Bản án 51/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội bắt giữ người trái pháp luật

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN C-TỈNH PHÚ THỌ

BẢN ÁN 51/2017/HSST NGÀY 27/09/2017 VỀ TỘI BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 27/9/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện C - tỉnh Phú Thọ, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 45/2017/HSST, ngày 25/8/2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 53/2017/HSST-QĐ ngày 04/9/2017 đối với bị cáo:

NGUYỄN THỊ P - sinh 1972 tại xã V, huyện C, tỉnh Phú Thọ; cư trú tại: Khu G, xã V, huyện C, tỉnh Phú Thọ; tên gọi khác: Không; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: Lớp 02/12; con ông Nguyễn Xuân M- sinh năm 1937 và bà Đặng Thị L (Đã chết); có chồng là Đỗ Văn T- sinh năm 1969 và 02 con (Lớn nhất sinh năm 1996, nhỏ nhất sinh năm 1998); tiền sự, tiền án: Không; danh chỉ bản số 106 do Công an huyện C lập ngày 29/6/2017; không bị bắt tạm giữ, tạm giam, được tại ngoại tại nơi cư trú. Có mặt.

Người bào chữa của bị cáo Nguyễn Thị P: Luật sư Nguyễn Quốc T và Luật sư Lê Văn C; nơi làm việc: Văn phòng luật sư QT - Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Có mặt.

Người bị hại: Bà Đặng Thị L - sinh năm 1936; cư trú tại: Khu H, xã V, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Luật sư Đinh Văn T; nơi làm việc: Văn phòng luật sư QM - Đoàn luật sư tỉnh Phú Thọ. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại bản cáo trạng số 51/KSĐT, ngày 24/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện C đã quyết định truy tố bị cáo Nguyễn Thị P về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 điều 123 của Bộ luật hình sự 1999, với các tình tiết phạm tội như sau:

Khoảng 11 giờ 15 phút ngày 14/3/2017, bà Đặng Thị L, sinh năm 1936 ở khu H, xã V, huyện C đi bộ từ nhà đến bãi (đồi) trồng cây của nhà bà ở khu G, xã V, huyện C. Khi đi bà L đội nón lá và mang theo 01 con dao (loại dao quắm, chuôi và lưỡi bằng kim loại, dài khoảng 40cm) để phát cỏ. Đến đồi cây, bà L thấy 07 gốc cây bạch đàn (cây bạch đàn đã chặt thân, tại gốc cây đã mọc mầm chồi mới) đã bị máy múc múc đi hết. Do đồi cây nhà bà L ở ngay đằng sau nhà Nguyễn Thị P, sinh năm 1972, ở khu G, xã V, huyện C, và biết việc P vừa thuê máy múc san lấp đất nên bà L đi từ đồi cây xuống nhà P để hỏi P về 07 gốc cây bạch đàn trên (khoảng cách từ đồi cây xuống nhà P khoảng 40 mét). Khi còn cách đầu nhà P khoảng 10 mét thì bà L gọi P, giữa bà L và P xảy ra mâu thuẫn, hai bên to tiếng cãi chửi nhau (lúc này chỉ có một mình P ở nhà). Sau đó, bà L đi từ nhà P xuống dưới đường liên khu để gọi con trai là anh Hạ Văn S, Sinh năm 1969 (nhà anh S cách nhà P khoảng 100 mét) nhưng ông Nguyễn Văn C là bố vợ anh S nói anh không có nhà. Bà L lại đi lên nhà P một mình, trên đường đi bà nhặt 02 cành cây củi dài khoảng 1,4 mét, 01 cành có đường kính đầu to là 01cm, cành còn lại đường kính đầu to là 0,5cm, bà L cầm 02 cành cây này ở tay trái. Khi lên đến bãi đất phía đầu nhà P (cách nhà P khoảng 15 mét) thì bà L gọi P ra để cùng lên kiểm tra đồi cây nhưng P không lên. Bà L và P lại cãi chửi to tiếng với nhau. Trong lúc cãi nhau, P đi lại phía bà L, bà L đi về phía P, bà L dùng 02 cành cây đang cầm ở tay trái vụt vào người P nhưng không gây thương tích gì. P dùng hai tay nắm lấy hai tay bà L, gỡ dao bà L đang cầm vứt xuống nền sân. Sau đó kéo bà L từ đầu nhà đi vào cột hiên thứ tư từ đầu nhà đi vào, rồi dùng chân phải khều sợi dây thừng có sẵn ở thềm hè, sau đó lấy tay cầm lấy đoạn dây và trói bà L vào cột hiên thứ tư. Bà L bị dây thừng trói vòng 01 vòng qua người, hai tay bà không bị trói, tư thế đứng áp bụng vào cột. Sau khi trói bà L xong, P dùng điện thoại di động sim số 01636.016.389 gọi tới số điện thoại

