TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 443/2017/HS-PT NGÀY 17/08/2017 VỀ VI PHẠM QUY ĐỊNH CHO VAY TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG
Trong ngày 17 tháng 8 năm 2017 tại trụ sở Toà án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 505/2016/HSPT ngày 26 tháng 8 năm 2016 đối với bị cáo Nguyễn Thị S và các bị cáo khác. Do có kháng cáo của các bị cáo Nguyễn Thị S, Trương Văn Đ, Nguyễn Trọng P, Đào Minh T; nguyên đơn dân sự Ngân hàng TMCP VNTP; kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh đối với bản án hình sự sơ thẩm số: 249/2016/HSST ngày 13/7/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
* Bị cáo có kháng cáo:
1/ Nguyễn Thị S, sinh năm: 1961, tại: Bến Tre; giới tính: Nữ; trú tại: Số 841/10 khu phố 2, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre; tạm trú: Số 1/11 SQ, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre; trình độ văn hóa: 6/12; nghề nghiệp: Nội trợ; con ông Nguyễn Văn N (chết) và bà Nguyễn Thị T (chết); bị cáo có chồng và 01 con sinh năm 1990; tiền án, tiền sự: Không. Bị bắt tạm giữ ngày: 25/01/2014. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
2/ Trương Văn Đ (tự: M), sinh năm: 1957, tại: Bến Tre; giới tính: Nam; trú tại: Số 01/11 ấp SQ, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre; trình độ văn hóa: 3/12; nghề nghiệp: Làm vườn; con ông Trương Văn V (chết) và bà Dương Thị R; có vợ và 01 con sinh năm 1990; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Bị cáo có kháng cáo, bị kháng nghị:
1/ Nguyễn Trọng P, sinh năm: 1981, tại: Phú Yên; giới tính: Nam; trú tại: Số E54 Chung cư BT, phường H, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên là Phó Giám đốc Phòng giao dịch Q (trực thuộc VPBank - Chi nhánh S); con ông Nguyễn Văn T và bà Trần Thị Xuân L; có vợ và 01 con sinh năm 2014; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
2/ Đào Minh T, sinh năm: 1987, tại: Hà Tĩnh; giới tính: Nam; trú tại: Số 22 X, phường T, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh; tạm trú: Số 801 Chung cư A, phường A, Quận B, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nhân viên Ngân hàng TMCP VNTP; con ông Đào Xuân K và bà Nguyễn Thị B; bị cáo có vợ và 01 con sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa
* Bị cáo không có khang cáo (liên quan đến kháng cáo):
1/ Nguyễn Hữu V (tự: Q), sinh năm: 1984, tại: Vĩnh Long; giới tính: Nam; trú tại: Số 304A P, phường 9, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long; tạm trú: Số 35 đường 715, T, phường D, Quận K, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Không; con ông Nguyễn Hữu Chính và bà Nguyễn Huỳnh Anh; chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: không. Bị bắt tạm giữ ngày: 25/01/2014. Bị cáo có mặt tại phiên tòa)
2/ Nguyễn Thị Ngọc L, sinh năm: 1958, tại: Hà Nội; giới tính: Nữ; trú tại: Số 83 Lầu 5, P, phường Đ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; tạm trú: H102 chung cư H, xã B, huyện B, Thành phố Hồ Chí Minh; trình độ văn hóa: 12/12; nghề nghiệp: Nguyên là Công chứng viên - Phòng Công chứng số 2, Thành phố Hồ Chí Minh; con ông Nguyễn Văn T1 và bà Phạm Thị T; bị cáo có chồng và 01 con sinh năm 1983; tiền án, tiền sự: Bị cáo tại ngoại. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
* Nguyên đơn dân sự: Ngân hàng TMCP VNTP (VP Bank); địa chỉ: Tầng 1-7, tòa nhà Thủ Đô, số 72, phố Trần Hưng Đạo, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội; người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Thành T2, sinh năm: 1976; trú tại: Lầu 9, số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chi Minh. (Có mặt tại phiên tòa).
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1/ NLQ1; địa chỉ: Số 129 đường N, Phường 9, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh; người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Thành T2, sinh năm: 1976; trú tại: Lô 9, số 1-1A-2 T, phường B, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa)s
2/ Ông NLQ2, sinh năm: 1950; trú tại: Số 49 đường 1107, P, Phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa).
3/ Bà NLQ3, sinh năm: 1952; trú tại: Số 49 đường 1107, P, Phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa).
* Người bào chữa cho các bị cáo:
1/ Người bào chữa cho các bị cáo Trương Văn Đ: Luật sư Trịnh Bá T, và Luật sư Đỗ Hải B thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa).
2/ Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng P: Luật sư Nguyễn Văn B1 và Luật sư Nguyn Văn B2 thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa).
3/ Người bào chữa cho bị cáo Đào Minh T: Luật sư Bùi Quang N, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa).
4/ Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L: Luật sư Hoàng Thị Mỹ Đ, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. (Có mặt tại phiên tòa).
