Bản án 47/2020/DS-ST ngày 01/10/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN T – TỈNH BẮC GIANG

BẢN ÁN 47/2020/DS-ST NGÀY 01/10/2020 VỀ TRANH CHẤP CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Ngày 01 tháng 10 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện T, tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 52/2020/TLST-DS ngày 08 tháng 6 năm 2020 về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 236/2020/QĐXXST-DS ngày 16 tháng 9 năm 2020, Quyết định hoãn phiên tòa số 151/QĐST-DS, ngày 25/9/2020 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Đặng Trần Th, sinh năm 1961. (Vắng mặt).

Do bà Nguyễn Thị Gi, sinh năm 1963 – đại diện theo ủy quyền Đều cư trú: tổ dân phố H, thị trấn C, huyện T, Bắc Giang. (Bà Gi có mặt)

 * Bị đơn: Ông Đặng Trần L, sinh năm 1964. (Có mặt).

Nơi cư trú: tổ dân phố Đ, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Đặng Thị M, sinh năm 1952. (Có mặt).

Nơi cư trú: tổ dân phố H, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

- Ông Đặng Trần L, sinh năm 1964. (Có mặt).

- Ông Đặng Trần Tr, sinh năm 1968. (Có mặt).

- Ông Đặng Trần S, sinh năm 1971. (Có mặt).

- Bà Đặng Thị Th1, sinh năm 1973. (Có mặt khi xét xử vắng mặt khi tuyên án).

Nơi cư trú: tổ dân phố Đ, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

- Bà Đặng Thị H, sinh năm 1956. (Vắng mặt).

Nơi cư trú: số nhà 2, tổ dân phố số 1, phố M, phường M, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang;

- Bà Đặng Thị H1, sinh năm 1959. (Vắng mặt). Nơi cu trú: khu Ng, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang - Cụ Đặng Trần Đ, sinh năm 1959. (Có mặt).

Nơi cư trú: tổ dân phố Đ, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang.

- UBND thị trấn Cao Thương, huyện T. Do ông Giáp Văn T2 - Công chức địa chính, xây dựng, đại diện theo ủy quyền. (ông T2 vắng mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ghi ngày 20 tháng 5 năm 2020 (nộp trực tiếp tại Tòa án ngày 28/5/2020) và các lời khai tiếp theo thì nguyên đơn ông Đặng Trần Th do bà Nguyễn Thị Gi đại diện theo ủy quyền trình bày:

Bố mẹ ông là cụ Đặng Trần Đ1 chết ngày 20/02/2005, cụ Nguyễn Thị T chết ngày 20/01/2016. Trong quá trình chung sống hai cụ sinh được 08 người con là Đặng Trần Th, sinh năm 1961; Đặng Thị M, sinh năm 1952; Đặng Trần L, sinh năm 1964; Đặng Trần Tr, sinh năm 1968; Đặng Trần S, sinh năm 1971; Đặng Thị Th1, sinh năm 1973; Đặng Thị H, sinh năm 1956; Đặng Thị H1, sinh năm 1959 và tạo lập được các tài sản chung. Đến nay tài sản còn để lại gồm:

- Diện tích 226,7 m2 đất lâu dài gồm 100m2 đất ở và 126,7m2 đất vườn thuộc thửa số 48 tờ bản đồ số 19 tại khu Đ (Nay là tổ dân phố Đ), thị trấn C, huyện T, Bắc Giang đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI 171615 ngày 17/01/2020 đứng tên cụ Nguyễn Thị T. Tài sản gắn liền trên đất là 01 nhà cấp 4 có 03 gian xây cay, lợp ngói prô.

- Diện tích 2267m2 đất canh tác bao gồm: tờ bản đồ số 04 bao gồm thửa số 676 diện tích 323m2 và thửa số 610 diện tích 458m2; Tờ bản đồ số 05 bao gồm thừa số 376, diện tích 210m2 và thửa số 39 diện tích 391m2; Tờ bản đồ số 11 bao gồm thửa số 771, diện tích 276m2 , thửa số 772 diện tích 56m2, thửa số 266 diện tích 216m2, thửa số 316 diện tích 336m2.

