TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 42/2018/DS-PT NGÀY 02/03/2018 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI SỨC KHỎE VÀ TÀI SẢN
Trong các ngày 23 tháng 01 và ngày 02 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 176/2017/TLPT-DS ngày 07 tháng 11 năm 2017 về “tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe và tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2017/DS-ST ngày 09/08/2017 của Tòa án nhân dân huyện K bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 271/2017/QĐ-PT ngày 29/12/2017 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
Ông Nguyễn Tấn V, sinh năm 1963
Bà Trần Thị G, sinh năm 1969
Cùng địa chỉ: ấp K, xã H, huyện A, tỉnh Kiên Giang.
- Bị đơn: Ông Võ Minh P, sinh năm 1977
Địa chỉ: ấp B, xã L, huyện K, tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện theo ủy quyền của ông P: Ông Võ Đức T, sinh năm 1953
Địa chỉ: ấp B, xã L, huyện K, tỉnh Kiên Giang.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
NLQ1
NLQ2
Cùng địa chỉ: ấp B, xã L, huyện K, tỉnh Kiên Giang.
Người đại diện theo ủy quyền của NLQ1: Ông Võ Minh P, sinh năm 1977
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G.
(Phiên tòa ngày 23/01/2018 có mặt ông V, bà G và ông P; phiên tòa ngày 02/3/2018 có mặt ông V, bà G và ông T)
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Ông Nguyễn Tấn V và bà Trần Thị G trình bày: Ông V là chủ tàu biển số hiệu KG 28027 TS chuyên đánh bắt ốc, mực trên vùng biển của tỉnh Kiên Giang. Tàu của ông V đã đến vùng biển có tọa độ trên 50.000 - 47.000, tọa độ dưới là 43.900 - 45.000 thuộc vùng biển gần Xẻo Nhàu và Hòn Sơn để khai thác ốc từ năm 2012 đến nay. Đến ngày 18/9/2015, ông Võ Minh P là chủ tàu biển số hiệu KG94423 TS cho hai ghe ốc vào lấn chiếm nền ốc của ông V đang khai thác. Ông V đã yêu cầu ông P di chuyển tàu sang nơi khác đánh bắt trả lại nền ốc nhưng ông P không đồng ý. Ông V đã trình bày sự việc đến đồn biên phòng Hòn Sơn để hòa giải nhưng không thành, ông P cho ghe biển vào đánh bắt và lấn chiếm luôn phần nền của ông V. Đến ngày 27/11/2015, ông P tự ý chọi bột làm mờ các cửa kính rồi dùng đá 4x6 chọi vào ghe ông V làm bể toàn bộ cửa kính trên ghe. Đến ngày 08/12/2015 ông P tiếp tục chọi đá làm hư hỏng bể cửa kính, bể nắp thùng đá của ghe tàu biển và ông V bị trúng 3 cục đá vào đầu, lưng và vai gây thương tích cho ông V. Thấy vậy ông V cắt neo bỏ chạy để vào bệnh viện nhưng ông P vẫn cho ghe đuổi theo. Sau đó, ông P tiếp tục cho ghe kéo ốc của ông V đến nay, gây cho ông V thiệt hại như sau:
- Tiền ốc 23.500 con ốc x 12.000đ = 282.000.000đ.
- Tiền dây thẻo: 50 cuộn x 100.000đ/01 cuộn = 5.000.000đ
- Tiền dây chạc: 920kg x 01.000đ/kg = 18.400.000đ.
- Tiền xe, tiền thuốc, tiền công chi phí điều trị trong thời gian nằm viện: 3.500.000đ.
- Tiền neo, dây neo 3.000.000đ, bể kính khung 4.000.000đ, tiền 2 nắp thùng nước đá Thái lan 1.000.000đ x 2 = 2.000.000đ.
- Tiền công lao động 10 ngày do không đi làm được sau khi ra viện về mỗi ngày là 400.000đ x10 ngày = 4.000.000đ.