(Ngoài ra vụ án còn có 03 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án ông NLQ4, bà NLQ5, ông NLQ6 và 04 người làm chứng ông NLC1, ông NLC2, bà NLC3 và ông NLC4 không có kháng cáo, kháng nghị, không liên quan kháng cáo Tòa không triệu tập).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh vụ án được tóm tắt như sau: Nguyễn Hữu V có quan hệ quen biết với Đoàn Thế D (con ông NLQ2 và bà NLQ3). Tháng 4/2012, D cho V biết là D đang nợ của nhiều người số tiền khoảng 10 tỷ đồng và bàn bạc với V là D sẽ lấy giấy tờ sở hữu nhà số 49 đường 1107 P, Phường 5, Quận 8, Thành phố Hô Chí Minh (do cha mẹ ruột của D là ông NLQ2 và bà NLQ3 đứng tên sở hữu) đưa V thế chấp vay tiền ngân hàng để trả nợ và sử dụng cá nhân. Thực hiện ý định này, Dh đã lén lấy giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy tờ sở hữu nhà số 49 đường 1107 P (bản chính) đưa cho Vinh liên hệ ngân hàng làm thủ tục vay tiền. Để NLQ2 và NLQ3 không phát hiện, D tìm gặp Trương Văn Đ và Nguyễn Thị S (vợ của Đ) là người giúp việc cho gia đình D trước đây nhờ hai người này mạo danh NLQ2 và NLQ3 để làm hồ sơ tín dụng vay tiền tại Ngân hàng TMCP VNTP - Chi nhánh S (sau đây viết tắt là: VPBank - Chi nhánh S). Theo yêu cầu của D, trong suốt quá trình liên hệ làm hồ sơ vay tiền tại VPBank - Chi nhánh S, Nguyễn Hữu V mạo danh là Đoàn Thế D (con người NLQ2 và NLQ3), Trương Văn Đ mạo danh ông NLQ2, Nguyễn Thị S mạo danh bà NLQ3 ký Hợp đồng tín dụng vay VPBank - Chi nhánh S số tiền 4.000.000.000 đồng sau đó chiếm đoạt chia nhau, cụ thể:
Tháng 6/2012, Nguyễn Hữu V đến Phòng giao dịch Q (là đơn vị trực thuộc VPBank - Chi nhánh S) gặp Nguyễn Trọng P - Phó Giám đốc hỏi về thủ tục vay vốn. Lúc này, V không nói đúng tên thật của mình mà mạo nhận là Đoàn Thế D hỏi về mức vay và đưa ra thông tin tài sản thế chấp bảo đảm cho khoản vay là căn nhà số 49 đường 1107 P, Phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh do ông NLQ2 và bà NLQ3 đứng tên chủ sở hữu, mục đích vay để bổ sung vốn kinh doanh (nuôi cá bè).
Theo Quy chế số 800/2010-QĐ-HĐQT ngày 14/12/2010 của Hội đồng quản trị VPBank, Phòng giao dịch Q hoạt động theo quy chế đặc thù, có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét giải quyết đối với một số hạng mục tín dụng của các phòng giao dịch cấp dưới, trong đó có Phòng giao dịch N. Theo đó, nếu hồ sơ vay trên 2.000.000.000 đồng thì Phòng giao dịch N phải chuyển hồ sơ đến Phòng giao dịch Q để Ban tín dụng xem xét, đề xuất Phòng Tái thẩm định, Giám đốc vùng quyết định. Thời điểm này, Nguyễn Trọng P là Phó Giám đốc Phòng giao dịch Q, được phân công phụ trách bộ phận tín dụng, dịch vụ khách hàng, kho quỹ, đồng thời là thành viên của Ban tín dụng.
Trong quá trình gặp Nguyễn Hữu V, do không kiểm tra đối chiếu về giấy tờ tuỳ thân và tài sản dự kiến thế chấp nên P không phát hiện được việc Vinh mạo danh Đoàn Thế D, vì vậy P đã giới thiệu V đến Phòng giao dịch N làm hồ sơ. Nguyễn Trọng P đã liên hệ với NLC1 - Giám đốc Phòng giao dịch N để tiếp nhận hồ sơ, xem xét giải quyết hồ sơ vay của V theo thẩm quyền.
Theo giới thiệu của Nguyễn Trọng P, NLC1 liên hệ với V và đến nhà số 49 đường 1107 P để thẩm tra về tài sản bảo đảm. Lúc này, Nguyễn Hữu V mạo danh là Đoàn Thế D tiếp đón ông NLC1 và đưa ông NLC1 bản photocopy các giấy tờ gồm: Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Thông báo nộp lệ phí trước bạ, Thông báo nộp tiền sử dụng đất; Giấy chứng minh nhân dân, Hộ khẩu và Giấy chứng nhận kết hôn mang tên NLQ2 và NLQ3. Khi về Ngân hàng, ông NLC1 giao bộ hồ sơ cho NLC3 - Nhân viên tín dụng Phòng giao dịch N để xác minh thông tin khách hàng, phương án vay vốn... Căn cứ vào hồ sơ do Phòng giao dịch N cung cấp, Phòng định giá tài sản đảm bảo của VPBank xác định căn nhà có trị giá là 7.893.875.000 đồng.
Do mức vay vượt thẩm quyền giải quyết của Phòng giao dịch N nên Phòng giao dịch N chuyển hồ sơ lên Phòng giao dịch Q để xem xét, phê duyệt. Phòng giao dịch Q đã phân công cho Nguyễn Trọng P cùng tham gia xác minh, thẩm định hồ sơ vay (phương án vay vốn, sử dụng vốn vay...). Đào Minh T - Nhân viên quản lý hỗ trợ tín dụng Phòng giao dịch Q được giao nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ vay và thực hiện các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng, giải ngân.
Ngày 18/6/2012, đại diện ngân hàng gồm Nguyễn Trọng P, NLC1 và NLC3 đến ấp S, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre xác minh phương án vay vốn. Lúc này, Nguyễn Thị S mạo danh bà NLQ3 ra tiếp đón và dẫn mọi người đến xem bè nuôi cá của bà Nguyễn Thị Triệu (chị ruột S) nói dối đây là bè nuôi cá của mình (NLQ3). Để chứng minh về việc sử dụng vốn vay theo yêu cầu của ngân hàng, V đã tìm gặp cha ruột là ông Nguyễn Hữu Chính nói dối V có người chị kết nghĩa tên NLQ3 cần mua thức ăn cá và nhờ ông Chính liên hệ với ông NLQ4 - Giám đốc Công ty TNHH Biofeed Khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long để NLQ3 ký kết hợp đồng mua thức ăn cho cá. Vì tin là thật, nên ông NLQ4 đã ký kết hợp đồng ngày 25/6/2012, về việc cung cấp thức ăn công nghiệp cho cá trị giá 6.000.000.000 đồng với NLQ3. Để hợp thức hóa hồ sơ vay, theo yêu cầu của D và V, Nguyễn Thị S đã ký giả chữ ký bà NLQ3 ở mục "Người mua hàng" tại các hóa đơn GTGT để thể hiện việc giao dịch mua bán thức ăn công nghiệp giữa Công ty TNHH Biofeed và NLQ5 (cháu Nguyễn Thị S) với NLQ3.
