TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 7 - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 44/2020/KDTM-ST NGÀY 06/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Trong các ngày 30/7/2020 và ngày 06/8/2020, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai theo thủ tục thông thường vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 47/2020/KDTM-ST ngày 11/5/2020 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 73/2020/QĐXXST-KDTM ngày 30 tháng 6 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Công ty N; Đia chi trụ sở: xã H, huyện D, tỉnh L.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Đinh Quốc H – Chức vụ: Giám đốc Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Tô Quang H1, sinh năm 1991 – Là người đại diện ủy quyền theo Giấy ủy quyền ngày 11/3/2020 (Có mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Y thuộc Văn phòng luật sư N (Có mặt)
2. Bị đơn: Công ty Cổ phần Bảo hiểm P; Địa chỉ trụ sở: đường T, phường P, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh.
Người đại diện theo pháp luật: Ông F – Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị Người đại diện hợp pháp: Bà Nguyễn Thị Thu H2, sinh năm 1986 và (hoặc) bà Huỳnh Thị Nhật L, sinh năm 1994 (Theo Giấy ủy quyền số 07/20/UQ- PAC ngày 20/5/2020) và (hoặc) ông Nguyễn Như K, sinh năm 1982 và (hoặc) ông Nguyễn Ngọc Tuấn H3, sinh năm 1988 (Theo Giấy ủy quyền số 10/20/UQ- PAC ngày 08/6/2020). Bà Nguyễn Thị Thu H2 và ông Nguyễn Như K có mặt
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Theo đơn khởi kiện ngày 11 tháng 3 năm 2020 và tại các bản tự khai, nguyên đơn Công ty N (Sau đây gọi là Công ty N) có ông Tô Quang H1 là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ngày 05/3/2018, Công ty N và Công ty Cổ phần Bảo hiểm P (Sau đây gọi là Công ty P) ký hợp đồng bảo hiểm tự nguyện xe ô tô số PD05MOV1800205, đối tượng bảo hiểm là xe ô tô biển số đăng ký 62C-XXX.XX, phí bảo hiểm là 8.569.000 (Tám triệu năm trăm sáu mươi chín ngàn) đồng, giá trị bảo hiểm là 520.000.000 (Năm trăm hai mươi triệu) đồng, thời hạn bảo hiểm là 01 (Một) năm, bắt đầu có hiệu lực từ 08 giờ 00 phút ngày 23/3/2018 đến 08 giờ 00 phút ngày 23/3/2019. Công ty N đã thanh toán đủ phí cho Công ty P.
Vào ngày 12/02/2019, xe ô tô biển số 62C-XXX.XX xảy ra tai nạn. Sau đó, Công ty N thông báo cho Công ty P. Ngày 19/02/2019, đại diện Công ty N có làm việc với đại diện Công P, đồng thời đã bàn giao toàn bộ hồ sơ của xe tai nạn trên cho Công ty P. Ngày 26/02/2019 Công ty P nhận được thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường từ Công ty N. Ngày 10/6/2019, Công ty P có Công văn số 813/19/PAC-GĐBT về việc bồi thường tổn thất toàn bộ xe ô tô trên với số tiền 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng, tuy nhiên phía Công ty N phải chịu chi phí lưu kho, tháo rã.
Ngày 21/6/2019, Công ty N có công văn số 007/19/HCNV với ý kiến “.. căn cứ vào Hợp đồng bảo hiểm mà các bên đã ký, Công ty N yêu cầu Công ty P chi trả bổ sung thêm các chi phí liên quan”.
Ngày 01/7/2019, Công ty P có Công văn số 985/19/PAC/GĐBT với nội dung vẫn giữ phương án bồi thường số tiền 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng, thanh toán chi phí cứu hộ từ nơi tai nạn về nơi sửa chữa, không chịu thêm trách nhiệm về chi phí khác. Đồng thời số tiền bồi thường thanh toán làm 02 đợt: Bồi thường 50% trong vòng 15 ngày làm việc, số tiền còn lại Công ty P yêu cầu Công ty N cùng P thanh lý tài sản và nhận tiền từ bên mua thanh lý, P sẽ thanh toán chi phí còn lại sau khi cấn trừ chi phí bên mua đã thanh toán cho Công ty N.
Ngày 12/7/2019, Công ty N có công văn số 008/19/HCNV không đồng ý phương thức thanh toán như trên và đề nghị phải trả 100% chi phí bồi thường cho N sau 15 ngày làm việc. Đối với khoản chi phí tháo rã máy, đề nghị Công ty P có hướng chi trả phù hợp.
Ngày 18/7/2019, Công ty P có công văn số 1119/19/PAC-GĐBT phản hồi: Chi phí tháo rã, kiểm tra toàn bộ thuộc chi phí bồi thường và xe ô tô trên được xác định là tổn thất toàn bộ nên chi phí này thuộc chi phí bồi thường. Đồng thời giữ nguyên yêu cầu thanh toán làm 02 đợt.
Theo quy định của pháp luật thì Công ty P có nghĩa vụ thanh toán giá trị bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu là ngày 26/02/2019, việc chậm trễ thanh toán và đề nghị thanh toán trái luật của Công ty P đã gây thiệt hại cho Công ty N: Là việc N phải thuê ô tô khác để làm phương tiện phục vụ sản xuất kinh doanh; do việc chậm thanh toán của P nên xe phải lưu kho tại đơn vị sửa chữa là Toyota D với phí 50.000 đồng/ngày.
Nay, Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu:
- Yêu cầu Công ty P bồi thường tổn thất vật chất toàn bộ xe ô tô 62C- XXX.XX với số tiền là 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng.
