Bản án 47/2021/HS-ST ngày 28/07/2021 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 47/2021/HS-ST NGÀY 28/07/2021 VỀ TỘI TỔ CHỨC CHO NGƯỜI KHÁC TRỐN ĐI NƯỚC NGOÀI TRÁI PHÉP

Ngày 28 tháng 7 năm 2021, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 28/2021/TLST-HS ngày 29 tháng 4 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 50/2020/QĐXXST-HS ngày 05 tháng 7 năm 2021 đối với bị cáo:

Họ và tên: Nguyễn Thị C, sinh năm 1960; Tên gọi khác: T; nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: Thôn Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; trình độ học vấn: 10/10; nghề nghiệp: Lao động tự do; Quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; con ông: Nguyễn Văn P (đã chết); con bà: Phạm Thị Q (đã chết); chồng: Nguyễn Đăng H, sinh năm 1957; tiền án, tiền sự: Không; nhân thân: Ngày 12/10/2009 bị Công an huyện T xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền về hành vi xuất cảnh trái phép, mức phạt 3.000.000đ, bị cáo đã chấp hành nộp tiền phạt ngày 14/10/2009.

Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 09/02/2021, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Vĩnh Phúc; Có mặt.

Người bị hại: Chị Trương Thị T, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn G, xã Đ, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; Vắng mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại: Luật sư Lê Thị Thu H – Văn phòng luật sư Vĩnh Phú thuộc Đoàn Luật sư Vĩnh Phúc; Vắng mặt.

Địa chỉ: Đường C, phường L, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người liên quan:

1. Ông Nguyễn Đăng H, sinh năm 1957; Trú tại: Thôn Đ, thị trấn H, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; Có mặt

2. Bà Chu Thị Đ, sinh năm 1959; Trú tại: Thôn Y, xã T, huyện T, tỉnh Vĩnh Phúc; Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ năm 1994, Nguyễn Thị C đã có thời gian sinh sống tại huyện Phình Làm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc thỉnh thoảng mới trở về Việt Nam để thăm chồng, con. Do thường xuyên qua lại khu vực biên giới Móng Cái tỉnh Quảng Ninh nên C biết chỉ cần liên hệ với những người làm nghề dịch vụ đưa đón người qua sông Ka Long - Móng Cái là có thể sang được Trung Quốc. Khoảng cuối tháng 10/2017 C trở về Việt Nam thăm gia đình và ở tại nhà ông Nguyễn Đăng H ở thôn Đ, thị trấn H là chồng của C.

ng ngày 02/11/2017, C cùng ông H đến nhà cháu họ là Chu Thị Đ ở thôn Y, xã T, huyện T để thăm con trai bà Đ bị tai nạn. Do biết bà Đ làm nghề thầy cúng và có thể vừa xem bói, vừa cúng được nên C đã rủ bà Đ sang Trung Quốc xem bói cho những người Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc để kiếm tiền, đồng thời nói “xem có ai thì rủ đi cùng cho vui”. Bà Đ đồng ý nên sau đó đã nhờ ông H đưa đến nhà chị Trương Thị T có hộ khẩu thường trú tại thôn G, xã Đ, huyện T, khoảng đầu năm 2015 chị T được bà Đ mai mối nên đã đến sinh sống như vợ chồng với anh Phan Mạnh T, sinh năm 1979, trú tại thôn L, xã T, T để rủ chị T đi làm cùng mình, thì cả chị T và bà Trần Thị K (mẹ của anh Phan Mạnh T) đều đồng ý.

