TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
BẢN ÁN 46/2023/DS-PT NGÀY 07/02/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP HỤI, HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Ngày 07 tháng 02 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 303/2022/TLPT-DS ngày 09 tháng 11 năm 2022 về tranh chấp “Hợp đồng góp hụi, Hợp đồng vay tài sản”.Do Bản án dân sự sơ thẩm số 72/2022/DS-ST ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân thị xã C1, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 365/2022/QĐ-PT ngày 17 tháng 11 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1949 (vắng mặt); Địa chỉ: Ấp B, xã B, huyện C, tỉnh Tiền Giang.
- Bị đơn:
1. Anh Lê Văn T, sinh năm 1969;
Địa chỉ: Ấp Q, xã N, thị xã C1, tỉnh Tiền Giang.
Người đại diện theo ủy quyền của anh T: Chị Nguyễn Thị Mỹ H, sinh năm 1979 (theo Giấy ủy quyền ngày 05/9/2022) (có mặt);
Địa chỉ: Đường L, Phường S, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.
2. Chị Trần Thị Thanh T1, sinh năm 1980 (có mặt);
Địa chỉ: Ấp Q, xã N, thị xã C1, tỉnh Tiền Giang.
- Người kháng cáo: Bị đơn anh Lê Văn T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo án sơ thẩm;
* Nguyên đơn bà Nguyễn Thị S trình bày:
Do là chỗ quen biết từ trước, chị Trần Thị Thanh T1 có tham gia chơi 09 dây hụi do bà Nguyễn Thị S làm chủ hụi. Cụ thể như sau:
- Dây hụi thứ nhất: Hụi 1.000.000 đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 24 phần, chị T1 tham gia chơi 03 phần, khui lần đầu vào ngày 05/7/2020 (tức ngày 15/5/2020 âm lịch). Tên trong giấy ghi hụi là “L”. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 03 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 48.000.000 đồng.
Trong giấy ghi hụi ghi số tiền là 48.750.000 đồng là do trước đây chị T1 đóng tiền hụi còn thiếu lại bà số tiền là 750.000 đồng nên cộng chung vào thành số tiền là 48.750.000 đồng.
- Dây hụi thứ hai: Hụi 2.000.000 đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 24 phần, chị T1 tham gia chơi 05 phần, khui lần đầu vào ngày 13/10/2019 (tức ngày 15/9/2019 âm lịch). Tên trong giấy ghi hụi là “L” và “L1”. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 05 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 70.000.000 đồng.
- Dây hụi thứ ba: Hụi 3.000.000 đồng, 02 tháng khui 01 lần, gồm 19 phần, chị T1 tham gia chơi 03 phần, khui lần đầu vào ngày 22/6/2019 (tức ngày 20/5/2019 âm lịch). Tên trong giấy ghi hụi là “L” và “L1”. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 03 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì gặp khó khăn nên ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 81.000.000 đồng.
- Dây hụi thứ tư: Hụi 2.000.000 đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 21 phần, chị T1 tham gia chơi 04 phần, khui lần đầu vào ngày 14/01/2020 (tức ngày 20/12/2019 âm lịch). Trong 04 phần này thì có 03 phần là chị T1 tham gia ngay từ đầu, còn 01 phần là do bà nhường lại cho chị T1. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 04 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 56.000.000 đồng.
- Dây hụi thứ năm: Hụi 3.000.000 đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 23 phần, chị T1 tham gia chơi 04 phần, khui lần đầu vào ngày 14/01/2020 (tức ngày 20/12/2019 âm lịch). Hụi này khui ngày 29/10/2019 âm lịch nhưng do bà ghi nhầm thành ngày 30/10/2019 âm lịch. Trong 04 phần này thì có 03 phần là chị T1 tham gia ngay từ đầu, còn 01 phần là do bà nhường lại cho chị T1. Tên trong giấy ghi hụi là “L” và “L1”. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 04 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 98.000.000 đồng.
- Dây hụi thứ sáu: Hụi 1.000.000 đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 23 phần, chị T1 tham gia chơi 04 phần, khui lần đầu vào ngày 28/02/2020 (tức ngày 06/02/2020 âm lịch). Tên trong giấy ghi hụi là “L”. Đối với dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 03 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết lại cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Nay đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 30.000.000 đồng.
- Dây hụi thứ bảy: Hụi 3.000.000 đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 24 phần, chị T1 tham gia chơi 03 phần, khui lần đầu vào ngày 26/6/2020 (tức ngày 06/5/2020 âm lịch). Tên trong giấy ghi hụi là “L” và “L1”. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 03 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 124.650.000 đồng.
