TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN THẠNH, TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 44/2022/DS-ST NGÀY 08/09/2022 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN
Ngày 08 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 71/2022/TLST-DS ngày 21 tháng 6 năm 2022 về việc “Tranh chấp về đòi bồi thường thiệt hại tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 66/2022/QĐXXST-DS ngày 18 tháng 8 năm 2022, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1950; Địa chỉ: Số 80, ấp K, xã T, huyện T, tỉnh L.
Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của ông Phạm Văn Đ là bà Phùng Thị N, sinh năm 1953 (vợ ông Đ); Địa chỉ: Số 80, ấp K, xã T, huyện T, tỉnh L.
Theo văn bản ủy quyền ngày 08.6.2022, được chứng thực của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T.
2. Bị đơn:
2.1. Cụ Lê Thị C, sinh năm 1933; Địa chỉ: Số 81, ấp K, xã T, huyện T, tỉnh L.
2.2. Ông Lương Văn M, sinh năm 1966; Địa chỉ: Số 81, ấp K, xã T, huyện T, tỉnh L.
2.3. Bà Lương Thị M, sinh năm 1978; Địa chỉ: Ấp C, xã T, huyện T, tỉnh L.
2.4. Ông Lê Thành M1, sinh năm 1983; Địa chỉ: Ấp C, xã T, huyện T, tỉnh L.
Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của cụ C, bà M, ông M1 là ông Lương Văn M, sinh năm 1966; Địa chỉ: Số 81, ấp K, xã T, huyện T, tỉnh L.
Theo các văn bản ủy quyền ngày 07.7.2022, được chứng thực của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Phùng Thị N, sinh năm 1953; Địa chỉ: Số 80, ấp K, xã T, huyện T, tỉnh L.
(Bà N và ông M có mặt tại phiên tòa)
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện ngày 08/6/2022 của nguyên đơn Phạm Văn Đ và trình bày của bà Phùng Thị N (đại diện theo ủy quyền của ông Đ) trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án, được tóm tắt như sau: Nhà đất của ông Đ giáp ranh với nhà đất của cụ Lương Văn Đ, trên phần đất này ông Đ có xây dựng 01 nhà tắm kiến cố và 01 nhà bếp thô sơ, phần đất dưới nên có đóng 12 cây cừ sạn. Vào sáng ngày 10/6/2016, cụ Đ có kêu con rễ là ông M1 dùng xe Kobe thi công nạo vét, múc đất làm sụp đổ hoàn toàn phần nhà tắm và nhà bếp của gia đình ông Đ. Ông Đ có báo chính quyền đến lập biên bản lúc 09 giờ 30 ngày 10/6/2016 và chụp một số ảnh hiện trạng. Sau đó vợ chồng ông Đ, bà N có khiếu nại đến Ủy ban nhân dân xã T. Tại buổi làm việc ngày 14/6/2016, qua hòa giải, phía cụ Đ và gia đình chỉ đồng ý khắc phục tạm thời bằng cách đóng cừ bằng cây dầu gió và đổ đất như lúc ban đầu, ông Đ và bà N không đồng ý nên hòa giải không thành, nên phát sinh tranh chấp.
Đến ngày 20/10/2021 (âm lịch) thì cụ Đ chết. Nay ông Đ khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc những người thừa kế của cụ Đ gồm: cụ Lê Thị C và các con là: ông Lương Văn M, bà Lương Thị M, ông Lê Thành M1 phải bồi thường thiệt hại chi phí xây dựng lại nhà tắm và nhà bếp, tổng cộng là 25.000.000đ, trong đó phần thiệt hại chi phí để xây dựng nhà tắm là 18.000.000đ, phần thiệt hại về nhà bếp là 7.000.000đ.
Ông Lương Văn M với tư cách bị đơn và là đại diện cho các bị đơn còn lại là cụ Lê Thị C, Lương Thị M và Lê Thành M1 trình bày: Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn không đồng ý toàn bộ mà chỉ đồng ý một phần. Phía bị đơn chỉ đồng ý bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn chi phí xây dựng nhà tắm là 10.000.000đ, chi phí xây dựng nhà bếp là 2.000.000đ. Bởi vì, đối phần nhà tắm thì ông Đ, bà N cất trên phần đất của cụ Lương Văn Đ (đã chết năm 2021). Sau khi phía gia đình cụ Đ vét mương làm nông nghiệp khoảng 01 tuần thì phần nhà tắm này bị sập. Gia đình cụ Đ có mời chính quyền địa phương đến hòa giải và phía gia đình cụ Đ có nêu ý kiến là sẽ hỗ trợ chi phí cho ông Đ, bà N xây dựng nhà tắm mới. Từ đó đến nay phía ông Đ, bà N chưa xây nhà tắm mới, nên phía gia đình cụ Đ chưa hỗ trợ tiền xây nhà tắm mới cho ông Đ, bà N. Đối với phần nhà bếp của ông Đ, bà N thì không phải xây dựng kiên cố như trong biên bản của ấp và xã lập mà chỉ xây cất thô sơ.
