TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 494/2018/DSPT NGÀY 17/05/2018 VỀ ĐÒI TÀI SẢN
Vào ngày 10 và ngày 17 tháng 05 năm 2018, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 51/2018/TLPT-DS ngày 01/02/2018 về việc “Đòi tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 384/2017/DSST ngày 22/11/2017 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1163/2018/QĐPT-DS ngày 19/3/2018 và Quyết định hoãn phiên tòa số 2301/2018/QĐPT-DS ngày 13/4/2018 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Lê Văn T, sinh năm 1963( vắng mặt)
Bà Dương Thị A, sinh năm 1969 (có mặt)
Cùng địa chỉ: 55 đường E, tổ 20, khu phố A, phường B, Quận C, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Văn T ủy quyền cho Bà Dương Thị A.
Bị đơn: Ông Phan Văn T, sinh năm 1957 (vắng mặt)
Địa chỉ: 292 tổ 17, khu phố A, phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm Trần L, sinh năm 1988 ( có mặt)
Địa chỉ: Số 179 đường E, khu phố H, phường T, quận Đ, Thành phố Hồ Chí Minh.
(Văn bản ủy quyền số 16333 ngày 07/5/2018 của Phòng công chứng số 3 Thành phố Hồ Chí Minh)
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1/ Ngân hàng A
Địa chỉ: 568A đường C, khu phố Đ, phường H, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện ủy quyền: Ông Nguyễn Minh T (có đơn xin xét xử vắng mặt)
2/ Bà Lưu Anh Th, sinh năm 1976
Địa chỉ: 42 đường A, phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)
Người làm chứng:
1/ Ông Trần Hùng M, sinh năm 1971
Địa chỉ: 42 đường B , khu phố C, phường Đ, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)
2/ Bà Vũ Thị Đ, sinh năm 1972
Địa chỉ: 41 đường E, khu phố D, phường Đ, Quận H, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 29/02/2016 và lời khai tại Tòa sơ thẩm, nguyên đơn Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A trình bày: Năm 2012, vợ chồng ông bà dự định vay tiền ngân hàng để xây dựng phòng trọ cho thuê nên có nhờ Ông Phan Văn T làm thủ tục vay Ngân hàng A (gọi tắt là Ngân hàng). Trước đó, vợ chồng bà có thế chấp phần đất vườn diện tích 1.089m2 tại ngân hàng khác vay số tiền 100.000.000 đồng. Để rút sổ vay Ngân hàng A, ông bà mượn tiền gia đình và tự đi đến ngân hàng giải chấp. Ngoài ra, ông bà còn mượn gia đình hơn 100.000.000 đồng để đóng thuế lấy sổ hồng về. Khi đi làm thủ tục vay Ngân hàng hàng A, vợ chồng bà có đi cùng xe ô tô với ông T và bà Th. Bà không biết lý do gì bà Th đi cùng xe, vì xe do ông T kêu. Ông bà được Ngân hàng cho vay 1.000.000.000 đồng. Ngân hàng không chi tiền mặt mà chuyển vào tài khoản. Do không biết sử dụng tài khoản nên ông T nói chuyển tiền vào tài khoản của ông T rồi ông T rút tiền mặt đưa lại cho ông bà. Do tin tưởng ông T nên ngày 14/11/2012, ông bà đã đồng ý chuyển số tiền vay 1.000.000.000 đồng qua tài khoản số 6302205193343 của ông T bằng phiếu ủy nhiệm chi ngày 14/11/2012 với nội dung ghi “Thanh toán tiền mua đất” nhưng thực chất giữa đôi bên không có giao dịch mua bán nhà đất. Ông bà nhiều lần đến nhà hỏi ông T thì được ông T trả lời là do số tiền lớn nên chưa lấy được. Đến khi hợp đồng đáo hạn ngày 14/11/2013 thì ông T nói đi ký lần nữa mới có tiền, ông bà tin tưởng nên ký lại hợp đồng chứ không biết là ký đáo hạn vay lại. Sau khi ký lại vài tháng cũng chưa thấy ông T giao tiền nên ông bà đến nhà hỏi ông T thì ông T lại trả lời là do số tiền lớn nên chưa lấy được. Ông bà có nói ông T rút lại hồ sơ để bà đi vay chỗ khác. Sau đó, bà nhận được thông báo yêu cầu trả lãi theo định kỳ của Ngân hàng, bà có đến Ngân hàng báo là bà không nhận được tiền vay. Ngân hàng có mời bà và ông T lên làm việc, tại buổi làm việc có sự chứng kiến của nhân viên Ngân hàng là Ông Nguyễn Minh T và Bà Vũ Thị Đ, ông T nói đã giao số tiền cho bà Lưu Anh Th trong khi ông bà không bảo ông T làm việc này và không biết gì về việc ông T giao tiền cho bà Th.
