TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 432/2019/HS-PT NGÀY 26/07/2019 VỀ TỘI LẠM QUYỀN TRONG KHI THI HÀNH CÔNG VỤ VÀ LẠM DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 26/7/2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Bắc Giang, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên toà công khai xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 164/2016/TLPT-HS ngày 25/02/2016 do có kháng cáo của bị cáo Phạm Văn L và 15 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với Bản án hình sự sơ thẩm số: 66/2015/HS-ST ngày 08 tháng 12 năm 2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang.
* Bị cáo có kháng cáo:
Phạm Văn L, sinh năm 1955 tại Bắc Giang; Nơi cư trú: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang; nghề nghiệp: Làm ruộng; trình độ văn hóa: Lớp 7/10; giới tính: Nam; dân tộc: Kinh; quốc tịch: Việt Nam; tôn giáo: Không; con ông Phạn Văn O (đã chết) và bà Nguyễn Thị T, sinh năm 1922; có vợ là Nguyễn Thị V, sinh năm 1958 và 03 con, con lớn nhất sinh năm1977, con nhỏ nhất sinh năm 1983; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo bị tạm giam từ ngày 21/9/2011 đến ngày 24/11/2011 được tại ngoại và bắt tạm giam lại từ ngày 18/11/2013 đến ngày 16/7/2014 được thay thế biện pháp ngăn chặn cho bão lĩnh; bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Triệu Hạnh H, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư T, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang, có mặt;
* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo:
1. Ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1958;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, có mặt;
2. Ông Nguyễn Tiến N;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
3. Bà Nguyễn Thị S;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
4. Ông Phạm Văn T1, sinh năm 1953;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, có mặt;
5. Ông Nguyễn Văn T2;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
6. Ông Nguyễn văn Q;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
7. Ông Phạm Văn S1;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
8. Bà Phạm Thị C1;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
9. Ông Phạm Đình Đ, sinh năm 1951;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, có mặt;
10. Bà Phạm Thị L1;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
11. Bà Lê Thị V, sinh năm 1955;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, có mặt;
12. Ông Phạm Văn D;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
13. Bà Vũ Thị P, sinh năm 1961;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, có mặt;
14. Ông Nguyễn Quang Th;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, vắng mặt;
15. Ông Nguyễn Quang S2, sinh năm 1957;
Trú tại: Thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang, có mặt;
* Những người liên quan đến kháng cáo được Tòa án triệu tập:
1. UBND huyện D, vắng mặt;
2. UBND xã Q, do ông Đỗ Văn Đức, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND là đại diện theo ủy quyền, có đơn xin xét xử vắng mặt;
3. Thôn S, do ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1965, chức vụ: Trưởng thôn làm đại diện, có mặt;
4. Ông Phạm Văn L5, sinh năm 1977;
Trú tại: Thôn S, huyện D, tỉnh Bắc Giang, có mặt;
Ngoài ra, trong vụ án còn một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo nên Tòa án không triệu tập.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Đầu năm 2007, Phạm Văn L được nhân dân thôn S bầu làm Trưởng thôn S, xã Q, huyện D, tỉnh Bắc Giang. Ngày 30/01/2007, Chủ tịch UBND xã Q ra Quyết định số 11/QĐ-UBND về việc công nhận chức danh Trưởng, Phó thôn nhiệm kỳ 2007-2009 đối với Phạm Văn L giữ chức vụ Trưởng thôn, ông Phạm Văn Luân giữ chức vụ Phó thôn, nội dung của quyết định quy định: nhiệm vụ của Trưởng thôn chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tổ chức thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ Nhà nước giao; Chịu trách nhiệm trước nhân dân, tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng ở địa phương. Nhiệm vụ của Phó thôn là chịu sự phân công của Trưởng th ôn, tham mưu giúp việc cho Trưởng thôn hoàn thành nhiệm vụ. Tháng 12/2008, thì ông Nguyễn Văn P được bầu làm Phó thôn thay ông Phạm Văn Luân (theo Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 của Chủ tịch UBND xã Q). Ngày 30/3/2007, Chi bộ thôn S tổ chức Đại hội Chi bộ giữa nhiệm kỳ 2006-2008, Đại hội đã thông qua Nghị quyết về việc xây dựng các công trình phúc lợi của thôn như: xây dựng cụm mầm non, sân bóng, nhà văn hóa, mương cứng, đường bê tông vào Đình; phát động nhân dân trong thôn dồn điền, đổi thửa đối với diện tích đất nông nghiệp nông thôn theo chủ trương chung của Nhà nước. Tháng 5/2007, thực hiện Nghị quyết của Chi bộ, Ban quản lý thôn S do Phạm Văn L là Trưởng thôn đã thỏa thuận với 23 hộ dân có đất canh tác đã được Nhà nước giao 20 năm ở các xứ Đồng Bấu, Sốc Làng thuộc thôn S đổi sang xứ đồng khác trong thôn có diện tích đất canh tác tương ứng và đã được các hộ đồng ý, việc thỏa thuận của Ban lãnh đạo thôn với các hộ dân đều được lập thành văn băn và có xác nhận của UBND xã Q. Tổng diện tích đất ở xứ Đồng Bấu, Sốc Làng là 7.726m2 của 23 hộ dân được Ban quản lý thôn chuyển thành quỹ đất công ích của thôn.
