Bản án 433/2020/HS-PT ngày 07/08/2020 về tội tham ô tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 433/2020/HS-PT NGÀY 07/08/2020 VỀ TỘI THAM Ô TÀI SẢN

Các ngày 03, 07 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số 454/2019/TLPT-HS ngày 16 tháng 8 năm 2019 đối với bị cáo Phạm Văn BC do có kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và có kháng cáo của bị cáo, của nguyên đơn dân sự đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 242/2019/HS-ST ngày 08/7/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

- Bị cáo bị kháng nghị và có kháng cáo:

1. Họ và tên: Phạm Văn BC; Giới tính: Nam; Sinh năm: 1979; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: kinh; tôn giáo: không; Thường trú: 173B Nguyễn Văn Đậu, Phường 11, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở: Phòng 707 Lô M3 Chung cư số 01 Tôn Thất Thuyết, Phường 1, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh nghề nghiệp: Nguyên Phó giám đốc trung tâm kinh doanh thẻ Ngân hàng X; Con ông Phạm Quang B và bà Đỗ Thị M; có vợ và 01 con sinh năm 2014; tiền án tiền sự: không. Bị bắt giam từ ngày 09/06/2015 (có mặt).

- Bị cáo có liên quan đến kháng cáo:

2. Họ và tên: Dương Xuân BC2; Giới tính: Nam; Sinh năm: 1981; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: kinh; tôn giáo: không; Thường trú: 93/1D Quang Trung, Phường 8, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh; Chỗ ở: D8/9 Ấp 4, đường Nữ Dân Công, xã Vĩnh Lộc A, Huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Tổ trưởng tổ tiếp quỹ, Trung tâm Kinh doanh thẻ Ngân hàng X; Con ông Dương Xuân D và bà Đàm Kim Y; có vợ và 02 con, con lớn sinh năm 2010 và con nhỏ sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: không; Bị bắt giam từ ngày 08/02/2018 (có mặt).

3. Họ và tên: Trần Vũ BC3; Giới tính: Nam; Sinh năm: 1970; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: kinh; tôn giáo: không; Thường trú: 436B/22 đường 3/2, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh; nghề nghiệp: Nguyên Giám đốc Trung tâm Kinh doanh thẻ Ngân hàng X; Con ông Trần Văn Q và bà Võ Thị Ngọc S; có vợ và 02 con, con lớn sinh năm 1998 và con nhỏ sinh năm 2003; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại (có mặt).

Những người tham gia tố tụng khác:

- Nguyên đơn dân sự:

Ngân hàng X Địa chỉ: 2C Phó Đức Chính, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện có: Ông Phạm Triều D (vắng mặt), Ông Lê Duy Hiếu (có mặt), Bà Lê Thị Bích Thu (có mặt) (theo giấy ủy quyền số 282/GUQ-SGB ngày 26/6/2019) (có mặt).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1/ Bà Văn Ngọc Kim NLQ1 – sinh năm 1982 (vắng mặt) Chỗ ở: 83 đường A, Khu dân cư 1, 143 HA phường Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Nguyễn Thị M – sinh năm 1993 (Theo giấy ủy quyền ngày 12/6/2019) (có mặt).

Địa chỉ: 245/151 đường Lãnh Binh Thăng, Phường 12, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Bà Nguyễn Thúy NLQ2 –sinh năm 1982 Chỗ ở: 23/3 đường TL 54, Phường Thạnh Lộc, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người làm chứng:

1/ Ông Nguyễn Kiến NLC1 –sinh năm 1959 Chỗ ở: 27 Đường 702 Hồng Bàng, Phường 1, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

2/ Ông Lê Ngọc Bảo NLC2 – sinh năm 1982 Chỗ ở: 21/2 Nguyễn Xí, Phường 26, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

3/ Ông Huỳnh Khắc NLC3 – sinh năm 1983 Chỗ ở: 48 Vườn Lài, phường Tân Thành, Quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

4/ Ông Nguyễn Văn NLC4 –sinh năm 1974 Chỗ ở: 271/1 Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

5/ Bà Trương Thị Bích NLC5 – sinh năm 1989 Chổ ở: 52/1A Mai Văn Vĩnh, phường Tân Quy, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

6/ Ông La Tấn NLC6 – sinh năm 1985 Chỗ ở: 401 Lô A1a Chung cư Bùi Minh Trực 3, Phường 5, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

7/ Bà Nguyễn Thụy Thúy NLC7 – sinh năm 1984 Chỗ ở: 133/1 Đỗ Xuân Hợp, Phước Long B, Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

8/ Ông Phạm Tấn NLC8 –sinh năm 1971 Chỗ ở: 78/81 Ba Vân, Phường 14, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