- Số tiền đền bù ruộng canh tác là 50.000.000 đồng, 02 chỉ vàng, tiền phúng viếng còn lại là 24.000.000 đồng Hiện nay, ông L đang quản lý 50.000.000 đồng, 02 chỉ vằng, tiền phúng viếng 24.000.000 đồng, một phần ruộng canh tác. Còn các tài sản khác thì không ai trực tiếp quản lý.

Khi cụ Đ1, cụ T chết không để lại di chúc, anh chị em trong gia đình không thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được nên ông đề nghị chia thừa kế các tài sản trên theo quy định của pháp luật. Ông đề nghị được nhận phần đất thổ cư mà bố mẹ để lại vì khi bố mẹ ông còn sống đã chia đất cho ông L, ông Tr, ông S, còn ông chưa được bố mẹ chia đất, nếu được nhận phần đất này ông có trách nhiệm trích chia bằng tiền cho các thừa kế khác. Bà M, bà Th1, bà H1, bà H có ý kiến để lại phần thừa kế của các bà được hưởng cho ông thì ông nhất trí nhận phần thừa kế này.

Tại phiên tòa bà Gi đại diện theo ủy quyền của ông Th trình bầy:

Đối với ruộng canh tác của bố mẹ bà, năm 1991 nhà nước giao đất canh tác cho hộ gia đình, khi đó hộ cụ T gồm có những ai được chia đất canh tác, bà không biết cụ thể. Do đó bà chưa xác định được phần ruộng canh tác của bố mẹ bà hiện có diện tích bao nhiêu, ở thửa nào nên bà xin rút yêu cầu chia thừa kế đối với các thửa ruộng canh tác. Đối với nhà ở cấp 4 trên thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19, hiện ngôi nhà này đã cũ hỏng nên bà cũng không yêu cầu xác định giá trị bằng tiền để chia thừa kế nếu sau này ai được nhận phần đất trên thì có quyền sử dụng ngôi nhà này. Đối với yêu cầu chia thừa kế tài sản mà ông L đang giữ gồm 02 chỉ vàng, tiền đền bù ruộng 50.000.000 đồng, tiền phúng viếng là 24.000.000 đồng tiền. Ông L trình bầy hiện chỉ còn giữ số tiền nhận đền bù ruộng là 50.000.000 đồng, số tiền 8.400.000 đồng bán vàng và số tiền phúng viếng còn lại là 16.100.000 đồng. Nay bà nhất trí với ý kiến của ông L, bà đề nghị chia thừa kế số tiền trên theo quy định của pháp luật.

* Tại bản tự khai ngày 15/6/2020 và những lời khai tiếp theo, bị đơn ông Đặng Trần L trình bầy:

Ông thừa nhận nguồn gốc diện tích đất 226,6 m2 (gồm 100 m2 đất ở, 126,7 m2 đất vườn) thuộc thửa số 48, tờ bản đồ số 19, địa chỉ thửa đất tổ dân phố Đ, thị trấn C, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BI 171615 ngày 17/01/2012 đứng tên cụ Nguyễn Thị T là của bố mẹ ông để lại, trên đất có 01 nhà cấp bốn, 03 gian tường cay lợp ngói prô.

Đối với diện tích 2.267m2 đất canh tác bao gồm: tờ bản đồ số 04 bao gồm thửa số 676 diện tích 323m2 và thửa số 610 diện tích 458m2; Tờ bản đồ số 05 bao gồm thửa số 376, diện tích 210m2 và thửa số 39 diện tích 391m2; Tờ bản đồ số 11 bao gồm thửa số 771, diện tích 276m2 , thửa số 772 diện tích 56m2, thửa số 266 diện tích 216m2, thửa số 316 diện tích 336m2. Toàn bộ số ruộng trên, sau khi bố mẹ ông chết thì các anh chị em trong gia đình đã lập văn bản phân chia tài sản thừa kế. Theo đó anh chị em trong gia đình đã giao cho ông được toàn quyền sử dụng các thửa đất gồm:

- Thửa số 676, tờ bản đồ số 04, diện tích 324 m2;

- Thửa số 376, tờ bản đồ số 05, diện tích 210 m2;

- Thửa số 316 (1), tờ bản đồ số 11, diện tích 336 m2;