Cuối năm 2007, để có kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi, công trình công cộng của thôn như: làm đường bê tông nội thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn…; Phạm Văn L đã tự ý phân chia diện tích đất ở các xứ Đồng Bấu, Sốc Làng thành các lô đất, mỗi lô có diện tích là 150m2 (rộng 06m, dài 25m) để bán cho dân làm đất ở và thu tiền của họ. Nếu người nào có nhu cầu mua đất ở thì đến gặp L và L trực tiếp trao đổi, thống nhất với họ về giá cả, vị trí lô đất. Tùy vào vị trí từng lô đất, L tự định ra mức giá khác nhau từ 30.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng/lô, người nào nộp đủ tiền thì L đưa đến khu vực xứ Đồng Bấu, Sốc Làng chỉ vị trí, ranh giới lô đất cho họ. Hầu hết các hộ mua đất đều nộp tiền trực tiếp cho L, một số trường hợp L giao cho Phạm Văn Quế - Thư ký thôn, Nguyễn Văn P - Phó trưởng thôn, Nguyễn Văn Khâm - Thủ quỹ thôn, Phạm Văn Vượng và Nguyễn
Văn Đăng trong Ban giám sát xây dựng của thôn thu tiền, một số hộ dân trước đó thôn còn nợ tiền công, tiền vay... mà có nhu cầu mua đất ở thì L trao đổi việc thanh toán bằng cách đối trừ công nợ. Khi thu tiền, L và những người được L giao thu tiền thì đều viết giấy biên nhận cho người nộp tiền. Sau đó, để phục vụ cho việc kiểm kê, báo cáo tài chính kinh tế với dân, L đã chỉ đạo Phạm Văn Quế viết phiếu thu tiền với nội dung “Vay tiền thế chấp đất” hoặc “Tiền thầu đất” đ ể che giấu việc giao đất, thu tiền trái phép. Một số trường hợp L giao cho Nguyễn Văn P ký xác nhận vào mục "Thủ trưởng đơn vị" trong các phiếu thu này.
Từ cuối năm 2007 đến tháng 11 năm 2010, L đã giao trái phép 37 lô đất (phần lớn mỗi lô đất có diện tích 150m2) cho 28 hộ dân với tổng diện tích là 5.625m2, thu tổng số tiền là 1.605.000.000 đồng. Cụ thể việc giao đất, thu tiền trái phép qua từng năm như sau:
* Năm 2007:
- Giao cho bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1944 ở thôn S, xã Q, huyện D 03 lô đất tổng diện tích 450m2 (mỗi lô diện tích 150m2), thu 147.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Thanh Quang, sinh năm 1952 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 175m2, thu 52.000.000 đồng.
- Giao cho bà Lê Thị V, sinh năm 1955 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 47.000.000 đồng.
Tổng cộng năm 2007 L đã giao 05 lô đất cho 03 hộ gia đình với tổng diện tích 775m2, thu 246.000.000 đồng.
* Năm 2008:
- Giao cho bà Nguyễn Thị Chiên, sinh năm 1961 ở phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang 01 lô đất diện tích 150m2, thu 35.000.000 đồng.
- Giao cho bà Nguyễn Thị Toán, sinh năm 1974 ở xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh 01 lô đất diện tích 150m2, thu 40.000.000 đồng.
- Giao cho bà Phạm Thị L1, sinh năm 1950 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 30.000.000 đồng.
- Giao cho ông Vương Văn An, sinh năm 1959 ở thôn Chu Nguyên, thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang 02 lô đất tổng diện tích 400m2 (mỗi lô diện tích 200m2), thu 90.000.000 đồng.
- Giao cho bà Phạm Thị C1, sinh năm 1952 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 50.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn S1, sinh năm 1973 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 50.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn Bắc, sinh năm 1966 ở phường Cẩm Sơn, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh 01 lô đất diện tích 150m2, thu 50.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Văn Bắc, sinh năm 1971 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 30.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn Thanh, sinh năm 1953 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 30.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn L5, sinh năm 1977 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 35.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Văn Q, sinh năm 1970 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 30.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1983 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 40.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn Ca, sinh năm 1973 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 50.000.000 đồng.
- Giao cho bà Nguyễn Thị Xuyên, sinh năm 1944 ở thôn Tân Ngọc, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 50.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn T1, sinh năm 1953 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 55.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Văn Phong, sinh năm 1962 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 43.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn Vát, sinh năm 1944 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 175m2, thu 36.000.000 đồng.
Tổng cộng năm 2008, L đã giao 18 lô đất tổng diện tích 2.825m2 cho 17 hộ dân, thu 744.000.000 đồng.
* Năm 2009:
- Giao cho ông Nguyễn Thanh Quang, sinh năm 1952 ở thôn S, xã Q, huyệnD 01 lô đất diện tích 75m2, thu 15.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Tiến Lũy, sinh năm 1933 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 20.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Quang S2, sinh năm 1957 ở thôn S, xã Q, huyện D 02 lô đất tổng diện tích 300m2 (mỗi lô diện tích 150m2), thu 90.000.000 đồng.
Tổng cộng năm 2009, L đã giao 04 lô đất tổng diện tích 525m2 cho 03 hộ gia đình, thu 125.000.000 đồng.
* Từ đầu năm 2010 đến tháng 11 năm 2010:
- Giao cho ông Phạm Văn D, sinh năm 1960 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 50.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Văn Yên, sinh năm 1962 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô đất diện tích 150m2, thu 50.000.000 đồng.
- Giao cho bà Lê Thị V, sinh năm 1955 ở thôn S, xã Q, huyện D 02 lô đất tổng diện tích 300m2 (mỗi lô diện tích 150m2), thu 100.000.000 đồng.
- Giao cho ông Nguyễn Quang Th, sinh năm 1965 ở thôn S, xã Q, huyện D 02 lô đất tổng diện tích 300m2 (mỗi lô diện tích 150m2), thu 90.000.000 đồng.
- Giao cho ông Phạm Văn Chén, sinh năm 1958 ở thôn S, xã Q, huyện D 04 lô đất tổng diện tích 600m2 (mỗi lô diện tích 150m2), thu 200.000.000 đồng.
