TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
BẢN ÁN 51/2018/HS-PT NGÀY 20/04/2018 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG
Trong các ngày 16 và ngày 20 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 127/2017/TLPT-HS ngày 01 tháng 12 năm 2017 đối với bị cáo Trần Quốc T do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Hà Tĩnh đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 28/2017/HSST ngày 26/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Hà Tĩnh.
- Bị cáo bị kháng nghị:
Trần Quốc T, Sinh ngày: 12/02/1961; trú tại: Thôn 1, xã M, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hoá: lớp 07/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Thanh K và bà Ngô Thị T; có vợ: Nguyễn Thị C và 04 con; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.
Vụ án còn có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện chủ rừng nhưng không có kháng cáo, không bị kháng nghị nên Tòa án không triệu tập tham gia phiên tòa phúc thẩm.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Sáng ngày 01/8/2016, Trần Quốc T thuê Nguyễn Sỹ T, Nguyễn Sỹ H, Nguyễn Sỹ H1, Nguyễn Sỹ T1, Nguyễn Văn H, Đặng Văn N, Dương Kim T, Nguyễn Sỹ T2 và Trần Văn V đều ở xã M, huyện C chặt phá rừng để trồng cây với mức tiền công 270.000đ/người/ngày; những người được thuê đã dùng máy cưa xăng, dao, rựa chặt phá toàn bộ cây thân gỗ, cây thực bì, tại Lô a, khoảnh 3, tiểu khu 332B thuộc xã M, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh để trồng cây Keo lá chàm. Quá trình chặt phá rừng T phân công nhiệm vụ cho từng người và từng vị trí chặt hạ cây. Đồng thời khi chặt phá rừng T nói rằng khu vực rừng đang chặt phá là do T quản lý và sử dụng nên những người tham gia chặt phá rừng không biết đó là rừng không được chặt phá. Quá trình T thuê người chặt phá rừng diễn ra trong ba ngày, đã chặt phá toàn bộ cây thân gỗ và cây thực bì trên diện tích khoảng hơn 1,9ha. Đến 9 giờ 45 phút, ngày 04/8/2016, trong khi T cùng với Nguyễn Sỹ T, Nguyễn Sỹ H, Nguyễn Sỹ H, Nguyễn Sỹ T, Nguyễn Văn H, Đặng Văn N, Dương Kim T, Nguyễn Sỹ T và Trần Văn V đang chặt phá rừng thì bị ông Dương Văn M phát hiện báo cáo với Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẽ Gỗ và Hạt Kiểm Lâm huyện C đến lập biên bản về việc chặt phá rừng của Trần Quốc T.
Sau khi việc chặt phá rừng bị phát hiện, Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ phối hợp với Hạt Kiểm Lâm huyện C cử người giám sát hiện trường và báo cáo với Cơ quan điều tra Công an huyện C. Cơ quan điều tra huyện C đã thành lập Hội đồng khám nghiệm hiện trường (có mời các cơ quan chuyên môn về quản lý và bảo vệ rừng) tiến hành đo đạc, tính toán về diện tích rừng, loại cây thân gỗ, chiều cao vút ngọn, độ tàn che và trữ lượng gỗ bị Tuấn chặt phá, tại lô a, khoảnh 3, tiểu khu 332B thuộc xã M, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả khám nghiệm xác định: Diện tích rừng bị T chặt phá hoàn toàn là một hệ sinh thái, trong đó có thành phần chính là cây lâu năm thân gỗ như: Lim, Gọ, Ngát, Đẻn, Trường, Dẻ..v.v...với diện tích là 19.400m2; mật độ cây thân gỗ bình quân là 755 cây/ha; trữ lượng lâm phần 60.44m3/ha; độ tàn che bình quân 0,365 và chiều cao vút ngọn trung bình của cây thân gỗ bị chặt phá là 6,85m.
Trên cơ sở quy hoạch rừng của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh; kết quả kiểm kê rừng đã được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn phê duyệt; kết quả điều tra, đánh giá rừng để thực hiện dự án JICA II và kết quả khám nghiệm hiện trường xác định 19.400m2 bị T chặt phá tại lô a, khoảnh 3, tiểu khu 332B thuộc xã M, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh là rừng tự nhiên nghèo, thuộc đối tượng là rừng phòng hộ rất xung yếu, đang được chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng.
Cơ quan điều tra Công an huyện C đã trưng cầu định giá tài sản thiệt hại do T chặt phá rừng. Kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng của huyện C kết luận: Tổng giá trị cây lâm sản bị T chặt phá là 308.942.500đ.
Với hành vi phạm tội trên, Tại bản án số: 28/2017/HSST ngày 26/9/2017 Tòa án nhân dân huyện C đã Quyết định:
Tuyên bố bị cáo Trần Quốc T phạm tội "Huỷ hoại rừng".
Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015; khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự: Xử phạt bị cáo Trần Quốc T 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 5 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo Trần Quốc T cho Uỷ ban nhân dân xã M, huyện C, tỉnh Hà Tĩnh quản lý giáo dục trong thời gian thử thách.
Án sơ thẩm còn tuyên về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng vụ án; tuyên buộc bị cáo phải chịu án phí; tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 10/10/2017 Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định kháng nghị số 01/QĐ-VKS-KNPT với nội dung đề nghị Toà án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tăng hình phạt và không cho bị cáo Trần Quốc T được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Trần Quốc T khai và thừa nhận hành vi phạm tội của bị cáo đúng như nội dung của bản án sơ thẩm.
Kiểm sát viên thực hành quyền công tố xét xử phúc thẩm vụ án vẫn giữ nguyên kháng nghị của Viện kiểm sát cấp sơ thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a, d khoản 2 điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự, sửa bản án sơ thẩm tăng mức hình phạt, cải biện pháp thi hành án không cho bị cáo Trần Quốc T được hưởng án treo.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm phù hợp với lời khai trong quá trình điều tra và với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án. Điều đó đã khẳng định bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện C xét xử bị cáo về tội "Huỷ hoại rừng" là đúng người, đúng tội, không oan sai.
Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo đã chặt phá rừng làm cho 19.400m2 rừng tự nhiên nghèo, thuộc đối tượng là rừng phòng hộ rất xung yếu, đang được chăm sóc, bảo vệ và phát triển, gây thiệt hại tổng giá trị cây lâm sản là 308.942.500đ. Hành vi của bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật, xâm phạm đến chế độ quản lý rừng của nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái.
[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm thấy rằng: Trần Quốc T đã thực hiện hành vi chặt phá rừng tự nhiên nghèo, thuộc đối tượng là rừng phòng hộ rất xung yếu, đang được chăm sóc bảo vệ và phát triển rừng gây hậu quả nghiêm trọng, hành vi phạm tội của bị cáo theo quy định tại khoản 3, điều 189 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù. Mặt khác, bị cáo T chỉ bồi thường được 50.000.000đ/308.942.500đ phải bồi thường, cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b, khoản 1, Điều 46 Bộ luật hình sự là không đúng theo quy định của pháp luật. Đối với việc bố bị cáo được tặng bằng khen trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tặng kỷ niệm chương thanh niên xung phong, cấp sơ thẩm cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm x, khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự 2015. Xét thấy, bị cáo phạm tội vào năm 2016, bị xét xử vào năm 2017, tại thời điểm đó Bộ luật hình sự 2015 chưa có hiệu lực pháp luật, căn cứ theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 thì việc Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết này đối với bị cáo là đúng. Vì vậy, để áp dụng có lợi cho bị cáo, cấp phúc thẩm vẫn cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Như vậy, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo điểm p khoản 1 điều 46; khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999 và điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy: Do nhận thức pháp luật kém nên khi phá rừng bị cáo không ý thức được đó là hành vi phạm tội, ý định của bị cáo cũng chỉ là phá rừng cũ để trồng rừng mới kiếm thêm thu nhập. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã bồi thường được 50 triệu đồng, bố bị cáo được tặng bằng khen trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được tặng kỷ niệm chương thanh niên xung phong, nguyên đơn dân sự xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, gia đình hoàn cảnh khó khăn, bị cáo là lao động chính trong gia đình, bố mẹ đã già yếu, ốm đau bệnh tật. Xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tại địa phương, bị cáo là người tích cực đi đầu trong việc phòng chống cháy rừng và chữa cháy rừng. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 47 xử phạt mức án dưới khung hình phạt đối với bị cáo là đúng, nhưng việc cho bị cáo được hưởng án treo là không nghiêm minh, thiếu tính răn đe, phòng ngừa tội phạm. Vì vậy, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy cần chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát, giữ nguyên mức hình phạt, cải biện pháp thi hành án không cho bị cáo được hưởng án treo mới đủ nghiêm để cải tạo giáo dục đối với bị cáo và ngăn chặn phòng ngừa chung.
Về phần án phí phúc thẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm a, d khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự.
Chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát đối với bị cáo Trần Quốc T, sửa bản án hình sự sơ thẩm.
Tuyên bố: Bị cáo Trần Quốc T phạm tội: “Huỷ hoại rừng”
Áp dụng điểm b khoản 3 Điều 189; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự 1999; điểm x khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.
Xử phạt bị cáo Trần Quốc T 03 (ba) năm tù, thời hạn tù tính từ ngày thi hành án.
2. Về án phí: Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 51/2018/HS-PT ngày 20/04/2018 về tội huỷ hoại rừng
Số hiệu: | 51/2018/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Tĩnh |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 20/04/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về