Bản án 530/2017/HSPT ngày 26/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 530/2017/HSPT NGÀY 26/09/2017 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Trong ngày 26 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 479/2017/HSPT ngày 29/8/2017 đối với bị cáo Nguyễn Đình Thanh T và đồng phạm do có kháng cáo của người bị hại Hoàng Tăng Thị Thu H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 155/2017/HSST ngày 24/07/2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Các bị cáo bị kháng cáo:

1. Nguyễn Đình Thanh T, giới tính: nam; sinh năm: 1996 tại Bình Thuận; trú tại: xã A1, huyện A2, tỉnh Bình Thuận; tạm trú: phường A3, quận A4, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở: đường A5, phường A6, quận A7, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: sinh viên; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Nguyễn Đình P và bà Phan Thị Đức N; hoàn cảnh gia đình: bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 01/4/2016 (có mặt tại phiên tòa).

2. Lương Thùy Kiều Q (tên gọi khác: S), giới tính: nữ; sinh năm 1995 tại Bình Thuận; trú tại: đường B1, phường B2, thành phố P1, tỉnh Bình Thuận; chỗ ở: phường Q1, quận Q2, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: sinh viên; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Lương Thanh D1 và bà Đỗ Thị Ngọc T1; hoàn cảnh gia đình: bị cáo chưa có chồng, con; tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 01/4/2016 (có mặt tại phiên tòa).

3. Phạm Hoàng L, giới tính: nam; sinh năm 1997 tại Bình Thuận; trú tại: đường B3, phường B2, thành phố P1, tỉnh Bình Thuận; chỗ ở: B4, Phường 5, Quận B6, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ văn hóa: 12/12; con ông Phạm Anh L và bà Nguyễn Thị Ngọc T2; hoàn cảnh gia đình: bị cáo chưa có vợ, con; tiền án, tiền sự: không;

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 01/4/2016 (có mặt tại phiên tòa).

- Người bị hại kháng cáo: Bà Hoàng Tăng Thị Thu H, sinh năm 1996, Trú tại: xã B7, huyện B8, tỉnh Đăk Lăk (có mặt tại phiên tòa).

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đình Thanh T là ông T3, là Luật sư làm việc tại Văn phòng Luật sư X, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (Luật sư T3 có mặt tại phiên tòa).

- Người bảo vệ quyền lợi của người bị hại Hoàng Tăng Thị Thu H là ông B, là Luật sư làm việc tại Văn phòng Luật sư Y, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh và bà Ngô Lệ Q, là Luật sư làm việc tại Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước thuộc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh (Luật sư B và Luật sư Q có mặt tại phiên tòa).

NHẬN THẤY

Theo bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào năm 2014 Lương Thùy Kiều Q, Hoàng Tăng Thị Thu H, Trần Nguyễn Ái D và Phạm Thị Kim N2 là bạn học và thuê phòng trọ ở chung, đến khoảng tháng 8/2015 giữa Q và D xảy ra mâu thuẫn nên Q thuê nhà ở riêng, sau đó Q bàn bạc với Nguyễn Đình Thanh T sẽ sử dụng acid tạt vào người H để gây thương tích, rồi Q sẽ xuất hiện cùng với D đưa H đến bệnh viện cấp cứu, cùng chăm sóc cho H để Q hàn gắn lại tình cảm với D.

Để thực hiện kế hoạch, T chở Q đến Quận B9 mua 500ml dung dịch Acid Sulfuric của một phụ nữ (không rõ lai lịch) rồi đem về phòng trọ của Q cất giấu. Sau khi mua acid thì T đổ nước pha loãng acid và dùng ngón tay và thịt heo để thử độ bỏng của dung dịch acid, sau đó T đổ dung dịch acid đã pha loãng vào trong vỏ chai sữa bò L1 và cất giấu dưới giường ngủ của Q trước sự chứng kiến của Q. Đồng thời, Q tìm lịch học ở trường của H và D để chọn thời điểm gây án.