9/ Ông Hoàng Nguyên NLC9 –sinh năm 1982 Chỗ ở: 305/07 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người bào chữa chỉ định cho bị cáo Phạm Văn BC: Luật sư Đỗ Hải B - Thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Ngân hàng X: Luật sư Nguyễn Văn T - Thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Văn Ngọc Kim NLQ1: Luật sư Lê Văn Đ – Thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

BC:

1/ Hành vi chiếm đoạt 5.257.470.000đ của Saigonbank của Phạm Văn Với chức vụ, quyền hạn được giao là Phó phòng kế toán và Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh thẻ (sau đây viết tắt là TTKDT), kiêm nhiệm vụ quản lý kho quỹ TTKDT, khi tiếp nhận tiền thu hồi từ hệ thống máy ATM do các nhân viên mang về nộp để nhập vào kho quỹ của Trung tâm kinh doanh thẻ Ngân hàng Saigonbank, nhưng Minh không thực hiện mà chiếm đoạt số tiền này để sử dụng cho mục đích cá nhân.

Phạm Văn BC khai nhận: từ tháng 7/2005, Minh được bổ nhiệm làm phó phòng kế toán TTKDT, đến 9/2010 được bổ nhiệm làm Phó giám đốc TTKDT, đồng thời kiêm nhiệm việc quản lý kho quỹ TTKDT. Minh đã lợi dụng nhiệm vụ được giao và việc thiếu kiểm tra, giám sát của Lãnh đạo TTKDT trong hoạt động kho quỹ, sau khi tiếp nhận tiền thu hồi từ 20 máy ATM do các nhân viên Dương Xuân BC2, Huỳnh Khắc NLC3, Lê Ngọc Bảo NLC4, Phạm Tấn NLC8 giao và ký nhận việc giao nhận tiền, thay vì phải nộp vào kho quỹ TTKDT (do Minh quản lý) để chuyển về Phòng ngân quỹ Hội sở hoặc tái sử dụng theo quy định, Minh không nộp vào kho quỹ, không hạch toán số tiền đã nhận vào hệ thống kế toán ATM mà lấy sử dụng cá nhân.

Lúc đầu Minh khai mình đã chiếm đoạt của Saigonbank khoảng 7 tỷ đồng, sau đó thay đổi lời khai cho là chỉ chiếm đoạt 3.175.400.000đ, còn lại 2.126.510.000đ Minh chỉ ký nhận trên sổ giao nhận chứ không chiếm đoạt. Về phía Saigonbank, tại Công văn số 414/CV-2015 Saigonbank tố cáo thất thoát số tiền 18.044.640.000đ, trong đó Phạm Văn BC chiếm đoạt của Ngân hàng số tiền 5.301.910.000đ. Đến ngày 05/9/2017, Saigonbank có văn bản 1548/SGB xác định lại số tiền thất thoát là 17.294.570.000đ và xác định Phạm Văn BC chiếm đoạt của Ngân hàng số tiền 5.257.470.000đ (chênh lệch thấp hơn 44.440.000đ).

2/ Hành vi chiếm đoạt 3.650.000.000đ của Saigonbank của Dương Xuân BC2.

Quá trình điều tra, Saigonbank tố cáo Dương Xuân BC2 từ tháng 08/2012 đến tháng 05/2015, lợi dụng nhiệm vụ phụ trách Tổ tiếp quỹ máy ATM, chiếm đoạt và chiếm giữ của ngân hàng 4.583.489.000đ. Trong đó, với vai trò Phụ trách Tổ tiếp quỹ ATM, Hùng chiếm đoạt 3.650.000.000đ, với vai trò thủ quỹ là 933.498.000đ.

Cơ quan điều tra xác định, thực hiện nhiệm vụ được giao, Dương Xuân BC2 Phụ trách Bộ phận tiếp quỹ ATM – Trung tâm kinh doanh thẻ - Saigonbank, trực tiếp nhận, quản lý tiền tạm ứng, từ ngày 04/8/2012 đến ngày 15/05/2015, Hùng cùng các Thành viên Tổ tiếp quỹ ATM (La Tấn NLC6, Trương Thị Bích NLC5) đã tạm ứng tổng số tiền 24.300.000.000đ từ Phòng ngân quỹ Hội sở - Saigonbank, để nạp vào các máy ATM 1003, 1012, 1016, 1021, 1027, 1023, 1030, 1032, 1033,1036, 1038, 1041, 1047, 1049, 1054, 1055, 1072, 1075, 1087, 1088; lợi dụng việc không nắm rõ quy trình tiếp quỹ ATM của Hảo và Thảo… (được phân công thay thế khi Huỳnh Khắc NLC3 nghỉ phép), Hùng chỉ nạp 20.650.000.000đ, trên số tiền đã tạm ứng nạp vào các máy ATM 1032, 1036, 1021, 1038, còn lại số tiền 3.650.000.000đ, Hùng chiếm đoạt sử dụng cho cá nhân.