Căn cứ Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN, ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước về quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng, tại Điều 5, Điều 7, Điều 15, Điều 21 có quy định về điều kiện vay vốn, quyết định cho vay của Tổ chức tín dụng, quyền và nghĩa vụ của Tổ chức tín dụng. VPBank có Quyết định số 1504/2009/QĐ-TGĐ ngày 30/10/2009, quy định về quy trình nghiệp vụ tín dụng tạm thời, áp dụng tại các chi nhánh có Ban quản lý tín dụng, theo đó: Nhân viên quản lý, hỗ trợ tín dụng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng, thực hiện kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp, đầy đủ, chân thực của hồ sơ đề nghị cấp tín dụng; kiểm tra thẩm quyền phê duyệt cấp tín dụng, điều kiện cấp tín dụng (hạn mức, thời hạn, lãi suất, tài sản đảm bảo) theo đúng quy định của VPBank; thực hiện soạn thảo về biên bản định giá, hợp đồng thế chấp/cầm cố, đơn đăng ký giao dịch đảm bảo, hợp đồng tín dụng (phụ lục hợp đồng), khế ước nhận nợ và các văn bản khác với khách hàng và các bên liên quan căn cứ theo phê duyệt; đối với những hợp đồng ký kết giữa VPBank và khách hàng theo yêu cầu phải thực hiện ký kết tại Phòng công chứng thì thực hiện ký kết tại phòng công chứng, đối với trường hợp không thực hiện ký kết tại phòng công chứng thì được ký kết tại đơn vị kinh doanh trước sự giám sát của nhân viên hỗ trợ tín dụng...
Đồng thời, VPBank ban hành Quy định số 11/2012/QĐ-TG ngày 11/5/2012, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của cá nhân tham gia quy trình xét duyệt tín dụng tập trung, theo đó: Nhân viên quản lý, hỗ trợ tín dụng có trách nhiệm đối chiếu bộ hồ sơ hợp đồng tín dụng và các giấy tờ liên quan phục vụ cho việc đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và giải ngân với quyết định phê duyệt tín dụng của cấp có thẩm quyền; chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ gốc tài sản đảm bảo trước khi giải ngân; có thẩm quyền đề xuất lãnh đạo đơn vị kinh doanh không cho khách hàng sử dụng các khoản cấp tín dụng đã được phê duyệt trong trường hợp phát hiện các giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo, hợp đồng kinh tế, chứng từ giải ngân có dấu hiệu không trung thực, thiếu chính xác...Trong suốt quá trình tiếp nhận và thẩm định hồ sơ vay, Nguyễn Trọng P, Đào Minh T đã không thực hiện đúng các quy định trên, nên không phát hiện được Trương Văn Đ và Nguyễn Thị S mạo danh chủ sở hữu đứng tên vay tiền sau đó chiếm đoạt của VPbank số tiền 4.000.000.000 đông, cụ thể:
Đối với Đào Minh T, được phân công phụ trách tiếp nhận hồ sơ cấp tín dụng của Phòng giao dịch N chuyển đến, có trách nhiệm kiểm tra các thủ tục vay vốn; tài sản thể chấp; lập bản thảo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng thế chấp tài sản và thực hiện công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định. Theo đó, Đào Minh T phải thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu người vay trên thực tế với giấy tờ tùy thân có trong hồ sơ thu thập. Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay, Đào Minh T không tiếp xúc với người vay tại trụ sở Ngân hàng, không kiểm tra đối chiếu tài liệu trong hồ sơ tín dụng với giấy tờ tùy thân, giấy tờ về tài sản thế chấp trên thực tế trước khi cho người vay ký Hợp đồng tín dụng nguyên tắc, ký Hợp đồng thế chấp tài sản. Ngoài ra, Tịnh còn cho Nguyễn Thị S, ký khống vào mẫu Phương án vay vốn, phiếu kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay. Đào Minh Tinh để Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ ký Hợp đồng song phương về thế chấp tài sản, Họp đồng tín dụng chi tiết, Khế ước nhận nợ, Giấy đề nghị vay vốn, Giấy đề nghị giải ngân tại quán cafe ngoài trụ sở trái quy định.
Đối với Nguyễn Trọng P, với vai trò Lãnh đạo được phân công cùng tham gia xác minh, thẩm định hồ sơ vay với cán bộ tín dụng. Nguyễn Trọng P đã không chỉ đạo cấp dưới thực hiện đúng quy định về cho vay, kiểm tra đối chiếu giấy tờ tùy thân, xác minh tại chính quyền địa phương... nên không phát hiện được Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ mạo danh chủ sở hữu tài sản là bà NLQ3 và ông NLQ2 đem thế chấp tài sản không phải của mình; không phát hiện được Nguyễn Thị S chỉ bè nuôi cá của người khác để chứng minh phương án sử dụng vốn vay, ký các hợp đồng kinh tế giả mạo để hợp thức hóa hồ sơ vay. Là thành viên của Ban tín dụng - Phòng giao dịch Q, Phương đã duyệt chấp thuận hồ sơ vay vốn giả mạo trên.
