Bản án 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 về tội cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 53/2019/HSPT NGÀY 30/01/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH VÀ TRỘM CẮP TÀI SẢN

Ngày 30 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 462/2018/TLPT-HS ngày 28/12/2018 đối với bị cáo Y D Hmǒk và 03 bị cáo, do có kháng cáo của các bị cáo đối với bản án hình sự sơ thẩm số 28/2018/HS-ST, ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

1. Y D Hmǒk (tên gọi khác: Y D Hmôk); sinh năm 1985, tại tỉnh Đắk Lắk; Nơi cư trú: Buôn H, xã E, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 4/12; dân tộc: Ê Đê; giới tính: Nam; tôn giáo: Thiên Chúa giáo; con ông Y G Hđơk và bà H Đ Hmǒk; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

2. Y P Lưk, sinh năm 1995, tại tỉnh Đắk Lắk;

Nơi cư trú: Buôn H, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: M’Nông; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; con ông Y N Ông và bà H Y Lưk; bị cáo có vợ là H N Hmǒk, có 01 con sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

3. Nguyễn Văn C, sinh năm1991, tại tỉnh Hà Tĩnh;

Nơi cư trú: Buôn K, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; con ông Nguyễn Văn Đ (đã chết) và bà Lê Thị T; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

4. Phạm Văn T, sinh năm 1993, tại Hà Tĩnh;

Nơi cư trú: Buôn E, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ văn hóa: 9/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Thiên Chúa giáo; con ông Phạm Văn B (đã chết) và bà Hoàng Thị T; bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: Không;

Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa cho bị cáo Y D Hmǒk và Y P Lưk (Thuộc diện chính sách) tại phiên tòa: Luật sư Đặng T thuộc Công ty Luật TNHH MTV Đ là trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Đắk Lắk – có đơn xin xét xử vắng mặt (Có gửi Bản luận cứ bào chữa được các bị cáo chấp nhận).

- Người bị hại:

1. Ông Y G Hđơk, sinh năm 1957

Trú tại: Buôn H, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk ( mặt)

2. Ông Nguyễn Văn C, sinh ngày 04/5/1991 (Đồng thời là bị cáo trong vụ án),

Trú tại: Buôn K, xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk ( mặt)

- Người phiên dịch: Ông Y T Bkrông, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 18 giờ 00 phút ngày 21/3/2018, Nguyễn Văn C đi từ nhà mình đến nhà anh Ngô Đức G (trú cùng buôn K, xã E) mượn một chiếc xe máy cày biển số 47MK-224.22 để đi kéo xe máy cày bị hư hỏng cho anh Y B Ksơr, khi đi đến đầu cầu buôn K thì C nhận được điện thoại của anh Y B nói xe đã sửa được, không cần đến kéo xe nữa, lúc này C nảy sinh ý định cưa trộm cây gỗ hương còn sống, đường kính chỗ lớn nhất khoảng 40cm, cao khoảng 12m - 13m, tán rộng, ở ruộng lúa buôn H, xã E, huyện C của ông Y G Hđơk về sử dụng. Nguyễn Văn C dùng điện thoại di động gọi cho Phạm Văn T nói với T“Cầm cưa lốc đi theo đường vào trại heo buôn K, cưa cho anh cây gỗ với” thì T đồng ý và C nói tiếp “Tí gặp ngay cầu”, nghe vậy T mượn xe mô tô biển số 38F8-5565 (của mẹ là bà Hoàng Thị T) đi từ nhà đến cầu buôn K gặp C, thấy T đến C hỏi “Sao không mang theo cưa lốc”, T trả lời“Em tưởng chỉ vào coi nên không mang theo”, T rủ C về nhà T lấy cưa, C đồng ý và điều khiển xe máy cày đi xuống cánh đồng, thuộc buôn H, cách đường nhựa buôn K khoảng 50m, để xe ở đó, rồi lên xe mô tô T chở về nhà T ăn cơm tối. Sau đó, cả hai lấy cưa lốc của T nhãn hiệu FJIKAWA 5200 (dài 80cm, lưỡi cưa bằng kim loại dài 40cm, rộng 07cm, dày 0,02cm, thân máy cưa dài 40cm được ốp nhựa màu đỏ cam ở bên ngoài) rồi cùng đi về nhà C lấy thêm 01 cái bạt ni lông màu trắng, 01 cái cuốc đi ra nơi để xe máy cày. Đến nơi C nói “Mày cưa cho anh cây đằng kia”, đồng thời chỉ tay về phía cây gỗ hương, T hỏi lại “Cây gì?”, C trả lời “Anh không biết cây gì, nếu chú thích thì anh cho chú một khúc”, T đồng ý, vừa lúc này C và T nhìn thấy có một số người đội đèn pin đi bắt cua, cá ban đêm nên cả hai ngồi chờ đến khoảng 21 giờ cùng ngày, C điều khiển xe máy cày chở T đi băng qua ruộng đến chỗ cây gỗ hương, khi còn cách cây gỗ khoảng 50m thì C tắt máy dừng xe lại, C dùng điện thoại bật đèn chiếu sáng cho T dùng cưa lốc cắt đổ cây gỗ hương xuống, sau đó T cắt cây gỗ thành các đoạn, được các lóng (khúc) gỗ có kích thước như sau: 01 lóng gỗ (thân) dài 1.4m, đường kính 36.5cm, có khối lượng 0.146m3, 01 lóng gỗ (thân) dài 1.37m, đường kính 31.5cm có khối lượng 0.107m3 và phần còn lại tính đến ngọn dài khoảng 10m, có nhiều cành nhánh với chiều dài và đường kính khác nhau thì C và T bỏ lại không lấy.