Buổi trưa cùng ngày ông H và C ở lại ăn cơm cùng gia đình bà Đ. Đến khoảng 15 giờ chị T được anh Phan Mạnh T đưa sang nhà bà Đ bằng xe đạp cùng một chiếc đệm giường và một túi quần áo, sau đó anh T ra về còn chị T ở lại để hôm sau đi làm cùng bà Đ như đã thỏa thuận. Khi chị T sang nhà bà Đ mới nói cho T biết là sẽ đi đốt vàng mã tại Trung Quốc. Do bà Đ là người cùng xã, lại mai mối để vợ chồng chị T về chung sống với nhau nên chị T đồng ý. Sau đó, chị T gặp C tại nhà bà Đ nên đã hỏi và được bà Đ giới thiệu: C là người sẽ xin việc cho bà Đ và chị T tại Trung Quốc. Khi ngồi nói chuyện cùng C, chị T cũng được C cho biết sẽ đi làm tại Trung Quốc, ban đầu chị T sẽ đi đốt vàng mã còn bà Đ đi cúng, xem bói, sau đó nếu có việc gì khác để làm thì C sẽ xin cho chị T. Chị T đồng ý. C và bà Chu Thị Đ sau đó cùng thống nhất: Mọi chi phí sinh hoạt, đi lại từ Việt Nam sang nơi làm việc tại Trung Quốc, C sẽ ứng ra trước để trả cho bà Đ và chị T; sau khi sang Trung Quốc, nếu xin được việc làm thì hai người trên sẽ trả lại tiền cho C sau, ngoài ra, hai người trên cũng sẽ phải trả cho C tiền công giới thiệu việc làm. Cụ thể: nếu làm được nhiều tiền thì sẽ trả tiền công cho C nhiều và ngược lại (vì chưa biết khối lượng công việc thế nào nên C và bà Đ chưa thống nhất rõ về thỏa thuận tiền công). Sau khi trao đổi với C, bà Đ chưa nói lại với chị T nội dung trên mà dự định sang Trung Quốc, làm được tiền sẽ thông báo sau.

Sau khi về nhà tại thôn Đ, C đã liên hệ với nhà xe Minh Đức, chuyên chạy tuyến Phú Thọ - Móng Cái, hẹn đón mình tại vòng xuyến thị trấn H, T vì 21h00 ngày 03/11/2017, xe ô tô khách của nhà xe này sẽ chạy qua địa điểm trên.

Ngày 03/11/2017, C và ông H tiếp tục đến nhà bà Đ. Tại đây C đã đưa cho chị T 500.000đ để mua quà cho người nhà trước khi đi. Vì nhìn thấy C có tiền và được đối tượng hứa xin việc làm nên chị T đã vay của C 1.200.000đ để đóng học cho con gái (Chị T có một con riêng, ở cùng bố đẻ chị T tại xã Đ, T). Sau đó, chị T nhờ ông Nguyễn Đăng H đưa đến nhà bố đẻ là ông Trương Văn X (SN 1952) ở xã Đ, T. Chị T gửi ông Nguyễn Văn K (SN 1949) là anh rể số tiền 1.200.000đ nhờ đóng học cho con. Khoảng 16 giờ cùng ngày, ông H đưa chị T quay về nhà bà Đ, sau đó chở chị T về nhà ông H ở thị trấn H, T trước còn C và bà Đ đi xe buýt về nhà ông H sau.

