Bản án 49/2019/DS-ST ngày 16/04/2019 về tranh chấp quyền lối đi qua

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN CP, TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 49/2019/DS-ST NGÀY 16/04/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN LỐI ĐI QUA

Ngày 16 tháng 4 năm 2019 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện CP xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 181/2017/TLST-DS ngày 12 tháng 10 năm 2017 về tranh chấp “Quyền về lối đi qua” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 32/2019/QĐXXST-DS ngày 05 tháng 3 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa số: 27/2019/QĐST – DS ngày 27 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông DVT, sinh năm 1962, địa chỉ cư trú: Tổ 7, ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, tỉnh An Giang (có mặt)

2. Bị đơn:

2.1. Ông LVTE, sinh năm 1990 (vắng mặt)

2.2. Ông PVME, sinh năm 1977 (có mặt)

Cùng địa chỉ cư trú: Tổ 7, ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, tỉnh An Giang.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà NTTL, sinh năm 1991, địa chỉ cư trú: Tổ 7, ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, tỉnh An Giang. (vắng mặt)

3.2. Bà VTBH, sinh năm 1980, địa chỉ cư trú: Tổ 7, ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, tỉnh An Giang (có mặt)

3.3. Bà DTH, sinh năm 1965; địa chỉ cư trú: Tổ 7, ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, tỉnh An Giang (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 06 tháng 10 năm 2017, nguyên đơn ông DVT trình bày như sau:

Ông B có diện tích đất nông nghiệp 7.212m2 tọa lạc ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, tỉnh An Giang và ông LVTE, ông PVME đều có phần đất giáp ranh với phần đất của ông B. Trong đó, vị trí đất của ông B nằm sau hậu, còn đất của ông ME và TE nằm phía trước phần đất của ông B. Do đất của ông B bị vây bọc bởi đất của ông TE và ME nên để đi vào đất của ông B thì có thể đi qua lối đi duy nhất nằm trên đất của ông TE và ông ME để vào đất ông B, lối đi này có từ năm 1990 với chiều ngang 1,5m dài 60m. Không chỉ có ông B mà những hộ có đất nằm sau hậu như ông B cũng phải đi vào đất của ông TE và ME nhưng ông TE và ME không tranh chấp. Từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2017 thì ông ME và TE rào lại lối đi trên để lên líp làm vườn trồng cây ăn trái. Từ đó làm cho ông B không có lối đi ra đất của mình. Ông B khởi kiện yêu cầu ông TE và ME phải mở một lối đi nằm trên đất của ông TE và ông ME để ông B có lối đi vào đất của ông B với chiều ngang 1,5m chiều dài 60m tọa lạc tại ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP và được hưởng quyền về lối đi qua bất động sản liền kề theo quy định của pháp luật.

- Bị đơn ông PVME trình bày ý kiến tại các biên bản hòa giải, đối chất, phiên họp, biên bản lấy lời khai như sau: Ông ME không đồng ý mở lối đi trên phần đất của mình theo yêu cầu của ông B với các lý do như sau: Thực tế ông ME đã mở một lối đi cặp vách nhà của ông ME cho những người làm đất phía sau khu đất của mình để họ đi vào đất của họ canh tác nhưng ông B không đi lối đi do ông ME đã mở sẵn mà lại yêu cầu ông ME phải mở lối đi trên diện tích đất vườn của ông ME để thuận tiện cho ông B đi từ căn nhà của ông B thẳng ra sau đất vườn ông B thông qua đất ông ME sẽ làm ảnh hưởng, thiệt hại quyền lợi của ông ME nên ông ME không đồng ý. Ông ME xác định là không bán, không cho thuê lối đi trên phần đất của ông ME. Tất cả những người dân làm ruộng có đất tiếp giáp với ông ME đều đi bằng lối đi cặp vách nhà ông ME, chỉ có ông B không chịu đi lối đi đã mở sẵn mà yêu cầu ông ME và TE phải mở đường đi cho ông B để thuận lợi và phục vụ lợi ích cho chính gia đình ông B. Nếu ông B yêu cầu thì những người khác cũng yêu cầu tương tự như ông B đối với cả khu đất nông nghiệp thì ảnh hưởng cả khu đất ở đó; những người bị yêu cầu mở lối đi không thể làm vườn, trồng cây, không còn đất để canh tác.