Tổng cộng từ đầu năm 2010 đến tháng 11 năm 2010, L đã giao 10 lô đất tổng diện tích 1.500m2 cho 05 hộ gia đình, thu 490.000.000 đồng.
Ngày 26/11/2010, Chủ tịch UBND huyện D ban hành Quyết định số 336/QĐ-UBND về việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đối với một số khu vực thuộc các xứ đồng Sốc Làng + Đồng Bấu + Má Đẻ, thôn S + thôn Núi; xứ đồng Cửa Trại, thôn Tân Lập, xã Q. Theo Quyết định thì số diện tích đất bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng là 23.908,5m2. Trong đó: đất nông nghiệp giao 20 năm là 16.684,6m2; đất công ích do UBND xã quản lý là 6.920,8m2; đất chuyên dùng (đường nội đồng) là 303,1m2 để sử dụng vào mục đích quy hoạch khu dân cư cho nhân dân xã Q, trong đó giao đất có thu tiền sử dụng đất 156 lô tổng diện tích 16.726,5m2, còn lại là đất giao thông, thủy lợi và tạm giao cho UBND xã Q quản lý (gọi tắt là Quyết định số 336). Do nắm được nội dung của Quyết định 336 và chủ trương của UBND huyện D về việc chuyển mục đích sử dụng đất của thôn S, trong đó có diện tích đất thuộc xứ đồng Sốc Làng, Đồng Bấu, dự kiến huyện sẽ giao mỗi lô đất ở chỉ có diện tích 100m2 (rộng 5m, dài 20m) nên L đã thống nhất với 28 hộ dân đã được L giao đất trước đó điều chỉnh diện tích mỗi lô đất còn 100m2 cho phù hợp với quy hoạch của UBND huyện D và được các hộ đồng ý.
Sau khi điều chỉnh thì diện tích các lô đất đã giao cho các hộ dân cụ thể như sau:
- Bà Nguyễn Thị S 03 lô tổng diện tích 300m2 (100m2/1 lô).
- Ông Nguyễn Thanh Quang 01 lô diện tích 175m2.
- Ông Phạm Văn Cử 01 lô diện tích 100m2.
- Bà Nguyễn Thị Chiên 01 lô diện tích 100m2.
- Bà Nguyễn Thị Toán 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Phạm Văn Vát 01 lô đất diện tích 120m2.
- Bà Phạm Thị L1 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Vương Văn An 02 lô đất tổng diện tích 280m2.
- Bà Phạm Thị C1 01 lô diện tích 100m2.
- Anh Phạm Văn S1 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Phạm Văn Bắc 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Nguyễn Văn Bắc 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Phạm Văn Thanh 01 lô diện tích 100m2.
- Anh Phạm Văn L5 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Nguyễn Văn Q 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Nguyễn Văn Dũng 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Phạm Văn Ca 01 lô diện tích 100m2.
- Bà Nguyễn Thị Xuyên 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Phạm Văn T1 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Nguyễn Văn Phong 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Nguyễn Tiến Lũy 01 lô diện tích 150m2 (giữ nguyên).
- Ông Phạm Văn D 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Nguyễn Văn Yên 01 lô diện tích 100m2.
- Ông Nguyễn Quang S2 02 lô tổng diện tích 200m2 (100m2/1 lô).
- Bà Lê Thị V 02 lô tổng diện tích 200m2 (100m2/1 lô).
- Ông Phạm Văn Chén 04 lô tổng diện tích 400m2 (100m2/1 lô).
- Ông Nguyễn Quang Th 02 lô tổng diện tích 200m2 (100m2/1 lô).
Tổng số 37 lô đất đã giao cho 28 hộ khi điều chỉnh lại chỉ còn 36 lô với tổng diện tích là 3.825m2, dư ra 1.800m2 so với diện tích ban đầu L đã giao cho các hộ. Số diện tích đất dư ra này L đã dùng 900m2 phân ra làm 09 lô đất, mỗi lô có diện tích 100m2 (rộng 05m, dài 20m) bán tiếp cho 06 hộ, thu tiền mỗi lô 50.000.000 đồng, được tổng số tiền 450.000.000 đồng; phần diện tích đất còn lại là 900m2 sử dụng làm hành lang đường, lưới điện, mương nước theo quy hoạch. Cụ thể các hộ được L bán tiếp như sau:
- Bà Phạm Thị Quế, sinh năm 1983 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô diện tích 100m2, thu 50.000.000 đồng.
- Ông Nguyễn Văn Khâm, sinh năm 1952 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô diện tích 100m2, thu 50.000.000 đồng.
- Ông Nguyễn Tiến Nhự, sinh năm 1947 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô diện tích 100m2, thu 50.000.000 đồng.
- Bà Phạm Thị Liệp, sinh năm 1962 ở thôn S, xã Q, huyện D 01 lô diện tích 100m2, thu 50.000.000 đồng.
- Ông Nguyễn Văn P, sinh năm 1958 ở thôn S, xã Q, huyện D 02 lô tổng diện tích 200m2, thu 100.000.000 đồng.
- Ông Nguyễn Văn Hiển, sinh năm 1955 ở thôn S, xã Q, huyện D 03 lô tổng diện tích là 300m2, thu 150.000.000 đồng.
Như vậy, sau khi điều chỉnh lại thì diện tích đất L đã bán cho các hộ dân qua từng năm là: Năm 2007 bán 500m2 cho 03 hộ; năm 2008 bán 1.900m2 cho 17 hộ; năm 2009 bán 425m2 cho 03 hộ; năm 2010 bán 1.900m2 cho 11 hộ. Tổng diện tích đất L đã bán là 4.725m2, phân thành 45 lô cho 34 hộ, thu tổng số tiền 2.055.000.000 đồng.