Vào sáng ngày 28/3/2016, T và Q quyết định tạt acid H nên T đi thuê xe mô tô Yamaha Exciter biển số 59P1 – V1 rồi quay về phòng trọ cùng Q bàn bạc kế hoạch tạt acid H. Theo kế hoạch thì T sẽ đứng trước cổng trường học C1, Phường C2, quận A chờ H và D đi học về ngang qua rồi sẽ chạy theo phía sau, T sẽ tạt acid vào người H đồng thời gọi điện thoại cho Q biết để Q chạy đến chỗ H bị tạt acid và cùng D đưa H đi cấp cứu.

Sau khi bàn bạc xong, T lấy chai acid đã chuẩn bị sẵn đổ vào vỏ chai nhựa L3 rồi dùng xe mô tô vừa thuê được đi thực hiện kế hoạch, cùng lúc này Q cũng đi xe của mình ra khỏi nhà. Nhưng do vỏ chai nhựa L3 bị dung dịch acid ăn mòn làm thủng chai, dung dịch acid chảy hết ra ngoài nên cả hai quay về. Sau đó T và Q đi mua một ca nhựa giữ nhiệt màu hồng có nắp đậy hiệu L1 để đựng acid.

Đến khoảng 21 giờ ngày 28/3/2016, thông qua tài khoản Facebook Q liên lạc và rủ Phạm Hoàng L cùng với T đi tạt acid. Sau đó, T gọi điện cho L và hẹn gặp L vào lúc 19 giờ ngày 29/3/2016 tại quán L4 ở đường C3. Đến ngày hẹn, T thuê xe gắn máy biển số 61G1 – V2 rồi chở Q đến địa điểm hẹn gặp L. Tại đây, T và Q thỏa thuận thuê L tạt acid với giá 1.000.000 đồng và đưa trước cho L số tiền 200.000 đồng, số tiền còn lại T sẽ trả hết cho L sau khi thực hiện xong ý và hẹn đến khoảng 09 giờ ngày 30/3/2016, T sẽ đến nhà trọ của L để đón L cùng đi thì L đồng ý.

Vào khoảng 9 giờ ngày 30/3/2016, T lấy chai sữa bò L1 đựng acid đã chuẩn bị sẵn trước đó, ca nhựa giữ nhiệt có nắp đậy màu hồng, một bịch ớt bột rồi chạy xe đến đón L như đã hẹn, còn Q điều khiển xe gắn máy Honda 67 chạy về đường C4 chờ T như kế hoạch đã bàn trước. Tại nhà trọ của L, T tháo biển số xe cất giấu rồi chở L đi. Khi đến đường C5, Quận B6, T dừng xe và lấy chai acid đổ vào ca nhựa mang theo sẵn đưa cho L cầm rồi vứt bỏ vỏ chai đựng acid bên lề đường, đồng thời đưa cho L bịch ớt bột và kêu L khi gây án xong nếu có người truy đuổi thì rải ớt ra phía sau để tẩu thoát, sau đó chở L đến trước cổng trường học C1 đứng chờ H và D đi học về. Lúc này, T gọi điện thoại hỏi Q đang ở đâu và kêu Q tiếp tục đứng chờ, khi nào tạt acid H xong thì T sẽ báo tin cho Q biết.

Đến khoảng 10 giờ 35 phút cùng ngày thì T nhìn thấy H điều khiển xe mô tô chở D ngồi phía sau chạy qua chỗ T đang đứng đợi thì T chỉ cho L nhìn thấy rồi kêu L tạt acid vào phía trước người điều khiển xe và L đồng ý. Sau đó, T điều khiển xe chở L chạy bám theo phía sau xe của H và D. Khi đến trước nhà số V3 đường C4, Phường O, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, T chạy xe vượt lên để L ngồi phía sau cầm ca acid tạt vào phía trước người H, acid văng trúng cả D, rồi T tăng ga chở L chạy tẩu thoát và điện thoại báo cho Q biết sự việc. Về phía Q, sau khi được T báo tin đã tạt acid H xong và cho biết địa điểm thì Q chạy xe đến cùng với những người xung quanh đưa H và D đến Bệnh viện A4 cấp cứu, còn T chở L về nhà trọ của L, gắn lại biển số xe và trả cho L số tiền còn lại là 800.000 đồng như đã thỏa thuận rồi T đi trả xe và đi về nhà trọ của Q.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tật số: 443/TgT.16 ngày 11/7/2016 của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tật của Hoàng Tăng Thị Thu H như sau:

1. Dấu hiệu chính qua giám định: Bỏng acid vùng trán mặt vai trái, tay phải, bỏng giác mạc mắt trái độ III, IV, bỏng giác mạc mắt phải độ I, đã được ghép màng ối tại mắt trái, hiện:

+ Còn vết thương rõ xấu chưa được xử lý tại vùng trán mắt trái, mũi và má phải, vết tăng giảm sắc tố da tại trán, mặt phải, ảnh hưởng thẩm mỹ.