Để thực hiện việc công chứng tài sản đảm bảo, vào ngày 10/7/2012, Đào Minh T lập Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số NTT-12C010072/TC đối với căn nhà số 49 đường 1107 P, phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh của bên vay là ông NLQ2 và bà NLQ3 để bảo đảm cho khoản vay 4.000.000.000 đồng. Sau đó, Hợp đồng thế chấp (cùng bộ hồ sơ liên quan) được Đào Minh T chuyển cho Nguyễn Thị Ngọc L
- Công chứng viên Phòng công chứng số 2 để chứng thực. Theo quy định tại Điều 35, Điều 41 Luật Công chứng quy định về thủ tục công chứng các hợp đồng - giao dịch, theo đó trách nhiệm của Công chứng viên phải yêu cầu người công chứng xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân và các giấy tờ liên quan để đối chiếu; chứng kiến người yêu cầu công chứng ký vào văn bản công chứng, nhưng khi thực hiện công chứng Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với tài sản thế chấp là căn nhà sô 49 đường 1107 P, phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Ngọc L đã không thực hiện đúng các quy định về công chứng, cụ thể:
Ngày 10/7/2012, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ đã mạo danh, đóng giả là ông NLQ2, bà NLQ3 cùng Đào Minh T đến Phòng Công chứng số 2 thực hiện công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm. Quá trình công chứng Nguyễn Thị Ngọc L không kiểm tra, đối chiếu nhân thân hình ảnh của chủ sở hữu tài sản (người trong Hộ chiếu) với người đến yêu cầu công chứng; không đối chiếu chữ ký trong hộ chiếu của chủ sở hữu với chữ ký tại các văn bản trong hồ sơ công chứng, do đó Nguyễn Thị Ngọc L đã không phát hiện việc Trương Văn Đ và Nguyễn Thị S giả mạo chủ tài sản là ông Nguyễn Thế Lập - bà NLQ3 nên đã ký chứng nhận công chứng số 020895 ngày 10/7/2012 đối với Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm trên.
Sau khi thực hiện thủ tục công chứng đối với tài sản thế chấp, ngày 10/7/2012 ông NLC2 ký Hợp đồng tín dụng số NTT-12C010072A cho ông NLQ2 và bà NLQ3 vay số tiền 4.000.000.000 đồng; thời hạn vay 12 tháng; tài sản thế chấp là căn nhà số 49 đường 1107 P, phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngày 11/7/2012, Phòng giao dịch Q giải ngân số tiền 4.000.000.000 đồng cho bên vay. Theo quy định của ngân hàng, tiền vay phải được chuyển vào tài khoản của đơn vị sử dụng vốn vay là Công ty TNHH BIOFEED, do đó Nguyễn Thị S đã mạo danh NLQ3 mở tài khoản tại Phòng giao dịch Q và lập ủy nhiệm chi để chuyển tiền vào tài khoản cùa Công ty TNHH BIOEEED do ông NLQ4 làm chủ tài khoản (tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Vĩnh Long). Sau đó, ông NLQ4 đã chuyển trả lại số tiền 3.998.900.000 đồng cho Nguyễn Hữu V (ngân hàng trừ 1.100.000đ phí chuyển khoản). Để Ngân hàng không phát hiện, mỗi tháng khi đến kỳ hạn trả lãi Nguyễn Hữu V đều lấy danh nghĩa Đoàn Thế D trả lãi khoản vay trên, tính đến ngày 05/10/2013 Vinh đã trả VPBank - Chi nhánh S số tiền lãi là 626.354.158 đồng. Đối với số tiền 3.998.900.000 đồng, Vinh khai đưa cho Đoàn Thế D 1.589.900.000 đồng, trả tiền công cho Nguyễn Thị S là 409.000.000 đồng. Còn lại 2.000.000.000 đồng, Vinh giữ lại và sử dụng như sau: Đưa cho ông NLQ4 35.738.719 đồng tiền thuế VAT của 03 hóa đơn GTGT, trả lãi ngân hàng 626.354.158 đồng, Vinh chiếm hưởng 1.337.907.123 đồng.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 249/2016/HSST ngày 13/7/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Hữu V (tự: Q), Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ (tự: M) phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị cáo Nguyễn Trọng P và Đào Minh T phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
1/ Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; các điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; Điều 53 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Hữu V (tự: Quốc) 07 (bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ: 25/01/2014.
2/ Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 53 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị S 07 (bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt tạm giữ: 25/01/2014
3/ Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 139; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 53 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Trương Văn Đ (tự: Mười) 07 (bảy) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.
4/ Áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự.Xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng P 06 (sáu) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.
5/ Áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Đào Minh T 07 (bày) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.
6/ Áp dụng khoản 2 Điều 285; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L 03 (ba) năm tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 05 năm tính kể từ ngày tuyên án. Giao bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L về Ủy ban nhân dân phường ĐaKao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Thi hành án hình sự. Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự: Buộc các bị cáo Nguyễn Hữu V, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank) tổng số tiền là: 2.344.683.333 đồng, cụ thể:
- Buộc bị cáo Nguyễn Hữu V phải bồi thường cho VPBank số tiền là: 1.344.683.333 đồng.
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị S phải bồi thường cho VPBank số tiền là500.000.000 đồng
- Buộc bị cáo Trương Văn Đ phải bồi thường cho VPBank số tiền là 500.000.000 đồng. Các bị cáo Nguyễn Hữu V, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ được quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Đoàn Thế D bồi thường lại toàn bộ số tiền mà các bị cáo đã bồi thường là 2.344.683.333 đồng theo thủ tục tố tụng dân sự.=
- Buộc bà NLQ5 và ông NLQ6 phải nộp lại số tiền 409.000.000 đồng để hoàn trả cho Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank). Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về xử lý vật chứng, về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Ngày 27/7/2016, bị cáo Nguyễn Thị S kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt và xem xét phần trách nhiệm dân sự mà bản án sơ thẩm buộc bị cáo Sót bồi thường cho Ngân hàng TMCP VNTP 500.000.000 đồng là không hợp lý.Ngày 22/7/2016, bị cáo Trương Văn Đ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét cho bị cáo được hưởng án treo và không phải nộp lại số tiền 500.000.000 đồng. Ngày 21/7/2016, bị cáo Nguyễn Trọng P kháng cáo kêu oan, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội. Ngày 19/7/2016, bị cáo Đào Minh T kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Ngày 21/7/2016, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có quyết định số 23/KNPT-P3 ngày 21/7/2016 kháng nghị đối với bản án hình sự sơ thẩm số 249/2016/HSST ngày 13/7/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nội dung kháng nghị đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng không áp dụng khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự và tăng mức hình phạt đối với bị cáo Đoàn Minh Tịnh và Nguyễn Trọng P theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật hình sự. Ngày 22/7/2016, Ngân hàng TMCP VNTP kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa một phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm, tuyên buộc Phòng Công chứng số 2, thành phố Hồ Chí Minh và bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền mà VPBank bị chiếm đoạt chưa thể thu hồi được.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị cáo Nguyễn Thị S rút kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; giữ nguyên yêu cầu kháng cáo về trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng TMCP VNTP 500.000.000 đồng. Do không có được hưởng lợi trong vụ lừa đảo.
