Bản án 462/2018/HS-PT ngày 15/10/2018 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 462/2018/HS-PT NGÀY 15/10/2018 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 15 tháng 10 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 395/2018/HSPT ngày 30 tháng 8 năm 2018 đối với bị cáo Dương Hoàng Q do có kháng cáo của bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 70/2018/HS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo có kháng cáo:

Dương Hoàng Q; giới tính: nam; sinh ngày 08 tháng 3 năm 1968 tại Sài Gòn; thường trú: số A đường PVK, Phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh; chỗ ở: số D đường TT, Phường D, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: không; trình độ văn hoá: 5/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông: VHP (chết) và bà: DTN; hoàn cảnh gia đình: bị cáo có vợ (hiện bỏ đi đâu không rõ) và 03 con (lớn nhất sinh năm 1996, nhỏ nhất sinh năm 2003; trong đó có 01 con sinh năm 1998 đã chết); tiền án: không; tiền sự: không; bị cáo tại ngoại (bị bắt, tạm giữ ngày: 11/01/2018; đến ngày 12/01/2018 được trả tự do) (có mặt).

- Người bào chữa:

Ông TVT – Luật sư Cộng tác viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh – bào chữa cho bị cáo Dương Hoàng Q (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 16 giờ 00 ngày 11/01/2018, tại giao lộ đường LQS – đường PĐH, Phường E, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, Công an Quận 6 bắt quả tang bị cáo Dương Hoàng Q đang điều khiển xe gắn máy biển số 50MC-Y chở 04 thùng giấy carton, bên ngoài có in nhãn hiệu AJINOMOTO, bên trong có 47 gói bột ngọt nhãn hiệu AJONOMOTO, loại 1kg/gói (bị cáo khai đây là bột ngọt giả do bị cáo tự sản xuất và đang trên đường đem bán cho bà TTNH tại nhà số H đường LQS, Phường E, Quận G) nên đã giao bị cáo cùng vật chứng nêu trên cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 giải quyết.

Khi tiến hành khám xét nơi ở của Dương Hoàng Q tại nhà số số D đường TT, Phường D, Quận C, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 thu giữ 03 thùng giấy carton bên trong có 36 gói bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO thành phẩm (loại 1kg/gói), 01 thùng giấy carton bên trong có 12 gói bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO thành phẩm (loại 454gram/gói), 12 bao bột ngọt xá hiệu hai con tôm loại 25kg/bao (bên ngoài bao bì có ghi tiếng nước ngoài) cùng một số bao bì, thùng giấy carton nhãn hiệu AJINOMOTO và nhiều công cụ, phương tiện phục vụ cho việc sản xuất bột ngọt giả.

Tại Cơ quan điều tra, Dương Hoàng Q khai: bị cáo bắt đầu sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO được hơn 01 năm. Cách thức sản xuất bột ngọt được thực hiện như sau: bị cáo mua bột ngọt xá trôi nổi trên đường PVK, Quận G và mua bao bì, thùng giấy carton nhãn hiệu AJINOMOTO của người đàn ông (không rõ lai lịch) trên đường TB, Quận G đem về nhà tại số số D đường TT, Phường D, Quận C rồi lấy bột ngọt xá hiệu hai con tôm đổ ra thau nhựa, dùng vá xúc bột ngọt xá cho vô gói bột ngọt hiệu AJINOMOTO, để lên cân cho đủ số gram in trên bao bì (loại 100 gram, 400gram, 454gram, 1kg) rồi sắp xếp từng gói vào rổ đỏ, hình vuông. Tiếp theo, bị cáo dùng máy ép điện để hàn kín miệng bao bì lại thành gói bột ngọt thành phẩm và xếp những gói bột ngọt thành phẩm đó vào thùng carton bên ngoài có in nhãn hiệu AJINOMOTO và trọng lượng của loại bột ngọt rồi dùng băng keo dán kín miệng thùng, đem đi giao cho khách hàng đã đặt mua.