Tổng cộng thiệt hại do ông P gây ra cho ông V là: 321.900.000đ. Nay ông V, bà G yêu cầu Tòa án buộc ông P bồi thường tổng số tiền 321.900.000đ và yêu cầu Tòa án buộc ông P phải trả lại nền ốc cho ông V có tọa độ trên 50.000 - 47.000, tọa độ dưới là 43.900 – 45.000 thuộc vùng biển gần Xẻo Nhàu và Hòn Sơn thuộc vùng biển Kiên Giang để ông V khai thác đánh ốc mực.
* Ông Võ Minh P trình bày: Ông hành nghề đánh bắt hải sản trên biển và thường xuyên bị mất ốc mực, khi ông đang đánh bắt trên vùng biển Xẻo Nhàu - Hòn Sơn thì không thấy tàu của ông V đánh bắt ở đây. Khoảng 15 ngày sau khi ông đang đánh bắt ở đây thì thấy ông V bảo rằng mặt biển này là của ông V đánh bắt mấy năm nay và yêu cầu ông đánh chỗ khác. Ông nói đây là biển của Nhà nước, ông V không đánh nữa thì ông đánh nhưng ông V không đồng ý và lúc đó ông thấy ông V có mang theo chiếc vỏ. Ông nói ông V ra biển mang chiếc vỏ theo ăn trộm lưới ốc phải không? Sau đó ông V ném đá qua tàu ông và ông ném đá qua tàu ông V, ngư phủ trên tàu ông là Phạm Văn L bị ông V chọi bể đầu và ông V cũng bị ông chọi đá trúng đầu, ghe ông V bể kính. Các ngư phủ trong ghe ông không tham gia chọi đá. Sau khi chọi đá qua lại tàu ông và tàu ông V chạy vào bờ, vài tiếng đồng hồ sau ông chạy ra để kéo ốc lên thì ông phát hiện ông bị mất vài thiên ốc. Lúc ông kéo ốc của ông lên không thấy lưới ốc của ông V và cũng không biết lưới ốc của ông V ở đâu. Nay ông đồng ý bồi thường tiền thuốc, tiền tàu xe, tiền chi phí chữa trị, tiền công trong thời gian điều trị cho ông V là 3.500.000đ. Còn tiền bề cửa kính, nắp thùng đá thì bên ông cũng bị tổn thất thiệt hại nên không đồng ý bồi thường, còn phần lưới ốc của ông V thì ông không có lấy nên không đồng ý bồi thường. Ghe biển số KG- 94423TS là ghe của em ông là NLQ2 cho ông từ năm 2013, ông dùng ghe để đánh ốc mực hiện chưa sang tên, ông đồng ý chịu trách nhiệm do ghe KG94423TS gây ra.
* NLQ2 trình bày: Ông và ông P là hai anh em ruột, ghe mang biển số KG 94423 đứng tên ông nhưng ông đã cho ông P sử dụng từ năm 2013 đến nay. Sự việc ông P dùng ghe KG 94423 xô sát tranh giành nền đánh ốc mực với ông V thì ông không biết, không liên quan đến ông vì ghe ông đã cho ông P.
* Tại bản án sơ thẩm số 03/2017/DS-ST ngày 09/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện K đã quyết định:
- Chấp nhận một phần yêu cầu của ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G.
- Ghi nhận sự thỏa thuận giữa ông Nguyễn Tấn V và ông Võ Minh P về tiền bồi thường thiệt hại sức khỏe là 3.500.000đ (Ba triệu năm trăm nghìn đồng).
- Buộc ông Võ Minh P phải bồi thường cho ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G số tiền thiệt hại tài sản gồm dây neo và neo là 2.600.000đ (Hai triệu sáu trăm nghìn đồng), tiền kính, khung kính bị bể và công sửa chữa là 2.000.000đ (Hai triệu đồng).
- Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G về yêu cầu ông Võ Minh P bồi thường thiệt hại số tiền là 313.800.000đ (Ba trăm mười ba triệu tám trăm nghìn đồng).
Án sơ thẩm còn tuyên về án phí, lãi suất chậm thi hành án và báo quyền kháng cáo theo hạn luật định.