- Bị cáo Trương Văn Đ rút kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; giữ nguyên yêu cầu kháng cáo về trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng TMCP VNTP 500.000.000 đồng. Do không có được hưởng lợi trong vụ lừa đảo.
- Bị cáo Nguyễn Trọng P giữ nguyên kháng cáo kêu oan, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không phạm tội.
- Bị cáo Đào Minh T thay đổi yêu cầu kháng cáo giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo kêu oan, cho rằng bị cáo không phạm tội như án sơ thẩm đã xử.
- Ngân hàng TMCP VNTP giữ nguyên kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét sửa một phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm, tuyên buộc Phòng Công chứng số 2, thành phố Hồ Chí Minh và bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền mà VPBank bị chiếm đoạt chưa thể thu hồi được. Do có công chứng nên Ngân hàng mới giải ngân để các bị cáo V, S, Đ chiếm đoạt 4 tỷ đồng.
- Luật sư Nguyễn Văn B1 bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng P: Cho rằng pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm hình sự khi xử lý tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án cấp sơ thẩm nhìn nhận không đúng vị trí, vai trò của bị cáo P; bị cáo P không có nhiệm vụ thẩm định hồ sơ, thẩm định tại chỗ, nhưng khi Giám đốc giao thẩm định tại chỗ bị cáo P đã làm hết trách nhiệm mà không phát hiện được sự gian dối vì các bị cáo có hành vi lừa đảo quá tinh vi. Ngoài ra, án sơ thẩm áp dụng pháp luật hết hiệu lực. Đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo P, tuyên bố bị cáo P không phạm tội. Luật sư Nguyễn Văn B2 bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng P: Thống nhất lời bào chữa của Luật sư Nguyễn Văn B1.
- Luật sư Bùi Quang N bào chữa cho bị cáo Đào Minh T: Thống nhất lời bào của của Luật sư Nguyễn Văn B1 bào chữa cho bị cáo P, vì bị cáo T, bị cáo P bị các bị cáo V, S và Đ lừa đảo quá tinh vi, tuy có kiểm tra các giấy tờ nhưng không phát hiện được. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo T, tuyên bố bị cáo T không phạm tội.
- Luật sư Hoàng Thi Mỹ Đ bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L: Về trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng, Luật sư thống nhất với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát. Luật sư còn phân tích thêm các căn cứ theo quy định của pháp luật bị cáo L không phải bồi thường, án sơ thẩm chỉ ra các lỗi của cán bộ Ngân hàng để các bị cáo lừa được tiền, tại phiên tòa phúc thẩm ông Đỗ Thành T2 đại diện cho Ngân hàng cũng xác định bị cáo P, bị cáo T có lỗi. Ngoài ra, Ngân hàng còn vội vàng giải ngân ngay sau khi được công chứng hợp đồng thế chấp – Tức giải ngân ngày 10/7/2012 chứ không phải ngày 11/7/2012 như án sơ thẩm nêu. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của Ngân hàng, bị cáo L không có trách nhiệm bồi thường.
- Luật sư Đỗ Hải B và Luật sư Trịnh Bá Th bào chữa cho bị cáo Trương Văn Đ: Sau khi phân tích các chứng cứ có ở hồ sơ, xét thấy án sơ thẩm buộc bị cáo Đ bồi thường 500 triệu đồng là không đúng. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo Đ, sửa án sơ thẩm tuyên bị cáo Đ không phải bồi thường cho Ngân hàng.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh sau khi phân tích các chứng cứ có ở hồ sơ, lời trình bày của bị cáo, nguyên đơn dân sự; lời bào chữa của các Luật sư. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận cho bị cáo S, bị cáo Đ rút kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; bác kháng cáo của bị cáo S, bị cáo Đ về yêu cầu xem xét lại trách nhiệm dân sự, giữ nguyên án sơ thẩm về trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng TMCP VNTP mỗi bị cáo 500.000.000 đồng. Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị tăng hình phạt đối với Đào Minh T từ 11 đến 12 năm tù và Nguyễn Trọng P từ 10 đến 11 năm tù. Bác yêu cầu Ngân hàng TMCP VNTP về buộc Phòng Công chứng số 2, Thành phố Hồ Chí Minh và bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền mà VPBank bị chiếm đoạt chưa thể thu hồi được. Do có công chứng nên Ngân hàng mới giải ngân để các bị cáo V, S, Đ chiếm đoạt 4 tỷ đồng.
Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ
[1]- Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ thừa nhận hành vi phạm tội như án sơ thẩm đã xử đối với hai bị cáo và thấy mức án sơ thẩm đã xử đối với hai bị cáo là đúng, nên tự nguyện rút lại kháng cáo về hình phạt. Hội đồng xét xử xét thấy việc rút lại kháng cáo về hình phạt của bị cáo S, bị cáo Đ là tự nguyện, không trái pháp luật nên chấp nhận và đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo về hình phạt của bị cáo Nguyễn Thị S và bị cáo Trương Văn Đ, án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.