C, bà Đ và chị T ăn cơm tối tại nhà ông Nguyễn Đăng H. Sau khi ăn cơm tối xong thì chị Nguyễn Thị Y (SN 1985), là con của C và ông H đến chơi. Đến khoảng 20 giờ 30 ngày 03/11/2017, C nhờ ông H và chị Y chở C, bà Đ và chị T đi ra khu vực vòng xuyến thị trấn H, T tiếp giáp với Quốc lộ 2C để bắt xe ô tô của nhà xe Minh Đức đi Quảng Ninh. Khoảng 06 giờ sáng ngày 04/11/2017 thì cả 03 người đến khu vực Bến xe Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. C trả tiền xe cho cả 03 người hết 600.000đ (200.000đ/người) rồi gọi điện thoại cho một người phụ nữ tên là Nga, khoảng 50 tuổi (không rõ nhân thân, lai lịch) C đã quen từ trước để nhờ đến đón đưa vượt biên trái phép. Vài phút sau, có một người đàn ông trung niên (không rõ thông tin) đi xe máy đến, chở C, bà Đ và chị T xuống một bờ sông thì gặp bà N đã đợi sẵn trên đò máy. Người này chở chị T, bà Đ và C vượt sông Ka Long để sang địa phận huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Sau khi sang bờ bên Trung Quốc, cả 03 người được một người đàn ông trung niên (không rõ thông tin) chở xe máy vào sâu trong nội địa Trung Quốc theo đường tiểu ngạch đến một đường nhựa lớn. C đã thuê một chiếc xe ô tô loại 05 chỗ ngồi để đưa cả 03 người về phòng trọ của mình ở gần chợ Phình Làm, Quảng Tây, Trung Quốc hết số tiền 1.000 nhân dân tệ (khoảng 3.300.000đ VNĐ). Trước đó, C cũng thanh toán cho bà N tiền vượt biên của 03 người hết 900.000đ (300.000đ/người). Như vậy, tổng chi phí để đi từ Việt Nam sang Phình Làm, Quảng Tây, Trung Quốc hết khoảng 1.600.000đ/người. Toàn bộ chi phí xuất cảnh đều do Nguyễn Thị C chi trả; bà Đ và chị T không phải thanh toán bất kỳ khoản tiền gì. Sau khi sang Trung Quốc ngày 05/11/2017, chị T gọi điện thoại về cho em gái ruột ở Việt Nam là Trương Thị L thông báo đã đi làm tại Trung Quốc cùng bà Đ.

Tại Trung Quốc, bà Đ và chị T được C nuôi ăn, ở tại phòng trọ. Sau đó, C tìm gặp một số người Việt Nam sinh sống tại Trung Quốc và giới thiệu có người thân từ Việt Nam sang, biết xem bói, nếu ai có nhu cầu xem bói hoặc cúng bái giải hạn thì đến phòng trọ của C. Khoảng 05- 06 ngày sau có một số người Việt Nam đến đây nhờ bà Đ xem bói. Bà Đ xem xong và được họ trả cho tổng số tiền khoảng 1.100 nhân dân tệ, số tiền này bà Đ nhờ C giữ hộ, những người đến tìm gặp bà Đ đều chỉ có nhu cầu xem bói, không ai cần cúng nên không có việc cho chị T làm. Do sốt ruột nên chị T đã đề nghị C tìm việc làm cho mình, nếu không thì phải đưa T về Việt Nam. Do chị T chậm chạp hơn người bình thường nên C không tìm được công việc phù hợp. Vì vậy, C đã thỏa thuận với T là: C sẽ tìm cho T một người đàn ông Trung Quốc để ở cùng một thời gian và người này phải trả tiền cho chị T, sau khi lấy được tiền thì trốn về Việt Nam. Ban đầu, chị T không đồng ý nhưng vì muốn về Việt Nam nên đã đồng ý. Mấy ngày sau, C dẫn một vài người đàn ông Trung Quốc đến phòng trọ xem mặt chị T nhưng họ chỉ xem mặt rồi về. Sau đó, C thông qua người quen, gặp một người đàn ông Trung Quốc tên thường gọi là Nhì Tấy, khoảng ngoài 30 tuổi (không rõ thông tin cụ thể), làm việc trong một công trường cách nhà trọ của C khoảng 3km để liên hệ đưa chị T đến ở cùng người này (C giải thích đây là hình thức trao đổi tình - tiền, sinh sống với nhau như vợ chồng, vì Trung Quốc khan hiếm phụ nữ nên rất nhiều đàn ông không lấy được vợ). Chị T yêu cầu phải đưa trước tiền nên C đã bảo Nhì Tấy phải đưa trước 3.000 nhân dân tệ, C nhận số tiền trên đưa đủ cho chị T. Sau đó, chị T đến ở cùng người đàn ông nói trên tại một phòng trọ trong công trường xây dựng, hàng ngày chị T đi chợ, nấu cơm cho người này. Còn bà Đ do không có người đến xem bói nên đã đề nghị C đưa về Việt Nam. C bảo bà Đ ở lại thêm một thời gian để làm nhưng bà Đ không đồng ý và đòi C phải trả số tiền 1.100 nhân dân tệ đã gửi cho mình, C không đồng ý đưa bà Đ về vì vậy bà Đ đã nhờ một người phụ nữ Việt Nam, lấy chồng tại đây tên là N (không rõ thông tin, trước đây đã từng được bà Đ xem bói cho) hướng dẫn đưa về Việt Nam vào ngày 09/12/2017. Trước khi bà Đ ra về, C yêu cầu Đ trả lại cho C khoản tiền chi phí đi lại từ Việt Nam sang Trung Quốc và chi phí ăn uống (khoảng 4.000.000đ) nhưng do số tiền mà bà Đ làm chỉ được khoảng 3.600.000đ nên C đã cho, không lấy số tiền trên của bà Đ nữa.