Trong lúc T và C đang cưa trộm cây gỗ hương thì bị ông Y G Hđơk là chủ sở hữu phát hiện, nên ông gọi điện thoại báo cho vợ, con ông Y G biết, khoảng 20 phút sau thì Y D Hmôk (con ruột ông Y G Hđơk) chở Y K Hmôk (con ruột ông Y G Hđơk) và Y M Byă (con rể ông Y G Hđơk) chở Y P Lưk (con rể ông Y G Hđơk) đi trên 02 xe mô tô đến chỗ C và T, thấy vậy T vác cưa lốc chạy thoát, còn C do đang lái xe cày nên bị bắt giữ, lúc này Y D sử dụng đoạn dây vải thổ cẩm hình chữ nhật trói tay C ra phía sau lưng và điện thoại báo cáo cho Công an viên về việc bắt được người trộm cắp cây gỗ hương để Công an đến dẩn giải về, rồi cùng với những người còn lại dẫn C đi về buôn để giao cho Công an viên buôn H, khi đi được khoảng 10m thì C dùng vai húc Y P Lưk làm Y P bị ngã xuống đất và bỏ chạy, Y P hô “Nó chạy thoát rồi”, thì Y D lấy con dao (loại dao rựa dài 38cm, mũi dao nhọn, cán bằng gỗ dài 11,5cm, lưỡi dao bằng kim loại dài 26,5cm) do Y K đang cầm trên tay rồi cùng Y P, Y M đuổi theo khoảng 100m thì đuổi kịp, Y P dùng tay ôm vật C ngã xuống đất, dùng tay đánh vào người C, C đứng dậy bỏ chạy tiếp thì bị Y P sử dụng một con dao (dài 28cm, phần cán bằng gỗ dài 12cm, phần lưỡi dao bằng kim loại dài 16cm, rộng nhất 04cm, lưỡi dao tù) chém 01 nhát vào đầu C, trúng phía trên đỉnh phải nhưng C vẫn tiếp tục bỏ chạy nên Y D đuổi theo dùng tay xô C ngã xuống đất rồi dùng tay đánh vào người và dùng dao chém 01 nhát vào đầu C, trúng giữa đỉnh trái gây thương tích cho C. Lúc này Y P, Y M và Y K cũng vừa chạy đến, thấy C bị chảy máu nhiều nên mọi người đưa C về giao cho các anh Y S Bkrông và Y N Hmǒk là Công an viên buôn H. Thấy Nguyễn Văn C bị thương tích nên anh Y S và anh Y N đã đưa C đến Bệnh viện đa khoa huyện C để cấp cứu, đồng thời báo cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin biết, xử lý theo quy định.

Nhận được tin báo, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin đã đến hiện trường tiến hành khám nghiệm hiện trường và thu giữ các đồ vật, tài liệu có liên quan. Tuy nhiên, do phần ngọn cây dài khó khăn cho việc vận chuyển cũng như giám định gỗ nên ngoài 02 đoạn đã cắt thì Cơ quan chuyên môn (Công an, Kiểm lâm) đã cắt phần còn lại thành những lóng (khúc) gỗ có kích thước như sau: 01 lóng gỗ (thân) dài 0.4m, đường kính 31cm có khối lượng0.030m3, 01 lóng gỗ (cành) dài 1.5m, đường kính 21cm có khối lượng 0.052m3, 01 lóng gỗ (cành) dài 2.7m, đường kính 13.5cm có khối lượng 0.039m3, 01 lóng gỗ (cành) dài 2.1m, đường kính 20cm có khối lượng 0.066m3 và 01 lóng gỗ (cành) dài 4.3m, đường kính 14.5cm có khối lượng 0.071m3.