- Yêu cầu Công ty P trả tiền lãi trên số tiền chậm trả với lãi suất 1,6%/tháng (tương đương 0,053%/ngày), tạm tính từ ngày hết hạn thanh toán là 11/3/2019 đến ngày 06/8/2020 là 514 ngày x 504.000.000đ x 0.053% = 137.299.680 (Một trăm ba mươi bảy triệu hai trăm chín mươi chín ngàn sáu trăm tám mươi) đồng.
- Yêu cầu Công ty P trả chi phí lưu kho tại Công ty Toyota D – Chi nhánh L kể từ ngày 08/3/2019 đến ngày 06/8/2020 là 517 ngày x 50.000đ/ngày = 25.850.000 (Hai mươi lăm triệu tám trăm năm mươi ngàn) đồng.
- Yêu cầu Công ty P trả chi phí cứu hộ xe ô tô 62C-XXX.XX từ nơi tai nạn về đơn vị sửa chữa Toyota D – Chi nhánh L là 13.200.000 (Mười ba triệu hai trăm nghìn) đồng.
- Yêu cầu Công ty P trả chi phí rã xe thẩm định là 6.920.000 (Sáu triệu chín trăm hai mươi nghìn) đồng.
- Yêu cầu Công ty P trả chi phí thuê xe ô tô khác để làm phương tiện phục vụ kinh doanh thay xe ô tô 62C-XXX.XX kể từ ngày 01/4/2019 đến ngày 06/8/2020 là: 16 tháng x 17.600.000 đồng/tháng = 281.600.000 (Hai trăm tám mươi mốt triệu sáu trăm ngàn) đồng Tổng cộng số tiền là : 968.869.680 (Chím trăm sáu mươi tám triệu tám trăm sáu mươi chín ngàn sáu trăm tám mươi) đồng. Tất cả thanh toán làm một lần ngay khi bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật.
* Bị đơn, Công ty Cổ phần Bảo hiểm P có bà Nguyễn Thị Thu H2 là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Bà xác nhận giữa Công ty P và Công ty N có ký hợp đồng bảo hiểm tự nguyện xe ô tô số PD05MOV1800205 ngày 05/3/2018 như nguyên đơn trình bày.
Ngày 12/09/2019, Công ty P có buổi làm việc tại Văn phòng Luật sư N – là Luật sư đại diện của Công ty N, hai bên đã thảo luận và thống nhất về các khoản bồi thường và cách thức thực hiện.
Ngày 17/09/2019, sau khi thảo luận và nhận được báo giá các chi phí từ Toyota D, Công ty P đã gửi email cho ông Tô Việt Y là đại diện Văn phòng Luật sư N nhằm xác nhận lại các khoản chi phí mà các bên sẽ chi trả và cách thức thực hiện như đã thống nhất. Theo đó, Công ty P sẽ bồi thường giá trị tổn thất toàn bộ Xe ô tô, trị giá 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng, chi phí cứu hộ xe tai nạn, trị giá 12.000.000 (Mười hai triệu) đồng (chưa bao gồm VAT), chi phí tháo rã và báo giá xe tai nạn, trị giá 7.612.000 (Bảy triệu sáu trăm mười hai ngàn) đồng (bao gồm VAT), và Công ty N chịu chi phí lưu kho bãi tính đến ngày 30/09/2019, trị giá 10.065.000 (Mười triệu không trăm sáu mươi lăm ngàn) đồng (bao gồm VAT). Tuy nhiên, Công ty P đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía Văn phòng Luật sư cũng như Công ty N Do vậy, việc Công ty P chưa thể thanh toán số tiền bồi thường cho Công ty N là do hai bên đang trong quá trình thương lượng, đàm phán cách thức thanh toán số tiền bồi thường và chưa đạt được sự thống nhất. Mặt khác, chi phí Công ty N yêu cầu không phải là chi phí phát sinh từ bất kỳ hành vi vi phạm nào của Công ty P mà là chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Công ty N, vì vậy Công ty N phải tự chịu trách nhiệm đối với các chi phí này.
Mặt khác, liên quan đến thời hạn giải quyết bồi thường, Công ty N cho rằng “Bảo hiểm P có nghĩa vụ thanh toán giá trị bồi thường trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu là ngày 26/02/2019” (Đoạn hai, trang 3 Đơn khởi kiện), công ty có ý kiến như sau:
Ngày 12/02/2019, tổn thất xảy ra đối với Xe ô tô mang Biểm kiểm soát số 62C-XXX.XX. Ngày 26/02/2019, Bảo hiểm P đã làm việc với N và nhận được Thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (bản gốc) và Hồ sơ tai nạn do Công an giao thông huyện Đ, tỉnh G lập (bản sao y). Sau đó, Công ty P đã tiến hành xác định mức độ tổn thất và nhận báo giá từ đơn vị sửa chữa là Toyota D – chi nhánh L (Sau đây gọi là Toyota D) vào ngày 08/03/2019.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 (Loại trừ bảo hiểm) và Điểm b Khoản 1.2 Điều 15 (Giảm trừ bồi thường) của Quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 01/BH-PAC-15 ngày 14/01/2015 của Công ty P thì Công ty P sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong trường hợp “người điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở” và được quyền giảm trừ bồi thường trong trường hợp người điều khiển xe “vượt quá tốc độ cho phép (từ 20% đến 50%)”. Do đó, để giải quyết yêu cầu bồi thường của Công ty N, Công ty P đã gửi Công văn số 254/19/PAC-GĐBT ngày 04/03/2019 cho CAGT huyện Đ, tỉnh G nhằm trưng cầu kết luận về: “Nồng độ cồn của lái xe Bùi Tấn V và Vận tốc của Xe ô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn” đồng thời yêu cầu N cung cấp thông tin của thiết bị giám sát hành trình tại thời điểm xảy ra tại nạn hoặc thông tin tài khoản quản lý và nhà cung cấp thiết bị để Công ty P liên hệ xác minh. Ngày 27/03/2019, Công ty P đã gửi Công văn số 371/19/PAC-GĐBT cho Công ty N thông báo rằng Công ty P vẫn chưa nhận được phản hồi của Công ty N và CAGT huyện Đ, tỉnh G về các yêu cầu nêu trên. Ngày 08/04/2019, Công ty P nhận được Công văn số 003/2019/HCNV ngày 02/04/2019 của Công ty N phản hồi rằng Công ty N chưa sử dụng thiết bị giám sát hành chính cho Xe ô tô nên không có thông tin. Và sau đó, Công ty P nhận được phản hồi của CAGT huyện Đ, tỉnh G ngày 18/04/2019 rằng “Lái xe không sử dụng nồng đồ cồn khi điều khiển Xe ô tô và không có cơ sở để kết luận chính xác vận tốc của Xe ô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn”.