[2]- Xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Trọng P và bị cáo Đào Minh T: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nguyễn Trọng P và bị cáo Đào Minh T, đều cho rằng các bị cáo không phạm tội như án sơ thẩm đã xử vì các bị cáo không vi phạm điều khoản quy định nào của Tổ chức tín dụng. Hội đồng xét xử xét thấy, lời khai của hai bị cáo có ở hồ sơ và lời khai của hai bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm đủ căn cứ buộc tội:
[2.1]- Đối với bị cáo Nguyễn Trọng P - nguyên là Phó Giám đốc Phòng giao dịch Q, đồng thời cũng là thành viên của Ban tín dụng Phòng giao dịch Q, xét phê duyệt hồ sơ vay, được lãnh đạo phân công cùng tham gia xác minh, thẩm định hồ sơ vay với cán bộ tín dụng, đã không kiểm tra, đối chiếu giấy tờ tùy thân chứng minh nhân dân bản gốc, với người trực tiếp vay vốn (bà S); không xác minh tại chính quyền địa phương về hoạt động sản xuất kinh doanh của người vay, dẫn đến không phát hiện được Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ mạo danh chủ sở hữu tài sản, đem thế chấp tài sản không phải của mình, chính bị cáo đã buông lỏng quy trình nghiệp vụ, thực hiện không đúng các quy định của Ngân hàng, như vi phạm Quy định số: 18/2012/QĐ- TGĐ ngày 01/6/2012 của Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank) về việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay. Cụ thể, khi thực hiện cho vay đối với khách hàng, các đơn vị phải sử dụng các phương tiện thanh toán, không dùng tiền mặt để giải ngân vốn cho vay và thực hiện thanh toán trực tiếp cho bên thụ hưởng. Mặt khác, trước khi giải quyết Hợp đồng tín dụng, bị cáo P đã có hành vi móc nối, bàn bạc, hứa hẹn với bị cáo Nguyễn Hữu V về số tiền hoa hồng nếu được giải quyết cho vay số tiền 4.000.000.000 đồng. Đây là sự thỏa thuận vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.
[2.2]- Tai phiên tòa phúc thẩm bị cáo thừa nhận: Trong quá trình gặp Nguyễn Hữu V, do không kiểm tra đối chiếu về giấy tờ tuỳ thân và tài sản dự kiến thế chấp nên P không phát hiện được việc V mạo danh Đoàn Thế D, vì vậy P đã giới thiệu V đến Phòng giao dịch N làm hồ sơ. Nguyễn Trọng P đã liên hệ với NLC1 - Giám đốc Phòng giao dịch N để tiếp nhận hồ sơ, xem xét giải quyết hồ sơ vay của V theo thẩm quyền. Theo giới thiệu của Nguyễn Trọng P, NLC1 liên hệ với Vinh và đến nhà số 49 đường 1107 P để thẩm tra về tài sản bảo đảm. Căn cứ vào hồ sơ do Phòng giao dịch N cung cấp, Phòng định giá tài sản đảm bảo của VPBank xác định căn nhà có trị giá là 7.893.875.000 đồng. Do mức vay vượt thẩm quyền giải quyết của Phòng giao dịch N nên chuyển hồ sơ lên Phòng giao dịch Q để xem xét, phê duyệt. Phòng giao dịch Q đã phân công cho Nguyễn Trọng P cùng tham gia xác minh, thẩm định hồ sơ vay (phương án vay vốn, sử dụng vốn vay...)
Ngày 18/6/2012, đại diện ngân hàng gồm Nguyễn Trọng P, NLC1 và NLC3 đến ấp S, thị trấn C, huyện C, tỉnh Bến Tre xác minh phương án vay vốn. Lúc này, Nguyễn Thị S mạo danh bà NLQ3 ra tiếp đón và dẫn mọi người đến xem bè nuôi cá của bà Nguyễn Thị Triệu (chị ruột S) nói dối đây là bè nuôi cá của mình (bà NLQ3). Bị cáo Nguyễn Trọng P, với vai trò Lãnh đạo được phân công cùng tham gia xác minh, thẩm định hồ sơ vay với cán bộ tín dụng. Bị cáo Nguyễn Trọng P đã duyệt chấp thuận hồ sơ vay vốn giả mạo trên.
[2.3]- Đối với bị cáo Đào Minh T - nguyên là Nhân viên quản lý hỗ trợ tín dụng Phòng giao dịch Q, đã không thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu tài liệu trong hồ sơ tín dụng với giấy tờ tùy thân, giấy tờ về tài sản thế chấp trên thực tế, trước khi cho người vay ký Hợp đồng tín dụng nguyên tắc, Hợp đồng thế chấp tài sản. Mặt khác, bị cáo còn cho người vay ký khống vào mẫu phương án vay vốn, phiếu kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay, cho người vay ký Hợp đồng song phương về thế chấp tài sản, Hợp đồng tín dụng chi tiết, khế ước nhận nợ, giấy đề nghị vay vốn và giấy đề nghị giải ngân ngoài trụ sở ngân hàng.
[2.3] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo T thừa nhận: Bị cáo T là Nhân viên quản lý hỗ trợ tín dụng Phòng giao dịch Q được giao nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ vay và thực hiện các thủ tục về đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng, giải ngân. T không kiểm tra, đối chiếu người vay trên thực tế với giấy tờ tùy thân có trong hồ sơ vay. Trong quá trình thẩm định hồ sơ vay, Đào Minh T không tiếp xúc với người vay tại trụ sở Ngân hàng, không kiểm tra đối chiếu tài liệu trong hồ sơ tín dụng với giấy tờ tùy thân, giấy tờ về tài sản thế chấp trên thực tế trước khi cho người vay ký Hợp đồng tín dụng nguyên tắc, ký Hợp đồng thế chấp tài sản. Ngoài ra, T còn cho Nguyễn Thị S, ký khống vào mẫu Phương án vay vốn, phiếu kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay. Đào Minh T để Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ ký Hợp đồng song phương về thế chấp tài sản, Hợp đồng tín dụng chi tiết, Khế ước nhận nợ, Giấy đề nghị vay vốn, Giấy đề nghị giải ngân tại quán cafe ngoài trụ sở trái quy định. Để thực hiện việc công chứng tài sản đảm bảo, vào ngày 10/7/2012, Đào Minh T lập Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số NTT-12C010072/TC đối với căn nhà số 49 đường 1107 P, phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh của bên vay là ông NLQ2 và bà NLQ3 để bảo đảm cho khoản vay 4.000.000.000 đồng. Sau đó, Hợp đồng thế chấp (cùng bộ hồ sơ liên quan) được Đào Minh T chuyển cho Nguyễn Thị Ngọc L - Công chứng viên Phòng Công chứng số 2 để chứng thực. Ngày 10/7/2012, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ đã mạo danh, đóng giả là ông NLQ2, bà NLQ3 cùng Đào Minh T đến Phòng Công chứng số 2 thực hiện công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản bảo đảm.