Tại Cơ quan điều tra Dương Xuân BC2 thừa nhận việc mình chiếm đoạt 3.650.000.000đ và khai, Hùng cùng một số nhân viên Huỳnh Khắc NLC3, Lê Ngọc Bảo Huy và Nguyễn Văn NLC4, Phạm Tấn NLC8, Trương Thị Bích NLC5, Hoàng Nguyên NLC9, La Tấn NLC6 … được phân công cùng tham gia thực hiện tiếp quỹ và thu hồi tiền tồn từ 20 máy ATM do TTKDT quản lý. Vào khoảng 8 giờ sáng hàng ngày, Hùng, Vũ hoặc Huy truy cập vào hệ thống ATM, xem số dư trên các máy ATM do TTKDT quản lý, nếu máy ATM nào gần hết tiền thì Hùng, Vũ hoặc Huy lập Phiếu đề xuất tạm ứng tiền để tiếp quỹ cho máy đó. Theo quy trình, trước khi nạp tiền mới vào máy ATM thì thành viên thứ 2 (thường là Vũ, Phát và Huy) phải lấy hết tiền tồn ra niêm phong; sau đó đưa về trụ sở, cả 03 thành viên Tổ tiếp quỹ cùng kiểm đếm, giao lại cho Hùng hoặc trực tiếp nộp lại cho Phạm Văn BC - Phó giám đốc (kiêm quản lý kho quỹ TTKDT), tiếp nhận quản lý, nhập kho quỹ theo quy định. Tuy nhiên, từ ngày 04/08/2012 đến ngày 15/05/2015, có 9 lần thực hiện nạp tiền cho các máy ATM số 1032, số 1036, số 1021, số 1038, Hùng chỉ nạp một phần tiền đã tạm ứng từ ngân quỹ vào máy ATM; số tiền còn lại tổng cộng là 3.650.000.000đ, Hùng chiếm đoạt sử dụng cho cá nhân. Để hợp thức hóa chứng từ kế toán, đối phó tránh việc kiểm tra, phát hiện của ngân hàng, đối với số tiền 1.750.000.000đ đã chiếm đoạt của ngân hàng, Hùng đã lập khống các “Biên bản kết toán ATM và Biên bản kiểm kê các loại tiền”, vào ngày 25/9/2014, ngày 27/10/2014, ngày 23/01/2015, ngày 19/3/2015, ngày 15/05/2015, rồi đưa cho Trương Thị Bích NLC5, La Tấn NLC6 ký dưới mục “Thành viên tổ” và Nguyễn Thụy Thúy NLC7 ký tên dưới mục“Kiểm soát” để lưu giữ hồ sơ tại TTKDT. Do các nhân viên này tin tưởng Hùng và cũng không biết đây là chứng từ khống nên đã ký tên, tạo điều kiện thuận lợi để Hùng chiếm đoạt trót lọt 1.750.000.000đ của Saigonbank. Số tiền 1.900.000.000đ còn lại Hùng đã chiếm đoạt vào các ngày 04/08/2012, ngày 04/10/2012, ngày 22/022013 và ngày 23/02/2013, Hùng khai, đã ghi đúng số tiền nạp vào máy ATM trên “Biên bản kết toán và Bảng kê các loại tiền nạp vào ATM” (tức bằng số tiền tạm ứng trừ số tiền Hùng chiếm đoạt); nhưng do Phạm Văn BC không kiểm tra đối chiếu số tiền Hùng tạm ứng với số tiền ghi trên chứng từ kết toán nên không phát hiện Hùng đã chiếm đoạt số tiền này.

Từ ngày 11/6/2015 đến ngày 21/7/2015, Dương Xuân BC2 đã nộp lại 3.650.000.000đ cho ngân hàng để khắc phục hậu quả.

Trong thời gian làm việc với cơ quan điều tra, Dương Xuân BC2 thay đổi lời khai và cho rằng, số tiền 3.650.000.000đ Hùng lấy từ ngày 04/08/2012 đến ngày 15/05/2015 là Hùng tự trích mượn của ngân hàng, đến tháng 08/2015 Hùng đã trả lại cho ngân hàng số tiền trên.

3/ Hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại 17.294.570.000đ của Trần Vũ BC3 và Nguyễn Kiến NLC1 Quá trình điều hành, quản lý Trung tâm kinh doanh Thẻ - Saigonbank, Trần Vũ BC3 - Quyền Giám đốc và Giám đốc TTKDT (từ tháng 10/2004 đến tháng 07/2013) và Nguyễn Kiến NLC1 – là Giám đốc (từ tháng 08/2013 đến tháng 12/2016) đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công, không thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của TTKDT; phân công nhiệm vụ, cán bộ nhân viên của TTKDT chưa phù hợp với quy định p háp luật hiện hành, cụ thể: phân công Phạm Văn BC - Phó giám đốc TTKDT, vừa chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, vừa chịu trách nhiệm toàn bộ công tác kế toán và phụ trách việc quản lý kho quỹ TTKDT (bao gồm cả Quỹ ATM do TTKDT quản lý) tạo điều kiện để Phạm Văn BC, Dương Xuân BC2 và các nhân viên khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong quản lý kho quỹ và tiếp quỹ ATM TTKDT chiếm đoạt và gây thất thoát của Saigonbank số tiền 17.294.570.000đ.

