Bản án 42/2023/HS-ST về tội hủy hoại rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẢO LẠC, TỈNH CAO BẰNG

BẢN ÁN 42/2023/HS-ST NGÀY 15/09/2023 VỀ TỘI HỦY HOẠI RỪNG

Ngày 15 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 39/2023/TLST- HS ngày 23 tháng 8 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 38/2023/QĐXXST-HS ngày 05 tháng 9 năm 2023 đối với:

1. Bị cáo Sào Dùn P, sinh ngày 10 tháng 9 năm 1959.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Xóm L, xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: Không biết chữ; Dân tộc: Dao; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Sào Dùn L, (đã chết) và bà Sào Mùi S (đã chết); Vợ: Đặng Mùi S1, sinh năm 1959; Con: Có 02 con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không có; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú từ khi khởi tố vụ án cho đến nay, bị cáo có mặt tại phiên toà.

2. Bị cáo Đặng Mùi S1, sinh ngày 03 tháng 6 năm 1959.

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện nay: Xóm L, xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng; Nghề nghiệp: Trồng trọt; Trình độ học vấn: Không biết chữ; Dân tộc: Dao; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Đặng Quầy C (đã chết) và bà Đặng Mùi L1 (Đã chết); Chồng: Sào Dùn P, sinh năm 1959; Con: Có 02 con; Tiền án: Không; Tiền sự: Không có; Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú (có mặt tại phiên toà).

* Nguyên đơn dân sự:

Ủy ban nhân dân huyện B, tỉnh Cao Bằng – Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Mạnh H – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B, tỉnh Cao Bằng.

Người đại diện theo uỷ quyền của Nguyên đơn dân sự: Ông Lương Văn C1 – Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng. Người được ủy quyền lại: ông Hoàng Văn N – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã H, huyện B (Có mặt tại phiên tòa).

* Người bị hại:

- Ông Hoàng Sành V, sinh năm 1972; Địa chỉ: Xóm P, xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng. (Có mặt)

- Ông Hoàng Thồng P1, sinh năm 1970; Địa chỉ: Xóm P, xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng. (Có mặt)

- Bà Hoàng Mùi K, sinh năm: 1956; Địa chỉ: Xóm P, xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng. (Có mặt)

* Người phiên dịch:Ông Phùng Tòn C2 – Trú tại: Bản K, Hồ N, B, Cao Bằng. (Có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Ngày 06/3/2023, Hạt kiểm lâm huyện B nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc phá rừng tại xóm P, xã H, huyện B, Cao Bằng. Qua xác minh, phát hiện Sào Dùn P sinh năm 1959 và vợ Đặng Mùi S1, sinh năm 1959, cùng trú tại xóm L, xã H, huyện B, C là người thực hiện. Ngày 07/3/2023, Hạt kiểm lâm huyện B tiến hành kiểm tra thực tế ngoài thực địa xác định vị trí rừng bị phá thuộc lô 35, khoảnh 17, tiểu khu H tại xóm P, H, B, Cao Bằng là loại rừng tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo, Mục đích sử dụng là rừng sản xuất, chủ quản lý là nhóm hộ ông Hoàng Sành V, sinh năm 1972, ông Hoàng Thồng P1, sinh năm 1970 và bà Hoàng Mùi K, sinh năm 1956 đều cùng trú tại xóm P, H, B. Ngày 15/3/2023 Hạt kiểm lâm huyện đã phối hợp với Công an huyện, Viện kiểm sát huyện, Ủy ban nhân dân xã H tiến hành kiểm tra hiện trường, xác định diện tích rừng bị phá khoảng 8.092m2 (T nghìn không trăm chín mươi hai mét vuông); các cây rừng bị chặt hạ là 453 (Bốn trăm năm mươi ba) cây, tổng khối lượng các cây là 22,434m3 (Hai mươi hai phẩy bốn trăm ba mươi tư mét khối). Ngày 04/5/2023 H đã ra quyết định khởi tố vụ án và chuyển toàn hồ sơ và các tài liệu có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B để điều tra, xác minh theo thẩm quyền.