01628.196.136 là số điện thoại của chị Ngô Thị C, là trưởng khu hành chính G (thời điểm P gọi chị C là lúc 11 giờ 52 phút) bảo chị C đến ngay và gọi công an xã đến vì có bà L đang làm “nũng” ở nhà P. Khoảng vài phút sau thì anh Hạ Văn S đến nhà P, sau đó các con cháu của bà L cùng chị C và ông Đặng Văn G, sinh năm1960  là công an viên khu G – xã V đến. Khi mọi người đến bà L vẫn đang bị trói đứng ở cột hiên. Nghe thấy có người nói cởi trói cho bà L, P đi vào bếp của gia đình cầm dao ra cắt đứt dây trói. Nhưng sau đó lại có người nói phải buộc dây lại chờ công an xã đến giải quyết nên P lại dùng chính sợi dây vừa cắt trói bà L lại như trước, đến khi ông Trần Văn S, Sinh năm 1984 là Phó Trưởng công an xã V đến thì P mới cởi trói cho bà L.

Vật chứng thu giữ: 01 con dao kiểu dao quắm, chuôi và lưỡi bằng kim loại, dài khoảng 40cm; 01 đoạn dây thừng dài 1,4 mét có hai mối buộc; 03 đoạn dây chun bằng săm xe đạp, một đoạn dài 40cm, một đoạn dài 60cm, đoạn thứ ba dài 80cm; 02 đoạn cây củi dài khoảng 1,4 mét, một đoạn có đường kính đầu to là 1cm, đoạn còn lại có đường kính đầu to là 0,5cm.

Tại Biên bản làm việc ngày 22/7/2017 tại Trạm y tế xã V xác định: Khi vào trạm y tế ngày 14/3/2017, tại vùng bắp tay phải và trái của bà Đặng Thị L có vết thâm tím, xây sát da. Ngoài ra không có thương tích nào khác.

Quá trình điều tra, P khai: Khi hai bên xô xát, cãi chửi nhau, do bà L dùng dao quắm dơ lên định chém P nên P mới dùng tay gỡ dao bà L đang cầm ném xuống nền sân và cầm tay kéo hai tay bà L lại cột hiên trói. Tuy nhiên, bà L khẳng định bà không dơ dao lên chém P, mà do P dùng 01 cành sắn vụt vào đầu bà làm nón lá bà đang đội cụp xuống mặt nên bà dùng 02 cành củi khô vụt vào người P rồi P nắm hai tay bà kéo vào đầu nhà trói bà vào cột hiên bằng dây chun, sau đó bà L căng cựa khiến dây chun đứt ra nên P mới kéo bà lại cột hiên thứ tư nhặt đoạn dây thừng ở thềm hè trói bà lại. Nhưng P khai không dùng cành sắn đánh bà L và dùng dây chun trói bà L. Quá trình điều tra không có cơ sở xác định việc bà L dùng dao quắm dọa đánh P và P dùng cành sắn đánh bà L sau đó dùng dây chun trói bà L.

Tại Cơ quan cảnh sát điều tra, P khai nhận hành vi bắt trói bà L như đã trình bày ở trên. Lời khai của P tại cơ quan cảnh sát điều tra phù hợp lời khai của bị hại Đặng Thị L về thời gian, địa điểm, công cụ phạm tội và thương tích, phù hợp lời khai nhân chứng và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Về trách nhiệm bồi thường dân sự: Do Nguyễn Thị P không có thương tích gì, bà L chỉ bị thâm tím, xây xát da nhẹ, cả hai không có đề nghị bồi thường nên trách nhiệm bồi thường dân sự không đặt ra giải quyết.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị P giữ nguyên lời khai như tại cơ quan điều tra và Viện kiểm sát.

Đại diện viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị:

-Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị P phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Áp dụng: Khoản 1 Điều 123; Điểm h Khoản 1 Điều 46; Điểm h Khoản 1 Điều 48; Điều 31 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị P từ 06 đến 09 tháng cải tạo không giam giữ. Miễn khấu trừ thu nhập và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo Nguyễn Thị P.

-Về xử lý vật chứng:

Áp dụng: Điều 41 của Bộ luật hình sự và khoản 2 điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự;

+Tịch thu để tiêu hủy 01 sợi dây thừng dài 1,4m, có 02 mối buộc; 03 đoạn dây chung bằng xăm xe đạp; 02 đoạn cây củi dài 1,4m.

+Trả lại cho bà Đặng Thị L 01 dao quắm dài 40cm.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị P có ý kiến tranh luận như sau: Đề nghị tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị P vô tội, vì các căn cứ sau:

-Sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan điều tra không tiến hành hoạt động tố tụng nào, chỉ sử dụng các tài liệu tiền tố tụng để làm căn cứ buộc tội là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.