- Dây hụi thứ tám: Hụi 5.000.000 đồng, 01 tháng khui 01 lần, gồm 18 phần, chị T1 tham gia chơi 02 phần, khui lần đầu vào ngày 03/02/2020 (tức ngày 10/01/2020 âm lịch). Tên trong giấy ghi hụi là “L”. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 02 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 40.000.000 đồng.
- Dây hụi thứ chín: Hụi 2.000.000 đồng, 02 tháng khui 01 lần, gồm 19 phần, chị T1 tham gia chơi 02 phần, khui lần đầu vào ngày 15/3/2019 (tức ngày 10/02/2019 âm lịch). Tên trong giấy ghi hụi là “L”. Dây hụi này chị T1 đã hốt hụi và nhận đủ tiền của cả 02 phần hụi. Chị T1 đóng hụi chết cho bà được một thời gian thì ngưng không đóng nữa. Đối với dây hụi này chị T1 còn nợ lại bà tổng số tiền là 30.800.000 đồng.
Trong các giấy ghi hụi thì có ghi tên là “L” và “L1”. “L” là tên thường gọi ở nhà của chị T1, còn tên “L1” là tên con gái của chị T1. Ghi như vậy là do chị T1 tham gia nhiều dây hụi và quá nhiều phần trong một dây hụi nên bà sợ rằng các hụi viên khác không đồng ý nên mới ghi tránh thành tên “L” và “L1”, còn thật chất chị T1 là người trực tiếp tham gia chơi các dây hụi này.
Tổng số tiền của 09 dây hụi mà chị T1 còn nợ bà là 578.450.000 đồng. Ngoài ra, trong những lúc gặp khó khăn thì chị T1 có nhờ bà hốt các phần hụi mà bà đang tham gia để lấy tiền cho chị T1 vay và chị T1 sẽ đóng lãi hụi chết cho bà. Khi vay tiền thì các bên có viết biên nhận để chốt lại số tiền. Chị T1 không có ký tên vào biên nhận mà chỉ ghi nội dung xác nhận có vay tiền vào biên nhận. Chị T1 vay của bà 03 lần tiền, cụ thể như sau:
- Ngày 30/9/2020 (âm lịch), cho vay số tiền là 66.000.000 đồng;
- Ngày 10/12/2020 (âm lịch), cho vay số tiền là 38.000.000 đồng.
- Ngày 30/12/2020 (âm lịch), cho vay số tiền là 54.000.000 đồng;
Tổng cộng, chị T1 vay của bà S số tiền là 158.000.000 đồng. Sau đó, chị T1 có trả lại cho bà được số tiền là 47.950.000 đồng, còn nợ lại số tiền là 110.050.000 đồng.
Như vậy, tổng cộng số tiền nợ hụi và nợ vay thì chị T1 còn nợ bà số tiền là 688.500.000 đồng.
Khi chơi hụi và vay tiền của bà thì chị T1 nói rằng sử dụng số tiền này cho việc sinh hoạt và kinh doanh của gia đình nên anh Lê Văn T là chồng của chị T1 đều biết những việc này. Trước đây, con rể của bà là anh Nguyễn Văn T2 có liên lạc với anh T về việc trả nợ hụi, anh T có hứa sẽ trả nợ phụ với chị T1 nhưng sau đó số tiền hụi quá lớn nên anh T không đồng ý trả với chị T1.
Nay bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết như sau:
- Buộc anh Lê Văn T và chị Trần Thị Thanh T1 phải liên đới trả số tiền nợ là 688.500.000 đồng, trong đó tiền nợ hụi là 578.450.000 đồng và tiền nợ vay là 110.050.000 đồng.
- Yêu cầu trả một lần ngay khi án có hiệu lực pháp luật.
* Bị đơn anh Lê Văn T trình bày:
Anh Lê Văn T cho rằng anh không có tham gia chơi hụi do bà Nguyễn Thị S làm chủ hụi và cũng không biết gì về sự việc chị Trần Thị Thanh T1 tham gia chơi hụi và vay tiền của bà Nguyễn Thị S. Tất cả những khoản tiền này chị T1 đều sử dụng riêng chứ không sử dụng cho gia đình. Nay bà S yêu cầu anh cùng liên đới với chị T1 để trả nợ thì anh không đồng ý.