Ngày 25/5/2023, Cơ quan điều tra Công an huyện B phố hợp với Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Cao Bằng và các thành phần liên quan tiến hành đo đạc xác định diện tích thực tế rừng bị chặt phá tại xóm P, H, B. Kết quả : Diện tích rừng bị chặt phá là 7.468,7m2 (Bảy nghìn bốn trăm sáu mươi tám phẩy bảy mét vuông).

Quá trình điều tra xác minh, thu thập tài liệu xác định khu rừng bị chặt phá tại xóm P, H, B, Cao Bằng thuộc lô 35, khoảnh 17, tiểu khu H. Là loại rừng tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo. Mục đích sử dụng là rừng sản xuất, chủ quản lý là nhóm hộ các gia đình ông Hoàng Sành V, ông Hoàng Thồng P1 và bà Hoàng Mùi K, đều cùng trú tại xóm P, xã H, huyện B, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BY56689.

Qua kiểm đếm, thống kê khối lượng gỗ tự nhiên bị chặt hạ trong khu rừng bị chặt phá tại xóm P, xã H có tổng khối lượng là: 22,434m3 (Hai mươi hai phẩy bốn trăm ba mươi tư mét khối). Cơ quan điều tra đã yêu cầu định giá tài sản để xác định thiệt hại.

Tại bản kết luận định giá tài sản số 08 ngày 25/5/2023 của Hội đồng định giá tài sản huyện B kết luận: Giá trị của 22,434m3 (Hai mươi hai phẩy bốn trăm ba mươi tư mét khối) gỗ thông thường là 8.524.920 đồng (Tám triệu năm trăm hai tư nghìn chín trăm hai mươi đồng).

Quá trình điều tra làm rõ: Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 là hai vợ chồng cùng sinh sống tại xóm L, xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng. Do không có đất để canh tác trồng ngô nên vào các ngày 02/02/2023 đến ngày 05/02/2023 P và S1 đã đến khu rừng thuộc lô 35, khoảnh 17, tiểu khu H tại xóm P, H, B, mà P đã nhận nhượng lại mảnh đất này từ trước để phát cỏ, chặt cây. Phin dùng cưa xăng để cưa đổ các cây gỗ, còn S1 dùng dao chặt các cây nhỏ, thời gian phá rừng trong 04 ngày. P và S1 cho biết khu vực đất rừng này mua với một người đàn ông tên S2 từ rất nhiều năm về trước, khi mua có giấy tờ mua bán nhưng lâu ngày nên giấy tờ mua bán đã mất, gia đình đã canh tác trên đất này từ lâu nhưng do đất bạc màu nên bỏ hoang. Do nghĩ là đất của gia đình nên khi chặt hạ các cây gỗ, P và S1 không thông báo và xin phép cơ quan chức năng.

Tại Cơ quan điều tra, Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 đã thừa nhận hành vi của mình, lời khai của P và S1 phù hợp với lời khai những người liên quan và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.

Ý kiến của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự: Ông Hoàng Văn N - Phó Chủ tịch xã H, được uỷ quyền tham gia tố tụng, yêu cầu Sào D, Đặng Mùi S1 nộp tiền bồi thường cho Nhà nước tương ứng trị giá số lâm sản bị chặt phá là 8.524.920 đồng (Tám triệu năm trăm hai tư nghìn chín trăm hai mươi đồng), ngoài ra không có yêu cầu gì thêm.

Các hộ ông Hoàng Sành V, ông Hoàng Thồng P1 và bà Hoàng Mùi K là các hộ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không yêu cầu hay đề nghị gì.

Tại phiên tòa Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng giữ nguyên quan điểm truy tố như Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử:

- Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 phạm tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự.