Chị T ở cùng Nhì Tấy đến ngày 09/01/2018 thì được hai người phụ nữ Việt Nam đang sinh sống tại Trung Quốc (không rõ tên tuổi, địa chỉ) giúp đỡ về Việt Nam. Ngày 08/02/2018, do không biết chữ nên chị T đã nhờ mẹ chồng là bà Trần Thị K viết đơn tố giác việc bị C và bà Đ đã lừa bán chị T sang Trung Quốc (BL 99). Theo chị T cung cấp trong quá trình chung sống, chị T đã mang thai với Nhì Tấy. Ngày 07/8/2018, chị T sinh được một con gái, đặt tên là Trương Thị H.

Ngày 03/12/2018, Cơ quan ANĐT- Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị C về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, quy định tại Điều 275 Bộ luật Hình sự 1999. Do Nguyễn Thị C đã bỏ trốn khỏi địa phương từ tháng 11/2017 nên ngày 07/12/2018, Cơ quan ANĐT đã ra Quyết định truy nã đối với bị can C. Ngày 06/02/2021, Nguyễn Thị C đã đến Công an thị trấn H để đầu thú về hành vi Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép. Cơ quan ANĐT- Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành phục hồi điều tra vụ án và bị can để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại Cơ quan an ninh điều tra, Nguyễn Thị C đã thừa nhận mình chính là người đưa bà Chu Thị Đ và chị Trương Thị T xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc. Toàn bộ quá trình xuất cảnh, đi lại từ Việt Nam sang Trung Quốc đều do C đứng ra tổ chức; bà Đ và chị T đều chỉ đi theo sự hướng dẫn của C vì những người này chưa sang Trung Quốc bao giờ, cũng không ai hiểu, biết tiếng Trung Quốc. Tổng số tiền Nguyễn Thị C đã bỏ ra để thanh toán tiền đi lại cho 03 người hết khoảng 4.800.000đ (1.600.000đ/người). C khai mục đích của việc đưa bà Đ và chị T sang Trung Quốc là nhằm mong muốn được hai người trên trả cho tiền công giới thiệu việc làm vì trước đó C đã thống nhất với bà Đ là: “Nếu tìm được việc làm thì ngoài tiền chi phí đi lại mà C đã bỏ ra từ trước, bà Đ và chị T phải trả tiền công môi giới việc làm cho C”. Còn về nội dung chị Trương Thị T tố cáo C có hành vi lừa bán chị T cho người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ, C không thừa nhận và khẳng định: Việc chị T đến sinh sống cùng người đàn ông Trung Quốc tên là “Nhì Tấy” là hoàn toàn tự nguyện và đã thống nhất với C từ trước. Việc chị Trương Thị T khẳng định bị bà Đ và bà C đã lừa bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên không có căn cứ để xác định C bán chị T cho người Trung Quốc, quá trình đối chất giữa chị T với bà Đ, bị can C cũng không làm rõ được (BL139). Vì vậy, không đủ căn cứ xác định chị Trương Thị T đã bị Nguyễn Thị C và Chu Thị Đ lừa bán sang Trung Quốc.

Trong vụ án này còn có ông Nguyễn Đăng H (chồng bị cáo C), là người đã đi cùng C đến gặp bà Đ và chị T để C rủ họ đi sang Trung Quốc. Tuy nhiên ông H chỉ biết C rủ bà Đ và chị T đi làm, không biết mục đích của C là đưa họ sang Trung Quốc để lấy tiền giới thiệu việc làm. Do vậy CQĐT không xem xét xử lý ông H với vai trò đồng phạm với C là phù hợp.