* Ngày 18/8/2017 ông V, bà G kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm, buộc ông P phải bồi thường tiền chọi làm bể kính tàu đánh cá 02 lần; tiền viện phí, thuốc men, tàu xe và ngày công lao động chưa thỏa đáng; bồi thường tổng số tiền ốc và dây là 305.000.000đồng; yêu cầu trả lại khu vực đánh bắt hải sản cho ông.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn ông V, bà G giữ nguyên nội dung kháng cáo, yêu cầu ông P phải bồi thường tiền chọi làm bể kính tàu đánh cá 02 lần là 4.000.000đồng; xem xét tiền viện phí, thuốc men, tàu xe và ngày công lao động cho thỏa đáng; bồi thường tổng số tiền ốc và dây là 305.000.000đồng; yêu cầu trả lại khu vực đánh bắt hải sản cho ông V.
Còn ông P không đồng ý với nội dung kháng cáo của ông V, bà G, yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm: Về thủ tục tố tụng, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Về hướng giải quyết vụ kiện, đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của ông V, bà G, buộc ông P bồi thường làm bể kính 02 lần với số tiền là 4.000.000đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Ông Nguyễn Tấn V sử dụng tàu biển số hiệu KG 28027 TS chuyên đánh bắt ốc, mực trên vùng biển gần Xẻo Nhàu và Hòn Sơn của tỉnh Kiên Giang. Ông V cho rằng ông Võ Minh P sử dụng tàu số hiệu KG94423TS tranh giành vị trí (nền) đánh ốc mực của ông V, dùng đá loại 4x6 ném chọi qua tàu ông V làm mất, gây thiệt hại một số tài sản và làm ông V bị thương nên ông yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tài sản. Còn ông P xác định hai bên có xảy ra xô xát, ném đá qua lại với nhau, phía ông cũng có thiệt hại, mất một số tài sản nên ông không đồng ý đối với yêu cầu khởi kiện của ông V, bà G. Xét thấy, việc tàu ông V và tàu ông P có xảy ra xô xát, làm thiệt hại tài sản và làm ông V bị thương là có thật, được hai bên đương sự thừa nhận và chứng kiến của một số người đi làm công trên tàu.
[2] Xét nội dung kháng cáo của ông V, bà G yêu cầu ông P phải bồi thường tiền chọi làm bể kính tàu đánh cá 02 lần vào ngày 27/11/2015 và ngày 08/12/2015 với số tiền là 4.000.000đồng. Hội đồng xét xử xét thấy việc tàu ông V và tàu ông P xảy ra xô xát, phía ông P chọi đá làm bể kính tàu của ông V, được hai bên đương sự thừa nhận. Việc hai bên xô sát cũng được đồn biên phòng Hòn Sơn lập biên bản, do đó ông V, bà G yêu cầu ông P bồi thường thiệt hại kính tàu đánh cá 02 lần với số tiền 4.000.000đồng là có căn cứ. Hội đồng xét xử chấp nhận nội dung kháng cáo này của ông V, bà G.
[3] Xét nội dung kháng cáo của ông V, bà G yêu cầu xem xét tiền viện phí, thuốc, tàu xe và ngày công lao động cho thỏa đáng. Hội đồng xét xử xét thấy căn cứ vào toa thuốc, chi phí điều trị và 02 ngày nằm điều trị bệnh tại bệnh viện (bút lục 18-25), Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông P phải bồi thường tiền viện phí, thuốc, tàu xe và ngày công lao động với số tiền 3.500.000đồng là hoàn toàn có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật.