- Về hình phạt đề nghị: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 mỗi bị cáo từ 12 đến 15 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 24 đến 30 tháng.

- Về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng: Đề nghị hội đồng xét xử giải quyết theo quy định pháp luật.

- Về án phí: Buộc các bị cáo nộp án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện B, tỉnh Cao Bằng; Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng; Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Xét hành vi phạm tội của các bị cáo:

Vào các ngày từ 02/02/2023 đến 05//02/2023 Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 thực hiện hành vi chặt, phá rừng tại lô C, khoảnh 17, tiểu khu H tại xóm P, xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng nhằm mục đích lấy đất để trồng ngô, cải thiện đời sống. P dùng máy cưa xăng để cưa đổ các cây gỗ to, còn S1 dùng dao quắm chặt các cây gỗ nhỏ. Diện tích rừng bị hủy hoại là 7.468,7m2 (Bảy nghìn bốn trăm sáu mươi tám phẩy bảy mét vuông), số cây bị chặt hạ là 453 cây có khối lượng 22,434m3 (Hai mươi hai phẩy bốn trăm ba mươi tư mét khối) gỗ thông thường, trị giá 8.524.920 đồng (Tám triệu năm trăm hai tư nghìn chín trăm hai mươi đồng).

Tại phiên tòa các bị cáo Sào Dùn P và Đặng Mui S3 đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của các bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác và phù hợp với các vật chứng có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, tranh tụng tại phiên tòa.

Khi thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo S4 Dùn P và Đặng Mùi S1 là người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi hành vi do mình gây ra, các bị cáo thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng truy tố các bị cáo Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 về tội “Hủy hoại rừng” theo điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

[3] Nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Các bị cáo Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có sức khỏe,. Quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo luôn thành khẩn khai báo và ăn năn hối lỗi về hành vi mình gây ra. Các bị cáo đã tự nguyện nộp một khoản tiền để bồi thường thiệt hại với mong muốn khắc phục một phần hậu quả do mình gây ra. Do vậy cần cho các bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Tình tiết tăng nặng: Không có.

Hội đồng xét xử xét thấy các bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, quá trình sinh sống tại địa phương luôn thực hiện tốt, đầy đủ nghĩa vụ công dân nơi cư trú, chưa có tiền án tiền sự nên không cần thiết cách ly các bị cáo ra khỏi đời sống xã hội mà chỉ cần đưa ra một mức án phù hợp để giám sát giáo dục các bị cáo vẫn đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Trong vụ án này, các bị cáo là vợ chồng, tham gia với vai trò đồng phạm giản đơn, xét mức độ hành vi tham gia thì bị cáo P là người thực hành tích cực hơn, trực tiếp dùng máy cưa xăng để đốn hạ các cây cỡ lớn, nên sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn.

[4] Về trách nhiệm dân sự:

Tổng trị giá lâm sản bị thiệt hại là 8.524.920 đồng (Tám triệu năm trăm hai tư nghìn chín trăm hai mươi đồng), cần buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Nhà nước. Tuy nhiên, xét mức độ hành vi tham gia thì bị cáo P phải chịu trách nhiệm nhiều hơn so với bị cáo S1. Cụ thể bị cáo P bồi thường số tiền 5.000.000đ, bị cáo S1 bồi thường số tiền 3.524.920đ. Xác nhận mỗi bị cáo đã tạm nộp số tiền 2.000.000đ, theo biên lai thu tiền số:0001401 và 0001402, ngày 15/9/2023 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bị cáo P còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền còn lại là 3.000.000đ, bị cáo S1 còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền còn lại là 1.524.920đ để nộp vào ngân sách Nhà nước.

[5] Về xử lý vật chứng:

- Đối với 453 cây gỗ thông thường có khối lượng 22,434m3 (Hai mươi hai phẩy bốn trăm ba mươi tư mét khối), hiện đang để tại hiện trường vụ việc, giao cho UBND xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng xử lý tận thu theo quy định của pháp luật.