Đối với giấy mượn tiền ngày 09/10/2013, do ông T viết, ông bà xác nhận chữ ký trong giấy mượn tiền là của ông bà. Do khi đáo hạn, ông T yêu cầu ký giấy này để Ngân hàng chuyển tiền qua tài khoản của ông T do ông bà không có tài khoản. Thực tế vợ chồng bà không có mượn số tiền 500.000.000 đồng của ông T và ngày 21/11/2013, vợ chồng bà cũng không có trả số tiền 500.000.000 đồng trên cho ông T.
Từ đó đến nay, ông T cố tình né trAtrong khi hàng tháng chúng tôi phải trả tiền lãi vay cho Ngân hàng. Ông bà nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Ông Phan Văn T phải trả ngay một lần cho ông bà số tiền 1.000.000.000 đồng và tiền lãi ông bà đã trả cho Ngân hàng từ ngày 20/11/2013 đến khi thanh toán xong toàn bộ số nợ Ngân hàng.
Đại diện ủy quyền bị đơn ông Mai Trung Đ trình bày: Vào tháng 10/2012, thông qua giới thiệu bà Lưu Anh Th có đến gặp ông T nhờ làm hồ sơ thế chấp 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Ông Lê Văn T, Bà Dương Thị A vay tiền tại Ngân hàng với số tiền 1.000.000.000 đồng để ông T, bà A dùng một phần trả nợ mua nhà đất tại số 55 tổ 20 đường A, phường B, Quận C; một phần trả nợ cho bà Th do trước đó bà Th có lo tiền bồi thường cho con của ông T, bà A gây thương tích cho người ta, lo công việc cho 02 con của ông T, bà A; và một phần bà Th vay thêm ông T, bà A lấy vốn làm ăn. Tuy nhiên, hiện ông T bà A đang cần trước số tiền khoảng 300.000.000 đồng để chuộc sổ đang cầm cố cho người ta, sau khi vay được tiền Ngân hàng sẽ trả lại số tiền này.
Do có quen biết, nên ông T đưa hồ sơ cho Ngân hàng B xem xét và được duyệt cho vay số tiền 900.000.000 đồng nhưng ông T, bà Akhông chịu vay vì không đủ tiền lo công việc. Sau đó, ông T có đem hồ sơ đến Ngân hàng A hỏi thì được cho vay số tiền 1.000.000.000 đồng, ông T báo lại thì ông T, bà A đồng ý.
Trong thời gian làm hồ sơ cho vay, biết chắc sẽ vay được tiền Ngân hàng, nên bà Th, ông T, bà A nhờ ông T ứng tiền cho mượn trước, khi Ngân hàng giải ngân thì sẽ hoàn trả lại cho ông T và sẽ thưởng thêm tiền cho ông T. Do tin tưởng Ngân hàng sẽ cho vay được nên ông T đồng ý và lấy tiền tiết kiệm đang gửi tại Ngân hàng cho ông T, bà A mượn trước số tiền 1.000.000.000 đồng (bản chính giấy vay 1.000.000.000 đồng do Ngân hàng lưu giữ), số tiền này được ông T, bà A dùng để trả tiền vay gốc và lãi hết 330.000.000 đồng để chuộc giấy tờ cầm cố về, số tiền 670.000.000 đồng còn lại ông T, bà A giao hết cho bà Th để trả nợ và cho bà Th vay thêm như trình bày nêu trên.
