TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 47/2021/DS-PT NGÀY 06/08/2021 VỀ TRANH CHẤP KIỆN ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM HỢP ĐỒNG DÂN SỰ
Trong các ngày từ 04 đến 06 tháng 8 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 85/2020/TLPT- DS ngày 17 tháng 11 năm 2020 về việc tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm Hợp đồng dân sự.
Do Bản án Dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 21/2021/QĐ-PT ngày 18 tháng 01 năm 2021 và Thông báo về việc thay đổi thời gian mở phiên toà số 1590/TB-TA ngày 20 tháng 7 năm 2021, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần A (viết tắt là Công ty A); địa chỉ trụ sở: Khu 4, thị trấn B, huyện C, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp của Công ty Cổ phần A: Ông Phạm Văn D, sinh năm 1981; nơi cư trú: Số 41/161 E, phường G, quận H, thành phố Hải Phòng là người đại diện theo uỷ quyền của Giám đốc Công ty Cổ phần A (theo Văn bản uỷ quyền 09/01/2017);
- Bị đơn: Uỷ ban nhân dân xã I, huyện K, thành phố Hải Phòng (viết tắt là Uỷ ban xã I); địa chỉ trụ sở: Số 8 đường 20/8 thị trấn L, huyện K, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp của Uỷ ban nhân dân xã I: Ông Đào Mạnh M, chức vụ: Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã I (theo Giấy uỷ quyền ngày 21/01/2021 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã I); có mặt;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty Cổ phần N (viết tắt là Công ty N); địa chỉ trụ sở: Số 70 O, phường P, quận H, thành phố Hải Phòng;
Người đại diện hợp pháp của Công ty Cổ phần N: Ông Lại Thế Q, chức vụ: Phó Giám đốc Công ty (theo giấy uỷ quyền ngày 02/01/2021 của Giám đốc Công ty); có mặt;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần N: Ông Nguyễn Quang R và bà Dương Minh S đều là Luật sư Công ty Luật T; ông R có mặt, bà S vắng mặt.
- Người làm chứng: Ông Phạm Văn U, sinh năm 1962; nơi cư trú: Thôn V, xã I, huyện K, thành phố Hải Phòng; có mặt.
- Người kháng cáo: Công ty Cổ phần A là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện nhận ngày 20/11/2017; bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn Công ty Cổ phần A trình bày:
Công ty A có chức năng ngành nghề là sản xuất cung cấp nước sạch. Thực hiện chủ trương của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân huyện K cũng như chủ trương của xã I, Công ty A đã xây dựng trạm cung cấp nước sạch xã I 1 vào tháng 9 năm 2010 và xã I 2 vào tháng 09 năm 2014 (khi công trình hoàn thành có Biên bản bàn giao ngày 05/3/2015 về việc nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình hoặc công trình để đưa vào sử dụng của hệ cấp nước tập trung xã I). Sau khi hoàn thành công trình ngày 02 tháng 10 năm 2010, Uỷ ban nhân dân xã I và Công ty A đã ký Hợp đồng kinh tế số 19/HĐKT (viết tắt là Hợp đồng số 19) với nội dung chính: Uỷ ban xã I giao cho Công ty A mặt bằng xây dựng Trạm xử lý nước mặt tập trung xã tại thôn 2 xã I, huyện K với diện tích 850,0m2. Công ty A sử dụng mặt bằng để phát triển kinh tế và xây dựng trạm xử lý nước mặt theo hồ sơ thiết kế được duyệt, lắp đặt toàn bộ hệ thống đường ống phục vụ nhân dân, đường điện phục vụ nhà máy…và có trách nhiệm đầu tư nguồn vốn để xây dựng phần ngoài trạm (ngoài phần kinh phí thành phố cấp). Sau khi hoàn thành, Công ty A được phép hợp đồng bán nước cho nhân dân để thu hồi vốn. Giá trị hợp đồng:
2.477.074.000 đồng (giá trị dự toán ban đầu). Giá nước theo giá quy định của thành phố áp dụng cho khu vực nông thôn. Công ty A được quyền thu đóng góp của nhân dân trong xã về kinh phí lắp đặt, đấu nối vào hệ thống cấp nước của Công ty, giá không vượt quá giá quy định của Uỷ ban nhân dân huyện K (toàn bộ vật tư do Công ty A cung cấp gồm 01 đồng hồ đo nước, ống chịu lực phi 21 dài không quá 05m và các phụ kiện có liên quan). Công ty A quản lý, sử dụng, vận hành nhà máy nước sạch trong thời gian 38 năm. Đến tháng 6 năm 2016 chất lượng nước của Công ty A đạt tiêu chuẩn QCVN 01: 2009/BYT. Công ty A không nhận được bất kỳ phản ánh nào của người dân xã I về chất lượng cũng như sản lượng nước của Công ty A. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi hai bên chưa thanh lý Hợp đồng số 19 thì ngày 18/7/2016, Uỷ ban xã I đã ký Hợp đồng số 011087/HĐ-ĐD (viết tắt là Hợp đồng số 011087/HĐ-ĐD) với Công ty N, thời hạn hợp đồng là 50 năm. Ngay sau khi Hợp đồng số 011087/HĐ-ĐD được ký kết, Công ty N đã tiến hành xây nhà máy lọc nước và các hạng mục khác trên địa bàn xã I. Từ tháng 5 năm 2017, Công ty N đã lắp đặt hệ thống ống dẫn nước đến các thôn của xã I, kích động và lôi kéo người dân sử dụng nguồn nước do Công ty N cung cấp. Công ty N còn lắp đặt hệ thống ống cấp nước chồng chéo lên hệ thống ống dẫn nước của Công ty A lắp đặt trước đó; tranh giành địa bàn cung cấp nước gây tâm lý hoang mang cho người dân sử dụng nước. Uỷ ban xã I và Công ty N đã không tuân thủ pháp luật gây thiệt hại cho Công ty A. Công ty A đã có nhiều công văn trao đổi, làm việc trực tiếp với Uỷ ban xã I, Uỷ ban nhân dân huyện K và Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu giải quyết để đảm bảo quyền lợi của Công ty A nhưng chưa nhận được sự phản hồi tích cực nào của Uỷ ban xã I. Do vậy, Công ty A khởi kiện đề nghị Toà án giải quyết:
- Buộc Uỷ ban xã I phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm Hợp đồng số 19 bằng cách huỷ bỏ các văn bản cho phép Công ty N cung cấp nước cho nhân dân xã I. Buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước mà Công ty A đã đầu tư hoặc ngừng ngay các công việc đang tiến hành như xây dựng, lắp đặt hệ thống ống dẫn và cung cấp nước cho nhân dân xã I.
- Buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty A do vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật, cụ thể:
+ Hệ thống ống nước đã lắp đặt chưa đưa vào sử dụng do Công ty N lắp đặt chồng lấn: Ống phi 32: 84.000.000 đồng; ống phi 40: 84.000.000 đồng, ống phi 50:
90.900.000 đồng.
+ Doanh thu sụt giảm do 175 hộ dân huỷ hợp đồng không sử dụng nước của Công ty A là: 175 hộ x 33 tháng x 8.500 đồng = 343.612.500 đồng. Hộ vừa dùng nước của Công ty A, vừa dùng nước của Công ty N: 37 hộ x 04m3 x 33 tháng x 8.500đồng = 41.514.000 đồng (4m3 là quy định tối thiểu người sử dụng nước phải nộp theo Nghị định số 117 của Thủ Tướng Chính phủ); 214 hộ lắp đặt đồng hồ mới bên Công ty N: 214 hộ x 1.600.000 đồng/hộ = 342.400.000 (thiệt hại do lắp đặt đường ống nhưng không sử dụng, thiệt hại vật tư, nhân công, xi măng, cát, hoàn trả mặt bằng).
Tổng thiệt hại tạm tính: 986.426.500 đồng.
Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tại phiên toà sơ thẩm, Công ty A đã rút yêu cầu khởi kiện: Buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước mà Công ty A đã đầu tư.
Tại văn bản ngày 08/3/2018, ngày 06/7/2020 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm bị đơn Uỷ ban nhân dân xã I trình bày:
Ngày 02/11/2010, Uỷ ban xã I đã ký Hợp đồng số 19 với Công ty A. Theo đó, Công ty A đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ cấp nước xã I theo hồ sơ được cấp có thẩm quyền phê duyệt với công suất 200m3/ngày/đêm, tiêu chuẩn QCVN 02:2009/BYT phục vụ bình quân 400 hộ dân. Hiện tại xã I có 2.405 hộ, 7.818 nhân khẩu. Theo Báo cáo số 379/BC-UBND ngày 27/10/2017 của Uỷ ban nhân dân huyện K tính đến thời điểm tháng 9 năm 2017. Công ty A đã ký hợp đồng cung cấp nước cho 1.371 hộ dân. Ngày 25/5/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng có Công văn số 518/SNN-TL, đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc mở rộng và cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn QCVN01:
2009/BYT của Công ty N cho 05 xã: X, Y, A’, B’ và I. Ngày 30/5/2016 Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố có Công văn số 3226/VP-NN ngày 30/5/2016 chấp thuận cho Công ty N nâng cấp và mở rộng cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn QCVN01: 2009/BYT cho 05 xã trong đó có xã I.
Năm 2016, Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng có chủ trương mở rộng và phát triển nhà máy cung cấp nước sạch quy mô lớn, hướng tới việc người dân được dùng nước sạch theo quy chuẩn QCVN01: 2009/BYT, tiến tới xoá bỏ hệ thống nhà máy nước mi ni vào năm 2020. Ngày 18/7/2016, Uỷ ban xã I ký Hợp đồng số 011087/HĐ-ĐD về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân, đạt tiêu chuẩn QCVN01: 2009/BYT với Công ty N. Ông Phạm Văn U khi đó là Chủ tịch Uỷ ban xã I đã ký hợp đồng với Công ty N. Khi ký hợp đồng này, ông U không báo cáo Đảng uỷ, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ cũng như không có nội dung thống nhất của lãnh đạo Uỷ ban xã; tại các hội nghị và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã cũng không có nội dung này. Chỉ sau khi có việc tranh chấp giữa Công ty A và Công ty N có tính chất phức tạp, Đảng uỷ, Uỷ ban xã mới biết có việc ông U ký hợp đồng với Công ty N. Ngày 11/10/2017, Uỷ ban xã I đã ban hành Công văn số 02/CV-UBND về việc chấm dứt hợp đồng với Công ty N.