[2.4]- Với hành vi nêu trên của các bị cáo Nguyễn Trọng P và Đào Minh T. Rõ ràng, đã vi phạm Quyết định số: 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng, tại các Điều 5, Điều 7, Điều 15, Điều 21 và Điều 25 quy định về điều kiện vay vốn, thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay... Đồng thời vi phạm Quy định số: 18/2012/QĐ- TGĐ ngày 01/6/2012 của Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank) về việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay.
[2.5]- Bị cáo P, bị cáo T đều có tiếp xúc, quản lý hồ sơ thế chấp tài sản vay là căn nhà số 49 đường 1107 P, phường 5, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh của bên vay là ông NLQ2 và bà NLQ3 để bảo đảm có giấy tờ có hình ảnh của ông NLQ2 và bà NLQ3 không thay đổi hình ảnh trên giấy tờ, trong khi người hướng dẫn thẩm định, người đi vay là ông Đ và bà S. Do đó không có căn cứ là lừa đảo tinh vi, nên có căn cứ xác định bị cáo P, bị cáo T cho vay không có tài sản bảo đảm hoặc cố tình không kiểm tra hồ sơ giấy tờ tài sản bảo đảm. Như vậy, có đủ căn cứ pháp lý để kết luận các bị cáo Nguyễn Trọng P và Đào Minh T đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự.
\[2.6]- Hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, chẳng những đã xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của tổ chức được pháp luật bảo vệ mà còn gây mất trật tự trị an xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các Tổ chức tín dụng. Do đó, cần phải xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, răn đe và cải tạo các bị cáo, đồng thời đáp ứng được yêu cầu đấy tranh phòng chống tội phạm.
[2.7]- Đối với các bị cáo Nguyễn Trọng P - nguyên là Phó Giám đốc Phòng giao dịch Q (trực thuộc VPBank - Chi nhánh S), đồng thời cũng là một trong ba thành viên của Ban tín dụng, xét phê duyệt giải quyết hồ sơ tín dụng. Đào Minh T - nguyên là nhân viên quản lý hỗ trợ tín dụng Phòng giao dịch Q trong quá trình thẩm định, giải quyết hồ sơ vay đã không thực hiện đúng đúng quy định pháp luật. Xét về vai trò phạm tội, đối với các bị cáo Nguyễn Trọng P và Đào Minh T thì người phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn là bị cáo Đào Minh T, do quá trình thẩm định hồ sơ, giải quyết hồ sơ vay tín dụng, tiếp xúc khách hàng, bị cáo là người trực tiếp chịu trách nhiệm, đã không thực hiện đúng các quy định của Ngân hàng như tiếp xúc khách hàng ngoài trụ sở Ngân hàng, không kiểm tra chứng minh nhân dân bản gốc, không đối chiếu hình ảnh người có trong hồ sơ vay vốn với người trực tiếp vay vốn, ký các hồ sơ tín dụng với khách hàng đều cho ký khống, tạo điều kiện để các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tiền của đơn vị. Đối với bị cáo Nguyễn Trọng P với vai trò là lãnh đạo được phân công tham gia xác minh, thẩm định hồ sơ vay vốn, bị cáo đã không thực hiện đúng quy định của Ngân hàng, cụ thể bị cáo đã không kiểm tra tính hợp pháp của tài sản thế chấp, không xác minh tại chính quyền địa phương về hoạt động sản xuất kinh doanh của người vay và ký đề xuất giải quyết cho vay tín dụng hồ sơ không đối chiếu chứng minh nhân dân bản gốc, không đối chiếu giấy tờ có trong hồ sơ với người hướng dẫn thẩm định, dẫn đến không phát hiện được các đối tượng đem thế chấp tài sản không phải là của mình, tạo điều kiện để các bị cáo chiếm đoạt số tiền 4.000.000.000 đồng, gây thiệt hại về tài sản cho đơn vị. Do vậy, khi lượng hình cần thiết phải áp dụng hình phạt tù đối với các bị cáo, có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.
[2.8]- Tuy nhiên, khi lượng hình cần xem xét cho các bị cáo Nguyễn Trọng P và Đào Minh T một số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, cụ thể như sau: Các bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự và mới phạm tội lần đầu, các bị cáo đều là lao động chính trong gia đình và có con nhỏ dưới 3 tuổi. Mặc dù, tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm các bị cáo đều khai báo quanh co và không thừa nhận hành vi phạm tội, chưa thấy được hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Riêng gia đình bị cáo P thuộc diện gia đình có công vớicách mạng. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Viện kiểm sát kháng nghị không áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự cho các bị cáo là đúng pháp luật cần được chấp nhận. Tuy nhiên, xét mức án sơ thẩm đã xử đối với bị cáo P, bị cáo T đủ đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống đối với loại tội phạm này; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy bị cáo P, bị cáo T trong quá trình làm hồ sơ cho vay bị các bị cáo khác lừa đảo nhưng do không làm đúng chức trách được giao mới phạm tội và thể hiện tính khoan hồng của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội phấn đấu sớm trở thành công dân có ích cho xã hội nên giữ nguyên hình phạt đối với hai bị cáo.