Giá bột ngọt xá bị cáo mua từ 650.000 đồng đến 750.000 đồng 01 bao loại 25kg. Sau khi sản xuất ra bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO, bị cáo bán cho khách hàng với giá 420.000 đồng/thùng (thùng 12 gói, loại 1kg), 450.000 đồng/thùng (thùng 30 gói, loại 400gram), 480.000 đồng/cây giấy (cây 120 gói, loại 100gram). Trong những khách hàng đặt mua bột ngọt của bị cáo có bà TTNH, kinh doanh tạp hóa, gia vị tại số H1 đường CVA, Phường I, Quận G. Tuy nhiên, bà H không biết số bột ngọt mà Quân bán là bột ngọt giả vì khi chào hàng, bị cáo không nói là hàng giả mà chỉ nói bột ngọt AJINOMOTO chính hãng từ dưới tỉnh chuyển lên, khi nào cần thì điện thoại cho bị cáo đặt hàng và khoảng 01, 02 ngày sau bị cáo sẽ giao hàng. Trung bình khoảng từ 03 ngày đến 01 tuần, bà H đặt mua bột ngọt của bị cáo 01 lần và mỗi lần đặt mua từ 03 đến 04 thùng bột ngọt các loại.

Từ lời khai của Dương Hoàng Q, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 khám xét nhà số H đường LQS, Phường E, Quận G của bà TTNH, thu giữ: 13 thùng giấy carton bên trong có 520 gói bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO thành phẩm (loại 454gram/gói), 12 thùng giấy carton bên trong có 360 gói bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO thành phẩm (loại 400gram/gói), 05 thùng giấy carton bên trong có 60 gói bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO thành phẩm (loại 1kg/gói) và 480 gói bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO thành phẩm (loại 100gram/gói) được đựng trong 04 bao nylon (mỗi bao đựng 12 gói).

Tại Cơ quan điều tra, bà TTNH khai: bà bán tạp hóa, gia vị tại số H1 đường CVA, Phường I, Quận G. Đầu năm 2017, thấy Dương Hoàng Q chào hàng bột ngọt AJINOMOTO giá rẻ hơn thị trường nên bà mua để bán lại cho khách hàng. Toàn bộ số bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO bị thu giữ tại nhà số H đường LQS, Phường E, Quận G là bà mua của bị cáo để dành bán vào dịp Tết, bà không biết số bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO mà bị cáo bán cho bà là bột ngọt giả do bị cáo tự sản xuất.

Ngày 15/01/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 có Công văn số 394/CVĐT v/v xác định lương thực, thực phẩm gửi Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (BL 63). Ngày 26/01/2018, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 122/BQLATTP-QLCL (BL 64):

Qua nghiên cứu các văn bản quy định hiện hành về an toàn thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm có ý kiến như sau:

Bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO là tên sản phẩm. Nếu lô sản phẩm bột ngọt do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 đang thụ lý vụ việc có thành phần cấu tạo từ một số chất như: Mononatri glutamat, Monokali glutamat, Dinatri 5’-guanylat, Dinatri 5’-inosinat (theo văn bản hợp nhất số 02/VBHN- BYT ngày 15/6/2015 của Bộ Y tế về hợp nhất Thông tư hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm) thì bột ngọt là phụ gia thực phẩm.

 Ngày 15/01/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 có Công văn số 393/CVĐT v/v đề nghị thẩm định tang vật vi phạm gửi Công ty AJINOMOTO Việt Nam (BL 123, 124). Ngày 16/01/2018, Công ty AJINOMOTO Việt Nam có Văn bản số 092/CV-AJI-2018 v/v xác định bao bì và bột ngọt giả nhãn hiệu AJI-NO-MOTO® gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 (BL 125-126) thể hiện:

Quý cơ quan đã có buổi làm việc với đại diện Công ty AJINOMOTO Việt Nam để xác minh số lượng bột ngọt và bao bì trên có phải là bột ngọt và bao bì giả mạo nhãn hiệu AJI-NO-MOTO® hay không.

Đại diện Công ty AJINOMOTO Việt Nam đã kiểm tra mẫu của số hàng trên và kết quả kiểm tra như sau:

1. Đối với bao bì bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO®:

Công ty AJINOMOTO Việt Nam khẳng định số lượng bao bì trên đều là bao bì giả mạo nhãn hiệu AJI-NO-MOTO®.