[4] Xét nội dung kháng cáo của vợ chồng ông V yêu cầu ông P bồi thường tổng số tiền ốc và dây là 305.000.000 đồng vì cho rằng ông P lấy số ốc mực này và yêu cầu trả lại khu vực đánh bắt hải sản. Xét thấy, ông V khởi kiện cho rằng ông P lấy số ốc mực này nhưng trong suốt quá trình giải quyết vụ án ông P không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của mình. Ông cho rằng khi xảy ra xô xát, ông bị thương nên phải chạy vào đất liền điều trị bệnh, vài ngày sau trở ra biển đánh bắt thì phát hiện ốc bị mất, tuy nhiên ông V lại không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông P lấy ốc mực và cũng không có cơ sở xác định số ốc mực là bao nhiêu. Ông V khai rằng có một số người thấy ông V lấy ốc mực như ông Đặng Văn T, Nguyễn Văn L, Đoàn Văn T, tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm họ trình bày trước sau không thống nhất, cụ thể ông T nói không biết việc thả ốc mực, còn ông L và ông T trả lời không có chứng kiến, không biết số lượng thả…(bút lục 188,189). Hơn nữa tại bảng kê yêu cầu bồi thường ngày 16/12/2015 của ông V gửi cơ quan điều tra huyện K và biên bản thỏa thuận dân sự ngày 30/12/2015 thì ông V chỉ yêu cầu bồi thường tổng cộng là 31.232.000 đồng, không có kê khai phần ốc mực (bút lục 16, 100). Còn khu vực đánh bắt thủy hải sản thuộc vùng biển là tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước. Do đó, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xét thấy không có cơ sở chấp nhận nội dung kháng cáo này của ông V, bà G.
Từ những nhận định trên, sau khi thảo luận, Hội đồng xét xử nghị nên chấp nhận ý kiến đề xuất của kiểm sát viên, chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của ông V, bà G. Sửa bản án sơ thẩm theo hướng buộc ông P phải bồi thường cho ông V, bà G thiệt hại về sức khỏe là 3.500.000đ, thiệt hại tài sản gồm dây neo và neo là 2.600.000đ, tiền kính, khung kính bị bể và công sửa chữa 02 lần là 4.000.000đ.
[5] Do bản án sơ thẩm bị sửa nên án phí cũng được xác định lại cho phù hợp, ông P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch là: 10.100.000đồng x 5% = 505.000đồng.
Ông V, bà G phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch đối với phần yêu cầu không được chấp nhận là 311.800.000đ x 5% = 15.590.000đồng.
[6] Về án phí phúc thẩm: Ông V, bà G không phải chịu án phí phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Áp dụng Điều 468, 584, 585, 589, 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
Xử: Chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G. Sửa bản án sơ thẩm số 03/2017/DS-ST ngày 09/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện K.
1- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G.
Buộc ông Võ Minh P phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho ông Nguyễn Tấn V số tiền là 3.500.000đ (Ba triệu năm trăm nghìn đồng).
Buộc ông Võ Minh P phải bồi thường cho ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G số tiền thiệt hại tài sản gồm dây neo và neo là 2.600.000đ (Hai triệu sáu trăm nghìn đồng), tiền kính, khung kính bị bể và công sửa chữa là 4.000.000đ (Bốn triệu đồng).
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nếu người phải thi hành án chậm trả số tiền nêu trên thì người phải thi hành án còn phải trả khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chậm thi hành án.
2- Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Tấn V, bà Trần Thị G về yêu cầu ông Võ Minh P bồi thường thiệt hại số tiền là 311.800.000đ (Ba trăm mười một triệu tám trăm nghìn đồng).
3- Về án phí:
Buộc ông V, bà G phải nộp án phí sơ thẩm là 15.590.000đ (Mười lăm triệu năm trăm chín mươi nghìn đồng), không phải chịu án phí phúc thẩm. Được khấu trừ phần tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 7.930.000đ theo biên lai thu số 26878 ngày 24/03/2016, tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000đồng theo lai thu 02645 ngày 28/8/2017 của chi cục thi hành án huyện K. Ông V, bà G còn phải nộp tiếp số tiền là 7.360.000đ (Bảy triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng).
Buộc ông P phải nộp tiền án phí sơ thẩm là 505.000đ (Năm trăm lẻ năm nghìn đồng).
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.
Bản án 42/2018/DS-PT ngày 02/03/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại sức khỏe và tài sản
Số hiệu: | 42/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 02/03/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về