TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 45/2020/LĐ-ST NGÀY 21/09/2020 VỀ TRANH CHẤP TRỢ CẤP THÔI VIỆC
Ngày 21 tháng 9 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 26/2020/LDST ngày 17/3/2020 về việc “Tranh chấp trợ cấp thôi việc”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 757/2020/QĐXXST-DS ngày 19 tháng 8 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số 3959/2020/QĐST-DS ngày 09 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Trương Anh D, sinh năm: 1960.
Địa chỉ: 36A Đường N, Phường G, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bị đơn: Công ty Phát triển căn hộ V.
Trụ sở: 101 Đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện hợp pháp của Công ty Phát triển căn hộ V: Bà Phan Thị H, sinh năm 1982 - là đại diện theo ủy quyền (Giấy ủy quyền ngày 02/6/2020).
Địa chỉ liên lạc: 101 Đường D, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 28/02/2020; bản khai; biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nguyên đơn - ông Trương Anh D trình bày trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa:
Ngày 08 tháng 9 năm 2000, ông D bắt đầu làm việc tại Công ty Phát triển căn hộ V với chức danh là trưởng phòng kỹ thuật, thời gian thử việc 02 tháng (tháng 9 và tháng 10 năm 2000). Ngày 08 tháng 11 năm 2000 và các năm tiếp theo 2001-2002-2003-2004 hai bên ký hợp đồng xác định thời hạn 01 năm. Ngày 08 tháng 5 năm 2005 thì hai bên ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 13/01/2020 ông D nộp đơn xin nghỉ việc có báo trước 45 ngày theo quy định, mức lương bình quan 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của ông là 28.486.000 đồng. Ngày 28/02/2020 Công ty ban hành Quyết định cho ông nghỉ việc từ ngày 28/02/2020 với lý do: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 37 Bộ luật lao động năm 2020. Sau khi nghỉ việc, ông D đã làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và được Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chi trả trợ cấp thất nghiệp 11 tháng, mỗi tháng hưởng số tiền 17.092.000 đồng theo Quyết định số 31719/QĐ-SLĐTBXH-TCTN ngày 15/4/2020.
Khi nghỉ việc, ông yêu cầu Công ty trả trợ cấp thôi việc cho ông từ ngày 08/9/2000 đến ngày 31/12/2008 là 08 năm 02 tháng nhưng Công ty không đồng ý nên ông khởi kiện tại Tòa án yêu cầu buộc Công ty trả tiền trợ cấp thôi việc là:
121.068.332 đồng, trả một lần ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Công ty Phát triển căn hộ V có bà Phan Thị H là đại diện theo ủy quyền trình bày trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa:
Công ty xác nhận lời trình bày của ông D về thời gian bắt đầu làm việc, thời gian thử việc, hợp đồng lao động, tiền lương, chức danh trong quá trình làm việc là đúng. Ngày 13/01/2020 ông D thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước 45 ngày; Công ty đã ban hành quyết định ngày 28/02/2020 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông D nhưng đến ngày 13/3/2020 ông D đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định; đồng thời ông D đang được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; quá trình ông D làm việc, Công ty đã đóng bảo hiểm xã hội cho ông D đến hết tháng 02/2020. Do đó Công ty không đồng ý trả trợ cấp thôi việc cho ông D, đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như sau:
Việc chấp hành pháp luật tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án xác định quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết, thực hiện thủ tục cấp tống đạt các văn bản tố tụng, thu thập chứng cứ, mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát… được thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tại phiên tòa Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và không có kiến nghị gì về tố tụng.
Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, xét thấy: Ông Trương Anh D làm việc cho công ty từ ngày 08/9/2000. Ngày 08 tháng 11 năm 2000 và các năm tiếp theo 2001-2002- 2003-2004 hai bên ký hợp đồng xác định thời hạn 01 năm. Ngày 08 tháng 5 năm 2005 thì hai bên ký hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 13/01/2020 ông D nộp đơn xin nghỉ việc có báo trước 45 ngày theo quy định. Ngày 28/02/2020 Công ty ban hành Quyết định cho ông nghỉ việc từ ngày 28/02/2020 với lý do: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 37 Bộ luật lao động năm 2019 và Công ty đã nộp bảo hiểm xã hội cho ông D đến hết tháng 02 năm 2020. Như vậy, đến ngày 28/02/2020 ông D vẫn chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Do đó yêu cầu khởi kiện của ông D về việc buộc Công ty trả trợ cấp thôi việc từ ngày 08/9/2000 đến ngày 31/12/2008 là 08 năm 02 tháng (được làm tròn là 08 năm 06 tháng) với số tiền là: 121.068.000 đồng, trả một lần ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật là có cơ sở chấp nhận. Do đó đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tòa đã tiến hành giải nhưng không thành.
Tại phiên tòa, đại diện các đương sự giữ nguyên ý kiến, yêu cầu như trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Toà, sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phát biểu về việc tuân theo pháp luật Tố tụng dân sự và quan điểm giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về pháp luật tố tụng:
[1.1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
Nguyên đơn khởi kiện bị đơn tranh chấp về trợ cấp thôi việc. Xét, tranh chấp này phát sinh từ quan hệ lao động thuộc trường hợp không phải thông qua thủ tục hoà giải cơ sở, bị đơn có trụ tại Quận 1 nên vụ kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh theo quy định tại khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[1.2] Về tư cách đương sự:
Nguyên đơn - ông Trương Anh D trực tiếp tham gia tố tụng, bị đơn - Công ty Phát triển căn hộ V ủy quyền cho bà Phan Thị H tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Xét không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, hợp lệ nên chấp nhận.
[2] Về pháp luật nội dung:
[2.1] Về luật áp dụng:
Các bên đương sự xác lập quan hệ lao động từ năm 2000, đến 28/02/2020 thì chấm dứt quan hệ lao động. Vì cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nên ông D khởi kiện yêu cầu Công ty Phát triển căn hộ V thanh toán trợ cấp thôi việc. Xét, các bên xác lập quan hệ lao động tại thời điểm Bộ luật Lao động, sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 1994, số 35/2002/QH10 ngày 02/4/2002 có hiệu lực pháp luật, Hợp đồng lao động giữa các bên có nội dung phù hợp với các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012, có hiệu lực từ 01/5/2013 nên Hội đồng xét xử áp dụng Bộ luật Lao động năm 2012 (Bộ luật Lao động) để điều chỉnh giải quyết tranh chấp.
[2.2] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc Công ty Phát triển căn hộ V trả tiền trợ cấp thôi việc là 121.068.000 đồng, Hội đồng xét xử xét thấy:
Giữa ông Trương Anh D và Công ty có xác lập quan hệ lao động từ ngày 08/9/2000 đến ngày 28/02/2020 (trong đó có 02 tháng thử việc). ngày 13/01/2020 ông D có đơn xin nghỉ việc, ngày 28/02/2020 Công ty ban hành Quyết định cho ông nghỉ việc từ ngày 28/02/2020 với lý do: Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 37 Bộ luật lao động năm 2020. Như vậy, hợp đồng lao động của nguyên đơn và bị đơn là hợp đồng không xác định thời hạn; nguyên đơn đã báo trước 45 ngày trước khi nghỉ việc và thực tế Công ty đã ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn và trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn cũng không có yêu cầu gì đối với việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của nguyên đơn. Do đó, ông Trương Anh D đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng qui định của pháp luật.