Việc chậm trễ trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường của Công ty N (kéo dài từ 26/02/2019 đến 18/04/2019) là do Công ty N và CAGT huyện Đ, tỉnh G chậm trễ trong quá trình cung cấp thông tin, chứng từ cần thiết theo yêu cầu của Công ty P nêu trên.
Bên cạnh đó, sau khi xem xét Báo giá sửa chữa của Toyota D(giá trị sửa chữa là 560.118.207 VNĐ), Công ty P xác định giá trị tổn thất lớn và thuộc trường hợp tổn thất toàn bộ (theo quy định tại Khoản 2.1 Điều 13 Quy tắc bảo hiểm). Do đó, để đảm bảo tính khách quan, công bằng cho cả hai bên và có đầy đủ cơ sở pháp lý để giải quyết bồi thường, Công ty P đã tiến hành trưng cầu giám định Công ty TNHH Dịch vụ giám định A (ngày 29/05/2019) nhằm giám định giá trị thiệt hại và giá thị trường của Xe ô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn. Theo quy định tại Khoản 2.3 Điều 13 Quy tắc bảo hiểm: “Số tiền bồi thường tổn thất toàn bộ bằng giá trị thực tế của xe trước khi xảy ra tổn thất cùng chủng loại và thông số kỹ thuật”. Do đó, việc trưng cầu giám định nhằm xác định giá trị thực tế của Xe ô tô trước thời điểm xảy ra tai nạn, làm căn cứ pháp lý cho Công ty P xác định giá trị bồi thường. Ngày 07/06/2019, Công ty P nhận được Chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá P (là đối tác của Công ty TNHH Dịch vụ giám định A) số 017/ĐS.19NVC xác định giá trị thị trường của Xe ô tô tại thời điểm tháng 06/2019 là 504.000.000 VNĐ. Khi có đầy đủ các chứng từ cho việc giải quyết bồi thường, Công ty P đã gửi Công văn số 813/19/PAC-GĐBT ngày 10/06/2019 cho Công ty N thông báo về việc giải quyết bồi thường.
Theo quy định tại Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm “Doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường”, hồ sơ hợp lệ theo quy định trên được cụ thể tại Điều 7 Quy tắc bảo hiểm. Do đó, thời điểm được xác định rằng Bảo hiểm P đã thu thập đầy đủ hồ sơ, chứng từ hợp lệ cho việc giải quyết bồi thường là ngày 07/06/2019, và thời hạn bồi thường được tính là 15 ngày kể từ ngày 07/06/2019 không phải kể từ ngày 26/02/2019 như N đã nêu trong Đơn khởi kiện. Do đó, Công ty N xác định ngày 11/03/2019 là ngày đến hạn thanh toán tiền bồi thường và áp dụng cho các yêu cầu của Công ty N là hoàn toàn không chính xác và không hợp lý.
Trước đây, Công ty P đề xuất phương án bồi thường thành 02 (Hai) đợt vì những lý do sau:
Một là, trong quá trình hoạt động kinh doanh của Công ty P, Công ty P luôn áp dụng phương án thanh toán số tiền bồi thường thành hai (02) đợt trong trường hợp tổn thất toàn bộ và đều đạt được sự đồng ý của khách hàng.
Hai là, việc thanh toán thành 02 (Hai) đợt, trong đó đợt 2 được Công ty P thanh toán sau khi thanh lý Xe ô tô nhằm tối giản thủ tục hành chính (thủ tục chuyển nhượng Xe ô tô), khi đó N sẽ chuyển nhượng Xe ô tô trực tiếp cho Đơn vị mua thanh lý và nhận tiền thanh lý mà không cần thông qua Công ty P. Phương án này giúp giảm thiểu thời gian, công sức cũng như tổng thiệt hại cho các bên. Và trong phương án bồi thường Công ty P cũng nêu rõ, Công ty P sẽ chịu trách nhiệm trong việc tìm kiếm đơn vị thanh lý và thông thường thủ tục thanh lý được hoàn tất trong khoảng 15 ngày làm việc kể từ ngày hai bên thống nhất phương án bồi thường.