Nay Công ty A khởi kiện, Uỷ ban I là không đúng vì: Việc ký hợp đồng với Công ty N không có sự thống nhất của lãnh đạo của Đảng uỷ, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã I. Chủ trương của thành phố và huyện đến năm 2020 mọi người dân đều dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn QCVN01: 2009/BYT nên Uỷ ban xã I thực hiện theo chỉ đạo của thành phố về chương trình nước sạch nông thôn giai đoạn 2015-2020. Năng lực phục vụ và cung cấp nước sạch của Công ty A không đủ (công suất 200m3/ngày/đêm tương đương cung cấp 400 hộ dân nhưng thực tế lại cung cấp cho khoảng 1.371 hộ dân). Như vậy, còn 1.035 hộ dân xã I nếu không có nhà máy nước khác cung cấp thì không được dùng nước sạch, không đảm bảo sức khoẻ; như vậy sẽ trái với chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện K và Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Các nhà máy nước mi ni không được nâng cấp khi chưa có ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân huyện. Trong khi đó, nhu cầu của nhân dân xã I được dùng nước sạch để đảm bảo sức khoẻ là nhu cầu chính đáng. Giữa các doanh nghiệp cần phải cạnh tranh lành mạnh; Chính phủ cũng đang thực hiện tái cơ cấu ngành nghề sản xuất để phát triển kinh tế.
Tại văn bản ngày 15/12/2017 và quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Công ty Cổ phần N trình bày:
Công ty N được thành lập theo Giấy phép Đăng ký kinh doanh số 0201632552. Căn cứ các Quyết định đã được phê duyệt của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng; Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Uỷ ban nhân dân huyện K về việc cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân tại 05 xã: X, A’, Y, B’, I của huyện K, Công ty N đã tiến hành nâng cấp và mở rộng nhà máy cung cấp nước sạch tại xã X. Cho đến nay nhân dân tại 04 xã: X, A’, Y và B’ đã và đang được sử dụng nguồn nước sạch từ nhà máy. Đối với xã I cũng như các xã khác, Công ty N đã làm việc với Uỷ ban xã về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trong xã, sau đó hai bên đã thống nhất ký hợp đồng vào ngày 18/7/2016 để cung cấp nước sạch cho nhân dân. Sau khi hoàn tất các thủ tục về văn bản, Công ty N đã tiến hành các công việc triển khai cung cấp nước sạch cho nhân dân xã I nhưng đều bị đối tượng xã hội đe doạ, ngăn cản và cả lực lượng của Uỷ ban xã I cản trở công việc của Công ty N. Trong khi đó nhân dân xã I đang có nhu cầu cấp bách sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khoẻ. Kể từ khi ký hợp đồng với Uỷ ban xã I cho đến năm 2017 đã khoảng 16 tháng nhưng công việc của Công ty N chưa thực hiện được, trong khi Công ty vẫn phải trả lãi cho ngân hàng, trả lương cho công nhân, chịu phạt đối với các hợp đồng nhà thầu. Quan điểm của Công ty N đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty A: Công ty N cấp nước vào địa bàn xã I đã được sự đồng ý của Uỷ ban xã I; theo sự phê chuẩn của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng và vì nhu cầu được sử dụng nước sạch của nhân dân. Công ty N chủ trương phục vụ các hộ dân của xã I chưa được dùng nước sạch và có nhu cầu sử dụng nước của Công ty N. Việc các hộ dân của xã I đăng ký sử dụng nước của Công ty N là hoàn toàn tự nguyện. Hiện tại, có nhiều hộ dân đề nghị được sử dụng nước do Công ty N cung cấp nhưng do có tranh chấp nên Công ty N đã phải thuyết phục người dân chờ đợi. Hai tháng sau khi gửi công văn lần thứ ba đến Uỷ ban xã I, do nhu cầu cấp thiết của nhiều hộ dân chưa được sử dụng nước sạch, ngày 29/9/2017 Công ty N đã tiến hành lắp đặt hệ thống cấp nước sang thôn Hà Phương 4. Việc lắp đặt này không gây ra sự chồng chéo lên hệ thống ống cấp nước của Công ty A đã lắp đặt trước đó. Lý do: Hầu hết hệ thống cấp nước của Công ty A được lắp đặt trong cốt hành lang đường giao thông cũ, còn ống cấp nước của Công ty N được lắp đặt trong cốt hành lang đường giao thông mới (sau khi làm lại đường giao thông nông thôn); chênh lệch độ cao trung bình của hai hệ thống vào khoảng 400mm nên không có việc chồng đè giữa hai hệ thống cấp nước của hai Công ty, không làm ảnh hưởng về kỹ thuật đến hệ thống cấp nước của Công ty A. Về phương diện quản lý thì trong hành lang, vỉa hè của đường giao thông ở Việt Nam hiện nay, không chỉ đường ống cấp nước được phép lắp đặt mà còn nhiều hệ thống khác như hệ thống thoát nước mặt đường, tiêu nước thải của các khu dân sư, ống thoát nước thải của các hộ dân; ống mạng internet; ống đường điện ngầm ...Như vậy Công ty N không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Công ty A.