Sau đó, ông T có báo cho Ngân hàng biết ông T có cho ông T bà A mượn số tiền 1.000.000.000 đồng, và ông T bà Acũng đồng ý nhờ Ngân hàng làm hồ sơ giải ngân số tiền vay 1.000.000.000 đồng để trả nợ cho ông T. Do đó đến ngày 14/11/2012, căn cứ vào Hợp đồng tín dụng số 6302-LAV- 201200888/HĐTD ngày 13/11/2012 giữa Ngân hàng A và ông T, bà A, Ngân hàng đã giải ngân số tiền 1.000.000.000 đồng vào tài khoản của ông T theo Uỷ nhiệm chi ngày 14/11/2012 để ông T, bà A trả nợ cho ông T. Cùng ngày 14/11/2012, ông T đến nhà bà Th để nhận tiền thưởng công sức ông T bỏ ra và ông T được bà Th thưởng số tiền 70.000.000 đồng.
Vào ngày 09/10/2013, ông T và bà A gặp khó khăn nên tiếp tục nhờ ông T làm hồ sơ xin Ngân hàng cho vay thêm số tiền 500.000.000 đồng. Do Ngân hàng không cho vay nên ông T đã lấy tiền tiết kiệm cho ông T, bà A mượn số tiền 500.000.000 đồng. Sau này, số tiền 500.000.000 đồng được hai bên ghi chung vào số tiền 1.000.000.000 đồng vay 2012 nên đã bỏ giấy vay tiền 500.000.000 đồng.
Đến cuối năm 2013, ông T và bà Akhông có tiền trả nợ Ngân hàng nên nhờ ông T làm hồ sơ xin đáo hạn nợ và ông T tiếp tục giúp đỡ ông T, bà A. Khi đó, ông T đã thế chấp 02 sổ tiết kiệm để vay Ngân hàng số tiền 1.015.000.000 đồng và dùng số tiền này để tất toán Hợp đồng tín dụng số 6302-LAV- 201200888 giữa Ngân hàng với ông T, bà A. Sau đó, Ngân hàng và ông T, bà A ký lại Hợp đồng tín dụng số 6302-LAV-201300381 ngày 20/11/2013 cho vay số tiền 1.000.000.000 đồng, số tiền này đã được giải ngân cho ông T để hoàn trả lại tiền ông T đã cho ông T, bà A mượn để đáo hạn.
Ngày 21/11/2013, ông T ,và bà A đã hoàn trả cho ông T số tiền 500.000.000 đồng đã mượn ngày 09/10/2013, đồng thời hai bên xác nhận trước đây vào năm 2012 ông T, bà A có mượn ông T số tiền 1.000.000.000 đồng và ông T, bà A đã trả cho ông T số tiền này (do giấy mượn nợ và trả nợ được Ngân hàng lưu giữ nên hai bên ký xác nhận lại), tổng cộng 1.500.000.000 đồng, và được hai bên lập thành văn bản là “Giấy mượn tiền ngày 09/10/2013” với nội dung ông T, bà A có mượn và đã trả ông T số tiền 1.500.000.000 đồng.
Như vậy, theo Uỷ nhiệm chi ngày 14/11/2012 về việc Ngân hàng A chuyển khoản số tiền 1.000.000.000 đồng vào tài khoản của ông T là nhằm mục đích để ông T, bà A trả nợ cho ông T. Nay ông T, bà A cho rằng nhờ ông T rút tiền đem về cho ông T, bà A là không đúng sự thật. Do đó, ông T không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T, bà A.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Lưu Anh Th trình bày: Khoảng năm 2012, bà có quen với Ông Phan Văn T. Sau khi quen biết được thời gian, ông T thấy bà không có nhà để ở nên nói cho bà mượn tiền để mua nhà. Ông T cho bà mượn 1.000.000.000 đồng để mua lại nhà cũ bà đã bán cho người khác nhưng bà không mua được nên bà đã trả lại số tiền đó cho ông T. Việc ông T cho bà mượn tiền và bà trả tiền cho ông T đều không lập giấy tờ gì. Bà Th có đơn xin vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ kiện.