Đối với yêu cầu chi trả chi phí lưu kho tại Toyota D: Sau khi xem xét Bảng báo giá sửa chữa của Toyota D ngày 20/05/2019, thể hiện rằng Toyota D không tính phí lưu kho Xe ô tô từ ngày 07/03/2019 đến thời điểm này, ngày 27/06/2019, Công ty P đã gửi email cho Công ty N (Bà Trương Thị Như K) yêu cầu phối hợp để kéo Xe ô tô về bãi trung gian để tránh phát sinh thêm chi phí lưu kho. Cùng ngày, N đã gửi email phản hồi Công ty P thống nhất kéo xe về bãi trung gian, để tránh phát sinh chi phí. Tuy nhiên sau đó Công ty P ấn định ngày để kéo xe về bãi trung gian thì N không đồng ý kéo Xe ô tô đi với lý do hai bên chưa thống nhất được phương thức thanh toán tiền bồi thường. Ngày 13/09/2019, Toyota D gửi Bảng báo giá sửa chữa về chi phí lưu kho, Toyota D nêu rằng, vì một thời gian dài hai bên không kéo Xe ô tô đi, nên Toyota D sẽ tính phí chi phí lưu kho và thời gian tính phí lưu kho quay ngược trở lại từ ngày 07/03/2019 với chi phí 50.000 VNĐ/ ngày.
Rõ ràng N đã không hợp tác, gây khó khăn cho Công ty P dẫn đến làm phát sinh chi phí lưu kho. Bên cạnh đó, N đưa ra lý do rằng vì hai bên chưa thống nhất được phương thức thanh toán nên không cho kéo xe đi là hoàn toàn không hợp lý, vì việc kéo xe về bãi trung gian hay không, chỉ nhằm mục đích giảm chi phí, giảm thiệt hại cho hai bên và không ảnh hưởng đến quá trình thanh toán tiền bồi thường. N nhận thức được rằng việc để Xe ô tô tại Toyota D càng lâu thì chi phí lưu kho càng lớn, nhưng N vẫn cố ý không hợp tác, bỏ mặc cho thiệt hại xảy ra mặc dù Công ty P đã nhiều lần yêu cầu hỗ trợ. Do đó, chi phí phát sinh lưu kho bãi này là do lỗi không hợp tác của N, vì vậy N phải gánh chịu chi phí này.
Nay, đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bà đại diện Công ty có ý kiến như sau:
Công ty P đồng ý các yêu cầu:
- Về yêu cầu thanh toán số tiền bồi thường tổn thất vật chất toàn bộ xe ô tô 62C-XXX.XX với số tiền là 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng - Về yêu cầu trả chi phí cứu hộ xe ô tô 62C-XXX.XX từ nơi tai nạn về đơn vị sửa chữa Toyota D – Chi nhánh Nguyễn Văn L là 13.200.000 (Mười ba triệu hai trăm nghìn) đồng và trả chi phí rã xe thẩm định là 6.920.000 (Sáu triệu chín trăm hai mươi nghìn) đồng.
Tổng cộng số tiền Công ty P đồng ý thanh toán là 524.120.000 (Năm trăm hai mươi bốn triệu một trăm hai mươi ngàn) đồng. Tất cả trả làm 01 (Một) lần với điều kiện công ty N có trách nhiệm hỗ trợ công ty P chuyển giao quyền sở hữu tài sản với xe ô tô sang công ty P.
Công ty P không đồng ý các yêu cầu sau:
- Về yêu cầu trả chi phí lưu kho tại Công ty Toyota D – Chi nhánh Nguyễn Văn L kể từ ngày 08/3/2019 đến ngày 06/8/2020 là 517 ngày x 50.000đ/ngày = 25.850.000 (Hai mươi lăm triệu tám trăm năm mươi ngàn) đồng - Về yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả với lãi suất 1,6%/tháng (tương đương 0,053%/ngày), tạm tính từ ngày hết hạn thanh toán là 11/3/2019 đến ngày 06/8/2020 là 514 ngày x 504.000.000đ x 0.053% = 137.299.680 (Một trăm ba mươi bảy triệu hai trăm chín mươi chín ngàn sáu trăm tám mươi) đồng. Việc Công ty P chưa thanh toán số tiền bồi thường bởi vì hai bên chưa thống nhất được phương án bồi thường như Công ty P đã trình bày ở trên, không phải Công ty P từ chối bồi thường hay cố ý chậm trễ trong việc thanh toán tiền bồi thường. Do đó, Công ty P không chấp nhận yêu cầu này của N - Về yêu cầu trả chi phí thuê xe ô tô khác để làm phương tiện phục vụ kinh doanh thay xe ô tô 62C-XXX.XX kể từ ngày 01/4/2019 đến ngày 06/8/2020 là: 16 tháng x 17.600.000 đồng/tháng = 281.600.000 (Hai trăm tám mươi mốt triệu sáu trăm ngàn) đồng * Tại phiên tòa hôm nay :
- Đại diện nguyên đơn trình bày: Do yêu cầu tính lãi suất 1,6%/tháng (tương đương 0,053%/ngày) vượt quá lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường nên nguyên đơn đồng ý áp dụng theo suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 1.25%/tháng (tương đương 0.041%/ngày). Do vậy, yêu cầu Công ty P trả tiền lãi trên số tiền chậm trả với lãi suất 1.25%/tháng (tương đương 0.041%/ngày), tạm tính từ ngày hết hạn thanh toán là 11/3/2019 đến ngày 06/8/2020 là 514 ngày x 504.000.000đ x 0.041% = 108.026.352 (Một trăm lẻ tám triệu không trăm hai mươi sáu ngàn ba trăm năm mươi hai) đồng, tất cả các yêu cầu còn lại giữ nguyên như đã trình bày. Tổng số tiền mà nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán là 939.596.352 (Chín trăm ba mươi chín triệu năm trăm chín mươi sáu ngàn ba trăm năm mươi hai) đồng. Tất cả thanh toán làm một lần ngay khi bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 302, Điều 303, Điều 306 Luật Thương mại, Điều 14, Điều 15, Điểm c khoản 2 Điều 17, Điều 46, Điểm c khoản 1 Điều 47, Điều 48 Luật kinh doanh bảo hiểm. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán số tiền là 939.596.352 (Chín trăm ba mươi chín triệu năm trăm cín mươi sáu ngàn ba trăm năm mươi hai) đồng. Tất cả thanh toán làm một lần ngay khi bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật
- Đại diện bị đơn trình bày: Bà vẫn giữ nguyên ý kiến đồng ý thanh toán số tiền là 524.120.000 (Năm trăm hai mươi bốn triệu một trăm hai mươi ngàn) đồng, bao gồm tiền bồi thường tổn thất vật chất toàn bộ xe ô tô, trả chi phí cứu hộ, chi phí rã xe thẩm định; Tất cả trả làm 01 (Một) lần với điều kiện công ty N có trách nhiệm hỗ trợ công ty P chuyển giao quyền sở hữu tài sản với xe ô tô sang công ty P. Bà không đồng ý với các yêu cầu trả chi phí lưu kho tại Công ty Toyota D, tiền lãi trên số tiền chậm trả và chi phí thuê xe ô tô khác.
* Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 7, TP. Hồ Chí Minh:
- Tòa án thụ lý giải quyết vụ án đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự: về thẩm quyền; quan hệ tranh chấp; xác định tư cách người tham gia tố tụng; lập hồ sơ vụ án, thu thập chứng cứ; hòa giải. Thời hạn chuẩn bị xét xử đúng quy định theo điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Nguyên đơn và bị đơn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Căn cứ Điều 12, Điều 17, Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 và Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với các yêu cầu:
+ Buộc công ty P bồi thường tổn thất vật chất toàn bộ xe ô tô 62C-XXX.XX với số tiền là 504.000.000 đồng.
+ Buộc công ty P trả chi phí cứu hộ xe ô tô 62C-XXX.XX từ nơi tai nạn về đơn vị sửa chữa Toyota D – Chi nhánh Nguyễn Văn L là 13.200.000 đồng và chi phí rã xe thẩm định là 6.920.000 đồng.
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với các yêu cầu:
+ Buộc công ty P trả tiền lãi trên số tiền chậm trả.Theo đó thời điểm tính lãi từ ngày 19/7/2019 tính đến ngày 06/8/2020 là 12 tháng 18 ngày và theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả với lãi suất 1.25%/tháng + Buộc công ty P trả chi phí lưu kho tại Công ty Toyota D – Chi nhánh Nguyễn Văn L kể từ ngày 08/3/2019 đến ngày 01/7/2019 là 116 ngày x 50.000đ = 5.750.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu trả chi phí lưu kho từ ngày 02/7/2019 tính đến ngày 06/8/2020.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu sau:
-Buộc công ty P trả chi phí thuê xe ô tô khác để làm phương tiện phục vụ kinh doanh thay xe ô tô 62C-XXX.XX kể từ ngày 01/4/2019 đến ngày 06/8/2020 là: 16 tháng (làm tròn) x 17.600.000 đồng/tháng = 281.600.000 đồng.
Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm: Nguyên đơn, bị đơn phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:
Nguyên đơn Công ty N có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm P bồi thường số tiền là 939.596.352 (Chín trăm ba mươi chín triệu năm trăm chín mươi sáu ngàn ba trăm năm mươi hai) đồng. Đây là vụ án "Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm" là loại tranh chấp được quy định tại Khoản 1 Điều 30 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Theo Giấy phép thành lập và hoạt động số XX/KDBH ngày 12/12/20XX do Bộ Tài chính cấp, Giấy phép điều chỉnh số XX/GPĐC3/KDBH ngày 25/01/20XX do Bộ Tài chính cấp và Công văn số 623X/BTC-QLBH ngày 14/5/20XX của Bộ Tài chính thì Công ty Cổ phần Bảo hiểm P có trụ sở tại đường T, phường P, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh nên căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 35, Điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
[2] Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Công ty N khởi kiện Công ty Cổ phần Bảo hiểm P yêu cầu bồi thường tổng số tiền tính đến hết ngày 06/8/2020 là 939.596.352 (Chín trăm ba mươi chín triệu năm trăm chín mươi sáu ngàn ba trăm năm mươi hai) đồng, tất cả thanh toán làm một lần ngay khi bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật
[3] Hội đồng xét xử xét thấy như sau:
[3.1] Đối với các yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn bồi thường tổn thất vật chất toàn bộ xe ô tô 62C-XXX.XX với số tiền là 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng; trả chi phí cứu hộ xe ô tô 62C-XXX.XX từ nơi tai nạn về đơn vị sửa chữa Toyota D – Chi nhánh Nguyễn Văn L là 13.200.000 (Mười ba triệu hai trăm nghìn) đồng và trả chi phí rã xe thẩm định là 6.920.000 (Sáu triệu chín trăm hai mươi nghìn) đồng Nguyên đơn va bi đơn đêu thưa nhân ngày 05/3/2018 các bên cùng ký hợp đồng bảo hiểm tự nguyện xe ô tô số PD05MOV1800205, đối tượng bảo hiểm là xe ô tô biển số đăng ký 62C-XXX.XX, đây la tinh tiêt không cân phai chưng minh cua vu an. Măt khac, cac bên đêu đồng ý với số tiền bồi thường tổn thất vật chất toàn bộ đối với xe ô tô 62C-XXX.XX là 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng theo Chứng thư thẩm định giá của Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định giá P số 017/ĐS.19NVC ngày 07/06/2019 và phía bị đơn cũng đồng ý thanh toán số tiền trên cho nguyên đơn, cụ thể tiền bồi thường đối với xe ô tô 62C-XXX.XX là 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng, chi phí cứu hộ xe ô tô là 13.200.000 (Mười ba triệu hai trăm ngàn) đồng và chi phí rã xe thẩm định là 6.920.000 (Sáu triệu chín trăm hai mươi ngàn) đồng. Tổng cộng là 524.120.000 (Năm trăm hai mươi bốn triệu một trăm hai mươi ngàn) đồng. Xét thấy, việc đồng ý trên không trái với quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn.