Tại Biên bản hoà giải ngày29/4/2020 ông Phạm Văn U trình bày:
Ông U là Chủ tịch Uỷ ban xã I từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 10 năm 2017. Ngày 18 tháng 7 năm 2016, ông U đại diện cho Uỷ ban xã I ký hợp đồng cung cấp nước sạch với Công ty N. Ông U ký hợp đồng này theo chủ trương của Uỷ ban nhân dân huyện K. Việc ký hợp đồng với Công ty N ông U đã đưa ra Đảng uỷ xã I nhưng không có văn bản cuộc họp. Sau khi ký hợp đồng thì Công ty N và Công ty A xảy ra tranh chấp. Ông U đã mời đại diện của hai Công ty lên hoà giải nhiều lần nhưng không có kết quả. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng giữa Uỷ ban xã I với Công ty N do ông U là người ký. Nay Công ty A khởi kiện, ông U không đồng ý vì ông U ký hợp đồng với Công ty N là vì lợi ích của người dân, ông U không có tư lợi gì từ việc ký hợp đồng này.
Với nội dung như trên, tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 12/2020/DS-ST ngày 21 tháng 8 năm 2020, Tòa án nhân dân huyện K, thành phố Hải Phòng đã căn cứ các Điều 288, 385, 419, 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, tuyên xử: Buộc Uỷ ban nhân dân xã I và Công ty N phải liên đới bồi thường cho Công ty A số tiền thiệt hại từ khi Uỷ ban nhân dân xã I và Công ty N ký hợp đồng lắp đặt và cung cấp nước cho nhân dân xã I đến khi đơn phương chấm dứt hợp đồng là 786.000 đồng. Chia phần Uỷ ban xã I phải chịu 393.000 đồng, Công ty N phải chịu 393.000 đồng. Buộc Công ty Cổ phần N phải bồi thường cho Công ty A số tiền thiệt hại do không bán được nước từ khi Uỷ ban nhân dân xã I đơn phương chấm dứt hợp đồng đến ngày xét xử sơ thẩm là 166.023.000 đồng. Buộc Công ty N phải chấm dứt hành vi lắp đặt, ký các hợp đồng cấp nước mới cho các hộ dân xã I chờ chính sách mới. Không chấp nhận yêu cầu của Công ty A về việc buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải liên đới bồi thường thiệt hại về hệ thống ống nước đã lắp đặt chưa đưa vào sử dụng là 258.900.000 đồng; tiền do không lắp đặt được hệ thống cấp nước mới và không ký được hợp đồng cho 214 hộ dân đã ký hợp đồng cung cấp nước với Công ty N dự kiến kế hoạch là 342.400.000 đồng. Đình chỉ yêu cầu của Công ty A về việc buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải đàm phán mua lại hệ thống cấp nước của Công ty A.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm, tuyên về lãi suất chậm thi hành án và tuyên quyền kháng cáo đối với các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 31 tháng 8 năm 2020, Công ty A kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do bản án sơ thẩm có nhiều điểm bất lợi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty A, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty A.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn – Công ty A giữ nguyên nội dung kháng cáo và rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc đề nghị Toà án buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước mà Công ty A đã đầu tư (đã rút tại phiên toà sơ thẩm); rút thêm yêu cầu về việc buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty A về hệ thống ống nước đã lắp đặt chưa đưa vào sử dụng và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về doanh thu sụt giảm do 214 hộ dân lắp đặt đồng hồ mới của Công ty N. Tại phiên toà, Công ty A trình bày: Khi Công ty A tăng giá bán nước thì phải được Uỷ ban nhân dân xã phê duyệt. Tại phiên toà Uỷ ban nhân dân xã I thống nhất về giá nước bán cho các hộ dân: Từ tháng 5 năm 2019 trở về trước thì giá bán nước của Công ty A là 6.500 đồng, còn từ tháng 6 năm 2019 cho đến nay giá bán nước của Công ty A là 8.500 đồng. Tuy nhiên tại phiên toà, Công ty A đồng ý tính tiền thiệt hại với giá bán nước là 6.500 đồng/m3.
Bị đơn Uỷ ban nhân dân xã I và ông Phạm Văn U thống nhất trình bày: Trên địa bàn xã I có 2.233 hộ và khoảng 7.985 nhân khẩu. Tính đến tháng 9 năm 2017, Công ty A mới cấp nước được cho 1.371 hộ. Xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết và áp lực của người dân xã I mong muốn được sử dụng nước sạch trong khi đó công suất, chất lượng nước do Công ty A cung cấp chưa đảm bảo. Công ty A chỉ cung cấp được 400m3 nước ngày/đêm nên năm 2016, ông Phạm Văn U (thời điểm đó là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã I) đã ký hợp đồng cho phép Công ty N vào cung cấp nước sinh hoạt cho những hộ dân chưa sử dụng nước của Công ty A trên địa bàn xã I. Nhưng ông U có thiếu sót là đã không nghiên cứu kỹ văn bản của cấp trên và quy định của pháp luật về việc cho phép nhiều Công ty cấp nước trên cùng địa bàn; không giải quyết hợp đồng vẫn còn hiệu lực với Công ty A trước khi ký hợp đồng với Công ty N và cũng không phân vùng cấp nước khi cho phép cả hai Công ty cùng cấp nước trên một địa bàn. Kết quả xét nghiệm chất lượng nước của Công ty A đạt tiêu chuẩn 01 là không đúng với chất lượng nước thực tế. Uỷ ban nhân dân xã sẽ kiến nghị xem xét lại việc kiểm định này. Trên thực tế theo phản ánh của người dân xã I thì chất lượng và áp lực nước của Công ty A không bằng nước do Công ty N cung cấp nên mong muốn của người dân là được sử dụng nguồn nước sạch và có áp lực mạnh. Hiện tại, một số hộ dân tại thôn Hà Phương 1,2,3,4 đang dùng nước của Công ty N, nếu bắt họ không được tiếp tục sử dụng nước của Công ty N thì vấn đề sẽ rất phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân và làm phát sinh vấn đề chính trị tại địa phương. Uỷ ban nhân dân xã đã xin ý kiến của Uỷ ban nhân dân thành phố hướng giải quyết vấn đề này nhưng chưa xong. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân xã trình bày: Khi ký hợp đồng với Công ty N, ông U không đưa ra bàn bạc trong cấp uỷ và tập thể lãnh đạo xã vì trong sổ ghi chép của Uỷ ban xã không thể hiện việc này. Còn ông U trình bày: Tại Nghị quyết của xã đều đưa ra mục tiêu phấn đấu ngày càng có nhiều hộ dân được sử dụng nước sạch.