Ngày 28/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện D ra Quyết định trưng cầu định giá tài sản số 03 để định giá 5.625m2 đất do L bán trái phép theo từng thời điểm. Do việc xác định diện tích đất L bán cho dân là không chính xác vì sau khi điều chỉnh diện tích đất L bán cho dân làm đất ở chỉ có 4.725m2, còn 900m2 dùng làm hành lang đường, lưới điện, mương nước theo quy hoạch nên ngày 25/10/2012, Viện kiểm sát nhân dân huyện D ra Quyết định trưng cầu định giá tài sản đối với 4.725m2 đất là loại đất ở. Tại Kết luận về việc xác định giá trị tài sản đất ở nông thôn số 02/KL-ĐGTS ngày 31/10/2012 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện D kết luận: Giá trị tài sản 4.725m2 đất ở nông thôn tại thời điểm năm 2010 có giá trị 2.362.500.000 đồng.
Ngày 02/12/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện D ra Quyết định trưng cầu định giá tài sản để định giá 4.725m2 đất do L bán trái phép theo từng thời điểm. Tại Kết luận định giá tài sản trong tố tụng hình sự số 77/KL-ĐGTS ngày 04/12/2014 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện D kết luận: 4.725m2 đất nông nghiệp tại thời điểm giao trái phép có giá trị là 163.100.000 đồng.
Thực hiện Quyết định số 336 của UBND huyện D, UBND xã Q đã tiến hành thông báo, niêm yết công khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất để quy hoạch đất ở và cùng với Ban quản lý thôn S họp bàn, thống nhất với nhân dân là ưu tiên những hộ dân đã mua đất do L giao trái phép được nhận đúng vị trí lô đất đã nhận trước đó, không phải gắp phiếu, các hộ dân cũng cam kết khi được nhận đất Nhà nước giao sẽ nộp đầy đủ tiền theo khung giá của Nhà nước quy định, còn khoản tiền đã nộp cho L thì các hộ đều yêu cầu L phải trả lại. Do đó, 30 hộ dân đã được huyện giao đất theo đúng như vị trí lô đất mà họ đã mua của L trước đó, còn lại 04 lô đất của 04 hộ là nằm ngoài quy hoạch gồm: hộ ông Nguyễn Tiến Lũy 150m2, hộ ông Phạm Văn L5 100m2, hộ ông Nguyễn Thanh Quang 75m2, hộ ông Vương Văn An 80m2. Trong số 30 hộ dân đã được giao đất theo đúng quy hoạch, đến nay có 03 hộ đã được Ban quản lý thôn mới nộp tiền sử dụng đất vào kho bạc và đã được Chủ tịch UBND huyện D cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 04 lô đất; Còn 27 hộ được giao đất theo Quyết định số 336 của UBND huyện D với 37 lô đất chưa nộp tiền sử dụng đất nên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tổng số tiền chưa thu được của các hộ để nộp vào ngân sách Nhà nước là 1.666.500.000 đồng.
Việc sử dụng số tiền bán đất trái thẩm quyền
Do đặc thù trong công tác quản lý kinh tế tài chính cấp thôn không phải là đơn vị được cấp ngân sách; hoạt động thu chi, theo dõi quản lý thu chi chủ yếu là ghi sổ hoặc có lập phiếu thu, chi nhưng việc quản lý, bảo quản các chứng từ thu, chi không theo đúng quy định của Nhà nước; số tiền 2.055.000.000 đồng thu được từ việc giao đất trái phép của các năm đã được nhập vào quỹ thôn cùng với các khoản thu khác của thôn nên tổng số tiền thu được nhập vào quỹ thôn S trong thời gian từ năm 2007 đến hết năm 2010 là 2.636.190.000 đồng gồm các khoản thu sau: Tiền thu từ việc giao đất trái phép 2.055.000.000 đồng; tiền nhà nước hỗ trợ thủy lợi phí 53.000.000 đồng; tiền đền bù hoa lợi 53.000.000 đồng; Tiền nhân dân đóng góp trong lễ khánh thành nhà văn hóa thôn 25.190.000 đồng; Tiền nhân dân ủng hộ khi được Nhà nước giao đất tại xứ đồng Má Đẻ của thôn là 450.000.000 đồng.
Tổng số tiền chi cho việc xây dựng các công trình phúc lợi và hỗ trợ các trường học từ nguồn quỹ thôn là 2.356.037.000 đồng gồm: Chi xây dựng đường bê tông nội thôn 467.000.000 đồng; chi xây dựng nhà văn hóa thôn (tính đến ngày 17/02/2011) là 948.234.000 đồng; chi xây dựng sân, đường, hòn non bộ của nhà văn hóa, kiên cố hóa kênh mương 578.000.000 đồng; chi xây dựng tường bao quanh nhà văn hóa thôn 289.119.000 đồng; chi hỗ trợ mua thiết bị cho nhà mầm non ở thôn là 68.684.000 đồng; chi hỗ trợ trường tiểu học của xã 5.000.000 đồng và chi phục vụ cho hoạt động của Ban lãnh đạo và một số ban, ngành của thôn. một số công trình nhỏ chưa được quyết toán. Đến nay, một số công trình nhỏ chưa được quyết toán nên thôn S vẫn còn nợ tiền một số đơn vị, cá nhân thi công các công trình như: nợ bà Nguyễn Thị Mơ, sinh năm 1960 ở số nhà 18, đường Đàm Thuận Huy, phường Trần Phú, thành phố Bắc Giang 27.059.930 đồng; nợ tiền các chủ thi công là ông Lê Xuân Tứ, sinh năm 1958 ở số nhà 280 đường Nguyễn Công Hãng, phường Trần Nguyên Hãn, thành phố Bắc Giang và ông Nguyễn Quang S2, sinh năm 1957 ở thôn S, xã Q, huyện D, do chưa quyết toán nên chưa xác định được cụ thể số tiền còn nợ.