* Kết luận giám định số 1156/KLGĐ-TT, ngày 04/01/2017 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an Thành phố Hồ Chí Minh - Chữ ký của Phạm Văn BC cần giám định trên các chứng từ (Quyển sổ giao nhận, Phiếu thu, Phiếu chi) có liên quan đến số tiền 5.301.910.000đ (từ ngày 26/01/2010 đến ngày 27/12/2012) mà ngân hàng quy kết Minh chiếm đoạt thì chỉ đủ cơ sở kết luận giám định chữ ký của Minh trên các chứng từ, liên quan số tiền 4.740.700.000đ, còn lại chữ ký cần giám định trên các chứng từ kế toán có liên quan đến số tiền 561.210.000đ không đủ cơ sở kết luận.

- Chữ ký của Dương Xuân BC2 trên các chứng từ (Phiếu yêu cầu nạp tiền kiêm lệnh điều động tiếp quỹ ATM, Phiếu nhận tiền mặt từ Hội sở, Biên bản kết toán ATM, Biên bản kê các loại tiền nạp vào ATM, Phiếu chi) liên quan đến số tiền 3.650.000.000đ (từ ngày 04/08/2012 đến 15/05/2015) là của Dương Xuân BC2.

- Chữ ký của Văn Ngọc Kim NLQ1 trên “Quyển sổ giao nhận” có liên quan đến số tiền 431.240.000đ (từ ngày 22/01/2010 đến ngày 24/04/2013 - ngân hàng quy kết Thuận chiếm đoạt, nhưng kết luận giám định chỉ kết luận chữ ký của Thuận trên “Quyển sổ giao nhận”, với số tiền 412.240.000đ, còn lại chữ ký của Thuận trên chứng từ kế toán có liên quan đến số tiền 19.000.000đ không đủ cơ sở kết luận.

- Chữ ký của Nguyễn Thủy Hồng trên “Quyển sổ giao nhận” có liên quan đến số tiền 31.600.000đ (ngày 15/02/2011- ngân hàng quy kết Hồng chiếm đoạt) Cơ quan giám định kết luận chữ ký các chứng từ nêu trên là của Nguyễn Thủy Hồng.

Kết luận giám định số 6644/KL, ngày 22/8/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kết luận: Căn cứ hồ sơ chứng từ kế toán, Tổ giám định xác định tổng số tiền Saigonbank bị thất thoát hoặc bị chiếm đoạt là 17.294.570.000đ (lệch so với số tiền Saigonbank xác định là 750.070.000đ-), trong đó:

A- Kết luận giám định (tại mục 3.VII) xác định có cơ sở xác định các cá nhân chịu trách nhiệm đối với tổng số tiền là 16.513.990.000đ, còn lại số tiền 780.580.000đ chưa có cơ sở để xác định người chịu trách nhiệm, cụ thể như sau:

1- Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm liên quan đến tổng số tiền 12.863.990.000đ, trong đó:

Phạm Văn BC chịu trách nhiệm cá nhân đối với 5.257.470.000đ (chi tiết tại phụ lục 01, 01a);

Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm liên đới với số tiền 7.606.520.000đ, Saigonbank bị thất thoát có liên quan đến các cá nhân:

- Liên quan đến Văn Ngọc Kim NLQ1, Tổ giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 431.240.000đ và số tiền 4.107.852.000đ (chi tiết tại phụ lục số 02, 02a, 03 và 03a), tổng cộng là 4.539.092.000đ;

- Liên quan đến Dương Xuân BC2, Tổ Giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền: 933.498.000đ (chi tiết tại phụ lục số 04a);

- Liên quan đến Lê Ngọc Bảo Huy, Tổ Giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền: 530.270.000đ (chi tiết, tại phụ lục số 05, 05a);

- Liên quan đến Hoàng Nguyên NLC9, Tổ giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 60.000.000đ (chi tiết tại phụ lục số 06,06a);

- Liên quan đến Huỳnh Khắc NLC3, Tổ giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 742.220.000đ (chi tiết tại phụ lục số 07,07a);

- Liên quan đến Nguyễn Văn NLC4, Tổ giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 20.000.000đ (chi tiết tại phụ lục số 09,09a);

- Liên quan đến Trương Thị Bích NLC5, Tổ Giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 507.290.000đ (chi tiết tại Mục I, phụ lục số 10,10a);

- Liên quan đến Nguyễn Thụy Thúy NLC7, Tổ Giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối với số tiền: 24.150.000đ (chi tiết tại Mục II, phụ lục số 10,10a);

- Liên quan đến La Tấn NLC6, Tổ Giám định xác định Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm đối vói số tiền 250.000.000đ (chỉ tiết tại Mục III, phụ lục sẻ 10,10a).