Tại phiên tòa, các đương sự trình bày ý kiến bổ sung như sau:
- Bà N xác định phía nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện là buộc bị đơn phải bồi thường thiệt hại tài sản tổng cộng thành tiền là 25.000.000đ, trong đó thiệt hại phần nhà tắm trị giá 18.000.000đ, thiệt hại phần nhà bếp là 7.000.000đ (gồm chi phí xây dựng nhà bếp là 2.000.000đ, các vật dụng trong bếp như xoong, chảo, thau, chén, đĩa, đũa, muỗng khoảng 5.000.000đ). Bà N cũng xác định phần nhà tắm vợ chồng bà xây dựng năm 2006, chiều ngang 1,5m, chiều dài 02m, chiều cao 2,5m, tường xây gạch, nền bê tông, mái lợp tole, bên ngoài tường sơn, bên trong tường lát gạch men, bên trong nhà tắm có xây 01 hồ chứa nước được dán gạch men toàn bộ, có 01 bồn cầu, không có hầm cầu, phía dưới nền nhà tắm có đóng 12 cây cừ, chi phí lúc mới xây dựng khoảng 10.000.000đ. Đối với phần nhà bếp, bà N xác định vợ chồng bà xây dựng vào năm 2014, nền tráng bê tông, vách dựng 06 cây cột bằng bạch đàn, mái lợp tole. Chi phí lúc xây nhà bếp khoảng 2.000.000đ. Bà N cũng xác định tại thời điểm mới xảy ra việc làm sạt lỡ, sụp đổ nhà tắm, nhà bếp mà phía bị đơn qua thương lượng, hòa giải thì sẽ không kéo dài tranh chấp cho đến hôm nay.
- Ông M xác định có việc phía cụ Đ kêu ông M1 sử dụng Kobe đào mương gây sạt lỡ, sụp đổ phần nhà tắm và bếp của vợ chồng ông Đ vào năm 2016. Tuy nhiên, phía nguyên đơn yêu cầu bồi thường phần nhà tắm 18.000.000đ là quá cao, không đúng giá trị thiệt hại, phía bị đơn chỉ đồng ý bồi thường giá trị thiệt hại nhà tắm cho phía nguyên đơn với số tiền 10.000.000đ. Đối với phần bếp thì phía bị đơn chỉ đồng ý bồi thường tổng cộng 3.000.000đ.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Thạnh phát biểu ý kiến như sau:
Về Tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật.
Về quan điểm giải quyết vụ án: Xét yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn về việc đòi phía bị đơn thiệt hại tài sản tổng cộng thành tiền là 25.000.000đ, trong đó thiệt hại phần nhà tắm trị giá 18.000.000đ, thiệt hại phần nhà bếp là 7.000.000đ, thấy rằng: Phía bị đơn đã thừa nhận có hành vi gây thiệt hại về tài sản của nguyên đơn, theo quy định của pháp luật thì phía bị đơn có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đối với thiệt hại nhà tắm, phía nguyên đơn đưa ra chi phí bồi thường là 18.000.000đ, bị đơn chỉ đồng ý bồi thường 10.000.000đ. Thấy rằng, phần nhà tắm do phía nguyên đơn xây dựng từ năm 2016, chi phí lúc xây dựng khoảng 10.000.000đ, quá trình sử dụng đến năm 2016 mới bị phía bị đơn gây sụp đổ, thiệt hại, từ khi phần nhà tắm bị sụp đổ vào năm 2016 cho đến nay hiện trạng đã không còn, nên không có căn cứ định giá, nguyên đơn cho rằng phải bồi thường theo chi phí xây dựng hiện nay nhưng không có chứng cứ chứng minh, nên chỉ có thể chấp nhận một phần. Bị đơn đồng ý bồi thường phần nhà tắm là 10.000.000đ, nên đề nghị chấp nhận.
Đối với phần thiệt hại về nhà bếp, nguyên đơn yêu cầu bồi thường số tiền 7.000.000đ, nhưng cũng không có chứng cứ chứng minh tổng giá trị thiệt hại về nhà bếp cũng như các vật dụng là 7.000.000đ, nên chỉ có căn cứ chấp nhận một phần là 3.000.000đ theo như ý kiến đồng ý bồi thường của bị đơn. Từ đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận 01 phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc phía đơn bồi thường cho nguyên đơn số tiền 13.000.000đ, không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với phần 12.000.000đ còn lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng:
[1.1] Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, qua hòa giải, các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau tất cả các vấn đề cần giải quyết vụ án. Vụ án được đưa ra xét xử là đúng quy định của pháp luật.
[2] Về nội dung vụ án:
[2.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thấy rằng: Các bên đương sự đều thống nhất có việc vào ngày 10/6/2016, phía gia đình cụ Lương Văn Đ tiến hành đào đất, móc mương phần đất giáp ranh với phần đất của gia đình ông Đến, đã gây sạt lỡ, sụp đổ phần nhà tắm, nhà bếp của gia đình ông Đ, gây thiệt hại về tài sản là phần nhà tắm, nhà bếp của gia đình ông Đ, nên Hội đồng xét xử xác định đây là sự thật.