Ông U ký hợp đồng với Công ty N cũng xuất phát từ lợi ích người dân và để thực hiện nghị quyết của xã chứ không phải vì quyền lợi của cá nhân ông U.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty N thống nhất trình bày: Công ty N cấp nước tại xã I được sự đồng ý của Uỷ ban nhân dân thành phố, Uỷ ban nhân dân huyện và Uỷ ban nhân dân xã I. Khi ký hợp đồng với Uỷ ban xã I, Công ty N chủ trương cấp nước cho những hộ dân chưa sử dụng nước của Công ty A nên không có ý định tranh giành hay chồng chéo lên những hộ dân Công ty A đã cấp nước. Việc Uỷ ban nhân dân xã I đã tự ý chấm dứt với Công ty N là không đúng, nhưng hiện tại Công ty N chưa khởi kiện Uỷ ban nhân dân xã về việc này. Sau này có nhiều người dân tại xã I mong muốn được Công ty N cung cấp nước nhưng Công ty N không tiếp tục ký hợp đồng bán nước cho hộ dân nào. Công ty N không có lỗi dẫn đến thiệt hại của Công ty A nên không có nghĩa vụ phải bồi thường, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ bản án dân sự sơ thẩm.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến:
Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quan điểm của Kiểm sát viên đối với kháng cáo của nguyên đơn:
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, tuyên xử: Sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Buộc Uỷ ban nhân dân xã I phải bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại cho Công ty A số tiền là 786.000 đồng (kể từ ngày ký hợp đồng với Công ty N đến ngày 11/10/2017); buộc Công ty N phải bồi thường thiệt hại cho Công ty A số tiền là: 57 hộ x 33 tháng x 4m3 x 6.500đồng/m3 = 48.906.000 đồng (từ ngày 11/10/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm). Đình chỉ đối với việc rút yêu cầu khởi kiện tại phiên toà của nguyên đơn về bồi thường thiệt hại do 214 hộ dân mới dùng nước của Công ty N.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
- Về tố tụng:
[1] Quan hệ tranh chấp của vụ án là tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng dân sự. Do vụ án có kháng cáo nên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng – khoản 3 Điều 26; điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về thời hiệu khởi kiện: Nguyên đơn khởi kiện trong thời hạn luật định, các bên đương sự không đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện nên còn thời hiệu khởi kiện – Điều 429 của Bộ luật Dân sự; Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Xét kháng cáo của nguyên đơn – Công ty A:
Căn cứ lời khai của các đương sự, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:
[3] Chủ trương của Uỷ ban nhân dân thành phố và Uỷ ban nhân dân huyện là xây dựng hệ cấp nước sạch nông thôn Hải Phòng cho các xã trong toàn thành phố. Uỷ ban nhân dân xã I xét thấy chưa đáp ứng được về kinh phí xây dựng hệ cấp nước mặt để phục vụ nhân dân trong xã. Do đó, ngày 02/11/2010, Uỷ ban nhân dân xã I và Công ty Cổ phần A đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 19/HĐKT về việc đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành hệ cấp nước xã I, huyện K. Theo đó, Uỷ ban nhân dân xã I ký hợp đồng cho phép Công ty A sử dụng mặt bằng để xây dựng trạm xử lý nước mặt theo hồ sơ thiết kế đã được duyệt, lắp đặt toàn bộ hệ thống đường ống phục vụ nhân dân, đường điện phục vụ nhà máy, có trách nhiệm đầu tư nguồn vốn để xây dựng phần ngoài trạm (ngoài phần kinh phí thành phố cấp). Sau khi hoàn thành Công ty A được phép hợp đồng bán nước cho nhân dân để thu hồi vốn đầu tư. Công ty có trách nhiệm hoàn thành công trình, lập báo cáo đầu tư cho công trình, xây dựng hệ thống nhân sự đồng thời quản lý, vận hành nhà máy nước và bán nước cho nhân dân trong xã I. Giá trị hợp đồng:
2.477.074.000 đồng. Giá nước theo giá quy định của thành phố áp dụng cho khu vực nông thôn. Phương thức thanh toán: Công ty A bán nước cho nhân dân trong xã để thu hồi vốn đầu tư, theo phương pháp tính như sau: Tổng thu tiền bán nước cho dân – (chi phí trực tiếp + chi phí gián tiếp) trong thời gian 38 năm mới thu hồi hết vốn đầu tư. Hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký hợp đồng. Đại diện cho Uỷ ban nhân dân xã I là Chủ tịch xã – ông Tống Khánh G’ và đại diện cho Công ty A là ông Phạm Văn H’.