- Thửa số 610, tờ bản đồ số 04, diện tích 458 m2;

- Thửa số 39, tờ bản đồ số 05, diện tích 391 m2; Giao cho ông Đặng Trần S được sử dụng:

- Thửa số 77 (1), tờ bản đồ số 11, diện tích 276 m2;

- Thửa số 77 (2), tờ bản đồ số 11, diện tích 56 m2;

- Thửa số 266, tờ bản đồ số 11, diện tích 216 m2;

Đối với số tiền đền bù ruộng canh tác, vàng và tiền phúng viếng, ông xác định hiện ông đang giữ số tiền đền bù ruộng canh tác là 50.000.000 đồng, số tiền bán vàng là 8.400.000 đồng, tiền phúng viếng của mẹ ông, khi mẹ ông chết, anh em trong gia đình thống nhất đưa cho ông giữ số tiền 23.000.000 đồng để ông thay mặt anh em trả nợ các đám hiếu về sau, từ đó đến nay ông đã thay mặt anh em đi trả nợ các đám hiếu khác với số tiền 6.900.000 đồng, hiện ông chỉ còn giữ số tiền 16.100.000 đồng.

Nay ông Th yêu cầu chia di sản thừa kế thì ông không đồng ý với lý do ông muốn giữ lại thửa đất và các tài sản của bố mẹ để xây dựng nhà thờ chung. Nếu phải chia thừa kế thì ông có ý kiến, đối với đất ở và đất vườn, ông xác định không đủ điều kiện để nhận toàn bộ diện tích đất trên nên ông đề nghị chia đều diện tích đất trên cho các hàng thừa kế, ông được hưởng bao nhiêu thì ông xin nhận, ông chỉ nhận bằng hiện vật, ông không nhất trí nhận bằng tiền. Đối với số tiền 50.000.000 đồng và 8.400.000 đồng tiền bán vàng ông nhất trí chia thừa kế theo pháp luật, còn số tiền 16.100.000 đồng ông không nhất trí chia thừa kế, ông đề nghị để lại số tiền trên để trả nợ các đám hiếu về sau. Đối với diện tích ruộng canh tách, thì các anh chị em đã lập văn bản phân chia tài sản thừa kế tại UBND thị trấn C và đã được chứng thực, do đó văn bản trên đã có hiệu lực pháp luật nên không còn là tài sản thừa kế nữa.

Tại phiên tòa ông L có mặt và có ý kiến: Đối với ruộng canh tác, tại phiên tòa bà Gi là đại diện theo ủy quyền của ông Th cũng như các anh chị em trong gia đình đều không yêu cầu giải quyết nên ông cũng không yêu cầu giải quyết trong vụ án này. Đối với nhà cấp bốn xây dựng trên đất ông xác định nhà đã cũ hỏng nên ông cũng không yêu cầu xác định giá trị bằng tiền để chia thừa kế nếu sau này chia đất mà ai được chia phần đất có nhà thì có quyền sử dụng.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đặng Trần Tr, ông Đặng Trần S trình bầy:

Các ông nhất trí với trình bầy của ông L về tài sản của bố mẹ ông để lại, nay các ông cũng không đồng ý chia thừa kế theo đơn khởi kiện của ông Th. Nếu phải chia thừa kế thì các ông đề nghị, đối với đất ở và đất vườn thì các ông xác định không đủ điều kiện để nhận toàn bộ diện tích đất trên, các ông đề nghị chia đều diện tích đất trên cho các anh chị em trong gia đình, các ông được hưởng diện tích đất bao nhiêu thì các ông xin nhận, các ông không đồng ý nhận bằng tiền. Đối với nhà ở trên đất các ông xác định đã cũ, hỏng nên không yêu cầu xác định giá trị bằng tiền để chia thừa kế nếu sau này chia đất mà ai được chia phần đất có nhà thì có quyền sử dụng.