- Bị đơn ông LVTE trình bày ý kiến tại các biên bản hòa giải, đối chất, phiên họp, biên bản lấy lời khai như sau: Ông TE không đồng ý yêu cầu của ông B. Thực tế đã có một lối đi vào khu đất ruộng cặp nhà ME, ông B không đi mà yêu cầu TE mở lối đi trên đất vườn của TE làm ảnh hưởng, thiệt hại quyền lợi của TE nên không đồng ý. Ông TE xác định là không bán, không cho thuê đất. Tất cả những người dân xung quanh đều đi bằng lối đi cặp vách nhà ME, chỉ có ông B không chịu đi mà yêu cầu TE và ông ME phải mở đường. Giáp đất của tôi và ông ME thì người ta cũng đi đường vòng để vào đất của họ, chỉ có một mình ông B đòi mở lối đi thẳng để thuận tiện cho ông B.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà TL trình bày: Thống nhất ý kiến với ông TE.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà BH trình bày: Tôi thống nhất ý kiến với ME. Vợ chồng chúng tôi đã mở lối đi cặp nhà tôi cho người dân xung quanh đi vào đất ruộng của họ nhưng ông B không chịu đi mà yêu cầu vợ chồng tôi mở lối đi thẳng vào đất vườn của chúng tôi là chúng tôi không đồng ý. Chúng tôi không có thời gian đi hầu Tòa, ông B thưa chúng tôi làm chúng tôi phải bỏ công ăn việc làm mất thu nhập của chúng tôi, yêu cầu ông B phải trả lại thu nhập bị mất do đi hầu tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huệ trình bày: Thống nhất ý kiến với ông B.

Tại phiên tòa:

- Nguyên đơn ông B trình bày: Nguyên đơn ông B giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu TE và ME phải mở lối đi trên phần đất của ông ME và ông TE để ông B có một lối đi thuận tiện cho chính gia đình ông B đi từ căn nhà của ông B thẳng vào đất ME và TE để vào đất ruộng của ông B mà ông B không phải đi đường vòng.

- Bị đơn ME: Không đồng ý mở lối đi theo yêu cầu của ông B. Vì thực tế đã có lối đi mở sẵn cặp vách nhà ông ME để cho tất cả hộ dân canh tác đất đi vào đất của họ hàng ngày.

- Bị đơn TE: Vắng mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Hồng: Thống nhất với ý kiến của ông ME, không đồng ý mở lối đi cho ông B.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Linh: Vắng mặt tại phiên tòa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huệ trình bày ý kiến: Thống nhất với ý kiến của ông B, yêu cầu ông TE và ông ME phải mở lối đi cho gia đình bà thuận tiện canh tác đất.

- Các đương sự thống nhất với bản vẽ hiện trạng diện tích đất yêu cầu mở lối đi do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất chi nhánh huyện CP lập ngày 21 tháng 12 năm 2017; thống nhất biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ và biên bản định giá tài sản ngày 11 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện CP, tỉnh An Giang. Về giá trị quyền sử dụng đất tranh chấp như sau:

+ Đất diện tích ngang 1,5m dài 60m = 90m2 x 46.000đ/m2 = 4.140.000đ;

+ Khảo sát giá cho thuê đất tại địa phương: Mức giá cho thuê 01 công đất/một mùa vụ (03 tháng) là 1.100.000 đồng đến 1.200.000 đồng.

- Về chi phí tố tụng thực hiện đo đạc; xem xét, thẩm định tại chỗ; định giá tài sản: Các đương sự có mặt thống nhất giải quyết theo quy định pháp luật.

* Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện CP phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:

- Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Đối với người tham gia tố tụng: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền và nghĩa vụ đúng theo quy định tại Điều 70; Điều 71 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Về việc giải quyết vụ án: Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các tài liệu, chứng cứ đã được Hội đồng xét xử xem xét và kết quả tranh luận, đối đáp của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa nhận thấy:

Nguyên đơn ông B yêu cầu ông TE và ông ME có phần đất tiếp giáp với ông B phải mở cho ông B một lối đi vào đất ruộng của ông B với diện tích ngang 1,5 m và dài 60m. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án tiến hành xác minh về hiện trạng đất yêu cầu mở lối đi, đo đạc và xem xét thẩm định tại chỗ đối với khu đất như sau: Ông B có căn nhà tiếp giáp đường tỉnh lộ, tiếp giáp căn nhà ông B là đến phần đất của ông ME và ông TE, tiếp giáp phần đất của ông ME và TE là đất nông nghiệp của ông B đang canh tác. Căn cứ vào biên bản xác minh, biên bản xem xét thẩm định vì thuận tiện cho gia đình ông B nên ông B đi trên phần đất của TE và ME khi ông TE và ME chưa làm vườn trồng cây ăn trái, ông B tự ý đi trên phần đất của TE và ME, đi từ căn nhà của ông B thông qua đất của ME và TE để ra đất ruộng của ông B để thuận tiện cho ông B. Trong khi thực tế cặp nhà ông ME thì ông ME đã mở sẵn lối đi cho người dân làm đất tiếp giáp đất ông B, ông ME, ông TE đều đi lối đi đã mở sẵn. Điều này cho thấy thực tế có lối đi cách nhà ông B 60m để ông B đi vào đất ruộng của ông B nhưng ông B không đồng ý đi và cho rằng không thuận tiện cho gia đình ông B mà muốn yêu cầu mở lối đi thuận tiện nhất cho gia đình ông B, mục đích phục vụ lợi ích riêng cho gia đình ông B. Do vậy, căn cứ quy định pháp luật trường hợp của ông B không thuộc trường hợp không còn lối đi nào khác, vì vẫn có lối đi nên yêu cầu mở lối đi của ông B là không phù hợp với thực tế hiện trạng khu đất, không hợp lý nên không có cơ sở chấp nhận. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu mở lối đi của nguyên đơn ông B.

Về chi phí tố tụng và án phí đề nghị xem xét giải quyết theo quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

- Về thẩm quyền giải quyết: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu các bị đơn mở lối đi trên phần đất của các bị đơn. Đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện CP theo quy định tại Khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về sự vắng mặt của bị đơn TE và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan TL tại phiên tòa lần thứ hai không có lý do, mặc dù đã được tống đạt văn bản tố tụng hợp lệ nên Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 227, khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vẫn tiến hành xét xử vụ án;

- Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp và pháp luật áp dụng giải quyết vụ án: Từ khi thụ lý đến khi đưa vụ án ra xét xử và tại phiên tòa, nguyên đơn xác định khởi kiện yêu cầu các bị đơn mở lối đi để nguyên đơn được hưởng quyền về lối đi qua đối với bất động sản liền kề. Do vậy, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án này là “Tranh chấp quyền về lối đi qua” theo quy định tại khoản 9 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Điều 254 của Bộ luật dân sự năm 2015.

- Phạm vi khởi kiện: Nguyên đơn chỉ yêu cầu các bị đơn mở lối đi trên phần đất của các bị đơn nên Hội đồng xét xử chỉ xem xét trong phạm vi khởi kiện của nguyên đơn theo quy định tại Điều 5 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Về xác định người tham gia tố tụng: Phần đất ông B yêu cầu ông ME mở lối đi qua trên phần đất ông ME đang canh tác nhưng qua cập nhật thông tin chưa có thông tin về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Đối với xác định giá trị đất yêu cầu mở lối đi: Tòa án đã tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất yêu cầu mở lối đi tranh chấp theo quy định. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tại phiên tòa, các đương sự không yêu cầu định giá lại các tài sản nên căn cứ vào biên bản định giá đã được Hội đồng định giá thống nhất kết luận về giá tài sản tranh chấp theo quy định.

- Quá trình giải quyết vụ án, các bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được giải thích, thông báo về thực hiện đơn yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nhưng không thực hiện nên Hội đồng xét xử không xem xét.

- Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ: xác minh, xem xét thẩm định hiện trạng khu đất yêu cầu mở lối đi, lấy lời khai đương sự, định giá đất, khảo sát giá cho thuê đất, đối chất theo quy định pháp luật tố tụng.