Tại bản Cáo trạng số 30/CT-VKSVT ngày 27 tháng 4 năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã truy tố Nguyễn Thị C về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên toà, Kiểm sát viên luận tội đối với bị cáo: Giữ nguyên quyết định truy tố như nội dung Cáo trạng đối với Nguyễn Thị C. Sau khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đã đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 349; điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuyên bố bị cáo Lê Nguyễn Thị C về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép”.

Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị C từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt 09 tháng 02 năm 2021.

Tại phiên tòa bị cáo đồng ý với tội danh mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã truy tố và thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên; bị cáo nhất trí với bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát không có ý kiến tranh luận gì. Trong lời nói sau cùng bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức án vì trình độ nhận thức của bị cáo hạn chế, bị cáo phạm tội lần đầu, bị cáo cảm thấy hối hận về hành vi phạm tội của mình.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại - Luật sư Lê Thị Thu H vắng mặt tại phiên tòa, nhưng đã gửi bản Quan điểm bảo vệ cho Tòa án, theo bà H thì bị cáo C đã lợi dụng chị T là người yếu thế trong xã hội, đã dụ dỗ chị T trốn đi nước ngoài (Trung Quốc). Sau đó chị T đã phải chịu cuộc sống khổ cực ở nước ngoài, nếu không được người khác giúp đỡ để trở về Việt Nam thì không biết cuộc sống sẽ như thế nào. Bản thân bị cáo đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép. Đề nghị Họi đồng xét xử xử phạt bị cáo nghiêm khắc.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng: Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc; Điều tra viên Công an tỉnh Vĩnh Phúc; Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đều hợp pháp.

[2] Về sự vắng mặt của bị hại: Tòa án đã triệu tập hợp lệ người bị hại đến Tòa nhưng bị hại vắng mặt (có đơn xin xét xử vắng mặt). Xét thấy sự vắng mặt của bị hại không gây trở ngại cho việc xét xử, vì vậy Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị hại theo quy định tại Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[3] Tại phiên tòa bị cáo Nguyễn Thị C đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên. Lời khai nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, các biên bản nhận diện người qua ảnh cùng các tài liệu chứng cứ khác thu thập trong hồ sơ vụ án; đã có đủ cơ sở kết luận:

Là người thường xuyên qua lại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, Nguyễn Thị C biết rõ: Để vào lãnh thổ 02 nước cần phải được các cơ quan chức năng của hai nước cho phép, cấp giấy tờ hợp pháp và làm thủ tục nhập cảnh qua cửa khẩu. Tuy nhiên, vì mong muốn được hưởng lợi tiền công giới thiệu việc làm, ngày 04/11/2017 C đã lợi dụng sơ hở trong quản lý địa bàn tại khu vực biên giới Việt- Trung, tổ chức đưa bà Chu Thị Đ và chị Trương Thị T xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm ăn, sau đó C đã tìm cho chị T một người nam giới Trung Quốc. Quá trình chị T ở cùng với người nam giới đó chị T đã có thai, năm 2018 sau khi trốn được về Việt Nam, chị T đã sinh được 1 người con gái.

Với hành vi nêu trên, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc truy tố bị cáo ra trước tòa về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tội phạm và hình phạt đối với bị cáo được quy định tại khoản 1 Điều 349 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như sau:

1. Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

[4] Xét tính chất của vụ án là nghiêm trọng vì hành vi phạm tội của bị cáo đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính của Nhà nước, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam- Trung Quốc đồng thời gây lên tình hình mất trật tự trị an xã hội nên cần phải xử lý bị cáo nghiêm khắc để giáo dục riêng, phòng ngừa chung cho xã hội.