Tại phiên tòa ông Tr, ông S có mặt và đều trình bầy:

Bà Gi và anh chị em trong gia đình đều không yêu cầu giải quyết về ruộng canh tác của bố mẹ để lại thì các ông đồng ý và cũng không đề nghị Tòa án giải quyết.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đặng Thị M, bà Đặng Thị H, bà Đặng Thị Th1, bà Đặng Thị H1 trình bầy:

Các bà xác định bố mẹ các bà khi chết có để lại tài sản như trong đơn của ông Th là đúng. Đối với 02 chỉ vàng và tiền phúng viếng thì các bà nhất trí với trình bầy của ông L, các bà xác định 02 chỉ vàng anh chị em trong gia đình đã thống nhất bán được 8.400.000 đồng và đưa tiền cho ông L giữ còn tiền phúng viếng, ông L thực tế quản lý là 23.000.000 đồng và ông L đã thay mặt anh chị em trong gia đình đi phúng viếng các đám hiếu khác hiện chỉ còn 16.100.000 đồng. Nay các bà đồng ý chia di sản thừa kế gồm các tài sản thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19, số tiền nhận đền bù ruộng là 50.000.000 đồng, 8.400.000 đồng tiền bán vàng và 16.100.000 đồng tiền phúng viếng. Đối với tài sản là nhà ở trên đất thì đến nay đã cũ, hỏng nên ai được hưởng phần đất ở thì được quản lý mà không tính giá trị thành tiền để chia thừa kế. Đất canh tác của bố mẹ, các anh chị em trong gia đình đều không yêu cầu chia thừa kế nên các bà cũng đồng ý không đề nghị Tòa án giải quyết.

Tại phiên tòa bà H, bà H1 vắng mặt, bà M, bà Th1 có mặt và đều có ý kiến:

Nay bà Gi xin rút yêu cầu chia thừa kế là nhà ở trên đất và ruộng canh tác thì các bà cũng đống ý và không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Đặng Trần Đ trình bầy:

Cụ là con của cố T1, khi nhà nước chia ruộng canh tác cho các định xuất lao động thì cố T1 đang ở chung hộ khẩu với cụ T. Khi chia ruộng thì hộ cụ T gồm có cố T1, cụ T, cụ Đ1, ông S nên cố T1 cũng có một phần ruộng canh tác trong hộ cụ T. Cố Tạo khi chết không để lại di chúc, nay phần ruộng canh tác của cố T1 cụ không yêu cầu chia thừa kế, nếu các con của cụ T, cụ Đ1 nhất quyết yêu cầu chia thừa kế thì cụ yêu cầu chia thừa kế toàn bộ định xuất ruộng canh tác của cố T1 để lại theo quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa cụ Đ có mặt và trình bầy: Nay bà Gi và các anh chị em trong gia đình không yêu cầu chia thừa kế đối với ruộng canh tác thì cụ đồng ý và không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* UBND thị trấn C, huyện T do ông T2 đại diện theo ủy quyền trình bầy:

Hộ cụ Đ1, cụ T năm 1991 được nhà nước giao ruộng canh tác, khi giao ruộng thì hộ cụ T gồm có cố T1, cụ T, cụ Đ1, ông S. Ngày 26/4/2016 UBND thị trấn C có chứng thực văn bản phân chia di sản thừa kế đối với các thửa ruộng trên, việc chứng thực trên là đúng trình tự thủ tục. Nay UBND thị trấn đề nghị Tòa án căn cứ quy định của pháp luật để giải quyết vụ án.

Tham gia phiên tòa, đại diện viện kiểm sát phát biểu ý kiến: Quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến trước khi mở phiên toà Thẩm phán và Thư ký Toà án tuân theo đúng trình tự tố tụng, tại phiên toà Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, giao cho ông Th được sử dụng thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19 nhưng ông Th phải trích chia bằng tiền cho các hàng thừa kế khác.

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu chia thừa kế là ruộng canh tác.

Về án phí và chi phí tố tụng: các đương sự phải chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, án phí theo quy định, các đương sự được quyền kháng cáo, quyền đề nghị Thi hành án dân sự.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên toà và kết quả tranh tụng tại phiên toà, căn cứ vào kết quả thảo luận, nghị án.