2- Dương Xuân BC2 phải chịu trách nhiệm, số tiền 3.650.000.000đ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Saigonbank, số tiền 3.650.000.000đ, Dương Xuân BC2 đã nộp lại cho Saigonbank để khắc phục hậu quả (chi tiết - phụ lục 04).

B- Kết luận giám định, xác định trách nhiệm liên đới đối với tổng số tiền 17.294.570.000đ Saigonbank bị thất thoát:

+ Trần Vũ BC3 và Nguyễn Kiến NLC1, liên đới chịu trách nhiệm, đối với tổng số tiền 17.294.570.000đ Saigonbank bị thất thoát hoặc bị chiếm đoạt, cụ thể:

Với vai trò là người đứng đầu Trung tâm kinh doanh thẻ trực thuộc Saigonbank, Trần Vũ BC3, nguyên quyền Giám đốc và Giám đốc TTKDT (từ tháng 10/2004 đến 31/07/2013) và Nguyễn Kiến NLC1, Giám đốc (từ 01/08/2013 đến 31/12/2016) đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được phân công, không thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt c hẽ hoạt động của TTKDT, cũng như phân công nhiệm vụ cho cán bộ nhân viên của TTKDT chưa phù hợp quy định pháp luật hiện hành, cụ thể : Phân công Phạm Văn BC, Phó giám đốc TTKDT vừa chịu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ… vừa chịu trách nhiệm toàn bộ công tác kế toán và phụ trách công việc quản lý kho quỹ TTKDT (bao gồm cả Quỹ ATM do TTKDT quản lý) chưa phù hợp với quy định tại khoản 4, điều 51 Luật Kế toán năm 2003 nên Phạm Văn BC và nhân viên đã lợi dụng chức năng, quyền hạn được giao trong việc tiếp quỹ ATM để chiếm đoạt, chiếm giữ tiền và gây thất thoát của Saigonbank số tiền 17.294.570.000đ. Do đó, ông Trần Vũ BC3 và Nguyễn Kiến NLC1 phải liên đới chịu trách nhiệm (trong thời gian giữ nhiệm vụ Giám đốc TTKDT theo sự phân công, bổ nhiệm của lãnh đạo Saigonbank) về số tiền thất thoát nêu trên của Saigonbank, Tang vật, tài liệu thu giữ:

- Giấy đề nghị xác nhận, ngày 19/10/2017 của Dương Xuân BC2 đề nghị ngân hàng Saigonbank xác nhận từ ngày 11/6/2015 đến ngày 21/07/2015 Hùng đã nộp số tiền 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho ngân hàng (BL: 2024).

Bản Cáo trạng số 148/CT-VKS-P3, ngày 09/4/2018 của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã truy tố bị cáo Trần Vũ BC3 về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 và truy tố các bị cáo Phạm Văn BC, Dương Xuân BC2 về tội: “Tham ô tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung 2009.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 242/2019/HS-ST ngày 08/7/2019 và Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án số 413/2019/TB-TA ngày 08/8/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 353; Điểm s Khoản 1 Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015: Xử phạt bị cáo Phạm Văn BC: Tù Chung thân về tội: “Tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày 09/06/2015.

Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 353; Điểm b, s, r Khoản 1 Khoản 2 Điều 51, Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015: Xử phạt bị cáo Dương Xuân BC2: 07 (Bảy) năm tù về tội: “Tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày 08/02/2018.

Căn cứ Khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009; Điểm s Khoản 1 Khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015: Xử phạt bị cáo Trần Vũ BC3: 03 (Ba) năm tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo về tội: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Thời hạn thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao bị cáo cho Uỷ ban nhân dân Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh giám sát giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú sẽ được thực hiện theo Điều 69 Luật Thi hành án hình sự 2010.

Căn cứ Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015:

Buộc bị cáo Phạm Văn BC phải bồi thường 4.300.610.000 đồng cho Ngân hàng X.

Ghi nhận bị cáo Dương Xuân BC2 đã tự nguyện trả lại cho Ngân hàng X số tiền: 3.650.000.000 đồng Tiếp tục tạm giữ số tiền 350.000.000 đồng của bị cáo Dương Xuân BC2; số tiền 431.240.000 đồng do Bà Văn Ngọc Kim NLQ1 giao nộp và 31.600.000 đồng do Bà Nguyễn Thúy NLQ2 giao nộp. (Theo các Phiếu thu ngày 11/6/2015, ngày 12/6/2015, ngày 02/7/2015, ngày 16/7/2015 ngày 21/7/2015).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 10/QĐ-VKS-P3 ngày 23/7/2019 kháng nghị một phần bản án sơ thẩm về trách nhiệm dân sự đối với bị cáo Phạm Văn BC.