[3]- Về trách nhiệm dân sự:
[3.1]- Xét yêu cầu kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị S và bị cáo Trương Văn Đ không đồng ý bồi thường cho VPBank mỗi bị cáo số tiền là 500.000.000 đồng là không có căn cứ chấp nhận. Vì về trách nhiệm hình sự, các bị cáo tự nguyện rút kháng cáo chịu hình phạt với mức án 7 (bảy) năm tù như bị cáo V, như vậy trách nhiệm dân sự hai bị cáo cũng phải bồi thương tương xứng như bị cáo V, nhưng án sơ thẩm đã buộc bị cáo V bồi thường nhiều hơn không có kháng cáo. Hai bị cáo cho rằng không được hưởng lợi nên không đồng ý bồi thường là không có căn cứ chấp nhận. Tòa án buộc các bị cáo bồi thường là do các bị cáo giúp sức tích cực để bị cáo V chiếm đoạt 4 tỉ đồng của Ngân hàng. Do các bị cáo không hưởng lợi nên án sơ thẩm đã xử các bị cáo Nguyễn Hữu V, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ được quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Đoàn Thế D bồi thường lại toàn bộ số tiền mà các bị cáo đã bồi thường là 2.344.683.333 đồng theo thủ tục tố tụng dân sự. Vì vậy bác yêu cầu này của bị cáo Sót và bị các Đ giữ nguyên án sơ thẩm.
[3.2]- Về bồi thường thiệt hại: Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Đỗ Thành T2 là người đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank) yêu cầu sửa một phần quyết định của bản án hình sự sơ thẩm, tuyên buộc Phòng Công chứng số 2, thành phố Hồ Chí Minh và bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L phải có trách nhiệm liên đới bồi thường số tiền mà VPBank bị chiếm đoạt chưa thể thu hồi được. Do có công chứng nên Ngân hàng mới giải ngân để các bị cáo V, S, Đ chiếm đoạt 4 tỷ đồng. Xét yêu cầu này của Ngân hàng không có căn cứ chấp nhận, vì hành vi của bị cáo L không có mục đích chiếm đoạt và bị cáo L không có vai trò đồng phạm với các bị cáo Nguyễn Hữu V, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ nên không phải liên đới bồi thường cho VPBank. Vì vậy, bác yêu cầu kháng cáo của ngân hàng VPBank. Giữ nguyên án sơ thẩm về trách nhiệm bồi thường. Hội đồng xét xử chấp nhận một phần đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, chấp nhận đề nghị của Luật sư Hoàng Thi Mỹ Đ bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Ngọc L. Không chấp nhận đề nghị của các Luật sư Nguyễn Văn B1 và Luật sư Nguyễn Văn B2 bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trọng P; Luật sư Bùi Quang N bào chữa cho bị cáo Đào Minh T; Luật sư Đỗ Hải B và Luật sư Trịnh Bá T bào chữa cho bị cáo Trương Văn Đ. Do không phù hợp với nhận định trên. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không kháng cáo, không kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị. Do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận nên các bị cáo, đương sự phải chịu án phí theo quy định pháp luật. Vì các lẽ trên
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào Điều 238 và khoản 2 Điều 248 Bộ luật tố tụng hình sự.
1/ Chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
2/ Chấp nhận việc rút kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị S, Trương Văn Đ về hình phạt. Đình chỉ xét xử phúc thẩm về hình phạt của bị cáo Nguyễn Thị S và bị cáo Trương Văn Đ; Bản án hình sự sơ thẩm số 249/2016/HSST ngày 13/7/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có hiệu lực pháp luật về hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị S và bị cáo Trương Văn Đ.
3/ Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Trọng P, bị cáo Đào Minh T. Giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo P, bị cáo T; sửa bản án hình sự sơ thẩm số 249/2016/HSST ngày 13/7/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, không áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự. Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Trọng P và Đào Minh T phạm tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
- Áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Nguyễn Trọng P 06 (sáu) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.
- Áp dụng khoản 3 Điều 179; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Bộ luật Hình sự. Xử phạt bị cáo Đào Minh T 07 (bày) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bị bắt đi thi hành án.
4/ Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị S, bị cáo Trương Văn Đ về việc không đồng ý bồi thường cho Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank). Buộc các bị cáo Nguyễn Hữu V, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ phải có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank) tổng số tiền là: 2.344.683.333 đồng, cụ thể:
- Buộc bị cáo Nguyễn Hữu V phải bồi thường cho VPBank số tiền là: 1.344.683.333đ (một tỉ ba trăm bốn mươi bố triệu ba trăm ba mươi ba đồng).
- Buộc bị cáo Nguyễn Thị S phải bồi thường cho VPBank số tiền là 500.000.000đ (năm trăm triệu đồng).
- Buộc bị cáo Trương Văn Đ phải bồi thường cho VPBank số tiền là 500.000.000đ (năm trăm triệu đồng).
Các bị cáo Nguyễn Hữu V, Nguyễn Thị S và Trương Văn Đ được quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Đoàn Thế D bồi thường lại toàn bộ số tiền mà các bị cáo đã bồi thường là 2.344.683.333 đồng theo thủ tục tố tụng dân sự. Bác yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank). Giữ nguyên án sơ thẩm về trách nhiệm bồi thường.
5/ Về án phí phúc thẩm:
- Bị cáo Nguyễn Thị S, bị cáo Trương Văn Đ, bị cáo Nguyễn Trọng P, bị cáo Đào Minh T mỗi người nộp 200.000đ (hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự phúc thẩm.
- Ngân hàng TMCP VNTP (VPBank) nộp 200.000đ (ba trăm ngàn đồng) án phí dân sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không kháng cáo, không bị kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 443/2017/HS-PT ngày 17/08/2017 về vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
Số hiệu: | 443/2017/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/08/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về