Đại diện ủy quyền người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ngân hàng A là Ông Nguyễn Minh T trình bày: Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A có vay vốn tại Ngân hàng A:
+ Lần 1: Ngày 14/11/2012, nhận nợ 1.000.000.000 đồng theo Hợp đồng tín dụng số 6302-LAV-201200888/HĐTD ngày 13/11/2012, ngày đến hạn 13/11/2013. Ông T, bà A đã trả hết nợ ngày 19/11/2013.
+ Lần 2: Ngày 20/11/2013, nhận nợ 1.000.000.000 đồng theo hợp đồng tín dụng số 6302-LAV-201300381/HĐTD ngày 20/11/2013, hạn trả nợ ngày 20/11/2014. Để đảm bảo khoản vay này, ông T và bà Acó ký hợp đồng thế chấp tài sản gồm: Quyền sử dụng đất 1.089,4m2, đất trồng cây lâu năm thuộc thửa 514 tờ bản đồ 42 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 568067 do Ủy ban nhân dân Quận C cấp ngày 07/3/2011; và nhà đất số 55 tổ 20 đường A, phường B, Quận C thuộc thửa H tờ bản đồ Y theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản không gắn liền với đất số BL do UBND Quận C ngày 10/9/2012.
Dư nợ còn lại 999.750.000 đồng, lãi tạm tính đến ngày 28/4/2016 là 247.138.229 đồng. Khi bà A, ông T chậm trả lãi theo thỏa thuận, Ngân hàng có xuống làm việc với bà A, ông T về việc chậm đóng lãi.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước thì số tiền vay trên 100.000.000 đồng thì phải chuyển khoản. Ngân hàng có lưu giữ giấy mượn tiền giữa ông T, bà A và ông T, mục đích là để chuyển tiền vào tài khoản ông T hợp lệ như hai bên thỏa thuận. Trong vụ kiện này, Ngân hàng không có yêu cầu gì, xin vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ kiện.
Người làm chứng Ông Trần Hùng M trình bày tại biên bản lấy lời khai ngày 21/4/2106: Ông làm nghề lái xe taxi. Ông Phan Văn T thường kêu xe ông đi nên có quen biết ông T. Còn ông biết ông T và bà A do khi chở ông T cùng vợ chồng bà A ông T đi Ngân hàng C tại ngã tư Bình Thái để trả nợ và xóa thế chấp. Khi đi xóa thế chấp có mặt bà Th. Mấy ngày sau, ông T lại kêu xe ông chở ông T, ông T, bà A và bà Th đến Ngân hàng A. Sau đó vài ngày, ông lái xe chở ông T cùng hai cán bộ Ngân hàng A xuống nhà ông T bà Ađể xem xét thẩm định. Vài ngày sau, ông T lại kêu ông chở ông T, bà Th, ông T và bà A đến Phòng công chứng A tại đường C, Quận Đ. Khoảng 9 đến 10 ngày sau, ông T tiếp tục kêu xe ông chở ông T, bà Th, bà A đến Ngân hàng A để lấy tiền. Còn ông T chạy xe máy lên sau. Sau khi nhận tiền, ông T chở bà Ađến nhà bà Th trước. Ông chở ông T và bà Thi với túi tiền đến nhà bà Th sau. Do lâu quá ông không nhớ đã chở các ông bà trên thực hiện các công việc trên vào ngày tháng năm nào nhưng ông ước chừng cách đây khoảng 02 năm. Sau các đợt trên, ông không chở các ông bà trên lần nào nữa. Ông không nhớ số nhà và đường vào nhà bà Th nhưng ông nhớ nhà bà Th ở phường T, Quận C. Khi đến nhà bà Th, ông ở ngoài xe chờ nên không có chứng kiến sự việc trong nhà bà Th. Sau khi ở nhà bà Th ra, ông T có trả cho ông tiền công cho cả các lần chở trước là 10.000.000 đồng.