Anh T và chị T1 đã sống ly thân khoảng 02 năm nay. Chị T1 sống ở nhà mẹ ruột.
Tên con gái của anh và chị T1 là “L1” nhưng con của anh không có tham gia chơi hụi, tất cả các dây hụi đều là chị T1 tham gia chơi nhưng ghi tên của con gái.
* Bị đơn chị Trần Thị Thanh T1 trình bày:
Thống nhất toàn bộ với lời trình bày của bà Nguyễn Thị S. Chị Trần Thị Thanh T1 thừa nhận còn nợ bà S tổng số tiền là 688.500.000 đồng, trong đó tiền nợ hụi là 578.450.000 đồng và tiền nợ vay là 110.050.000 đồng.
Nay chị đồng ý trả nợ cho bà S nhưng do gia đình đang gặp khó khăn nên đang tìm người mua đất để bán thì mới có tiền để trả nợ cho bà S.
Số tiền chơi hụi và tiền vay này chị sử dụng vào việc sinh hoạt và kinh doanh của gia đình. Trước đây, khi tiền nợ quá nhiều chị đã bỏ nhà đi, anh T có hứa sẽ bán đất để cùng chị trả nợ nhưng sau đó do thấy nợ quá nhiều nên anh T không đồng ý bán đất để trả nợ cùng chị.
Chị T1 xác định chị là người trực tiếp chơi hụi chứ con chị không có tham gia chơi hụi. Lý do ghi tên con chị là “L1” trong giấy ghi hụi là do chị tham gia nhiều dây hụi và quá nhiều phần trong một dây hụi nên bà S sợ các hụi viên khác không đồng ý. Còn tên thường gọi ở nhà của chị là “L”.
* Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 72/2022/DS-ST ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã C1, tỉnh Tiền Giang đã căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 91, Điều 92, Điều 144, Điều 147, Điều 227, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 166, 463, 466, 468 và Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 27, Điều 33 và Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị S:
Buộc anh Lê Văn T và chị Trần Thị Thanh T1 có nghĩa vụ liên đới trả cho bà Nguyễn Thị S số tiền là 688.500.000 đồng, trong đó tiền nợ hụi là 578.450.000 đồng và tiền nợ vay là 110.050.000 đồng.
Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, nghĩa vụ chậm thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.
* Ngày 13/9/2022, bị đơn anh Lê Văn T có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chỉ buộc một mình chị Trần Thị Thanh T1 có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị S số tiền là 688.500.000 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm;
* Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn anh Lê Văn T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
* Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa:
- Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn anh Lê Văn T, sửa một phần bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Anh Lê Văn T nộp đơn kháng cáo và thực hiện thủ tục kháng cáo hợp lệ, trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết theo trình tự phúc thẩm.
Bà Nguyễn Thị S đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt không lý do. Căn cứ Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bà S.
[2] Về nội dung kháng cáo: Anh Lê Văn T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chỉ buộc một mình chị Trần Thị Thanh T1 có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị S số tiền là 688.500.000 đồng.
Xét yêu cầu kháng cáo của anh T, Hội đồng xét xử nhận thấy:
Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Trần Thị Thanh T1 cho rằng chị chơi hụi, vay tiền của nguyên đơn nhằm mục đích sử dụng vào việc cải tạo vườn, mướn đất nuôi cá, nuôi bò, sử dụng trong việc chi tiêu cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Quá trình chung sống, vợ chồng chị không có vốn làm ăn nên phải vay tiền nhiều người từ năm 1999. Thời điểm năm 1999, khi chị về sống chung với anh T, anh đã mắc nợ nhiều người, các khoản nợ đều có lãi nên phải mượn nợ để trả lãi. Năm 2005 – 2006 và khoảng năm 2012 – 2014, vợ chồng chị mướn đất của cha mẹ chồng, đầu tư nuôi cá nhưng bị lỗ. Năm 1999, vợ chồng chị mua gần 01 công đất và cất nhà nhưng không đủ tiền nên phải vay nhiều người. Tổng số nợ trong thời gian sống chung với anh T khoảng gần 1.000.000.000 đồng; do đó, chị phải vay 43 người với tổng số tiền trên 5.000.000.000 đồng để trả vốn và lãi các khoản nợ cũ. Anh T hứa bán đất để trả nợ nhưng không trả nên tháng 12/2021, chị nộp đơn ly hôn tại Tòa án để giải quyết chia tài sản và chia nợ chung. Tuy nhiên, anhTriều không đồng ý trả nợ nên chị rút đơn về để các chủ nợ khởi kiện.