Ngày 23/7/2019, bị cáo Phạm Văn BC xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét nội dung: “Buộc bị cáo Phạm Văn BC phải bồi thường 4.300.610.000 đồng cho Ngân hàng X” là không đúng và bất lợi cho bị cáo.

Ngày 23/7/2019, Ngân hàng X kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm buộc Phạm Văn BC phải bồi thường 5.257.470.000 đồng cho Ngân hàng X; buộc các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng X số tiền 8.387.100.000 đồng theo Kết luận giám định; giao cho Ngân hàng X quản lý số tiền 431.240.000 đồng do bà Văn Ngọc Kim NLQ1 giao nộp và 31.600.000 đồng do bà Nguyễn Thúy NLQ2 giao nộp vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị cáo Phạm Văn BC giữ nguyên kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại số tiền mà bị cáo đã chiếm đoạt của Ngân hàng đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn BC thống nhất với tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo. Tuy nhiên, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét số tiền bị cáo chiếm đoạt không phải như kết luận của bản án sơ thẩm. Số tiền 1.926.500.000 đồng mà cơ quan điều tra quy kết bị cáo chiếm đoạt là chưa được làm rõ thời điểm, cách thức chiếm đoạt. Hơn nữa, về khoản tiền chiếm đoạt và việc tách vụ án như cấp sơ thẩm đã làm là “án chồng án”, gây thiệt thòi và bất lợi cho bị cáo BC. Ngoài ra, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bị cáo có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cả i, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, gia đình bị cáo có công với cách mạng để từ đó giảm cho bị cáo một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm cho bị cáo một phần hình phạt mà cấp sơ thẩm đã tuyên.

Nguyên đơn dân sự Ngân hàng X giữ nguyên kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét số tiền bị cáo BC chiếm đoạt của Ngân hàng là 5.257.610.000 đồng nên buộc bị cáo phải bồi thường cho Ngân hàng số tiền trên. Đồng thời đề nghị buộc các cá nhân khác phải bồi thường cho Ngân hàng số tiền liên quan theo kết luận giám định tổng cộng là 8.387.100.000 đồng. Giao số tiền tiền 431.240.000 đồng do Bà Văn Ngọc Kim NLQ1 giao nộp và 31.600.000 đồng do Bà Nguyễn Thúy NLQ2 cho Ngân hàng quản lý.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm:

Sau khi phân tích toàn diện hành vi phạm tội của các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xác định số tiền bị cáo BC chiếm đoạt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn số tiền 5.257.610.000 đồng và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng về số tiền bị cáo BC đã chiếm đoạt. Về số tiền xác định những cá nhân khác đã chiếm đoạt do Cơ quan điều tra đã tách ra để xử lý sau nên không có căn cứ chấp nhận. Về số tiền bà NLQ1 và bà NLQ2 nộp do đã được tách ra để làm rõ trong một vụ án khác nên không có căn cứ giao cho Ngân hàng quản lý số tiền này.

Đối với kháng cáo của bị cáo Phạm Văn BC, hành vi phạm tội của bị cáo theo bản án sơ thẩm quy kết là đúng người đúng tội, có căn cứ; hơn nữa, Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ. Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo cũng không xuất trình được tình tiết nào khác để xem xét nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với bị cáo BC.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Văn Ngọc Kim NLQ1 thống nhất với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa. Do vụ án đã được tách ra giải quyết nên không có căn cứ giao số tiền này cho Ngân hàng quản lý.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng X tranh luận: Tại các bản tường trình, bản tự khai BC đều thừa nhận chiếm đoạt của Ngân hàng khoảng 7 tỷ, căn cứ vào kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước có ghi nhận từng khoảng thời gian với số tiền cụ thể nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị và kháng cáo của Ngân hang, xác định số tiền bị cáo BC đã chiếm đoạt của Ngân hàng là 5.257.610.000 đồng. Đồng thời việc tách vụ án đối với số tiền hơn 8 tỷ đồng với 10 cá nhân liên quan là không có căn cứ vì cần phải giải quyết trong cùng một vụ án mới không gây thiệt hại cho Ngân hàng. Việc Tòa án cấp sơ thẩm tách vụ án và tạm đình chỉ vụ án là vi phạm tố tụng. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng, đề nghị các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng 8.387.100.000 đồng. Và cũng chính vì cần giải quyết chung trong một vụ án nên đề nghị giao số tiền bà NLQ1 và bà NLQ2 cho Ngân hàng để quản lý.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Từ tháng 7/2005 Phạm Văn BC đã được bổ nhiệm làm phó phòng kế toán TTKDT, đến tháng 9/2010 được bổ nhiệm làm Phó giám đốc TTKDT đồng thời kiêm nhiệm việc quản lý kho quỹ của TTKDT. Lợi dụng nhiệm vụ được giao cùng sự thiếu kiểm tra, giám sát của lãnh đạo trong việc quản lý kho quỹ. Sau khi tiếp nhận tiền thu hồi từ 20 máy ATM do các nhân viên Dương Xuân BC2, Huỳnh Khắc NLC3, Lê Ngọc Bảo NLC7, Phạm Tấn NLC8 giao và kí nhận việc giao tiền, thay vì nộp về quỹ của TTKDT (do BC quản lý) để chuyển về Phòng Ngân quỹ Hội sở hoặc tái sử dụng theo quy định thì BC không nộp vào kho quỹ, không hạch toán số tiền nhận được và hệ thống kế toán ATM mà lấy ra sử dụng cá nhân.