Ngoài ra, đầu năm 2007 các thôn S, thôn Núi và thôn Tân Ngọc có chủ trương xây dựng lớp mầm non của 03 thôn đặt tại thôn S. Đại diện của 03 thôn gồm Bí thư chi bộ và các Trưởng thôn đã thống nhất với bà Lê Thị H5 là Hiệu trưởng Trường mầm non bán công xã Q đề nghị UBND xã Q cho xây dựng lớp mầm non từ nguồn quỹ của 03 thôn cùng với tiền đóng góp của nhân dân. UBND xã Q đồng ý và giao cho Phạm Văn L liên hệ với đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng để thiết kế lớp mầm non. L thuê anh Nguyễn Văn Th1, sinh năm 1971 ở số nhà 71, đường Hùng Vương, phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang là kỹ sư xây dựng, đại diện cho Công ty TNHH tư vấn đầu tư xây dựng H lập hồ sơ thiết kế. Sau khi hoàn thành, anh Thành đã giao hồ sơ thiết kế này cho L để trình lên UBND xã Q. Nhưng do hồ sơ thiết kế không phù hợp với mẫu trường chuẩn quốc gia nên UBND xã Q không sử dụng được và không ký hợp đồng tư vấn thiết kế. Trong thời gian thuê anh Thành thiết kế, L đã tạm ứng 3.000.000 đồng từ quỹ làm đường bê tông của thôn trả cho anh Thành tiền công thiết kế và chi phí in ấn hồ sơ thiết kế.
Cũng trong thời gian đó, thôn S tổ chức làm đường bê tông bằng nguồn vốn do nhân dân tự đóng góp mỗi hộ 500.000 đồng và tiền bán đất trái thẩm quyền, L đã nhiều lần tạm ứng tiền quỹ của thôn từ thủ quỹ (bà Nguyễn Thị L6) để chi phục vụ cho việc làm đường như: Mua nguyên vật liệu và các chi phí khác. Đến khi thanh toán các khoản tiền đã tạm ứng với bà L6, do L chi tiêu cá nhân thâm hụt vào số tiền đã tạm ứng của thôn nên L nói với ông Phạm Văn Q1 là Kế toán thôn viết Phiếu chi số 157 đề ngày 10/11/2007 có nội dung chi trả tiền thiết kế xây dựng nhà mầm non số tiền 23.191.000 đồng. Để hợp lý hóa số tiền đã nhận theo Phiếu chi số 157, L đã nhờ một phụ nữ trong thôn (L không nhớ người nào) giả chữ viết, chữ ký của bà Lê Thị H5 (bà Hởi đã chết năm 2008) viết giấy biên nhận có nội dung bà Hởi đã nhận số tiền 23.191.000 đồng do L đưa để làm thủ tục thiết kế nhà mầm non, thực tế số tiền đó L không đưa cho bà Hởi, L chỉ đưa cho anh Nguyễn Văn Th1 là kỹ sư xây dựng 3.000.000 đồng, số tiền còn lại 20.191.000 đồng L đã chi tiêu hết. Ngày 28/3/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện D ra Quyết định trưng cầu chữ viết, chữ ký mang tên bà Lê Thị H5 trong giấy biên nhận đề ngày 08/11/2007. Tại Kết luận giám định số 256/KL-PC54 ngày 03/4/2012 của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bắc Giang kết luận: Chữ viết, chữ ký trong giấy biên nhận đề ngày 08/11/2007 không phải là chữ viết, chữ ký của bà Lê Thị H5.
Quá trình điều tra, L khai: Trong số tiền 20.191.000 đồng L đã chi cho tổ phụ nữ xóm Chùa, thôn S đi thăm quan hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên là 4.200.000 đồng; chi cho Hội liên gia ngõ gia đình nhà L đang sinh sống đi thăm quan vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh 8.000.000 đồng; chi tiền nộp phạt khi cho nhân dân trong thôn đi chợ cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn là 8.000.000 đồng. Tuy nhiên, các khoản chi đó L không có tài liệu, chứng từ gì chứng minh và kết quả điều tra, xác minh đã xác định khoản tiền 23.191.000 đồng đã được xuất ra từ quỹ của thôn, trong số tiền do nhân dân đóng góp để làm đường bê tông và tiền bán đất trái phép, không có chứng từ, tài liệu gì thể hiện L đã chi vào công việc chung của thôn.
Ngày 17/4/2012, L đã nộp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện D số tiền 23.191.000 đồng để khắc phục hậu quả.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 66/2015/HSST ngày 08/12/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang áp dụng khoản 3, 4 Điều 282; khoản 1, 5 Điều 278; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 33 và Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn L 06 năm tù về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và 02 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 08 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án, được trừ thời gian đã tạm giam từ ngày 21/9/2011 đến ngày 24/11/2011 và từ ngày 18/11/2013 đến ngày 16/7/2014. Cấm Phạm Văn L đảm nhiệm chức vụ sau khi hết hạn tù 03 năm.