+ Còn các sẹo tăng giảm sắc tố da tại vai trái và cẳng tay, cánh tay phải.

+ Đục thủy tinh thể và đục giác mạc mắt trái, mắt trái không nhìn thấy ánh sáng.

2. Theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần: tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 57%.

Đối với chị D cho biết chỉ bị tạt acid trúng mu bàn tay trái và ở cánh tay trái, các vết thương này nhẹ nên chị D từ chối giám định và không yêu cầu bồi thường.

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Tòa án nhân dân quận Gò Vấp xử phạt bị cáo Q từ 07 năm 06 tháng đến 08 năm tù; xử phạt bị cáo T và bị cáo L mỗi bị cáo từ 07 năm đến 07 năm 06 tháng tù;

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 155/2017/HSST ngày 24/7/2017 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Đình Thanh T, Lương Thùy Kiều Q và  Phạm Hoàng L phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng khoản 3 Điều 104; Điều 33 của Bộ luật Hình sự;

Xử phạt bị cáo Lương Thùy Kiều Q 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù được tính kể từ ngày tạm giữ, tạm giam 01/4/2016.

- Áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33 của Bộ luật Hình sự;

+ Xử phạt bị cáo Nguyễn Đình Thanh T 06 (sáu) năm tù, thời hạn tù được tính kể từ ngày tạm giữ, tạm giam 01/4/2016.

+ Xử phạt bị cáo Phạm Hoàng L 05 (năm) năm 6 (sáu) tháng tù, thời hạn tù được tính kể từ ngày tạm giữ, tạm giam 01/4/2016.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm, các bị cáo kháng cáo nhưng đến ngày 04/8/2017 người bị hại làm đơn kháng cáo xin tăng nặng hình phạt đối với ba bị cáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm khai nhận hành vi giống như các bị cáo đã khai nhận tại phiên tòa sơ thẩm. Tại lời nói sau cùng, các bị cáo xin lỗi người bị hại và xin Hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo được hưởng mức án nhẹ để các bị cáo có cơ hội làm lại cuộc đời.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau khi phân tích tính chất của vụ án, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đã đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm tình tiết định khung, đó là “có tính chất côn đồ” theo điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo. Đồng thời, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của người bị hại và sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo với mức án cụ thể là:

Bị cáo Lương Thùy Kiều Q: từ 09 năm tù đến 10 năm tù. Bị cáo Nguyễn Đình Thanh T: từ 08 năm đến 9 năm tù

Bị cáo Phạm Hoàng L: từ 07 năm tù đến 08 năm tù.

Luật sư T3 bào chữa cho các bị cáo Nguyễn Đình Thanh T trình bày: bị cáo T đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình bị cáo đã bồi thường một phần thiệt hại cho người bị hại nên cấp sơ thẩm đã áp dụng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự và xử phạt bị cáo T 06 năm tù là phù hợp. Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung theo điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo là chưa phù hợp. Vì theo hướng dẫn tại Nghị quyết 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã xác định khi Viện kiểm sát không kháng nghị thì tại phiên tòa phúc thẩm không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo. Do đó, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của người bị hại cũng như không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và giữ nguyên mức hình phạt cho bị cáo.

Luật sư B bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thêm các tình tiết định khung đối với các bị cáo đó là “có tính chất côn đồ” và “phạm tội có tổ chức” theo điểm i, f khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Luật sư còn đề nghị áp dụng thêm tình tiết tăng nặng là “phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” theo điểm k khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự. Từ đó Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo mức hình phạt trên 10 năm tù.

Luật sư Ngô Lệ Q bảo vệ cho người bị hại cũng đồng quan điểm với Luật sư B và đề nghị xử phạt các bị cáo mức hình phạt trên 10 năm tù.