[3.2] Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả tiền lãi trên số tiền chậm trả với lãi suất 1.25%/tháng (tương đương 0.041%/ngày), tạm tính từ ngày hết hạn thanh toán là 11/3/2019 đến ngày 06/8/2020 là 514 ngày x 504.000.000đ x 0.041% = 108.026.352 (Một trăm lẻ tám triệu không trăm hai mươi sáu ngàn ba trăm năm mươi hai) đồng.
Tại phiên tòa, nguyên đơn xác nhận thời hạn để yêu cầu Công ty P bồi thường là 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu (ngày 26/02/2019) tức là ngày 11/3/2019. Cụ thể, ngày 19/02/2019, đại diện Công ty N đã bàn giao toàn bộ hồ sơ của xe tai nạn trên cho Công ty P bao gồm: Biên bản giải quyết vụ tai nạn giao thông ngày 18/02/2019, Báo cáo kết luận điều tra vụ tai nạn giao thông ngày 19/02/2019, Báo cáo đề xuất giải quyết vụ tai nạn giao thông ngày 19/02/2019 và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 0037522 ngày 19/02/2019 của Công an huyện Đ, tỉnh G. Theo đó, các tài liệu mà nguyên đơn cung cấp đã đầy đủ và Công ty P phải bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường.
Phía bị đơn trình bày: Công ty P nhận được hồ sơ hợp lệ về việc bồi thường là ngày 07/6/2019 và theo thỏa thuận mà các bên đã ký thì trong vòng 30 (ba mươi) ngày làm việc sẽ bồi thường, do vậy thời hạn thanh toán cuối cùng là ngày 17/7/2019. Công ty xác nhận thời giam làm việc là từ thứ 2 đến thứ 6, nghỉ thứ 7 và chủ nhật.
Căn cứ các tài liệu chứng cứ, Hội đồng xét xử xét thấy:
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 11 (Loại trừ bảo hiểm) và Điểm b Khoản 1.2 Điều 15 (Giảm trừ bồi thường) của Quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 01/BH-PAC-15 ngày 14/01/2015 của công ty Phú Hưng thì công ty P sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm trong trường hợp “người điều khiển xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở” và được quyền giảm trừ bồi thường trong trường hợp người điều khiển xe “vượt quá tốc độ cho phép (từ 20% đến 50%)”. Do đó, để giải quyết yêu cầu bồi thường, công ty P đã gửi Công văn số 25X/19/PAC-GĐBT ngày 04/03/20XX cho Công an giao thông huyện Đ, tỉnh G nhằm trưng cầu kết luận về: “Nồng độ cồn của lái xe Bùi Tấn V và vận tốc của xe ô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn” đồng thời yêu cầu công ty N cung cấp thông tin của thiết bị giám sát hành trình tại thời điểm xảy ra tại nạn hoặc thông tin tài khoản quản lý và nhà cung cấp thiết bị để công ty P liên hệ xác minh. Ngày 18/04/2019 công ty P nhận được trả lời của công an huyện Đ, tỉnh G với nội dung: “Lái xe không sử dụng nồng đồ cồn khi điều khiển xe ô tô và không có cơ sở để kết luận chính xác vận tốc của xe ô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn”. Sau khi có kết quả trả lời trên thì ngày 29/05/2019 công ty P đã tiến hành trưng cầu giám định Công ty TNHH Dịch vụ giám định A nhằm giám định giá trị thiệt hại và giá thị trường của Xe ô tô tại thời điểm xảy ra tai nạn.
Tại phiên tòa, bị đơn trình bày lý do vì sao không tiến hành cùng lúc việc yêu cầu nồng độ cồn và trưng cầu giám định là vì nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn thì công ty P không bồi thường và việc trưng cầu giám định là không cần thiết, do vậy sau khi có kết quả trả lời của công an huyện Đ, tỉnh G thì công ty mới tiến hành thủ tục trưng cầu giám định.
Ngày 07/06/2019, Công ty P nhận được Chứng thư thẩm định giá và đầy đủ các chứng từ cho việc giải quyết bồi thường, công ty P đã gửi Công văn số 813/19/PAC-GĐBT ngày 10/06/2019 cho N thông báo về việc giải quyết bồi thường.
Theo quy định tại Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm “Doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu bồi thường”.
Theo khoản 2 Điều 5 Quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô ban hành kèm theo Quyết định số 01/BH-PAC-15 ngày 14/01/2015 có quy định về trách nhiệm của P: Trả tiền bồi thường bảo hiểm trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường đầy đủ, hợp lệ; không quá 30 ngày làm việc trong trường hợp P phải tiến hành xác minh hồ sơ. Trong trường hợp P không đủ thẩm quyền để xác minh các yếu tố trong hồ sơ thì hồ sơ bồi thường được coi là đầy đủ và hợp lệ khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Xét, Công ty P nhận được hồ sơ hợp lệ về việc bồi thường là ngày 07/6/2019 và theo thỏa thuận mà các bên đã ký thì thời hạn mà công ty P bồi thường không quá 30 (Ba mươi) ngày làm việc, do vậy thời hạn thanh toán cuối cùng là ngày 18/7/2019 là có cơ sở và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Theo Điều 306 luật thương mại năm 2005 quy định: “Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Mặc dù hợp đồng bảo hiểm mà các bên ký kết không có thỏa thuận về thời hạn thanh toán. Tuy nhiên, theo Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 nêu trên thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ về yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường.
