TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 423/2022/HS-PT NGÀY 27/09/2022 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, SỬ DỤNG CON DẤU HOẶC TÀI LIỆU GIẢ CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC
Ngày 27 tháng 9 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 377/2022/TLPT-HS ngày 05 tháng 9 năm 2022 đối với bị cáo Trần Thị T về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, do có kháng cáo của bị hại chị Hà Thị H1 và anh Phan Văn H2 đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2022/HS-ST ngày 28/7/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
- Bị cáo bị kháng cáo:
Trần Thị T (tên gọi khác: Út), sinh năm: 1991 tại Bình Định; cư trú tại: 54 đường Q, thị trấn P, huyện T1, tỉnh Bình Định; nghề nghiệp: lao động tự do; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Kinh; con ông Trần Văn S, sinh năm 1964 và bà Huỳnh Thị Đ, sinh năm 1965; chồng: Lê Tấn D, sinh năm 1992, có 01 con, sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: không; bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 23/4/2021, có mặt tại phiên tòa.
- Người bào chữa theo chỉ định cho bị cáo: Ông Hồ Thành P1 - Luật sư Văn phòng Luật sư TP thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định; có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Bị hại: Chị Hà Thị H1, sinh năm 1976 và anh Phan Văn H2, sinh năm 1971; Cùng cư trú tại: 203 Đ, thị trấn P, huyện T1, tỉnh Bình Định; vắng mặt.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại: Ông Phùng Ngọc Q1 - Luật sư Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bình Định, (vắng mặt) - Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Anh Lê Tấn D, sinh năm: 1992; Cư trú tại: Thôn V1, xã V2, huyện V3, tỉnh Bình Định, (vắng mặt) - Chị Trần Thị Q2, sinh năm: 1988; Cư trú tại: Khối P2, thị trấn P, huyện T1, tỉnh Bình Định, (có mặt) - Chị Trần Thị Th, sinh năm: 1996; Cư trú tại: Khối P2, thị trấn P, huyện T1, tỉnh Bình Định, (có đơn xin xét xử vắng mặt)
NỘI DUNG VỤ ÁN
[1] Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Khoảng tháng 7/2018, Trần Thị T cùng chồng là Lê Tấn D chuyển nhượng căn nhà tại địa chỉ số 54 Q, thị trấn P, huyện T1, tỉnh Bình Định cho vợ chồng chị H1 và thuê lại căn nhà này để tiếp tục kinh doanh. Lợi dụng mối quan hệ này, T đã nhiều lần nói dối với chị H1 là cần tiền đặt cọc, thanh toán tiền mua nhà ở Q3 và hứa sau khi hoàn tất việc mua nhà sẽ thế chấp vay tiền ngân hàng trả lại. Đến thời điểm trả nợ theo thỏa thuận, nhưng không có tiền, nên T đặt làm giả 01 “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” mang tên Trần Thị T đối với căn nhà và thửa đất tại thành phố Q3, rồi mang thế chấp cho chị H1 làm tin và tiếp tục vay tiền để làm ăn. Khi số tiền vay lớn hơn giá trị nhà thế chấp, chị H1 không cho T vay nữa. T tiếp tục đặt làm giả 01 “Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô tải” mang tên mình thế chấp cho chị H1 để tiếp tục vay. Cụ thể như sau:
- Lần thứ nhất: Ngày 17/9/2018, T hỏi vay chị H1 200.000.000 đồng để đặt cọc mua nhà ở Q3 và hẹn 04 tháng sau trả lại, chị H1 đồng ý. T và chồng là Lê Tấn D cùng viết giấy mượn 200.000.000 đồng của chị H1. Vợ chồng T đã trả được 85.874.000 đồng, còn chiếm đoạt 114.126.000 đồng.