2. Đối với thành phẩm bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO®:

Công ty AJINOMOTO Việt Nam khẳng định tất cả số bột ngọt thành phẩm trên loại bột ngọt giả mạo nhãn hiệu (theo Đặng bạ Quốc gia nhãn hiệu số 168, 169, 170 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp và gia hạn đến ngày 01/4/2025). Số bột ngọt trên không phải do Công ty AJINOMOTO Việt Nam sản xuất do có những đặc điểm sau:

- Mép hàn bên trên nhăn nheo, có bọt khí bên trong.

- Ngày tháng sản xuất ở đáy bao không in theo quy cách của Công ty AJINOMOTO Việt Nam.

- Hình huy chương vàng không sắc nét, dòng chữ bên trong khó đọc.

Công ty AJINOMOTO Việt Nam khẳng định không thực hiện gia công sản xuất bột ngọt mang nhãn hiệu AJI-NO-MOTO® với tổ chức hoặc cá nhân nào, Dương Hoàng Q và bà TTNH không phải là nhân viên của Công ty AJINOMOTO Việt Nam.

Bên cạnh đó, Công ty AJINOMOTO Việt Nam cũng xác nhận giá bán lẻ bột ngọt AJI-NO-MOTO® mà Công ty đề xuất bán trên thị trường như sau:

STT

Loại bột ngọt nhãn hiệu AJI-NO-MOTO®

Giá/ gói (Bao gồm thuế VAT)

 

1kg

60.000 VND

 

454g

29.000 VND

 

400g

27.000 VND

 

100g

7.000 VND

 Ngày 19/01/2018, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thuộc Ủy ban nhân dân Quận 6 có Công văn số 72/TCKH v/v yêu cầu định giá gửi Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an Quận 6 (BL 70):

Qua tham khảo thị trường, thông tin giá cả mua bán trên mạng Internet.

Căn cứ biên bản họp ngày 19/01/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự Quận 6 về việc định giá tài sản.

Nay Hội đồng đã kết luận định giá tháng 01/2018 giá trị hàng thật tương ứng với các mặt hàng trên tại thời điểm bị tạm giữ như sau:

+ 83 gói bột ngọt AJINOMOTO thành phẩm loại 01kg/01 gói, có giá là: 4.897.000 đồng.

+ 12 bột ngọt AJINOMOTO thành phẩm loại 454gram/01 gói, có giá là: 342.000 đồng.

+ 520 gói bột ngọt AJINOMOTO thành phẩm loại 454gram/01 gói, có giá là: 14.820.000 đồng.

+ 360 gói bột ngọt AJINOMOTO thành phẩm loại 400gram/01 gói, có giá là: 9.540.000 đồng.

+ 60 gói bột ngọt AJINOMOTO thành phẩm loại 01kg/01 gói, có giá là: 3.540.000 đồng.

+ 480 gói bột ngọt AJINOMOTO thành phẩm loại 100gram/01 gói, có giá là: 3.120.000 đồng.

 Ngày 30/01/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 có Công văn số 477/CVĐT v/v xác định lương thực, thực phẩm gửi Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (BL 66). Ngày 22/02/2018, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 209/BQLATTP-QLCL (BL 65):

Qua nghiên cứu các văn bản quy định hiện hành về an toàn thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm có ý kiến như sau:

Bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO là tên sản phẩm, nếu các lô sản phẩm bột ngọt do Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 đang thụ lý vụ việc có thành phần cấu tạo từ một số chất như: Mononatri glutamat, Monokali glutamat, Dinatri 5’-guanylat, Dinatri 5’-inosinat (theo văn bản hợp nhất số 02/VBHN- BYT ngày 15/6/2015 của Bộ Y tế về hợp nhất Thông tư hướng dẫn quản lý phụ gia thực phẩm) thì bột ngọt là phụ gia thực phẩm.

Để biết bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO do Công ty AJINOMOTO Việt Nam sản xuất là lương thực thực phẩm hay phụ gia thực phẩm, phải xem hồ sơ công bố của sản phẩm nêu trên để có kết luận chính xác.