Hành vi nêu trên của bị cáo đã bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội “Tham ô tài sản” là đúng người, đúng tội, không oan sai.

[2] Sau khi xét xử sơ thẩm, Ngân hàng X kháng cáo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã kháng nghị đề nghị xem xét lại số tiền mà bị cáo chiếm đoạt của Ngân hàng là 5.257.610.000 đồng chứ không phải là 4.300.610.000 đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên. Bị cáo kháng cáo đề nghị xem xét bị cáo chỉ chiếm đoạt của Ngân hàng số tiền là 2.374.100.000 đồng là số tiền bị cáo đã có ký biên bản, về số tiền 1.926.500.000 đồng bị cáo không thừa nhận mình chiếm đoạt.

Hội đồng xét xử xét thấy: Căn cứ Kết luận giám định số 6644/KL ngày 22/8/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án xác định số tiền bị cáo BC đã chiếm đoạt của Ngân hàng là 5.257.610.000 đồng. (Có ghi nhận số liệu cụ thể trong các phụ lục của kết luận giám định). Số tiền 1.926.500.000 đồng bị cáo không thừa nhận đã có hành vi chiếm đoạt nhưng bị cáo là người đã kí vào sổ ký nhận tiền quỹ cuối ngày mà các nhân viên khác đã giao cho bị cáo, đối chiếu với số tiền bị cáo đã hạch toán qua user của mình, có thể xác định bị cáo chính là người đã chiếm đoạt số tiền này.

Do đó có căn cứ xác định số tiền bị cáo đã chiếm đoạt của Ngân hàng là 5.257.610.000 đồng. Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào sổ ký nhận tiền quỹ cuối ngày (quyển số 1 và quyển số 2 – Bút lục 680 - 724), có xác nhận chữ ký của bị cáo BC và lời khai của bị cáo để xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt là 4.300.610.000 đồng là chưa đầy đủ.

Từ đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng. Buộc bị cáo Phạm Văn BC phải chịu trách nhiệm về số tiền 5.257.610.000 đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo đề nghị xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt của Ngân hàng là 2.374.100.000 đồng.

[3] Về mức hình phạt:

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Phạm Văn BC đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Hội đồng xét xử xét thấy:

Khi áp dụng pháp luật, do Điều 278 Bộ luật Hình sự 1999 có mức hình phạt nặng hơn so với Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 nên đã căn cứ Nghị Quyết số 41/2017/QH14 về việc hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội khi xem xét lượng hình đối với bị cáo là có căn cứ.

Ngoài ra, khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét đầy đủ tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo như: Bị cáo là lao động chính trong gia đình, có con còn nhỏ sinh năm 2014, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự để từ đó áp dụng điểm s, khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 để giảm cho bị cáo một phần hình phạt mà lẽ ra bị cáo phải chịu. Tại phiên toà phúc thẩm bị cáo trình bày bác ruột của bị cáo có công với Cách mạng, mẹ bị cáo có nhiều bệnh tuy nhiên đây không phải là tình tiết giảm nhẹ được quy định của Bộ luật hình sự nên không có căn cứ áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Đồng thời, khi lượng hình Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã xem xét: Do bị cáo phạm tội có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, chưa khắc phục hậu quả vụ án nên đã áp dụng mức hình phạt tù không thời hạn đối với bị cáo, sau khi xét xử sơ thẩm cho tới khi xét xử phúc thẩm bị cáo vẫn không hề có ý thức khắc phục hậu quả do mình gây ra. Do đó, không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm.

[4] Về phần dân sự:

Ngân hàng X đề nghị Hội đồng xét xử buộc những người liên quan phải bồi thường số tiền đã chiếm đoạt của Ngân hàng vì Ngân hàng Nhà nước đã có kết luận xác định trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể, theo quy định thì việc bồi thường phải được giải quyết cùng lúc với vụ án hình sự để giải quyết vụ án toàn diện, trong trường hợp không xác định được người cụ thể chiếm đoạt thì các cá nhân phải chịu trách nhiệm liên đới, đồng thời việc tách vụ án và tạm đình chỉ vụ án là vi phạm tố tụng. Ngoài ra đề nghị giao số tiền bà Văn Ngọc Kim NLQ1 và bà Nguyễn Thúy NLQ2 cho Ngân hàng để bồi thường thiệt hại.