Về trách nhiệm dân sự: Không có yêu cầu đặt ra để giải quyết.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 22/12/2015, bị cáo Phạm Văn L kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Ngày 12/01//2016, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Nguyễn Văn P, Nguyễn Tiến Nhự, Nguyễn Thị S, Phạm Văn T1, Nguyễn Văn T2, Nguyễn Văn Q, Phạm Văn S1, Phạm Thị C1, Phạm Đình Đ, Phạm Thị L1, Lê Thị V, Phạm Văn D, Vũ Thị P, Nguyễn Quang Th, Nguyễn Quang S2 kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết đồng thời trách nhiệm dân sự trong vụ án, yêu cầu thôn nộp tiền đất trả cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn L giữ nguyên nội dung kháng cáo, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày như sau:
Bị cáo Phạm Văn L trình bày: Bị cáo không phạm tội như cáo trạng, Bản án sơ thẩm đã quy kết; bị cáo chỉ là người thực hiện Nghị quyết của Chi bộ thôn, bị cáo không có hành vi thu tiền mà số tiền 2.055.000.000 đồng là do thôn vay của các hộ và tạm thế chấp cho mỗi suất 150m2 đất nông nghiệp; thiệt hại thực tế không phải là 2.055.000.000 đồng mà nguyên đơn dân sự là UBND huyện D đã xác định là không có thiệt hại xẩy ra, những người cho thôn vay tiền đến nay đã được cấp đất đúng với diện tích và vị trí đã thế chấp; đối với số tiền 20.191.000 đồng bị cáo không chiếm đoạt mà đã chi cho các hoạt động của các Đoàn thể của thôn, bị cáo không tư lợi cá nhân, không gây thiệt hại cho nhân dân mà chỉ làm lợi cho nhân dân là được sử dụng các công trình phúc lợi. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo trình bày: Bản án sơ thẩm xét xử chưa khách quan, chưa xem xét đến phần trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại làm ảnh hưởng đế quyền lợi của những người đã bỏ tiền ra mua đất nhưng không được cấp đất. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét phân định ai là người có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền cho những người dân đã bỏ ra mua đất và giải quyết dứt điểm để bảo đảm quyền lợi cho những người dân đã nộp tiền cho thôn.
Đại diện thôn S trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết phần dân sự để đảm bảo quyền lợi cho người dân; đối với số tiền 20.191.000đ mà bị cáo L chiếm đoạt xác định đây là thiệt hại của thôn, nên đề nghị xem xét để trả lại cho thôn S.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm: Sau khi phân tích, đánh giá chứng cứ, xem xét tính chất hành vi của bị cáo; cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo; xem xét kháng cáo của bị cáo thấy rằng: Cấp sơ thẩm đã quy kết bị cáo về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” là có căn cứ, bị cáo không bị oan. Khi xét xử cấp sơ thẩm đã xem xét đến tính chất, hành vi phạm tội của bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt bị cáo mức án như Bản án sơ thẩm đối với tội này là có căn cứ; tại cấp phúc thẩm không có thêm tình tiết gì mới, nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo.
Đối với tội “Tham ô tài sản”: Xét đây là tài sản của thôn S có được từ nhân dân đóng góp cũng như bán đất trái phép thu được, không phải là ngân sách Nhà nước, nên không phải là tài sản của Nhà nước. Vì thế, cấp sơ thẩm quy kết đối với bị cáo về tội “Tham ô tài sản” là thiếu căn cứ; hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” nên cần áp dụng khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự để xử phạt bị cáo mức án 18 tháng tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiến đoạt tài sản”.
Tổng hợp hình phạt chung buộc bị cáo phải chấp hành cho cả hai tội là 7 năm 6 tháng tù.
Đối với kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thấy: Tại cấp sơ thẩm có nhiều người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu xem xét giải quyết trách nhiệm dân sự trong cùng vụ án, nhưng cấp sơ thẩm đã không xem xét giải quyết đảm bảo quyền lợi cho những người dân, nên không giải quyết triệt để vụ án, nếu cấp phúc thẩm giải quyết luôn sẽ làm mất quyền kháng cáo của các đương sự, vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử hủy một phần Bản án về trách nhiệm dân sự để giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Văn L có ý kiến: Trong quá trình điều tra, truy tố cấp sơ thẩm đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; việc định giá tài sản không đúng quy định pháp luật như về phương pháp, trình tự, đối tượng là loại đất gì, diện tích quy kết sai với thực tế; việc định giá lại vẫn thành phần hội đồng định giá cũ là không đảm bảo tính khách quan mà việc định giá lại phải do cấp trên thực hiện; cấp sơ thẩm bỏ sót người tham gia tố tụng là thôn S, UBND xã Q, UBND huyện D và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cấp sơ thẩm tách phần trách nhiệm dân sự ra không giải quyết trong cùng vụ án khi có yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự; việc làm của bị cáo là thực hiện quyết định của tập thể lãnh đạo thôn, nhưng chỉ có mình bị cáo L phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với hành vi tham ô tài sản mà cấp sơ thẩm quy kết đối với bị cáo là thiếu căn cứ, tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát cũng thừa nhận số tiền 23.191.000đ là của nhân dân thôn, không phải là tài sản của Nhà nước; việc chi của bị cáo đã được nhân dân trong thôn đồng ý, nên bị cáo không phạm tội.