-Lời trình bày của người làm chứng là chị Nguyễn Thị M không khách quan, vì trước đây giữ chồng chị M và bị cáo P đã có mâu thuẫn. Những người làm chứng còn lại đều là người có quan hệ gia đình, họ hàng, nên lời trình bày của họ cũng không thể khách quan.

-Trước khi xảy ra sự việc, giữa bị cáo P và bà Đặng Thị L đã có tranh chấp về đất đai, UBND xã V đã phải giải quyết. Từ mâu thuẫn đó, ngày 14/3/2017, bà L đã mang dao, gậy đến nhà bị cáo và như vậy, việc bị cáo P trình bày là bị bà L dùng dao chém là có cơ sở. Do bị đe dọa bởi hành vi rất nguy hiểm của bà L, nên hành động của bị cáo P bắt trói bà L lại để báo chính quyền khu đến giải quyết là đúng pháp luật, không phải là tội phạm.

Bị cáo Nguyễn Thị P không không có ý kiến tranh luận và trình bày lời nói sau cùng như sau: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét tuyên bị cáo vô tội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại trình bày: Không có chứng cứ chứng minh bà Đặng Thị L dùng dao chém bị cáo Nguyễn Thị P và có đủ căn cứ xác định bị cáo Nguyễn Thị P đã bắt giữ bà L trái pháp luật. Đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị P phạm tội bắt giữ người trái pháp luật theo điều 123 của Bộ luật hình sự và xử phạt bị cáo P từ 06 đến 09 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Căn cứ vào các chứng và tài liệu được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

1. Về tố tụng hình sự: Hồ sơ vụ án cho thấy sau khi Cơ quan điều tra Công an huyện C quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đã tiến hành các hoạt động tố tụng như hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị hại, người làm chứng, cho đối chất giữa bị cáo và người bị hại và thu thập các chứng cứ tài liệu khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, nên việc luật sư bào chữa của bị cáo P cho rằng “sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan điều tra không tiến hành bất cứ hoạt động tố tụng nào” là không có căn cứ chấp nhận. Đối với vụ án này, có đủ căn cứ để xác định, các quyết định tố tụng của Cơ quan cảnh sát điều tra, hành vi tố tụng của điều tra viên trong quá trình điều tra vụ án; quyết định tố tụng của Viện kiểm sát và hành vi tố tụng của Kiểm sát viên trong giai đoạn truy tố cơ bản là đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

2. Về căn cứ buộc tội:

Do Cơ quan điều tra không thực nghiệm điều tra lời khai làm chứng của chị Nguyễn Thị M - sinh năm 1976; cư trú tại: Khu H, xã V và ông Nguyễn Văn C- sinh năm 1930; cư trú tại xóm L, xã V xem họ ở vị trí đang đứng có nhìn thấy, nghe thấy diễn biến xô xát giữa bị cáo Nguyễn Thị P và bà Đặng Thị L hay không. Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng đã tiến hành xem xét tại chỗ, nhưng do hiện trường nơi đã xảy ra tội phạm thay đổi nhiều (cây trồng mọc cao che khuất tầm nhìn) nên không thể cho kết quả thực nghiệm chính xác. Do vậy, lời khai của ông Nguyễn Văn C, chị Nguyễn Thị M không được sử dụng làm căn cứ để giải quyết, xét xử vụ án.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị P khai nhận bản thân đã có hành vi dùng dây thừng trói bà Đặng Thị L vào cột hiên nhà

thứ tư của gia đình bị cáo P. Lời khai của bị cáo phù hợp với bản ảnh do anh Hạ Văn H, Công an xã V đã chụp lại và cung cấp cho Cơ quan điều tra. Phù hợp với lời trình bày của người bị hại, người làm chứng là bà Ngô Thị C (Trưởng khu G), ông Đặng Văn G (Công an viên khu G), anh Hạ Văn S (con trai bà Đặng Thị L) và ông Trần Văn S (Phó Ban công an xã V). Đổng thời, bị cáo Nguyễn Thị P, người bào chữa cho bị cáo P không có tài liệu, chứng cứ chứng minh là bà Đặng Thị L dùng dao chém bị cáo P. Do vậy, có đủ cơ sở để kết luận: Khoảng 11 giờ 30 phút, ngày 14/3/2017, tại nhà ở gia đình bị cáo Nguyễn Thị P thuộc khu G, xã V, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Khi giữa bà Đặng Thị L và bị cáo Nguyễn Thị P đang nói cãi chửi nhau về việc có hay không 07 cây bạch đàn của gia đình bà L bị gia đình bị cáo P gây thiệt hại khi múc đất, bị cáo Nguyễn Thị P đã cầm tay, khống chế, kéo bà Đặng Thị L từ đầu nhà đến cột hiên nhà thứ tư, rồi dùng dây thừng trói bà L vào cột hiên nhà bị cáo, nhằm mục đích không cho bà L đi đâu vượt ra ngoài tầm kiểm soát của bị cáo P. Hành vi của bị cáo P bắt giữ bà Đặng Thị L như đã nêu trên được thực hiện khi bị cáo P không có thẩm quyền bắt giữ và không thuộc trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người có lệnh truy nã, nên đã đủ yếu tố cấu thành tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” theo quy định tại khoản 1 điều 123 của Bộ luật hình sự.

