Bản án 42/2019/DS-ST ngày 26/11/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH THUẬN, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 42/2019/DS-ST NGÀY 26/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong ngày 26 tháng 11 năm 2019, tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 47/2019/TLST-DS ngày 13/5/2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 115/2019/QĐXXST-DS ngày 07/10/2019 và Quyết định hoãn phiên tòa số 51/2019/QĐST-DS ngày 05/11/2019, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ngân hàng L; địa chỉ: Số 1, phường V, thành phố G, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo pháp luật bà A - Chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền ông P - Chức vụ: Phó Giám đốc Phòng Giao dịch huyện Vĩnh Thuận.

* Bị đơn:

1. Ông B, sinh năm 1968:

2. Bà T, sinh năm 1971:

3. Anh L, sinh năm 1990:

4. Chị N, sinh năm 1993:

5. Anh L1, sinh năm 1995:

6. Anh G, sinh năm 1997.

Cùng địa chỉ: ấp T, xã N, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

(Đại diện nguyên đơn có mặt, tất cả các bị đơn vắng mặt lần 02 không lý do)

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 24/4/2019 nguyên đơn trình bày: Ông B và bà T có ký hợp đồng tín dụng số CT1875/HĐTD ngày 28/3/2012 với Ngân hàng L (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) vay số tiền 77.000.000 đồng. Mục đích vay là để bổ sung vốn trồng lúa, nuôi tôm. Giải ngân ngày 28/3/2012, thời hạn vay là 12 tháng, ngày hết hạn là 28/3/2013. Lãi suất cho vay kể từ ngày 28/3/2012 đến ngày 28/9/2012 là 2%/tháng, kể từ ngày 29/9/2012 trở đi lãi cho vay được điều chỉnh 06 tháng 01 lần:

lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất cho vay trước thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Khi vay tiền ông B, bà T có ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số CT1875/HĐTC ngày 28/3/2012, gồm: Quyền sử dụng đất số AH374232, thửa số 31063.01.420, tờ bản đồ số 01, diện tích 765 m2 và quyền sử dụng đất số AH374231, thửa số 31063.01.421, tờ bản đồ số 01, diện tích 22.811 m2, đều tọa lạc tại ấp T, xã N, huyện T, tỉnh Kiên Giang do hộ ông B và bà T đứng tên.

Kể từ ngày nhận tiền vay cho đến nay ông B, bà T liên tục vi phạm hợp đồng tín dụng, không thanh toán nợ. Tạm tính đến ngày 24/4/2019 ông B, bà T nợ 297.981.043 đồng, trong đó nợ gốc 77.000.000 đồng, lãi trong hạn là 18.235.226 đồng, lãi quá hạn 160.608.718 đồng, lãi chậm trả lãi 42.137.100 đồng.

Ngân hàng yêu cầu ông B, bà T, bà T1, anh L, chị N, anh L1, anh G trả cho Ngân hàng số tiền 297.981.043 đồng và tiền lãi phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng đến khi thanh toán dứt nợ. Sau khi án có hiệu lực mà không thanh toán nợ thì Ngân hàng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên đấu giá tài sản thế chấp để thanh toán nợ.

Ngày 08/10/2019, Ngân hàng có văn bản rút yêu cầu đối với bà T1.

Tại phiên tòa Ngân hàng thay đổi yêu cầu như sau: Yêu cầu ông B và bà T trả số tiền là 271.491.883 đồng. Trong đó: tiền gốc là 77.000.000 đồng, lãi trong hạn 18.235.226 đồng, lãi quá hạn 176.256.658 đồng. Sau khi án có hiệu lực mà ông B, bà T không thanh toán nợ thì Ngân hàng yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên đấu giá tài sản thế chấp để thanh toán nợ.

* Bị đơn vắng mặt trong suốt quá trình Tòa án giải quyết vụ án nên không có lời trình bày.

* Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử và nguyên đơn đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn đã thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng và chấp hành nội quy phiên tòa. Bị đơn vắng mặt phiên tòa lần hai không lý do nên Hội đồng xét xử áp dụng Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự xét xử vắng mặt là đúng quy định.

Về nội dung vụ án: Ngân hàng yêu cầu trả nợ gốc, lãi trong hạn, lãi quá hạn đúng theo quy định của pháp luật nên đề nghị chấp chận yêu cầu của Ngân hàng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Theo đơn khởi kiện Ngân hàng có kiện bà T1 nhưng sau đó đã có văn bản rút yêu cầu đối với bà T1, bà T1 không có yêu cầu phản tố nên khi xét xử Tòa án không cần đưa bà T1 vào tham gia tố tụng với tư cách là bị đơn.

Ngân hàng có văn bản đề nghị không tiến hành hòa giải nên vụ án không tiến hành hòa giải được theo quy định tại Điều 207 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tòa án triệu tập xét xử hợp lệ hai lần nhưng bị đơn đều vắng mặt không lý do, không vì sự kiện bất khả kháng nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Ông B, bà T ký hợp đồng tín dụng vay tiền tại Ngân hàng L, nhưng không thực hiện việc thanh toán nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký nên Ngân hàng khởi kiện yêu cầu thanh toán nợ, do đó xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.

[2] Về nội dung vụ án: Ngày 28/3/2012 ông B và bà T có ký hợp đồng tín dụng số CT1875/HĐTD ngày 28/3/2012 với Ngân hàng L vay số tiền 77.000.000 đồng; thời hạn vay là 12 tháng, ngày hết hạn là 28/3/2013. Tài sản thế chấp theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số CT1875/HĐTC ngày 28/3/2012, gồm: Quyền sử dụng đất số AH374232, thửa số 31063.01.420, tờ bản đồ số 01, diện tích 765 m2 và quyền sử dụng đất số AH374231, thửa số 31063.01.421, tờ bản đồ số 01, diện tích 22.811 m2, đều tọa lạc tại ấp T, xã N, huyện T, tỉnh Kiên Giang do hộ ông B và bà T đứng tên.

Tuy nhiên, sau khi Ngân hàng giải ngân, ông B, bà T vi phạm hợp đồng, không thanh toán nợ cho Ngân hàng theo hợp đồng đã ký. Do tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, trên giấy chứng nhận ghi hộ ông B và bà T nên khi khởi kiện Ngân hàng khởi kiện cả những người có trong hộ khẩu của ông B. Tòa án đã tống đạt hợp lệ Thông báo thụ lý vụ án cho bị đơn, nhưng bị đơn không có văn bản gửi cho Tòa án và cũng không đến Tòa án để trình bày ý kiến của mình.

Tại phiên tòa, nguyên đơn thay đổi yêu cầu, chỉ yêu cầu ông B, bà T trả số tiền 271.491.883 đồng, không yêu cầu anh L, chị N, anh L1, anh G cùng liên đới trả nợ. Đồng thời không yêu cầu đối với số tiền phạt chậm trả là 42.137.100 đồng.

Khi khởi kiện nguyên đơn đã cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ông B, bà T vay tiền 77.000.000 đồng. Hợp đồng có thỏa thuận lãi suất không vược mức quy định, do đó Hội đồng xét xử thấy yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp quy định của pháp luật nên cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn theo đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát. Theo đó, ông B và bà T có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng số tiền 271.491.883 đồng. Trong đó: tiền gốc là 77.000.000 đồng, lãi trong hạn 18.235.226 đồng, lãi quá hạn 176.256.658 đồng. Đồng thời ông B, bà T phải tiếp tục chịu lãi theo hợp đồng đã ký đối với số nợ chưa thi hành kể từ ngày 27/11/2019 cho đến khi thanh toán xong số nợ.