Hội đồng xét xử xét thấy: Trong vụ án này, Cơ quan điều tra đã tách vụ án để giải quyết đối với hành vi của Văn Ngọc Kim NLQ1 số tiền 4.107.852.000đ; Dương Xuân BC2 số tiền 933.498.000đ; Lê Ngọc Bảo NLC7 số tiền 1.129.250.000đ; Hoàng Nguyên NLC9 số tiền 60.000.000đ; Huỳnh Khắc NLC3 số tiền 742.220.000đ; Nguyễn Văn NLC4, số tiền 20.000.000đ; Trương Thị Bích NLC5, số tiền 507.290.000đ; La Tấn NLC6, số tiền 250.000.000đ; Nguyễn Thụy Thúy NLC7, số tiền 24.150.000đ; Phạm Tấn NLC8 số tiền 150.000.000đ; Dương Xuân BC2 933.498.000đ do phía Ngân hàng chưa cung cấp được đầy đủ chứng cứ chứng minh cho hành vi phạm tội của những người này nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ là có căn cứ. Việc tách vụ án là có cơ sở vì hành vi phạm tội của các bị cáo BC, BC2, BC3 đã rõ, tách vụ án sẽ không làm ảnh hưởng đến việc truy tố, xét xử các bị cáo này. Việc tách vụ án không trái quy định Điều 13 và Điều 170 Bộ luật hình sự như trình bày của Luật sư nên không có căn cứ xem xét.

Do chưa có căn cứ xác định hành vi phạm tội của các cá nhân liên quan nên Tòa án cấp sơ thẩm cũng chưa đủ căn cứ xem xét giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các cá nhân này. Tại bản án sơ thẩm, khi xét xử các bị cáo BC, BC2, BC3 Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét giải quyết vấn đề bồi thường liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong cùng vụ án là đã giải quyết đầy đủ, toàn diện các vấn đề. Do đó, không chấp nhận ý kiến của Ngân hàng và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng yêu cầu xem xét giải quyết vấn đề bồi thường đối với số tiền 8.387.100.000 đồng Đối với số tiền 431.240.000 đồng do bà Văn Ngọc Kim NLQ1 giao nộp và 31.600.000 đồng do bà Nguyễn Thúy NLQ2 giao nộp Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên tiếp tục tạm giữ số tiền này nhằm đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử vụ án sau là có căn cứ.

Do đó, không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng X về việc buộc những người liên quan bồi thường số tiền 8.387.100.000 đồng và giao số tiền bà NLQ1 và bà NLQ2 nộp cho Ngân hàng. Việc bồi thường và xử lý số tiền trên sẽ được điều tra và xử lý sau.

[5] Về án phí:

Do Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị cáo nên bị cáo BC phải chịu án phí hình sự phúc thẩm theo quy định.

Về án phí dân sự sơ thẩm, bị cáo Phạm Văn BC phải chịu án phí dân sự là 113.257.610 đồng.

Ngân hàng X không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

[6] Các quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

1/ Chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chấp nhận một phần kháng cáo của Ngân hàng X, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phạm Văn BC.

Sửa một phần bản án hình sự sơ thẩm. Giữ nguyên Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án số 413/2019/TB-TA ngày 08/8/2019 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

2/ Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 353; Điểm s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015:

Xử phạt bị cáo Phạm Văn BC: Tù Chung thân về tội: “Tham ô tài sản”. Thời hạn tù tính từ ngày 09/06/2015.

Tiếp tục tạm giam bị cáo theo quyết định của Hội đồng xét xử để đảm bảo thi hành án.

3/ Căn cứ Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015:

Buộc bị cáo Phạm Văn BC phải bồi thường 5.257.610.000 đồng cho Ngân hàng X.

Ghi nhận bị cáo Dương Xuân BC2 đã tự nguyện trả lại cho Ngân hàng X số tiền: 3.650.000.000 đồng.

Tiếp tục tạm giữ số tiền 350.000.000 đồng của bị cáo Dương Xuân BC2; số tiền 431.240.000 đồng do Bà Văn Ngọc Kim NLQ1 giao nộp và 31.600.000 đồng do Bà Nguyễn Thúy NLQ2 giao nộp. (Theo các Phiếu thu ngày 11/6/2015, ngày 12/6/2015, ngày 02/7/2015, ngày 16/7/2015 ngày 21/7/2015).

4/ Về án phí: Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Bị cáo Phạm Văn BC phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm và 113.257.610 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

5/ Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

450
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 433/2020/HS-PT ngày 07/08/2020 về tội tham ô tài sản

Số hiệu:433/2020/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 07/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;