[2] Về nội dung vụ án:

[2.1] Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử xét thấy như sau:

Nguyên đơn ông DVT yêu cầu các bị đơn ông TE và ông ME phải mở một lối đi trên phần đất của ông ME và của ông TE cho ông B với diện tích ngang 1,5m dài 60m.

Hội đồng xét xử xét thấy, về lối đi mà ông B yêu cầu mở cho ông B đi trên phần đất của ông TE và ông ME như sau: Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ hiện trạng khu đất và hiện trạng lối đi mà ông B yêu cầu phải mở cho ông B thể hiện thực tế hiện trạng khu đất được thẩm định, xác minh và văn bản phúc đáp của Ủy ban nhân dân XÃ OLV đều cho thấy: Ông B là người có quyền sử dụng đất diện tích 7.212m2 tọa lạc tại ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, giáp ranh với phần đất của ông ME và ông TE đang canh tác nhưng để đi vào phần đất của ông B thì cách nhà ông B 60m về hướng tay trái và cách nhà ông B 200m về hướng tay phải đều có lối đi vào khu đất ruộng. Cụ thể cách nhà ông B 60m là đất của ông ME và ông ME đã mở sẵn một lối đi chung cho những người canh tác đất tiếp giáp phía sau đất ông ME vào canh tác đất. Như vậy, ông B vẫn có lối đi vào đất ruộng của ông B và có lối đi ra đường công cộng nhưng ông B cho rằng lối đi đã mở sẵn xa không thuận tiện cho ông B nên không chịu đi lối đi đã mở sẵn là tự ông B không chịu đi. Việc yêu cầu mở lối đi của ông B không thuộc trường hợp hoàn toàn không có lối đi ra đường công cộng như ông B trình bày. Điều này phù hợp với biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, biên bản xác minh về lối đi chung vào khu vực đất ruộng tiếp giáp đất ông B. Như vậy, lời trình bày, lập luận cho yêu cầu khởi kiện của ông B là không có cơ sở xem xét.

+ Trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa ông B trình bày:

Lối đi mà ông B yêu cầu mở mục đích là để phục vụ cho chính gia đình ông B, để thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa từ căn nhà ông B ra thẳng đất vườn ông B đang canh tác, mục đích chính là quyền lợi cá nhân của ông B. Cụ thể hiện trạng khu đất: Phía trước giáp đường Bắc Vịnh Tre là căn nhà của ông B, giáp ranh sau nhà ông B là đất của ME và TE, giáp ranh nối tiếp sau phần đất của ME và TE là đất của ông B. Vì muốn thuận lợi và có lối đi thẳng từ nhà ra đất ruộng của mình mà ông B yêu cầu ME và TE phải mở lối đi cho ông B là không phù hợp với địa điểm của hiện trạng khu đất. Các phần đất của ME và TE đang canh tác hiện đang trồng cây ăn trái, việc mở lối đi trên đất của TE và ME sẽ gây thiệt hại lớn cho TE và ME. Thực tế, ông B không đi qua phần đất của ME và TE thì vẫn sử dụng lối đi khác để vào phần đất của ông B, không phải là không có lối đi như ông B trình bày. Nếu những người có đất nông nghiệp tiếp giáp nhau đều có yêu cầu mở lối đi như ông B yêu cầu thì sẽ ảnh hưởng đến vị trí, đặc điểm thửa đất, gây thiệt hại cho những người có đất liền kề đang canh tác.

+ Việc ông B cho rằng lối đi ông B yêu cầu ông ME và ông TE mở lối đi, vì lối đi đã có từ năm 1995. Nhưng qua xác minh tại địa phương và lời trình bày của ông ME, ông TE là do trước đây ông ME và ông TE chưa lên vườn trồng cây thì ông B tự ý đi trên phần đất của ông ME và ông TE, cho thấy đây chỉ là việc ông B tạm thời đi trên đất của ông TE và ông ME khi họ chưa sử dụng đất, chứ không phải là lối đi đã mở trước đây như lời ông B trình bày. Khi ông TE và ông ME sử dụng diện tích đất của mình để trồng cây thì ông B phải tôn trọng và trả lại đúng hiện trạng đất của ông TE và ông ME. Lời trình bày của bị đơn phù hợp với ý kiến của chính quyền địa phương xác định từ trước đến nay không có lối đi chung nào hình thành trên phần đất của ông ME và ông TE; thường người dân đi vào phần đất ruộng bằng lối đi tự tạo, đi theo bờ đất ruộng để vào các thửa đất của mình.