Trong phần tranh luận, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng việc Viện kiểm sát đề nghị áp dụng thêm điểm i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự đối với các bị cáo là tình tiết định khung chứ không phải truy tố theo một điều khoản khác nên đề nghị này là có căn cứ. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát cũng cho rằng hậu quả đối với người bị hại có tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 57% đã là tình tiết định khung hình phạt nên đề nghị của Luật sư B về việc áp dụng thêm tình tiết tăng nặng tại điểm k khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự là không có cơ sở chấp nhận.

Cũng tại phần tranh luận, Luật sư T3 cho rằng các bị cáo phạm tội không thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ” và cũng không thuộc trường hợp “có tổ chức” nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận lời đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại. Ngược lại đại diện Viện kiểm sát và Luật bảo vệ quyền lợi cho người bị hại bảo lưu quan điểm.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, các bị cáo, luật sư,

XÉT THẤY

Vào năm 2014 Lương Thùy Kiều Q, Hoàng Tăng Thị Thu H, Trần Nguyễn Ái D và Phạm Thị Kim N2 là bạn học và thuê phòng trọ ở chung, đến khoảng tháng 8/2015 giữa Q và D xảy ra mâu thuẫn nên Q thuê nhà ở riêng. Sau khi thuê nhà ở riêng thì Q có bàn bạc với Nguyễn Đình Thanh T về việc sẽ sử dụng acid tạt vào người H để gây thương tích, từ đó Q có cơ hội gặp D để hàn gắn lại tình cảm với D.

Để thực hiện kế hoạch, T chở Q đến Quận B9 mua 500ml dung dịch Acid Sulfuric của một phụ nữ (không rõ lai lịch) rồi đem về phòng trọ của Q. Tại đây, T đổ nước pha loãng acid và dùng ngón tay và thịt heo để thử độ bỏng của dung dịch acid, sau đó T cất dung dịch acid đã pha loãng dưới giường ngủ của Q trước sự chứng kiến của Q. Về phía Q thì tìm lịch học ở trường của H và D để chọn thời điểm gây án.

Vào sáng ngày 28/3/2016, T và Q quyết định tạt acid H nên T đi thuê xe mô tô Yamaha Exciter biển số 59P1–V1 rồi quay về phòng trọ cùng Q bàn bạc kế hoạch tạt acid H. Theo kế hoạch thì T sẽ đứng trước cổng trường học tại đường C1 thuộc Phường C2, quận A chờ H và D đi học về, rồi T sẽ chạy theo phía sau và tạt acid vào người H, sau khi tạt acid xong T sẽ gọi điện thoại cho Q biết để Q chạy đến chỗ H bị tạt acid và cùng D đưa H đi cấp cứu. Sau khi bàn bạc xong, T lấy chai acid đã chuẩn bị sẵn đổ vào vỏ chai nhựa Sting rồi T sử dụng xe mô tô vừa thuê được, còn Q sử dụng xe của mình, cả hai đi thực hiện kế hoạch. Nhưng do vỏ chai nhựa Sting bị dung dịch acid ăn mòn làm thủng chai nên dung dịch acid chảy ra hết, do đó cả hai phải quay về. Tiếp sau đó, T và Q đi mua một ca nhựa giữ nhiệt màu hồng có nắp đậy hiệu Duy Tân để đựng acid.

Đến khoảng 21 giờ ngày 28/3/2016, thông qua tài khoản Facebook Q liên lạc và rủ Phạm Hoàng L cùng với T đi tạt acid. Sau đó, T gọi điện cho L và hẹn gặp L tại quán Bò Né ở đường C3 vào lúc 19 giờ ngày 29/3/2016. Đến ngày giờ đã hẹn, T thuê xe gắn máy biển số 61G1 – V2 rồi chở Q đến địa điểm hẹn gặp L và tại đây, T và Q thỏa thuận thuê L tạt acid với giá 1.000.000 đồng, đưa trước 200.000 đồng, số tiền còn lại sẽ trả hết sau khi thực hiện xong và L đồng ý.