Do vậy, Quyết định truy tố của Viện kiểm sát đối với bị cáo Nguyễn Thị P là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. 

3. Về tính chất hành vi phạm tội: Hành vi của bị cáo đã xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền tự do, uy tín chính trị, danh dự của công dân; xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.

4. Về nhân thân: Bị cáo không có tiền sự, tiền án.

5. Về các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo phải chịu 01 tình tiết tăng nặng theo quy định tại điểm h khoản 1 điều 48 của Bộ luật hình sự là: phạm tội đối với người già và được hưởng 02 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật hình sự là: phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;

Căn cứ vào tính chất hành vi phạm tội, nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo trên cơ sở phục vụ công tác đấu tranh chống, phòng ngừa chung tội phạm và tạo điều kiện cho bị cáo có cơ hội sửa chữa sai lầm, cần chấp nhận đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát là áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ với mức đủ để bị cáo tỉnh ngộ, sớm cải tạo thành công dân có ích cho xã hội.

Về khấu trừ thu nhập: Theo quy định tại khoản 3 điều 31 của Bộ luật hình sự, thì người bị xử phạt cải tạo không giam giữ bị khấu trừ một phần thu nhập từ 05% đến 20% để sung quỹ nhà nước. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh của Cơ quan điều tra cho thấy bị cáo có nghề nghiệp chính là làm ruộng, thu nhập thấp và không ổn định, nên miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo P.

6. Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại khoản 4 điều 123 của Bộ luật hình sự, thì người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm. Tuy nhiên, bị cáo P không có chức vụ nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo P.

7.Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại không yêu cầu, nên không đề cập giải quyết.

8. Về xử lý vật chứng:

- Dây thừng, dây chun, cây củi gỗ đã thu giữ là công cụ, phương tiện phạm tội và không còn giá trị sử dụng, cần tịch thu để tiêu hủy.

- Đối với con dao loại dao quắm đã thu giữ thuộc sở hữu của bà Đặng Thị L, không liên quan tới tội phạm và bà L có yêu cầu nhận lại, nên trả lại cho bà L.

9. Về án phí: Bị cáo Nguyễn Thị P phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1.Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị P phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Áp dụng: Khoản 1 Điều 123; Điểm h, p Khoản 1 Điều 46; Điểm h Khoản 1 Điều 48; Điều 31 của Bộ luật hình sự;

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị P 09 (Chín) tháng cải tạo không giam giữ. Thời hạn cải tạo không giam giữ tính từ ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát bị cáo nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án. Giao bị cáo Nguyễn Thị P cho UBND xã V, huyện C, tỉnh Phú Thọ để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian chấp hành án.

Miễn khấu trừ thu nhập đối với bị cáo Nguyễn Thị P.

2.Về xử lý vật chứng:

Áp dụng: Điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều 41 của Bộ luật hình sự; Điểm a, b, đ Khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự.

2.1. Tịch thu để tiêu hủy: 01 sợi dây thừng dài 1,4m, có 02 mối buộc; 03 đoạn dây chun bằng xăm xe đạp, 02 đoạn cây củi dài 1,4m (Theo biên bản giao vật chứng giao đến Chi cục thi hành án dân sự huyện C ngày 24/8/2017).

2.2.Trả lại cho bà Đặng Thị L 01 dao quắm dài 40 cm (Theo biên bản giao vật chứng giao đến Chi cục thi hành án dân sự huyện C ngày 24/8/2017).

3.Về án phí:

Áp dụng các khoản 1, 2 điều 99 của Bộ luật tố tụng hình sự và điểm a khoản 1 điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

Buộc bị cáo Nguyễn Thị P phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, bị cáo, người bị hại, người bào chữa cho bị cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại được quyền kháng cáo đến Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ để yêu cầu xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

646
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 51/2017/HSST ngày 27/09/2017 về tội bắt giữ người trái pháp luật

Số hiệu:51/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Cẩm Khê - Phú Thọ
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;