Người làm chứng Bà Vũ Thị Đ trình bày: Hiện nay bà là Phó giám đốc Ngân hàng A từ tháng 5/2015. Trước đó, bà là trưởng phòng kế hoạch kinh doanh của Ngân hàng. Năm 2012, bà A và ông T có vay số tiền 1.000.000.000 đồng, trả lãi đầy đủ và tất toán xong hợp đồng tín dụng này. Năm 2013, bà A và ông T có vay lại số tiền 1.000.000.000 đồng nhưng đến kỳ trả lãi không đóng lãi đầy đủ nên Ngân hàng có mời bà A lên làm việc yêu cầu đóng lãi đúng hạn. Khi làm việc với Ngân hàng, bà A ông T cam kết trả nợ đúng hạn. Bà chưa bao giờ làm việc với bà Avà ông T về vấn đề bà A không nhận được tiền dải ngân từ Ngân hàng. Ngân hàng chưa bao giờ mời ông T lên làm việc. Bà Đ có đơn xin vắng mặt.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 384/2017/DSST ngày 22/11/2017 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
- Căn cứ khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 228, Điều 229, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005;
- Căn cứ Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Căn cứ khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Buộc Ông Phan Văn T có trách nhiệm trả cho Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A số tiền gốc 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng) và tiền lãi chậm thanh toán 372.916.667 đồng (Ba trăm bảy mươi hai triệu chín trăm mười sáu ngàn sáu trăm sáu mươi bảy đồng) ngay khi án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 28/11/2017 Ông Phan Văn T có đơn kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A với lý do: Ông không có nợ nguyên đơn số tiền 1.000.000.000đồng bởi lẽ trước đó ngày 07/11/2012 ông có cho nguyên đơn mượn số tiền 1.000.000.000đồng và hai bên có lập giấy mượn tiền viết tay ngày 07/11/2012. Việc mượn và trả tiền đã hoàn tất.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ông Phan Văn T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện của bị đơn Ông Phạm Trần L vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo đề nghị sửa bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn hoặc hủy bản án sơ thẩm do phía bị đơn đang khởi kiện các nguyên đơn tại Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh về hai giấy mượn tiền để nhập lại thành một vụ án thì mới giải quyết triệt để vụ án.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm về vụ án: Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước phiên tòa hôm nay. Đối với các đương sự đã được đảm bảo đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của phía bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa. Sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm về vụ án. Hội đồng xét xử xét thấy:
Xét kháng cáo của Ông Phan Văn T . Hội đồng xét xử xét thấy:
Căn cứ lời khai của các đương sự và người làm chứng Ông Trần Hùng M thì giữa các đương sự có sự quen biết nhau. Vào khoảng tháng 10/2012, Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A có nhờ Ông Phan Văn T làm thủ tục vay vốn Ngân hàng A với số tiền 1.000.000.000đồng. Theo hợp đồng tín dụng số 6302- LAV-201200888/HDTD ngày 13/11/2012 và được giải ngân vào tài khoản của ông T số 6302205193343 bằng ủy nhiệm chi ngày 14/11/2012.