- Đối với 01 (Một) con dao quắm (đã qua sử dụng) là công cụ các bị cáo dùng để thực hiện hành vi phạm tội, không còn giá trị nên cần tịch thu tiêu hủy.

- Đối với 01 (Một) máy cưa xăng nhãn hiệu Husqvarna (đã qua sử dụng) là công cụ các bị cáo dùng để thực hiện hành vi phạm tội nên cần tịch thu phát mại sung công quỹ nhà nước.

[6] Về án phí: Các bị cáo là người cao tuổi thuộc diện được miễn án phí theo quy định của Pháp luật và đã có đơn xin miễn án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 phạm tội “Hủy hoại rừng”.

2. Về hình phạt: Áp dụng điểm b khoản 1 Điều 243; điểm b, s khoản 1 Điều 51; Điều 65 Bộ luật Hình sự:

- Xử phạt bị cáo Sào D Phin 14 (Mười bốn) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 28 (Hai mươi tám) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

- Xử phạt bị cáo Đặng Mùi S1 12 (Mười hai) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (Hai mươi bốn) tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao các bị cáo Sào Dùn P2 và Đặng Mùi S1 cho Ủy ban nhân dân xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng giám sát, giáo dục. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 (Hai) lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Giao cho Ủy ban nhân dân xã H, huyện B, tỉnh Cao Bằng xử lý tận thu theo quy định đối với: 453 cây gỗ thông thường có khối lượng 22,434m3 (Hai mươi hai phẩy bốn trăm ba mươi tư mét khối), hiện đang để tạị hiện trường, theo biên bản giao nhận đồ vật tài liệu, vật chứng ngày 16/3/2023 giữa Hạt kiểm lâm huyện B và Ủy ban nhân dân xã H, huyện B.

- Tịch thu tiêu hủy: 01 (Một) con dao quắm (đã qua sử dụng).

- Tịch thu phát mại sung công quỹ nhà nước: 01 (Một) 01 (Một) máy cưa xăng nhãn hiệu Husqvarna (đã qua sử dụng).

Toàn bộ số vật chứng đã được giao tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng theo Biên bản giao nhận vật chứng, tài sản số 50 ngày 25/8/2023.

4. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 584, Điều 585, Điều 586 và Điều 589 của Bộ luật dân sự;

- Buộc bị cáo Sào Dùn P phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 5.000.000đồng. (Xác nhận bị cáo đã tạm nộp số tiền 2.000.000đồng, theo biên lai thu tiền số: 0001401, ngày 15/9/2023 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bị cáo còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền còn lại là 3.000.000 đồng, để nộp vào ngân sách Nhà nước.

- Buộc bị cáo Đặng Mùi S1 phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 3.524.920đ. (Xác nhận bị cáo đã tạm nộp số tiền 2.000.000đồng, theo biên lai thu tiền số: 0001402, ngày 15/9/2023 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bị cáo còn phải thực hiện nghĩa vụ nộp số tiền còn lại là 1.524.920đ, để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu của người được thi hành án nếu bị cáo chưa bồi thường khoản tiền trên thì hàng tháng phải chịu tiền lãi của số tiền chưa bồi thường theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự, tương ứng với số tiền và thời gian chậm bồi thường.

5. Về án phí: Căn cứ điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án: Các bị cáo Sào Dùn P và Đặng Mùi S1 được miễn toàn bộ án phí theo quy định.

6. Về quyền kháng cáo: Áp dụng Điều 331, Điều 333 Bộ luật tố tụng hình sự:

Các bị cáo, người bị hại, người đại điện theo ủy quyền của nguyên đơn dân sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

65
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 42/2023/HS-ST về tội hủy hoại rừng

Số hiệu:42/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bảo Lạc - Cao Bằng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 15/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;