Bị đơn cho rằng: Ngày 13/01/2020 ông D thông báo về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước 45 ngày; Công ty đã ban hành quyết định ngày 28/02/2020 về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông D nhưng đến ngày 13/3/2020 ông D đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định; đồng thời ông D đang được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu và xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội cho ông D đến hết tháng 02 năm 2020. Ý kiến này của đại diện bị đơn là không có cơ sở vì tại thời điểm Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với ông D (ngày 28/02/2020) thì ông D chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật mà ngày 13/3/2020 ông D mới đến tuổi nghỉ hưu (Điều 187 của Bộ luật lao động quy định về tuổi nghỉ hưu).
Tại văn bản số 1841/BHXH-QLT ngày 30/7/2020 của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ông Trương Anh D, sinh ngày 13/3/1960, CMND 020373053, mã số 0297125274, địa chỉ 36A Đường N, Phường G, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh có quá trình tham gia BHXH từ tháng 07/1997 đến tháng 02/2020 là 21 năm 03 tháng và đã được chốt sổ BHXH (trong đó tham gia BHXH tại Công ty Phát triển căn hộ V từ tháng 01/2011 đến tháng 02/2020). Ông Trương Anh D đã được giải quyết hưởng trợ cấp Bảo hiểm thất nghiệp 11 tháng với số tiền 17.092.000 đồng theo Quyết định số 31719/QĐ-SLĐTBXH- TCTN ngày 15/4/2020 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy, bị đơn cho rằng ông D đã được hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu là không đúng vì sau khi nghỉ việc tại Công ty, ông D đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Khoản 1 Điều 48 của Bộ luật lao động quy định: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương”.
Tại khoản 2 và khoản 3 Điều 48 Bộ luật lao động quy định: “Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định ….Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc”. Như vậy, thời gian để tính trợ cấp thôi việc cho nguyên đơn là từ ngày 08/9/2000 đến ngày 31/12/2008 với mức lương bình quân 06 tháng liền kề (tháng 9 và tháng 10 năm 2019 mức lương ông D được hưởng là 27.820.000 đồng; tháng 11, 12 năm 2019 và tháng 01, 02 năm 2020 mức lương ông D được hưởng là 28.820.000 đồng) là 28.486.666 đồng. Căn cứ điểm c khoản 5 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 quy định: “Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng), trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc”. Như vậy, thời gian tính trợ cấp thôi việc của nguyên đơn là 08 năm 06 tháng là (8 năm x 28.468.000 đồng : 2 ) + (28.468.000 đồng : 4)= 121.068.640 đồng.
Xét ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 về việc tuân theo pháp luật tố tụng và đề nghị giải quyết vụ án đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nêu trên phù hợp với những đánh giá, nhận định của Hội đồng xét xử. Do đó, Hội đồng xét xử xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
[3] Về án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn không phải chịu án phí lao động sơ thẩm; Bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
[4] Các bên được quyền kháng cáo theo luật định. Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào:
Khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 1 Điều 147 và các Điều: 264, 271 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 15, khoản 9 Điều 36, khoản 3 Điều 37, Điều 48, Điều 187, khoản 2 Điều 200, khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012;
Điểm a, c khoản 5 Điều 1 Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật lao động;
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án;
Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực ngày 01/7/2009.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty Phát triển căn hộ V phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông Trương Anh D là 121.068.640 đồng; trả một lần khi án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày ông Trương Anh D có đơn yêu cầu Công ty Phát triển căn hộ V thi hành khoản tiền trên nếu Công ty Phát triển căn hộ V chưa thi hành, thi hành không đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo quy định tại Điều 357 Bộ luật dân sự năm 2015.
2. Về án phí lao động sơ thẩm:
Ông Trương Anh D không phải chịu án phí lao động sơ thẩm. Công ty Phát triển căn hộ V phải chịu án phí là 3.651.600 (ba triệu, sáu trăm năm mươi mốt nghìn, sáu trăm) đồng.
3. Về quyền kháng cáo:
Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 45/2020/LĐ-ST ngày 21/09/2020 về tranh chấp trợ cấp thôi việc
Số hiệu: | 45/2020/LĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 21/09/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về