[4] Ngày 18/7/2016, Uỷ ban nhân dân xã I tiếp tục ký Hợp đồng cung cấp nước sạch cho nhân dân số 011807/HĐ-DD/2016 với Công ty Cổ phần N. Người đại diện cho Uỷ ban xã I là ông Phạm Văn U và người đại diện cho Công ty N là bà Trương Cẩm E’, chức vụ: Giám đốc Công ty. Theo đó hai bên thoả thuận: Công ty N được đầu tư xây dựng hệ thống đường ống trục chính, các hạng mục phụ trợ cho công trình, nâng công suất nhà máy đạt mức 5.000m3/ngày đêm trở lên vận hành, khai thác, sử dụng trạm cấp nước đảm bảo công tác phục vụ dân sinh cho nhân dân xã I và các xã lân cận. Uỷ ban xã I có quyền giám sát việc cung cấp nước sinh hoạt phục vụ nhân dân. Yêu cầu Công ty N điều chỉnh giá nước phù hợp theo quy định của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng. Thời hạn của hợp đồng là 50 năm kể từ ngày ký hợp đồng.
[5] Theo Công văn số 3226/VP-NN ngày 30/5/2016 của Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng thì Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng chấp thuận cho Công ty N nâng cấp và mở rộng cung cấp nước sạch cho các xã X, A’, Y, B’, I huyện K. Tại Công văn số 1451/UBND-KT&HT ngày 26/10/2016 của Uỷ ban nhân dân huyện K thì Uỷ ban huyện đồng ý với nội dung đề xuất của Công ty N về việc lắp đặt đường ống cấp nước qua địa bàn các xã: B’, Y, I.
[6] Ngày 11/10/2017, Uỷ ban xã I do Chủ tịch xã – ông Phạm Văn U đã ban hành Công văn số 02/CV-UBND. Theo đó, Uỷ ban xã I đã họp thống nhất về việc huỷ bỏ Hợp đồng cung cấp nước sạch với Công ty N trên toàn địa bàn xã I. Yêu cầu Công ty N dỡ bỏ toàn bộ đường ống đã lắp đặt.
[7] Quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn sơ thẩm, Toà án cấp sơ thẩm cho rằng hành vi ký kết hợp đồng với Công ty N của ông Phạm Văn U – Chủ tịch Uỷ ban xã I có dấu hiệu của tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nên đã có công văn gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K đề nghị xem xét khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Phạm Văn U. Ngày 18/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K đã có Thông báo số 18 ngày 18/11/2019 về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện K đã ra Quyết định Không khởi tố vụ án hình sự số 18 ngày 18/11/2019 với lý do: Hành vi không cấu thành tội phạm.
[8] Tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm, tại xã I có 175 hộ dân đang dùng nước của Công ty A thông báo cắt, không tiếp tục sử dụng nước; 37 hộ dân vừa dùng nước của Công ty A cung cấp vừa dùng nước của Công ty N.
[9] Theo Phiếu kết quả thử nghiệm ngày 05/7/2017 mẫu nước sinh hoạt của Khoa xét nghiệm Trung tâm y tế dự phòng Hải Phòng thì nước sinh hoạt của Công ty N cung cấp đạt tiêu chuẩn theo QCVN 01: 2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống). Theo Phiếu kết quả thử nghiệm ngày 31/8/2017 mẫu nước sinh hoạt của Khoa xét nghiệm Trung tâm y tế dự phòng Hải Phòng thì nước sinh hoạt của Công ty A cung cấp cũng đạt tiêu chuẩn theo QCVN 01: 2009/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống).