+ Thực tế hiện trạng các thửa đất nông nghiệp thì ông B yêu cầu mở lối đi không phù hợp với thực tế cuộc sống tại địa phương; không thuộc trường hợp đất của ông B bị vây bọc và không đủ lối đi ra đường công cộng. Như vậy, trong trường hợp bất động sản của ông B bị vây bọc hoàn toàn hoặc không đủ lối đi hoặc lối đi này quá khó khăn để khai thác sử dụng bất động bị vây bọc thì có thể yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc mở cho mình một lối đi. Tại địa phương, ông B đã được giải thích về việc muốn sử dụng lối đi phải thỏa thuận mua lại hoặc thuê nhưng ông B không đồng ý mà yêu cầu phải mở lối đi cho ông B theo yêu cầu của ông B. Đồng thời, Hội đồng xét xử xét thấy trong quá trình giải quyết vụ án, ông B xác định và cho rằng mục đích ông B yêu cầu mở lối đi trên đất của ME và TE để phục vụ cho chính gia đình ông B, thuận lợi cho gia đình ông B khi có lối đi trên đất của ông ME và ông TE là vì quyền lợi cá nhân của ông B mà làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của ông TE và ông ME; ông B chỉ nghĩ đến quyền lợi của gia đình ông B, mặc dù thực tế đã có lối đi khác nhưng rằng xa và chông đi lối đi đã mở sẵn.

Qua xem xét cơ sở, tài liệu, chứng cứ, nguyên đơn ông B không cung cấp và chứng minh được bất động sản của ông B bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng theo quy định tại Điều 254 BLDS 2015 nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có cơ sở chấp nhận.

Do yêu cầu của nguyên đơn không được chấp nhận nên Hội đồng xét xử không xem xét đến các vấn đề về bồi thường thiệt hại về cây trồng, giá trị đất.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông B không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

[4] Về chi phí tố tụng:

- Nguyên đơn ông B phải chịu toàn bộ chi phí tố tụng gồm: Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản tổng số tiền là 1.000.000đ; chi phí đo đạc diện tích đất yêu cầu mở lối đi 1.766.497đ. Tổng chi phí tố tụng là 2.766.497 đồng; ông B đã nộp đủ chi phí tố tụng.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 9 Điều 26; Điểm a Khoản 1 Điều 35; Điểm c Khoản 1 Điều 39; Khoản 1 và Khoản 4 Điều 91; Khoản 1 Điều 147; Khoản 1 Điều 157; Khoản 1 Điều 165; Điều 227; Điều 228; Điều 271; Khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Điểm a khoản 1 Điều 159; Điều 254 của Bộ luật dân sự năm 2015;

- Điều 48 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông DVT về việc yêu cầu ông PVME và LVTE mở lối đi diện tích ngang 1,5m dài 60m tọa lạc tại tổ 7, ấp Long Thiện, XÃ OLV, huyện CP, tỉnh An Giang;

- Về chi phí tố tụng: Nguyên đơn ông DVT chịu chi phí tố tụng gồm chi phí đo đạc diện tích đất tranh chấp; chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ, chi phí định giá diện tích đất tranh chấp và tài sản khác trên diện tích đất tranh chấp với tổng số tiền là 2.766.497 đồng (Ông B đã nộp đủ chi phí tố tụng)

- Về án phí sơ thẩm: Ông DVT phải chịu 300.000đ án phí dân sự sơ thẩm. Được trừ vào tạm ứng án phí thieo biên lai thu số TU/2015/017307 ngày 12 tháng 10 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện CP. Ông B phải nộp xong án phí dân sự sơ thẩm.

- Về quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

659
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 49/2019/DS-ST ngày 16/04/2019 về tranh chấp quyền lối đi qua

Số hiệu:49/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Châu Phú - An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/04/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;