Xét lời trình bày trên của chị T1 có nhiều mâu thuẫn về mục đích sử dụng tiền vay, tiền hụi so với giai đoạn sơ thẩm; theo đó, tại giai đoạn sơ thẩm, chị T1 cho rằng chị vay tiền của nguyên đơn, chơi hụi do nguyên đơn làm chủ thảo để có tiền chi tiêu sinh hoạt gia đình, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu chung nhưng tại phiên tòa hôm nay, chị lại cho rằng số tiền vay, tiền hốt hụi ngoài mục đích trên còn được sử dụng vào mục đích trả các khoản nợ cũ. Trong khi đó, chị và anh T đều thống nhất thời điểm năm 2014, chị và anh T đã được nhận khoảng 360.000.000 đồng tiền đền bù, số tiền này đã được sử dụng để trả nợ.
Căn cứ vào các bản án sơ thẩm của các nguyên đơn khác (do phía anh T cung cấp) thì trong khoảng thời gian năm 2020 – 2021, ngoài nguyên đơn, chị T1 còn vay nợ của nhiều người, tham gia nhiều dây hụi, tổng số nợ hàng tháng từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Tất cả các khoản vay, các dây hụi đều do chị T1 đứng ra giao dịch, làm biên nhận với nguyên đơn, anh T không ký tên vào biên nhận.
Theo Biên bản xác minh ngày 03/01/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, đại diện chính quyền địa phương cũng như những người dân lân cận nơi vợ chồng chị T1 sinh sống đều xác định: vợ chồng chị T1 không có làm ăn hoặc kinh doanh tại địa phương; quá trình chung sống, anh chị không có tạo lập tài sản mới; anh T chăn nuôi bò, làm vườn, chị T1 là giáo viên tiểu học.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ năm 2019 – 2020, chị T1 đã liên tục tham gia 09 dây hụi do nguyên đơn làm chủ thảo, đồng thời vay tiền của nguyên đơn với tổng số nợ lên đến 688.500.000 đồng. Thời điểm này, dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, việc vay số tiền lớn, hốt nhiều dây hụi trong thời gian ngắn chỉ để cải tạo vườn, nuôi con ăn học, chi tiêu sinh hoạt chung gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu là không hợp lý vì cả chị T1 và anh T đều có nguồn thu nhập riêng. Hơn nữa, chị T1 cũng không chứng minh được số tiền vốn và lãi phải trả hàng tháng của các khoản nợ cũ, dẫn đến việc chị phải vay mượn tiền của nhiều người với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Từ những phân tích trên, nhận thấy chị T1 chỉ thực hiện giao dịch vay tiền, tham gia các dây hụi của nguyên đơn với danh nghĩa cá nhân; chị lại không chứng minh được số tiền có được từ việc vay của nguyên đơn, hốt hụi các dây hụi do nguyên đơn làm chủ thảo được sử dụng vào mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu chung của gia đình. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử buộc anh T cùng chị T1 có nghĩa vụ liên đới trả tiền cho nguyên đơn là chưa phù hợp với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của anh T, sửa bản án sơ thẩm.
[3] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo được chấp nhận nên anh T không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
[4] Những phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị nên có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
[5] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang là có căn cứ, phù hợp với nhận định trên nên được chấp nhận.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ Điều 296 và khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các điều 91, 92, 144, 147, 148, 227, 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; các điều 166, 463, 466, 468 và Điều 471 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 26 và Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử:
Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Anh Lê Văn T.
Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 72/2022/DS-ST ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân thị xã C1, tỉnh Tiền Giang.
1/- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị S:
Buộc chị Trần Thị Thanh T1 có nghĩa vụ trả cho bà Nguyễn Thị S số tiền là 688.500.000 đồng, trong đó tiền nợ hụi là 578.450.000 đồng và tiền nợ vay là 110.050.000 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của bà Nguyễn Thị S cho đến khi thi hành án xong, chị Trần Thị Thanh T1 còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2/- Về án phí:
Chị Trần Thị Thanh T1 phải chịu 31.540.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.
Bà Nguyễn Thị S không phải chịu án phí sơ thẩm.
Trả lại anh Lê Văn T 300.000 đồng tạm ứng án phí mà anh đã nộp theo biên lai thu số 0002623 ngày 14/9/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thị xã C1, tỉnh Tiền Giang.
3/- Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án 46/2023/DS-PT về tranh chấp hợp đồng góp hụi, hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 46/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tiền Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/02/2023 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về