- Lần thứ hai: Trong tháng 10/2018, T tiếp tục vay chị H1 02 đợt; đợt 1 vay 450.000.000 đồng, đợt 2 vay 500.000.000 đồng, mục đích để trả tiền mua nhà ở Q3 và hứa sau khi nhận chuyển nhượng được nhà sẽ thế chấp vay ngân hàng trả lại tiền cho chị H1. Chị H1 tin là thật nên đồng ý và đưa tiền cho T vay. Từng đợt vay này, T đều viết “Giấy mượn tiền” đưa cho chị H1 giữ. Đến khoảng ngày 15/01/2019, T vào mạng Internet tìm kiếm và liên hệ đặt làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gán liền với đất giả với giá 2 triệu đồng. Ngày 22/01/2019, thông qua dịch vụ chuyển phát bưu phẩm, T nhận được sô đỏ giả có thông tin, đặc điểm: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” số CE126739 do Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Định cấp ngày 08/10/2018; chủ sở hữu: Bà Trần Thị T, CMND số: 215329150, địa chỉ thường trú: 54 đường Q, thị trấn P, huyện T1, tỉnh Bình Định. Thông tin thửa đất và nhà ở: Thửa đất số 312, tờ bản đồ số 63, địa chỉ Tổ 29, khu vực 6, phường Đ, thành phố Q3, tỉnh Bình Định, diện tích 69,2m2. Nhà ở riêng lẻ (02 tầng), diện tích xây dựng: 55,9m2, diện tích sàn 118,7m2” T kiểm tra, nhận sổ và trả tiền cho người giao hàng. Ngay sau khi có được sổ đỏ giả, T mang đưa cho chị H1 giữ làm tin; chị H1 yêu cầu vợ chồng T phải viết giấy thế chấp nhà để xác định trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Ngày 23/01/2019, T viết “Giấy thế chấp nhà” và cùng Lê Tấn D ký vào giấy. Chị H1 nhận giữ giấy thế chấp nhà và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giả do T đưa, trả cho T 02 giấy mượn tiền trước đó. Khoản vay này, vợ chồng T đã trả được 391.470.000 đồng, còn chiếm đoạt 558.530.000 đồng.
- Lần thứ ba: Ngày 19/02/2019, Trần Thị Th (là em ruột T) đến nhà chị H1 nhận số tiền vay 150.000.000 đồng. Khoản vay này, T đã trả được 33.000.000 đồng, còn chiếm đoạt 117.000.000 đồng.
- Lần thứ tư: Ngày 07/3/2019, Trần Thị Q2 (chị ruột T) đến nhà chị H1 nhận số tiền 140.000.000 đồng vay. Quý không ghi giấy nợ nên khi chị H1 yêu cầu T ghi xác nhận nợ là ngày 2/2/2019 Quý có mượn chị H1 140.000.000. Khoản vay này, T đã trả lãi được 27.636.000 đồng, còn chiếm đoạt 112.364.000 đồng.
- Lần thứ năm: Ngày 11/3/2019, T đến nhà chị H1 vay 500.000.000 đồng, T đã trả được 96.008.000 đồng, còn chiếm đoạt 403.992.000 đồng.
Sau lần vay này, chị H1 nói cho T biết sẽ không cho vay nữa vì số tiền nợ đã nhiều. T năn nỉ chị H1 tiếp tục cho vay và hứa sẽ đưa cà vẹt xe ô tô của T cho cho chị H1 giữ làm tin. Tiếp đó, T vào mạng Internet đặt làm giả “Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô” số 008480 do Công an tỉnh Bình Định cấp ngày 23/11/2015; tên chủ xe Trần Thị T, địa chỉ 54 Q thị trấn P, huyện T1; loại xe tải, hiệu CHENGLONG, biển số đăng ký 77C-107.65” với giá 1,5 triệu đồng. T đưa Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô giả nói trên cho chị H1 để thế chấp nhằm vay tiền tiếp.