[3] Đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, Tòa án đã có thông báo và triệu tập những người trong hộ gia đình của ông B là anh L, chị N, anh L1, anh G. Nhưng tất cả đều vắng mặt, không thể hiện ý kiến của mình. Tòa án cũng đã tổ chức mở phiên tòa hai lần nhưng bị đơn vẫn vắng mặt không lý do. Việc vắng mặt của bị đơn là tự đánh mất các quyền được tự thỏa thuận, mất quyền được trình bày ý kiến và tranh tụng tại phiên tòa, cũng như đã từ bỏ quyền lợi của mình.

Do đó, sau khi án có hiệu lực mà ông B, bà T không thanh toán nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên bán đấu giá tài sản đã thế chấp theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số CT1875/HĐTC ngày 28/3/2012 để thu hồi nợ, tài sản gồm: Quyền sử dụng đất số AH374232, thửa số 31063.01.420, tờ bản đồ số 01, diện tích 765 m2 và quyền sử dụng đất số AH374231, thửa số 31063.01.421, tờ bản đồ số 01, diện tích 22.811 m2, đều tọa lạc tại ấp T, xã N, huyện T, tỉnh Kiên Giang do hộ ông B và bà T đứng tên.

[4] Án phí sơ thẩm: Căn cứ Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự và Điều 6, 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án; yêu cầu của Ngân hàng được chấp nhận nên ông B, bà T cùng liên đới chịu án phí đối với nghĩa vụ phải thi hành là 13.574.000 đồng.

Ngân hàng không chịu án phí nên được hoàn trả tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ các Điều 91, 92, 147, 207, 227, 271, 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Căn cứ Điều 95 của Luật các tổ chức tín dụng; Điều 280, 463, 466, 468 của Bộ luật Dân sự; các Điều 6, Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Ngân hàng L đối với ông B và bà T; buộc ông B và bà T trả cho Ngân hàng số tiền 271.491.883 đồng (Hai trăm bảy mươi mốt triệu bốn trăm chín mươi mốt nghìn tám trăm tám mươi ba đồng). Trong đó: tiền gốc là 77.000.000 đồng (Bảy mươi bảy triệu đồng), lãi trong hạn 18.235.226 đồng (Mười tám triệu hai trăm ba mươi lăm nghìn hai trăm hai mươi sáu đồng), lãi quá hạn 176.256.658 đồng (Một trăm bảy mươi sáu triệu hai trăm năm mươi sáu nghìn sáu trăm năm mươi tám đồng).

Ngân hàng có quyền tiếp tục tính lãi theo mức lãi suất thỏa thuận của hợp đồng tín dụng đã ký đối với số nợ chưa thanh toán kể từ ngày 27/11/2019 cho đến khi thi hành án xong. Sau khi án có hiệu lực mà ông B, bà T không thanh toán nợ thì Ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kê biên bán đấu giá tài sản đã thế chấp theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số CT1875/HĐTC ngày 28/3/2012 để thu hồi nợ, tài sản gồm: Quyền sử dụng đất số AH374232, thửa số 31063.01.420, tờ bản đồ số 01, diện tích 765 m2 và quyền sử dụng đất số AH374231, thửa số 31063.01.421, tờ bản đồ số 01, diện tích 22.811 m2, đều tọa lạc tại ấp T, xã N, huyện T, tỉnh Kiên Giang do hộ ông B và bà T đứng tên.

2. Án phí sơ thẩm: Ông B, bà T cùng liên đới chịu án phí sơ thẩm là 13.574.000 đồng (Mười ba triệu năm trăm bảy mươi bốn nghìn đồng).

Hoàn trả cho Ngân hàng số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 7.499.500 đồng (Bảy triệu bốn trăm chín mươi chín nghìn năm trăm đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0000127 ngày 10/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận.

3. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

4. Nguyên đơn có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; bị đơn vắng mặt phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

350
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 42/2019/DS-ST ngày 26/11/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:42/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vĩnh Thuận - Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 26/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;