Vào khoảng 09 giờ ngày 30/3/2016, T lấy acid đã chuẩn bị trước đó, ca nhựa giữ nhiệt có nắp đậy màu hồng, một bịch ớt bột rồi chạy xe đến đón L như đã hẹn. Còn phía Q điều khiển xe gắn máy Honda 67 chạy đến đường C4 đứng chờ như kế hoạch đã bàn trước. Tại nhà trọ của L, T đã tháo biển số xe cất giấu rồi chở L đi và khi đến đường C5, Quận B6 thì T dừng xe, lấy chai acid đổ vào ca nhựa mang theo sẵn đưa cho L cầm rồi vứt bỏ vỏ chai bên lề đường, đồng thời T còn đưa cho L một bịch ớt bột và kêu L khi gây án xong nếu có người truy đuổi thì rải ớt ra phía sau để tẩu thoát. Sau đó, T và L đến trước cổng trường học trên đường C1 đứng chờ D, H và lúc này, T gọi điện thoại kêu Q tiếp tục đứng chờ, khi nào tạt acid H xong thì T sẽ báo tin cho Q biết.

Đến khoảng 10 giờ 35 phút cùng ngày (30/3/2016) thì T nhìn thấy H điều khiển xe mô tô chở D ngồi phía sau chạy qua thì T chỉ cho L nhìn thấy rồi kêu L tạt acid vào phía trước người điều khiển xe và L đồng ý. Tiếp sau đó, T điều khiển xe chở L chạy bám theo phía sau và khi đến trước nhà số V3 đường C4, Phường O, quận A, Thành phố Hồ Chí Minh thì T vượt xe lên rồi L cầm ca acid tạt thẳng vào mặt của H làm acid văng trúng mặt H và trên người D. Sau khi tạt acid xong, T tăng ga chở L chạy tẩu thoát về nhà trọ của L, gắn lại biển số xe và trả cho L số tiền còn thiếu là 800.000 đồng như đã thỏa thuận rồi T đi trả xe và đi về nhà trọ chờ Q. Khi trên đường chạy tẩu thoát, T đã điện thoại báo cho Q biết sự việc và Q chạy xe đến cùng với những người xung quanh đưa H và D đến Bệnh viện A4 cấp cứu.

Tại bản Kết luận giám định pháp y về thương tật số: 443/TgT.16 ngày 11/7/2016 của Trung tâm Pháp y - Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kết luận thương tật của người bị hại Hoàng Tăng Thị Thu H có tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 57% (thương tích tại vùng mặt có tỉ lệ 21%; thương tích tại mắt trái có tỉ lệ 41%, vai trái có tỉ lệ 04%; cánh tay phải có tỉ lệ 02% và cẳng tay phải có tỉ lệ 02%. Tổng tỉ lệ thương tật theo phương pháp cộng lùi là 57.02%, làm tròn số là 57%).

Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố các bị cáo phạm tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009 để xét xử các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong chuyện tình cảm mà bị cáo Q, bị cáo T đã thuê bị cáo L và bị cáo L đã đồng ý dùng Acid Sulfuric tạt vào mặt người bị hại. Chất Acid Sulfuric là chất có tính chất oxy hóa cực mạnh, phá hủy cấu trúc của các bộ phận bị tác động nhưng các bị cáo vẫn thực hiện và gây đã gây ra cho chị H với tổng tỷ lệ thương tật là 57% (ngoài ra còn làm bị thương chị D nhưng vì vết thương nhẹ nên chị D từ chối giám định và không yêu cầu bồi thường). Do đó, hành vi của các bị cáo đã phạm tội thuộc trường hợp “dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người” và “thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê” được quy định tại điểm a và điểm h khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự, cùng với tỷ lệ thương tật của người bị hại là 57% nên Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp áp dụng khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự để truy tố và Tòa án nhân dân quận Gò Vấp áp dụng khoản 3 Điều 104 để xét xử đối với các bị cáo là có cơ sở.

Sau khi Tòa án xét xử sơ thẩm (ngày 24/7/2017), các bị cáo không kháng cáo nhưng đến ngày 04/8/2017 người bị hại kháng cáo yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với ba bị cáo. Xét thấy đơn kháng cáo của người bị hại làm trong thời hạn luật định nên hợp lệ.