Với những vi phạm trên, đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm để điều tra lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phạm Văn L khai về hành vi giao đất cho người dân như đã khai nhận tại cơ quan Điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng bản thân bị cáo không tự ý bán đất mà chỉ thực hiện Nghị quyết của Chi bộ thôn giao cho thôn tìm nguồn lấy quỹ đất của thôn để có kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi của thôn S, xã Q, huyện D. Vì vậy, bị cáo đã cùng ban lãnh đạo thôn cho họp dân để bàn đi đến thống nhất dùng quỹ đất của thôn có sẵn với ý định sẽ phân lô về diện tích và tự định ra mức giá từng lô đất giao cho các hộ để các hộ nộp một khoản tiền, lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi cho thôn, sau này khi có quy hoạch sẽ đề nghị Nhà nước cấp đất theo qu y định. Việc làm của bị cáo chỉ là thay mặt nhân dân trong thôn để tạm vay những hộ có nhu cầu mua đất gây quỹ cho thôn, bị cáo không thu tiền để trục lợi cá nhân nên không phạm tội. Tuy bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng căn cứ vào các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án; đối chiếu lời khai của bị cáo tại phiên tòa hôm nay cũng như lời khai của bị cáo trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong vụ án thì Hội đồng xét xử phúc thẩm có đủ cơ sở để kết luận: Sau khi được bầu cũng như phê chuẩn làm trưởng thôn S, xã Q, huyện D; trong thời gian từ cuối năm 2007 đến năm 2010, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai, bị cáo L đã có hành vi vượt quá thẩm quyền được giao, làm trái quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, tự ý lập ban xây dựng, phân lô định giá đất sau đó bán cho các hộ dân để thu tiền sử dụng vào việc xây dựng các công trình phúc lợi của thôn với tổng số tiền lên tới 2.055.000.000 đồng. Hành vi này của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Cấp sơ thẩm đã quy kết và xét xử bị cáo về tội danh này là có căn cứ, đúng pháp luật, bị cáo không bị oan. Do tổng diện tích đất bị cáo đã bán cho nhân dân là 4.725m2, theo Kết luận định giá số 77/KL- ĐGTS ngày 04/12/2014 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự của huyện D thì tổng giá trị quyền sử dụng đất (theo giá đất nông nhiệp) qua từng thời điểm là 163.150.000 đồng, nhưng cấp sơ thẩm lại căn cứ vào kết quả định giá tại thời điểm khởi tố vụ án và theo gia đất ở nông thôn để quy kết trách nhiệm hình sự là không đúng quy định pháp luật, vì khi bị cáo bán đất là đất nông nghiệp, làm bất lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần nên vẫn thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự. Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân cấp sơ thẩm truy tố bị cáo theo khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự là có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt bị cáo theo khoản 3 Điều 282 Bộ luật hình sự là không đúng quy định pháp luật, nên cần sửa Bản án sơ thẩm để xử phạt bị cáo theo khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự mới đúng quy định của pháp luật. Do khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự có khung hình phạt nhẹ hơn, nên cần xem xét giảm nhẹ cho bị cáo và xử bị cáo ở mức khởi điểm của khung hình phạt là phù hợp. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị giữ nguyên Bản án sơ thẩm đối với tội này là không phù hợp.
[2] Đối với hành vi chiếm đoạt số tiền 23.191.000 đồng của quỹ thôn: Trong thời gian làm trưởng thôn, bị cáo đã chỉ đạo làm chứng từ giả rút số tiền 23.191.000 đồng có nội dung chi để làm thiết kế trường mầm non thôn, nhưng thực chất bị cáo chỉ chi 3.000.000 đồng cho anh Nguyễn Văn Th1, số tiền còn lại bị cáo đã chi tiêu hết. Xét đây là tiền trong số tiền của nhân dân đóng góp và tiền thu trái pháp luật, không phải là tiền ngân sách của Nhà nước mà bị cáo có trách nhiệm quản lý, nên không thỏa mãn cấu thành của tội “Tham ô tài sản”, nhưng cấp sơ thẩm đã quy kết, xét xử bị cáo về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 1 Điều 278 Bộ luật hình sự năm 1999 là thiếu căn cứ. Mặc dù bị cáo cho rằng số tiền này bị cáo đã chi cho các hoạt động của thôn như chi cho Hội phụ nữ đi tham qu an, chi cho tổ Liên gia, chi nộp phạt cho nhân dân…; nhưng có căn cứ khẳng định bị cáo đã lập giả chứng từ để rút 20.191.000 đồng là có thật, quá trình điều tra bị cáo thừa nhận do cá nhân bị cáo tiêu thâm hụt vào quỹ của thôn nên đã làm chứng từ giả để hợp thức hóa số tiền bị thâm hụt; việc bị cáo có chi cho các tổ chức Đoàn thể hay không đó là việc cá nhân bị cáo; tại phiện tòa phúc thẩm đại diện cho thôn S vẫn khẳng định số tiền 20.191.000đ là quỹ của thôn do bị thiệt hại, nên đề nghị phải trả lại cho thôn. Hành vi này của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 280 Bộ luật hình sự năm 1999. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo cho rằng việc bị cáo khai nhận tại cơ quan Điều tra là do Điều tra viên mớm cùng, viết sẵn các bản cung cho bị cáo ký, nhưng không có căn cứ chứng minh cho việc này, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất bị cáo không khiếu nại về hành vi tố tụng của Điều tra viên, nên không có căn cứ để chấp nhận.
[3] Xét hành vi của bị cáo là rất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội; hành vi đó đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, đồng thời gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; gây dư luận xấu trong nhân dân. Do vậy, cần có hình phạt nghiêm tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
[4] Xét kháng cáo của bị cáo L thấy rằng: Như đã phân tích trên thì bị cáo không bị oan, bị cáo cho rằng mình không phạm tội là do nhận thức củ a bị cáo. Khi xét xử cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng hành vi phạm tội của các bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; nhưng chưa đánh giá đúng tính chất mức độ, hậu quả thiệt hại nên đã xử phạt bị cáo mức án như Bản án sơ thẩm là có phần nghiêm khắc. Bởi vì, đối với tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” bị cáo chỉ bị xử phạt ở khoản 2 Điều 282 Bộ luật hình sự; đối với hành vi chiếm đoạt số tiền 20.191.000 đồng: Như đã phân tích ở trên, hành vi của bị cáo cấu thành tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, đây là tội phạm có khung hình phạt nhẹ hơn tội “Tham ô tài sản”; hơn nữa bị cáo đã nộp đủ số tiền để khắc phục hậu quả. Vì vậy, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội cần xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo về cả hai tội là có căn cứ. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại phiên tòa phúc thẩm đề nghị chuyển tội danh sang tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo là có căn cứ.