[1] Tại Tòa án cấp sơ thẩm, ông Mai Trung Đ là đại diện bị đơn khai rằng “tin tưởng ngân hàng sẽ cho vay nên ông T đồng ý lấy tiền tiết kiệm đang gửi ở ngân hàng cho ông T, bà A mượn trước số tiền 1.000.000.000đồng bằng giấy mượn tiền ngày 07/11/2012”. Tuy nhiên, theo chứng từ giao dịch sổ tiết kiệm của ông T tại Ngân hàng A thì ngày 10/8/2012 ông T mở tài khoản với số tiền 860.000.000đồng, ngày 10/10/2012 ông T đã rút toàn bộ tiền gởi tiết kiệm và lãi với tổng số tiền là 872.000.000đồng, cùng ngày ông T gởi tiết kiệm lại với số tiền 860.000.000đồng( kỳ hạn 12 tháng). Từ tháng 10/2012 đến cuối năm 2012 không có giao dịch nào khác. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Đ khai” số tiền 1.000.000.000đồng ông T ứng trước cho ông T, bà A mượn là tiền để ở nhà, còn lời khai lấy tiền gởi ở ngân hàng cho mượn là nhầm lẫn với việc cho vay để làm thủ tục đáo hạn cuối năm 2013”. Tuy nhiên, tại bản tường trình ngày 09/4/2012( Bút lục số 112.113) thì ông T khai” bà Th nói tiền lấy sổ thế chấp và đóng tiền lấy sổ nhà ở hết khoảng 300.000.000đồng. Bà Th nhờ ông coi chỗ nào mượn đỡ khoảng 1 tuần tới 10 ngày lãi suất cao cũng được…”.
Bà A, ông T khai “vào ngày giải ngân, ông T kêu ông bà về nhà trước, ông T sẽ đem tiền về nhà sau”. Ông T khai” ngày 14/11/2012 ngân hàng giải ngân được 1.000.000.000đồng, ông có hỏi bên ông T hay bà Th nhận thì bà Th nói bà Th nhận và kêu tài xế đưa ông T, bà A về. Tài xế đem xe rước bà Th và ông cùng tiền về nhà bà Th. Tại nhà bà Th, ông đứng ra nhận 300.000.000đồng mượn của người ta cộng lãi là 30.000.000 đồng, bà Th trả cho ông 40.000.000 đồng tiền mượn giao dịch để vay 900.000.000 đồng mà không trả, trả tiền thù lao cho ông 20.000.000 đồng, trả tiền thuê xe cho ông M 10.000.000 đồng, còn lại 600.000.000 đồng bà Th giữ có mặt ông M chứng kiến”. Ông M khai” sau khi nhận tiền, ông T chở bà A đến nhà bà Th trước, ông chở ông T và bà Th cùng túi tiền đến nhà bà Th sau, ông không vào nhà nên không chứng kiến việc gì trong nhà bà Th. Sau khi trong nhà bà Th ra, ông T trả cho ông 10.000.000đồng tiền thuê xe”, bản tự khai ngày 21/4/2017( Bút lục số 119) bà Th khai” vào năm 2012 do thấy cuộc sống và không có nhà chính thức để ở nên ông T có cho bà mượn 1.000.000.000đồng để mua nhà (cho mượn không có giấy tờ) nhưng không mua được nên bà đã trả cho ông T số tiền trên (cũng không lập giấy tờ khi trả)
[2] Do đó, xét lời khai của bị đơn và đại diện bị đơn về việc cho ông T và bà A mượn tiền trước là có sự mâu thuẫn nhau. Lời khai của ông Đ và ông T cho rằng ông T đã lấy 1.000.000.000 đồng cho bà A, ông T mượn trước và việc ủy nhiệm chi ngày 14/11/2012 là trả nợ cho ông T thì khi nhận số tiền 1.000.000.000 đồng từ Ngân hàng, ông T sẽ giữ lại số tiền này chứ không hỏi giao tiền cho ông T hay bà Th và đem tiền về nhà bà Th như lời khai của ông T tại bản tự khai ngày 09/4/2012 và lời khai của người làm chứng ông Mtai biên bản lấy lời khai ngày 21/4/2016 (Bút lục số 120) đều xác định sau khi nhận tiền, ông Mchở ông T và bà Th cùng túi tiền về nhà bà Th và giao cho bà Th, nhận tiền thù lao từ bà Th. Do vậy, phía ông Đ cho rằng đã đưa 1.000.000.000 đồng cho bà A, ông T mượn trước bằng Giấy mượn tiền lập ngày 07/11/2012 là không có cơ sở và lời khai của bà A, ông T cho rằng viết Giấy mượn tiền ngày07/11/2012 với ông T số tiền 1.000.000.000đồng là để làm thủ tục chuyển tiền vay vào tài khoản của ông T do ông T và bà A không có tài khoản và không biết sử dụng tài khoản là có cơ sở.