[10.1] Từ những nội dung trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Việc xây dựng hệ thống cấp nước sạch nông thôn Hải Phòng tại các xã trong toàn thành phố là đúng chủ trương của thành phố. Trên cơ sở chủ trương này, ngày 02/11/2010 Uỷ ban nhân dân xã I đã ký hợp đồng cho phép Công ty A xây dựng cơ sở vật chất để bán nước sinh hoạt theo tiêu chuẩn và giá bán theo quy định của cơ quan có thẩm quyền cho nhân dân xã I. Theo thoả thuận của hai bên thì hợp đồng có thời hạn là 38 năm. Nhưng thời gian các bên thực hiện hợp đồng mới được khoảng hơn 05 năm thì ngày 18/7/2016, Uỷ ban nhân dân xã I lại tiếp tục ký Hợp đồng cho phép Công ty N cung cấp nước sạch cho nhân dân trên cùng địa bàn xã I trong thời hạn 50 năm kể từ ngày ký hợp đồng nên đã dẫn đến việc tranh chấp giữa hai Công ty. Khi có tranh chấp, Uỷ ban xã I chưa có phương án giải quyết dứt điểm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho hai công ty thì ngày 11/10/2017 đã ban hành Công văn số 02/CV-UBND đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty N. Lẽ ra Uỷ ban nhân dân xã I thấy Công ty A cung cấp nước không đảm bảo chất lượng, áp lực nước không mạnh, không đáp ứng được nhu cầu nước sạch và đủ cho toàn bộ nhu cầu của các hộ dân sinh sống trên địa bàn xã thì trước khi cho phép Công ty N vào cùng cấp nước, Uỷ ban nhân dân xã I cần phải giải quyết dứt điểm việc đã ký hợp đồng với Công ty A, hoặc cần phân vùng cấp nước cho hai công ty trên địa bàn xã I, sau đó mới ký hợp đồng với Công ty N. Qua xác minh thì đa số nguyện vọng của nhân dân trong xã I đều mong muốn được sử dụng nguồn nước của Công ty N cung cấp vì chất lượng nước và áp lực nước đảm bảo. Nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp của Công ty A và Công ty N là do Uỷ ban xã I đã ký hợp đồng cho phép cả hai Công ty cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong xã cùng thời gian mà không có việc phân vùng cấp nước theo quy định quy định tại Điều 32 Nghị định số 117/NĐ-CP ngày 11/7/2017 của Chính phủ quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Công văn số 518/SNN-TL ngày 25/5/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng. Khi có tranh chấp, Uỷ ban xã I đã không giải quyết được tranh chấp này; Uỷ ban nhân dân xã I và hai công ty cấp nước đã không đạt được thoả thuận chung trong khi Công ty A mới chỉ cung cấp nước cho khoảng 1.371 hộ dân trên tổng số 2.233 hộ dân sinh sống tại xã I. Nay Công ty A khởi kiện yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại do Uỷ ban nhân dân xã I đã vi phạm hợp đồng ký kết, Hội đồng xét xử thấy rằng lỗi là của Uỷ ban xã I nên Uỷ ban xã phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho Công ty A. Bản án sơ thẩm buộc Công ty N có nghĩa vụ liên đới cùng Uỷ ban xã I bồi thường là không có cơ sở vì đây là việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng giữa Uỷ ban nhân dân xã I và Công ty A nên cần sửa bản án sơ thẩm về nội dung này. Cụ thể: 175 hộ dân đang dùng nước của Công ty A nhưng không tiếp tục dùng sau khi có Công ty N cùng cung cấp nước; 37 hộ dân vừa dùng nước của Công ty A vừa dùng nước của Công ty N. Tại phiên toà phúc thẩm Công ty N cũng thừa nhận đã cung cấp nước cho 427 hộ dân trên địa bàn xã I. Thời gian Công ty A đề nghị tính thiệt hại là 33 tháng kể từ thời điểm Uỷ ban nhân dân xã I đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty N – ngày 11/10/2017 (sau khi ký hợp đồng với Công ty N khoảng hơn 01 năm) cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Hợp đồng bán nước của Công ty A quy định tối thiểu mỗi hộ dân phải trả tiền nước hàng tháng là 4m3.. Như vậy, cơ sở để tính thiệt hại thì Công ty A đều yêu cầu ở mức thấp hơn thực tế nên bản án sơ thẩm chấp nhận những số liệu này để tính toán thiệt hại là có cơ sở nên cần giữ nguyên nội dung này của bản án sơ thẩm. Về giá nước bán cho các hộ dân thì Uỷ ban xã I và Công ty A đều thống nhất xác nhận từ tháng 5 năm 2019 trở về trước thì giá bán nước của Công ty A là 6.500 đồng, còn từ tháng 6 năm 2019 cho đến nay giá bán nước của Công ty A là 8.500 đồng. Tuy nhiên Công ty A đồng ý tính chung giá nước là 6.500 đồng/m3. Đây là mức giá có lợi cho người có nghĩa vụ bồi thường và Công ty A cũng tự nguyện nên cần chấp nhận. Tuy nhiên, khi buộc Uỷ ban nhân dân xã I bồi thường thì cần trừ đi chi phí về vật tư, nhân công…., chỉ buộc Uỷ ban xã I phải bồi thường lợi nhuận mà Công ty A thu được từ việc kinh doanh nước.
Công ty A trình bày lợi nhuận thu về khoảng 60% số tiền bán nước. Bản án sơ thẩm chưa khấu trừ số tiền này nên cần sửa về nội dung này. Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy cần chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm (khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 385, 419, 385, 360, 13 của Bộ luật Dân sự). Cụ thể cần tính toán lại phần bồi thường như sau: (175 hộ dân x 33 tháng x 4m3 x 6.500 đồng/m3) = 150.150.000 đồng (1); 37 hộ dân x 33 tháng x 2m3 x 6.500 đồng/m3 = 15.873.000 đồng (2); theo số liệu điều tra của Uỷ ban xã I, trước thời điểm Uỷ ban xã I đơn phương chấm dứt hợp đồng thì Công ty N cung cấp nước cho hai hộ dân, số tiền thu được là 786.000 đồng (3). Tổng cộng: (1) + (2) + (3) = 166.809.000 x 60% = 100.085.400 (làm tròn 100.085.000 đồng).