[5] Đối với kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Hội đồng xét xử thấy: Quá trình điều tra, nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu được xem xét giải quyết phần dân sự trong cùng vụ án; đặc biệt tại phiên tòa sơ thẩm hầu hết những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là những người đã bỏ tiền ra mua đất, cũng như anh Phạm Văn L5 (là con của bị cáo L) có mặt đều có yêu cầu và yêu cầu của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có căn cứ rõ ràng, nhưng tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định trong Bản án không có ai có yêu cầu để tách phần dân sự ra không xem xét trong cùng vụ án là không tuân thủ quy định tại Điều 30 Bộ luật tố tụng hình sự; không đúng với diễn biến tại phiên tòa, vi phạm quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng như giải quyết vụ án không triệt để, nên những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án kháng cáo yêu cầu được xem xét giải quyết phần dân sự trong cùng vụ án là có căn cứ. Tuy nhiên, do Tòa án cấp sơ thẩm chưa giải quyết nếu Tòa án cấp phúc thẩm xem xét để giải quyết trong giai đoạn xét xử phúc thẩm sẽ vi phạm nguyên tắc xét xử hai cấp, làm mất đi quyền kháng cáo của các đương sự. Hơn nữa, trong vụ án này còn có số tiền 20.191.000 đồng mà bị cáo chiếm đoạt của thôn S, nhưng cấp sơ thẩm lại sung công quỹ Nhà nước mà không trả lại cho thôn là chưa phù hợp; số tiền thu được từ việc bán đất đã đầu tư vào các công trình phúc lợi của thôn S, xã Q chưa được thanh quyết toán xong, nhưng cấp sơ thẩm đã không xem xét để đưa thôn S và UBND xã Q vào tham gia tố tụng. Những vi phạm này tại Bản án phúc thẩm số 43/2014/HSPT ngày 10/3/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang đã lấy làm căn cứ để hủy Bản án số 81/HSST ngày 29/11/2013 của Tòa án nhân dân huyện D, nhưng khi xét xử sơ thẩm lại, chính Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang vẫn không khắc phục những vi phạm mà Bản án phúc thẩm đã chỉ ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án; trong đó có quyền kháng cáo Bản án sơ thẩm. Ngoài ra tại Bản án sơ thẩm lại xác định UBND thành phố Bắc Giang là nguyên đơn dân sự là không chính xác; tuy việc này sau đó Tòa án cấp sơ thẩm đã có thông báo số 33/2015/TB-ĐC ngày 22/12/2015 đính chính, bổ sung Bản án nhưng tại thông báo này lại xác định nguyên đơn dân sự là UBND thành phố Bắc Giang dẫn đến ngày 03/6/2016 UBND huyện D, tỉnh Bắc Giang có công văn số 472/UBND-NC gửi Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét đến tư cách của UBND huyện D trong vụ án và đến ngày 10/6/2016 Tòa án nhân tỉnh Bắc Giang lại có Thông báo việc đính chính, bổ sung Bản án sơ thẩm số 18/2016/TB-ĐC xác định lại nguyên đơn dân sự là UBND huyện D, tỉnh Bắc Giang. Như vậy, do Bản án sơ thẩm đã có sai lầm trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng, sau đó lại ban hành các thông báo đính chính Bản án tùy tiện, vi phạm pháp luật. Đây là những vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Tuy nhiên, vi phạm này chủ yếu liên quan đến phần trách nhiệm dân sự trong vụ án, nên không cần thiết phải hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm mà chỉ cần hủy một phần Bản án liên quan đến phần dân sự, xử lý vật chứng trong vụ án để xét xử lại cho đúng với quy định của pháp luật.
[6] Bị cáo L, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chấp nhận nên không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
[7] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm b, c khoản 1 Điều 355; Điều 357; Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Phạm Văn L; chấp nhận kháng cáo của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Sửa Bản án sơ thẩm số: 66/2015/HSST ngày 08/12/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Phạm Văn L, tuyên bố bị cáo Phạm Văn L phạm tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”;
Áp dụng điểm b khoản 2, 4 Điều 282; khoản 1 Điều 280; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 33; Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999; xử phạt bị cáo Phạm Văn L 05 (năm) năm tù về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” và 01 (một) năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 06 (sáu) năm tù; thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, nhưng được trừ thời gian đã tạm giam (từ ngày 21/9/2011 đến ngày 24/11/2011) và (từ ngày 18/11/2013 đến ngày 16/7/2014). Cấm bị cáo Phạm Văn L đảm nhiệm chức vụ quản lý thôn trong thời hạn 03 (ba) năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
2. Hủy một phần Bản án sơ thẩm số: 66/2015/HSST ngày 08/12/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về phần trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang để giải quyết lại theo thủ tục chung theo quy định của pháp luật.
Về án phí: Bị cáo Phạm Văn L và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có kháng cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm; trả lại tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà những người kháng cáo đã nộp tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang, gồm:
Ông Nguyễn Quang Th số tiền 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000269; ông Phạm Văn T1 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000267; ông Nguyễn Quang S2 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000268; bà Phạm Thị L1 theo biên lai số AA/2010/000266; ông Phạm Đình Đ 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000265; bà Nguyễn Thị S 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000264; ông Nguyễn Văn Q 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000263; bà Phạm Thị C1 theo biên lai số AA/2010/000262; ông Nguyễn Tiến Nhự 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000261; bà Lê Thị V số tiền 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000258; ông Phạm Văn D số tiền 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000260; ông Phạm Văn S1 số tiền 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000259; ông Nguyễn Văn P số tiền 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000270; ông Nguyễn Văn T2 số tiền 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000272; bà Vũ Thị P số tiền 200.000đ theo biên lai số AA/2010/000271 cùng ngày 12/01/2016.
Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm số: 66/2015/HSST ngày 08/12/2015 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 432/2019/HS-PT ngày 26/07/2019 về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 432/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 26/07/2019 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về