[3] Theo chứng từ giao dịch trả lãi bình thường cho hợp đồng tín dụng số 6302-LAV-201200888/HĐTD ngày 13/11/2012 (gồm chứng từ ngày 14/12/2012, ngày 14/01/2013, ngày 21/02/2013, ngày 12/4/2013, ngày 14/5/2013, ngày 14/6/2013, ngày 25/10/2013) và chứng từ tất toán khoản vay ngày 19/11/2013 do Ngân hàng cung cấp đều do ông T ký tại mục khách hàng trong khi trách nhiệm trả lãi là của ông T, bà A.
[4] Về việc tất toán hợp đồng năm 2012 và ký vay lại hợp đồng tín dụng ngày 20/11/2013, ông T và bà A khai ông T kêu đi ký lần này mới có tiền nên tin tưởng đến Ngân hàng, ông T kêu ký giấy tờ thì ông bà ký chứ không biết là làm thủ tục tất toán để vay lại. Ông Đ khai” cuối năm 2013, ông T, bà A không có tiền trả nợ ngân hàng nên nhờ ông T làm hồ sơ đáo hạn nợ”. Ông T khai” đến 1 năm bà Th nói gom tiền đáo hạn không có, lúc đó ông bán đất có gởi 2 sổ tiết kiệm, (1 sổ 700.000.000đồng, 1 sổ 900.000.000đồng), ông có thế chấp vay 1.000.000.000đồng cho bà Th mượn đáo hạn. Bà Th có kêu ông T, bà A đến Ngân hàng rút tài sản ra và công chứng vay lại”.Tuy nhiên, theo hai chứng từ ngày 19/11/2013 của Ngân hàng có giải ngân cho ông T vay số tiền tổng cộng là 1.015.000.000 đồng được đảm bảo bằng hai số tiết kiệm trị giá 700.000.000 đồng và 860.000.000 đồng.
[5] Căn cứ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CH do Ủy ban nhân dân Quận C cấp ngày 10/9/2012 cho bà A, ông T và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH do Ủy ban nhân dân Quận C cấp ngày 07/3/2011 cho hộ bà A. Bảng tường trình về nguồn gốc và quá trình sử dụng nhà- đất ở ngày 16/6/2009 của Bà Dương Thị A được địa phương xác nhận “ nguồn gốc đất do ông nội cho năm 1980, năm 1982 cất chòi để giữ đất, đến năm 1985 mới cất nhà ở cho đến nay là đúng”. Do đó, lời khai của ông Đ cho rằng ngày 09/10/2013 có cho ông T, bà A mượn thêm 500.000.000đồng và ghi chung giấy mượn tiền ngày 09/10.2013 với nội dung “ để trả tiền nhà và đất ông T mua tại số 55 tổ 20 đường A, phường B, Quận C” là không có cơ sở. Việc ông T, bà A khai giấy mượn tiền ngày 09/10/2013 cũng nhằm mục đích chuyển tiền nhờ vào tài khoản của ông T chứ thực tế không có vay mượn là phù hợp với các tài liệu, chứng cứ nêu trên.