 Ngày 30/01/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 có Công văn số 475/CV-CQCSĐT v/v đề nghị xác minh nhãn hiệu gửi Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh (BL 67). Ngày 07/02/2018, Sở Khoa học và Công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 312/SKHCN-SHTT v/v góp ý chuyên môn về nhãn hiệu theo yêu cầu của Công an (BL 68):

Căn cứ Điều 60.2 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/5/2006 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010; căn cứ vào khoản 3 Điều 26 Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013; căn cứ vào các dữ liệu hiện có trên mạng thư viện số về sở hữu công nghiệp (IP LIB) của Cục Sở hữu Trí tuệ và Madrid Express Data của WIPO; so sánh với mẫu đối chứng, Sở Khoa học và Công nghệ có ý kiến như sau:

Nhãn hiệu “Ajinomoto” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 36227 cho sản phẩm bột ngọt, gia vị thuộc nhóm 30, ngày nộp đơn 15/9/1999, thời hạn hiệu lực đến ngày 15/9/2019, chủ sở hữu là Ajinomoto Co., Inc, địa chỉ: 15-1, Kyobashi 1-chrome, Chuo-ku, Tokyo 104- 8315 (JP).

 Tại Kết luận giám định số 661/C54B ngày 31/01/2018 của Phân Viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tổng cục cảnh sát (BL 83) thể hiện:

1. Nhãn mác trên các gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto cần giám định trọng lượng tương ứng là được in ra từ cùng một bản in.

2. Nhãn mác trên 04 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 1kg cần giám định so với nhãn mác trên 04 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 1kg mẫu so sánh là không được in ra từ cùng một bản in.

3. Nhãn mác trên 04 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 454 gram cần giám định so với nhãn mác trên 04 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 454 gram mẫu so sánh là không được in ra từ cùng một bản in.

4. Nhãn mác trên 02 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 400 gram cần giám định so với nhãn mác trên 02 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 400 gram mẫu so sánh là không được in ra từ cùng một bản in.

5. Nhãn mác trên 02 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 100 gram cần giám định so với nhãn mác trên 02 gói bột ngọt thành phẩm, hiệu Ajinomoto loại 100 gram mẫu so sánh là không được in ra từ cùng một bản in.

 Tại Kết luận giám định số 662/C54B ngày 13/3/2018 của Phân Viện KHHS tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tổng cục cảnh sát (BL 84) thể hiện:

- Tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” loại 1kg và 454gram của mẫu giám định gói 1 với tinh thể màu trắng đựng trong gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” loại 400gram của mẫu giám định gói 2 được niêm phong gửi giám định có hình dạng, kích thước và thành phần hóa học cơ bản giống nhau.

- Tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” loại 1kg và 454gram của mẫu giám định gói 1 với tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” loại 1kg, 454gram và 100gram của mẫu giám định gói 2 được niêm phong gửi giám định có hình dạng, kích thước và một số thành phần hóa học khác nhau.

- Tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” của mẫu cần giám định và tinh thể màu trắng đựng trong các gói bột ngọt nhãn hiệu “AJINOMOTO” của mẫu so sánh cùng loại tương ứng được niêm phong gửi giám định có hình dạng, kích thước và một số thành phần hóa học khác nhau.

 Ngày 04/4/2018, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 có Công văn số 0968/KT3-N3 v/v giám định bột ngọt Ajinomoto gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 (BL 231) thể hiện:

Căn cứ thông tin về các mẫu giám định nêu tại Quyết định trưng cầu giám định nêu trên, ngoài các chỉ tiêu về chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bột ngọt nêu tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phụ gia thực phẩm (QCVN4-1:210/BYT-chất điều vị), hiện nay Trung tâm Kỹ thuật 3 chưa có cơ sở để xác định các chỉ tiêu khác liên quan đến độc tố của sản phẩm này.

Vì vậy, tại thời điểm này, Trung tâm kỹ thuật 3 chưa thực hiện được yêu cầu giám định của quý cơ quan.

 Ngày 16/4/2018, Công an Quận 6 có Văn bản số 1080/CAQ6-CSKT v/v đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với TTNH gửi Thường trực Ủy ban nhân dân Quận 6 (BL 237-238). Ngày 20/4/2018, Ủy ban nhân dân Quận 6 có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 2534/QĐ-XPVPHC (BL 239) đối với bà TTNH về hành vi vi phạm hành chính là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hình thức xử phạt chính: phạt tiền (35.000.000 đồng), hình thức phạt bổ sung: tang vật vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự nên chuyển giao Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 xử lý; đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong thời gian 02 tháng.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 70/2018/HS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2018 của Tòa án nhân dân Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Dương Hoàng Q phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”.

Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Dương Hoàng Q 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án.

Căn cứ khoản 5 Điều 193 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Buộc bị cáo Dương Hoàng Q nộp phạt 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng sung vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, bản án tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xử sơ thẩm, ngày 31/7/2018, bị cáo Dương Hoàng Q có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho bị cáo được hưởng án treo; giảm số tiền buộc nộp phạt bổ sung.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Hoàng Q khai nhận hành vi phạm tội như nội dung bản án sơ thẩm, nộp bổ sung bản photo các tài liệu liên quan đến việc chữa bệnh của bản thân cùng con gái bị cáo và giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau khi phân tích tính chất của vụ án, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Người bào chữa cho bị cáo thống nhất tội danh và điều khoản mà Tòa án cấp sơ thẩm xét xử. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo cùng nhiều tình tiết giảm nhẹ để cho bị cáo được hưởng án treo, có thời gian thử thách cũng đủ tác dụng giáo dục và cải tạo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Khoảng 16 giờ 00 ngày 11/01/2018, tại giao lộ đường LQS – đường PĐH, Phường E, Quận G, Thành phố Hồ Chí Minh, bị cáo Dương Hoàng Q đang điều khiển xe máy chở 04 thùng giấy carton chứa 47 gói bột ngọt nhãn hiệu AJONOMOTO, loại 1kg/gói đi giao hàng thì bị bắt quả tang. Qua khám xét địa chỉ chỗ ở của bị cáo cùng địa điểm bị cáo thường đến giao hàng, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 tiếp tục thu giữ tang vật là bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO cùng với công cụ, phương tiện thực hiện hành vi sản xuất bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO từ bột ngọt xá đem bán thu lợi. Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử bị cáo về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm” là đúng người, đúng tội.

[2] Bị cáo Dương Hoàng Q có kháng cáo, đơn kháng cáo trong hạn luật định là hợp lệ.

[3] Xét kháng cáo của bị cáo, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy:

Tổng giá trị bột ngọt giả Dương Hoàng Q sản xuất đem bán tương đương hàng thật là 36.259.000 đồng nên thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 193 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức hình phạt 02 (hai) năm tù là đã xem xét các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và có thời gian tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, bản thân bị cáo đang bị bệnh...

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Dương Hoàng Q khai nhận đã sản xuất bột ngọt giả và buôn bán bột ngọt này được khoảng 01 năm thì bị phát hiện bắt quả tang nên việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị cáo nộp phạt số tiền 20.000.000 đồng là có căn cứ, đúng pháp luật.

Như vậy, các tài liệu photo bổ sung đã được xem xét tại cấp sơ thẩm, hiện không có tình tiết nào mới để xem xét cho bị cáo, mức hình phạt đã tuyên là phù hợp nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án thể hiện ngày 11/01/2018, bị cáo bị bắt quả tang (Biên bản bắt người phạm tội quả tang - BL 1-2); ngày 12/01/2018 được trả tự do (Quyết định trả tự do số 14 ngày 12/01/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Quận 6 - BL 49) nên Hội đồng xét xử ghi nhận vào phần đầu và phần quyết định của bản án.

[4] Các lập luận trên cũng là căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, không chấp nhận lời bào chữa của Luật sư.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 355; Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Dương Hoàng Q. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tuyên bố bị cáo Dương Hoàng Q phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm”.

Căn cứ khoản 1 Điều 193; điểm s, x khoản 1, khoản 2 Điều 51 và Điều 50 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Dương Hoàng Q 02 (hai) năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án (được trừ đi thời gian tạm giữ trước đó: từ ngày 11/01/2018 đến ngày 12/01/2018).

Căn cứ khoản 5 Điều 193 của Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Buộc bị cáo Dương Hoàng Q nộp phạt 20.000.000 (hai mươi triệu) đồng sung vào ngân sách nhà nước.

Bị cáo phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1253
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 462/2018/HS-PT ngày 15/10/2018 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là phụ gia thực phẩm

Số hiệu:462/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/10/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;