Ngoài ra, trong sổ theo dõi nợ vay của Trần Thị T do chị H1 tự lập còn thể hiện những khoản tiền như sau:
- Lần thứ sáu: Ngày 10/4/2019 Trần Thị Q2 đến nhà chị H1 trực tiếp nhận số tiền 72.900.000 đồng và ghi nợ cho chị H1. Khoản vay này, T đã trả được 11.060.000 đồng, còn chiếm đoạt 61.824.000 đồng.
- Lần thứ bảy: Ngày 12/4/2019, Trần Thị Q2 đến nhà chị HI trực tiếp nhận số tiền 250.000.000 đồng và ghi nợ cho chị H1. Khoản vay này, T đã trả được 37.348.000 đồng, còn chiếm đoạt 212.652.000 đồng.
- Lần thứ tám: Ngày 19/4/2019, Trần Thị Q2 đến nhà chị H1 trực tiếp nhận số tiền 300.000.000 đồng và ghi nợ cho chị H1. Khoản vay này, T đã trả được 42.000.000 đồng, còn chiếm đoạt 258.000.000 đồng.
- Lần thứ chín: Ngày 22/5/2019, Trần Thị Q2 đến nhà chị H1 trực tiếp nhận số tiền 200.000.000 đồng và ghi nợ cho chị H1. Khoản vay này, T đã trả được 19.204.000 đồng, còn chiếm đoạt 180.796.000 đồng.
- Lần thứ mười: Ngày 30/5/2019, Trần Thị Q2 đến nhà chị H1 trực tiếp nhận số tiền 450.000.000 đồng và ghi nợ cho chị H1. Khoản vay này, T đã trả được 38.400.000 đồng, còn chiếm đoạt 411.600.000 đồng.
- Lần thứ mười một: Ngày 14/6/2019, Trần Thị Q2 đến nhà chị H1 trực tiếp nhận số tiền 80.000.000 đồng và ghi nợ cho chị H1. Khoản vay này, T đã trả được 5.126.000 đồng, còn chiếm đoạt 74.874.000 đồng.
Đến cuối tháng 6/2019 âm lịch, chị H1 yêu cầu T chốt lại các khoản tiền đã vay chưa trả, T đồng ý và viết “Giấy chốt tiền mượn” đưa cho chị H1 giữ. Nội dung tờ giấy thể hiện 11 khoản tiền mượn như đã nêu trên và thể hiện việc thế chấp sổ nhà và cavet xe 77C-107.65 cho chị vợ chồng chị H1. Sau đó, T bỏ đi khỏi địa phương, cắt đứt liên lạc với chị H1. Tháng 3/2020, anh H2 đến Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Định tìm hiểu thì biết “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” do T thế chấp cho mình là giả, nên ngày 18/3/2020 gởi đơn tố giác vợ chồng T, D về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đến cơ quan Công an.
Tại Kết luận giám định số: 88/PC09 ngày 08/5/2020 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Định kết luận: “Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” số CE126739, “Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô” số 008480 là giả; chữ ký, chữ viết trên các “Giấy mượn tiền”, “Giấy thế chấp nhà”, “Giấy chốt tiền mượn” với mẫu so sánh chữ ký, chữ viết của Trần Thị T, Lê Tấn D là do cùng một người ký, viết ra.
[2] Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2022/HSST ngày 28-7-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Trần Thị T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Điểm b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 55 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Trần Thị T 10 (mười) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 03 (ba) năm tù về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho cả hai tội là 13 (mười ba) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 23-4-2021.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về phần xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
[3] Kháng cáo:
Ngày 08-8-2022 bị hại là anh Phan Văn H2 và chị Hà Thị H1 kháng cáo bản án sơ thẩm. Nêu lý do kháng cáo là “Chúng tôi không đồng ý với quyết định của Tòa sơ thẩm, vì không khách quan và không đúng pháp luật, bỏ lọt tội phạm. Gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng chúng tôi.” Yêu cầu xét xử lại vụ án đúng người đúng tội, đúng pháp luật; tăng hình phạt đối với bị cáo.