[6] Vì vậy, có cơ sở xác định ông T có nhận 1.000.000.000đồng từ ngân hàng ngày 14/11/2012 bằng Ủy nhiệm chi vào tài khoản của ông T, ông T đã rút toàn bộ số tiền trên giao cho bà Th tại nhà bà Th, tự trả lãi hàng tháng. Ông T, bà Akhông biết việc này. Các giấy mượn tiền lập ngày 07/11/2012 và ngày 09/10/2013 đều nhằm mục đích để chuyển tiền vay từ Ngân hàng vào tài khoản ông T chứ không có việc vay mượn tiền giữa các bên. Mặt khác, phía Ngân hàng A đã khởi kiện ông T, bà A đối với hợp đồng tín dụng số 6302LAV- 201300381/HDTD ngày 20/11/2013. Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 103/2017/QĐST-DS ngày 13/4/2017 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A có trách nhiệm trả cho Ngân hàng A số tiền vốn là 999.750.000đồng và tiền lãi là 483.726.260đồng theo hợp đồng tín dụng số 6302 LAV- 201300381/HĐTD ngày 20/11/2013.
[7] Tại phiên tòa sơ thẩm, phía nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, buộc ông T trả tiền lãi chậm trả trên số tiền 1.000.000.000đồng từ ngày 21/11/2013 nên theo quy định của pháp luật là không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu của nguyên đơn. Theo quy định tại Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005”… Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả đối với số tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán và Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015” Lãi phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không vượt quá mức lãi suất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật này; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này.
[8] Xét ông T nhận số tiền 1.000.000.000đồng từ ngày 14/11/2012 nhưng không giao lại cho ông T, bà A làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn nhưng ông T đã đóng lãi từ ngày 14/11/2012 đến ngày 19/11/2013 và không đóng lãi từ ngày 20/11/2013 nên phía nguyên đơn phải trả lãi cho Ngân hàng nên ông T phải trả tiền chậm thanh toán cho phía nguyên đơn như sau:
+ Từ ngày 21/11/2013 đến ngày 31/12/2016 là 1.000.000.000đồng x 9%/năm x 3 năm 01 tháng 10 ngày = 283.750.000đồng.
+ Từ ngày 01/01/2017 đến ngày 22/11/2017 là 1.000.000.000đồng x 10%/ năm x 10 tháng 21 ngày= 89.166.667đồng.
Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn, buộc phía bị đơn phải trả cho phía nguyên đơn số tiền 1.000.000.000đồng và tiền lãi 372.916.667 đồng là có căn cứ nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của phía bị đơn.
[9] Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của phía bị đơn, giự nguyên bản án sơ thẩm. Như phân tích trên, đề nghị này là có căn cứ nên chấp nhận.
[10] Do kháng cáo không được chấp nhận nên Ông Phan Văn T phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Bỡi các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 14 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, khoản 1 Điều 228, Điều 229, Điều 273, Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ Điều 305 Bộ luật dân sự năm 2005.
Căn cứ Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015
Căn cứ khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH ngày 27/02/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Căn cứ Nghị quyết 326/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về múc thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ông Phan Văn T. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 384/2017/DS-ST ngày 22/11/2017 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
1/ Buộc Ông Phan Văn T có trách nhiệm trả cho Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A số tiền gốc 1.000.000.000(một tỷ) đồng và tiền lãi chậm thanh toán 327.916.667 (ba trăm hai mươi bảy triệu chín trăm mười sáu ngàn sáu trăm sáu mươi bảy) đồng ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.
2/ Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Phan Văn T phải nộp 53.187.500 ( năm mươi ba triệu một trăm tám mươi bảy ngàn năm trăm) đồng. Hoàn lại cho Ông Lê Văn T và Bà Dương Thị A số tiền tạm ứng án phí 27.651.900 (hai mươi bảy triệu sáu trăm năm mươi một ngàn chín trăm) đồng theo biên lai thu tiền số AC/2014/0007397 ngày 22/3/2016 của Chi cục thi hành án dân sự Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
3/ Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Phan Văn T phải chịu 300.000 (ba trăm ngàn) đồng. Được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông T đã nộp là 300.000( ba trăm ngàn) đồng theo biên lai thu tiền số 0003665 ngày 01/12/2017 của Chi cục thi hành án dân sự Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng người phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sư; Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án này là phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án 494/2018/DSPT ngày 17/05/2018 về đòi tài sản
Số hiệu: | 494/2018/DSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 17/05/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về