[10.2] Về yêu cầu của Công ty A: Buộc Uỷ ban xã I phải huỷ bỏ văn bản cho phép Công ty N cung cấp nước cho nhân dân xã I, Hội đồng xét xử thấy rằng: Thông qua lời trình bày của các trưởng thôn và lời trình bày của một số người dân thôn Hà Phương thì nguyện vọng của đa số nhân dân tại thôn Hà Phương đều mong muốn được dùng nước do Công ty N cung cấp vì áp lực nước và chất lượng nước đều mạnh và sạch hơn nước của Công ty A cung cấp. Uỷ ban xã I cũng trình bày, nếu buộc Công ty N ngừng cung cấp nước cho các hộ dân đã ký hợp đồng với Công ty N là đi ngược lại nguyện vọng chính đáng của người dân và để ổn định tình hình chính trị địa phương thì những hộ dân đã ký hợp đồng mua nước của Công ty N được tiếp tục thực hiện. Trong khi chờ chính sách mới và chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, cần buộc Công ty N không tiếp tục lắp đặt, ký hợp đồng mới cung cấp nước cho người dân sinh sống trên địa bàn xã I. Đồng thời kiến nghị của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân huyện K chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã I sớm giải quyết dứt điểm việc phân vùng cấp nước cho hai Công ty A và Công ty N trên địa bàn xã I, hoặc có chính sách mới về việc cung cấp nước để đảm bảo việc người dân được hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các Công ty cung cấp nước và đảm bảo tình hình chính trị địa phương.
[10.3] Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty A đã tự nguyện rút là: Buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước mà Công ty A đã đầu tư ; buộc Uỷ ban xã I và Công ty N phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty A về hệ thống ống nước đã lắp đặt chưa đưa vào sử dụng và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về doanh thu sụt giảm do 214 hộ dân lắp đặt đồng hồ mới của Công ty N.
[10.4] Ngày 11/10/2017, Uỷ ban xã I đã ban hành công văn số 02/CV-UBND chấm dứt Hợp đồng số 011087/HĐ-ĐD ngày 18/7/2016 ký với Công ty N khi chưa có sự thoả thuận của hai bên. Nếu các bên có tranh chấp về hợp đồng này thì có thể khởi kiện bằng một vụ án dân sự khác.
[10.5] Về việc đánh giá trách nhiệm của ông Phạm Văn U - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã I nếu có Uỷ ban nhân dân xã I xử lý theo Luật cán bộ công chức.
[11] Về án phí dân sự sơ thẩm:
[11.1] Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm – Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trả lại nguyên đơn số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 0015829 ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng.
[11.2] Bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật – Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
[11.3] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – Công ty N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
[12] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án dân sự sơ thẩm bị sửa nên Công ty A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại Công ty A số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp 300.000 đồng tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 0017317 ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng – khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn – Công ty Cổ phần A. Sửa bản án sơ thẩm.
Căn cứ vào Điều 385, 419, 385, 360, 13 của Bộ luật Dân sự;
Căn cứ vào Điều 147, khoản 2 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – Công ty Cổ phần A:
1.1. Buộc Uỷ ban nhân dân xã I, huyện K, thành phố Hải Phòn phải bồi thường cho Công ty Cổ phần A số tiền thiệt hại do đã vi phạm Hợp đồng kinh tế số 19/HĐKT ngày 02/11/2010 ký kết giữa Uỷ ban nhân dân xã I và Công ty Cổ phần A là: 100.085.000 đồng (Một trăm triệu không trăm tám mươi lăm nghìn đồng).
Kể từ ngày Công ty Cổ phần A có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền nêu trên, hàng tháng Uỷ ban nhân dân xã I, huyện K, thành phố Hải Phòng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chưa thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
1.2. Công ty Cổ phần N không được tiếp tục lắp đặt, ký hợp đồng cấp nước mới cho các hộ dân sinh sống trên địa bàn xã I, huyện K, thành phố Hải Phòng cho đến khi có chính sách, chủ trương mới của Cơ quan có thẩm quyền về việc cho phép cung cấp nước cho các hộ dân tại địa bản xã I.
1.3. Đình chỉ đối với yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần A về việc buộc Uỷ ban nhân dân xã I, huyện K, thành phố Hải Phòng và Công ty Cổ phần N phải trưng mua lại toàn bộ hệ thống cấp nước mà Công ty Cổ phần A đã đầu tư; yêu cầu Công ty Cổ phần N phải liên đới bồi thường thiệt hại cho Công ty Cổ phần A về hệ thống ống nước đã lắp đặt chưa đưa vào sử dụng và yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại về doanh thu sụt giảm do 214 hộ dân lắp đặt đồng hồ mới của Công ty Cổ phần N.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm:
2.1. Công ty Cổ phần A không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Trả lại Công ty Cổ phần A 14.500.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 0015829 ngày 23 tháng 11 năm 2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng.
2.2. Uỷ ban nhân dân xã I phải chịu 5.004.270 đồng làm tròn 5.004.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
2.3. Công ty Cổ phần N không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm.
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Công ty Cổ phần A không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Trả lại Công ty A 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Biên lai thu tạm ứng án phí số 0017317 ngày 11 tháng 9 năm 2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện K, thành phố Hải Phòng.
4. Kiến nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Uỷ ban nhân dân huyện K chỉ đạo Uỷ ban nhân dân xã I, huyện K, thành phố Hải Phòng sớm giải quyết dứt điểm việc phân vùng cấp nước cho Công ty Cổ phần A và Công ty Cổ phần N trên địa bàn xã I, hoặc có chính sách mới về việc cung cấp nước để đảm bảo việc người dân được hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các công ty cung cấp nước và đảm bảo tình hình chính trị địa phương.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 47/2021/DS-PT ngày 06/08/2021 về tranh chấp kiện đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng dân sự
Số hiệu: | 47/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 06/08/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về