Xét kháng cáo của người bị hại:

Hành vi của các bị cáo Q, T và L đã dùng acid gây thương tích cho người bị hại là rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bị hại, ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ cũng như cuộc sống hiện tại lẫn sau này của người bị hại nên cần phải có một mức án thật nghiêm khắc, tương xứng với hành vi, tính chất, vai trò phạm tội của các bị cáo đã thực hiện mới đủ tác dụng giáo dục, cải tạo các bị cáo thành người tốt hơn sau này, biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng tính mạng, sức khoẻ của người khác, đồng thời cũng đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Xét thấy, ngoài các tình tiết định khung “dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người” và “thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê” mà cấp sơ thẩm đã áp dụng cho các bị cáo thì trong vụ án này các bị cáo còn phạm tội thuộc trường hợp định khung là “có tổ chức” vì các lẽ sau đây: các bị cáo đã có sự bàn bạc về kế hoạch gây án, cụ thể là mua acid, pha loãng acid, mua can để đựng acid, thuê xe để đi gây án, tháo biển số xe để tránh sự phát hiện, chuẩn bị bột ớt để dễ dàng tẩu thoát, tìm lịch học của nạn nhân để xác định thời điểm gây án và sau khi gây án thì giả vờ có mặt để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Các bị cáo đã thực hiện đúng kế hoạch vạch ra và hậu quả nạn nhân bị thương tật với tỉ lệ 57%, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Trong vụ án này, bị cáo Q là người chủ mưu, rủ rê, cùng bàn bạc kế hoạch và chuẩn bị phương tiện phạm tội với bị cáo T. Đối với bị cáo T ngoài việc bàn bạc, chuẩn bị phương tiện phạm tội cùng với bị cáo Q thì bị cáo T còn thuê xe và chở L đi gây án nên bị cáo T vừa là người giúp sức tích cực cho người chủ mưu và chính bị cáo T cùng với bị cáo L là người thực hành trực tiếp gây án. Do đó khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo cần xem xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của từng người phạm tội.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát và Luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại đề nghị áp dụng thêm tình tiết định khung “có tính chất côn đồ” đối với các bị cáo là không có cơ sở vì: các bị cáo có nhân thân tốt, không phải là người có hành vi ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự ngăn cản của người khác để phạm tội. Hành vi phạm tội của các bị cáo được lên kế hoạch cặn kẽ, tỉ mỉ trong một thời gian dài và chính hành vi này đã có cơ sở xác định các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp “có tổ chức” như đã được phân tích ở trên.

Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng khoản 3 Điều 104 Bộ luật Hình sự để tuyên phạt bị cáo Q 07 năm tù. Đồng thời cũng áp dụng khoản 3 Điều 104 và các tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 để tuyên phạt bị cáo T 06 năm tù và bị cáo L 05 năm 06 tháng tù. Xét thấy, như đã phân tích ở trên, các bị cáo phạm tội với 3 tình tiết định khung hình phạt là: “dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người”; “có tổ chức” và “thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê” nên mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo cũng như hậu quả mà các bị cáo đã gây ra cho sức khỏe và tinh thần của người bị hại. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu kháng cáo của người bị hại và sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo.

Lập luận trên đây cũng là cơ sở để chấp nhận một phần lời trình bày của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một phần lời trình bày của các luật sư tại phiên tòa phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

Áp dụng Điều 241; điểm b khoản 2, khoản 3 Điều 248; khoản 3 Điều 249 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.

QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận kháng cáo của người bị hại là bà Hoàng Tăng Thị Thu H và sửa bản án hình sự sơ thẩm.

Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Đình Thanh T, Lương Thùy Kiều Q (tên gọi khác: Q) và Phạm Hoàng L phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Xử phạt: Nguyễn Đình Thanh T 08 (tám) năm tù, thời hạn tù được tính kể từ ngày 01/4/2016.

- Áp dụng khoản 3 Điều 104 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Xử phạt: Lương Thùy Kiều Q (tên gi khgc: S) 09 (chín) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù được tính kể từ ngày 01/4/2016.

- Áp dụng khoản 3 Điều 104; các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 của Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Xử phạt: Phạm Hoàng L 07 (bảy) năm tù, thời hạn tù được tính kể từ ngày 01/4/2016.

- Áp dụng Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Án phí hình sự phúc thẩm: người bị hại không phải nộp.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

285
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 530/2017/HSPT ngày 26/09/2017 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:530/2017/HSPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;