứng cứ:
Chứng cứ nguyên đơn cung cấp: Giấy chứng nhận kết hôn; Bản sao khai sinh của cháu Danh Khánh D; giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của nguyên đơn (Bản công chứng). Bị đơn không cung cấp chứng cứ.
Tòa án tiến hành xác minh từ chính quyền địa phương cho biết: Vợ chồng anh K và chị B xảy ra nhiều mâu thuẫn do vợ chồng thường xuyên xảy ra cự cãi, mỗi lần cự cãi không kiềm chế được thì vợ chồng lại xảy ra đánh nhau. Hiện tại anh chị đã ly thân, từ khi vợ chồng ly thân con chung sống với chị B.
Ý kiến của Kiểm sát viên tại phiên tòa:
Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và người tham gia tố tụng (Nguyên đơn) đảm bảo đúng theo quy định, đề nghị áp dụng Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự xét xử vắng mặt bị đơn.
Về nội dung vụ án: Đề nghị áp dụng Điều 56 của Luật hôn nhân và gia đình, xử cho anh K được ly hôn với chị B; đề nghị áp dụng Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình giao con chung cho chị B trực tiếp nuôi dưỡng, về cấp dưỡng nuôi con không xem xét; về tài sản chung và nợ chung không có yêu cầu nên không giải quyết.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng.
Thẩm quyền giải quyết vụ án: Bị đơn có nơi cư trú trên địa bàn huyện An, căn cứ vào khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự xác định vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Quan hệ pháp luật: Anh K xin ly hôn và yêu cầu giải quyết vấn đề con chung nên quan hệ pháp luật được xác định là “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con”.
Tại phiên tòa chị B đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do. Căn cứ vào khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự Hội đồng xét xử thống nhất xét xử vắng mặt bị đơn.
[2] Về nội dung vụ án.
Nhận thấy: Anh K và chị B chung sống với nhau đã thực hiện đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã N, huyện A, tỉnh Kiên Giang theo quy định của pháp luật, do đó hôn nhân của anh chị là hợp pháp.
Xét yêu cầu xin ly hôn của anh K, Hội đồng xét xử xét thấy: Quá trình giải quyết vụ án mặc dù được triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng chị B vắng mặt đồng thời không gửi văn bản nêu ý kiến trước yêu cầu khởi kiện xin ly hôn của anh K.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự, trường hợp bị đơn phản đối yêu cầu của nguyên đơn đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó. Cho đến thời điểm mở phiên tòa chị B không cung cấp chứng cứ để chứng minh hoặc có ý kiến phản đối đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Cũng tại khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự có quy định: Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.
Qua lời trình bày của anh K và kết quả xác minh từ địa phương xác định: Đời sống vợ chồng giữa anh K và chị B đã xảy ra mâu thuẫn, nguyên nhân do bất đồng ý kiến dẫn đến thường xuyên cự cãi, bất hòa. Mỗi lần xảy ra cự cãi vợ chồng thường xảy ra đánh nhau. Chị B đã nhiều lần bỏ về nhà cha mẹ ruột sống và từ năm 2018 cho đến nay vợ chồng đã ly thân, vợ chồng không còn quan tâm tới cuộc sống của nhau. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã mở phiên hòa giải để hòa giải đoàn tụ nhưng chị B không chấp hành theo giấy mời, không thể hiện thiện chí hàn gắn hôn nhân. Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa anh K đều xin được ly hôn. Từ đó có cơ sở để nhận định mâu thuẫn vợ chồng đã thật sự trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài và mục đích của hôn nhân không đạt được nên căn cứ vào Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận yêu cầu của anh K, cho anh được ly hôn với chị B.
Về con chung: Nhận thấy, vợ chồng anh chị có một con chung là cháu Danh Khánh D, sinh ngày 16/8/2014. Từ khi được sinh ra con chung luôn ở với mẹ, được mẹ chăm lo nuôi dưỡng và phát triển bình thường, trong thời gian vợ chồng ly thân con chung đã dần quen với cuộc sống không có cha ở bên cạnh. Do đó việc tiếp tục giao con chung cho chị B nuôi là phù hợp với điều kiện thực tế để tránh làm xáo trộn đến cuộc sống sinh hoạt và học tập của cháu D. Về cấp dưỡng nuôi con, tại Tòa án anh K có ý kiến không cấp dưỡng nuôi con mà khả năng có tới đâu thì cho con tới đó đồng thời chị B cũng không có yêu cầu giải quyết vấn đề cấp dưỡng nuôi con nên Hội đồng xét xử không xém xét giải quyết.
Về tài sản chung: Các đương sự không có yêu cầu Tòa án giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét.
Về nợ chung: Anh K xác định vợ chồng không có nợ chung nên không yêu cầu giải quyết.
[3] Về ý kiến phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng và đề nghị hướng giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát huyện An Biên tại phiên tòa là có cơ sở và căn cứ pháp luật nên Hội đồng xét xử đã xem xét và ghi nhận trong quá trình giải quyết vụ án.
[4] Về án phí hôn nhân sơ thẩm: Căn cứ Điều 144 và Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 Nghị quyết quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc anh K là nguyên đơn chịu toàn bộ án phí ly hôn sơ thẩm.
Anh K thuộc trường hợp người dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và có đơn xin miễn tiền án phí nên được xét miễn toàn bộ tiền án phí.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào khoản 1 Điều 28, Điều 35, Điều 39, Điều 91, Điều 227, Điều 228, Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:
- Áp dụng Điều 51, Điều 56, Điều 81, Điều 82, Điều 83, Điều 84 Luật hôn nhân gia và đình năm 2014:
- Áp dụng vào điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị Quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Danh Sóc K.
1. Về hôn nhân: Cho ly hôn giữa anh Danh Sóc K và chị Phan Thị Tuyết B.
2. Về con chung: Giao cháu Danh Khánh D, sinh ngày 16/8/2014 cho chị Phan Thị Tuyết B tiếp tục trực tiếp nuôi dưỡng sau khi vợ chồng ly hôn.
Về cấp dưỡng nuôi con chung: Người được giao nuôi dưỡng con chung không có yêu cầu giải quyết nên không xem xét.
Người không trực tiếp nuôi con có quyền đến thăm nom và chăm sóc con chung mà không ai được cản trở. Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Khi cần thiết anh chị có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con và yêu cầu cấp dưỡng nuôi con theo quy định của pháp luật.
3. Về tài sản chung và nợ chung của vợ chồng: Các đương sự không yêu cầu giải quyết nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
Sau khi bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật, khi có các yêu cầu hay tranh chấp liên quan đến tài sản chung hoặc nợ chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì anh Danh Sóc K và chị Phan Thị Tuyết B vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
4. Về án phí: Anh Danh Sóc K là nguyên đơn chịu toàn bộ án phí ly hôn sơ thẩm là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng).
Anh Danh Sóc K là người dân tộc thiểu số ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp không phải nộp án phí hôn nhân gia đình sơ thẩm và có đơn xin miễn tiền án phí nên được xét miễn toàn bộ tiền án phí.
Hoàn trả cho anh Danh Sóc K số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0008614 ngày 15/6/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A, tỉnh Kiên Giang.
5. Báo quyền kháng cáo: Án xử công khai sơ thẩm, nguyên đơn có quyền kháng cáo bản án này trong hạn luật định là 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, bị đơn có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.
"Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự".
Bản án 53/2020/HNGĐ-ST ngày 29/09/2020 về ly hôn giữa anh K và chị B
Số hiệu: | 53/2020/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện An Biên - Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 29/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về