Tại bản Kết luận giám định ngày 18/4/2018, của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk và Trường Đại học T, đã kết luận:

+ Về khối lượng: Tổng khối lượng gỗ tròn là 0,511m3 (gồm 03 lóng và 04 cành nhánh của lóng thứ 03); Về chủng loại và nhóm gỗ: Gỗ Giáng Hương, nhóm IIa, có tên khoa học là Pterocarpus Macrocarpus.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 23/KL-HĐĐG ngày 26/4/2018, của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện C, đã kết luận: Tổng giá trị tài sản của 0,511m3 gỗ Giáng Hương, nhóm IIa tại thời điểm ngày 31/3/2018 là7.621.500 đồng. Trong đó 02 khúc gỗ mà các bị cáo đã trộm cắp có giá trị là 5.692.500 đồng

Tại bản Kết luận pháp y thương tích số 564/PY-TgT ngày 27/4/2018, của Trung tâm Pháp y tỉnh Đắk Lắk, đã kết luận: Nguyễn Văn C bị đa thương đầu, khuyết da. Tỉ lệ tổn thương cơ thể là 15% tạm thời 12 tháng. Vật tác động: Sắc, bén.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 28/2018/HSST ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Y D Hmǒk (tên gọi khác Y D Hmôk), bị cáo Y P Lưk phạm tội “Cố ý gây thương tích” và bị cáo Nguyễn Văn C, bị cáo Phạm Văn T phạm tội “Trộm cắp tài sản”

Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm đ, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Xử phạt bị cáo Y D Hmǒk (tên gọi khác Y D HMôk) 02 năm 03 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Y P Lưk 02 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án.

Căn cứ khoản 1 Điều 173; điểm h, I, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn C 12 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án.

- Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 07 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tính từ ngày bắt thi hành án.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí, tuyên quyền kháng cáo của các bị cáo và đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 27, 29/11/2018 các bị cáo Phạm Văn T, Nguyễn Văn C, Y P Lưk và bị cáo Y D Hmǒk đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.

Tại phiên toà phúc thẩm các bị cáo giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo và đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đã nêu.

Đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo và xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Y P Lưk và Y D Hmǒk về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự; các bị cáo Nguyễn Văn C và Phạm Văn T về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự là đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điêu 356 của Bộ luật tố tụng hình sự , không chấp nhận kháng cáo bị cáo Y P Lưk, bị cáo Y D Hmǒk, bị cáo Nguyễn Văn C và giư nguyên Bản án sơ thẩm vê hình phạt tù đối với các bị cáo.

Đối với bị cáo Phạm Văn T, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, điểm e khoản 1 Điêu 357 của Bộ luật tố tụn g hình sự, chấp nhận kháng cáo. Căn cứ khoản 1 Điều 173; điểm h, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn T 07 (bảy) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 02 (hai) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm. Đồng thời giư nguyên cac quyêt đinh khác của Bản án sơ thẩm.

Luật sư bào chữa cho các bị cáo các bị cáo Y P Lưk và Y D Hmǒk trình bày ý kiến thông qua Bản luận cứ như sau: Tòa án cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Y P Lưk và Y D Hmǒk về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự là đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, mức hình phạt như Bản án sơ thẩm đã tuyên là nghiêm khắc. Vì các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự thú về hành vi phạm tội, các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo, có nhân thân tốt. Mặt khác, các bị cáo nhất thời phạm tội, mà nguyên nhân là xuất phát từ các bị cáo Nguyễn Văn C và Phạm Văn T có hành vi trộm cắp tài sản của các bị cáo. Các bị cáo là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, bị cáo Y P Lưk đã có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, bị cáo Y D Hmǒk có ông nội là người có công với cách mạng. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và cho các bị cáo Y P Lưk và bị cáo Y D Hmǒk được hưởng án treo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không tranh luận bào chữa gì mà chỉ xin Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng án treo.

Kiểm sát viên giữ nguyên quan điểm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1]. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận: Vào tối ngày 21/3/2018, bị cáo Nguyễn Văn C và bị cáo Phạm Văn T có hành vi dùng cưa lốc để chặt hạ cây gỗ hương của gia đình ông Y G Hđơk với giá trị tài sản chiếm đoạt là 7.621.500đ. Sau khi bắt giữ và trói tay bị cáo Nguyễn Văn C thì bị cáo C dùng vai húc vào người bị cáo Y P làm bị cáo Y P bị té ngã, bị cáo Y P và bị cáo Y D đuổi theo, bị cáo Y P đã dùng tay đánh và dùng dao chém 01 cái trúng đầu bị cáo C nhưng bị cáo C tiếp tục bỏ chạy thì Y D Hmǒk đuổi theo dùng tay đánh và dùng dao chém 01 cái vào đầu Nguyễn Văn C gây thương tích tỷ lệ 15% sức khoẻ. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử các bị cáo Y D Hmǒk và bị cáo Y P Lưk về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự, bị cáo Phạm Văn T và bị cáo Nguyễn Văn C về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