[5] Xét về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và mức độ phạm tội của bị cáo Hội đồng xét xử thấy rằng:

Bị cáo xuất thân từ gia đình nhân dân lao động, bản thân được gia đình nuôi ăn học hết lớp 10/10 sau đó ở nhà làm ruộng (Tại phiên tòa bị cáo khai học hết lớp 2/10 nhưng không có căn cứ chứng minh; các tài liệu trong hồ sơ đều thể hiện bị cáo học hết lớp 10/10). Từ năm 1994 đến nay bị cáo thường xuyên làm ăn, sinh sống tại Trung Quốc, thỉnh thoảng mới về thăm thân nhân tại Việt Nam. Năm 2009 bị cáo đã bị Công an huyện T xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất cảnh trái phép. Do thiếu sự rèn luyện tu dưỡng, đã dẫn bị cáo vào con đường phạm tội. Trong vụ án này bị cáo đã có hành vi tổ chức cho bà Chu Thị Đ, chị Trương Thị T trốn đi nước ngoài trái phép nhằm mong muốn được hai người trên trả cho tiền công giới thiệu việc làm theo thỏa thuận, vì vậy bị cáo đã tự bỏ tiền chi phí cho việc đi lại, ăn ở...Hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, cần xử lý bị cáo nghiêm khắc.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần vì đây là lần đầu bị cáo phạm tội; trước cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay bị cáo đã khai báo thành khẩn và tỏ ra ăn năn, hối cải về hành vi phạm tội của mình; bị cáo đã đầu thú để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Các tình tiết giảm nhẹ được áp dụng cho bị cáo là điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo không bị áp dụng tình tiết tăng nặng nào. Song dù có giảm nhẹ thì việc bắt bị cáo cách ly xã hội một thời gian là cần thiết, có như vậy mới có tác dụng cải tạo bị cáo trở thành công dân có ích cho xã hội.

Mức đề nghị của đại diện Viện kiểm sát như trên là phù hợp với pháp luật. Tuy nhiên xét hoàn cảnh của bị cáo và mục đích bị cáo tổ chức cho bà Đ và chị T trốn đi nước ngoài chỉ với mong muốn được hai người trên trả cho tiền công giới thiệu việc làm theo thỏa thuận nên Hội đồng xét xử quyết định giảm hơn so với mức án mà Kiểm sát viên đề nghị tại phiên tòa để tạo điều kiện cho bị cáo yên tâm cải tạo trở thành công dân có ích cho xã hội.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 349 Bộ luật hình sự thì “ Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” Xét thấy bị cáo không có nghề nghiệp ổn định, không có tài sản riêng vì vậy không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm làm công việc nhất định đối với bị cáo.

Đối với việc chị Trương Thị T tố cáo C có hành vi lừa bán chị T cho người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ, C không thừa nhận và khẳng định: Việc chị T đến sinh sống cùng người đàn ông Trung Quốc tên là “Nhì Tấy” là hoàn toàn tự nguyện và đã thống nhất với C từ trước. Quá trình điều tra không đủ căn cứ xác định chị Trương Thị T đã bị Nguyễn Thị C và Chu Thị Đ lừa bán sang Trung Quốc nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý C và bà Đ về hành vi này là có căn cứ [6] Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại không yêu cầu bồi thường nên trách nhiệm dân sự không đặt ra.

[7] Về án phí hình sự sơ thẩm: Do bị cáo bị Tòa án tuyên có tội và bị kết án nên bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị C phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép” Áp dụng khoản khoản 1 Điều 349 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); điểm s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị C 01 (Một) năm 09 (Chín) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt 09 tháng 02 năm 2021.

Tiếp tục tạm giam bị cáo để đảm bảo thi hành án.

2. Về án phí hình sự sơ thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 135; khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, buộc bị cáo phải chịu 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm.

Án xử công khai sơ thẩm có mặt bị cáo, vắng mặt bị hại, có mặt những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tòa án báo để những người có mặt biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Bị hại vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày Tòa án niêm yết bản án tại nơi cư trú./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

468
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 47/2021/HS-ST ngày 28/07/2021 về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép

Số hiệu:47/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/07/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;