Hội đồng xét xử thấy:

Về tố tụng: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà H, bà H1, UBND thị trấn C do ông T2 đại diện theo ủy quyền đều vắng mặt tại phiên tòa lần hai không có lý do. Căn cứ vào khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

Về thời hiệu khởi kiện: Ngày 20/02/2005 cụ Đặng Trần Đ1 chết, ngày 20/01/2016 cụ Nguyễn Thị T chết, đến ngày 20/5/2020 ông Th làm đơn khởi kiện gửi Tòa án để yêu cầu chia di sản thừa kế của hai cụ. Theo Điều 623 Bộ luật dân sự thì thời hiệu khởi kiện là ba mươi năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, ông Th làm đơn khởi kiện trong thời hạn.

Về yêu cầu chia thừa kế: theo yêu cầu khởi kiện thì nguyên đơn cho rằng khi cụ Đ1, cụ T còn sống có tạo lập tài sản gồm: thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19, diện tích 226,7 m2 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đứng tên cụ T, hiện thửa đất trên không có tranh chấp và chưa chuyển nhượng, tặng cho ai trên đất có tài sản là nhà ở cấp 4 xây cay lợp prô; diện tích ruộng canh tác là 2.267 m2, 02 chỉ vàng. Sau khi cụ T chết thì nhà nước bồi thường giải phóng mặt bằng diện tích ruộng được số tiền là 50.000.000 đồng và tiền phúng viếng được 24.000.000 đồng. Hiện nay tiền, vàng thì do ông L giữ, còn đất ở thì không ai trực tiếp quản lý. Nay ông đề nghị chia tài sản trên theo quy định của pháp luật. Bị đơn là ông L nhất trí với ý kiến của nguyên đơn về nguồn gốc thửa đất ở và số tiền 50.000.000 đồng, còn tiền khi mẹ ông chết phúng viếng được 24.000.000 đồng, nhưng ông chỉ được giữ số tiền 23.000.000 đồng và ông đã thay mặt anh chị em trong gia đình đi phúng viếng các đám hiếu khác số tiền hiện tại chỉ còn 16.100.000 đồng. Đối với 02 chỉ vàng thì anh chị em trong gia đình đã bán và giao cho ông số tiền 8.400.000 đồng. Nay ông không đồng chia tài sản thừa kế trên mà ông muốn giữ lại để làm nơi thờ cúng tổ tiên, nếu phải chia thừa kế thì ông nhất trí chia số tiền mà ông đang giữ còn ruộng canh tác thì ông xác định tất cả anh chị em đã lập văn bản phân chia thừa kế cho ông với ông S nên không còn là tài sản thừa kế, đối với thửa đất ở ông đề nghị được chia bằng hiện vật, ông không nhất trí chia bằng tiền. Tại phiên tòa các đương sự trong vụ án đều nhất trí số tiền mà ông L đang giữ gồm: 50.000.000 đồng tiền đền bù ruộng, 8.400.000 đồng tiền bán vàng, tiền phúng viếng còn lại là 16.100.000 đồng.

Về diện tích đất ở và tài sản trên đất: Tại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thề hiện thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19 có diện tích 226,7m2, trong đó có 100 m2 đất ở và 126,7m2 đất vườn. Nhưng tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 15/11/2019 và đo vẽ bằng máy chuyên dụng thì diện tích đất thực tế là 223,1 m2, khi đo vẽ thì các đương sự trong vụ án có mặt và chỉ đúng mốc giới, ranh giới của thửa đất với các hộ liền kề đã được phân đinh rõ, sau khi thông báo kết quả đo vẽ thì các đương sự không ai có ý kiến phản đối gì. Do đó cần lấy kết quả đo vẽ để làm căn cứ giải quyết vụ án. Đối với tài sản là nhà ở trên đất, thì các đương sự trong vụ án đều xác định năm 2012 khi gia đình thống nhất tách đất cho ông S và ông Tr thì hai đầu của ngôi nhà nằm vào phần đất của ông S và ông Tr. Đến nay, các đương sự không yêu cầu tính giá trị ngôi nhà để chia thừa kế nên ai được nhận tài sản này thì phải tháo dỡ diện tích nhà nằm vào phần đất của ông S, ông Tr trên.