[2]. Xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của các bị cáo Y D Hmǒk, bị cáoY P Lưk, bị cáo Nguyễn Văn C, bị cáo Phạm Văn T, thì thấy:

[2.1] Đối với bị cáo Nguyễn Văn C: Mặc dù, bị cáo C có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhất thời phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối hối cải, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn và bố bị cáo có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3 nhưng mức hình phạt 01 năm tù đối với bị cáo là tương xứng với tính chất mức độ hành vi của bị cáo gây ra, chính hành vi trộm cắp tài sản của bị cáo là nguyên nhân để các bị cáo Y D Hmǒk và bị cáo Y P Lưk thực hành vi phạm tội “Cố ý gây thương tích” mà người bị hại chính là bị cáo C. Do vậy, không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin hưởng án treo của bị cáo C, giữ nguyên mức hình phạt là thỏa đáng.

[2.2] Mức hình phạt 07 tháng tù đối với bị cáo Phạm Văn T là thỏa đáng. Tuy nhiên, bị cáo T có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhất thời phạm tội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối hối cải, phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, gây thiệt hại không lớn và bố bị cáo T có công với cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng 3. Mặt khác, bị cáo phạm tội là do bị cáo C rủ rê, lôi kéo.

Đối với các bị cáo Y D Hmǒk, bị cáo Y P Lưk: Các bị cáo nhất thời phạm tội, mà nguyên nhân phạm tội là do các bị cáo C và bị cáo T đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của gia đình các bị cáo, khi bắt giữ và trói tay bị cáo C để giao cho Công an xử lý thì bị cáo C đã húc vào người bị cáo Y P làm bị cáo Y P bị ngã xuống đất, nên khi đuổi kịp thì bị cáo Y P, bị cáo Y D bực tức đã dùng tay đánh và dùng hung khí gây thương tích cho bị cáo C. Như vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo là thuộc trường hợp “Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội” theo điểm đ khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Mặt khác, các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự thú về hành vi phạm tội, các bị cáo đã bãi nại cho nhau, các bị cáo có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số, trình độ văn hóa thấp, bị cáo Y P Lưk đã có thời gian tham gia nghĩa vụ quân sự, bị cáo Y D Hmǒk có ông nội là người có công với cách mạng.

Bị cáo Y P, bị cáo Y D và bị cáo T có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng. Do vậy, cần chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của các bị cáo để thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của pháp luật Nhà nước ta và cũng đảm bảo được việc cải tạo, giáo dục các bị cáo, đồng thời việc cho các bị cáo được hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, Bản án sơ thẩm xử phạt bị cáo Y D 02 năm 03 tháng tù là không công bằng so với mức hình phạt đối với bị cáo Y P, vì tính chất mức độ và vai trò khi thực hiện hành vi phạm tội giữa hai bị cáo là như nhau nên phải giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Y D là phù hợp.

[3]. Về án phí hình sự: Các bị cáo Y P, bị cáo Y D có sổ hộ nghèo nên theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thượng vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì các bị cáo thuộc trường hợp được miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm, phúc thẩm.

Do được chấp nhận kháng cáo nên bị cáo T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, còn bị cáo C không chấp nhận kháng cáo nên phải chịu án phí theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ điêm a, b khoản 1 Điêu 355; điểm c, e Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự;

- Chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Y D Hmǒk, bị cáo Y P Lưk, bị cáo Phạm Văn T - Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2018/HS-ST, ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk về biện pháp chấp hành hình phạt

- Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn C – Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 28/2018/HS-ST, ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt.

[2] Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm đ, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự;

- Xử phạt bị cáo Y D Hmǒk (tức Y D HMôk) 02 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

- Xử phạt bị cáo Y P Lưk 02 (hai) năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

[3] Căn cứ khoản 1 Điều 173; điểm h, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự;

- Xử phạt bị cáo Phạm Văn T 07 (bảy) tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 01 (một) năm 02 (hai) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.

Giao bị cáo Y D Hmǒk, bị cáo Y P Lưk, bị cáo Phạm Văn T cho Ủy ban nhân dân xã E, huyện C, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục các bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo Y D Hmǒk, bị cáo Y P Lưk, bị cáo Phạm Văn T có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục các bị cáo. Trong trường hợp các bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ hai lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của Bản án đã cho hưởng án treo.

[4] Căn cứ khoản 1 Điều 173; điểm h, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

- Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn C 01 (một) năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án.

[5] Về án phí hình sự:

- Các bị cáo Y P Lưk, bị cáo Y D Hmok được miễn toàn bộ án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm;

- Bị cáo Phạm Văn T không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm;

- Bị cáo Nguyễn Văn C phải chịu 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

318
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 53/2019/HSPT ngày 30/01/2019 về tội cố ý gây thương tích và trộm cắp tài sản

Số hiệu:53/2019/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;