[4] Tại phiên tòa phúc thẩm Bị hại kháng cáo vắng mặt, không có đơn rút kháng cáo.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Tại giai đoạn phúc thẩm, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bị hại kháng cáo vắng mặt nên đề nghị căn cứ điểm b khoản 1 Điều 351 của Bộ luật Tố tụng hình sự để tiến hành xét xử. Về nội dung: đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1] Về tố tụng: Các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo là bị hại trong vụ án có đơn xin hoãn phiên tòa, nhưng lý do xin hoãn không chính đáng, không vì lý do bất khả kháng hay do trở ngại khách quan. Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 351 của Bộ luật Tố tụng hình sự để tiến hành xét xử. Người bào chữa cho bị cáo vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt có trình bày ý kiến bào chữa cho bị cáo, bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
[2] Về tội danh:
Bị cáo Trần Thị T đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng “Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” giả và “Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô” giả đem thế chấp cho vợ chồng anh Phan Văn H2 và chị Hà Thị H1, vợ chồng anh H2, chị H1 tin là giấy tờ thật nên đã cho bị cáo vay nhiều lần với số tiền là 1.650.000.000đ, bị cáo đã trả được 787.142.000 đồng, còn lại chiếm đoạt 862.858.000 đồng. Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã quyết định bị cáo Trần Thị T phạm các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo điểm a khoản 4 Điều 174 và điểm b khoản 3 Điều 341 của Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
[3] Xét kháng cáo của bị hại về hình phạt đối với bị cáo:
Hành vi do bị cáo Trần Thị T gây ra là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác, đồng thời gây ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an ở địa phương, nên cần xử lý nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra ngoài xã hội thời gian dài, tương xứng với tính chất nguy hiểm do hành vi bị cáo gây ra mới có tác dụng giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung tội phạm.
Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo Trần Thị T nhiều lần có hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền của các bị hại nên phạm vào tình tiết “Phạm tội nhiều lần” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải; bị cáo trả cho bị hại 787.142.000 đồng và đã nộp tiền khắc phục hậu quả là 10.000.000 đồng nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo có hoàn cảnh khó khăn nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS nên áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự.
Bản án sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xử phạt bị cáo T tổng cộng 13 năm tù cho cả hai tội là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm không có tình tiết mới, nên không chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt của bị hại. Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm.
[4] Xem xét về trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Bị hại cho rằng có 11 khoản vay với tổng số tiền là 3.292.900.000đ, đã trả 787.142.000đ, còn lại là 2.505.758.000 đồng là hoàn toàn do vợ chồng bị cáo T vay mượn; chị Th và chị Q2 chỉ là người đến nhận tiền giùm cho bị cáo T, do đó yêu cầu vợ chồng bị cáo phải hoàn trả cho vợ chồng chị H1, anh H2 là 2.505.758.000 đồng. Bị cáo T, chị Q2 và chị Th đều cho ràng bị cáo T vay mượn trực tiếp ghi giấy là 1.650.000.000đ, số tiền còn lại là 1.642.900.000 đồng là của chị Q2 và chị Th vay mượn nên sẽ có trách nhiệm trả nợ cho chị H1 sau. Xét thấy: Số tiền 1.642.900.000 đồng đều do chị Q2 và chị Th trực tiếp nhận tiền và ghi giấy nợ cho chị H1, trong giấy nhận nợ cũng không thể hiện lấy tiền giùm cho bị cáo T. Tại phiên tòa phúc thẩm, chị Q2 cũng thừa nhận nội dung trên là đúng.
Hội đồng xét xử xét thấy bị cáo T đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt 1.650.000.000 đồng, bị cáo đã trả được 787.142.000 đồng, còn phải trả cho người bị hại 862.858.000 đồng. Trong các giấy vay mượn đều thể hiện chồng của bị cáo là anh Lê Tấn D cùng ký giấy vay tiền và giấy thế chấp, do đó anh D cũng phải có trách nhiệm liên đới trả tiền cho vợ chồng chị H1.