Về số tiền mà ông L đang giữ: các đương sự trong vụ án đều thống nhất số tiền là 50.000.000 đồng tiền đền bù ruộng, 8.400.000 đồng tiền bán vàng, tiền phúng viếng còn lại là 16.100.000 đồng Về ruộng canh tác: Tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn xin rút yêu cầu trên, các đương sự khác đều nhất trí không đề nghị chia thừa kế số ruộng trên. Do đó Hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với yêu cầu chia thừa kế ruộng canh tác của ông Th, nếu có tranh chấp thì có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

Về quyền được hưởng thừa kế: Do cụ Đ1, cụ T chết không để lại di chúc nên di sản thừa kế của cụ Đ1, cụ T được phân chia theo pháp luật. Tại thời điểm cụ Đ1, cụ T chết thì bố mẹ của cụ Đ1, cụ T đã chết trước và cụ Đ1, cụ T sinh được 08 người con là bà M, bà H, bà H1, ông Th, ông L, ông Tr, ông S, bà Th1. Do vậy, những người được hưởng di sản thừa kế của cụ Đ1, cụ T gồm: bà M, bà H, bà H1, ông Th, ông L, ông Tr, ông S, bà Th1.

Về giá trị tài sản thừa kế: Tại biên bản định giá tài sản ngày 14/7/2020 thì giá trị tài sản gồm có: đất ở 800.000.000 đồng đất vườn 5.170.000 đồng, số tiền ông L đang quản lý là 74.500.000 đồng. Tổng số là 879.670.000 đồng.

Về phân chia di sản thừa kế: Ông Th đề nghị được nhận phần đất ở, đất vườn và có nghĩa vụ trích chia bằng tiền cho các đồng thừa kế khác. Ông L, ông S, ông Tr thì có ý kiến không có khả năng nhận tòa bộ diện tích đất trên, các ông đều đề nghị chia đều diện tích đất trên thành 08 phần và đề nghị chia bằng hiện vật, bà M, bà H, bà H1, bà Th1 thì đề nghị thửa đất trên giao cho ông Th, đối với phần thừa kế của các bà được hưởng thì các bà để lại cho ông Th hưởng. Hội đồng xét xử thấy, hiện thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19, có diện tích hiện trạng là 223,1 m2, có chiều dài mặt tiền là 5,98 m. Theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 745/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Giang quy định đất ở đô thị khi tách thửa phải có diện tích đất tối thiểu là 24 m2 trở lên với kích thước mặt tiền tối thiểu phải từ 3 m trở lên. Đối chiếu với quy định trên thì thấy nếu chia thửa đất trên thành 08 phần thì không đủ điều kiện tách thửa, do đó ý kiến phân chia thừa kế bằng hiện vật của ông L, ông S, ông Tr không được chấp nhận. Mặt khác ông Th có nhu cầu sử dụng đất và đề nghị được nhận toàn bộ diện tích đất trên còn ông L, ông Tr, ông S xác định không có đủ điều kiện để nhận toàn bộ diện tích đất trên. Do đó, cần giao cho ông Th sử dụng thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19, diện tích 223,1 m2. Nhưng ông Th phải có nghĩa vụ trích chia bằng tiền cho các đồng thừa kế khác. Xác định giá trị thừa kế của mỗi người được hưởng là 879.670.000 đồng/8 = 109.958.000 đồng, do ông L đang quản lý số tiền thừa kế là 74.500.000 đồng, do đó khi ông Th trích trả ông L bằng tiền thì cần đối trừ số tiền trên để trích trả. Bà M, bà H, bà H1, bà Th1 để lại phần thừa kế cho ông Th hưởng nên ông Th không phải trích trả bằng tiền cho bà M, bà H, bà H1, bà Th1.

Về chi phí định giá tài sản, chi phí đo vẽ sơ đồ hiện trạng thửa đất: Số tiền chi phí thực tế là 4.900.000 đồng. Do yêu cầu của ông Th được chấp nhận nên các đương sự cùng phải chịu tiền đo vẽ, xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản theo tỉ lệ phần tài sản mình được hưởng, cụ thể: Ông Th phải chịu 3.062.500 đồng xác nhận ông Th (do bà Gi đại diện theo ủy quyền) đã nộp đủ số tiền trên. Ông L, ông Tr, ông S mỗi người phải hoàn trả cho ông Th số tiền 612.500 đồng.

Về án phí: Ông Th thuộc diện hộ nghèo nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm, ông L, ông Tr, ông S phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tài sản được giao.

Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định tại Điều 271, 273 Bộ Luật tố tụng dân sự.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào khoản 5 Điều 26; khoản 1 Điều 147; Điều 227; Điều 228;

khoản 1, khoản 2 Điều 157; khoản 1, khoản 2 Điều 165; khoản 2 Điều 244; Điều 271 và Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự; điều 612, Điều 613; Điều 623; Điều 649; Điều 650; Điều 651; Điều 660; khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự. Điểm đ khoản 1 Điều 12; khoản 1 Điều 26; điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2. Xử:

- Xác nhận diện tích đất 223,1m2 (trong đó có 100 m2 đất ở, 123,1 m2 đất vườn) tại thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19, địa chỉ thửa đất tổ dân phố Đ, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang là di sản thừa kế;

- Xác nhận số tiền 74.500.000 đồng ông Đặng Trần L đang quản lý là di sản thừa kế.

3. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Trần Th:

- Giao cho ông Đặng Trần L sở hữu số tiền 74.500.000 đồng (Bẩy mươi tư triệu lăm trăm nghìn đồng) mà ông L đang quả lý.

- Giao cho ông Đặng Trần Th sở hữu, sử dụng diện tích đất 223,1m2 (trong đó có 100 m2 đất ở, 123,1 m2 đất vườn) tại thửa đất số 48, tờ bản đồ số 19, địa chỉ thửa đất tổ dân phố Đ, thị trấn C, huyện T, tỉnh Bắc Giang, trên đất có nhà ở cấp bốn, diện tích đất có các cạnh cụ thể:

Cạnh thứ nhất (mặt tiền): từ điểm H đến điểm G dài 5,98 m Cạnh thứ hai (mặt đáy): từ điểm A đến điểm B dài 5,75 m Cạnh thứ ba (giáp nhà ông S): từ điểm H đến điểm A dài 38,85 m Cạnh thứ tư (giáp nhà ông Tr: từ điểm G đến điểm B dài 37,63 m (Có sơ đồ kèm theo).

Nhưng ông Đặng Trần Th phải trích chia bằng tiền cho ông Đặng Trần L số tiền 35.458.000 đồng (Ba mươi lăm triệu, bốn trăm lăm mươi tám nghìn đồng), ông Đặng Trần Tr số tiền 109.958.000 đồng (một trăm linh chín triệu, chín trăm lăm mươi tám nghìn đồng), ông Đặng Trần S số tiền 109.958.000 đồng một trăm linh chín triệu, chín trăm lăm mươi tám nghìn đồng.

Kể từ ngày Bản án có hiệu lực pháp luật và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mà người phải thi hành án không trả được hoặc trả không đầy đủ số tiền trên thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự cho đến khi trả xong.

- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu chia di sản thừa kế là đất ruộng canh tác của ông Đặng Trần Th.

4. Về chi phí tố tụng và án phí:

Ông Đặng Trần Th phải chịu 3.062.500 đồng (Ba triệu không trăm sáu mươi hai nghìn lăm trăm đồng) chi phí tố tụng, xác nhận ông Th (do bà Gi đại diện theo ủy quyền) đã nộp đủ số tiền trên. Ông Đặng Trần L, ông Đặng Trần S, ông Đặng Trần Tr mỗi người phải hoàn trả cho ông Đặng Trần Th tiền chi phí tố tụng là 612.500 đồng (Sáu trăm mười hai nghìn, lăm trăm đồng).

Miễn án phí chia thừa kế cho ông Đặng Trần Th.

Ông Đặng Trần L phải chịu 5.498.000 đồng (Năm triệu bốn trăm chín mươi tám nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, ông Đặng Trần Tr phải chịu 5.498.000 đồng (Năm triệu bốn trăm chín mươi tám nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, ông Đặng Trần S phải chịu 5.498.000 đồng (Năm triệu bốn trăm chín mươi tám nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Đương sự có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 kể từ ngày tuyên án.

Đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được tống đạt hợp lệ bản án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

253
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

 Bản án 47/2020/DS-ST ngày 01/10/2020 về tranh chấp chia di sản thừa kế

Số hiệu:47/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Yên - Bắc Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 01/10/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;