Do vậy, công ty N yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả là có cơ sở để chấp nhận. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên thì thời hạn được tính từ ngày 19/7/2019 đến ngày 06/8/2020 là 12 (Mười hai) tháng 18 (Mười tám) ngày.
Mức lãi suất trung bình cho vay kinh doanh trung hạn (thời hạn 01 năm) trên thị trường hiện nay của 03 ngân hàng đóng trên địa bàn Quận 7 là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài gòn Thương Tín, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam là 10%/năm, mức lãi suất quá hạn trung bình là 15%/năm (tương đương 1.25%/tháng, 0,041%/ngày). Tại phiên tòa, nguyên đơn xác định yêu cầu tính lãi theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường là 15%/năm (tương đương 1.25%/tháng, 0,041%/ngày) nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Do vậy, tiền lãi trên số tiền chậm trả mà bị đơn phải thanh toán là 12 tháng 18 ngày (tương đương 12 tháng x 30 ngày + 18 ngày = 378 ngày) x 504.000.000 x 15% = 78.109.920 đồng. Đối với yêu cầu của nguyên đơn tính lãi từ ngày 11/3/2019 đến ngày 18/7/2019 với số tiền 29.916.432 (Hai mươi chín triệu chín trăm mười sáu ngàn bốn trăm ba mươi hai) đồng là không có cơ sở chấp nhận
[3.4] Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả chi phí lưu kho tại Công ty Toyota D – Chi nhánh Nguyễn Văn L kể từ ngày 08/3/2019 đến ngày 06/8/2020 là 517 ngày x 50.000đ/ngày = 25.850.000 (Hai mươi lăm triệu tám trăm năm mươi ngàn) đồng.
Tại phiên tòa, đại diện bị đơn xác nhận: Ngày 27/06/2019, đại diện công ty P là ông Đỗ Minh H đã gửi email cho công ty N là bà Trương Thị Như K yêu cầu phối hợp để kéo xe ô tô về bãi trung gian nhằm tránh phát sinh thêm chi phí lưu kho. Cùng ngày, công ty N đã gửi email phản hồi với công ty P thống nhất kéo xe về bãi trung gian, để tránh phát sinh chi phí. Ngày 27/6/2019 ông Đỗ Minh H đại diện công ty P gửi mail cho bà Trương Thị Như K đại diện công ty N có nội dung: “Đầu tuần sau P sẽ phối hợp cùng N đến TYT D để cho kéo xe về bãi trung gian”. Đồng thời tại email ngày 28/6/2019 (thứ 6) có nội dung trao đổi giữa ông H và bà K như sau: “H đề xuất thêm thời gian có mặt ở Toyota D-CN Nguyễn Văn L như sau: Thời gian: 8h30 ngày 01/7/2019”. Tuy nhiên sau đó công ty N không đồng ý kéo xe ô tô đi với lý do hai bên chưa thống nhất được phương thức thanh toán tiền bồi thường.
Xét, việc kéo xe về bãi trung gian ngày 01/7/2019 không thực hiện được do công ty N đã không hợp tác với công ty P mặc dù công ty P đã nhiều lần yêu cầu hỗ trợ dẫn đến làm phát sinh chi phí lưu kho. Công ty N đưa ra lý do rằng do hai bên chưa thống nhất được phương thức thanh toán nên không cho kéo xe đi là hoàn toàn không hợp lý, vì việc kéo xe về bãi trung gian hay không, chỉ nhằm mục đích giảm chi phí và không ảnh hưởng đến quá trình thanh toán tiền bồi thường.
Tại Bảng báo giá sửa chữa ngày 13/9/2019 của Công ty Cổ phần TOYOTA D – Chi nhánh Nguyễn Văn L thể hiện “Chi phí lưu kho ngày 50.000 VNĐ tính từ ngày 07/3/2019 đến ngày 30/9/2019 là 10.065.000 đồng”. Tuy nhiên, tại phiên tòa, công ty N xác định yêu cầu tính chi phí lưu kho từ ngày 08/3/2019, do vậy chi phí phát sinh lưu kho ngày 07/3/2019 công ty N phải chịu do không yêu cầu. Do vậy, Hội đồng xét xử xét thấy chấp nhận 01 phần yêu cầu của nguyên đơn, cụ thể công ty P có nghĩa vụ trả chi phí lưu kho thời gian từ ngày 08/3/2019 đến ngày 01/7/2019 là 116 ngày x 50.000 đồng = 5.750.000 đồng. Mặt khác, thời gian từ ngày 02/7/2019 đến nay số tiển là 20.100.000 (Hai mươi triệu một trăm ngàn) đồng là do lỗi không hợp tác của công ty N nên công ty N phải chịu.
[3.5] Đối với yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả chi phí thuê xe ô tô khác để làm phương tiện phục vụ kinh doanh thay xe ô tô 62C-XXX.XX kể từ ngày 01/4/2019 đến ngày 06/8/2020 là: 16 tháng x 17.600.000 đồng/tháng = 281.600.000 (Hai trăm tám mươi mốt triệu sáu trăm ngàn) đồng Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đều xác nhận không có và cũng không cung cấp được các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu này, cụ thể Hợp đồng thuê xe ô tô, phiếu thu hoặc hóa đơn giá trị gia tăng. Việc nguyên đơn đưa ra các tài liệu trên sau khi Hội đồng xét xử đã tiến hành kiểm tra, công khai chứng cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận các tài liệu trên là chứng cứ để giải quyết vụ án.