Không có căn cứ để buộc vợ chồng bị cáo T phải trả tiền cho vợ chồng chị H1 số tiền là 1.642.900.000 đồng; vợ chồng chị H1 có quyền khởi kiện chị Q2 và chị Th về số tiền này.
[5] Xét kháng cáo về việc có xảy ra bỏ lọt tội phạm:
Bản án sơ thẩm đã nhận định: “Lê Tấn D và bị cáo T đều có hành vi dùng “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” giả thế chấp cho người bị hại Hà Thị H1, Phan Văn H2; chứng cứ chứng minh là “Giấy mượn tiền” và “Giấy thế chấp nhà” (BL 125, 126). Do đó Tòa án đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ hành vi đồng phạm của Lê Tấn D với bị cáo Trần Thị T để khởi tố Lê Tấn D về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tuy nhiên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định có công văn phúc đáp yêu cầu điều tra bổ sung số 936/VKSBĐ-P2 ngày 04/7/2022, theo đó không chấp nhận yêu cầu của Tòa án mà vẫn giữ nguyên bản Cáo trạng số 14/CT-VKSBĐ ngày 11/02/2022 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định”.
Hành vi có ký tên trên một số giấy mượn tiền của Lê Tấn D đã được Kết luận điều tra xác định là không đồng phạm với Trần Thị T. Sau khi có Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã tiến hành ghi lời khai của các bị hại Hà Thị H1 và Phan Văn H2 vào ngày 27-6-2022 thì các bị hại này đều xác nhận toàn bộ quá trình liên hệ, thảo luận là do T thực hiện, Lê Tấn D chỉ đến ký giấy vay khi nhận tiền, không có trao đổi hay ý kiến gì. Như vậy, với tài liệu chứng cứ đã thu thập trong hồ sơ vụ án chưa có cơ sở để cho rằng D có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản cùng với bị cáo T. Tòa án cấp sơ thẩm đã trả hồ sơ điều tra bổ sung về nội dung này nhưng kết quả điều tra bổ sung không có gì thay đổi, nên khi xét xử sơ thẩm đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét làm rõ các vấn đề trên là hợp lý.
[6] Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét. Về án phí hình sự phúc thẩm người kháng cáo không phải chịu.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 của Bộ luật Tố tụng hình sự;
Không chấp nhận kháng cáo của bị Hà Thị H1 và Phan Văn H2, giữ quyết định của Bản án hình sự sơ thẩm số 42/2022/HSST ngày 28-7-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định.
2. Áp dụng: Điểm a khoản 4 Điều 174; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự. Điểm b khoản 3 Điều 341; điểm s khoản 1 Điều 51; điểm g khoản 1 Điều 52; Điều 55 của Bộ luật Hình sự.
Xử phạt: Bị cáo Trần Thị T 10 (mười) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 03 (ba) năm tù về tội “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt buộc bị cáo phải chấp hành chung cho cả hai tội là 13 (mười ba) năm tù; thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 23-4-2021.
3. Về bồi thường thiệt hại: Áp dụng Điều 584; 585; 586; 589 của Bộ luật Dân sự. Buộc bị cáo Trần Thị T và anh Lê Tấn D phải bồi thường cho vợ chồng anh Phan Văn H2 và chị Hà Thị H1 862.858.000 đồng.
4. Các quyết định khác còn lại của Bản án hình sự sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hiệu kháng cáo kháng nghị, được thi hành án theo quyết định của bản án sơ thẩm.
5. Kiến nghị các Cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Bình Định tiếp tục xác minh làm rõ hành vi có đồng phạm hay không trong vụ án này của Lê Tấn D theo quy định của pháp luật.
Bản án hình sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 423/2022/HS-PT về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
Số hiệu: | 423/2022/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2022 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về