[2.2] Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự 2005 (có hiệu lực vào thời điểm xảy ra thiệt hại) thì “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân…..mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Như vậy, phía cụ Đ đã có hành vi kêu con rễ là ông M1 sử dụng Kobe gây thiệt hại về tài sản cho ông Đ, bà N thì phải có trách nhiệm bồi thường. Do cụ Đ chết năm 2021, nên những người thừa kế của cụ Đ gồm: cụ Lê Thị C và các con là: ông Lương Văn M, bà Lương Thị M, ông Lê Thành M1 có trách nhiệm phải bồi thường trong phạm vi di sản do cụ Đ để lại theo quy định tại Điều 637 Bộ luật Dân sự 2005.
[2.3] Về giá trị tài sản bị thiệt hại, thấy rằng: Phía nguyên đơn xác định thiệt hại phần nhà tắm là 18.000.000đ và yêu cầu bồi thường, phía bị đơn chỉ đồng ý bồi thường 10.000.000đ. Hội đồng xét xử thấy rằng phần nhà tắm được phía nguyên đơn xây dựng từ năm 2006, giá trị lúc xây dựng theo bà Nguyệt xác định là 10.000.000đ, qua thời gian sử dụng khoảng 10 năm thì giá trị tài sản sẽ bị khấu hao theo hướng giá trị bị giảm xuống. Do đó, khi bị thiệt hại vào năm 2016 thì giá trị tài sản là phần nhà tắm này không thể là 18.000.000đ như phía nguyên đơn yêu cầu bồi thường được. Phía bị đơn đồng ý bồi thường 10.000.000đ cho phần thiệt hại về nhà tắm là phù hợp, nên có căn cứ chấp nhận.
Đối với phần nhà bếp, phía nguyên đơn yêu cầu bồi thường tổng cộng là 7.000.000đ, phía bị đơn chỉ đồng ý bồi thường 3.000.000đ. Hội đồng xét xử thấy rằng, tại phiên tòa, bà N cũng xác định chi phí xây dựng nhà bếp năm 2014 chỉ khoảng 2.000.000đ, phần thiệt hại còn lại là giá trị các tài sản trong bếp như xoong, chảo, thau, chén, đĩa, đũa, muỗng. Tuy nhiên, phía nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh tại thời điểm phần nhà bếp bị phía bị đơn gây sụp đổ, thiệt hại thì có các tài sản là trong bếp như xoong, thau, chảo, chén, đĩa, đũa, muỗng có giá trị như nguyên đơn trình bày. Do đó, việc bị đơn đồng ý bồi thường phần thiệt hại về nhà bếp cho nguyên đơn với số tiền 3.000.000đ là phù hợp.
[2.4] Từ những phân tích trên, cho thấy đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa về việc chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là phù hợp, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3] Về chi phí tố tụng xem xét, thẩm định tại chỗ là 1.000.000đ, mỗi bên phải chịu 500.000đ, bà N và ông M đã tạm nộp 500.000đ và chi phí xong.
[4] Về án phí sơ thẩm: Cụ Lương Văn Đặng đã chết năm 2021. Trong trường hợp cụ thể này, nếu như cụ Lương Văn Đ còn sống thì cụ Đ là người có trách nhiệm bồi thường và cụ Đ cũng thuộc trường hợp được miễn án phí do là người cao tuổi. Do đó, phía bị đơn là những người thừa kế của cụ Đ cũng được miễn toàn bộ án phí. Phía nguyên đơn lẽ ra phải chịu án phí đối với phần yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận. Tuy nhiên, nguyên đơn là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí, nên được miễn toàn bộ án phí.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 5, Điều 26, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 483 Bộ luật Tố tụng dân sự; Các Điều 604, Điều 605, Điều 607, Điều 608, Điều 637 Bộ luật Dân sự năm 2005; Các Điều 584, Điều 585, Điều 588, Điều 589, Điều 615, Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 6, Điều 12, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Đ.
Buộc cụ Lê Thị C, ông Lương Văn M, bà Lương Thị M, ông Lê Thành M1 phải liên đới trách nhiệm bồi thường cho ông Phạm Văn Đ số tiền thiệt hại tài sản là 13.000.000đ. Trong đó phần thiệt hại nhà tắm là 10.000.000đ, phần thiệt hại nhà bếp là 3.000.000đ.
2. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền chậm thi hành án, theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
3. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Đ liên quan đến số tiền bồi thường thiệt hại là 12.000.000đ.
4. Về chi phí tố tụng xem xét, thẩm định tại chỗ là 1.000.000đ: Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên phải chịu 500.000đ, đã nộp xong.
5. Về án phí sơ thẩm: Miễn toàn bộ án phí cho các đương sự.
6. Án xử sơ thẩm công khai, các đương sự được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
7. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 44/2022/DS-ST về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại tài sản
Số hiệu: | 44/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Tân Thạnh - Long An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về