Mặt khác, phía nguyên đơn cũng xác nhận công ty N thuê xe là để phục vụ cho việc đi lại của công ty mình, không phát sinh mục đích kinh doanh, đồng thời yêu cầu này của nguyên đơn không có trong thỏa thuận hợp đồng mà các bên ký kết. Vì vậy đối với yêu cầu buộc công ty P trả chi phí thuê xe ô tô khác để làm phương tiện phục vụ kinh doanh thay xe ô tô 62C-XXX.XX kể từ ngày 01/4/2019 đến ngày 06/8/2020 là: 16 tháng x 17.600.000 đồng/tháng = 281.600.000 (Hai trăm tám mươi mốt triệu sáu trăm ngàn) đồng là không có cơ sở để chấp nhận.
[3.6] Về thời hạn trả nợ: Xét thấy, bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ bồi thường nên nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán tất cả làm một lần ngay khi bản án có hiệu lực là có cơ sở chấp nhận.
[4] Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đối với phần yêu cầu không được chấp nhận. Do bị đơn có nghĩa vụ phải bồi thường cho nguyên đơn nên bị đơn phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm trên số tiền phải trả theo quy định của pháp luật.
[5] Quyền kháng cáo: Công ty N, Công ty Cổ phần Bảo hiểm P có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
[6] Kiểm sát viên đề nghị chấp nhận 01 phần yêu cầu của nguyên đơn là phù hợp với nhận định trên của Hội đồng xét xử.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ vào Khoản 1 Điều 30, Điểm b Khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 266, Khoản 1 Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
- Căn cứ Căn cứ Điều 12, Điều 17 và Điều 29 Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000;
- Căn cứ Điều 306 Luật Thương mại;
- Căn cứ Luật phí và lệ phí số 97/2015/QH13 năm 2015 và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Căn cứ Luật Thi hành án Dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.
Xử:
1. Công nhận sự thỏa thuận của đương sự: Công ty Cổ phần Bảo hiểm P đồng ý bồi thường cho Công ty N tổng số tiền 524.120.000 (Năm trăm hai mươi bốn triệu một trăm hai mươi ngàn) đồng, bao gồm tiền bồi thường tổn thất vật chất toàn bộ xe ô tô 62C-XXX.XX là 504.000.000 (Năm trăm lẻ bốn triệu) đồng; chi phí cứu hộ xe ô tô 62C-XXX.XX là 13.200.000 (Mười ba triệu hai trăm nghìn) đồng và chi phí rã xe thẩm định là 6.920.000 (Sáu triệu chín trăm hai mươi nghìn) đồng.
2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
2.1. Buộc Công ty Cổ phần Bảo hiểm P trả tiền lãi trên số tiền chậm trả từ ngày 19/7/2019 đến ngày 06/8/2020 là 78.109.920 (Bảy mươi tám triệu một trăm lẻ chín ngàn chín trăm hai mươi) đồng.
2.2. Buộc Công ty Cổ phần Bảo hiểm P trả chi phí lưu kho tại Công ty Toyota D – Chi nhánh Nguyễn Văn L kể từ ngày 08/3/2019 đến ngày 01/7/2019 là 5.750.000đ (Năm triệu bảy trăm năm mươi ngàn) đồng.
3. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu:
3.1. Tiền lãi trên số tiền chậm trả từ ngày 11/3/2019 tính đến ngày 18/7/2019 là 29.916.432 (Hai mươi chín triệu chín trăm mười sáu ngàn bốn trăm ba mươi hai) đồng 3.2. Chi phí lưu kho từ ngày 02/7/2019 đến ngày 06/8/2020 là 20.100.000 (Hai mươi triệu một trăm ngàn) đồng 3.3. Chi phí thuê xe ô tô khác để làm phương tiện phục vụ kinh doanh thay xe ô tô 62C-XXX.XX là 281.600.000 (Hai trăm tám mươi mốt triệu sáu trăm ngàn) đồng.
Tổng số tiền bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm P phải thanh toán cho nguyên đơn Công ty N là 607.979.920 (Sáu trăm lẻ bảy triệu chín trăm bảy mươi chín ngàn chín trăm hai mươi) đồng. Tất cả trả làm một lần ngay khi bản án có hiệu lực pháp luật; Đồng thời nguyên đơn có trách nhiệm lập thủ tục chuyển giao quyền sở hữu tài sản và tài sản là xe ô tô biển số 62C-XXX.XX cho bị đơn.
4. Về án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:
- Nguyên đơn Công ty N phải chịu án phí là 16.580.822 (Mười sáu triệu năm trăm tám mươi ngàn tám trăm hai mươi hai) đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 18.751.000 (Mười tám triệu bảy trăm năm mươi mốt ngàn) đồng theo biên lai thu số AA/2018/0032394 ngày 11/5/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn lại cho nguyên đơn số tiền là 2.170.178 (Hai triệu một trăm bảy mươi ngàn một trăm bảy mươi tám) đồng.
- Bị đơn Công ty Cổ phần Bảo hiểm P phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 28.319.197 (Hai mươi tám triệu ba trăm mười chín ngàn một trăm chín mươi bảy) đồng.
5. Về quyền, nghĩa vụ thi hành án:
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của công ty N cho đến khi thi hành xong số tiền còn thiếu nêu trên, hàng tháng Công ty P còn phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án Dân sự.
6.Quyền kháng cáo:
Báo cho các đương sự được quyền kháng cáo lên Tòa án nhân Thành phố Hồ Chí Minh trong hạn 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 44/2020/KDTM-ST ngày 06/08/2020 về tranh chấp hợp đồng bảo hiểm
Số hiệu: | 44/2020/KDTM-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quận 7 - Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 06/08/2020 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về